Dân Chúa Âu Châu

BCTT:Chuyện bé xé ra to

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Trong khi tâm tình với sinh viên, với cương vị cựu giáo sư thần học, ĐGH Biển Đức XVI chỉ gợi lại một chứng tích lịch sử, nhưng một số người Muslim đã hiểu lầm và tỏ thái độ chống đối một cách đáng tiếc!

Trong chuyến công du mục vụ tại Đức Quốc từ ngày 12.9.2006, ĐTC Biển Đức XVI đã phát biểu về một số vấn đề liên quan đến đức tin, lịch sử của sự tàn bạo trong chiến tranh và những hành động bạo lực dựa vào tôn giáo. Lời phát biểu của Ngài có liên quan một chút về đạo Islam đã trở thành nguyên cớ phẫn nộ và chống đối của vài nhóm người Muslim ở một số quốc gia, đặc biệt tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Ngài dự trù sẽ viếng thăm vào tháng 11.2006.
Để tìm hiểu vấn đề, chúng tôi mời quí độc giả theo dõi một số dữ kiện quan trọng dưới đây:

I- ĐGH Biển Đức XVI đã phát biểu những gì?

(Hoàng đế Manuel II Palaiologos hay Palaeologus)

Tại đại học Regenburg, nơi ĐGH từng dậy thần học vào thời kỳ 1959, Ngài đã tâm tình với sinh viên về lãnh vực thần học và tôn giáo. Trong phần trình bày về tôn giáo, Ngài đã gợi lại cuộc đối thoại giữa Hoàng Đế Manuel II và một đạo sĩ người Ba Tư vào thế kỷ 14. Năm 1391, tại trại binh gần Ankara, Hoàng đế uyên bác Byzantine Manuel II Paleologus và một học giả Ba Tư có bàn về chân lý Thiên Chúa giáo và Hồi giáo (Islam). Trong cuộc đối thoại lần thứ bẩy (trên tổng số 26 cuộc đối thoại), Hoàng Đế đã đề cập tới đề tài Thánh Chiến dưới thờ Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ (Ottoman Empire):
“Hãy trình bày trung thực cho tôi cái gì mới mẻ mà Mohammed đem lại, và ở đó ông sẽ chỉ tìm thấy những gì độc ác và bất nhân, giống như mệnh lệnh của Mohammed truyền bá đức tin bằng gươm giáo mà ông ta rao giảng”.

Sau khi bày tỏ quan điểm một cách quá mạnh mẽ, Hoàng Đế Manuel II tiếp tục giải thích các lý do truyền bá đức tin bằng bạo lực thì thực là vô lý. Bạo lực không xứng hợp với bản tính Thiên Chúa và tâm hồn con người. Không thể làm vừa lòng Thiên Chúa bằng máu và không hành động có lý do là nghịch lại với bản tính Thiên Chúa. Đức tin được sinh ra bởi tâm hồn, không phải thể xác. Bất cứ ai muốn hướng dẫn người nào đó về đức tin cần có khả năng nói đúng và lý luận một cách chân thực, không bạo lực và trừng trị... Để thuyết phục một linh hồn không cưỡng chế, người ta không cần cánh tay mạnh hay bất cứ loại vũ khí nào hay bất cứ phương tiện nào khác để trừng phạt một người phải chết.”

II- Phản Ứng Của Một Số Quốc Gia Islam.

