Dân Chúa Âu Châu

Hội Nghị Thượng đỉnh của G8 tại Đức quốc có gì lạ?

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Ngày 6-8.6.2007, các nhà lãnh đạo của tám quốc gia kỹ nghệ tiên tiến và giầu có nhất thế giới "G-8" đã tới tham dự cuộc họp thượng đỉnh tại Heiligendamm, thuộc thành phố Rostock, Đức Quốc.
Cũng như tại các hội nghị trước đây, hàng chục ngàn người đã biểu tình chống đối, có lúc ôn hòa, có khi bạo động.
Nhiều người thắc mắc tại sao cứ mỗi lần các vị nguyên thủ quốc gia gặp nhau họp bàn lại có biểu tình chống đối?
Để giúp quí độc giả hiểu thêm vấn đề, chúng tôi sẽ trình bày các điểm dưới đây:

1-G-8 LÀ GÌ?

G-8 là ký hiệu viết tắt của "Nhóm 8" (Group of Eight) qui tụ 8 quốc gia kỹ nghệ tiên tiến và giầu có nhất thế giới gồm: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp, Gia Nã Đại, Nhật Bản, Nga Sô và Ý Đại Lợi.
Về lịch sử thì ý nghĩ về một hội nghị dành cho các quốc gia kỹ nghệ dân chủ lớn của thế giới bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng dầu hỏa vào năm 1973. Cuộc khủng hoảng này đã đưa đến tình trạng kinh tế trì trệ của thế giới. Vào năm 1974, Hoa Kỳ thành lập Nhóm Thư Viện (the Library Group), một tổ chức không chính thức qui tụ các nhà tài chính lão luyện từ Hoa Kỳ, Anh quốc, Tây Đức và Nhật Bản. Sau đó, tổng thống Pháp, Giscard d’Estaing, mời các chính phủ Tây Đức, Ý, Nhật, Anh và Hoa Kỳ tới họp thượng đỉnh tại Rambouillet, Pháp quốc. Sau hội nghị, sáu nhà lãnh đạo đã đi tới thỏa thuận luân phiên tổ chức cuộc họp thường niên. Khi tổ chức ở quốc gia nào thì chính phủ nước đó sẽ giữ vai trò chủ tịch.
Nhóm G-6 ra đời từ thời điểm này. Năm sau, theo lời yêu cầu của tổng thống Mỹ Gerald Ford, Gia Nã Đại được mời tham gia và Nhóm có tên mới là G-7. Trước đây Liên Hiệp Âu châu chưa hoàn thành các cơ cấu tổ chức hành chánh, nên không có đại diện tham dự các hội nghị của G-8. Tới năm 1997, chủ tịch Ủy ban Đặc nhiệm của Liên Hiệp Âu Châu được Anh quốc mời tham dự cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên và từ đó có sự hiện diện của chủ tịch Ủy ban Đặc nhiệm LHÂC trong mỗi kỳ họp.
Khi chiến tranh lạnh giữa hai khối Tự Do và Cộng Sản kết thúc, đồng thời đưa tới sự tan ra của các chế độ Cộng sản Sô-viết và Đông Âu từ thập niên 1990, Nga Sô được mời họp riêng với các nhà lãnh đạo G-7, sau các buổi họp của hội nghị. Từ đó, danh hiệu P-8 (Political 8) ra đời, còn được gọi là "G7 plus 1".
Sau khi nước Nga có những cải tổ cả về chính trị lẫn kinh tế thị trường dưới thời TT. Boris Yeltsin và chính phủ Nga đã giữ vị thế trung lập trong chương trình bành trướng của khối NATO về phía Đông, tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đề nghị mời Nga Sô tham gia vào tổ chức từ năm 1997. G-8 là danh hiệu mới của tổ chức được nhắc tới từ đây.
Khi nhận định về sự giầu có của một quốc gia, người ta phải dựa trên nền kinh tế của nước đó. Dân số của G-8 chỉ bằng 14% dân số thế giới; nhưng tổng sản lượng nội địa của 8 quốc gia lại chiếm tới 2/3 thế giới, 192 nước. Chính vì vậy mà nền kinh tế thế giới phát triển mạnh hay rơi vào tình trạng trì trệ hoặc khủng hoảng, một phần bị ảnh hưởng bởi G-8, đặc biệt là Hoa Kỳ. Chính vì vậy mà các chính sách liên quan tới tài chính và kinh tế của G-8 có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế chung của nhân loại.
Mỗi năm cuộc họp thượng đỉnh của các nguyên thủ và lãnh đạo chính quyền quốc gia của G-8 họp tại một nước hội viên, để tổng kết tình hình, rút ưu khuyết điểm và hoạch định các chính sách về chính trị và kinh tế.

