Dân Chúa Âu Châu

Vinh Danh Dân, Quân, Cán Chính đã hy sinh vì chính nghĩa quốc gia.

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Sau 33 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, nhưng hình ảnh hào hùng của Dân, Quân, Cán, Chính Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ mình vì Tổ quốc luôn sống mãi trong tâm hồn những người quốc gia chân chính.
Sau 33 năm đã có nhiều sách báo của người Việt và của người ngoại quốc viết về nguyên nhân miền Nam Việt Nam bị sụp đổ.
Sự sụp đổ này được chứng minh sau cái bắt tay giữa tổng thống Mỹ Richard Nixon và Mao Trạch Đông, để đi tới thỏa thuận quân Mỹ lần lượt rút khỏi miền Nam trong danh dự và mối tình Mỹ-Tàu đưa tới hậu quả là quốc hội Hoa Kỳ cắt giảm tới mức tối đa quân viện cho Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).
Để tuổi trẻ hiểu được vấn đề tại sao ông bà, cha mẹ, chú bác, anh em của các bạn phải chạy tị nạn ra nước ngoài, để ngày nay các bạn được lớn lên, đậu bằng cấp cao và có cuộc sống sung túc tại các xã hội tự do, dân chủ Tây phương và Hoa Kỳ; chúng tôi ghi lại đây một số lời phát biểu của tướng lãnh, ký giả và chính trị gia Mỹ về Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH).
Qua những nhận định của người ngoại quốc về khả năng và hiệu quả chiến đấu của QLVNCH, con cháu của quân nhân QLVNCH có thể hãnh diện về những gì ông bà, cha mẹ, anh chị em của các bạn đã phục vụ cho lý tưởng tự do, dân chủ và nhân quyền mà đại đa số dân miền Nam và nhân loại theo đuổi.
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có thua không?
Việt cộng thì huyênh hoang tuyên bố toàn thắng và giải phóng được miền Nam.
Nhưng cái lý tưởng của họ trong chiến tranh giải phóng là lý tưởng gì?
Thực tế cho thấy Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã giải phóng người dân miền Nam được sống dưới chế độ dân chủ, tự do, no ấm thành người dân của một nước cộng sản độc tài, khát máu, chậm tiến và đói khổ!
Chủ nghĩa Cộng sản như một bệnh cùi hủi gieo rắc đau thương và hôi hám trên toàn cõi Việt Nam. "Yêu Nước phải yêu chủ nghĩa Xã hội", một chủ nghĩa đã lỗi thời và bị thế giới nguyền rủa vì tội ác của nó, mà CSVN vẫn bắt dân phải gục đầu tuân theo!

Người Quốc gia chân chính không cần phải trả lời thắng hay bại.
Tài liệu lịch sử đã chứng minh rõ ràng QLVNCH bị bức tử vì đồng minh cắt viện trợ và bỏ cuộc.

Người Quốc Gia chân chính không cần phải trả lời thắng hay bại.
Những lời phát biểu một cách khách quan của tướng lãnh, chính trị gia và ký giả Mỹ dưới đây cho thấy QLVNCH đã chiến đấu anh dũng, không thua quân đội Mỹ và bất cứ quân đội nào trên thế giới.

