Dân Chúa Âu Châu

Sau 8 Năm Cầm Quyền Tổng Thống George W. Bush Đã Làm Được Gì Cho Nước Mỹ?

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Trong 8 năm cầm quyền, Tổng thống Hoa kỳ George W. Bush đã thi hành hai chính sách làm chấn động thế giới là:
-Cuộc xâm lăng A Phú Hãn (Afghanistan) năm 2001 nhằm dẹp tan nhà cầm quyền Taliban (1996-2001) do Mullah Mohammed Ohmar cầm đầu. Nhà cầm quyền Taliban không chỉ hà khắc đối với dân mình mà còn công khai chứa chấp trùm khủng bố Osama bin-Laden và cho phép thiết lập các trung tâm huấn luyện chí nguyện quân của tổ chức khủng bố Al-Qaeda.
-Cuộc xâm lăng Iraq (20.3.2003) nhằm lật đổ Tổng thống Saddam Hussein, nhà độc tài khét tiếng tại Trung Đông, đã gây nên cuộc chiến Iran và Iraq trong thập niên 1980, tiêu diệt dân Kurdistan bằng bom hóa học và ngang nhiên đem quân xâm chiếm Kuwait vào năm 1991. Saddam Hussein cũng bị tố cáo có dính líu tới vụ khủng bố ngày 11.9.2001, phát triển chương trình sản xuất vũ khí nguyên tử và vũ khí giết người hàng loạt.
Nhân dịp TT. George W. Bush từ giã chính trường, chúng tôi mời quí độc giả Dân Chúa Âu Châu nhìn lại sau 8 năm cầm quyền Tổng thống George W. Bush đã làm được gì cho nước Mỹ.

I- Đối Nội

Trong 8 năm cầm quyền, Tổng thống George W. Bush bị chỉ trích nặng nhất về các vấn đề như sau:
-Không có biện pháp thích ứng khi tin tức của Cơ quan Trung ương Tình báo Hoa Kỳ "CIA" cho biết có thể có khủng bố. Cuộc khủng bố ngày 11.9.2001 xẩy ra là một bằng chứng chứng minh chính phủ Bush coi thường tin tức tình báo, không đưa ra biện pháp ngăn ngừa và can thiệp kịp thời.
-Không tích cực trong việc cứu trợ hàng chục ngàn nạn nhân của bão Katrina. TT. Bush chỉ ngồi trên phi cơ quan sát, chứ không tới tận nơi xẩy ra thiên tai để ủy lạo, khích lệ và đưa ra các biện pháp trợ giúp cấp thời.
-Không tôn trọng hiệp định Genève về tù binh. Các tù binh tại A Phú Hãn và Iraq bị làm nhục, bị tra hỏi bằng các phương thức được coi là bất hợp pháp. Nhà tù tại vịnh Guantanamo ở Cuba là bằng chứng cho thấy chính phủ Mỹ không tôn trọng luật pháp quốc tế và quốc gia về việc phải đưa ra tòa án để xét xử các tù nhân.
-Không bảo đảm được mức sung túc về an ninh xã hội, kinh tế không phát triển và không giải quyết được cuộc khủng hoảng tài chính. Tài nguyên quốc gia được dùng vào hai cuộc chiến A Phú Hãn và Iraq làm cho Hoa Kỳ rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị và kinh tế trầm trọng. Xã hội bị chia rẽ giữa hai phe ủng hộ và chống chiến tranh Iraq.
Sự chỉ trích trên không phải là vô cớ hoặc chỉ phát xuất từ phe đối lập. Chính Tổng thống Bush cũng đã trực tiếp hay gián tiếp công nhận một phần hay toàn phần những lỗi lầm của mình trong cuộc họp báo ngày 12.1.2009 tại Tòa Bạch Ốc, trước khi từ giã nhiệm vụ Tổng thống.