2-CẤU TRÚC VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA G-8:

Là một tổ chức không chính thức, nên G-8 không có một cơ cấu hành chính như Liên Hiệp Quốc (UN), Ngân Hàng Thế Giới (WB) hay Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF) v.v… G-8 không có văn phòng thư ký thường trực hoặc văn phòng cho các hội viên. Chức vụ chủ tịch luân phiên trong các hội viên và nhiệm kỳ bắt đầu vào tháng giêng mỗi năm. Quốc gia giữ chức vụ chủ tịch có nhiệm vụ thiết lập chương trình và tổ chức hàng loạt các cuộc họp cấp Bộ trưởng, để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo quốc gia hội viên vào giữa năm. Các cuộc họp cấp Bộ trưởng sẽ bàn về các vấn đề song phương hay quốc tế, liên quan tới sức khoẻ, luật lệ, lao động, sự phát triển kinh tế và xã hội, năng lượng, môi trường, ngoại giao, tư pháp, nội vụ, khủng bố và giao thương v.v… Trước đây, cuộc họp của các Bộ trưởng tài chính G-7, không có sự hiện diện của Nga Sô. Một số quốc gia có nền kinh tế đang phát triển khác chưa trở thành hội viên G-8 cũng có thể tham dự các cuộc họp riêng được gọi là "G-8 + 5". Ngoài sự tham dự của các bộ trưởng Tài chính và Môi trường của 8 quốc gia hội viên, còn có đại diện của Trung Cộng, Mễ Tây Cơ, Ấn Độ, Ba Tây và Nam Phi. Các quốc gia này được đặc biệt mời tham dự để bàn về một số vấn đề, trong đó có môi trường phải đạt được chỉ tiêu vào năm 2012.

Một số hoạt động tiêu biểu của hội nghị được ghi nhận như sau:

-Tại hội nghị năm 1994, G-7 đã thảo luận về thành quả của Xã Hội Thông Tin Quốc tế (The Global Information Society). Hội nghị tiếp tục bàn thảo chương trình này tại các cuộc họp vào ngày 25-26.2.1995 tại Brussels, Bỉ quốc và ngày 13-15.5.1996 tại Nam Phi.
-Tháng 6-2005, các Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ của G-8 đã thỏa thuận phát động chương trình lưu trữ hồ sơ về lạm dụng tình dục trẻ em (Paedophiles) và khủng bố. Trong thời gian này, các Viện Hàn Lâm khoa học G-8 đã ký vào bản công bố về tình trạng thay đổi khí hậu, trong đó có sự tham gia của Trung Quốc, Ba Tây và Ấn Độ. Hoa Kỳ là quốc gia thải khí độc nhiều nhất thế giới, chiếm tới 25% nhưng chưa chịu đưa ra những cam kết chính thức nào cả.

Ngoài G-8, còn một vài tổ chức khác cũng lấy danh hiệu G như sau:

-G-11: Tổ chức bao gồm 11 nước chưa phát triển, lợi tức trung bình còn thấp kém, được vua Abdullah II của Jordan thành lập vào ngày 20.9.2006. Các nước hội viên là: Jordan, Croatia, Ecuador, Georgia, El Salvador, Honduras, Morocco, Indonesia, Pakistan, Paraguay, Sri Lanca và Tunisia.
-G-20 (G-21, G-22,) và G-33: Tổ chức của các quốc gia chậm tiến hay đang trên đà phát triển tại Trung Đông, Nam Mỹ, Á châu và Phi châu. Tổ chức này được thành hình nhằm mục đích hợp tác về lãnh vực kinh tế và thị trường.

3-HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH 2007 CÓ GÌ LẠ?