I- Về phía Hoa Kỳ

1- Thống tướng Westmoreland

Phát biểu trong cuộc hội thảo chính trị quốc tế tại Dirksen Senate Building, Washington, DC ngày 2.5.1995 với chủ đề "Kỳ vọng dân chủ tại Việt Nam sau 20 năm dưới chế độ tồi tệ toàn trị" (Prospects for Democracy in Vietnam after 20 years of Totalitarian Misrule) do tổ chức Ủy Ban Quốc tế cho một Việt Nam Tự Do (International Commitee for a Free Vietnam/ ICFV) tổ chức tại thượng viện Hoa Kỳ, thống tướng Westmoreland, nguyên tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam, đã tuyên bố:
"Quân lực Hoa Kỳ và QLVNCH không thua cuộc chiến tại Việt Nam, mà chính những nhà hoạch định chính sách và các thành viên trong quốc hội Hoa Kỳ đã buộc chúng ta thua cuộc chiến đó. Tôi đã cùng chiến đấu với các anh trong 4 năm; tôi kính phục các anh và giờ đây tôi vẫn tiếp tục kính phục các anh. Theo tôi, tự do và dân chủ cuối cùng sẽ thắng..."
"The United States Army and The South Vietnam Army have not lost the Vietnam War, but the policy makers and the members of the United States’ Congress have forced us to lose it. I have fought with you during 4 years; I admired you, and I still admire you now." "I think that at the end, freedom and democracy will win the final victory..."
Khi được báo Thời Luận số ra ngày 11.05.1995 về cuộc hội thảo chính trị quốc tế 2.5.1995 phỏng vấn:
"Là tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam, thống tướng nhận xét thế nào về khả năng chiến đấu của quân đội Mỹ và quân đội miền Nam khi đối đầu với quân cộng sản Bắc Việt?"
Thống tướng Westmoreland trả lời: "Tôi kính trọng tinh thần chiến đấu của quân đội miền Nam Việt Nam. Về phía quân đội Hoa Kỳ, tôi thấy không có gì để nói thêm. Bởi vì cuộc chiến Việt Nam chấm dứt phát xuất từ vấn đề chính trị chứ không phải là vấn đề quân sự."
Qua phát biểu của tướng Westmoreland: "...chính những nhà hoạch định chính sách và các thành viên trong quốc hội Hoa Kỳ đã buộc chúng ta thua cuộc chiến đó..." chúng tôi nhận thấy trường hợp của tướng Westmoreland giống hoàn cảnh của tướng MacArthur, Douglas (1880-1964), nguyên tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Hiệp Quốc trong chiến tranh Triều Tiên (15.7.1950-1953). Khi thấy Trung Cộng trực tiếp đưa quân can thiệp vào Bắc Triều Tiên, tướng MacArthur đã đề nghị tấn công qua biên giới Bắc triều Tiên và oanh tạc các căn cứ quân sự của Trung Cộng tại Mãn Châu để chấm dứt chiến tranh và sự bành trướng của Tàu Cộng. Tổng thống Hoa Kỳ Truman và các cố vấn trong chính phủ đã không chỉ bác bỏ đề nghị chiến lược này mà còn cách chức tướng MacArthur. Ông bị triệu hồi về nước. Tuy được dân chúng và quân đội ca tụng là anh hùng, nhưng cuộc đời binh nghiệp của tướng MacArhtur coi như chấm dứt từ đó.

2- Đô đốc U.S.G. Sharp, nguyên tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương cũng ghi nhận trong tác phẩm "Chiến lược để thất bại" (Strategy For Defeat): "Hiệp định hòa bình Paris ngày 27.1.1973 mà Mỹ chấp thuận và bắt buộc VNCH thi hành, không phải là một công thức hòa bình. Theo đó, CSBV không còn sợ Mỹ can thiệp nên đã tự do xâm lăng miền Nam VN mà không bị chế tài!"

3- Fred C. Weyand, đại tướng tham mưu trưởng Lục Quân Hoa Kỳ, cũng thành tâm thổ lộ:
"Mức yểm trợ hiện nay của Hoa Kỳ bảo đảm sẽ đưa chính phủ Việt Nam đến chỗ thất trận. Số 150 triệu Đô-la còn lại trong ngân khoảng 750 triệu của tài khóa 1975 chỉ đủ dùng trong một chuyến tiếp vận lớn, trong một thời gian ngắn. Cơ may thành công cũng chỉ có thể có được nếu có ngay một ngân khoản phụ trội 722 triệu để tạo cho Nam Việt Nam khả năng phòng thủ tối thiểu chống lại cuộc xăm lăng được Nga và Trung cộng yểm trợ. Sự yểm trợ phụ trội của Hoa Kỳ không đi ngược với tinh thần và đường hướng của Hòa Ước Ba Lê, văn kiện căn bản cho những thỏa thuận hòa bình tại Việt Nam...

