Dân Chúa Âu Châu

Nghi vấn lịch sử: Phải Chăng phi Đoàn Bắc Tiến của Tướng Nguyễn Cao Kỳ  đã oanh tac trúng Nhà Thờ Tam Tòa?


BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Trong Nguyệt san Dân Chúa Âu Châu tháng 9/2009, chúng tôi đã đề cập tới một số nguồn tin khác nhau về biến cố Nhà Thờ Tam Tòa tại Quảng Bình (Vinh) bị Việt Cộng đặt bom giật sập hay bị bom Mỹ tàn phá. Hai nguồn tin khác nhau về thời điểm Nhà Thờ Tam Tòa bị phá hủy vào năm 1965 và 1968 khiến chúng tôi phân vân và tiếp tục đi tìm sự giải thích có thể chấp nhận được. Từ đó chúng ta có cái nhìn khách quan về lịch sử, không đổ tội cho ai khi chưa chứng minh được các bằng chứng. ( Xem: Biến Động Miền Trung tháng 9/2009)
Sau nhiều ngày cố tâm nghiên cứu báo chí, sách vở và tài liệu trên hệ thống Internet, chúng tôi lại tìm được những nguồn tin khác, trực tiếp hay gián tiếp, có liên quan tới sự sụp đổ của Nhà Thờ Tam Tòa.
Chúng tôi phân tích 2 thời điểm khác nhau:

A-Thời điểm năm 1965

Năm 1965, dưới thời Thủ-tuớng Nguyễn Khánh, chiến dịch tấn công miền Bắc Việt Nam được gọi là Bắc Tiến đã được chuẩn bị. Thời Báo ``TIME´´ của Mỹ ngày 31.7.1964 có bài viết với tựa đề: ``Miền Nam Việt Nam: Bắc tiến?´´ (South Vietnam: To the North?) đề cập tới tình hình chính trị tại miền Nam VN có đoạn như sau:
``Thủ-tướng miền Nam Nguyễn Khánh, không đúng hẳn là thằng phỗng của Hoa Kỳ, chắc chắn là một lãnh tụ mà Hoa Kỳ tỏ ra tín nhiệm nhất, và là người Hoa Kỳ kỳ vọng cao nhất. Tuần trước, Khánh tiến hành chính sách của Mỹ qua sự phát biểu rằng, thực tế chiến tranh chống Cộng-sản không thể thắng nếu chỉ giới hạn tại miền Nam, quyết định duy nhất là tiến công ra miền Bắc VN’’
(South Viet Nam: To the North? South Viet Nam's Premier Nguyen Khanh, not exactly an American puppet, certainly is the Vietnamese leader in whom the U.S. has shown its greatest confidence, and in whom it has placed its highest hopes. Last week, Khanh moved well ahead of official U.S. policy by saying, in effect, that the war against the Reds cannot be won so long as it is restricted to the south, that the only solution is to move against North Viet Nam).
Đưa ra một bằng chứng thiết thực trên, chúng tôi muốn chứng minh việc Không Quân VNCH (KQ/VNCH) oanh tạc miền Bắc là có thật và thời điểm Nhà Thờ Tam Tòa bị phá sập vào năm 1965 có thể tin tưởng được. Còn vấn đề Nhà Thờ Tam Tòa bị phá hủy do Việt Cộng, do bom Mỹ hay bom của KQ/VNCH thì chúng ta cần nhận xét một cách khách quan qua các chứng tích lịch sử.

