Dân Chúa Âu Châu

Miến Điện Ngọn lửa dân chủ bùng cháy. Máu nhà sư đã đổ và máu dân đã chảy

Trong thời gian vừa qua, tình hình tại Thủ đô Miến Điện (Burma hay Myanmar) đã trở nên căng thẳng. Hàng ngàn Nhà Sư, Chú Tiểu, Ni Cô và cả trăm ngàn dân chúng xuống đường biểu tình chống chế độ độc tài quân phiệt. Nhiều người không khỏi thắc mắc:
-Tại sao các Sư Sãi lại xuống đường và đi tiên phong trong các cuộc biểu tình?
Để trả lời cho câu hỏi này, mời quí độc giả theo dõi các dữ kiện dưới đây.

1-VÀI NÉT VỀ QUỐC GIA MIẾN ĐIỆN

Đất nước Miến Điện hay Diến Điện có tên là Liên bang Myanmar (theo ngôn ngữ bản xứ là Pyidaungzu Myanma Naingngandaw), một quốc gia thuộc vùng Đông Nam Á. Miến Điện có đường biên giới giáp với Trung quốc 2.185 km, Thái Lan 1.800 km, Ấn Độ 1.463 km, Lào 235 km và Bangladesh 193 km. Đường bờ biển dài 1.930 km.
Dân số Miến Điện có 48.798.000 người, sống trên một diện tích 676.577 km², thủ đô là Rangoon (Yangon). Myanmar dành được độc lập từ Anh quốc vào năm 1948 và trở thành Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Myanmar vào 1974, sau đó đổi thành Liên Bang Myanmar vào năm 1988.
Tổng sản lượng quốc gia (GDP) khoảng: 93,77 tỉ Mỹ-kim (đứng hạng 59 trên thế giới).
Tổng sản lượng quốc gia chia cho mỗi đầu người khoảng: 1.691 Mỹ-kim.
Cũng như các quốc gia khác, dân Miến Điện là tập hợp của nhiều sắc tộc khác nhau. Sự khác biệt chủng tộc đôi khi là nguyên nhân tranh chấp quyền lực ở cấp địa phương hay trung ương. Nền văn hoá nước này chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Toàn quốc có khoảng 300.000 Sư Sãi, chiếm 2% dân số. Theo tập quán thì nam giới tới tuổi trưởng thành thường vào chùa để làm quen với nếp sống đạo đức của các nhà tu. Ngôi chùa nổi tiếng nhất Shwedagon nằm về phía Tây của hồ Kandawgyi, trên núi Shinguttara là biểu tượng tôn giáo quan trọng của dân Miến Điện. Theo truyền thuyết chùa đã có hơn 2500 năm. Theo các nhà khảo cổ chùa có vào khoảng giữa thế kỷ 6 và 10. Chùa cao 98 mét, được dát vàng cẩn ngọc, là một trong các di tích tôn giáo hấp dẫn du khách nhất.

Trong Thế chiến II, Miến Điện là một trong các chiến trường chính của Nhật Bản tại Đông Nam Á. Sau các chiến thắng của Nhật, Anh Quốc bị loại khỏi vùng này. Trong cuộc chiến chống Phát-xít Nhật tại Á châu, Hoa Kỳ thành lập Đội Biệt Kích Kachim chiến đấu cho Đồng Minh. Nhiều người Miến Điện khác lại gia nhập lực lượng SOE của quân đội Anh. Cùng với hai lực lượng của Anh quốc và Hoa Kỳ, quân đội quốc gia Miến Điện có tên là Arakan, dưới quyền chỉ huy của Tướng Aung San, nổi lên chống Phát-xít Nhật. Năm 1947, Tướng Aung San lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Nhật và đấu tranh đòi quyền tự chủ cho dân Miến Điện thành công. Ông trở thành anh hùng giải phóng dân tộc khỏi thuộc địa Anh và nắm quyền lực trong Hội Đồng Hành Pháp Miến Điện, một chính phủ chuyển tiếp, nhưng bị các đối thủ chính trị giết chết vào tháng 4.1947. Tới ngày 1.8.1948 Miến Điện trở thành nước Cộng Hòa độc lập, Sao Shwe Thaik trở thành Tổng thống và U Nu làm Thủ tướng. Quốc hội gồm hai viện: Viện Đại Biểu và Viện Quốc gia. Không giống các nước thuộc địa khác của Anh quốc, Miến Điện không tham gia vào Khối Thịnh Vượng Chung trong Liên Hiệp Anh.