Uy tín của Hoa Kỳ, như một quốc gia đồng minh, đang bị thử thách tại Việt Nam. Để bảo vệ uy tín, chúng ta cần yểm trợ Việt Nam tối đa, và ngay lúc này."
Đại tướng Fred Weyand khi thuyết trình mãn nhiệm chỉ huy Đệ Nhị Lộ Quân đã nói rõ,
"Sự chậm trễ cung cấp khí giới và quân cụ mới cho Việt Nam, ít nhất ngang với sự yểm trợ của Nga-Tầu cho quân địch làm cho quân bạn yếu kém".

4- Đại tướng Creighton Abrams sau nhận chức tư lệnh phó lực lượng Mỹ ở VN đã điện ngay cho đại tướng Harold K. Johnson, tham mưu trưởng quân đội Mỹ, như sau:
"Tôi thấy ngay là quân lực Mỹ tại đây cũng như bên chính quốc chỉ nghĩ trước tiên đến hành quân Mỹ và yểm trợ các đơn vị Mỹ. Do đó chương trình cung cấp chiến cụ cho Việt Nam đã ít ỏi mà lại còn không được thi hành một cách tích cực và cấp tốc như đối với quân Mỹ. Rõ ràng chúng ta có trách nhiệm lớn với quân bạn. Công việc phải làm ngay và tôi đang bắt tay cấp kỳ vào việc!"
Ngay khi nhậm chức, tướng Abrams liền gia tăng lực lượng Việt Nam, nhất là cung cấp các súng M-16. Trong trận tấn công Tết Mậu Thân 1968 ông đã cung cấp ngay súng cá nhân M-16 cho Nhẩy Dù và các đơn vị thiện chiến khác. Tuy nhiên phần đông vũ khí của QLVNCH vẫn bị lép vế đối với cộng sản.
Ông cũng nói với tướng Wheeler rằng đó là vì thật sự quân đội VN không được yểm trợ như quân đội Mỹ cả về phẩm lẫn lượng (trọng pháo, không tập chiến thuật, không pháo và trực thăng vận). Bởi vậy việc chỉ trích quân đội VN trong thời kỳ đầu thiếu khách quan. Thiếu khí giới cần thiết trước một địch quân hùng hậu hơn lại còn bị đẩy xuống vai trò thứ yếu trong nhiều năm đã không cho họ cơ hội tăng tiến kinh nghiệm chiến đấu. Có rất nhiều tài liệu ghi sự dũng cảm và thiện chiến của QLVNCH, tuy nhiên các nhà viết sử không chú ý đến và các phóng viên báo chí thì lờ đi. Trong Văn Khố Quốc Gia có hàng ngàn huy chương Hoa Kỳ cấp cho quân sỹ Việt Nam vì thành tích phục vụ quả cảm.

5- Robert H. Nooter: "nhận những báo cáo ở Huế" thì đại tá Robert Molinelli đang ở ngay trên mặt trận. Trên tờ Armed Forces Journal phát hàng ngày 19.4.1971, ông đã viết:
"Trong 3 ngày liền, một trung đoàn địch quân từ 2.500 đến 3.000 người đã bao vây một tiểu đoàn 420 người của Nam Việt Nam. Lực lượng Hoa Kỳ không thể tiếp tế cho đơn vị này, thế mà họ đã chiến đấu cho đến gần cạn đạn dược, và họ đã dùng cả vũ khí địch để chiến đấu mở đường máu phá vòng vây địch, mang theo hầu hết những thương binh và một vài chiến binh tử trận. Không ảnh chụp trận bao vây và phá vòng vây đó cho thấy 637 xác địch quân rải rác quanh vị trí của họ..."

6- Thiếu tướng James L. Collins đã trình bầy về tình hình quân đội Việt Nam như sau:
"Năm 1964 địch quân đã bắt đầu xử dụng AK-47, một loại súng tân tiến, tự động và rất bén nhậy. Trái lại lực lượng bạn vẫn dùng loại khí cụ phế thải của thế chiến II" Rồi từ năm 1965 khi quân Mỹ lần hồi gia tăng nhập cuộc thì nhu cầu chiến tranh về phía bạn lại càng bị đẩy lui vào hậu trường".