Lời phát biểu của ĐGH Biển Đức XVI đã gây chấn động trong thế giới Islam và sự phản ứng mạnh mẽ của một số người Muslim đã xẩy ra tại một số quốc gia.
-Tại Thổ Nhĩ Kỳ: Đạo sĩ cao cấp nhất của nước này, ông Ali Bardakoglu đã lên tiếng kêu gọi ĐGH phải rút lại lời phát biểu của mình và xin lỗi Hồi Giáo. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia được Ngài dự trù đến thăm vào tháng 11.2006. Chính vì vậy mà tờ nhật báo Anh ngữ The Daily News yêu cầu chấm dứt phê bình, vì Tòa Thánh đã phổ biến sự hối tiếc về lời tuyên bố của ĐGH.
-Tại Pakistan: trả lời cho bài nói chuyện của ĐGH, ngày 15.9.2006, Quốc hội Pakistan đã thông qua quyết định lên án nhận định của Ngài và Bộ Ngoại giao cũng phàn nàn vì nó chống lại Tiên tri của Islam.
-Tại Syria: đạo trưởng của phái Sunni Muslim đã gửi thư cho ĐGH nói rằng ông ta e ngại lời bình luận của Ngài về Islam sẽ làm cho quan hệ về tín ngưỡng trở nên xấu thêm.
-Tại Gaza, thủ tướng Palestine tuyên bố nhận định của ĐGH không trung thực và có tính cách phỉ báng căn nguyên thánh thiện của tôn giáo và lịch sử đạo Islam. Sau đó hàng ngàn người biểu tình đòi Ngài xin lỗi và bạo động đưa tới sự đốt phá Nhà Thờ Chính Thống Giáo ở West Bank. Ở thành phố Nablus vào ngày thứ bẩy 16.09.2006, một số người biểu tình đã tung lựu đạn vào một Thánh Đường tại Gaza và hai Thánh đường khác bị thiệt hại vì bom cháy. Nhóm khủng bố này tự xưng là “Những con sư tử của Độc thần” (Lions of Monotheism) và hành động tấn công giáo đường là trả đũa cho những nhận định của ĐGH.
-Tại Yemen: Tổng thống Ali Abdullah Saleh đe dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao nếu ĐGH không xin lỗi.
-Tại Somalia: đạo sĩ Sheik Abubakar Hassan Malin hô hào người Muslim giết ĐGH, vì bất cứ ai xúc phạm tới Tiên tri Mohammed đều phải bị giết bởi những người Muslim ở gần nhất.
-Tại Jordan: nhật báo do chính phủ trách nhiệm Al Rai, cho rằng lời phát biểu của ĐGH làm chấn động Hồi giáo và Ngài cần nên xin lỗi.
-Tại Lebanon: đạo sĩ cao cấp của phái Shia Muslim, Ayatollah Mohammed Hussein Fadlallah, không chấp nhận xin lỗi qua đài phát thanh Vatican. Ông này đòi Ngài tự mình xin lỗi, không qua hệ thống văn phòng.
-Tại Ấn Độ: đạo trưởng Muslim của đền thờ lịch sử Jama Masjid, ông Syed Ahmed Bukhari, cũng yêu cầu ĐGH phải công khai xin lỗi.
-Tại Ma-rốc: chính phủ nước này đã phản ứng bằng cách triệu hồi đại sứ ở Vatican về nước; một hình thức tạm thời cắt đứt quan hệ ngoại giao.
-Tại Ai Cập: chính quyền nước này yêu cầu đặc sứ Tòa Thánh tại nước này tới Bộ Ngoại giao để họ trình bày lý do phản đối. Trong khi đó Hiệp hội Huynh đệ Muslim không nghĩ sự đính chính của ĐGH trên đài phát thanh như vậy là đủ. Phó Hội, Mohammed Habib, đòi Ngài với tư cách cá nhân phải tự đứng ra xin lỗi. Mohammed Sayyed Tantawi, Viện trưởng đại học al-Azhar ở thủ đô Cairo thì phàn nàn Ngài không hiểu gì về đạo Islam.
-Tại Iraq: Nhóm Islam có tên “Đạo binh Thánh chiến Mujahedeen” đe dọa trên mạng lưới Internet sẽ tấn công ĐGH bằng bom tự sát. Nhóm này không nêu đích danh Ngài; nhưng dùng từ ngữ hạ cấp như “những con chó của Ngài ở Rô-ma” và hù sẽ “bẻ gẫy Thập Tự Giá ở nhà Ngài”. Trong khi đó Thủ tướng Nuri Kamal al-Maliki kêu gọi không nên bạo động gây tổn thương tới anh em Thiên Chúa giáo tại đây, chỉ vì ĐGH đã giải thích không đúng về đạo Islam.

