Dân Chúa Âu Châu

Tại sao quân khủng bố đặt bom phá trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Algeria?

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Ngày nay, có thể nói nhiều quốc gia, đặc biệt Tây phương và Hoa Kỳ đang phải đối phó với một trận chiến khó khăn nhất là "khủng bố". Nếu trước đây một số quốc gia đã không thắng nổi quân du kích thì nay khủng bố, một chiến thuật mới đang được áp dụng tại bất cứ ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào và vào bất cứ thời điểm nào là cuộc chiến xem ra có vẻ mới lạ và không dễ tiêu diệt.
Cái khó trong chiến tranh chống khủng bố là vấn đề tôn giáo. Trong quá khứ đã có những cuộc "thánh chiến" không đúng với mục đích của tôn giáo và vượt ra ngoài biên giới của nó đã để lại tiếng xấu cho hậu thế, và đưa tới hậu quả nguy hại về tinh thần, dẫn tới sự khủng hoảng ít nhiều trong tôn giáo. Nay lại có những người nhân danh tôn giáo để phát động thánh chiến bằng khủng bố và thánh chiến với tham vọng nắm quyền lực, cai trị đất nước bằng luật của tôn giáo!
Biến cố tàn phá vĩ đại và có ảnh hưởng sâu đậm nhất đối với dân Mỹ và thế giới tự do là ngày 11.9.2003, khi quân khủng bố dùng phi cơ tự sát lao vào, phá sập hai tòa nhà chọc trời của Trung tâm Thương mại Thế giới "WTC" (World Trade Center) ở Nữu Ước và một phi cơ lao xuống Ngũ Giác Đài (Pentagon), cơ quan đầu não của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Từ biến cố này, phong trào khủng bố lan rộng. Một tổ chức nhỏ, Al-Qaeda, không cần quân đội hùng hậu và chuyên nghiệp, không cần vũ khí hiện đại hay phi cơ tối tân hoặc bom nguyên tử v.v... mà vẫn có thể tấn công thẳng vào đầu não của đế quốc Mỹ, làm cho các cơ sở Mỹ ở ngoại quốc rơi vào tình trạng bất an là một khích lệ lớn đối với các nhóm Islam quá khích.
Biến cố bom nổ trước cơ sở của Liên Hiệp Quốc tại Algeria ngày 11.12.2007 lại một lần nữa làm cho thế giới sửng sốt. Hết mục tiêu Hoa Kỳ, nay quân khủng bố đánh thẳng vào Liên Hiệp Quốc, cơ quan tối cao của nhân loại, khiến cho nhiều người thắc mắc tại sao?
Để tìm hiểu, chúng ta hãy hướng về Algeria.

1-CƠ SỞ CỦA LIÊN HIỆP QUỐC BỊ TẤN CÔNG

Ngày thứ ba 11.12.2007, hai tiếng bom nổ vang trời làm chấn động thủ đô Algiers của Algeria. Hai tiếng nổ phát xuất từ hai xe chứa chất nổ do quân khủng bố thực hiện.
Xe bom thứ nhất nổ từ một xe bus chở học sinh đậu trước văn phòng Chính phủ & Tối Cao Pháp Viện.
Xe bom thứ hai nổ trước tòa nhà của Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc "UNDP" (United Nation Development Program). Bom nổ làm cho nhà đổ, gây tử thương cho 11 nhân viên và hàng chục người bị thương. Trong tòa nhà này và khu đối diện là nơi làm việc của ban tham mưu của Chương trình Thực phẩm Thế giới "WFP" (World Food Programme), Tổ chức Lao động Quốc tế "ILO" (International Labor Organization), Quỹ Dân Số LHQ "UNFPA" (United Nations Population Fund), Tổ chức Phát triển Kỹ nghệ LHQ "UNIDO" (UN Industrial Development Organization), Cao Ủy Tị nạn LHQ "UNHCR" (UN High Commissioner For Refugees).
Theo tuyên bố của chính phủ, hai vụ nổ đã làm cho 26 người chết và 177 người bị thương. Nhưng nguồn tin từ bệnh viện cho biết có tới 76 người chết. Số người chết và bị thương hiện chưa đưa kiểm chứng một cách chính xác, vì khi bài viết được đúc kết đoàn cứu cấp còn đang đào bới các đống gạch đổ nát để tìm người sống sót.
Tại sao vụ khủng bố lại diễn ra tại Algeria mà không phải là cơ sở của Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ hay Nữu Ước, Hoa Kỳ?
Muốn hiểu rõ hơn chúng ta lại phải tìm hiểu các hoạt động chính trị tại Algeria trong thời gian qua.