I-Nguồn tin từ Không Quân Việt Nam Cộng Hòa

Sự thực, kế hoạch dùng Không-quân đánh phá Bắc Việt không phải là ý định đầu tiên của các tướng lãnh Hoa Kỳ, mà từ nhiều tháng trước đó, Thủ-tướng Nguyễn Khánh và Chuẩn-tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tư-lệnh Không-quân, đã đưa ra chiến dịch “Lấp sông Bến Hải, Bắc Tiến”. Chiến dịch này được xác định qua tài liệu dưới đây:
a)-Hồi-ký của Không-quân Trần Đình Giao De Couteau
Qua tựa đề: ``Những Phi-vụ Bắc phạt của Không Quân Việt Nam´´ tác giả đã kể lại:
* Thân tặng: -Những anh em Kiểm báo đã làm việc với tôi tại Trung Tâm Kiểm Báo 41 PANAMA CONTROL trong những năm 1964- 1965 và 1969 tại Đà Nẵng.
* Đồng kính tặng: - Đại Tá Dương Thiệu Hùng, cựu Tư Lệnh Không-đoàn 41 (KĐ 41), người đã hướng dẫn 6 phi tuần khu trục A1H oanh kích những vị trí quân cộng sản Bắc việt tại Đồng Hới ngày 28-2-1965, bị phòng không địch bắn trúng nhưng đã can đảm lái tầu về tới ngoài khơi vịnh Đà Nẵng, nhảy dù an toàn và được cứu cấp đưa về căn cứ. - Tưởng niệm anh hùng phi công, cố Trung Tá Phạm Phú Quốc, Tư Lệnh Không Đoàn 23 Chiến-thuật (KĐ 23 CT), đã anh dũng đền nợ nước trong phi vụ oanh tạc căn cứ quân cộng sản Bắc việt tại Hà Tĩnh ngày 19-4-1965.
… Đầu năm 1965, tình hình quân sự trở nên sôi động. Cộng sản Bắc việt đưa nhiều sư đoàn chính qui xâm nhập Quân Khu 2 và Quân Khu 1. Ngày 1-2-65, chúng tấn công căn cứ Pleiku phá hủy một số trực thăng của Hoa Kỳ, và đặt chất nổ phá hoại Câu Lạc Bộ (CLB) Hạ-sĩ quan Mỹ ở Qui Nhơn, đồng thời pháo kích doanh trại quân đội Hoa Kỳ và VNCH ở Phước Tường gần căn cứ KQ Đà Nẵng.
Để trả đũa và cảnh cáo CS Bắc Việt, Hoa Kỳ cho nới rộng mục tiêu oanh tạc miền Bắc từ vĩ tuyến 17 cho đến vĩ tuyến 19. Từng đoàn khu trục F-100 và F-105 liên tục oanh tạc những vị trí địch từ Vĩnh Linh tới Đồng Hới, Hà Tĩnh. Không Quân VNCH cũng khởi sự tham gia những phi vụ Bắc phạt từ tháng 2-1965.
1-Phi vụ Bắc Phạt đầu tiên ngày 5-2-65, dưới sự chỉ huy dẫn đầu bởi Chuẩn-Tướng Tư Lệnh Không Quân Nguyễn Cao Kỳ…
Chúng tôi nghe anh em bên Không Đoàn kể lại: sau khi đáp, bước xuống parking, Tướng Kỳ đã được Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Quân Đoàn 1 đích thân tới dưới cánh phi cơ đón và hai ông tướng đã "hug" nhau trong khi mọi người vỗ tay chào mừng dưới ống kính quay phim của đài truyền hình và máy ảnh của các phóng viên. Thiếu Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn 1 tuyên bố đặc biệt ân thưởng mỗi hoa tiêu tham dự phi vụ hành quân Bắc phạt Anh Dũng Bội tinh với nhành Dương liễu, các sĩ quan yểm trợ hành quân được tưởng thưởng ADBT với ngôi sao bạc, những quân nhân bảo trì phi cơ và vũ khí được tưởng thưởng ADBT với ngôi sao đồng. Thiếu Tướng TLQĐ còn ra lệnh cho trưng dụng nhà hàng Bạch Đằng ngoài bờ sông Hàn đêm nay hoàn toàn dành cho Không quân mở tiệc liên hoan.
Các phi vụ Bắc phạt của Không Quân VN cứ tiếp diễn song song với những cuộc oanh kích hàng ngày của Không lực, TQLC và hải quân Mỹ theo nhịp độ mỗi tuần một lần, cho đến khi các mục tiêu oanh tạc được nới ra tới vĩ tuyến 19.

2-Phi vụ Bắc Phạt ngày 28-2-65.

Lúc 2PM, Thiếu-Tá Dương Thiệu Hùng, TLKĐ 41 đích thân chỉ huy 6 phi tuần khu trục bay ra oanh kích những mục tiêu địch ngoài tỉnh Đồng Hới cách Đà nẵng khoảng 1 tiếng 15 phút bay. Đặc biệt phi vụ này có sự tham gia của phi cơ khu trục Không Đoàn 62 trên Pleiku do Trung Tá Tư Lệnh KĐ Trần Văn Minh hưỡng dẫn ra Đà Nẵng tham dự cuộc hành quân Bắc phạt.
Vì giới hạn mục tiêu oanh tạc đã được Mỹ công bố trước (từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 19) nên cộng sản Bắc Việt đã có đủ thời giờ di tản các đơn vị tiếp liệu, hậu cần, các kho dự trữ về những vùng ngoài vĩ tuyến 20, và chỉ để lại những đơn vị phòng không được bố trí và che dấu khéo léo, nên đã gây thiệt hại cho phi cơ của Không quân Mỹ và KQVNCH không ít.
Trong một phi vụ oanh tạc Vĩnh Linh, chiếc A1 do Thiếu úy Nguyễn Đình Quý (khóa 61) bị bắn rơi đã crashed ngay trên DMZ bên bờ sông Bến Hải. Thiếu úy Nguyễn Quốc Đạt (khóa 63A) bị trúng đạn nhảy dù ra bị địch bắt sống làm tù binh. Phi vụ lần này gồm 3 phi tuần A1H của KĐ 62 Pleiku và 3 phi tuần A1H của Phi đoàn 516 (Phi Hổ) do Tr/ úy Ôn Văn Tài hướng dẫn, tổng cộng là 18 phi cơ, mục tiêu oanh tạc là Đồng Hới.