Đến tham dự hội nghị thượng đỉnh từ ngày 6-8/6/2007 tại Đức quốc, có 5 thủ tướng: Stephen harper (Gia Nã Đại), Angela Merkel (Đức), Romano Prodi (Ý), Shinzo Abe (Nhật), Tony Blair (Anh) và 3 tổng thống: Nicolas Sarkozy (Pháp), Vladimir Putin (Nga), George W. Bush (Hoa Kỳ). Chủ tịch Đặc nhiệm Liên Hiệp Âu châu, ông Joseph Manuel Barroso, cũng có mặt tại hội nghị này.
Ngoài ra còn có đại diện của 6 nước Phi châu tới tham dự hội nghị với hy vọng nhận được một khoản trợ giúp khoảng 60 tỷ Đô-la dành cho chương trình chống bệnh AIDS và các bệnh khác.
Trong chức vụ chủ tịch hội nghị thượng đỉnh lần thứ 33 của G-8, nữ thủ tướng Angela Merkel chủ động trong chương trình nghị sự và đưa ra các đề nghị để đi tới quyết định về các lãnh vực đã đệ trình.
Hội nghị không phải lúc nào cũng đem lại các kết quả khả quan. Ngược dòng thời gian người ta thấy Bản công bố tháng 2-2007 của G8+5 tại Hoa Thịnh Đốn đã không qui định rõ ràng một giới hạn giảm thiểu sức nóng của trái đất. Hội nghị vẫn nhận định khí hậu thay đổi do sự nghi ngờ của con người. Sự kiện có thể do hệ thống nông nghiệp của thế giới và việc sử dụng than đá gây nên. Hoa Kỳ thì cứ cù cưa không chịu quyết định dứt khoát. Biện hộ cho mình, Hoa Kỳ cho rằng thay vì giảm số lượng khí độc thì nên cải tiến kỹ thuật, vì sẽ sự phát triển kinh tế không bị ảnh hưởng.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy hiệu quả của sáng chế hệ thống lọc khói thải ra từ xe hơi có thể giảm thiểu khí độc CO2. Do đó, các ống khói thoát khí độc của các nhà máy nếu được lọc cũng có thể làm giảm số lượng CO2.

Dù sao đi nữa G-8 tin tưởng vấn đề môi trường, sự thay đổi khí hậu của trái đất sẽ được bàn kỹ hơn vào năm 2009 cho phù hợp với các qui định ở hội nghị Kyoto.
Chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh 2007 tại Đức quốc kỳ này gồm các vấn đề sau đây:
-Sự thay đổi khí hậu: Trước các thiên tai bão lụt, thời tiết thay đổi bất thường, tuyết tan nhiều tại Bắc và Nam cực và trái đất này một nóng hơn v.v… các hội viên phải tìm giải pháp làm thế nào để giảm số lượng khí độc CO2 thải ra ngày càng nhiều tại các quốc gia kỹ nghệ.
Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Nga Sô và ngày nay cả Trung Cộng chưa chịu thi hành các quyết định của hội nghị Kyoto.
Vì thế, vấn đề này sẽ được giao cho Liên Hiệp Quốc giải quyết và dứt khoát phải đạt được mục tiêu giảm 50% vào năm 2050. Trung quốc nại lý do đất nước đang trên đà phát triển kinh tế và chính phủ đang cố gắng thi hành chính sách giảm nghèo thì không thể giảm số lượng CO2 hoặc than đá sử dụng trong các hoạt động kỹ nghệ theo yêu cầu. Đối với Nhật Bản thì thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố có hy vọng giảm 50% vào năm 2050.

