Dân Chúa Âu Châu

Benazir Bhutto, cựu Thủ Tướng Pakistan, người phụ nữ nổi danh nhất trong thế giớiIslam đã bị ám sát

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Ngày 27.12.2007, một biến cố làm chấn động chính trường thế giới: Benazir Bhutto, cựu nữ thủ tướng Hồi Quốc (Pakistan) bị ám sát trong khi đang tiến hành cuộc tranh cử sẽ diễn ra vào ngày 8.1.2008.
Sự ra đi bất ngờ của bà Bhutto làm cho nhiều người nuối tiếc, nhất là dân chúng Hồi quốc và những người yêu chuộng tự do dân chủ trên toàn thế giới. Benazir Bhutto là biểu tượng tuyệt vời đối với nữ giới, đặc biệt trong thế giới Islam, nơi mà thân phận người phụ nữ chưa được giải phóng để có quyền tự do và bình đẳng so với phụ nữ của các quốc gia dân chủ và nhân quyền trên thế giới.
Để tìm hiểu nguyên do nào khiến bà Bhutto bị ám sát, chúng tôi mời quí độc giả theo dõi các mục dưới đây:

1-Đôi hàng tiểu sử

Benazir Bhutto được sinh ra ngày 21.6.1953 tại thành phố Karachi, trong một gia đình khá giả ở Hồi quốc.
Mới 5 tuổi, cô bé Bhutto được gửi theo học một trong các trường nổi tiếng nhất thuộc Tu viện Giê-su và Maria (The Convent of Jesus and Mary) do các nữ tu Công giáo người Ái Nhĩ Lan giảng dậy. Ở trường Bhutto học chương trình giáo dục Anh ngữ; gia đình cũng nói thông thạo tiếng Anh hơn cả tiếng Sindhi (tiếng dân tộc của cha), tiếng Ba Tư (tiếng dân tộc của mẹ) và tiếng bản xứ Urdu..
Cô bé Bhutto là con gái đầu lòng có nước da trắng hồng, nên được gia đình gọi bằng một tên dễ thương "Pinkie". Người em trai kế là Mir Murtaza sinh năm 1956 và Sanam sinh năm 1957.
Cha của Bhutto là Zulfikar Ali Bhutto người Ấn Độ, vùng Sindh, theo đạo Islam. Ông từng du học Mỹ và tốt nghiệp đại học Berkeley thuộc tiểu bang Massachusetts của Hoa Kỳ. Mẹ là Begum Nusrat Bhutto con của một thương gia giầu có người Ba Tư gốc Kurdistan, theo đạo Islam hệ phái Shia,
Cha từng giữ chức bộ trưởng thương mại dưới thời tổng thống Ayub Khan; sau đó bộ trưởng năng lượng, rồi bộ trưởng ngoại giao, cầm đầu phái đoàn Hồi Quốc tại Liên Hiệp Quốc và sau đó trở thành thủ tướng dân cử đầu tiên của Pakistan từ năm 1971 tới 1977.
Năm 1969, mới 16 tuổi, Bhutto được cha gửi sang Hoa Kỳ học tại khu Radcliffe dành cho nữ sinh viên, một chi nhánh thuộc đại học Harvard, đại học nổi tiếng nhất nước Mỹ. Trong quyển hồi ký "Người con gái phương Đông" (Daughter of the East) Bhutto có kể lại trong thời gian học tại đại học Harvard, bà cũng tham gia vào phong trào biểu tình chống chiến tranh Việt Nam của sinh viên Mỹ.

