Dân Chúa Âu Châu

Bắc Cực có thể trở thành bãi chiến trường vì dầu hỏa?

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

1-Biến chuyển bất ngờ gây căng thẳng trên chính trường thế giới

Nói tới Bắc Cực người ta chỉ biết là nơi có diện tích khoảng 1,2 triệu cây số vuông, nhưng toàn đá băng và lạnh giá không ai chịu được, khi nhiệt độ xuống dưới -35 độ C vào tháng hai. Người ta chỉ thấy gấu trắng, hải mã, Penguin và hải âu có thể sống trên băng đá. Nhưng, có ai ngờ dưới lòng biển Bắc Cực lại giầu tài nguyên thiên nhiên mà bất cứ quốc gia đã và đang phát triển nào cũng muốn khai thác về cho dân tộc mình. Trong những năm gần đâây, thời tiết thay đổi vì các quốc gia kỹ nghệ thải quá nhiều chất độc CO2 vào bầu khí quyển. Đây là nguyên nhân đưa tới tình trạng trái đất ngày càng nóng. Các thiên tai hạn hán, mưa, lũ lụt ngày càng nhiều và sự tàn phá ngày càng khốc liệt hơn. Tuy vậy, đá băng tan dần tại Bắc Cực lại là cơ hội thuận tiện cho cuộc tìm kiếm và khai thác dầu hỏa cũng như khí đốt tại vùng này. Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) ước tính có khoảng 25% trữ lượng dầu thế giới hiện đang nằm dưới lòng biển Bắc Cực. Viện Hải dương học của Nga cũng cho biết khu vực hình cái yên ngựa dưới lòng Bắc Băng Dương chứa đến 10 tỉ tấn dầu hỏa, chưa kể nhiều loại tài nguyên khác. Về hải trình nếu đi theo hướng Tây Bắc thì khoảng cách từ Luân Đôn tới Đông Kinh giảm xuống còn 16.000 cây số so với 21.000 cây số khi phải đi ngang kênh đào Suez của Ai Cập hoặc 23.000 cây số khi đi qua kênh đào Panama ở Trung Mỹ.

Chính vì vậy mà các quốc gia trong vùng gồm Đan Mạch, Gia Nã Đại, Hoa Kỳ, Na Uy và Nga Sô đều cố gắng chứng minh nước mình có chủ quyền trên vùng Bắc Cực. Mới đây, ngày 02.08.2007, Nga Sô mở đầu chương trình thám hiểm lòng biển Bắc Cực bằng tàu ngầm nhỏ mang tên nhà thám hiểm "Fedorov", có sự yểm trợ của tàu ngầm hải quân Nga, 2 máy bay trực thăng và đoàn tùy tùng 100 người. Tàu lặn "Mir-1" và "Mir-2" cùng các thiết bị nghiên cứu đã vượt chặng đường dài 2000 dặm (3.600km), trong đó có 800 dặm là những lớp băng dày, để đến Bắc cực. Chiếc tầu ngầm loại nhỏ Mir-1 của Nga Sô đã thành công lặn sâu 4.261 mét, xuống đáy biển Bắc Cực. Tin tức do đài Truyền hình Vesti-24 của trung tâm nghiên cứu Akademik Fyodorov thông báo. Nhà thám hiểm Artur Chilingarov của Nga Sô có mặt trong tầu ngầm đã tuyên bố là cuộc thám hiểm này nhằm xác định biên giới phía Bắc của nước Nga. Các chuyên viên cũng có nhiệm vụ thí nghiệm khoa học và cắm một lá cờ Nga Sô làm bằng Titanium dưới lòng biển để đánh dấu chủ quyền của Nga tại khu vực này. Chiếc tầu ngầm thứ hai Mir-2 cũng đã hoàn thành nhiệm vụ sau 8-9 giờ. Toàn bộ tin tức do Học Viện Bắc Băng Dương và Bắc Cực tại thành phố Saint Petersburg công bố.

2-Phản ứng của các quốc gia trong vùng Bắc Băng Dương.