3-Phi vụ Bắc Phạt ngày 19-4-65, oanh tạc Hà Tĩnh.

Phi vụ này được chỉ huy và hướng dẫn bởi Trung Tá Phạm Phú Quốc, Tư Lệnh Không Đoàn 23 CT Biên Hòa với 6 phi tuần A1H và A1G.
Mục tiêu: kho đạn và kho tiếp liệu của quân Bắc Việt ở tỉnh Hà Tĩnh. Các phi tuần của KQ/VNCH (18 phi cơ) cất cánh lúc 1 PM, danh hiệu là "Tiger Red". Danh hiệu của Trung Tá Quốc là "Tiger Red 1". Panama đã hướng dẫn Tiger Red tới mục tiêu oanh tạc và trở về gần như an toàn, mặc dù gặp phải hỏa lực phòng không địch bắn lên dữ dội. Khi các phi tuần bay trở về đến gần đảo HÒN CỌP (Tiger island), một hòn đảo nhỏ ở ngoài khơi phía bắc DMZ lối 5 miles, thì bỗng thấy Tiger Red-1 báo cáo thấy có súng dưới đất bắn lên. Một lát sau, Panama nghe Tiger Red 2 báo cáo: "Tiger Red-1 bị bắn rớt rồi và đã crashed xuống đất gần bãi biển!" Khoảng 3 PM, Tr/úy Hoạt ASOC 1 gọi Panama cho biết: "Lệnh của Ch/Tướng Tư Lệnh KQ là bằng mọi cách phải rescue Tr/Tá Quốc cho bằng được!"
Tổng kết những phi vụ Bắc Phạt của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, chúng ta đã tổn thất: 7 phi cơ A1H và A1G bị bắn hạ và 7 anh hùng phi công đã anh dũng đền nợ nước:
Trung Tá Phạm Phú Quốc, Trung Úy Vũ Khắc Huề, Trung Úy Nguyễn Tấn Sĩ, Trung Úy Nguyễn Hữu Chẩn, Thiếu Úy Nguyễn Đình Quý, Thiếu Úy Nguyễn Thế Tế, Thiếu Úy Nguyễn Quốc Đạt (bị bắt làm tù binh sau khi nhảy dù). Tổ Quốc ghi ơn các anh.

Nhận định 1

Theo lời kể của KQ Trần Đình Giao ở trên, chúng ta nhận thấy Đồng Hới đã bị phi cơ của Không Quân VN, dưới thời Nguyễn Cao Kỳ làm Tư-lệnh, oanh tạc 2 lần vào ngày 28.2.1965.
-Lúc 2PM, Thiếu-Tá Dương Thiệu Hùng, TLKĐ 41 đích thân chỉ huy 6 phi tuần khu trục bay ra oanh kích những mục tiêu địch ngoài tỉnh Đồng Hới cách Đà nẵng khoảng 1 tiếng 15 phút bay.
-Trong một phi vụ oanh tạc Vĩnh Linh, chiếc A1 do Thiếu úy Nguyễn Đình Quý (khóa 61) bị bắn rơi đã crashed ngay trên DMZ(5)bên bờ sông Bến Hải. Thiếu úy Nguyễn Quốc Đạt (khóa 63A) bị trúng đạn nhảy dù ra bị địch bắt sống làm tù binh. Phi vụ lần này gồm 3 phi tuần A1H của KĐ 62 Pleiku và 3 phi tuần A1H của Phi đoàn 516 (Phi Hổ) do Tr/ úy Ôn Văn Tài hướng dẫn, tổng cộng là 18 phi cơ, mục tiêu oanh tạc là Đồng Hới. Trong các cuộc oanh tạc này có cả Không Quân Mỹ.
Như vậy, người ta có thể phân vân tự hỏi: Biết đâu Nhà Thờ Tam Tòa bị sập vào thời gian này?