2-ĐÔI HÀNG VỀ CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH TRỊ TẠI ALGERIA

Algeria bị Pháp xâm chiếm từ năm 1830. Không giống Marocco và Tunesia, cuộc xăm lăng của Pháp tại Algeria khá tàn bạo. Chính Olivier Le Cour Grandmaison, giáo sư môn khoa học chính trị của viện đại học Evry-Val d’Essonne và viện triết học quốc tế của Pháp, đã phê bình chủ nghĩa thuộc địa, chủ trương hủy diệt dân bản xứ và qui trách nhiệm cho Pháp quốc về cái chết của khoảng 1/3 dân số Algeria (1,5 triệu người).
Năm 1954, Mặt trận Giải phóng Quốc gia "NLF" (National Liberation Front) phát động chiến tranh du kích dành tự chủ và đã thành công. Sự thành công có được là do các phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh sau Thế chiến II và tổng thống Charles de Gaulle đã nhận thức được xu hướng của thời đại mới và chế độc thuộc địa không thể tồn tại.
Năm 1962, hơn một triệu người, trong đó có 81.000 người Algeria phục vụ trong quân đội Pháp và phần còn lại là dân Tây phương và lai Pháp, khoảng 10% dân số, đã bỏ chạy sang Pháp. Những người còn ở lại và từng cộng tác với thực dân Pháp, khoảng 50.000 tới 150.000, bị quân giải phóng giết chết. Tổng thống đầu tiên của Algeria là thủ lãnh Mặt trận Giải phóng Quốc gia, Ahmed Ben Bella. Nhưng sau ông bị Bộ trưởng Quốc phòng, Houarri Boumdienne lật đổ vào năm 1956. Boumdienne chết năm 1978, Chadli Bendjedid lên cầm quyền tuy có cởi mở đôi chút, nhưng thực chất chế độ vẫn là chế độ độc tài. Đất nước phát triển, nhưng với nhịp độ chậm.
Trong thập niên 1980, hai phong trào xuất hiện trong thế hệ trẻ là cánh Tả Bebers (left wingers) và Mặt trận Islam (Islamic Front). Hai phong trào này chống chế độ độc đảng. Vì bất đồng quan điểm, cuộc tranh chấp giữa hai phong trào đã xẩy ra cả trong các viện đại học và ngoài đường phố. Tuy vậy, hàng loạt các cuộc biểu tình chống đối chính phủ đã được tổ chức vào mùa Thu 1988. Kết quả là tổng thống Bendjedid phải hủy bỏ chế độ độc đảng và tổ chức bầu cử vào năm 1991.
Tháng 12.1991, Mặt trận Cứu nạn Islam (Islamic Salvation Front) thắng cử vòng đầu trong cuộc bầu cử đa đảng lần đầu tiên. Nhưng quân đội liền can thiệp, hủy bỏ bầu cử vòng hai và đòi TT. Bendjedid phải từ chức. Quân đội cũng bãi bỏ các đảng phái chính trị dựa trên tôn giáo, kể cả Mặt trận Cứu nạn Islam. Biến cố này đã tạo nên cuộc nội chiến tại Algeria kể từ thời điểm đó. Có trên 160.000 người bị chết vào thời gian từ 17.1.1992 tới tháng 6-2002, do xung đột giữa Nhóm Vũ trang Islam (Armed Islamic Group) và binh lính của chính phủ.
Theo các nhà nhận định thời cuộc thì các cuộc giết chóc không chỉ do nhóm quá khích Islam gây ra, mà cả quân đội. Đây là mấu chốt tạo nên các cuộc khủng bố của nhóm Islam quá khích.
Năm 1995, cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức lại. Năm 1998 chiến tranh tạm ngưng. Ngày 27.4.1999, sau nhiều thời kỳ lãnh đạo ngắn ngủi thay phiên nhau, Abdelaziz Bouteflika thắng cử và là tổng thống hiện nay. Đến năm 2002, các nhóm du kích chính hầu như bị đánh tan hay tự đầu hàng do chương trình ân xá của chính phủù. Tuy vậy, vẫn còn các nhóm nhỏ chiến đấu lẻ tẻ tại nhiều khu vực, phần lớn là dân Muslim.
Về dân số Algeria có khoảng 33.333.216 người sống trên một diện tích khá rộng 2.381.740 km2. Tổng sản lượng quốc nội: 102,26 tỷ Mỹ-kim chia cho mỗi đầu người được: 3.086 Mỹ-kim, đứng hàng thứ 84 trên thế giới. Phần lớn dân sống ở Algeria là người nói tiếng Berber và Ả Rập, nhưng chia thành nhiều nhóm thiểu số như: Kabyle ở miền núi trung Bắc, Chaoui ở miền Đông, Mozabites ở vùng thung lũng M’zab và Tuareg ở phía Nam.
Nguồn tài nguyên thiên nhiên giầu có nhất là dầu hỏa, đạt tới 60% lợi tức ngân sách và chiếm 30% tổng sản lược quốc nội (GDP), 95% lợi tức xuất cảng. Algeria được xếp hàng thứ 14 về trữ lượng dầu hỏa, có 11,6 tỉ thùng và hơi đốt có khoảng 160 ngàn tỉ mét khối, đứng hàng thứ 8 trên thế giới.
Phải chăng vì nguồn lợi dầu hỏa và hơi đốt lớn lao đã làm cho Algeria nổi tiếng và là điểm tranh chấp giữa các quốc gia, giữa khủng bố và Hoa Kỳ?