Sự kiện trên cho thấy Việt Nam Cộng Hòa trước đây còn yếu về mặt ngoại giao và tuyên truyền cho chính nghĩa tự do, dân chủ của mình trên chính trường thế giới. Bhutto, một sinh viên Hồi Quốc mà không biết gì về nguyên nhân chiến tranh Việt Nam, trong khi Hồi Quốc là một hội viên của Tổ chức Hiệp ước (Phòng Thủ) Đông Nam Á "SEATO" (The Southeast Asia Treaty Organization) được thành lập vào ngày 8.9.1954, nhằm mục tiêu chống sự lan tràn của Chủ nghĩa Cộng sản tại Á Châu. Hội viên của SEATO gồm các quốc gia: Anh, Pháp, Phi Luật Tân, Hồi Quốc (Pakistan), Thái Lan, Tân Tây Lan và Hoa Kỳ!
Chính thời gian học tại đại học Harvard, Bhutto mới hiểu được thế nào là tự do dân chủ và nhân quyền. Từ đó cô sinh viên trẻ đã vạch ra cho mình con đường đấu tranh cho đất nước được tự do và dân chủ thực sự.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Nhân văn (Bachelor of Arts) hạng danh dự (Cum Laude) của đại học Harvard vào năm 1973, Bhutto được gửi qua Anh quốc tiếp tục học tại đại học Oxford. Cô tốt nghiệp cử nhân triết học, chính trị và kinh tế vào năm 1977. Bhutto cũng học thêm khóa luật pháp quốc tế và ngoại giao trong thời gian này. Năm 1976, Bhutto, người phụ nữ Á châu đầu tiên được bầu vào chức vụ chủ tịch Xã hội Liên hiệp Oxford (Oxford Union Social).
Ngày 18.12.1987 Benazir Bhutto kết hôn với Asif Ali Zardari tại Karachi. Hai người có 3 con: Bilawal, Bakhtwar và Aseefa.
Sau khi tốt nghiệp đại học Oxford, Bhutto trở về Hồi Quốc vào dịp cha thắng cử và trở thành thủ tướng dân cử của Hồi Quốc. Nhưng chỉ vài tháng sau, tướng Muhammad Zia ul Haq, tư lệnh quân đội làm cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân sự vào ngày 5.7.1977. Để chống lại sự bạo động, tướng Zia ban hành Lệnh Thiết Quân Luật và hứa sẽ tổ chức bầu cử tự do trong vòng 3 tháng. Nhưng thay vì tổ chức bầu cử, tướng Zia tố cáo thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto có liên quan tới vụ ám sát cha của nhà chính trị đối lập Ahmed Raza Kasuri. Tuy không có bằng chứng chính xác, nhưng thủ tướng vẫn bị tòa án quân sự mặt trận kết án tử hình.
Trong hồi ký bà Bhutto kể là lệnh tử hình được bí mật thi hành. Gia đình bà giờ phút chót mới được biết khi hai mẹ con bà đang bị giam, nên không cầu cứu ai được. Thế giới bên ngoài, kể cả các quốc gia Ả Rập không hay biết gì về ngày giờ xử tử. Sau sự can thiệp của các nhà lãnh đạo các quốc gia Lybia, Syria và Phong trào Giải phóng Palestine "PLO", Tướng Zia có hứa với Ả Rập Saudi, Emirates và nhiều quốc gia Islam là sẽ đổi án tử hình. Bộ trưởng ngoại giao Ả Rập Saudi và thủ tướng Lybia hứa sẽ bay tới Pakistan can thiệp, nếu biết ngày và giờ xử tử cha của bà. Nhưng tất cả đã xẩy ra trong bóng tối vào đêm 4.4.1979.
Nối nghiệp cha, Benazir Bhutto tuy là một phụ nữ Islam, một tôn giáo vẫn còn coi trọng nam giới, nhưng bà từng hãnh diện tuyên bố: "Tôi tin vào chính mình. Tôi luôn cảm thấy rằng tôi có thể trở thành thủ tướng nếu tôi muốn." (I had faith in myself. I had always felt that I could become Prime Minister if I want.)
Phẫn uất vì cha bị giết một cách oan uổng, hai em của bà Bhutto là Mir Murtaza Bhutto và Shahnawaz Bhutto đã thành lập tổ chức AZO (The Al-Zulfikar Organization) nhằm chống lại chính quyền quân phiệt Zia.