b)-1965-[Rolling Thunder] VNCH oanh kích căn cứ Cộng Quân ở Bắc vĩ tuyến 17

Tư Lệnh Không Quân Nguyễn Cao Kỳ, Trận Chiến Oanh Kích Cộng Sản Bắc Việt
Vương Hồng Anh. Việt Báo Thứ Bảy, 6/30/2001, 12:00:00 AM
Từ đầu năm 1965, CSBV đã tung thêm nhiều đơn vị vượt vĩ tuyến 17 xâm nhập vào miền Nam, gia tăng các cuộc tấn công vào vị trí phòng ngự của các đơn vị VNCH. Để triệt hạ các căn cứ tiếp vận của CSBV tại phía Bắc vĩ tuyến 17, những nơi đã cung cấp quân dụng, vũ khí cho CQ tại miền Nam, từ tháng 2 đến tháng 4/1965, dưới quyền chỉ huy của Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, Không quân Việt Nam Cộng Hòa đã phối hợp với Không quân Hoa Kỳ tiến hành nhiều cuộc oanh kích một số căn cứ trọng điểm của địch quân từ Vĩnh Linh đến Thanh Hóa. Sau đây là phần lược trình một số cuộc oanh kích của Không lực VNCH và Hoa Kỳ diễn ra trong thời gian nói trên. Phần này được biên soạn dựa theo bản tin chiến sự được bộ Tổng tham mưu QLVNCH và bộ chỉ huy Yểm trợ Quân sự Hoa Kỳ phổ biến cho báo chí, hồi ký của đại tướng Westmoreland (nhà xuất bản Sự Thật) và tài liệu Việc Từng Ngày của nhà nghiên cứu Đoàn Thêm.
Tướng Nguyễn Cao Kỳ và các trận oanh kích thượng tuần tháng 2/1965 gồm:
Ngày 8 tháng 2 năm 1965, Không quân VNCH khởi động cuộc oanh kích đầu tiên với một lực lượng gồm 24 khu trục cơ, do Tư lệnh Không quân VNCH lúc bấy giờ là Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ tổng chỉ huy. Lực lượng khu trục cơ của Không quân VNCH cùng với một số phi cơ của Hoa Kỳ đã oanh kích các căn cứ CSBV tại Vĩnh Linh (ở phía Bắc vĩ tuyến 17 thuộc địa hạt tỉnh Quảng Trị). Một số phi cơ trúng đạn nhưng đều trở về Đà Nẵng, 1 phi cơ bị hư hại, phi công vô sự. Phi cơ của Thiếu tướng Kỳ bị trúng 4 viên đạn, 1 viên xuyên qua nách quân phục phi hành của ông.
Ngày hôm sau, 9 tháng 2, các phi công VNCH tham dự cuộc oanh tạc Vĩnh Linh đã được chính phủ tiếp đón nồng nhiệt tại phi trường Tân Sơn Nhất. Quyền Thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh (tạm thay Thủ tướng Trần Văn Hương bị Hội đồng Quân lực giải nhiệm), Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, lúc bấy giờ là Phó Thủ tướng, và một số tướng lãnh, đại diện các đoàn thể đã tham dự buổi tiếp đón này.
Ba ngày sau, 11 tháng 2/1965, hai phi đội Không lực VNCH oanh kích dội 50 tấn bom vào các căn cứ của CSBV tại đồi 83 bên sông Rào Quang và Quan Tây, cách Bến Hải 15 cây số về phía Bắc, Trung tá Phạm Phú Quốc trực tiếp chỉ huy phi đội 1.
Tính chung các cuộc không tập xuống vùng Chấp Lễ vẫn diễn ra trong vòng 24 giờ đồng hồ do Không quân Không quân VNCH và Hoa Kỳ thực hiện, và xuống vùng Đồng Hới do phi cơ của Hải quân Hoa Kỳ phụ trách.
Trong tháng 3 và tháng 4/1975, KQ/VNCH do Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ tổng chỉ huy đã tiếp tục thực hiện nhiều cuộc oanh kích vào các căn cứ của CSBV ở phía Bắc vĩ tuyến 17.
-Ngày 2 tháng 3/1965, lúc 15 giờ 45 phút, 5 phi đội gồm 20 phi cơ của Không lực Việt Nam Cộng Hòa đã oanh tạc căn cứ hải quân CSVN tại Quảng Khê, cách Đồng Hới 30 cây số và gây tổn thất nặng cho đối phương. Phi đội 2 do Đại tá Nguyễn Ngọc Loan, Tư lệnh phó Không quân hướng dẫn, 1 phi cơ bị bắn rớt, phi công nhảy dù xuống biển và được vớt.
-Ngày 14 tháng 3/1965, lúc 14 giờ, 24 phi cơ của Không quân VNCH do Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ trực tiếp chỉ huy, đã oanh tạc đảo Hòn Cọp, căn cứ của thủy đoàn CSBV, căn cứ này đã bị phá hủy.
Ngày 21 tháng 3, 26 phi cơ của Không lực VNCH oanh tạc căn cứ Vu Côn cách Bến Hải 25 km về Tây Bắc.
-Ngày 23 tháng 3, tám phi cơ Không lực VNCH oanh tac dọc trên Quốc lộ số 1, từ Bến Hải đến Đồng Hới, phá hủy đài radar Ba Bình cách Bến Hải 15 km về phía Bắc.
-Ngày 31-3/1965, 14 phi cơ Không lực VNCH oanh tạc đài Radar Hà Tĩnh. Cũng trong ngày này hơn 100 phi cơ Việt- Mỹ oanh tạc mật khu Bời Lời, quận Khiêm Hạnh, Tây Ninh, mục đích: thiêu hủy các kho lương thực, đạn dược và các cơ sở trung ương của CSBV tại miền Nam.
Ngày 4 tháng 4, 24 phi cơ VNCH và 12 phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc cầu Đồng Hới, 2 phi cơ bị bắn rớt do cao xạ CSBV.
Ngày 13 tháng 4, 15 phi cơ VNCH oanh tạc Thanh Yên, Đồng Hới, cùng lúc đó, 15 phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc các đài Radar Hòn Mật và Cửa Lò.
-Ngày 14/4, 1 phi đội VNCH bay đêm trên BV lần đầu tiên, oanh kích các đoàn quân xa và rải 3 triệu truyền đơn. Trước đó, cũng trong ngày 14/4, 15 phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc Hòn Mật, tuần thám trên Đồng Hới, Vinh, Thanh Hóa.
Ngày 19 tháng 4, một phi tuần VNCH oanh kích Quốc lộ 1, một phi cơ bị súng cao xạ CSBV bắn rớt gần Hà Tĩnh, phi cơ này do Trung tá Phạm Phú Quốc điều khiển
-Ngày 30 tháng 4, theo Bộ Quốc Phòng Mỹ, từ 7/2 đến 30 tháng 4, các phi cơ Hoa Kỳ đã oanh tạc BV 89 lần, với 2,788 phi xuất, ném 1,380 tấn bom, không kể hàng tấn đạn và rocketts, phá hủy 30 cơ sở quân sự, 127 ổ súng phòng không, 34 cầu, 17 đoàn quân xa, 17 đoàn hỏa xa, 1 căn cứ không quân, 2 căn cứ hải quân, 5 bến phà, 20 đài radar, 33 tiểu đĩnh. 