7- Harry F. Noyes III

"Năm 1975, Bắc quân đã thắng trận vì quân lực miền Nam cạn thiếu mọi thứ, từ súng tiểu liên, trọng pháo đến cơ phận chiến xa, máy truyền tin và cả đến bông băng cứu thương sau khi quốc hội Hoa Kỳ cắt viện trợ năm 1974, và ngay cả kẻ thù cũng nhận như thế.
Thế nhưng, một sư đoàn Nam Việt Nam đã chận đứng 5 sư đoàn tinh nhuệ của Hà Nội cả tuần lễ tại chiến trường Xuân Lộc, họ đã chiến đấu can trường trên mặt trận như bất cứ một đơn vị Hoa Kỳ nào.
Thật là tồi tệ là chúng ta đã bỏ rơi Nam Việt Nam. Đừng xúc phạm họ/ QLVNCH để khỏa lấp tội lỗi của chúng."

II- Phát biểu của chính trị gia Mỹ

1- Henry Kissinger, nguyên bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ thời TT. Nixon
Henry Kissinger, gốc Do Thái, được người quốc gia chân chính gọi là tên đồ tể bán đứng VNCH đã từng tuyên bố: "Sao chúng (ám chỉ dân quân VNCH) không chết quách cho rồi?" (Why Don’t These People Die Fast?).
Chương trình Việt Nam hóa chiến tranh và quyết định cắt giảm quân viện cho VNCH do Kissinger chủ trương không ngoài mục đích lấy số tiền này giúp Do Thái. Cuộc tấn công lần thứ ba của các nước Ả Rập xẩy ra vào dịp lễ nghỉ Yom Kippur của dân Do Thái năm 1973, khiến cho Do Thái rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng cả về ba phương diện: chính trị, quân sự và kinh tế.
Sau này Kissinger tỏ ra hối hận về chính sách đối với VNCH qua thư gửi cho TT. Nguyễn Văn Thiệu, câu kết: "Tôi không trông đợi sự thuyết phục được Ngài, ít nhất, tôi có thể cố gắng xin Ngài tin tưởng ở lòng hối hận, và kính trọng vẫn còn của tôi."
Hà Nội đã vi phạm Hiệp Định Ba Lê 1973 một cách trắng trợn, công khai xua quân qua vĩ tuyến 17 mà Hoa Kỳ không phản ứng gì! Phải chăng quyết định bỏ rơi VNCH đã nằm trong chính sách?
Được biết sau bài diễn văn nhậm chức trước Quốc Hội Mỹ ngày 5.1.1975, chính tổng thống Gerald Rudolph Ford đã họp báo tuyên bố là Mỹ chấm dứt can thiệp vào VN!

2- Đại sứ Ellswarth Bunker, đại sứ Mỹ cuối cùng tại miền Nam VN, đã tự tay đưa cho tổng thống Thiệu ba bức thư cam kết của tổng thống Nixon giúp Việt Nam nếu CSBV vi phạm trắng trợn hiệp định Paris 1973. Nhưng vì vụ nghe lén việc tổ chức tranh cử của đảng dân chủ, TT. Nixon phải từ chức và những lời hứa của ông không có giá trị gì đối với chính phủ Ford kế tiếp.
Đại sứ Bunker nói, "quốc hội bó tay chúng ta và kết quả là nước Mỹ đã bội phản". Ông Bunker giải thích rõ ràng, "tôi không thể hình dung được làm sao tổng thống Thiệu có thể biết trước cung cách và hành động điếm nhục ấy của Hoa Kỳ!"

3- Paul Vann, cố vấn Mỹ nổi tiếng về chống du kích và chương trình Bình Định Nông Thôn, tử nạn máy bay trực thăng vào tháng 6.1972 tại vùng II chiến thuật. Tháng 1.1972, Vann nói rằng "chưa bao giờ chúng ta phải tham chiến ít như bây giờ. Ngày nay thấy rõ các vùng quê phồn thịnh, đường xá khai thông, cầu kỳ mở lại và bạn có nhiều rủi ro hơn với cả đống Honda và Lambretta ngược xuôi. Chương trình Việt Nam Hóa chiến tranh đã có kết quả ngoài tưởng tượng".