Năm 1961, U Thant lúc đó là đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) và là cựu thư ký của Thủ tướng U Nu đã được bầu vào chức vụ Tổng Thư Ký LHQ, người đầu tiên không xuất thân từ các quốc gia Tây phương nắm chức vụ cao nhất của thế giới. Trong số những người làm việc tại văn phòng Tổng Thư Ký/LHQ có cô Aung San Suu Kyi, con gái của Tướng Aung San đã bị ám sát năm 1947.
Năm 1962, nền dân chủ của Miến Điện rơi vào khúc quanh lịch sử sau cuộc đảo chính của quân đội do Tướng Ne Win cầm đầu. Suốt 26 năm cầm quyền, ông Tướng này cai trị đất nước theo Xã Hội Chủ Nghĩa, thân Cộng sản. Chính vì thế mà năm 1974, nhân đám tang của U Thant, một cuộc biểu tình lớn chống chính phủ đã xẩy ra và máu nhiều người đã đổ trong các cuộc đàn áp. Sau đó một cuộc nổi dậy khác được tiến hành, nhưng Tướng Saw Maung làm một cuộc đảo chánh, thành lập Hội Đồng Luật pháp và Vãn Hồi Trật Tự Quốc Gia (the State Law and Order Restoration Council: SLORC), tiếp tục đàn áp mọi hoạt động chống đối. Mãi tới cuối thập niên 1980 chương trình bầu cử Quốc hội mới được cải tổ vào ngày 31.9.1989.
Năm 1990 lần đầu tiên dân chúng Miến Điện được tham gia bầu cử. Lực lượng đối lập với chính phủ quân sự là Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (the National League for Democracy: NLD) được thành lập ngày 24.9.1988 bởi Aung San Suu Kyi và các nhà đấu tranh cho dân chủ tự do. Liên đoàn này đã thắng cử vẻ vang, đạt 392 ghế trên tổng số 485 ghế trong Quốc hội. Tuy vậy, Hội đồng Quân đội đã hủy bỏ kết quả bầu cử và bầu Tướng Than Shwe vào chức vụ chủ tịch quốc gia; đổi tên Miến Điện Burma thành Myanmar. Năm 1997, Hội Đồng Luật Pháp và Vãn hồi Trật tự Quốc gia lại đổi thành Hội Đồng Hòa Bình và Phát Triển Quốc Gia (the State Peace and Development Council: SPDC). Ngày 27.3.2006, Hội Đồng Quân Sự ngang nhiên dời Thủ đô Yangon tới một địa điểm khác về phía Bắc là Pyinmana, cách thủ đô cũ hơn 400 km và đặt tên tân thủ đô là Naypyidaw, có nghĩa là thành phố của Hoàng gia (Royal City). Người ngoại quốc, đặc biệt là các ký giả và phóng viên, không được vào khu vực này khi chưa có phép. Có tài liệu khác nói là chính phủ quân phiệt sợ Hoa Kỳ tấn công bằng máy bay, như trường hợp Nam Tư trong biến cố Kosovo, nên dời thủ đô xa tầm hoạt động của các phi cơ Mỹ.

2-PHỤ NỮ QUẦN HỒNG AUNG SAN SUU KYI LÀ AI MÀ LÀM CHO CÁC TƯỚNG LÃNH PHẢI LO SỢ?