Nhận định 2

Đồng Hới bị KQ/VNCH oanh tạc trong 3 ngày:
-Ngày 23 tháng 3, tám phi cơ Không lực VNCH oanh tac dọc trên Quốc lộ số 1, từ Bến Hải đến Đồng Hới, phá hủy đài radar Ba Bình cách Bến Hải 15 km về phía Bắc. -Ngày 4 tháng 4, 24 phi cơ VNCH và 12 phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc cầu Đồng Hới, 2 phi cơ bị bắn rớt do cao xạ CSBV. -Ngày 13 tháng 4, 15 phi cơ VNCH oanh tạc Thanh Yên, Đồng Hới, cùng lúc đó, 15 phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc các đài Radar Hòn Mật và Cửa Lò. Như vậy người ta cũng có thể thắc mắc: Phải chăng Nhà Thờ Tam Tòa bị phá sập vào thời gian này?

II-Nguồn tin của Mỹ

a)- Tài liệu Website-1

Vì giới hạn của bài viết, chúng tôi chỉ dịch sang tiếng Việt những đoạn văn có liên hệ tới Không-quân VN và địa danh Đồng Hới (Tam Tòa) mà thôi.
``…12 giờ sau khi trái đạn sung cối rơi vào căn cứ Mỹ ở Pleiku ngày 6.2.1965 thì (ngày 7.2.1965) 49 phản lực cơ A-4 Skyhawks và F-8 Crusaders cất cánh từ Hàng Không Mẫu Hạm tiến về phía Bắc Vĩ-tuyến 17 trong cuộc hành quân mang tên Flaming Dart, qua màn mây dầy đặc trên Đồng Hới thả bom và bắn hỏa tiễn vào khu vực huấn luyện du kích và tập dượt. Vì thời tiết xấu trên đất liền, nên phi cơ Nam Việt Nam không tấn công. Nhưng ngày hôm sau, phi đoàn 24 phi cơ Skyraiders của Không-quân VN và phản lực cơ chiến đấu F-100 của Mỹ cất cánh từ Đà Nẵng oanh kích các trung tâm huấn luyện và liên lạc của du kích quân tại Vĩnh Linh và Chấp Lễ ngay trên Vĩ-tuyến 17. Chuẩn tướng Nguyễn Cao Kỳ hướng dẫn cuộc oanh tạc và bị đạn phòng không bắn trầy da. Trở về Đà Nẵng, Kỳ, sáng chói trong bộ đồ bay đen, khăn quàng cổ mầu tím, và mũ phi công mầu trắng vạch da cam, bước xuống từ phòng lái phi cơ tươi cười nói: ``Đây là ngày đẹp nhất đời tôi!’’
Thực tế, theo tường trình sự tàn phá do bom gây ra đối với mục tiêu oanh kích gần 500 tòa nhà; nhưng chỉ có 47 bị phá hủy và 22 bị hư hại. Đó là cuộc biểu diễn mà Bộ-trưởng Quốc-phòng McNamara phê bình.
Ngày 12.2.1965, hơn 100 phi cơ của Hải-quân Mỹ từ các Hàng-không Mẫu-hạm Ranger, Hancock và Coral Sea tấn công Chánh Hoà, một khu vực tiếp tế và huấn luyện gần Đồng Hới. Một thời gian ngắn ngay sau đó, 20 phản lực cơ chiến đấu F-100 của Không-quân Mỹ và 28 phi cơ A-1H Skyraiders của KQVN cất cánh từ Đà Nẵng tiến tới Chấp Lễ nhằm phá hủy các mục tiêu còn sót trong cuộc không kích Faming Dart 1.
Ngày 13.2.1965, TT. Johnson cùng với cố vấn Bundy, Đại-sứ Taylor, Tham-mưu trưởng Liên-quân và Bộ-trưởng Quốc-phòng McNamara quyết định chiến dịch Rolling Thuder oanh tạc Bắc Việt 2 phi vụ một tuần, từ phía Nam Vĩ-tuyến 19.