III- Lập Trường Của Tòa Thánh Vatican

Trong một thông cáo mới đây, phát ngôn viên báo chí của Tòa Thánh Vatican, Federico Lombardi, đã nói: “Rõ ràng rằng mục tiêu của ĐTC là phát triển thái độ kính trọng và đối thoại với các tôn giáo và văn hóa khác, và rõ ràng bao gồm cả Islam.”
Theo ông Lombardi thì bài nói chuyện của ĐGH là “sự cảnh cáo, nói cho văn hóa Tây phương để tránh sự coi thường Thiên Chúa và ngụy biện coi sự nhạo báng thần thánh là bài học của tự do.”
Để xoa dịu phần nào sự phẫn nộ của người Muslim, ngày 16.9.2006, Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã bày tỏ sự “thật đáng tiếc” của ĐTC về những gì Ngài tuyên bố vô tình chạm đến niềm tin của người Muslim.
Ngoài những phát biểu của Tòa Thánh, ngày 16.9.2006, Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, cũng đã bày tỏ quan niệm của mình với báo Bild là ĐTC trong cuộc thăm viếng Đức quốc đã cổ võ cho việc đối thoại giữa các tôn giáo, nhưng đáng tiếc Ngài vô tình lồng bạo lực với Islam. Đây là nguyên nhân khiến cho một số người hiểu lầm. Ngài đã tự bày tỏ sự hối tiếc nếu có ai bị va chạm.
Sự chống đối và đe dọa sẽ giết ĐGH của một vài nhóm cuồng tín khiến cho cảnh sát Ý phải gia tăng bảo vệ an ninh cho Ngài trong khi cử hành thánh lễ Chúa Nhật 17.9.2006 tại công trường Thánh Phêrô. Tuy vậy, người ta vẫn lo sợ sự trả thù Ngài sẽ xẩy ra bất cứ lúc nào và tại bất cứ nơi đâu; giống như trường hợp của ĐGH Gio-an Phao-lô II.

IV- Ý Niệm Về Thánh Chiến (Jihad)

Khi nói tới Thánh chiến của người Muslim, thường người ta nghĩ ngay tới khủng bố, vụ 11.9.2001 tại Nữu Ước của Hoa Kỳ là một ví dụ. Nhưng Jihad đối với người Muslim không hoàn toàn chỉ có khủng bố. Chính vì vậy mà các tín hữu Thiên Chúa Giáo nói chung và Công giáo nói riêng cần tìm hiểu sơ qua về thế nào là Jihad?
-Đối với người Muslim bảo thủ và cuồng tín thì mục tiêu chính là chinh phục toàn thế giới và biến thế giới thành một nước Islam. Vì không có sức mạnh đủ để đương đầu với Tây phương và Hoa Kỳ, họ phải dùng chiến thuật khủng bố. Như vậy, hành động khủng bố chỉ là chiến thuật hợp lý theo quan điểm của người Muslim. Chiến thuật này được sử dụng không phải tự họ bày ra, mà có ghi trong kinh Koran.
Hồi giáo có 5 Điều luật căn bản mà người tín hữu phải tuân giữ là: Tuyên xưng đức tin – Kinh nguyện – Đóng thuế (zakat) – Ăn chay và Hành hương đất thánh. Nhưng trong kinh Koran còn nói tới Jihad, được coi như điều luật thứ sáu. Bình thường Jihad được hiểu là Thánh Chiến. Nhưng thực tế nó có nghĩa là cố gắng hy sinh vì Thượng Đế Allah.
Jihad có nhiều loại:
-Jihad fi sabilillah là thánh chiến vì Thượng Đế Allah.
-Jihad bin nafs/Qalb: linh hồn hay tâm tình Jihad là cuộc chiến nội tâm để đạt tới sự tốt lành.
-Pennen Jihad chiến đấu cho sự tốt lành qua việc học hỏi đạo Islam.
Có hai loại tiểu biểu: Tiểu Jihad (Jihad al-akbar) thực tế được hiểu là thánh chiến và Đại Jihad (Jihad al-asghar) là cuộc chiến đấu của bản thân để sống làm sao xứng đáng là một người tín hữu lương thiện. Đây là điều quan trọng nhất.
Như vậy khi nói Thánh chiến (Jihad) là khủng bố thì không đúng hoàn toàn và nó chỉ là một phần nhỏ trong đời sống của người Muslim. Đối với nhóm quá khích thì khủng bố là hành động tự vệ chống lại mối đe dọa đức tin và sự tồn tại của họ. Vì thế, bất cứ người Muslim nào cũng có bổn phận phải tự vệ và chiến đấu bằng vũ khí.
Khi ĐGH lập lại một sự kiện lịch sử thời Hoàng Đế Manuel II, Ngài chỉ nêu ra như một bằng chứng khách quan. Nếu đi sâu hơn về kinh Koran người ta sẽ thấy những qui định rõ ràng trong kinh này.