3-CÁC CUỘC KHỦNG BỐ TRONG NĂM 2007

Bị mất dịp tham gia vào chính quyền và nắm quyền lực, các nhóm Islam phát động phong trào khủng bố tại Algeria. Các cuộc khủng bố đã xẩy ra trong năm 2007 được ghi nhận như sau:
-Tháng giêng: có 6 bom nổ, giết chết 6 người ở phía đông thủ đô Algiers.
-Tháng ba: 3 người Algeria và 1 nguời Nga bị giết khi làm việc tại ống dẫn dầu.
-Tháng tư: 33 người bị giết do nhóm Islam Maghreb thuộc Al-Qaeda tấn công.
-Tháng năm: hàng chục người bị giết trong cuộc bầu cử, khi binh lính và quân kháng chiến giao tranh.
-Tháng sáu: bom tự sát nổ tại trại lính gần Bouira, giết 9 người.
-Ngày 6 tháng 9: 22 người bị chết vì bom nổ.
-Ngày 8 tháng 9: 32 người chết vì bom nổ tại Dellys.
-Ngày 11.12: hai xe chứa chất nổ giết chế 26 người, trong đó có 11 nhân viên LHQ và 177 người bị thương.

4-KHỦNG BỐ CÔNG KHAI NHẬN TRÁCH NHIỆM

Nhóm khủng bố Salafist (GSPC), thuộc cơ cấu khủng bố Bắc Phi al-Qaeda Islamic Maghreb, một chi nhánh của tổ chức khủng bố thế giới Al-Qaeda, đã phát động chiến dịch "Giảng đạo và chiến đấu" (Preaching and Combat), tuyên bố công khai trên Internet (Web site) chính họ chủ trương trong hai vụ bom nổ. Nhóm này cũng đã khủng bố tại thủ đô Algiers trong tháng 4.2007 khiến cho 33 người bị chết.
Nhóm khủng bố có tên Al-Qaeda Maghreb công khai nhận trách nhiệm trong hai vụ đặt hai xe bom nổ mà họ cho là nhằm mục đích giết tổng thống Algeria, Abdelaziz Bouteflika, khi ông ta đếm thăm phố Batna gần phía Đông thủ đô Algiers vào ngày thứ năm. Lời xác nhận vào Chủ nhật được Abu al-Muqdad al-Wahrani đeo dây chất nổ ngang hông nói trên mạng lưới của tổ chức này cho rằng họ không thể vượt qua hàng rào an ninh bảo vệ tổng thống. Tổ chức này cũng xác nhận hôm thứ bẩy 9.12.2007 đã tấn công đồn gác ở cảng Dellys, cách thủ đô Algiers khoảng 80 cây số bằng xe chở 800 kg chất nổ. Nhóm này nói trái bom mang tên trùm khủng bố của Iraq là Abu Musab al-Zarqawi đã bị quân đội Mỹ giết tại Iraq.
Tổ chức Al-Qaeda Islamic Maghreb được hình thành nhằm lật đổ chính quyền Algeria thân Tây phương và Hoa Kỳ. Theo Hội đồng về Đối ngoại của Mỹ thì tổ chức này tự kết hợp với Al-Qaeda vào đầu năm 2003. Tháng tư vừa qua, nhóm đã đặt bom nổ trước văn phòng thủ tướng, giết chết 12 người, làm bị thương 118 người; nhưng thủ tướng Abdelaziz Belkhadem thoát nạn.

5-TẠI SAO QUÂN KHỦNG BỐ LẠI PHÁ HOẠI CẢ CƠ SỞ CỦA LIÊN HIỆP QUỐC?

Nếu theo dõi cac biến chuyển của thế giới trong những năm vừa qua, người ta thấy tổ chức Al-Qaeda đã nhúng tay vào nhiều vụ khủng bố đối với Liên Hiệp Quốc. Lý do được giải thích là LHQ đã đồng tình với Hoa Kỳ công khai chống lại khủng bố qua các quyết định và hành động như:
-Chiến lược chống khủng bố toàn cầu của LHQ đã được thông qua tại khóa họp Đại Hội Đồng LHQ vào tháng 9.2006.