III- Phát biểu của báo chí Mỹ

1- Peter Kahn: Báo The Wall Street Journal/ May 2. 1975 trong mục "Truy Điệu Nam Việt Nam".
"Nam Việt Nam đã chống cự hữu hiệu trong 25 năm và không phải luôn luôn được người Mỹ giúp đỡ. Tôi nghĩ không có quốc gia nào có thể chịu đựng một cuộc chiến dai dẳng và tàn khốc đến như vậy... Rốt cuộc, quân lực ấy đã tài giỏi hơn sự ước lượng của mọi người..."

2- David Halberstam của báo Newsweek.

"Tất cả những sự thất bại lịch sử và những hèn nhát tồi tệ của biết bao nhiêu nhà lãnh đạo Tây Phương đều chồng chất lên lưng những người lính nam Việt Nam... Thật là bất lương và bất công. Sự nhục nhã là của chúng ta chứ không phải là của quân đội Việt Nam Cộng Hòa."

3- Báo Time đã viết: "Nhiều người Mỹ đã ngạc nhiên và cộng sản đã đau đớn sửng sốt thấy quân đội Việt Nam đã tức tốc đương đầu và chiến đấu ngang tàng can đảm khác hẳn dự đoán? Nhưng không thấy ai đề cập đến sự chênh lệch khí giới của đôi bên".
4- James Webb đã vạch mặt giới truyền thông, trí thức và Hollywood là những nhóm đã "có lợi khi làm cho cuộc chiến bị xem là không cần thiết hay không thắng được". Vì họ điều khiển dư luận nên họ đưa ra những lập luận sai lầm ngay cả khi chiến tranh kết thúc đã ba mươi năm. Những lập luận thật sai lạc, đi từ thóa mạ người lính Việt trong một quá trình chiến đấu cam khổ cho đến Jane Fonda hạ nhục những tù binh Mỹ là bọn láo khoét hoặc đạo đức giả khi nói rằng họ đã bị tra tấn hay hành hạ trong lúc bị giam cầm. Đã đến lúc ta phải bỏ thái độ tiêu cực, lắm khi mạt sát và cố tình dùng chính trị để đổ lỗi cho quân đội Việt Nam trong hầu hết các tranh luận.
Phần đông chúng ta và ngay cả một số người Mỹ phục vụ tại chỗ đều chỉ trích quân đội Việt Nam trong thời kỳ ấy. Họ đã không lưu ý đến một số yếu tố ảnh hưởng nặng nề lên tình trạng đó. Quân cụ Mỹ cung cấp đều là những thứ lỗi thời từ thế chiến II, nhất là các súng trường M-1 vừa nặng vừa cồng kềnh với tầm vóc người Việt. Trong khi đó thì kẻ thù đã được Nga-Tầu trang bị đầy đủ súng AK-47.