2.1-Về phía Nga Sô:

Tháng 12-2001, Nga Sô tuyên bố đỉnh núi Lomonosov kết hợp giữa Bắc Cực (Arctic) và Tây Bá Lợi Á (Siberia) là sự trải dài của lục địa Âu-Á, là một phần của thềm lục địa của Nga theo Luật Quốc tế. Nhưng Liên Hiệp Quốc bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Nga Sô với lý do thiếu bằng chứng.
Nếu được Quốc tế công nhận, Nga Sô sẽ kiểm soát một vùng rộng hơn 463.222 dăm vuông, gần một nửa lòng biển Bắc Cực. Người ta còn nhớ trong bài nói chuyện trên một chiếc tầu nguyên tử phá băng tại Bắc Cực trong đầu năm 2007, Tổng thống Vladimir Putin đã nhấn mạnh nỗ lực bảo vệ Nga Sô về chiến thuật, kinh tế, khoa học và các lợi ích quốc phòng trong vùng này. Trong giới kinh doanh dầu lửa, Bắc Băng Dương đang trở thành một chủ đề nóng bỏng. Nếu kết luận về chủ quyền của các nhà địa chất Nga là đúng thì nước này sẽ có thêm tới 10 tỷ tấn dầu và khí đốt ở Bắc Băng Dương. Tham vọng của Nga Sô trong việc sử dụng nguồn năng lượng này được xem như một vũ khí chính trị để hóa giải tất cả những chống đối của Tây phương. Thực tế cho thấy, không chỉ các quốc gia Đông Âu mà cả Liên Hiệp Âu Châu vẫn ngày càng bị lệ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, Chính vì vậy mà Liên Hiệp này thường nhượng bộ Nga Sô trong những trường hợp có tranh chấp hay phong tỏa kinh tế một quốc gia nào trên thế giới. Phong tỏa kinh tế Iran không thành công là một bằng chứng cụ thể.
Nếu thành công thì nước Nga sẽ làm chủ một khu vực biển rộng, chạy dài từ Bắc Cực đến vùng biển phía trên miền đông Tây Bá Lợi Á (Siberia) và bán đảo Chukotka của Nga. Vùng biển này nằm ngoài khu vực thuộc quyền khai thác kinh tế của Nga được qui định trong "Hiệp ước về luật biển" là 200 dặm tính từ bờ biển mỗi quốc gia. Một uỷ ban quốc tế cứu xét lại việc vận dụng điều khoản này đã bác bỏ đòi hỏi ban đầu của Nga Sô. Trong số 5 nước có bờ biển tiếp giáp với Bắc Băng Dương: Nga Sô, Na Uy, Đan Mạch, Gia Nã Đại và Hoa Kỳ, chỉ có Mỹ chưa phê chuẩn "Hiệp ước về luật biển".

2.2-Về phía Gia Nã Đại:

Gia Nã Đại đã chứng minh dãy núi ngầm Lomonosov được bắt nguồn từ châu Mỹ, nên cuộc thám hiểm của Nga không có gì đáng quan tâm. Nó chỉ là một màn trình diễn. Ông Peter MacKay, Bộ trưởng ngoại giao Gia Nã Đại đã tuyên bố với đài truyền hình CTV:
"Đây không phải là thế kỷ 15. Bạn không thể đi vòng quanh thế giới và chỉ cắm lá cờ rồi tuyên bố chúng tôi có chủ quyền trên lãnh thổ này!"
Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Nga Sô Itar - Tass, đại diện Bộ ngoại giao Gia Nã Đại cũng khẳng định: "Chủ quyền lãnh thổ của Gia Nã Đại ở Bắc cực đã có từ lâu và được xây dựng bởi cội nguồn lịch sử".