-Chương trình phong tỏa tài chính của nhóm Taliban và Al-Qaeda, đã được 34 quốc gia thi hành trong tháng giêng 2006. 93,4 triệu Mỹ-kim của cá nhân và các nhóm có tên trong Quyết định 1267 (1999) của Hội Đồng Bảo An LHQ đã bị giữ lại.
-Hội Đồng Bảo An LHQ cấm du lịch và phong tỏa tài chính các nhân viên và cộng sự viên của tổ chức khủng bố Al-Qaeda.
-Quỹ Tiền Tệ Thế Giới "IMF" (International Monetary Fund) đã hướng dẫn 40 quốc gia chống mọi hoạt động rửa tiền và kinh tài của các tổ chức khủng bố.
Với cái nhìn khách quan về phương diện chính trị, người ta nghĩ dưới con mắt của tổ chức khủng bố bao trùm thế giới Al-Qaeda thì cuộc khủng bố Hoa Kỳ là cuộc chiến giữa hai đối thủ. Một bên là đế quốc Mỹ, bên kia là đạo Islam. Liên Hiệp Quốc là cơ cấu chung của thế giới tại sao lại đồng tình với Hoa Kỳ và trực tiếp ban hành các quyết định lên án và chống lại các tổ chức khủng bố?
Việc đơn phương xâm lăng Iraq của Hoa Kỳ không được Liên Hiệp Quốc chấp thuận, vậy tại sao Hoa Kỳ không bị trừng phạt hay phong tỏa về chính trị cũng như kinh tế?
Khi không có quyết định trừng phạt Hoa Kỳ thì dưới con mắt của trùm khủng bố Osama bin-Laden và tổ chức Al-Qaeda, LHQ thiếu công bằng và trở nên bất lực.
Chính vì vậy, một số hoạt động khủng bố nhằm cảnh cáo, Al-Qaeda đã trực tiếp tấn công vào cơ sở LHQ trong thời gian qua như:
-Năm 2003, quân khủng bốõ đặt bom nổ trước cơ sở LHQ tại thủ đô Baghdad làm cho 22 người chết, trong đó có đặc sứ Sergio Vieira de Mello đại diện của LHQ tại Iraq.
-Năm 1993, có 3 vụ khủng bố xẩy ra ở Angola. Tháng hai nhóm Renovada thuộc Mặt trận Giải phóng Lãnh thổ Cabinda "FLEC" (Front for the Liberation of the Enclave of Cabinda) đã bắt cóc một viên chức của LHQ và trong tháng năm đã tấn công công ty dầu hỏa Chevron International của Mỹ, bắt một số nhân công người Bồ Đào Nha làm con tin. Cùng tháng hai, bom nổ gần văn phòng LHQ ở Luanda khiến cho một người bị thương.
-Ngày 23.1.1993, du kích A Phú Hãn phục kích một xe của LHQ gần Jalalabad và giết chết 4 nhân viên...
Ngoài ra, khi nghiên cứu về chiến lược đánh phá tư bản Mỹ và Tây phương của tổ chức khủng bố thế giới Al-Qaeda, chúng tôi nhận thấy chiến thuật tấn công và đánh đuổi đế quốc Mỹ cùng Đồng Minh ra khỏi các quốc gia Islam giầu có tài nguyên thiên nhiên dầu hỏa là chiến thuật hữu hiệu nhất mà Al-Qaeda hy vọng sẽ làm cho các quốc gia kỹ nghệ tư bản Tây phương và Hoa Kỳ phải "quì lậy".
Kế hoạch này có thể nhận thấy qua sự lệ thuộc và nhân nhượng trong chính sách đối ngoại của các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu đối với "đế quốc dầu hỏa và hơi đốt" Nga Sô.
Chính vì vậy mà cuộc tranh chấp và khủng bố trên toàn thế giới không thể giải quyết khi mà bên nào cũng muốn dành phần thắng về mình.

