Dân Chúa Âu Châu

Sau 5 năm sân khấu chính trị của Ý Đại Lợi tương đối yên tĩnh, nay lại nổi sóng qua cuộc bầu cử quốc hội trong hai ngày 9 & 10.04.2006

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Kể từ sau Đệ II Thế chiến đến nay, sân khấu chính trị tại Ý Đại Lợi không được ổn định so với các nước khác trong Liên Hiệp Âu Châu (LHÂC). Sự bất ổn về chính trị thường tạo nên những bất lợi về các lãnh vực kinh tế và xã hội. Người ta cũng hơi bỡ ngỡ là Ý Đại Lợi, một quốc gia mà đa số dân chúng theo Thiên Chúa giáo và Giáo đô Vatican của Công Giáo nằm trong lòng nước Ý; nhưng đảng cộng sản và cánh tả lại là lực lượng lớn nhất tại đất nước này trong những thập niên vừa qua. Dù là một quốc gia lớn, nhưng vai trò của nước Ý không quan trọng trong LHÂC, khi so sánh với các quốc gia Anh, Đức và Pháp.

Để tìm hiểu cuộc bầu cử Quốc Hội kỳ này có gì đặc biệt, mời quí vị theo dõi các mục dưới đây:

I- ĐÔI HÀNG VỀ THỦ TƯỚNG SILVIO BERLUSCONI

Silvio Berlusconi sinh ngày 29-9-1936 trong một gia đình Milan. Năm 1961, ông tốt nghiệp ngành Luật và bắt đầu kinh doanh bằng mượn tiền ngân hàng, nơi cha ông làm việc, để lập công ty xây dựng đầu tiên có tên là Edilnord. Công ty này hoạt động trong vùng Milan và đã xây một chung cư với 4.000 căn ở ngoại ô phía Đông của thành phố vào thập niên 1960.

Berlusconi tiếp tục với chương trình thiết lập đường dây truyền hình tại địa phương có tên Telemilano sau trở thành hệ thống truyền hình lớn nhất tại Ý (Mediaset). Thành công trong ngành truyền thông chưa đủ, Berlusconi còn sở hữu nhà in lớn nhất ở Ý là Mondadori và nhật báo Il Giornale. Sự thành công về nhiều lãnh vực khiến Berlusconi phát triển tài chánh vượt biên giới quốc gia qua sự thành lập đại công ty tài chánh Fininvest có 150 chi nhánh ở trong và ngoài nước.

Năm 1993, Berlusconi sáng lập đảng FORZA ITALIA (Tiến lên Italia), tên này xuất phát từ khẩu hiệu của những người ủng hộ đội bóng tròn AC Milan cũng do ông ta làm chủ. Năm 1994, Berlusconi thắng cử và trở thành Thủ tướng do sự liên kết với Cánh Hữu gồm: Liên Minh Quốc Gia (National Alliance) và Liên Hiệp Miền Bắc (Northern League). Nhưng sự hợp tác chỉ kéo dài được 7 tháng thì Berlusconi bị tòa án Milan buộc tội gian lận về thuế má khiến cho chính phủ liên hiệp bị tan rã.

Năm 1996, Berlusconi thất bại trước thủ lãnh Cánh Tả, Romano Prodi trong cuộc bầu cử Quốc Hội. Năm 2001, Berlusconi thắng cử và trở lại chính trường với sự liên hiệp với 2 đảng trước đây.
Silvio Berlusconi là một nhà chính trị giầu có nhất tại Ý với một gia tài lớn, khoảng 12 tỷ Đô-la. Ngoài 3 đài truyền hình tư nhân lớn nhất tại Ý và đội bóng đá AC Milan, Berlusconi còn sở hữu các công ty thực phẩm, quảng cáo, bảo hiểm và xây dựng. Sự thành công về tài chánh và kinh tế là nguyên nhân khiến Berlusconi không ngần ngại tự khoe mình là “lãnh tụ chính trị giỏi nhất tại Âu Châu và Thế giới’’ (The best political leader in Europe and the world).

*-Các vụ tố cáo Thủ tướng Berlusconi và nhân viên chính phủ liên quan tới gian lận thuế má, hối lộ và tình báo.

