Dân Chúa Âu Châu

Tổng Thống Mỹ Barack Obama Lần Đầu Tiên “Đem Chuông Đi Đánh Xứ Người” hay “Làm Nhục Quốc Thể!”

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Nhân cuộc họp G.20 tại Luân Đôn và kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Khối NATO, TT. Mỹ Barack Obama đã mở đầu chuyến công du Âu Châu nhằm Phục hồi uy tín của Hoa Kỳ trên chính trường Thế giới.

1- Cuộc họp thượng đỉnh G.20

Sự xuất hiện lần đầu tiên của TT. Obama là cuộc họp thượng đỉnh G.20 được tổ chức vào ngày 1.4.2009 tại thủ đô Luân Đôn, Anh quốc. G.20 gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới và đại diện của Liên Hiệp Âu Châu (EU). G.20 đại diện cho 85% tổng sản lượng quốc gia của thế giới (Global Gross National), 80% thương mại thế giới (World Trade) và 2/3 dân số thế giới (World Population).
G.20 năm 2009 có 19 quốc gia gồm: Á Căn Đình (Argentinia), Úc Đại Lợi (Australia), Ba Tây (Brazin), Gia Nã Đại (Canada), Trung Quốc (China), Pháp (France), Đức (Germany), Ấn Độ (India), Nam Dương (Indonesia), Ý Đại Lợi (Italy), Nhật Bản (Japan), Mễ Tây Cơ (Mexico), Nga Sô (Russia), Ả-rập Saudi (Saudi Arabia), Nam Phi (South Africa), Nam Hàn (South Korea), Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), Liên Hiệp Vương Quốc Anh (United Kingdom) và Hiệp Chủng Quốc Mỹ (The United States of America).
Tham dự cuộc họp thượng đỉnh có các thủ lãnh quốc gia và chính quyền, các bộ trưởng tài chính, các giám đốc ngân hàng quốc gia, chủ tịch Quỹ Tiền tệ Thế giới „IMF“ (International Monetary Fund), giám đốc Ngân hàng Thế giới „WB“ (World Bank), chủ tịch ngân hàng Liên hiệp Âu Châu „ECB“ (European Cetral Bank) và chủ tịch Ủy ban Phát triển (Development Committee) v.v…
G.20 họp thương đỉnh nhằm các mục mục đích như sau:
-Giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính của thế giới bắt đầu xuất phát từ thị trường tài chính Hoa Kỳ.
-Tái tạo niềm tin thị trường kinh tế thế giới bằng các biện pháp thích ứng, đặc biệt yểm trợ các ngân hàng phát triển, để củng cố cơ cấu kinh tế thị trường tự do.
-Tiếp tục duy trì chính sách tự do mậu dịch, chống lại chính sách bảo vệ (protectionism).
Qua các dữ kiện trên, người ta nhận thấy TT. Obama coi như bị thất bại về chủ trương bảo vệ thị trường Mỹ qua khẩu hiệu „Dân Mỹ mua đồ Mỹ“. Đây là thất bại thứ nhất của TT. Obama về lãnh vực kinh tế.
Trong cuộc họp phía Tầu Cộng đưa ra đề nghị cần cải tổ hệ thống ngân hàng và tài chính, cần thay thế đồng Mỹ-kim (US Dollar) bằng một đồng tiền Quốc Tế; để thị trường thế giới không bị lệ thuộc vào tiền tệ của một quốc gia Hoa Kỳ. Nhưng đề nghị này chưa được giải quyết.
Trong cuộc họp này TT. Obama và TT. Dmitrij Medvedev của Nga Sô đã hội đàm và củng cố tình hữu nghị giữa hai quốc gia, vì dưới thời cựu TT. Bush hai nước đã có các xung đột về hệ thống Radar chống hỏa tiễn và một số quốc gia trong Liên Bang Sô-Viết xưa nay muốn gia nhập NATO và EU. Hai nhà lãnh đạo cũng đi tới quyết định giảm bớt số đầu đạn nguyên tử tới mức độ đã được ấn định vào năm 2002.
Trong thời gian họp hội nghị thượng đỉnh đã xẩy ra các cuộc biểu tình chống đối G.20 trên đường phố Luân Đôn. Các cuộc xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát đã xẩy ra. Hàng chục người biểu tình bạo động bị bắt giữ. Mục đích của các cuộc biểu tình nhằm phản đối các xí nghiệp và nhà máy vẫn gia tăng thải khí độc CO2, phản đối các chính phủ dùng tiền thuế của dân cứu trợ các ngân hàng phá sản. Những người biểu tình còn đòi hỏi ưu tiên cho dân chúng, giải quyết tình trạng nghèo đói, nhân quyền và môi trường trái đất v.v... chứ không thuần túy chỉ giải quyết các vấn nạn kinh tế.

Kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh G.20:

Các nhà lãnh đạo quốc gia đã đồng ý về những điểm như sau:
-Quỹ Tiền tệ Thế giới „IMF“ và Ngân hàng Thế giới „WB“ sẽ sử dụng 1.000 tỉ US Dollars để trợ giúp hệ thống ngân hàng phát triển và ngành xuất cảng, nhằm ổn định thị trường thế giới. Quyết định này đưa tới kết quả là giá trị cổ phần và cổ phiếu của các công ty gia tăng. Sự gia tăng này sẽ khích lệ đầu tư và xuất cảng.
-Để tránh rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính trong tương lai, các chính phủ sẽ theo dõi các hoạt động của ngân hàng chặt chẽ hơn, kể cả tiền thưởng cho các giám đốc ngân hàng.
-Chấm dứt việc trốn thuế và rửa tiền đen bằng biện pháp phong tỏa các nước không thi hành luật lệ của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển „OECD“ (Organization for Economic Co-operation and Development).
-Tôn trọng tự do thương mại. Các quốc gia xâm phạm qui định phải được lập danh sách và thông báo.
Những vấn đề chưa được giải quyết sẽ bàn thảo trong hội nghị thượng đỉnh năm kỳ tới, năm 2010.

2- Phục hồi uy tín của Hoa Kỳ đối với Âu châu.

Kể từ khi cựu TT. George W. Bush quyết định can thiệp vào Iraq năm 2003 thì đa số các quốc gia đồng minh Tây phương phản đối. Đặc biệt Đức và Pháp quốc. Trong cuộc chiến A Phú Hãn các tù binh bị bắt được quân đội Mỹ nhốt tại nhà tù Guantanamo vùng vịnh Cuba mà không đưa ra xét xử trước tòa án Mỹ. Trong số các tù binh bị bắt tại A Phú Hãn có những người có quốc tịch cùa các nước trong Liên Hiệp Âu Châu, mà chính phủ Mỹ không giải giao cho các quốc gia liên hệ để đưa ra toà án xét xử. Do đó, quan hệ giữa Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ rơi vào tình trạng lạnh cảm.
TT. Obama lên cầm quyền muốn giải quyết vấn đề này. Một trong các chính sách mới là hủy bỏ chương trình chiến tranh chống khủng bố „War on Terror“ do cựu TT. Bush đề ra. Quyết định này tạm thời có thể trấn an được các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu (EU) về vấn đề khủng bố. Chính sách này dựa trên dữ kiện sau mỗi cuộc khủng bố Osama bin-Laden và tổ chức Al-Qaeda thường đưa ra yêu sách đòi hỏi các quốc gia có quân đội tham chiến tại A Phú Hãn và Iraq phải rút quân về, nếu không muốn bị khủng bố. Hai cuộc khủng bố điển hình do Al-Qaeda đã thực hiện nhằm cảnh cáo các quốc gia đồng minh với Hoa Kỳ là:
-Cuộc khủng bố tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha
Sau vụ khủng bố ngày 11.9.2001 ở Nữu Ứơc, tổ chức Al-Qaeda cho nhóm khủng bố thuộc dân Syria, Marocco, Algeria nổ 10 bom phá hủy 4 tuyến đường xe lửa vào ngày 11.3.2004 tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha. Bốn cuộc khủng bố đồng loạt gây cho 191 chết 1.800 bị thương. Cuộc khủng bố nhằm cảnh cáo Thủ tướng Anzar đã ủng hộ TT. Bush trong việc gửi quân qua chiến trường Iraq. Cuộc khủng bố đưa tới hậu quả thứ hai là chính quyền Bảo Thủ của Thủ tướng Aznar bị thất bại về tay đảng Dân chủ Xã hội trong cuộc bầu cử ngày 14.3.2004. Sau khi thắng cử Thủ tướng Rojé Louis Rodríguez Zapatéro đã rút quân lính Tây Ban Nha ở Iraq về nước. Cuộc rút quân này bị Hoa Kỳ và Đồng Minh chỉ trích là đầu hàng khủng bố.
-Cuộc khủng bố tại thủ đô Luân Đôn, Anh Quốc
Cũng nằm trong kế hoạch trả đũa và cảnh cáo quốc gia đồng minh với Hoa Kỳ, trong dịp Anh quốc tổ chức cuộc họp thượng đỉnh G.8 tại Luân Đôn, quân khủng bố đã cho nổ hàng loạt bom tại đường xe lửa ngầm của thủ đô Luân Đôn vào ngày 7.7.2005. Cuộc khủng bố gây cho 40 người chết và 390 bị thương.