II- Đối Ngoại

Hoa Kỳ mất uy tín trên chính trường thế giới. Các nguyên nhân quan trọng hàng đầu là:
Cuộc xâm lăng A Phú Hãn thành công, nhưng không bắt được thủ lãnh Taliban và trùm khủng bố Osama bin-Laden; không tiêu diệt được tổ chức Al-Qaeda, những kẻ chủ mưu trong cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 tại Nữu Ước.
Cuộc xâm lăng Iraq thành công trong việc lật đổ chế độ độc tài và xây dựng một quốc gia dân chủ; nhưng không chứng minh được Iraq sản xuất bom nguyên tử và Tổng thống Saddam Hussein có liên hệ với tổ chức Al-Qaeda. Sau 5 năm chiến tranh chính phủ Mỹ và Iraq vẫn chưa hoàn toàn ổn định được tình thế.
Cuộc chiến Iraq làm cho Hoa Kỳ mất mát nhiều đồng minh và uy tín của TT George W. Bush bị lu mờ trên chính trường thế giới, kể cả Âu châu, một lục địa bao giờ cũng vai sát vai với Hoa Kỳ, trong cuộc chiến tranh lạnh chống Cộng sản và trong các vấn đề liên quan tới thế giới, trong hàng chục năm qua. Các cuộc thăm viếng Âu Châu của Tổng thống Bus, nhà lãnh đạo siêu cường quốc Hoa Kỳ, phần lớn chỉ xẩy ra có vẻ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo chính phủ mà không được dân chúng đón tiếp như một quốc khách đồng minh!

2.1-Ai chủ trương xâm lăng Iraq?