b)-Tài liệu Website-2:

…Tháng 2/1965, Thủ-tướng Sô-viết Kosygin tới Hà Nội và tuyên bố ủng hộ Bắc Việt cả về kinh tế và quân sự để chống Đế-quốc Mỹ. Mặc dù TT. Kosygin đang thăm Hà Nội, ngày 8.2.1965, chính phủ Mỹ quyết định oanh tạc Bắc Việt, qua cuộc hành quân Flaming Dart I, để trả đũa vụ Việt Cộng tấn công vào cơ sở Mỹ tại Pleiku vào ngày 7.2.1965. Có 49 phản lực cơ của Hải-quân Mỹ oanh tạc các trại lính của Việt Cộng tại Đồng Hới. Kế hoạch tấn công của KQVNCH bị hủy bỏ vì thời tiết xấu.

Nhận định 3
Như vậy, vào ngày 7.2.1965, chỉ có KQ Mỹ oanh tạc Đồng Hới và vì mây mù dầy đặc, các phi cơ đã thả bom và bắn hỏa tiễn vào các mục tiêu quân sự của Việt Cộng theo cách định tọa độ chứ không phải do phi công nhìn thấy mục tiêu. Do đó, bom rơi lung tung và Nhà Thờ Tam Tòa có thể bị bom Mỹ phá sập vào ngày 7.2.1965 hay vào ngày 12.2.1965?
Thời điểm trên cũng trùng hợp với tin tức của Website tỉnh Quảng Bình:
``Ngày 8/2/1965, thất bại trước chiến trường miền Nam, Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, Vĩnh Linh bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ và chi viện cho chiến trường miền Nam. Để đảm bảo cho chiến đấu, 4,5 vạn người dân Vĩnh Linh (người già, trẻ em) được sơ tán ra miền Bắc. Lực lượng còn lại bám trụ quê hương vừa sản xuất vừa chiến đấu ở cả ba chiến trường (bảo vệ Vĩnh Linh, chi viện cho đảo Cồn Cỏ, chia lửa với bà con Gio Linh, Cam Lộ´´.

KQ/VNCH oanh kích Đồng Hới năm 1965 vào các ngày 28 tháng 2 (18 phi cơ), 23 tháng 3 (8 phi cơ), 4 tháng 4 (24 phi cơ), 13 tháng 4 (15 phi cơ) năm 1965. Tổng cộng có 65 phi cơ oanh tạc Đồng Hới khiến người ta thắc mắc: Phải chăng Nhà Thờ Tam Tòa bị phá sập vào thời gian này?

c)-Tài liệu trên Website-3

Nam Việt Nam tái oanh tạc miền Bắc. Phản lực cơ Mỹ hộ tống cho sự trống trả (S. Vietnam Bombers strike in north again, Author: AAP — Reuters, Source: The Age, Date: 12 Feb 1965 – US Jet escort for reprisal Raid). Sàigòn ngày 11/2 (1965), hôm nay 28 phi cơ chiến đấu bỏ bom được hộ tống bởi 20 phản lực cơ F-100 Mỹ tàn phá các mục tiêu ở Bắc Việt Nam trong cuộc không tập lần thứ ba kể từ Chúa nhật. Mục tiêu là các cơ sở và khu huấn luyện du kích ở phía Bắc Vĩnh Linh. Phi cơ Mỹ tới mục tiêu trước bắn phá các giàn phòng không, sau đó các phi cơ Skyraider tới và phủ bom nổ lên khu vực.