Theo yêu cầu của hội nghị Kyoto vào năm 1997 thì 35 quốc gia kỹ nghệ cần giảm số lượng thải khí độc 5% trong thập niên năm 1990 tới 2012. Nhật Bản là quốc gia đứng thứ hai về kinh tế thế giới hứa sẽ giảm 6%.
-Vấn đề viện trợ cho Phi châu: Xét lại lời hứa tại hội nghị Gleneagles ở Scotland năm 2005 là gia tăng gấp đôi viện trợ cho Phi châu. Nhưng thực tế chỉ có ba quốc gia tôn trọng: Anh quốc (+13%), Pháp (+1,4%), Đức (+0,9%). Các nước hứa cuội là: Hoa Kỳ (-20%), Ý Đại Lợi (-30%), Nhật Bản (-9,6%) và Gia Nã Đại (-8,7%).
Tại hội nghị Gleneagles ở Scotland năm 2005, G-8 cũng thỏa thuận sẽ giảm nợ và đi tới xóa bỏ nợ nần cho các nước nghèo.
-Vấn đề thương mại: Xét lại chương trình viện trợ đã được bàn trong hội nghị Doha về sự phát triển của các quốc gia nghèo và đang trên đà phát triển.
-Sự căng thẳng giữa Nga Sô và Đồng Minh Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu châu: Hội nghị cố tìm giải pháp ôn hòa trong chương trình bành trướng khối NATO về hướng Đông và thiết lập phòng tuyến chống hỏa tiễn tại châu Âu do Hoa Kỳ đề nghị. Vấn đề này bị Nga Sô chống đối mạnh mẽ. Tổng thống Vladimir Putin cảnh cáo nếu Hoa Kỳ thực hiện chương trình này, Nga Sô sẽ hướng các dàn hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử về phía châu Âu. Nga Sô cũng đã khiêu khích bằng cuộc thí nghiệm hỏa tiễn liên lục địa mang nhiều đầu nổ (RS-24) có khả năng bắn tới mục tiêu xa 5.500 km; và có thể xuyên phá bất cứ phòng tuyến nào của Hoa Kỳ và Tây phương. Lời tuyên bố của TT. Putin nhằm trả đũa chương trình thiết lập hệ thống hỏa tiễn phòng thủ của Hoa Kỳ tại Ba Lan và Tiệp Khắc.
-Các quốc gia đang phát triển mạnh về kinh tế: G-8 sẽ thảo luận với các nước đang phát triển mạnh về kinh tế như Trung Quốc, Ba Tây, Mễ Tây Cơ, Nam Phi và Ấn Độ trong chiều hướng gia tăng số hội viên của G-8, cũng như đưa các nước này vào hội nghị để hợp tác về kinh tế và giải quyết sự ô nhiễm về môi trường của thế giới.
-Vấn đề ngoại giao: Hội nghị sẽ tìm một giải pháp thiết thực để chấm dứt cuộc xung đột giữa Do Thái và Palestine.
-Vấn đề Iran: Hội nghị cũng bàn thảo về giải pháp chế tài có hiệu quả đối với quyết định thực hiện chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử của nước này.
-Vấn đề độc lập và tự trị cho Kosovo: G-8 cố gắng đưa ra giải pháp ôn hòa để tránh sự xung đột. Kosovo là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Serbia; nhưng thành phố này lại có trên 90% dân Albania theo Hồi giáo. Vì thế, Nga Sô và Serbia không chịu giải pháp độc lập hay tự trị của Kosovo, mặc dù Liên Hiệp Quốc và Tây phương muốn ủng hộ giải pháp này.
-Vấn đề Sudan: cuộc diệt chủng do phiến quân Ả Rập gây nên tại thành phố sa mạc Darfur đã làm cho hàng trăm người chết và bị thương, chục ngàn người phải bỏ chạy và sống trong các túp lều giữa sa mạc của Liên Hiệp Quốc. Chính quyền Sudan lại ủng hộ nhóm phiến loạn và không chấp thuận cho quân đội của Liên hiệp Phi châu và Liên Hiệp Quốc tới đây để bảo vệ dân tị nạn cũng như giữa an ninh cho việc vận chuyển lương thự cứu trợ.

4-TỪ G-8 TỚI TOÀN CẦU HÓA CÓ LỢI HAY HẠI?

Sinh hoạt của nhân loại trên trái đất này rất đa dạng do khác biệt văn hóa và sự phát triển không đồng đều. Các quốc gia kỹ nghệ tiên tiến G-8 ngày càng giầu, nhiều nước ở Á, Phi châu và Nam Mỹ vẫn còn nghèo. Như vậy, muốn có hòa bình và tránh tình trạng di dân do chiến tranh hay nghèo đói gây nên, người ta phải tiến tới một trật tự chung cho nhân loại. Trật tự này sẽ hóa giải được các cuộc xung đột có thể bộc phát thành chiến tranh và giải quyết được các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Trật tự hóa thế giới cũng nhằm phân nhiệm trên chính trường cũng như thị trường thế giới. Muốn vậy phải thực hiến chính sách Toàn Cầu Hóa.
Nếu không tìm hiểu kỹ, người ta dễ hiểu lầm và thắc mắc Toàn Cầu Hóa có ưu điểm gì?