5- Douglass Pike, chuyên viên về Việt Nam đã bình luận trong một ấn bản Indochina Chronology như sau: "Đã có cố gắng chậm chạp nhưng liên tục điều chỉnh và cứu vãn danh dự của người quân nhân Việt Nam từng bị nhục mạ bởi bọn phóng viên truyền hình thương mại ngu dốt và cánh trí thức thiên tả."
Theo lịch sử ghi chép của quân đội Nhân Dân thì kế hoạch tấn công 1972 được chấp thuận bởi ban quân ủy trung ương từ tháng Sáu 1971. Mục tiêu là chiến thắng vào năm 1972 làm cho quân Mỹ xâm lược phải thương thảo trong thế yếu.
"Đó là một cuộc tấn công toàn diện với nhân lực, khí giới và tiếp vận quy mô. Vào giữa mùa hè tất cả 14 sư đoàn bắc quân rời khỏi Bắc Việt. Chúng sử dụng nhiều thiếp giáp và đại pháo nặng hơn QLVNCH và đạn dược cũng không giới hạn".
Cuối tháng ba 1972 địch tiến hành một cuộc xâm lăng cổ điển với 20 sư đoàn và một trận chiến tàn bạo sắt máu đã xẩy ra.
"Cuộc tấn công được sửa soạn công phu đã bị bẻ gẫy vì không yểm làm cho chúng không tập hợp được và vì sự chống trả dũng cảm và kiên trì của quân Nam Việt. Bắc quân và hệ thống giao thông của chúng đã bị triệt hạ nặng. Nhưng chính yếu là QLVNCH và cả địa phương quân đã hiên ngang chống trả như chưa từng thấy". Bắc quân tổn hại 100.000 người trong số 200.000 xung trận và có lẽ 40.000 đã bị giết. Họ đã mất già nửa thiết giáp và đại pháo. Sẽ cần ba năm để hồi phục trước khi tấn công lại và tướng Võ Nguyên Giáp bay khỏi chức tổng tư lệnh. Trái lại Nam quân mất 8.000 tử vong, gần ba lần thương binh và vào khoảng 3.500 mất tích. Tướng Giáp đã tính sai và phải trả một giá đắt cho lỗi lầm ấy.
Pike kết luận: "Giáp đã ước sai lòng quyết tâm và sự chống trả mãnh liệt của quân Nam Việt. Hắn sai lầm về sức đề kháng của QLVNCH". Bọn chỉ trích cũng triệt hạ QLVNCH cho rằng họ sống sót được là nhờ quân Mỹ. Không một ai nhớ rằng 300.000 quân Mỹ phải đóng ở Tây Đức là vì người Đức không thể chống lại Nga Xô Viết hay nhóm Liên Minh Warsaw nếu không có quân Mỹ. Họ cũng quên là 50.000 quân Mỹ phải lưu lại Nam Hàn để giúp trong trường hợp bọn Bắc tấn công. Và không ai đã nghĩ rằng vì quân Mỹ hiện diện nên phải chê bai và chế riễu quân đội Tây Đức cũng như Nam Hàn. Chỉ có Nam Việt bị tách rời ra để bôi nhọ một cách bất công và ác độc mặc dầu chỉ được không trợ chớ không được quân lực Mỹ hỗ trợ như Đức hay Cao Ly.