d)-Tài liệu Website-4

Không chiến chống Bắc Việt Nam (The Air War Against North Vietnam, Chapter IV from The United States Air Force in Southeast Asia, 1961-1973, By the United States Air Force, 1984)
-Cuộc khộng tập Bắc Việt Nam lần 1 xẩy ra vào tháng 2/8/1964, khi khu hạm USS Maddox bị tầu Bắc Việt tấn công.
-Cuộc không tập lần 2 mang tên Flaming Dart 1, được Hải-quân Mỹ thực hiện vào ngày 7.2.1965, sau cuộc tấn công căn cứ quân sự Mỹ-Việt tại Pleiky ngày 6.2.1965. Mục tiêu trại lính Chấp Lễ. Phi cơ Mỹ F-100 tấn công hệ thống phòng không của địch, 3 RF-101 cung cấp hình ảnh khu vực.
-Cuộc không tập lần 3 vào ngày 11.2.1965, có tên là Flaming Dart 3 được phi coơ của Hải quân và Không-quân Mỹ cùng KQVN tấn công các trại binh tại Chánh Hoà và Vit Thu Lu để trả đũa việc Việt Công tấn công vào cơ sở Mỹ tại Qui Nhơn giết chết 20 lính Mỹ.
Chiến dịch Rolling Thunder bắt đầu vào ngày 2.3.1965, có 25 F-105, 20 B-57 và phi cơ tiếp xăng trên không KC-135 tấn công kho đạn Bắc Việt tại Xóm Bồng, 15 cây số trên Vĩ-tuyến 17.

B-Thời điểm năm 1968

Theo tác giả R. Ben Madison trong Global War­ World War II in a box! thì vào mùa Thu năm 1967, TT. Johnson ra lệnh cho Lực-lượng Mỹ tấn công miền Bắc Việt Nam. Thành phố Vinh bị tràn ngập bởi Sư-đoàn 1 Kỵ-binh của Mỹ (First Calvary Division); nhưng Đồng Hới, gần Khu Phi Quân-sự (DMZ) còn cầm cự.
Mùa Xuân 1968, Trung Cộng từ chối can thiệp quân sự vào Bắc Việt, mặc dù Lực-lượng Mỹ chiếm đóng một phần đất nhỏ của Bắc Việt. Tinh thần quân đội Mỹ lên cao. Nhưng giờ thì Hà Nội bị thiệt hại, cuộc tấn công Tết bắt đầu. Các cuộc nổi dậy của VC chủ yếu tại phía Bắc và chung quanh Vịnh Cam Ranh, và bao vây Sư-đoàn 1 Kỵ-binh Mỹ tại Vinh. Các đơn vị Không-quân Mỹ bỏ bom tất cả mục tiêu nhìn thấy; Lực-lượng Đặc-biệt chiếm Đồng Hới, gần Khu Phi Quân-sự; Sư-đoàn 1 Kỵ-binh phá vỡ vòng vây tại Vinh và bắt liên lạc với lực-lượng tại Đồng Hới.
(SPRING, 1968: China refuses to intervene militarily on North Vietnam’s behalf, in spite of the fact US forces occupy a chunk of North Vietnam. US morale surges upward. But now Hanoi goes for broke; the Tet Offensive begins. VC uprisings concentrate in the north and around Cam Ranh Bay, and surround the First Cavalry Division in Vinh. US air units bomb everything in sight; Special Forces take Dong Hoi, near the DMZ; the First Cavalry breaks out of Vinh and links up with our forces in Dong Hoi.)

Nhận định 4

Như vậy, vào mùa Xuân 1968, Sư-đoàn thiện chiến nhất của quân đội Mỹ trong Thế Chiến II đã chiếm đóng thành phố Vinh và Lực-lượng Đặc-biệt của Mỹ chiếm thị xã Đồng Hới. Cuộc giao tranh giữa quân Mỹ và VC có thể đưa tới sự sụp đổ của Nhà Thờ Tam Tòa trong thời gian này. Bom Mỹ rơi trúng Nhà Thờ do thả lầm mục tiêu hay vì VC đặt súng phòng không bên cạnh Nhà Thờ nên bị phi cơ Mỹ bắn phá?

-Mùa Xuân năm 1969

Hoa Kỳ công bố chiến-dịch Phượng-hoàng (Operation Phoenix hay còn gọi là Phoenix Campaign) nhằm ám sát các thủ trưởng VC và tay sai ở miền Nam, khởi đầu ít thành công. Đường hầm của VC gần Sài Gòn được VC tái chiếm, nhưng lại bị Quân-đội VNCH tràn ngập. Cuộc không chiến đầu tiên trong chiến tranh VN đã xẩy ra. Đơn vị phản lực cơ mới MIG-21 của Bắc Việt đã vượt qua các đơn vị Không-quân Mỹ và bỏ bom lực-lượng Mỹ tại Đồng Hới. Cuộc bỏ bom này giúp cho Bắc Việt tấn công vũ bão vào Đồng Hới và tái chiếm thành phố cuối cùng của Việt Nam bị Mỹ chiếm. Sư-đoàn 1 Kỵ-binh Mỹ lại bị thảm bại nặng nề trong cuộc tấn công.
(SPRING, 1969: US declares Operation Phoenix (the assassination of VC leaders and sympathizers in the South), but it begins with little success. VC Tunnel Complex near Saigon is reoccupied by the VC, but overrun again by the ARVN. First air battle of the war: NVA’s new MiG-21 unit evades American air units and bombs US forces at Dong Hoi. This helps the NVA to storm into Dong Hoi and recapture the last North Vietnamese city under US occupation. The First Cavalry is again devastated in the attack.)