Trong Kinh Koran có nhiều chương hay đoạn gọi là Sura. Trong bài này chúng tôi chỉ trích dẫn một vài đoạn tượng trưng như dưới đây:
-Sura 9,5 có đề tựa là Swordverse (Gươm Đoạn). Đọc đoạn này người ta thấy được phép trừng trị thù địch: “một lần, khi các tháng thánh qua rồi, (và địch thù từ chối hòa bình) anh em được giết những kẻ tôn thờ thần thánh khi anh em đối đầu chúng, trừng phạt và đề kháng mọi hoạt động chúng làm. Nếu chúng ăn năn hối hận, quan tâm đến việc cầu nguyện (Salat) và thi hành bổn phận bác ái (Zakat), anh em phải tha chúng. Thượng Đế là Đấng tha thứ, rất thương xót.”
Một đoạn khác nói về Luật Chiến Tranh (Rules of War)
-Sura 2:190: “Nhân danh Thượng Đế anh em có quyền chiến đấu chống lại những kẻ tấn công mình, nhưng đừng gây hấn. Thượng Đế không yêu thương những kẻ gây hấn
-Sura 2:191: “Anh em được giết những kẻ gây chiến chống lại mình và trục xuất chúng từ nơi chúng trục xuất anh em. Áp bức thì tồi tệ hơn sát nhân. Đừng đánh chúng tại đền thánh Masjid (*), trừ khi chúng tấn công anh em ở trong đó. Nếu chúng tấn công, anh em có quyền giết chúng. Đó là sự trả thù chính đáng đối với những kẻ không tin.” (*) đền này ở Mecca),
-Sura 3,169 có ghi về Tử Vì Đạo: “Đừng nghĩ rằng những ai bị giết vì danh Thượng Đế là chết thật. Họ đang sống với Ngài, được hưởng sự quan phòng của Ngài.”

Kết luận

Ngày nay với sự phát triển ngành thông tin báo chí trên toàn thế giới thì mỗi lời nói của một nhà lãnh đạo nào cũng sẽ lan rộng khắp năm châu bốn biển. Trong phạm vi nhỏ bé của phòng hội đại học Regenburg, những tâm tư tình cảm mà ĐGH dành cho sinh viên, đa số là công giáo, chỉ là sự trao đổi kinh nghiệm qua chứng tích lịch sử mà ai cũng có thể tìm đọc trong các sách và trên hệ thống Internet. Dòng tâm sự này phải hiểu theo tinh thần Cha và các con trong một gia đình Thiên Chúa giáo. Nhưng qua báo chí và hệ thống truyền thanh, truyền hình, lời phát biểu của Ngài bỗng lan rộng ra khắp thế giới và bị hiểu lầm là hạ giá trị đạo Islam. ĐHY Paul Poupard đứng đầu văn phòng đối thoại với các tôn giáo thế giới cũng yêu cầu những người bạn Muslim có thiện tâm hãy đọc lại nguyên bản phát biểu của ĐGH để hiểu đâu là sự thật và ý nghĩ của Ngài.
ĐGH Biển Đức là một nhà thông thái. Nhưng có nhà thông thái cao tuổi nào khi phát biểu tránh khỏi bị hiểu lầm, đặc biệt về phương diện thần học và tín lý? Với lập trường kính trọng và đối thoại với tất cả các tôn giáo, người ta không nghĩ Ngài muốn đánh giá nhẹ đạo Islam. Hy vọng với thời gian, sự phẫn nộ của một số người Muslim sẽ chìm xuống, sự thông cảm sẽ được phục hồi, giống như vụ các bức tranh biếm họa đăng trên nhật báo Jyllands-Posten tại Đan Mạch trước đây.
Người Công giáo nên cầu nguyện cho ĐGH. Người Muslim chân chính nên thông cảm và bỏ qua những việc đáng tiếc vừa xẩy ra. Có như vậy các tín hữu của các tôn giáo mới có thể sống hòa bình trong thế giới tự do. Nếu không, một cuộc chiến tranh tôn giáo biết đâu lại chẳng xẩy ra?