Dân Chúa Âu Châu

NHẠO BÁNG ĐẠO

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Nếu không cảnh giác có thể sẽ đưa tới chiến tranh Tôn Giáo

Nhân biến cố 12 hí họa của báo Jyllands-Posten đã gây nên làn sóng biểu tình chống đối, đốt và đạp lên quốc kỳ, phá hủy tòa đại sứ và lãnh sự của Đan Mạch; chúng tôi xin thuật lại một số vụ xúc phạm tới đạo Islam cũng như Thiên Chúa Giáo trong những năm qua, hầu chúng ta có thể đề phòng và tránh được những xung đột với các tôn giáo bạn.

1-Đối Với Đạo Islam

Kể từ năm 1989 có tới 15 vụ xúc phạm tới đạo Islam và các nạn nhân đều bị lên án tử hình hay tù tội. Một số vụ quan trọng nhất gồm:

-Năm 1989, nhà văn Salman Rushdie gốc Ấn Độ sinh sống ở Anh quốc đã bị Đạo trưởng Ayatollah Khomeini của Iran lên án tử hình về tác phẩm "The Satanic Verses" với lý do sách này viết về Tiên tri Muhammed như một người lái buôn. Đạo trưởng Khomeini đã ra lệnh cho bất cứ người Muslim nào cũng có bổn phận phải giết tác giả Rushdie. Giải thưởng là 3 triệu Mỹ-kim. Vì thế, tác giả phải sống cuộc đời ẩn trốn và được cơ quan an ninh bảo vệ. Salman Rushdie bí mật được mời qua Đan Mạch hai lần để trình bày quan điểm và nhờ chính phủ Đan Mạch can thiệp và tìm biện pháp giải trừ cái án tử hình.

Năm 1991: Hitoshi Igarashi, người Nhật dịch sách The satanic Verses của Salman Rushdie bị giết chết ngay tại đại học Tsukuba Ibaraki, nơi ông giảng dậy. Nhà dịch thuật người Ý cũng bị hành hung tại Milan. William Nygaard giám đốc xuất bản sách bị bắn chết năm 1993 và có tới 37 người nằm trong danh sách bị lên án tử hình vì sách của Salman Rushdie. Khi đạo trưởng Khomeini chết rồi, mặc dù các chính phủ Tây phương, trong đó có Đan Mạch và Hoa Kỳ làm áp lực mạnh; nhưng các chính quyền Iran kế tiếp tuyên bố không thể cải án lệnh được. Mãi tới năm 1998 vụ án tự nó dần dà phôi pha theo thời gian.

Năm 1994: bà Taslima Nasrin 37 tuổi, theo đạo Hồi, là bác sĩ làm việc tại bệnh viện công ở Bangladesh. Bà Nasrin đã viết 15 tác phẩm tranh đấu cho nhân quyền và quyền lợi của người thiểu số. Năm 1993, bà xuất bản quyển "Lajja", tiếng Bangladesh có nghĩa là "Tủi Nhục" liên quan tới vụ một số người Muslim cuồng tín tấn công người Ấn Độ. Bà cũng viết trong quyển The Statesman rằng: "Kinh Koran phải được duyệt xét lại một cách cẩn thận…" Sách và bài viết của bà đưa tới hậu quả là bà bị Hội Đồng Chiến Sĩ Islam có tên "Sabaha Sainik Parishad" lên án tử hình. Năm 1994 bà bị lên án tử hình lần thứ hai bởi Nazrul Islam về tội nhạo báng đạo. Hiện nay bà Nasrin đang tị nạn tại Thụy Điển.

Năm 1995: tiến sĩ Nasr. Harmid Abu Zaid, giáo sư đại học phân khoa lịch sử, bị tòa án buộc phải ly dị vợ vì tội sa ngã, không xứng đáng kết hôn với người phụ nữ Islam. Sự hiểu biết và giải thích về Thánh kinh Koran của ông ta có vẻ như tấn công vào tôn giáo và đất nước. Ông và vợ đã phải xin tị nạn tại Hòa Lan.

Năm 1997, một thiếu nữ Do Thái, Tatiana Soskin, đã bị bắt vì vẽ hình Tiên tri Muhammed mặt heo đang đọc kinh Koran. Hình vẽ đã tạo nên tình trạng căng thẳng giữa người Do Thái và Palestine.
Năm 1998, Ghulam Akbar, tín đồ hệ phái Shia Muslim tuyên bố có vẻ như chống lại Muhammed đã bị tòa Rahmyar Khan tuyên án tử hình theo điều 295 bộ hình luật Pakistan.