Nhận định 5

Như vậy, người ta nghi ngờ Nhà Thờ Tam Tòa cũng có thể bị phá sập khi quân VC tấn công chiếm lại Đồng Hới vào năm 1969.
Trong DCÂC tháng 9/2009, chúng tôi đã trích lời Đại-tá Bùi Tín nói có 2 ụ súng phòng không tại Nhà Thờ Tam Tòa. Như vậy giả thuyết bom đạn do phi cơ và hải pháo của Mỹ bắn phá 2 ụ phòng không của VC tại Nhà Thờ Tam Tòa vào ngày 7/2/1965 có thể chấp nhận được.
Các cuộc không tập các cơ sở quân sự của Cộng-sản Miền Bắc (CSMB) của KQ Mỹ dĩ nhiên được nghiên cứu và chỉ điểm trên bản đồ quân sự. KQVN thi hành các phi vụ oanh tạc này đương nhiên dựa theo bản đồ hành quân của Mỹ.
Nhưng, như đã có lần chúng tôi trình bày trên DCÂC là mức độ chính xác của các cuộc oanh tạc vào các mục tiêu của KQ Mỹ trong chiến tranh VN chỉ đạt khoảng 60% - 70%, chiến tranh Trung Đông lần 1 vào năm 1991-1992 lên 80% - 90% và chiến tranh Iraq gần như 100%. Như vậy, các phi công của Mỹ lái các loại phi cơ phản lực tối tân hơn, nếu giỏi, mỗi lần thả 100 trái bom thì 60-70 trái rơi trúng mục tiêu; 30-40 trái rơi ngoài mục tiêu. Phi công VN lái các loại phi cơ thường Skyraiders và bán phản lực A-37, chắc không giỏi hơn phi công Mỹ, nên thả cứ 100 trái bom thì có thể chỉ 50% rơi trúng mục tiêu.
Như vậy, nếu Nhà Thờ Tam Tòa nằm cạnh cơ sở quân sự của CSBV thì bị ăn bom oan! Trong toàn cuộc chiến, KQ/VNCH cũng đã có những lần oanh tạc lầm vào quân bạn, kể cả trận chiến cuối cùng ở Đá Chồng, Long Khánh. Trong các cuộc chiến Trung Đông, quân Đồng Minh cũng bị phi cơ bắn lầm hoặc phòng không của mình bắn lầm.
Do đó, chúng ta không biết 18 phi cơ của KQVN oanh tạc Đồng Hới ngày 28.2.1965 có trái bom nào rơi vào Nhà Thờ Tam Tòa không?

Kết luận

Chúng tôi nghĩ rằng:
-Vì công lý và sự thật, Gíao phận Vinh yêu cầu chính phủ Mỹ bồi thường chiến tranh bằng cách xây lại Nhà Thờ Tam Tòa. Về phía KQ Mỹ thì chắc chắn họ có không ảnh, vì mỗi phi vụ đều được chụp hình, nên việc xác nhận Nhà Thờ Tam Tòa có bị bom Mỹ phá sập hay không và vào thời điểm nào là chuyện có thể chứng minh được.
-Vì sự thật lịch sử, các phi công của KQ/VNCH đã tham dự vào các phi vụ oanh tạc Đồng Hới, nên kể lại chính xác hơn về các mục tiêu oanh tạc và hiệu quả nếu có do không ảnh VNCH hay Hoa Kỳ chụp được.
-``Giặc lái´´ Nguyễn Cao Kỳ, cựu Tư-lệnh Không-quân VNCH cũng nên lên tiếng, vì ông ta có trách nhiệm trực tiếp trong các phi vụ oanh tạc miền Bắc trong chiến dịch ``Bắc Tiến´´ năm 1965.
Nếu phía Hoa Kỳ và VNCH, với các bằng chứng xác thực, phủ nhận việc Nhà Thờ Tam Tòa bị bom của Mỹ hay VNCH phá sập, thì chỉ còn VC là thủ phạm ném đá dấu tay.
Sự thật cần được sáng tỏ để người ta không đổ tội oan cho bất cứ phía nào. Tội ác thì bất cứ ai chủ động, ở đâu, vào lúc nào v.v… đều bị người đời lên án.