3- Phục hồi uy tín của Hoa Kỳ trên chính trường thế giới.

-Công khai hủy bỏ „chiến tranh chống khủng bố và chiến tranh thế giới chống khủng bố“
Muốn chứng tỏ có một cuộc thay đổi đường lối ngoại giao, TT. Obama đã công khai hủy bỏ „chiến tranh chống khủng bố và chiến tranh thế giới chống khủng bố“. (War on terror and Global War on Terror). Chương trình này do cựu TT. George W. Bush đề ra sau vụ khủng bố ngày 11.9.2003 tại Nữu Ước. TT. Bush phát động chương trình này là để kêu gọi đồng minh sát cánh trong chương trình chống khủng bố và hợp thức hóa cuộc xâm lăng Iraq nhằm lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein và thiết lập nền dân chủ tại một quốc gia Trung Đông.
Theo tin của hãng thông tấn Mỹ AFP, ngày 30.3.2009, Tân Bộ trưởng Ngoại Giao Mỹ, bà Hillary Clinton (vợ cựu TT. Bill Clinton), đã tuyên bố xác nhận quyết định của TT. Obam trong hội nghị về chiến tranh A Phú Hãn tại thủ đô Hague của Hòa Lan: „Tôi không nghe chương trình này được sử dụng. Tôi không nhận trực tiếp chỉ thị nào về việc sử dụng hay không sử dụng chương trình này. Chương trình này thực ra không được sử dụng.“ (I haven't heard it used. I haven't gotten any directive about using it or not using it. It's just not being used.)
Sự hủy bỏ chương trình chống khủng bố cũng nằm trong kế hoạch xoa dịu sự bất mãn của các quốc gia Hồi Giáo (Islam) dựa trên lý thuyết „Nếu tiếp tục phát động chiến tranh chống khủng bố thì sẽ có các cuộc khủng bố.“ và „Nếu tiếp tục phát động chiến tranh chống khủng bố thì an ninh thế giới không bảo đảm và kinh tế thế giới khó có thể phát triển đều hòa“. Nguyên nhân là không nhà đầu tư nào, đặc biệt Mỹ và Tây phương, dám đầu tư tại các quốc gia khác vì sợ bị khủng bố.
Sự hủy bỏ chương trình chống khủng bố theo Bộ trưởng Hillary Clinton đã phát biểu trong hội nghị tại Hoà Lan cũng là giải pháp nhằm nối lại quan hệ ngoại giao với Iran trong việc nhờ nước này kiểm soát biên giới, bắt khủng bố và ngăn chặn đường dây buôn thuốc phiện từ A Phú Hãn. Chính phủ George W. Bush không nói chuyện với Iran, một quốc gia chứa chấp và trợ giúp khủng bố. Chính quyền Obama lại muốn bắt tay với Iran để giải quyết theo phương thức ngoại giao. Nhưng các đạo trưởng trong hội đồng lãnh đạo quốc gia Iran đã từ chối, vì chưa thấy Hoa Kỳ có một chính sách thay đổi thiết thực nào đối với Iran và Palestina.
Đây là thất bại thứ hai của TT. Obama về lãnh vực ngoại giao.
-Công khai hủy bỏ nhà tù Guantanamo ở vịnh Cuba và các nhà tù bí mật của CIA tại ngoại quốc.
Nhà tù Guantanamo được thiết lập để nhốt các tù binh của tổ chức khủng bố thế giới Al-Qaeda đã gây nên nhiều cuộc tranh cãi hợp pháp và không hợp pháp trên thế giới. Nếu dựa vào Hiệp định Genève về tù hàng binh thì tù hàng binh ở A Phú Hãn, sau thời gian bị bắt, phải được đem ra xét xử tại tòa án Hoa Kỳ. Nếu có tội thì bỏ tù, nếu không phải phóng thích.
Cái rắc rối ở chỗ có một số tù binh khủng bố lại là dân Muslim có quốc tịch của các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu, như ở Anh quốc, Đan Mạch, Đức quốc v.v… và có những tên khủng bố không dính dáng gì tới vụ khủng bố tại Nữu Ước. Họ chỉ chống lính Mỹ tại A Phú Hãn theo luận điệu tuyên truyền của Al-Qaeda như một hình thức chống quân xâm lược.