Nhiều người không ngần ngại trả lời ngay là Tổng thống Bush chứ còn ai?
-Vâng, đúng vậy. TT. Bush có quyền quyết định tối hậu tấn công hay không một quốc gia.
Nhưng khi tìm hiểu sâu xa hơn về vấn đề này, chúng tôi thấy cả một chính sách quan trọng phát nguồn từ tư tưởng chiến lược có tên: Kế hoạch cho Thế kỷ Mới của Mỹ "PNAC" (Project for New American Century) hay dưới danh xưng khác: Viện Nghiên cứu Tiến bộ Chiến lược và Chính trị "IASPS" (Institute for Advanced Strategic & Political Studies) đã được phát triển bởi nhóm "Tân Bảo Thủ" (NeoConservative) bao gồm các nhân vật có ảnh hưởng lớn về chính sách đối ngoại của chính phủ Hoa Kỳ từ thời cựu Tổng thống George Bush (bố), đặc biệt về lãnh vực Quốc phòng, mà chúng tôi tạm gọi là nhóm "Diều Hâu" hay "Chủ Chiến".
Như quí độc giả đã biết, Tổng thống Mỹ nào ban hành các chính sách, về đối nội cũng như đối ngoại, thường do các cố vấn nghiên cứu, thiết lập và đệ trình.
Nếu Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger đã có ảnh hưởng toàn bộ về các chinh sách, kể cả chiến tranh Việt Nam, của cố Tổng thống Richard Nixon, thì Phó Tổng thống Dick Cheney và ban tham mưu của ông cũng có ảnh hưởng tới tất cả chính sách của cựu Tổng thống George Bush (bố) và George W. Bush (con), đặc biệt về lãnh vực Quốc phòng. Ủy ban này đã thành công trong việc cố vấn cựu TT George Bush quyết định can thiệp bằng quân sự vào Trung Đông để giải cứu Kuwait khỏi sự xâm lăng của TT Saddam Hussein. Nhưng sau đó Ủy ban này lại tiếc nuối là tại sao không nhân cơ hội chiến thắng tiến thẳng tới thủ đô Baghdad lật đổ luôn Saddam Hussein trong cuộc chiến 1991-1992?
Sự tiếc nuối này đã được thỏa mãn dưới thời Tổng thống George W. Bush.
Đứng đầu Tân Bảo Thủ là: Phó Tổng thống Dick Cheney và các cộng sự viên đắc lực gồm: Ronald Rumsfeld Bộ trưởng Quốc phòng, Paul Wolfowitz Phụ tá BT Quốc phòng (sau được đề cử vào chức vụ giám đốc Ngân hàng Thế giới), Lewis Libby, Tham mưu trưởng, David Wurmser ủy viên tham mưu về Trung Đông, Douglas Feith Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về chính sách của Phó Tổng thống Dick Cheney, Abraham ủy viên tham mưu Tòa Bạch Ốc và Richard Perle chủ tịch Ủy ban chính sách Quốc phòng.
Mục đích chính của Ủy ban là tìm thế đứng và đồng minh tại Trung Đông. Nhưng thực tế cho thấy chỉ Do Thái được quan tâm nhiều hơn cả. Sau biến cố khủng bố 11.9.2001 tại Nữu Ước, Ủy ban Tân Cộng Hòa đã lèo lái TT. Bush đi ngược lại các nguyên tắc căn bản của đảng Bảo Thủ mà ông tung ra trong cuộc tranh cử Tổng thống. Ủy ban này cũng làm lu mờ cả vai trò của Bộ trưởng Ngoại giao, Tướng Collin Powell trong chính sách đối ngoại của Tòa Bạch Ốc.
David Frum, người từng soạn thảo các bài diễn văn cho TT. Bush, và Richard Perle trong Ủy ban Cố vấn về Quốc phòng cho Ngũ Giác Đài (Pentagon) đã cho ra đời tác phẩm "Sự kết thúc của tội ác: Làm sao chiến thắng cuộc chiến chống khủng bố" (The End of Evil: How to Win the War on Terrorism), trong đó có đoạn nói lên chủ trương của họ trong cuộc chiến xâm lược A Phú Hãn và Iraq như sau:
"Khủng bố vẫn còn là tội ác lớn lao của thời đại chúng ta, và cuộc chiến chống tội ác là chính nghĩa lớn lao của thế hệ chúng ta… Không có trung đạo đối với người Mỹ; chiến thắng hay lò sát sinh (Holocaust) khủng khiếp". Sự đe dọa khủng bố lớn lao ngang bằng sự đe dọa của người Muslim. Bảo vệ người Mỹ khỏi sự khủng bố đòi hỏi phải lật đổ một số chế độ Ả Rập và Muslim, và cưỡng bức sự cải tổ đạo Islam thật nhiều: "Chúng ta phải làm mất niềm tin và đánh bại tư tưởng Islam cực đoan chính thức và nuôi dưỡng khủng bố…"
Như trong bài trước chúng tôi đã nói sơ qua về các nhóm các đại biểu "Lobbies" của Do Thái có ảnh hưởng lớn trong quốc hội và chính quyền Mỹ. Chính vì thế, nhà kinh tế Thomas Stauffer cho rằng từ năm 1973 Do Thái đã nhận được 240 tỷ Mỹ-kim viện trợ của Hoa Kỳ. Chính vì thế, trùm khủng bố Osama bin-Laden khẳng định sự trợ giúp của Hoa Kỳ cho Do Thái là nguyên nhân thù nghịch chính yếu của tổ chức khủng bố bao trùm thế giới Al-Qaeda. Bằng chứng còn được xác nhận qua nhật báo Ha’aret của Do Thái tường trình ngày 5.4.2003 rằng: "Chiến tranh Iraq được thai nghén bởi 25 nhà thông thái trong nhóm Tân Cộng Hòa, phần lớn là người Do Thái, những người thúc đẩy TT. Bush thay đổi lịch sử. Ủy ban Hành động Chính trị Do Thái-Mỹ "AIPAC" (The American Israeli Political Action Committee) được coi là nhóm đại biểu chủ chiến có ảnh hưởng rộng lớn tại Hoa Thịnh Đốn.
Thực ra, vấn đề xâm lăng Iraq đã được Viện Nghiên cứu Tiến bộ Chiến lược và Chính trị "IASPS" đưa ra từ năm 1996. Kế hoạch này cũng được thông báo cho Thủ tướng Do Thái để chuẩn bị đối phó với sự trả đũa của Iraq và các nước Islam trong vùng Trung Đông. Ảnh hưởng quá mạnh của Uỷ ban Tân Bảo Thủ khiến Tướng Anthony Zinni, Tư lệnh các lực lượng của Mỹ tại Iraq, người đầu tiên đã công khai lên truyền hình kể 60 phút sự thật về Tòa Bạch Ốc đã cố giữ bí mật và Ủy ban Tân Bảo Thủ đã đưa Hoa Kỳ vào cuộc chiến tranh khó chiến thắng và gia tăng cuộc chiến bẩn thỉu. Ai chống lại các chương trình của Tân Bảo Thủ liền bị phê bình là "Chống Do Thái" (Anti-Semitic, một nhóm từ khơi lại hành động tàn ác của Hitler đã giết hơn 6 triệu người Do Thái trong thời Đệ II Thế chiến. Ai chống Do Thái bị đồng hóa với Hitler!)
Theo Trung tá Karen Kwiatkowski thì các tin tình báo đưa tới cuộc chiến xâm lăng Iraq hầu như dựa vào nguồn tin cung cấp của Do Thái. Do Thái muốn lật đổ Saddam Hussein bằng bất cứ giá nào để chấm dứt việc Tổng thống Iraq công khai ủng hộ các nhóm khủng bố tại Palestina và Libanon.
Như chúng tôi đã từng viết trong các bài liên quan tới tình hình Trung Đông trước đây là Saddam Hussein công khai khiêu khích Do Thái và Hoa Kỳ bằng cách tưởng thưởng khoảng 3.000 Mỹ-kim cho mỗi gia đình có thân nhân mang bom tự sát chống Do Thái.
Cuộc khủng bố ngày 11.9.2001 là một nguyên nhân ngàn năm một thuở để chiến lược đặt chân lên Trung Đông và thiết lập một chế độ đồng minh với Hoa Kỳ được thực hiện và đã thành công.