Năm 2000, Tòa án Lahore, theo điều 295 (a, c) và 298 của hình luật Pakistan, tuyên án tử hình và 35 tù dành cho Hasnain Muhammad Yusurf Ali. Lý do: ông này đã làm mất thanh danh tên gọi của Tiên tri Muhammed.

Năm 2001, tuần báo Mỹ, Time đã đăng hình Muhammed với Tổng Lãnh Thiên thần Gabriel đang chờ thông điệp của Thiên Đế. Hình này cũng bị dân Hồi ở Kashmir biểu tình chống đối và báo Time đã phải xin lỗi.

Năm 2002 có ba vụ:

-Hashem Aghajari thuộc Hàn Lâm Viện Iran trong bài thuyết trình có đề cập tới sự thách thức của người Muslim là hãy tự chế, đừng quá mù quáng tin theo giới đạo sĩ. Bài thuyết trình của ông như khiêu khích thế giới Hồi giáo và ông bị kết án tử hình vào tháng 12-2002 vì tội chống lại Muhammed.
-Isioma Daniel, nhà báo người Nigeria đã làm cho dân Muslim tức giận. Nguyên do: trên báo This Day ông viết rằng: Tiên tri Muhammed đồng ý về cuộc thi Hoa Hậu Thế Giới (Miss World) và có thể đã chọn một thí sinh làm vợ. Bài báo gây nên cuộc xung đột giữa Ki-tô hữu và Muslim. Hậu quả đưa tới cái chết cho khoảng 200 người. Nhà báo Daniel bị lên án tử hình và phải trốn khỏi Nigeria. Vì bạo động xẩy ra, cuộc thi Hoa Hậu Thế giới năm 2002, thay vì được tổ chức tại Nigeria, đã phải chuyển qua Anh quốc.
-Doug Marlette, nhà báo được giải thưởng báo chí Pulitzer đã cho đăng bức hình Tiên tri Muhammed cỡi xe ngựa với trái hỏa tiễn nguyên tử tấn công. Ông ta nhận được trên 4.500 điện thư (email) của người Muslim, trong đó có một số điện thư lên án tử hình hoặc sẽ biến ông thành người tàn phế.

Năm 2004: nhà sản xuất phim và bình luận gia báo chí người Hòa Lan, ông Theo Van Gogh, đã bị ám sát trên đường phố vào ngày 2.11.2004. Hậu quả đưa tới cái chết bất ngờ bắt nguồn từ sự kiện vào năm 2003, ông đã thực hiện một phim ngắn 10 phút, phim "Submission part 1" (Tùng Phục). Phim này có nội dung nó phê bình sự hành hung và ngược đãi phụ nữ trong thế giới Hồi giáo. Hình người phụ nữ mặc áo đen mỏng manh trông rõ cả ngực và thân hình, cùng với những dòng chữ từ kinh Koran viết trên thân mình… theo dân Muslim là sự phỉ báng đạo Islam. Ngoài ra, Van Gogh cho rằng đạo Islam là "Tôn Giáo Không Dung Thứ." Chính vì vậy mà dân Muslim tại Hòa Lan đã biểu tình chống đối. Người phụ nữ trong phim, bà Ayaan Hirsi Ali 36 tuổi, gốc Somalia, hiện là dân biểu, cũng bị đe dọa giết chết. Chính phủ Hòa Lan đã phải bảo vệ an ninh đặc biệt cho bà. Ngày 21.11.2005, bà Ayaan Hirsi Ali đã bí mật tới Đan Mạch nhân vụ ra mắt tác phẩm "Tôi Tố Cáo." Bà được sự bảo vệ chặt chẽ của cục an ninh và tình báo "PET" của Đan Mạch. Nhưng khi trở về Hòa Lan, trên phi cơ và sau ghế bà ngồi, chiêu đãi viên hàng không phát giác có hai thanh niên người Trung Đông lạ mặt đáng nghi ngờ, nên đã gọi cho cảnh sát mời xuống điều tra.