Năm 1972, Mir Murtaza được gửi sang Mỹ học ngành công quyền chuyên về chiến lược và năm 1976 tốt nghiệp hạng danh dự tại đại học Harvard về luận án "Một chút hòa hợp" (Modicum of Harmony). Luận án mang nội dung sự bành trướng vũ khí nguyên tử nói chung và sự liên quan đến khả năng nguyên tử của Ấn Độ đối với Pakistan nói riêng. Hoạt động nổi tiếng nhất của tổ chức AZO là cướp máy bay của hàng không Pakistan vào năm 1981, gây cho một hành khách tử nạn và Mir Murtaza bị kết án giết người; nên phải tị nạn tại thủ đô Damascus, Syria.
Ngày 18.7.1985, em út của bà Bhutto là Shahnawaz Bhutto (1958-1985) bị giết một cách bí ẩn tại chung cư Riviera ở Nice, Pháp quốc. Gia đình bà Bhutto nghi Shahnawaz bị đầu độc. Cảnh sát Pháp thì nghi ngờ chính người vợ Rehana giết chồng. Nhưng sau cuộc điều tra, cảnh sát không tìm được bằng chứng, nên cho phép Rehana di chuyển qua Mỹ. Nguồn tin khác cho rằng vì Shahnawaz dính líu tới việc lật đổ chính quyền Zia, nên bị giết.

Khi em bị ám sát, Bhutto trở về dự đám tang và lại bị bắt vì tội tham gia vào phong trào chống chính quyền quân đội qua việc thành lập Pakistan Quốc Dân Đảng "PPP". (Pakistan People’s Party) Sự ra đời của đảng PPP làm cho hai chị em rơi vào tình trạng chia rẽ và tranh dành ảnh hưởng trên chính trường. Mir Mutaza tiếp tục hoạt động cho AZO, Benazir thủ lãnh PPP.
Phong trào biểu tình chống chính quyền quân phiệt Zia tiếp tục xẩy ra nhiều nơi, mặc dù Lệnh Thiết Quân Luật đã được bãi bỏ.
Ngày 10.4.1986: Benazir Bhutto trở về từ Luân Đôn sau một thời gian sống lưu vong để lãnh đạo Đảng Quốc Dân Pakistan do cha bà sáng lập. Benazir Bhutto công khai kêu gọi Tướng Zia Ul Haq từ chức. Nhờ uy tín của cha, Bhutto và mẹ được bầu vào chức vụ chủ tịch Đảng.
Ngày 1.12.1988, Bhutto thắng cử trong cuộc bầu tự do và trở thành thủ tướng lúc mới 35 tuổi, một nữ thủ tướng trẻ tuổi đầu tiên trong một quốc gia Islam và một trong các thủ tướng trẻ nhất trên chính trường thế giới.