-Vụ 1:

David Millers là luật sư riêng của Silvio Berlusconi trong thập niên 1990. Theo tin tức thì Ls Mills, người kết hôn với Bộ trưởng Văn hóa Anh Quốc, Tessa Jowell, đã giúp Berlusconi thành công trong hai lần bị đưa ra tòa, đã được Berlusconi tặng 600.000 Đô-la vào năm 1997. Ls Mills không chỉ không cung cấp hồ sơ chính xác liên quan tới đại công ty truyền thông Mediaset của Berlusconi, mà còn cùng với 12 nhân vật khác bị tố cáo gian lận thuế.
Được biết vào thập niên 1980, Quốc Hội đã thông qua đạo luật đặc biệt nhằm hủy bỏ sự độc quyền truyền thông của đài turyền hình quốc gia RAI của Ý. Lợi dụng cơ hội này, Berlusconi đầu tư vào ngành truyền thông và trở thành “Quyền lực Truyền Thông’’ nhờ sự giúp đỡ của cựu Thủ tướng Bettino Craxi, đảng trưởng đảng Xã Hội. Cựu Thủ tướng Craxi cũng bị toà án kết tội tham nhũng, đã bỏ trốn sang Tunesia và từ trần tại đây vào năm 2.000.
Vụ Ls Mills nhận tiền hối lộ của Berlusconi cũng gây nhiều thắc mắc tại Anh Quốc. Người ta nghi ngờ bà Jowell có thể có những liên quan về kinh tài của chồng. Bà Jowell đã khẳng định không làm gì sai trái và trong tuần qua Thủ tướng Anh, Tony Blair, từ chối mọi sự khai thác những gì bí mật về một Bộ trưởng Anh Quốc. Tin cuối cùng cho biết, có lẽ để bà Jowel không bị dính dáng vào nội vụ Berlusconi, Ls Mills và bà Jowell đã tuyên bố ly thân cuối tuần vừa qua.
Ls Mills đã làm cố vấn tài chánh cho TT. Berlusconi trong thập niên 1980 và 1990. Ông ta đã đưa ra kế hoạch mở rộng việc kinh tài ra ngoại quốc bằng 150 chi nhánh tài chánh nằm dưới quyền công ty tài chánh Fininvest.
Theo tin tức báo chí Ý thì Công tố viện Milan hy vọng sẽ lại có thể đưa Berlusconi ra toà vào tháng 5.2006. Chính vì vậy mà sự thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội kỳ này chẳng khác gì bản án sẽ đưa Berlusconi vào tù, nếu tòa án có đủ tài liệu buộc tội Berlusconi tham nhũng, hối lộ và gian lận thuế má.

Vụ 2:

-Bộ trưởng Y tế Francesco Storance bị tố cáo dính dáng vào vụ thâu băng phe đối lập trong cuộc tuyển cử vào năm ngoái phải đệ đơn từ chức.
Trong suốt 5 năm cầm quyền, Thủ tướng Berlusconi bị ra tòa ít nhất là 6 lần vì chính sách kinh tài chính trị bất hợp pháp, hối lộ, lem nhem và gian dối trong các vụ kết toán tiền bạc (Medusa Cinema, Macherio, AC Milan) và hối lộ quan tòa.
Để tránh bị tòa án hỏi tội, Chính phủ Berlusconi đã lợi dụng đa số trong Quốc Hội, thông qua sự cải tổ làm giảm bớt tình trạng giới hạn về sự gian lận. Đạo luật được thông qua với đa số trong Quốc Hội, cho phép Thủ tướng và các viên chức cao cấp không bị truy tố khi họ đang thi hành công vụ; nhưng sau đó bị tòa án hiếp pháp hủy bỏ.
Vào thứ sáu vừa qua, báo La Republica từ chối tin tức cho rằng Bộ trưởng Nội vụ Anh và Bộ trưởng Tư pháp Ý đòi trao Ls Mills cho Ý theo án lệnh của công tố viện Milan, dựa theo luật bắt giữ của LHÂC.

Dù sao đi nữa, Thủ tướng Berlusconi đã thành công trên chính trường và nắm chính quyền lâu nhất, 5 năm, kể từ sau Đệ II Thế chiến đến nay.