Ngày 10.8.2007, cuộc tranh dành chủ quyền tại Bắc cực trở nên nóng bỏng hơn, khi chính phủ Gia Nã Đại khẳng định quyền sở hữu vùng biển này và công bố kế hoạch xây dựng một hải cảng, một căn cứ huấn luyện và hiện đại hóa lực lượng bán quân sự hiện đang tuần tra tại khu vực.
Tuyên bố trên được đưa ra nhân chuyến thăm 3 ngày tại Bắc Băng Dương của Thủ tướng Stephen Harper. Chính phủ Gia Nã Đại khẳng định chuyến thăm này đã có trong chương trình từ nhiều tháng trước, nhưng nay nó bỗng nhiên có ý nghĩa rất quan trọng, sau khi Nga Sô cắm cờ dưới lòng biển Bắc Cực.
Thủ tướng Harper tuyên bố, Gia Nã Đại sẽ xây dựng một hải cảng nước sâu trị giá 95 triệu Mỹ-kim tại Nanisivik gần lối vào phía đông của Tuyến đường biển Tây Bắc. Đây sẽ là nơi tiếp nhiên liệu cho các tàu tuần tra quân sự của nước này. Gia Nã Đại cũng dự định chi khoảng 3 tỷ Mỹ-kim để mua ít nhất 6 tầu tuần tra cho vùng Bắc Băng Dương.
Ngày 10.7.2007, chính phủ Gia Nã Đại cho biết sẽ chi gần 4 triệu Mỹ-kim nhằm hiện đại hoá một căn cứ ở vịnh Resolute để huấn luyện các lực lượng quân sự tại Bắc Cực.

2.3-Về phía Hoa Kỳ:

Mỹ cũng có lý do để sở hữu Bắc cực vì họ là người đầu tiên đặt chân đến chốn băng giá khủng khiếp này.

Các chính trị gia Mỹ, kể cả Thượng nghị sĩ Richard Lugar, dựa vào Hiệp ước về Luật biển (the Law of the Sea Treaty), yêu cầu chính quyền phải bảo vệ lợi ích quốc gia vùng Bắc Cực để giới hạn sự bành trướng chủ quyền của Nga Sô dưới lòng biển. Theo truyền thông Nga thì tầu thám hiểm của Hoa Kỳ (the Gakkel Ridge) tại Na-uy đã bắt đầu nghiên cứu phần đáy biển khác của Bắc Cực kể từ ngày 1.7.2007, nhằm chạy đua với Nga Sô về sự giầu có tài nguyên tại Bắc Cực. Theo Viện Woods Hole Oceanographic thì cuộc thăm dò nhằm thiết lập hệ thống ống dẫn hydrothermal, các loại nguyên liệu của vỏ trái đất và đời sống sinh vật.

Cái rắc rối và yếu điểm của Hoa Kỳ ngày nay là Quốc hội Mỹ chưa thông qua Hiệp ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc, nên sẽ gặp khó khăn trong vụ tranh chấp này.
Vì thế, nghị sĩ Phillips yêu cầu chính phủ Bush cần làm áp lực mạnh để thông qua đạo luật này. Tuy vậy, ngày 3.8.2007, Phát ngôn viên Tom Casey của Bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng việc cắm cờ của Nga ở đáy biển Bắc Cực không có ý nghĩa pháp lý. "Tôi không tin rằng chính họ (Nga) đã cắm cờ sắt, cờ cao su hay cờ làm bằng chất dẻo... nhưng bất luận trong mọi trường hợp đều không có ý nghĩa...". John Bellinjer, Cố vấn tư pháp Bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố "Người Mỹ không thể dửng dưng ngồi nhìn các nước khác chia chác Bắc cực."
Về cuộc tranh dành quyền lãnh thổ ở Bắc Cực thì năm 1920, các nước Liên Sô, Na-Uy, Đan Mạch, Hoa Kỳ và Gia Nã Đại đã thỏa thuận toàn bộ đất đai, hải đảo và vùng Bắc Băng Dương đều thuộc chủ quyền lãnh thổ của năm nước trên. Nga Sô là nước được phần lớn nhất (bằng 1/3 diện tích thềm lục địa Bắc Băng Dương.) Tuy nhiên, chính khu vực Bắc Cực không thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào. Những nước gần đó được quyền thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng như bảo vệ môi trường.
John Norton Moore, Đại sứ Mỹ tham gia các cuộc thương lượng về luật biển trong thời kỳ chính quyền Richard Nixon và Gerold Ford đã cảnh cáo rằng, Mỹ có thể sẽ bị gạt ra ngoài rìa, nếu không phê chuẩn Hiệp ước về Luật biển.