Về ưu điểm, chúng tôi chỉ đưa ra hai ví dụ cụ thể sau đây:

Ví dụ 1: So sánh giữa Đài Loan và Kenya:

Trong chương trình TV "Toàn Cầu Hóa thì tốt" (Globalization is good) của đài TV 4 của Anh quốc chiếu ngày 21.9.2003, người ta so sánh 50 năm trước đây Đài Loan và Kenya cùng nghèo như nhau. Ngày nay, Đài Loan giầu hơn Kenya 20 lần. Sự giầu có này là kết quả của chính sách kinh tế thị trường và hội nhập vào nền giao thương quốâc tế. Ngược lại, Kenya vẫn bế quan tỏa cảng trước chính sách Toàn Cầu Hóa, nên còn nghèo đói. Kenya thiếu cải tổ luật pháp, không bảo đảm quyền tư hữu và tệ nạn tham nhũng trong toàn cơ cấu chính quyền là nguyên nhân khiến cho nền kinh tế khôngï phát triển mạnh.
Người ta cũng nhận định rằng sự phân phối không cân đối trên thế giới là kết quả của sự phân phối không đồng đều về tư bản, vấn đề căn bản của sự phát triển kinh tế. Có thể nói, tẩy chay tư bản là tẩy chay sự phát triển kinh tế.

Ví dụ 2: Công ty đa quốc gia NIKE chuyên sản xuất quần áo, giầy dép và dụng cụ thể thao đã đầu tư vào Việt Nam hàng triệu Đô-la. Sự đầu tư này tạo cho môi trường lao động tốt hơn và người Việt có cơ hội làm nhiều giờ hưởng lương cao hơn. Nếu chống Mỹ và tẩy chay tư bản theo quan niệm cộng sản trước đây thì kinh tế Việt Nam ngày nay ra sao?
Thay vì gây bất lợi cho VN, công ty này (cũng như các công ty siêu quốc gia khác) đã làm cho nền kinh tế phát triển, giảm thiểu sự nghèo đói và giảm số lượng trẻ em phải lao động.
Các sở hữu chủ xí nghiệp địa phương cũng như chuyên viên VN có cơ hội tìm kiếm NIKE để học hỏi về kỹ thuật sản xuất và cải thiện tình trạng lao động.
Về quan điểm kinh tế, nếu chủ quan so sánh lương bổng còn thấp của một công nhân VN với lương bổng cao gấp đôi, gấp ba của công nhân Mỹ hay Tây phương thì người ta nói có sự "bóc lột sức lao động".

Nhưng xét về lãnh vực kinh tế và đầu tư thì đây là một giao kèo giữa chủ và thợ. Nếu VN không chấp nhận mức lương thấp thì các nhà đầu tư ngoại quốc sẽ bỏ thị trường VN.
Nếu nói VN là nước nghèo, tư bản ngoại quốc đầu tư vào đây để bóc lột thì cũng nên hiểu rằng:
"Nếu đó là sự mạo hiểm trên thế giới thì đầu tư vào sự nghèo đói chưa hẳn khai thác được gì; và tại sao các quốc gia tư bản không đầu tư vào Phi châu?"

5-TẠI SAO CÓ SỰ CHỐNG ĐỐI G-8?

Các cuộc biểu tình vừa ôn hòa, vừa bạo động đã xẩy ra mỗi khi G-8 họp thượng đỉnh. Theo cảnh sát Đức, có hơn 2.000 người tranh đấu bạo động (militants) quen gọi là "đám áo đen chùm đầu" (Black Blok). Các cuộc xung đột trước ngày hội nghị khai mạc đã làm cho 430 cảnh sát và 520 người biểu tình bị thương, 120 bị bắt giữ. 16.000 cảnh sát, một lực lượng lớn nhất đã được điều động để giữ trật tự cho hội nghị.
Nguyên nhân đưa tới biểu tình chống đối là: "sự nghèo khổ ở Phi châu, sự nợ nần của các nước đang phát triển, chính sách thương mại không công bằng, vấn đề ô uế môi trường, địa cầu ngày càng nóng hơn vì các nước kỹ nghệ lớn thải khí độc carbon dioxide ngày càng nhiều, thảm trạng bệnh AIDS do sự giới hạn trong chính sách đối với bệnh nhân, và Toàn Cầu hóa chỉ có lợi cho các quốc gia kỹ nghệ tư bản v.v…"
Sự chống đối G-8 bao gồm các thành phần:

-Các nhóm gây ảnh hưởng về chính trị (lobbyists).