Ngày 6.8.1990: tổng thống Ghulam Ishaq Khan cách chức thủ tướng Bhutto vì dính dáng đến tham nhũng và thất bại trong việc kiểm soát bạo lực sắc tộc.
Ngày 19.10.1993: Bhutto thắng cử lần hai và tuyên thệ trở thành thủ tướng Pakistan.
Ngày 19.9.1996, người em thứ nhất, Mir Murtaza (1954-1996) cùng với 6 thành viên của AZO bị cảnh sát bắn chết. Theo nhà chức trách địa phương thì toán an ninh của Murtaza chống lại cảnh sát chận xe để bắt Murtaza. Nhưng theo bác sĩ Mazhar Memon thì chính cảnh sát bắn Murtaza trước, khi anh ta bước xuống xe đi đến nói chuyện với cảnh sát. Chính vì thấy thủ lãnh bị bắn máu chảy chan hòa trên đường, nên toán bảo vệ Murtaza mới nổ súng vào cảnh sát.
Ngày 5.11.1996: tổng thống Farooq Leghari cách chức thủ tướng Bhutto, cáo buộc bà có khuynh hướng gia đình trị và ngấm ngầm phá hoại hệ thống tư pháp. Benazir Bhutto tự nguyện bỏ xứ và xin tị nạn tại Dubai vào năm 1998.
Ngày 14.4.1999: sau khi Thụy Sĩ, Ba Lan và Pháp quốc cung cấp tài liệu liên quan tới thủ tướng Bhutto và chồng đã gửi hàng chục triệu Đô-la tại các ngân hàng ngoại quốc. Theo báo cáo thì số tiền hai vợ chồng Bhutto có được là do tham nhũng và nhận hối lộ bằng cách cấp giấy phép độc quyền cho các công ty đầu tư, xuất nhập cảng vàng, máy cày và phản lực cơ chiến đấu v.v... Hành động tham nhũng, đưa tới hậu quả bị tòa tuyên án vắng mặt khi bà Bhutto đang sống lưu vong ở ngoại quốc. Chồng thì bị 8 năm tù tại Pakistan.
Ngày 5.10.2007: sau khi giúp tổng thống Musharraf giải quyết vụ xung đột với bộ trưởng tư pháp và luật sư đoàn, Bhutto đạt được thỏa thuận xóa bỏ tội cũ và được chia sẻ quyền lực với tổng thống Pervez Musharraf, nên quyết định hồi hương để tranh cử. Ngày 18.10. 2007: Bhutto trở về quê hương sau hơn 8 năm sống lưu vong. Sau khi vừa đặt chân lên mảnh đất quê hương, Bhutto bị khủng bố tấn công bằng vụ đánh bom tự sát ngay tại cuộc tiếp đón bà ở thành phố Karachi. Nhưng bà thoát nạn.
Ngày 1.12.2007: Bhutto tuyên bố chiến dịch vận động tranh cử và kêu gọi chống lại các lực lượng chiến binh Hồi giáo cực đoan.
Ngày 27.12.2007: Ngay sau khi Bhutto chấm dứt bài phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử trước đám đông ở Rawalpindi, một tay súng bám sát xe chở Bhutto bắn vào cổ và ngực khiến bà ngã gục. Một tên khác đứng kế bên cho nổ bom tự sát gây cho hàng chục người bị chết và bị thương. Bà Bhutto chết ngay sau khi được chở vào phòng cấp cứu của bệnh viện Rawalpindi.

2-Ai giết bà Benazir Bhutto?

-Phải chăng mạng lưới khủng bố toàn cầu al-Qaeda giết cựu thủ tướng Benazir Bhutto?
Theo nhà bình luận Bruce Riedel thuộc viện nghiên cứu Brookings phát biểu với hãng thông tấn AP thì "Mạng lưới khủng bố đã cố giết bà Bhutto trong nhiều thập niên qua. Có thể một nhóm đồng tình với al-Qaeda chống Bhutto, vì bà là phụ nữ, trần tục và tranh đấu cho dân chủ."
Theo hãng thông tấn Bắc Âu "Scanpix" trên một mạng lưới Internet "Islamistiske websites" người ta thấy viết phó chỉ huy Ayman al-Zawahiri của al-Qaeda đã bày kế hoạch giết Bhutto. Tuy nhiên, mạng lưới này không có gì bảo đảm là tiếng nói của tổ chức al-Qaeda.
Về phía chính quyền thì phát ngôn viên bộ nội vụ Pakistan chỉ nói rằng cơ quan tình báo đã nghe được cuộc nói chuyện điện thoại giữa các thành viên al-Qaeda với những người chủ trương ám sát và tấn công bằng bom tự sát, nhằm mục đích làm xáo trộn đất nước Pakistan. Chính phủ đổ tội cho thủ lãnh của nhóm Baitullah Mehsud chịu trách nhiệm về cuộc ám sát này. Nhưng phát ngôn viên của Mehsud đã phản đối và cho rằng đây chỉ là cách tuyên truyền của chính phủ Pakistan.
Theo hãng thông tấn Pháp AFP (Agence France-Presse) ngày 28.12.2007, Mustafa Abu al-Yazid, một chỉ huy al-Qaeda ở A Phú Hãn (Afghanistan) tuyên bố nhận trách nhiệm trong vụ ám sát Bhutto, vì bà là "tài sản quí giá nhất của Mỹ" (the most precious American asset).
Phát ngôn viên của Mustafa Abu-al-Yazid tuyên bố với hãng thông tấn Ý Adnkronos Interna-tional (AKI) trong một cuộc điện thoại từ một nơi không rõ, rằng "Chúng tôi thanh toán tài sản quí giá nhất của Mỹ, người thề đánh bại "mujahedeen và al-Qaeda. "
Theo AKI thì Al-Yazid là chỉ huy chính của nhóm khủng bố ở A Phú Hãn. Người ta cho biết rằng quyết định giết Bhutto được thực hiện vào tháng 10 bởi nhân vật số hai của al-Qaeda là Ayman al-Zawahiri. Bản tường trình nói các tiểu đội cảm tử (death squads) được thành lập ngay để thi hành nhiệm vụ và một nhóm cơ sở bao gồm chí nguyện quân Punjab của Lashkar-i-Jhangvi đã giết Bhutto.
Lashkar-i-Jhangvi là một tổ chức Islam hệ phái Wahabi cực đoan thuộc hệ phái của trùm khủng bố Osama bin-Laden. Nhóm này liên kết với al-Qaeda và đã một lần ám sát hụt thủ tướng Nawaz Sharif vào năm 1999.