Các nhà chính trị cho rằng Hoa Kỳ không có khả năng can thiệp khi vẫn đứng ngoài cuộc tranh cãi kéo dài 13 năm nay liên quan đến việc phê chuẩn một Hiệp ước của Liên hiệp quốc về các quyền quốc tế liên quan tới biển cả. Văn kiện có tên gọi chính thức là "Hiệp ước về luật biển" này được nhiều nước coi là phương tiện căn bản của thế giới nhằm giải quyết các cuộc tranh chấp về quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên và về các tuyến đường giao thông trên vùng biển quốc tế.
Nga Sô và 152 nước khác đã phê chuẩn hiệp ước này. Tuy nhiên, các nghị sỹ Mỹ phản đối "Hiệp ước về luật biển" và đã ngăn cản việc phê chuẩn nó tại Quốc hội Mỹ từ năm 1994, với lý do là các quốc gia đã dành quá nhiều quyền lực cho Liên Hiệp Quốc.

2.4-Về phía Đan Mạch:

Mấy năm trước Đan Mạch tuyên bố rằng tất cả vùng Bắc Cực đều thuộc quyền sở hữu của nước này, vì xét cho cùng chỉ có Greenland là gần Bắc cực hơn cả. Ngày 18.10.2004, Đan Mạch chính thức tuyên bố có chủ quyền vùng Bắc Cực một trong những nguồn dự trữ dầu hỏa và khí đốt lớn lao lộ thiên của thế giới. Các nhà khoa học dự tính độ tan băng đá của Bắc Băng Dương vào khoảng 3% một năm. Hiện nay, Đan Mạch tuyên bố chủ quyền không phải không có bằng chứng chứng minh. Theo tài liệu địa chất thì Bắc Cực và Greenland thuộc chủ quyền của Đan Mạch từ năm 1814, vì sự liên kết bởi 1240 cây số dưới rặng núi đáy biển là đỉnh Lomonosov Ridge. Đan Mạch đã tổ chức một cuộc thám hiểm kéo dài một tháng để nghiên cứu dãy núi Lomonosov mà nhiều nhà khoa học của nước này tin rằng nó là phần kéo dài của Greenland. Cuộc hành trình mang tên LOMROG 2007 (Lomonosov Ridge Off Greenland), có sự tham gia của các nhà nghiên cứu hàng đầu như Martin Jakobsson từ Đại học Stockholm và Christian Marcussen từ Trung tâm địa chất học của Đan Mạch và Greenland. Chiếc tầu phá băng đá mang tên Thần Oden của Thụy Điển được dùng vào chương trình thám hiểm và phải phá những khu đá băng dầy từ 2 mét tới 20 mét. Tầu phá băng được trang bị các dụng cụ tối tân như tia sáng Laser để chụp hình và đo độ sâu của biển. Các dụng cụ này được Thụy Điển tài trợ với sự cộng tác của Đại học Aahus, phân khoa Khoa học địa cầu, Viện Alfred-Wegener tại Bremerhaven của Na Uy và Viện Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (U.S. Geological Survey).

Ngày 9.8.2007, chính phủ Đan Mạch cho biết, các nhà nghiên cứu của nước này tiếp tục khảo sát Bắc Băng Dương để thu thập các dữ liệu địa chất học trong một chuyến đi tương tự như cuộc thăm dò của Nga.
Bộ khoa học và Công nghiệp của Đan Mạch đã bỏ ra 38 triệu Mỹ-kim để hoàn chỉnh bản đồ thềm lục địa nhằm thuyết phục tất cả các quốc gia rằng, Bắc cực chính là phần tiếp theo của đảo Greenland. Đan Mạch dựa vào chủ quyền Greenland, một đảo có 57.000 cư dân và được một tòa án quốc tế phán quyết chủ quyền của Đan Mạch năm 1933, sau khi từ chối việc Na Uy tuyên bố có chủ quyền đảo này. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Đan Mạch, Helge Sander, nói: "Các cuộc khảo sát sơ bộ đã được thực hiện cho thấy có nhiều hứa hẹn. Có những bằng chứng chứng tỏ rằng Đan Mạch có thể khẳng định chủ quyền ở Bắc Cực".
Ngày 12.8.2007, từ đảo Svalbard (Na Uy), nhóm 40 nhà khoa học bắt đầu thực hiện chuyến hành trình tới Bắc Cực để thu thập bằng chứng chứng minh khu vực này là phần mở rộng của đảo Greenland thuộc Đan Mạch. Nhóm các nhà khoa học, trong đó có 10 người Đan Mạch, đi trên tàu phá băng Oden của Thụy Điển sẽ thực hiện việc khảo sát, đo đạc, vẽ bản đồ chi tiết khu vực Bắc Cực, bao gồm cả đáy biển bằng các thiết bị tối tân như hệ thống định vị dưới nước bằng siêu âm và quang tuyến…