II- ĐÔI HÀNG VỀ CỰU THỦ TƯỚNG ROMANO PRODI

Romano Prodi sinh năm 1939, tốt nghiệp kinh tế và từng là giáo sư dậy chính sách kinh tế và kỹ nghệ. Ông đã giảng dậy tại đại học Milano, Bologna của Ý và giáo sư thỉnh giảng tại đại học Harvard và Stanford của Hoa Kỳ.

Từ tháng 11.1978 tới tháng 2.1979, không tham gia đảng phái nào, nhưng Romano Prodi được đề cử giữ chức vụ Bộ trưởng Kỹ nghệ trong chính phủ Giulio Andreotti. Tháng 2.1995, Liên hiệp Cánh Tả Trung Tâm ra đời (ULIVO) đã chỉ định Prodi làm ứng cử viên Thủ tướng và trong cuộc bầu cử vào tháng 4.1996 Liên hiệp Cánh Tả đã thắng Cánh Hữu của Berlusconi. Romano Prodi thành lập Nội Các; nhưng chỉ kéo dài tới năm 1998 thì bị đảng Cộng sản, cùng trong Liên hiệp Cánh Tả, bất tín nhiêïm. Trong thời gian cầm quyền Thủ tướng Prodi đã cải tổ kinh tế để đủ tiêu chuẩn gia nhập đồng tiên chung EURO của LHÂC.

Về lãnh vực công nghiệp thì trong thập niên 1980, Prodi đã từng giữ chức vụ chủ tịch Viện Tái Thiết Kỹ nghệ (IRI: Istituto per la Riscostruzione Industriale). Sau khi nắm chính quyền, Thủ tướng Prodi cho tư hữu hóa hai công ty lớn là Credito Italiano và Banca Commerciale Italiana vào tháng 3.1993.
Tháng 9.1999 tới tháng 11.2004, Romano Prodi được bầu vào chức vụ Chủ tịch Ủy ban Đặc nhiệm của LHÂC.

III- CHƯƠNG TRÌNH TRANH CỬ

*-Liên hiệp Cánh Hữu Nhà Tự Do của Berlusconi gồm đảng Forza Italia và đảng Tân Phát-xít (New Fascism) Liên Minh Quốc Gia (The National Alliance), Liên Hiệp miền Bắc (The Northern League) và Liên Hiệp Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (UDC: The Union of Christian Democaters)
-Để chiếm ưu thế trong cuộc tranh cử, Silvio Berlusconi tung đòn bất ngờ là giảm thuế. Nhưng thực tế cho thấy vấn đề giảm thuế chỉ có lợi cho giới kinh doanh, tư bản.
-Để đối đầu, Romano Prodi cũng tung đòn giảm thuế, nhưng không dành cho những người có hàng triệu EURO hay Đô-la. Đòn hấp dẫn hơn có lẽ là lời hứa rút toàn binh lính Ý khỏi Iraq càng sớm càng tốt.

Được biết vào năm 2003, là đồng minh tri kỷ với Hoa Kỳ, Thủ tướng Berlusconi đã gửi 3.000 quân tới Iraq trong chương trình tái thiết đất nước, sau cuộc lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein. Chương trình rút quân đội Ý ra khỏi Iraq của Berluscon sẽ được thực hiện vào cuối năm 2006 và thay vào đó là lực lượng dân sự.

-Liên hiệp Cây Ô-Liu của Prodi gồm các đảng: Dân Chủ Cánh Tả, Margherite, Cộng sản Tái Lập, Mầu Xanh, Cộng sản Ý và Các Giá Trị Ý.
IV- HỆ THỐNG BẦU CỬ TẠI Ý:
-Một Liên hiệp đạt được hơn 50% phiếu, nhưng ít hơn 340 ghế tại Hạ Viện (55%) sẽ tự động được 340 ghế.
Theo thống kê thì năm 2001 có 81,5% cử tri đi bầu tức khoảng 50 triệu người, trong đó có 4 triệu cử tri sống ở ngoại quốc.