III- Hậu quả do chiến tranh Iraq gây ra

Hậu quả về nhân bản

Theo Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) có 1,9 triệu người dân phải chạy tỵ nạn loanh quanh trên đất nước và 2 triệu chạy tỵ nạn ra nước ngoài, đặc biệt tại Syria và Jordan. Trung bình mỗi ngày có hàng chục người chết vì chiến tranh, do khủng bố và các phe phái Hồi giáo thanh toán lẫn nhau. Xã hội xáo trộn khiến cho 1/3 dân chúng rơi vào cảnh bần cùng. Hệ thống giáo dục, y tế và xã hội rơi vào tình trạng tồi tệ được coi là một trong các cuộc khủng hoảng và tàn phá quan trọng nhất trên thế giới trong những năm đầu của thế kỷ 21.
Hậu quả về chính trị
Cuộc chiến Iraq gây ảnh hưởng dây chuyền từ Syria đến Lebanon, từ Ả Rập Saudi tới Iran, Do Thái, Palestina và các nước Islam trong vùng. Đặc biệt trùm khủng bố Osama bin-Laden và tổ chức Al-Qaeda lợi dụng biến cố này hợp thức hóa hành động khủng bố tại Iraq với danh nghĩa chống Mỹ cứu nước. Một đất nước Iraq bị chia thành ba phần: dân Kurdistan ở miền Đông-Bắc, dân Muslim hệ phái Sunni ở miền Trung-Tây và dân Muslim hệ phái Shia ở miền Nam. Dân Kurdistan và Shiite cám ơn Hoa Kỳ đã giải phóng họ khỏi chế độ độc tài Saddam Hussein; nhưng dân Sunni hận thù vì Tổng thống của họ bị Mỹ lật đổ.
Sự thất bại trong chương trình ổn định tình hình, tái thiết và phát triển dân chủ tại Iraq lại vô tình củng cố vị trí lãnh đạo của các thủ lãnh quốc gia trong vùng. Họ không sợ bị Hoa Kỳ lật đổ như Saddam Hussein nữa.

Hậu quả về kinh tế

Cuộc xăm lăng Iraq gây cho 60% dân chúng tại đất nước này bị thất nghiệp và các hệ thống sản xuất, kể cả điện nước, bệnh viện, trường học, rơi vào tình trạng bị tàn phá, thiếu điều hành. Mặc dù sau cuộc xâm lăng, chính sách của Mỹ và tân chính phủ Iraq là mở cửa cho các nhà đầu tư ngoại quốc, hủy bỏ các cơ sở, xí nghiệp quốc doanh, Quỹ Tiền tệ Thế giới tung hàng triệu Mỹ-kim để tái thiết đất nước, Liên Hiệp Quốc hủy bỏ lệnh phong tỏa kinh tế Iraq; nhưng khủng bố và hận thù giữa các phe nhóm làm cho chương trình tái thiết và phát triển trở nên khó khăn và kéo dài thời gian.