Tổ chức khủng bố chủ mưu trong vụ ám sát cũng có thể phát xuất từ cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình Sky của Anh quốc, bà Bhutto đã ca tụng tổng thống Musharraf về hành động không giảng hòa với nhóm sinh viên khủng bố chiếm và cố thủ trong Đền Đỏ (Red Mosque). Theo bà nhượng bộ chỉ là hành động khuyến khích quân khủng bố.
-Phải chăng chính cơ quan tình báo và tổng thống Pervez Musharraf đã âm mưu giết Benazir Bhutto, một đối thủ tranh cử mạnh nhất trong cuộc bầu cử dự trù vào ngày 8.1.2008?
-Nếu không, tại sao chính quyền không tăng cường bảo vệ an ninh cho bà sau vụ bom nổ lần đầu khi bà mới về nước?
-Nếu không, tại sao xác bà không được giảo nghiệm để xác nhận vết thương và chỗ bom nổ đã được dọn dẹp sạch sẽ quá mau chóng khi cuộc điều tra chưa kết thúc?
Trong một điện thư (e-mail) gửi cho người bạn ở Hoa Kỳ là Mark Siegal ngày 26.10.2007, bà Bhutto có kể bà cảm thấy không được an ninh và không nhận được sự hứa hẹn nào về bảo vệ an ninh. Bà cũng kể là không được dùng xe riêng có cửa xe được bảo vệ bằng kẽm và dụng cụ ngăn ngừa hệ thống làm bom nổ (remote control) hay xe mô-tô cảnh sát bảo vệ quanh xe của bà.
Sự kiện trên được chứng minh trong một viedeo của một người quay không chuyên nghiệp cho thấy: một tên bắn bà và một tên đeo bom tự sát cho bom nổ, cả hai đứng gần xe chở bà Bhutto. Không một nhân viên cảnh sát nào bảo vệ xe chở bà!

Như vậy, có phải chính quyền cố tình để cho bà bị ám sát?