II-Về phía Việt Nam Cộng Hòa

Trong tác phẩm "Những Ngày Cuối Của VNCH", đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng QLVNCH đã viết: Dù đã trưng dụng hết quân liệu trừ bị, quân viện vừa nhận được, 50% quân cụ, vũ khí, lấy từ trung tâm huấn luyện, cộng thêm các vũ khí được sửa chữa tối đa, các đơn vị được tái trang bị vẫn thiếu dụng cụ, vũ khí cần thiết:
-Chỉ có được 50% súng phóng lựu M-21, đạn súng cối 60 và 81 ly.
-Mỗi súng cá nhân M-16 chỉ có 3 băng đạn thay vì 6. (băng ngắn 10 viên, băng dài 20 viên)
-Máy truyền tin cá nhân chỉ có được 50%: mỗi đại đội trang bị một máy truyền tin AN/PRC-25 hoặc là AN/PRC-10. (Trước đây mỗi trung đội được trang bị một máy AN/PRC-25, có tầm hoạt động xa và nhanh chóng hơn AN/PRC-10)
-Thiết giáp M-113 thiếu hệ thống truyền tin và thép chắn bảo vệ xạ thủ đại liên trên xe.
-Chỉ còn 10% xe vận tải cần thiết.
-Chỉ còn 10% nón sắt và hộp cứu thương cá nhân cho các đơn vị v.v...
Trong những ngày cuối lực lượng VC được tăng cường nhiều trung đoàn phòng không; nên các phi cơ chiến đấu của không quân không thể bay thấp và yểm trợ đơn vị bạn có hiệu quả. Bộ tổng tham mưu (BTTM) phải sử dụng vận tải cơ C-130, bay với độ cao 15-20 ngàn bộ (5 đến 7 cây số) để thả bom hay các thùng phuy dầu sa thải (200 lít) được chế biến thay bom. Cuối tháng 2.1975 BTTM xin thứ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, Eric von Marbod và đại tướng Weyand cung cấp loại bom "Daisy Cutter", mỗi trái nặng 15 ngàn cân. Bom này quân đội Mỹ dùng để phá rừng để làm bãi đáp cho máy bay trực thăng. Hoa Kỳ hứa cho 27 quả bom Daisy Cutter và cho chuyên viên sang hướng dẫn cách sử dụng trong vòng một tuần. Nhưng mãi giữa tháng 4.1975 mới được 3 trái và cuối tháng 4.1975 thêm 3 trái nữa. Một chuyên viên Mỹ đi theo để hướng dẫn không quân VN gắn ngòi nổ và cách vận chuyển bom trên phi cơ. Nhưng người phi công Hoa Kỳ có trách nhiệm lái máy bay thả bom thì không đến. Nên BTTM và bộ tư lệnh không quân quyết định tuyển chọn một phi công VN có kinh nghiệm thi hành nhiệm vụ. Vào lúc một giờ sáng phi cơ thả trái "Daisy Cutter" đầu tiên cách Xuân Lộc sáu cây số về hướng Tây Bắc. Thành phố Xuân Lộc bị rúng động như gặp động đất; tất cả đèn điện bị tắt, và truyền tin của địch ngưng hoạt động. Bộ chỉ huy sư đoàn 341 CSBV (Cộng Sản Bắc Việt) bị tiêu hủy. Tinh thần binh sĩ VNCH phấn khởi. Tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh sư đoàn 18 BB (Bộ Binh) ở mặt trận Xuân Lộc hỏi "BTTM còn nhiều loại bom đó không?" Tin đồn loan nhanh ra ngoài quần chúng là chúng ta được trang bị bom nguyên tử. CSBV lên tiếng nguyền rủa VNCH và Hoa Kỳ đã sử dụng vũ khí tàn phá chiến lược.
Sự ghi nhận của đại tướng Cao Văn Viên cũng trùng hợp với các phi công bị đi học tập cải tạo. Có hai phi công, một lái trực thăng và một lái phi cơ bán phản lực A-37 đã kể lại khi bay các anh thấy hàng đoàn xe CSBV di chuyển khơi khơi trên quốc lộ mà không có bom đánh! Nếu QLVNCH có vài trăm bom Daisy Cutter thì các sư đoàn của CSBV sẽ bị xóa tên tại miền Nam. Như vậy VNCH chưa hẳn đã sụp đổ.

Kết luận

Sau 33 năm QLVNCH bị bức tử, vẫn còn những người Mỹ có lương tâm chính trực đã ca tụng tinh thần chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ VNCH; trong đó có hàng chục ngàn người đã hy sinh mạng sống và hạnh phúc gia đình để bảo vệ tự do, dân chủ và no ấm cho đồng bào miền Nam.
Sau 33 năm QLVNCH bị bức tử, những người Mỹ có lương tâm chính trực đã nhận ra hành động tồi tệ của các chính phủ Hoa Kỳ khi bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa và hệ thống truyền thông Mỹ đã cố tình bỏ quên QLVNCH trong toàn cuộc chiến.
Nhân kỷ niệm ngày Quốc Hận 30.4.1975, chúng tôi xin thắp nén hương lòng để tưởng nhớ đến Dân, Quân, Cán, Chính, những người đã bỏ mình vì lý tưởng tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.
-------------------
Tài liệu tham khảo
-The Ten Thousand Day War (Michael Maclear)
-Losers Are Pirates (James Banerian)
-Những Ngày Cuối Của VNCH (ĐT. Cao Văn Viên)
-"Những Trận Đánh Không Tên Trong Quân Sử VNCH" (Nhóm Những Nhà Văn Quân)
www.vnafmamn.com/black_april3.html
- "Bí Mật Dinh Độc Lập và Khi Đồng Minh Tháo Chạy", Ts. Nguyễn Tiến Hưng)