Hậu quả về di sản văn hóa

Cuộc xăm lăng Iraq là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp hủy hoại một phần hay toàn phần di sản văn hóa và khảo cổ của đất nước có một quá trình lịch sử văn hóa lâu đời. Bảo tàng viện và thư viện quốc gia Iraq bị phá hủy hoặc bị ăn cắm đồ cổ quí giá. Quân đội Mỹ đóng căn cứ và phá hại trung tâm lịch sử văn hóa Babylon cũng như một số địa danh nổi tiếng tại vùng ngoại ô.
Hậu quả về công pháp quốc tế
Cuộc xăm lăng Iraq bất chấp có hay không có quyết định của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đưa tới hậu quả là các nhà độc tài tại một số quốc gia trong tương lai có thể lợi dụng biến cố Iraq như là một tiền lệ cho phép họ hành động qua mặt Liên Hiệp Quốc. Nga Sô ngang nhiên đem 5.000 quân và hơn 150 chiến xa tràn vào Georgia ngày 8.8.2008, với danh nghĩa bao vệ dân Nga và dân Georgia thân Nga, đã tạo nên cảnh rối loạn và mất an ninh trong vùng. Hơn 115.000 người dân Georgia phải chạy tỵ nạn là một bằng chứng cụ thể chứng minh sự coi thường luật pháp quốc tế.

Hậu quả về tôn giáo

Không kể sự rạn nứt đi tới thù địch bắn giết lẫn nhau giữa hai phe Muslim hệ phái Sunni và Shiite, người ta lo ngại Thiên Chúa giáo sẽ bị quét sạch khỏi Iraq. Cuộc xâm lăng Iraq là nguyên nhân khiến cho người Muslim quá khích và tổ chức khủng bố Al-Qaeda khơi lại đống tro tàn lịch sử; gán cho quân đội Mỹ và đồng minh Tây phương là Thập Tự Quân. Một số sự kiện sau đây cho thấy Thiên Chúa giáo đã và đang bị bách hại.
Theo ký giả Joe Sterling của đài truyền hình CNN thì tín hữu Thiên Chúa giáo đang phải trực diện sự giết chóc và đe dọa đến tính mạng phải chạy tỵ nạn ra nước ngoài. Cộng đồng dân Chúa ở Iraq vào năm 2003 có khoảng 1,4 triệu, nay chỉ còn khoảng 500.000 đến 700.000 người! Anna Eshoo gốc Syria và Armenia, Dân biểu thuộc đảng Dân Chủ Mỹ đã phải nói là người Ki-tô hữu Iraq đang sống trong tình trạng bị diệt trừ tôn giáo và bà kêu gọi hãy giúp đỡ các tín hữu tỵ nạn. Ông Kassab, Giám đốc điều hành tổ chức từ thiện Mỹ Cheldan Federation of America cũng phải kêu lên: "chúng tôi đang phải đối đầu với cái chết! Thánh giá bị biến mất khỏi nhà thờ, các Linh mục không dám mặc áo chùng thâm khi ra ngoài, giáo dân sợ bị ám sát hay bắt cóc không dám đi lễ, nhà thờ sợ bị phá phách và chiếm cứ nên phải thuê an ninh bảo vệ v.v…"

Kết luận:

Tham chiến tại A Phú Hãn và Iraq, chính phủ Mỹ đã phải chi khoảng 12 tỷ Đô-la một tháng. Ngân sách của chính phủ thâm thủng hàng trăm tỷ Đô-la đưa tới hậu quả Hoa Kỳ bị nợ nần trên 10 ngàn tỷ Đô-la vào thời điểm 30.9.2008. Nếu chương trình can thiệp vào A Phú Hãn và Iraq còn tiếp tục thì tốn phí cho ngân sách sẽ gia tăng thêm khoảng 1,7 ngàn tỷ đến 2,7 ngàn tỷ vào năm 2017.
Với số lượng tiền bạc tiêu xài vung phí lớn lao như vậy, người ta tự hỏi các chính phủ Mỹ lấy lại được gì trong hai cuộc chiến?
Câu hỏi này chúng tôi đã trả lời một phần trong bài trước (Dân Chúa Âu Châu số 315) và một vài đoạn ở trên. Chúng tôi hy vọng sẽ có dịp trình bày tiếp chiến lược toàn cầu của nhóm Tân Bảo Thủ khi có cơ hội.
Biết đâu Việt Nam, Bắc Hàn và Đài Loan sẽ nằm trong chiến lược của các nhóm Tân Bảo Thủ vào những năm tới?