3-Liên Hiệp Quốc và vấn đề tranh chấp về Bắc cực:

Năm 1959, 12 nước trong đó có Liên Sô, Hoa Kỳ, Argentina, Nhật Bản, Bỉ, Anh quốc và Na-Uy... ký một hiệp ước quốc tế quy định: Bắc Cực là khu phi quân sự được mở cửa cho việc nghiên cứu khoa học của tất cả các nước trên thế giới và không nước nào được phép sở hữu bất cứ vùng nào tại đây. Luật biển năm 1982 quy định phạm vi lãnh hải của mỗi quốc gia được tính 12 dặm (hơn 19,3 km) kể từ bờ biển, cộng thêm 200 hải lý thuộc khu vực được phép khai thác kinh tế. Sự lỏng lẻo của luật ở chỗ phạm vi được phép khai thác kinh tế lại có thể được mở rộng thêm, nếu nó được chứng minh rằng vùng đáy biển là phần mở rộng địa chất của quốc gia đó.
Chính vì vậy mà ngày 20.12.2001, Nga đã trình bày trước Liên Hiệp Quốc tài liệu địa chất ủng hộ lập luận của mình rằng vùng đáy Bắc Cực và Siberia được liên kết bằng một thềm lục địa duy nhất. Nói cách khác, rặng Lomonosov trong lòng Bắc cực là phần mở rộng thềm lục địa của Nga, tính từ Siberia. Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc đã bác bỏ các lý luận của Nga Sô vì thiếu bằng chứng thuyết phục.

4-Phải chăng Không quân Nga tập trận tại Bắc Cực là để cảnh cáo các quốc gia khác?

Trong khi sự tranh cãi về tuyên bố chủ quyền của Nga tại Bắc Cực vẫn chưa lắng dịu thì ngày 8.8.2007, lực lượng không quân chiến lược Nga bắt đầu tập trận tại vùng này. Phát ngôn viên lực lượng Không quân Nga Alexander Drobyshevsky cho biết, họ sẽ tập thả bom và phóng hỏa tiễn trong các tình huống giả định khác nhau. Cuộc tập trận có sự tham gia của các oanh tạc cơ chiến lược như Tu-160 Black-jack, Tu-95 Bear-H và Tu-22 Black-fire-C. Các máy bay Nga đã bay qua Bắc Cực, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

5-Liên Hợp Quốc nói gì?

Quyết định chính thức về vụ tranh dành lãnh thổ ở Bắc cực chưa được LHQ đưa ra. Năm 2002, một uỷ ban đặc biệt của LHQ được thành lập, nhưng chưa đưa ra một quyết định cụ thể nào. Các chuyên gia trong lĩnh vực luật biển cho rằng, để thảo luận yêu sách của Nga cần có thêm những luận chứng khoa học khác nữa. Chính vì vậy mà mục đích đợt thám hiểm của Nga lần này là đưa ra những bằng chứng cần thiết chứng minh cho lập luận của mình về Bắc Cực. Chuyện tranh chấp Bắc cực xem ra chỉ mới mở đầu cho những cuộc tranh luận gay gắt trong tương lai. Ai có khả năng đối đầu với Nga Sô?

Chỉ Hoa Kỳ. Nhưng Quốc hội Mỹ lại chưa thông qua Hiệp ước về Luật biển thì dựa vào luật lệ nào của Quốc tế để chống Nga Sô?
Nếu Quốc Hội Mỹ không thừa nhận quyền bao quát của Liên Hiệp Quốc thì tòa án nào sẽ xử vụ tranh chấp này