Sử gia Mỹ Arthur Herman trong bài viết cho báo The Wall Street Journal ngày 14.6.2007, cho rằng Bhutto và nhiều người không ưa tổng thống Musharraf, vì ông ta là người Muhajir, con trai của một người trong số hàng triệu người Ấn theo đạo Islam chạy qua Pakistan vào thời gian chia cắt năm 1947. Mặc dù những người Muhajir khích lệ cho sự hình thành quốc gia Pakistan trong thời gian đầu; nhưng nhiều người bản xứ Pakistan khinh họ và đối xử họ như dân hạng ba.
Tuy nhiên, ngày 3.1.2008, tổng thống Musharraf công khai phủ nhận có dính líu tới vụ ám sát cũng như thiếu bảo vệ an ninh cho bà Bhutto. Đồng thời ông cho biết cơ quan tình báo Anh quốc, Scotland Yard, đã tới Pakistan giúp điều tra nội vụ.
-Phải chăng chính những người mà bà Bhutto đã chỉ mặt trước khi bị giết?
Sau khi thoát chết vụ ám sát vào tháng 10.2007, bà Bhutto tuyên bố với báo Paris-Match của Pháp rằng bà biết ai muốn giết bà. Họ là những công chức cao cấp dưới chế độ cầm quyền của tướng Zia ul-Haq, người đã lật đổ cha của bà vào năm 1977 và xử tử cha bà vào năm 1979. Bà cũng nói rất lo sợ các tướng lãnh đạo về hưu muốn giết bà và đổ tội cho cơ quan tình báo quân đội có hành động mờ ám.

Ngày 30.12.2007, Đảng Quốc Dân Pakistan đã yêu cầu chính phủ Anh và Liên Hiệp Quốc giúp điều tra về cái chết của bà Bhutto.
Trước khi bị ám sát, bà Bhutto đã gửi một bức thư cho TT. Musharraf. Trong thư bà nêu rõ bốn nhân vật bị nghi ngờ sẽ thực hiện cuộc tấn công bà là:
-Chaudhry Pervaiz Elahi, người đối lập của Liên đoàn Muslim Pakistan "PML-Q" (Pakistan Muslim League) là bộ trưởng lãnh địa Punjab.
-Hamid Gul cựu giám đốc Sở Tình báo.
-Ijaz Shah tổng giám đốc Văn phòng Tình báo.
-Một người khác trong ngành tình báo. Bà cũng tố cáo ngành tình báo từng hỗ trợ các nhóm chiến đấu tại Kashmir và Afghanistan.
Nhưng bà đâu biết rằng tất cả những người nêu trên đang cộng tác chặt chẽ với TT. Musharraf. Vì thế, người ta mới nghi ngờ TT. Musharraf một cách trực tiếp hay gián tiếp có dính líu trong vụ ám sát này.

3-Những giải thích không thống nhất về cái chết của bà Benazir Bhutto

-Về phía chính phủ Pakistan:

Bộ nội vụ đã không thống nhất về lời giải thích của mình. Ban đầu họ nói là bà Bhutto chết vì vết thương bắn vào cổ. Sau đó họ lại nói bà chết vì những miếng sắt văng ra khi bom nổ. Cuối cùng, qua hình ảnh quang tuyến chụp trong bệnh viện, Brig Javed Iqbal Cheema, phát ngôn viên bộ nội vụ lại tuyên bố Benazir Bhutto không chết bởi những viên đạn hay mảnh bom như tin ban đầu. Sự thực bà thiệt mạng vì chấn thương sọ não khi đầu đập vào trần xe lúc bom nổ. Tin này cũng được tổng thống Musharraf xác nhận trên hệ thống truyền hình ngày 7.1.2008.

-Về phía các nhân chứng:

-Sherry Rehman, nữ thư ký và phát ngôn viên của đảng PPP, người có mặt trong lúc bà Bhutto bị bắn và cùng tham gia vào việc tắm xác bà trước khi an táng nói đã nhìn thấy vết thương bắn ở đầu và mặt của nạn nhân.
-Luật sư của bà Bhutto xác nhận nạn nhân có vết bắn ở bụng.
Lời phát biểu của hai nhân chứng trên đúng hay của bộ nội vụ đúng, người ta còn phải chờ kết quả của cuộc điều tra của cơ quan tình báo Anh quốc.