Như trên chúng tôi đã trình bày: Aung San Suu Kyi là con gái của Tướng Aung San, người có công đấu tranh dành độc lập cho Miến Điện, đã bị các đối thủ chính trị giết chết ngày 19.7.1947, lúc đó Aung San suu Kyi mới 2 tuổi. Mẹ là Daw Khin Kyi tiếp tục nối nghiệp chồng, tham gia chính trị và năm 1960 được cử làm đại sứ Miến Điện tại Ấn Độ. Suu Kyi theo mẹ qua Ấn Độ học tại trường Nữ trung học Shri Ram ở Thủ đô Tân Đề Li (New Delhi) từ 1960-1964. Năm 1964-1967, Suu Kyri được mẹ cho sang Anh quốc học cử nhân triết, chính trị và kinh tế tại đại học Oxford. Khi ở Anh quốc Suu Kyri sống với cha nuôi là Gore-Booth, cựu Đại sứ và Cao ủy Anh tại Miến Điện. Sau đó Suu Kyri làm quen Michael Aris, sinh viên khảo cứu văn minh Tây Tạng.
Năm 1969-1971, Suu Kyi sang Nữu Ước học thêm và sống chung với bạn gái là Ma Than E, nhân viên của LHQ. Nhờ đó bà có dịp làm thư ký trong Ban điều hành của LHQ. Ngày 1.1.1972 Suu Kyi kết hôn với Michael Aris và theo chồng tới nước Bhutan, nơi Aris dậy tiếng Anh cho Hoàng gia và là trưởng phòng thông dịch. Sau đó Suu Kyi làm nhân viên khảo cứu cho Bộ Ngoại giao Bhutan. Năm 1972, hai vợ chồng về sống tại Luân Đôn và có con đầu lòng tên Alexander, con thứ nhì là Kim sinh năm 1977 tại Oxford. Trong thời gian ở nhà nuôi con, Suu Kyi viết sách về cha mình và giúp chồng nghiên cứu văn hóa Hy Mã Lạp Sơn. Ngày 31.3.1988 khi mẹ bị bệnh nặng, Suu Kyi về Miến Điện chăm sóc mẹ. Ngày 23.7.1988, Tướng Ne Win từ chức đưa tới các cuộc biểu tình đòi dân chủ nhưng bị đàn áp. Hàng ngàn người bị chết và bị thương.

Nhận thấy thời cơ đã chín mùi, ngày 15.8.1988, Suu Kyi gửi thư cho chính phủ đòi thành lập Hội Đồng Cố vấn và đưa ra bản tuyên bố kêu gọi thành lập chính phủ tự do dân chủ vào ngày 26.8.1988. Chính phủ quân sự thiết quân luật để khống chế biểu tình và đối lập. Suu Kyi bắt đầu dấn thân tranh đấu cho dân chủ sau đám tang của mẹ và bị quản chế tại gia từ năm 1989. Năm 1990, Liên đoàn Quốc gia vì Dân Chủ (NLD) thắng cử với 82% tổng số phiếu, nhưng chính phủ quân phiệt không chấp nhận kết quả bầu cử.
Nhờ các hoạt động tranh đấu cho dân chủ bằng phương pháp biểu tình bất bạo động, ngày 12.10.1990, Suu Kyi được trao giải Nhân Quyền Rafto của Na Uy và ngày 10.7.1990, Liên hiệp Âu Châu trao tặng giải Nhân Quyền mang tên nhà bác học vật lý nguyên tử người Nga, Shakarov. Vinh dự lớn nhất dành cho Suu Kyi là giải thưởng Nobel Hòa bình được trao tặng ngày 14.10.1990. Bà không đi nhận giải Nobel mà để hai con thay mẹ. Lý do dễ hiểu là nếu bà rời Miến Điện thì chính quyền quân sự sẽ không cho bà trở về. Tháng 12.1990, Suu Kyi xuất bản quyển Freedom From Fear (Tự do thoát vòng sợ hãi) và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Aung San Suu Kyi dùng 1,3 triệu Mỹ-kim của giải Nobel vào việc tái thiết cơ sở giáo dục và y tế cho đồng bào nghèo Miến Điện. Năm 2003, Bà cùng hàng ngàn người biểu tình đòi dân chủ; nhưng bị những người ủng hộ chính quyền quân phiệt tấn công. Nhiều cận vệ và người ủng hộ của bà bị giết, còn bà chạy thoát được về nhà và một lần nữa bị quản chế tại gia.