Năm 2005 có hai vụ:

- Tháng 2.2005, bảo tàng viện Varldskulturmuséet ở Goteborg của của Thụy Điển cho trưng bày bức tranh "Màn cảnh tình yêu" (Scène d’ Amour) do Louzla Darabi vẽ. Bức tranh là một phần trong cuộc triển lãm tranh về HIV/ AIDS và vẽ lại một người đàn ông và người phụ nữ đang giao hợp. Họa sĩ và giám đốc bảo tàng viện bị một vài người Muslim đe dọa giết chết. Sự phẫn nộ ở chỗ trên bức hình có lời trích dẫn từ Kinh Koran đề ở góc. Một số người khác thì cảnh cáo họa sĩ hãy coi gương Theo van Gogh và Hirsi Ali ở Hòa Lan.
- Tháng 4.2005, Nhật báo khổ ngắn Aftonbladet của Thụy Điển đăng tin về việc Runar Sogaard, trong bài thuyết giảng đã nghi ngờ Tiên tri Muhammed là người xâm phạm tình dục trẻ em. Lời nói của ông này, nếu tìm hiểu lịch sử đạo Hồi, thì nó có liên quan tới vụ Muhammed đã hứa hôn với cô bé Aisha lúc mới 7 tuổi. Không chỉ vậy, Sogaard nói hài hước cả về Đức Giê-su và Đức Phật Thích Ca. Ông bị người Muslim đe dọa giết chết, nên đã lên TV xin lỗi về chuyện khôi hài của mình. Nhưng một số người Muslim không dung tha và án tử hình do một đạo sĩ Phi châu đưa ra vẫn còn hiệu lực.

* Theo đạo thì không được vẽ hình ảnh về Tiên tri Muhammed. Nhưng thực tế cho thấy hình Tiên tri Muhammed từng được bán trên đường phố ở thủ đô Teheran. Bằng chứng là năm 1999, Indvild Flaskerud, người Na Uy và là nhà nghiên cứu về tôn giáo đã mua được tấm hình lớn (plakat) của Tiên tri Muhammed bán trên đường phố ở Iran. Như vậy, vấn đề in hình ảnh của Tiên tri và bán trong tiệm buôn hay trên đường phố không hẳn bị cấm đoán ở Iran. Có thể có sự khác biệt giữa hai hệ phái Shia và Sunni.

2- Đối Với Thiên Chúa Giáo:

Có 8 trường hợp hình vẽ, phim ảnh và sách báo của ngoại quốc được phổ biến trong những năm gần đây đã xúc phạm tới Thiên Chúa giáo. Vì giới hạn của bài viết, chúng tôi không đề cập tới trong dịp này.

3- Đan Mạch và Thập Tự Giá Có Bị Người Muslim Xúc Phạm Không?

Những người Muslim hay Ki-tô hữu chân chính thì không hành động sai với đạo giáo. Chỉ mộït thiểu số, vì không hiểu biết, nên có hành động chưa đúng.
Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng tôi xin kể lại câu truyện về lịch sử Quốc Kỳ Đan Mạch.

Theo sách lịch sử Đan Mạch có đoạn nói về Quốc kỳ và Thập Tự Giá như sau:

"… Trong cùng năm đó vua Valdemar Sejr đăng quanq có 16 tàu với chiến binh người Estland xuất phát từ đảo Osel ngoài lãnh thổ Estland nhắm hướng Đan Mạch. Những nước, kể từ vụ Blekinge, nơi mà họ tàn phá và hủy hoại toàn thể Listerland. Năm 1206, vua Valdemar Sejr và Anders Sunesen đem một đạo quân Thập Tự Đông tiến để cải dân Estland trở lại đạo Ki-tô và ngăn ngừa những cuộc phá phách từ mạn này, và các ngài đã chiếm được Osel và Dago. ĐGH Honorius III cho phép vua Valdemar Sejr được đặt các nước tà giáo mà vua chiếm được dưới quyền cai trị của vương quốc Đan Mạch và giáo hội Đan Mạch. Năm 1219, một đạo quân Thập Tự hùng hậu được điều động đánh Estland. Có thể nói sự nhiệt tình của cả nước Đan Mạch đối với đạo quân thật lớn lao, vì nó được coi là một cuộc thánh chiến. Người ta không chỉ chuẩn bị thao dượt vũ khí mà còn cầu nguyện và ăn chay.