6-CUỘC KHỦNG BỐ Ở ALGERIA LÀ LỜI CẢNH CÁO ĐỐI VỚI ÂU CHÂU

Biến cố Algeria vừa qua cho phép người ta nhận định là quân khủng bố có khả năng đánh vào bất cứ nơi nào và địch thủ nào họ muốn. Sau Hoa Kỳ là Âu châu, một mục tiêu mà trùm khủng bố thế giới Osama bin-Laden đã cảnh cáo nếu các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu không rút hết binh lính ra khỏi A Phú Hãn và Iraq. Anh, Tây Ban Nha đã nếm mùi khủng bố. Pháp quốc từng xâm lược Algeria và ủng hộ chính quyền nước này làm cho các nhóm Islam bất bình. Tổng thống Pháp Sarkozy có ông nội gốc Do Thái, lại thân thiện với Hoa Kỳ và ủng hộ Do Thái, có thể vì thế mà Pháp sẽ là một mục tiêu trong tương lai của nhóm Maghreb, khi họ gây được ảnh hưởng hay bắt tay được các nhóm khủng bố tại Pháp. Đức và Pháp chống Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh xâm lược Iraq nên không bị khủng bố trong thời gian qua. Nay chính phủ Pháp thân thiện với Hoa Kỳ và Do Thái thì người ta lo ngại một cuộc khủng bố trên đất Pháp có thể sẽ xẩy ra. Biết đâu tháp Eiffel, một biểu tượng của Pháp, sẽ bị bom nổ?

KẾT LUẬN

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon đã lên án vụ khủng bố vào LHQ. Ông cũng cho rằng đây là cuộc khủng bố vào LHQ lớn nhất kể từ vụ khủng bố xẩy ra tại thủ đô Baghdad của Iraq vào năm 2003.
Đa số thủ lãnh của các quốc gia Tây phương và Hoa Kỳ đã lên án hành động của quân khủng bố. Trong khi đó phần lớn thủ lãnh của các nước Islam giữ thái độ im lặng. Sự kiện này chứng tỏ các quốc gia hội viên của LHQ chưa thống nhất về quyết tâm và việc thi hành chính sách chống khủng bố. n
-----------
Đính chính
Bài Biến Cố Trong Tháng, DCÂC số 302 tháng 12-2007, cột thứ 3, dòng thứ 6 tòa soạn ghi lộn: trên tỉ 200.000 lính, xin đính chính là trên tới 200.000 lính.