4- Kỷ niệm 60 năm (1949-2009) thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương „NATO“

(The North Atlantic Treaty Organization, Organisation du Traité de l'Atlantique Nord (OTAN))
NATO được thành lập ngày 4.4.1949, Bộ Chỉ Huy đặt tại Brussels (Bruxelles) của Bỉ quốc và có khoảng 5.000 nhân viên. Ban đầu tổ chức này coi như là một tổ chức chính trị.
Nhưng sau chiến tranh Triều Tiên vào năm 1950 thì vai trò của NATO nghiêng về quân sự nhiều hơn. Sau khi khối Cộng sản do Liên-Sô cầm đầu tạo nên nhiều cuộc chiến cục bộ, vai trò của NATO càng trở nên quan trọng trong việc bảo vệ Tây Âu trong suốt thời gian chiến tranh lạnh. Sau thời gian chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông-Tây, NATO tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Bosnia-Herzegovina (1994) và lần lượt mời gọi các quốc gia Cộng sản Đông Âu đã thoát khỏi ách Cộng sản như Ba Lan, Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc tham gia vào NATO.
Năm 1999 NATO can thiệp vào Kosovo nhằm chận đứng cuộc diệt chủng dân tộc thiểu số Albania tại Kosovo của Nam Tư (Yugoslavia). NATO còn chịu trách nhiệm bảo vệ trật tự và an ninh trên thế giới dưới danh nghĩa Liên Hiệp Quốc hay với danh nghĩa của NATO. Sau cuộc khủng bố Hoa Kỳ ngày 11.9.2001 do Osama bin-Laden và tổ chức khủng bố Al-Qaeda chủ mưu, NATO trở thành lực lượng Đồng Minh trong cuộc chiến chống khủng bố tại A Phú Hãn. Từ năm 2002 lần lượt các quốc gia Cộng sản Đông Âu được mời tham gia NATO là Esthonia, Latvia, Lithuania, Slovenia, Slovakia, Bulgaria, Romania, Croatia, Albania. Ukraine và Georgia cũng dự tính trở thành hội viên của NATO trong tương lai. Tuy nhiên hai quốc gia này gặp phải sự chống đối mãnh liệt từ phía Nga Sô, điển hình là Nga Sô không cung cấp khí đốt cho hai quốc gia này trong mùa đông 2008.
Hướng về tương lai, TT. Obama nhân cuộc họp thượng đỉnh NATO sẽ giới thiệu chiến lược mới về A Phú Hãn và Hồi Quốc trong cuộc chiến chống Al-Qaeda và nhóm Taliban. Hoa Kỳ sẽ gửi thêm 4.000 trong số 17.000 binh sĩ đã dự trù dưới thời TT. Bush tới A Phú Hãn để huấn luyện quân đội A Phú Hãn và giúp nhiều cố vấn dân sự trong chương trình bình định và phát triển đất nước. Trong dịp này TT. Obama cũng kêu gọi EU đóng góp thêm. Đây có thể coi như chương trình Phượng Hoàng (Phoenix Program) mà CIA đã áp dụng tại Nam Việt Nam trước đây.
Trong dịp kỷ niệm NATO 60 tuổi, Tân Tổng Thư ký NATO cũng sẽ được tuyển chọn và nhậm chức vào ngày 1.8.2009 trong một nhiệm kỳ 4 năm. Thủ tướng Anders Fogh Rasmussen của Đan Mạch là ứng cử viên duy nhất cho chức vụ này. Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, công khai tuyên bố ủng hộ trong cuộc họp báo ngày 3.4.2009; nhưng gặp sự chống đối quyết liệt của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Lý do Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra là:
-Thủ tướng Đan Mạch vào năm 2006 đã không kết tội họa sĩ vẽ biếm họa Tiên Tri Muhammed, Giáo chủ của đạo Islam; mặc dù cả thế giới Hồi Giáo chống đối qua kháng thư và qua các cuộc biểu tình.
-Thủ tướng Đan Mạch đã cho phép đài truyền hình ROJ-TV của dân Kurdistan thuộc nhóm kháng chiến thân Cộng sản năm xưa „PKK“, do thủ lãnh Abdullah Ocalan cầm đầu, một tổ chức bị Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Đài truyền hình ROJ có trụ sở chính đặt tại thủ đô Copenhagen tiếp tục phát hình chống Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, 27 quốc gia hội viên NATO, đặc biệt là Anh, Đức, Pháp, Ý và anh cả Hoa Kỳ, đã chấp thuận thì một mình Thổ Nhĩ Kỳ không thể tự mình bỏ phiếu phủ quyết (Veto Right) được, trong khi nước này đang cần sự ủng hộ để trở thành hội viên của Liên Hiệp Âu Châu.