Ngày 27.3.1999 Michael Aris, chồng của bà qua đời tại Anh quốc vì bệnh ung thư. Trước đây chính quyền Miến Điện không cho phép ông sang thăm vợ bị quản chế tại gia. Chính quyền này chỉ muốn cho bà xuất ngoại thăm chồng con rồi nhân cơ hội này cấm bà về nước. Sự khôn ngoan và can đảm của Aung San Suu Kyi là quyết chí ở lại đất nước để lãnh đạo cuộc đấu tranh vì dân chủ cho toàn dân. Chính thái độ "tạm quên tình nhà vì nợ nước" của bà mà dân chúng Miến Điện cũng như nhiều người trên thế giới đã ngưỡng mộ và coi bà như một "Nữ Anh Hùng" của Miến Điện.

3-TẠI SAO CÁC NHÀ SƯ LẠI XUỐNG ĐƯỜNG BIỂU TÌNH?

Qua các sự kiện nêu trên, sau gần 20 năm bà Aung San Suu Kyi cùng các tổ chức chính trị và quần chúng tranh đấu bất bạo động đã không thành công. Các cuộc biểu tình đòi dân chủ tự do đều bị chính quyền quân phiệt đàn áp đẫm máu. Hơn 90% dân chúng hiền hoà, sống theo giáo lý từ bi của Phật đã không còn phương thức đấu tranh bất bạo động nào có hiệu quả hơn là trông chờ vào sự dấn thân của các vị lãnh đạo tinh thần. Cái hy vọng cuối cùng của toàn dân là ý chí và hành động của các Nhà Sư có thể làm cho chế độc độc tài chịu xét lại và trao quyền cai trị đất nước cho toàn dân qua cuộc bầu cử tự do dân chủ.
Chính vì thương dân và muốn đất nước được cai trị không chỉ theo đạo lý dân tộc mà còn thích hợp với xu hướng dân chủ ngày nay, hàng trăm Tăng Ni đã phải xuống đường biểu lộ sự đồng tình với dân chúng. Cả trăm ngàn người đã nối vòng tay bảo vệ Sư Sãi trên đường phố. Hàng ngàn cánh tay giơ cao và hàng ngàn tiếng hô đòi dân chủ tự do đã vang vọng khắp thủ đô và các tỉnh lớn của Miến Điện.
Nhưng những chiếc Áo Cà Sa đã không chắn được lằn đạn; những nụ cười từ bi đã không khuất phục được bạo quyền; những tiếng gào thét đòi dân chủ đã không dập tắt được tiếng súng ác ôn. Nhiều Áo Cà Sa đã bị nhuốm máu. Có tu sĩ đã ngã gục trước họng súng của kẻ sát nhân. Chùa chiền bị bao vây. Các Nhà Sư lãnh đạo bị bắt giam. Thế là cuộc biểu dương ý chí đòi tự do dân chủ lại một lần nữa bị đàn áp dã man.