3-Di chúc của cựu thủ tướng Benazir Bhutto

Dù đang còn học tại đại học Oxford của Anh quốc, ngày 30.12.2007, Bilawal Zardari 19 tuổi, con trai đầu lòng của bà Bhutto được bầu vào chức vụ đồng chủ tịch Đảng Quốc Dân Pakistan cùng với cha là Asif Ali Zardari.
Sự chọn lựa con trai trưởng vào chức vụ chủ tịch đảng dựa vào di chúc của cố thủ tướng Benazir Bhutto. Bà đã ghi rõ Bilawal được chỉ định nối nghiệp lãnh đạo đảng trong trường hợp bà chết. Lời di chúc này được đọc trong buổi họp khẩn cấp của đảng tại Naudero.
Trong lúc nhậm chức Bilawal và người cha có nói: "Benazir Bhutto đã hy sinh mạng sống vì sự sống còn của đất nước Pakistan và dân chủ. Chúng ta hãy tiếp tục sứ mệnh của bà"
Theo một đảng viên thì em của cố thủ tướng Bhutto là Sanam, 51 tuổi, được nhiều đảng viên muốn bầu vào chức vụ đảng trưởng; nhưng bà đã từ chối không nhận một chức vụ nào trong đảng, vì bận công việc gia đình ở Luân Đôn. Sự từ chối này cho thấy bà Sanam cũng sợ sẽ bị ám sát khi bà tiếp tục con đường đấu tranh của bà Bhutto để lại.

4-Cuộc bầu cử được dời vào ngày 18.2.2008

Vì vụ ám sát bà Bhutto, ngày bầu cử Quốc hội chính thức trước đây được ấn định vào ngày 8.1.2008, nay được dời lại ngày 18.2.2008. Cái chết của bà Bhutto sẽ có lợi cho Pakistan Quốc Dân Đảng nếu cuộc bầu cử xẩy ra một vài ngày sau vụ ám sát, khi người dân đang còn luyến tiếc bà, họ sẽ bầu cho đảng. Cuộc bầu cử Quốc hội bị hoãn lại 40 ngày có thể trở thành bất lợi, khi sự nuối tiếc đã phôi pha trong lòng người dân và các đảng khác có thời gian củng cố nội bộ và phát động chương trình tranh cử có hiệu quả hơn.
Kế đến, con trai của bà Bhutto mới 19 tuổi, chưa chín mùi để ra ứng cử và tranh cử cho đảng. Ông bố đã bị tù về tội tham nhũng thì uy tín sẽ mất mát nhiều, khó thành công lớn và khó chiếm đa số trong Quốc Hội.
Như vậy, TT. Musharraf, đảng của ông ta và Liên đoàn Muslim sẽ có cơ hội thắng cử với đa số trong Quốc Hội.

5-Sự phẫn nộ của dân chúng

Sau cái chết của bà Bhutto, TT. Musharraf ban hành sắc lệnh tuyên bố cả nước đau buồn và treo cờ rũ ba ngày.
Tuy vậy, hàng loạt các cuộc biểu tình và xung đột với cảnh sát đã xẩy ra tại quê quán của bà Bhutto và tại các thành phố lớn khiến cho 20 người chết và hàng chục người bị thương. 250 chiếc xe bị đốt cháy, 176 ngân hàng, 34 trạm xăng, 72 toa xe lửa, 18 ga xe lửa và nhiều cửa hàng bị đập phá.
Hành động phá phách thiếu bình tĩnh này có thể làm cho đảng Quốc Dân Pakistan mất nhiều phiếu trong cuộc bầu cử vào ngày 18.2.2008.

Kết luận:

Trong cuộc chiến đấu chống lại các chế độ độc tài, đã có biết bao nhiêu chiến sĩ bỏ mình vì lý tưởng chung của dân tộc. Riêng với gia đình bà Benazir Bhutto, một gia đình đã cống hiến 4 người cho lý tưởng tự do, dân chủ là: cha (Zulfikar Ali Bhutto), trưởng nữ (Benazir Bhutto) và hai em trai (Murtaza và Shahnawaz!)
Sự hy sinh của họ đáng ca tụng và có ngày sẽ được vinh danh trên toàn đất nước Pakistan, khi chế độ độc tài phải nhường bước trước phong trào đấu tranh đòi tự do và dân chủ của toàn dân.