5- Những cử chỉ chứng tỏ vợ chồng TT. Barack Obama thiếu hiểu biết về nghi thức ngoại giao.

-Phu nhân TT. Obama rờ lưng, rờ vai Nữ Hoàng!

Cả thế giới truyền thông và các bà vợ Tổng thống, Thủ tướng đều ngỡ ngàng khi phu nhân TT. Obama là Michelle Obama đã dám „rờ lưng, rờ vai“ Nữ Hoàng Elizabeth Đệ II của Vương quốc Anh trong cuộc tiếp khách nhân dịp họp thượng đỉnh G.20 tại Luân Đôn.
Theo phong tục và truyền thống Quân chủ thì không một ai được rờ vào thân thể Vua hay Nữ Hoàng. Theo đúng lễ nghi thì Michelle Obama có thể bắt tay Nữ Hoàng theo cách xã giao đương thời hoặc hơi khuỵu chân xuống theo tục lệ cũ, một cử chỉ tôn trọng đối với Nữ Hoàng hay vua chúa như các phụ nữ từng làm.
Trong hình ảnh này người ta coi Michelle Obama có vẻ „chơi trèo“, thiếu lịch sự hoặc thiếu hiểu biết về phong tục ngoại giao; mặc dù bà ta chỉ muốn làm một cử chỉ tỏ vẻ thân mật. Cũng may mà Nữ Hoàng Elizabeth tỉnh bơ và đưa tay quàng lại tỏ vẻ thân thiện; nên cái lỗi hớ hênh của Michelle được giảm đi một phần.
Quí độc giả có thể vào xem đoạn Video ngắn về Michelle tại địa chỉ:
www.huffingtonpost.com/2009/04/02/michelle-obama-hugs-queen_n_182237.html

Về lịch sử liên quan tới sự kiện này, chúng tôi nhận thấy, trước khi cố TT. John F. Kennedy thăm Anh quốc lần đầu, Đệ Nhất phu nhân Jacqueline Kennedy có hỏi Quận Công về việc bà có phải khuỵu chân trước Nữ Hoàng không?
Quận Công trả lời không, vì bà là phu nhân của một nguyên thủ quốc gia. Các nguyên thủ quốc gia và phu nhân của họ không cúi đầu và khuỵu chân đối với người khác.
Ba năm sau, sau lễ an táng của chồng (TT.Kennedy bị ám sát vào ngày 22.11.1963), bà Kennedey tiếp khách tại khu vực dành cho gia đình tại Tòa Bạch Ốc. Hoàng Thân Philip (chồng của Nữ Hoàng Elizabeth) tới chia buồn, bà khuỵu chân trước ông. Quận Công quá ngỡ ngàng vì bà Kennedy là người đã hỏi thủ tục ngoại giao, và có một trí nhớ nhanh nhẹn, sắc sảo và thông minh về vấn đề đó. Thấy ông ta sững sờ, bà Jacqueline Kennedy nói nhỏ với ông ta: „Angie, Tôi không còn là vợ của nguyên thủ quốc gia nữa“. Quận Công kể lại là ông ta rời ngay văn phòng và ra ngoài khóc…“
Do đó, cử chỉ của Đệ nhất phu nhân Michelle Obama không khuỵu chân trước Nữ Hoàng Elizabeth là chuyện chấp nhận được; nhưng còn việc rờ lưng, rờ vai của Michelle thì hơi quá đáng.
Theo thăm dò dư luận có 61,8% không chấp nhận cử chỉ của Michelle và 38,15% chấp nhận.
-TT. Obam cúi đầu rạp xuống và khuỵu gối trước vua Abdullah bin Saud!
Trong cuộc tiếp xúc ngoại giao với các lãnh tụ của các quốc gia G.20 Tổng thống Siêu cường Hoa Kỳ, Barack Obama đã cúi rạp người và khuỵu gối khi bắt tay với vua Abdullah của Ả-rập Saudi.
Theo tục lệ, về nghi thức tiếp xúc với các lãnh đạo quốc gia hay vị quyền cao chức trọng thì có ba cử chỉ khác nhau:
-Đối với đàn ông thì cúi đầu ở phần dính với cổ thôi.
-Đối với phụ nữ thì hơi khuỵu chân xuống.
-Những người khác thì bắt tay theo cách bình thường.
Cả ba cách TT. Obama và vợ Michelle đều không làm đúng.
Chồng thì cúi rạp, khuỵu gối kiểu đàn bà; vợ thì rờ lưng, rờ vai.
Quí độc giả có thể coi đoạn video ngắn về TT. Obama tại địa chỉ:
haaretz.com/hasen/spages/1077463.html
(http://www.americanthinker.com/blog/2009/04/obama_bows_down_to_saudi_king.html)
-Người Mỹ da trắng thấy hình ảnh trên có thể coi là „quốc nhục“. Là một nhà lãnh đạo của siêu cường quốc Hoa Kỳ thì không bao giờ lại cúi rạp mình khi bắt tay với nhà lãnh đạo quốc gia khác.
-Người Mỹ da đen thấy hình ảnh trên có thể hổ thẹn về một Tổng thống lại có vẻ hạ thấp mình trước mặt một nguyên thủ quốc gia khác.
-Người Muslim thấy hình ảnh trên có thể bất mãn vì chỉ trước Đức Chúa Trời „Allah“ thì con người mới phải cúi rạp mình và quỳ gối thờ lậy.