4-SỰ CAN THIỆP CỦA LIÊN HIỆP QUỐC

Trước tình hình Sư Sãi xuống đường biểu tình chống chế độ quân nhân cầm quyền bị đàn áp đẫm máu, 13 người bị bắn chết, trong đó có cả Tăng Ni và hơn 2.000 người bị bắt giữ; tại nhiều quốc gia như: Ái Nhĩ Lan, Anh quốc, Áo, Ấn Độ, Bỉ, Đức, Gia Nã Đại, Hoa Kỳ, Na Uy, Nam Hàn, Pháp, Tân Tây Lan, Tân Gia Ba, Thái Lan, Tây Ban Nha và Úc Đại Lợi… đã có các cuộc biểu tình chống chính quyền quân phiệt Miến Điện. Số tổn thất chưa được kiểm chứng chính một cách xác. Chính quyền công bố chỉ 10 người chết; nhưng theo tin của các tổ chức dân chủ thì có tới 200 người bị giết trong đó có các vị tu hành và 6.000 người bị bắt.
Trước tình hình căng thẳng như vậy, Liên Hiệp Quốc đã trực tiếp can thiệp bằng ngoại giao.
-Đặc sứ Ibrahim Gambari được Hội Đồng Bảo An LHQ cử tới Miến Điện và các quốc gia Đông Nam Á nhằm làm áp lực đòi chính phủ quân sự phải đối thoại với thủ lãnh đối lập, bà Aung San Suu Kyi, để tìm ra giải pháp chính trị đưa tới dân chủ và hòa bình. Kết quả là ngày 05.10.2007, Tướng Than Shwe đã hứa sẽ có cuộc đối thoại với bà Aung San Suu Kyi, thả các Sư Sãi và những người biểu tình đã bị bắt giữ. Tuy nhiên, ông này lại ra điều kiện là LHQ phải ngưng phong tỏa kinh tế và bà Suu Kyi phải từ bỏ các hành động đối lập.
Ngày 10.10.2007, 15 hội viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (HĐBA/LHQ) đã đồng thuận về những điểm chính trong dự thảo không lên án chế độ quân sự Miến Điện đàn áp người biểu tình. Văn bản này đã sửa đổi lại lời lẽ nhẹ nhàng hơn, vì trước đó Trung Cộng và Nga Sô đe dọa sẽ bỏ phiếu phủ quyết, nếu LHQ lên án nặng nề hay đưa ra các biện pháp trừng phạt. 9 tháng trước đây, ngày 13.1.2007, Nga Sô và Trung Cộng đã bỏ phiếu "Phủ Quyết" đề nghị của Anh quốc và Hoa Kỳ về việc phong tỏa kinh tế Miến Điện.
Sau đó những bất đồng, văn bản đầu tiên đề nghị lên án chế độ quân phiệt Miến Điện được HĐBA/LHQ sửa lại nhẹ nhàng hơn: "rất tiếc" về hành động đàn áp người biểu tình ôn hòa và đòi trả tự do ngay cho thủ lãnh đối lập, bà Aung San Suu Kyi.

KẾT LUẬN

Cuộc nổi dậy chống chế độ quân phiệt mới chỉ gây được sự chú ý của thế giới. Vấn đề thành công hay không còn tùy thuộc vào ý chí của toàn dân và sức mạnh quân sự nếu có.
Người ta hy vọng một giải pháp hòa bình bằng thương lượng trên chính trường quốc nội cũng như quốc tế có thể cải tiến chế độ cai trị hiện nay tại Miến Điện.
Ngày 10.10, cựu Thủ tướng Tân Gia Ba Lý Quang Diệu đã chê nhóm quân sự Miến Điện là dốt nát về kinh tế, vì họ đã đưa một đất nước giầu có tài nguyên đến lụn bại làm cho người dân đói khổ. Ông Lý Quang Diệu cũng khẳng định là theo xu hướng dân chủ hiện nay, chế độ quân phiệt sẽ không có chỗ đứng…
Hy vọng chế độ độc tài Miến Điện hãy nghe lời phát biểu của cựu Thủ tướng Tân Gia Ba, một nhân tài lãnh đạo quốc gia tại Á châu, đã làm cho Singapore, một hòn đảo khô cằn tài nguyên thiên nhiên trở thành một quốc gia Tân Gia Ba giầu có và luôn hãnh diện với danh hiệu một trong 5 Con Rồng Kinh tế Á châu.