-Theo hệ thống bầu cử tại Ý được tu chính vào năm 2005 thì cử tri chỉ bầu cho đảng chứ không bầu cho cá nhân ứng cử viên. Các đảng sẽ quyết định ứng cử viên và danh sách theo thứ tự. Các đảng được phép ứng cử theo một liên hiệp và phải cho biết tên của ứng cử viên Thủ tướng cùng với chương trình tranh cử. Nếu Liên hiệp thắng cử không đạt đủ đa số tuyệt đối thì sẽ tự động được chia đều trong Hạ Viện và Thượng Viện.
Có 3 giới hạn: một Liên hiệp phải đạt được 10% phiếu, các đảng trong danh sách hợp tác phải đạt được 4% và mỗi đảng trong Liên hiệp phải đạt được 2%.
-Các cử tri chỉ nhận một phiếu bầu và chỉ có biểu tượng của đảng mà thôi.

Theo kết quả thì Liên Hiệp của Thủ tướng Berlusconi đạt được 155 ghế trong số 315 ghế tại Thượng Viện và LH của cựu Thủ tướng Prodi đạt được 154 ghế, hơn nhau có 1 ghế. Kết quả sẽ tùy thuộc vào số lượng hơn 1 triệu phiếu bầu từ ngoại quốc.
Romano Prodi thắng ở Hạ Viện, nếu Berlusconi lại thắng ở Thượng Viện thì vấn đề rắc rối ở chỗ là Tổng thống Ý không biết đề cử ai thành lập chính phủ, Prodi hay Berlusconi? Lý do: không ai đạt được đa số ở cả Thượng lẫn Hạ viện. Với con số khác biệt khoảng 25.000 phiếu trên tổng số 40 triệu cử tri, người ta nghĩ uy tín của các ứng cử viên Thủ tướng và chương trình của họ không chiếm được cảm tình của cử tri và cũng có thể vì cử tri đã chán ngấy các chính trị gia, những người chỉ biết hứa cho qua cuộc bầu cử!

V- KẾT QUẢ CỦA CUỘC BẦU CỬ

Cuộc bầu cử nhằm tuyển chọn 630 Dân Biểu tại Hạ Viện và 315 Nghị sĩ tại Thượng Viện được tổ chức vào ngày Chúa nhật 9.4.2006 đã diễn ra trong trật tự nhưng rất gay go. Có 47,2 triệu cử tri đi bầu, trong đó có khoảng 2,8 triệu người Ý sống ở ngoại quốc có quyền bỏ phiếu bằng thư.

Theo kết quả ngày 11.4.2004 thì trong cuộc bầu cử ngày 9+10.4.2006, có 40 triệu cử tri đi bầu
-Romano Prodi đạt 49,8% phiếu và nhiều hơn 0,1%; như vậy sẽ tự động được 55% hay 340 ghế trên 630 ghế tại Hạ Viện.
-Silvio Berlusconi chỉ đạt 49,7%

*-Thủ Tướng Berlusconi đòi đếm phiếu lại.

Romano Prodi và đảng Cánh Tả Trung Tâm thắng ở Hạ Viện chỉ với 0,1% phiếu, đủ tiêu chuẩn đa số. Tại Thượng Viện nếu Prodi và Cánh Tả cũng chỉ thắng Cánh Hữu của Berlusconi 1 ghế thì số lượng phiếu thắng cử không cao. Vì thế, Thủ tướng Berlusconi đòi đếm lại phiếu, sau khi người ta phát giác có một số phiếu bị vất ngoài thùng rác và số phiếu bất hợp lệ lên quá cao.

KẾT LUẬN

Cuộc bầu cử vừa qua chứng tỏ chương trình tranh cử cũng như chương trình tái phục hồi kinh tế đất nước của hai ứng cử viên không có gì khác biệt cho lắm. Sự thắng lợi của Romano Prodi nếu chỉ một số ít phiếu sẽ tạo nên các khủng hoảng về chính quyền trong tương lai. Một đảng dù nhỏ trong Liên hiệp mà bất tín nhiệm chính phủ thì cuộc khủng hoảng chính trị lại xẩy ra. Cái vòng luẩn quẩn, nay chính phủ này, mai chính phủ khác lại tái diễn trên chính trường Ý Đại Lợi vào những ngày tới! Sự khủng hoảng chính trị và sự trì trệ về kinh tế càng làm cho vai trò của Ý Đại Lợi kém quan trọng trong LHÂC!

Phải chăng “Đế quốc Truyền Thông & Tài Chánh’’ của Berlusconi tới ngày bị sụp đổ khi tòa án Milan mở lại vụ án tham nhũng của ông Thủ tướng tỷ phú mà con gian lận thuế má và hối lộ?