6- Tại Thổ Nhĩ Kỳ

21 phát súng đại bác bắn chào mừng quốc khách làm cho TT. Obama giật mình! Có thể ông ta quá suy nghĩ về việc mình sẽ bị ám sát, nên mỗi khi nghe tiếng nổ là giật mình sợ hãi?
Chắc quí độc giả còn nhớ trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm 2008 vừa qua, FBI đã khám phá và bắt giữ các can phạm trong hai vụ mưu sát Ứng cử viên Barack Obama. Do đó, TT. Obama luôn bị ám ảnh về một cuộc mưu sát mình.
Thổ Nhĩ Kỳ là trạm chót trong chuyến du hành Âu Châu của TT. Obama. Đây cũng là nơi mà cả thế giới Hồi Giáo chờ đợi những hứa hẹn cải tổ quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và các nước Islam, đặc biệt là các nước Ả Rập vùng Trung Đông; cũng như chính sách của Hoa Kỳ đối với Do Thái và Palestina.
Ngày 6.4.2009, TT. Obama tuyên bố: „Hoa Kỳ không và không bao giờ chiến tranh với Islam“. (The United States is not, and will never be, at war with Islam).
Nhận định về bài diễn văn của TT. Obama đọc tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập tuyên bố bài diễn văn của TT. Mỹ là bước đầu tốt đẹp làm giảm sự căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Thế giới Hồi giáo.
Về vấn đề Do Thái và Palestina TT. Obama tuyên bố „Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ mục tiêu hai quốc gia.“ Thực tế thì cựu TT. Bush cũng tuyên bố như vậy trong các cuộc họp báo khi vấn đề về Do Thái và Palestina được giới truyền thông gạn hỏi. Nhưng hết 8 năm nhiệm kỳ của TT. Bush mà chính sách này vẫn không đem lại kết quả nào.
Sợ có sự xung đột ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ, TT. Obama không đả động gì tới việc Thổ Nhĩ Kỳ tàn sát hàng loạt người Armenia vào năm 1915 mà Liên Hiệp Âu Châu đã xếp vào hành động tội ác chống nhân loại. TT. Obama cũng lờ qua việc Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép quân đội Mỹ chuyển quân qua lãnh thổ nước này để tấn công Iraq vào năm 2003.
Về phía Iran thì TT. Obama vừa muốn bắt tay vừa khuyến cáo Iran nên huỷ bỏ chương trình làm giầu Uranium để chế tạo bom nguyên tử. Và dĩ nhiên khi hướng về Iran TT. Obama không dám dùng câu „Trục Tội Ác“ (The Axis of Evil) như dưới thời cựu TT. Bush.
Người ta nhận thấy chiến lược mới của TT.Obama liên quan tới các nước Hồi Giáo không chỉ liên kết chống tổ chức khủng bố thế giới Al-Qaeda mà hy vọng được sự trợ giúp bởi lợi ích và sự kính trọng hỗ tương.
Nhưng sau bức màn tối, người ta khó có thể biết được ý định của các nước Islam.