-Các người theo cánh Tả, trong đó có các đảng viên Cộng sản và thiên Cộng, hoạt động tích cực xuống đường biểu tình nhằm hỗ trợ cho chủ chương và gây tiếng vang cho đảng và tổ chức của mình.
-Các nhóm khủng bố lợi dụng thời cơ để tạo nên cớ cho các hoạt động bạo lực của mình.
-Những người cổ võ cho các tổ chức từ thiện nhằm yêu cầu các quốc gia kỹ nghệ tư bản viện trợ nhiều hơn cho các nước nghèo đói và chậm tiến.
Một bằng chứng: trong kỳ hội nghị thượng đỉnh lần thứ 31 của G-8 vào năm 2005 tại Scotland đã có hàng loạt đại hội âm nhạc mang tên "Live 8 hay Live Aid" nhằm cổ võ cho sự giảm nghèo tại Phi Châu qua khẩu hiệu "Make Poverty History". Tham gia và cổ võ cho chương trình này có cả ngàn ca nhạc sĩ và hàng trăm đài truyền hình và phát thanh. Nhờ vậy, các quốc gia G-8 đã hứa tăng gấp đôi viện trợ cho các nước nghèo, từ 25 tỷ Mỹ-kim trong năm 2004 lên 50 tỷ trong năm 2005, trong đó một nửa dành cho Phi châu.
Các tổ chức Live-8 cũng hô hào các quốc gia giầu trích 0,7% ngân sách dùng cho chương trình viện trợ ngoại quốc, như đã đề nghị tại hội nghị thượng đỉnh về trái đất (Earth Summit) ở thủ đô Rio de Janeiro của Ba Tây, vào năm 1992.

Một số nhận định khác đặt vấn đề là G-8 không thể độc quyền và còn là trung tâm quyền lực kinh tế của thế giới nữa. Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tây, Mễ Tây Cơ và Nam Phi, 5 nước cũng có nền kinh tế đang phát triển và quyền lực tất nhiên phải được san sẻ. Như vậy, trong tương lai, G-8 có thể phát triển thành G-13.
Ngoài ra, theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới thì Tây Ban Nha đã thay thế Gia Nã Đại trong vị trí quốc gia thứ 8 có nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Kết quả của các cuộc biểu tình

Biểu tình bạo động và chống đối Hội nghị Thượng đỉnh 2007 tại Đức quốc không lớn bằng hội nghị lần thứ 27 ở Genova của Ý vào năm 2001. Sự chống đối G-8 đã khiến cho các hội nghị sau này thường được tổ chức bên ngoài các thành phố lớn.
Đặc biệt, Hội nghị thượng đỉnh G-8 năm 2005 tại Scotland đã gặp các cuộc khủng bố bằng bom nổ tại hệ thống xe điện ngầm ở thủ đô Luân Đôn.
-Phải chăng chính sách Toàn Cầu Hóa đã, đang và sẽ gặp những rào cản?
- Và các cuộc chống đối có lợi hay có hại đối với chính sách Toàn Cầu Hóa?

KẾT LUẬN

Nói chung, các cuộc biểu tình chống đối ôn hòa và xây dựng đã gây được ảnh hưởng, không 100% thì cũng làm cho các nhà lãnh đạo G-8 để ý. Kết quả của Hội nghị 2005 tại Scotland là một bằng chứng.
Nếu các cuộc biểu tình biến thành bạo động, đốt phá và hủy hoại vật chất v.v… thì khó gây được tiếng vang và ít được các nhà lãnh đạo G-8 lắng nghe. Các cuộc biểu tình bày tỏ thiện chí lại biến thành bạo động thì không ai khâm phục.