Vào mùa Hè, vua Valdemar và Sunesen đem quân vượt qua biển Đông với hạm đội có 500 chiếc tàu và tiến lên lãnh thổ ngày nay là Tellinn. Tại đây cũng là trận Volmer có tính cách quyết định, ngày 15 tháng 6, vào lúc tờ mờ tối trại binh Đan Mạch bị quân đội Estland tấn công. Chính trong trận chiến này lá cờ biểu tượng quốc gia Đan Mạch khai sinh. Theo truyện thần thoại thì TGM Anders Sunesen giáo phận Lund giữa lúc giao tranh đứng thẳng, mặt hướng lên trời và giơ hai tay lên cầu nguyện. Bao lâu ngài giữ tay giơ cao, quân Đan Mạch thắng lợi. Khi ngài mỏi tay và hạ xuống thì quân Estland lại thắng. Khi các linh mục khám phá được điều này, các ngài vội chạy tới đỡ tay TGM.

(*) Bất ngờ một lá cờ đỏ với Thập Tự Giá mầu trắng từ trời rơi xuống, và người ta nghe được tiếng Chúa: "Hãy giơ cao cờ lên, các con sẽ chiến thắng!" Và dưới lá cờ này, người Đan Mạch đã thắng trận. Người ngoại đạo Estland phải đầu hàng và chịu rửa tội.

Câu truyện này ngờ ngợ giống sự tường thuật trong Kinh Thánh Cựu Ước, sách thứ 2 của Mô-sê, Xuất Hành, đoạn 17, câu 8-16, nói về dân Do Thái giao chiến với dân A-ma-lếch. Thực tế thì lá cờ là quà của ĐGH Honorius III tặng. Nhưng khắp nơi, kể từ sau sự kiện trên nó trở thành biểu tượng của Đan Mạch. (Valdemar Sejr, Anders Sunesen og Dannebrog af Mads Kierkegaard)
Lịch sử trên đây xác định Thập Tự Giá trên quốc kỳ Đan Mạch là một biểu tượng không chỉ có ý nghĩa về niềm hào hùng của đất nước, mà còn là biểu tượng của niềm tin Ki-tô giáo. Nó không là một tấm vải bình thường với hai ba mầu lòe loẹt hay với một hai dấu hiệu tượng trưng nào đó. Vì thế, hành động đạp và đốt cờ Đan Mạch, nói một cách khách quan, cũng xúc phạm tới dân Đan và đạo Chúa. Giám mục Tin Lành, Karsten Nissen, thuộc giáo phận Aalborg trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền thanh đã phát biểu: "Thập Tự Giá là một biểu tượng hùng mạnh Ki-tô Giáo. Với tư cách một người Đan Mạch và Ki-tô hữu, nhìn quốc kỳ bị đốt như vậy, tôi cũng muốn nổi loạn! "

Như vậy, khi người Muslim nhìn hí họa về Tiên tri Muhammed và người Ki-tô khi nhìn quốc kỳ có Thập Tự Giá bị đạp và đốt thì hãy bình tâm suy nghĩ.

(*) Để hiểu rõ hơn về câu truyện cờ Đan Mạch, chúng tôi xin trích đoạn sách Cựu Ước (Xh 17: 8-16) có liên quan tới sự kiện nêu trên:
"Giao chiến với nguời A-ma-lếch". "... 8-A-ma-lếch đến đánh Ít-ra-en tại Rơ-phi-đim. 9-Ông Mô-sê bảo ông Giô-suê: "Anh hãy chọn một số người, và ngày mai ra đánh A-ma-lếch. Còn tôi, tôi sẽ đứng trên đỉnh đồi, tay cầm cây gậy của Thiên Chúa." 10-Ông Giô-suê làm như ông Mô-sê đã bảo: ông đã giao chiến với A-ma-lếch, còn các ông Mô-sê, A-ha-ron và Khua thì lên đỉnh đồi. 11-Khi nào ông Mô-sê giơ tay lên, thì dân Ít-ra-en thắng thế; còn khi ông hạ tay xuống, thì A-ma-lếch thắng thế. 12-Nhưng ông Mô-sê mỏi tay, nên người ta lấy một hòn đá kê cho ông ngồi, còn ông A-ha-ron và ông Khua thì đỡ tay ông, mỗi người một bên. 13-Ông Giô-suê đã dùng lưỡi gươm đánh bại A-ma-lếch và dân của ông ta. 14- Đức Chúa phán với ông Mô-sê: "hãy chép lại việc này vào sách để lưu niệm và hãy nói vào tai Gio-suê rằng: Ta sẽ xóa hẳn tên tuổi A-ma-lếch, khiến cho thiên hạ không còn nhớ đến nó nữa." 15-Ông Mô-sê dựng một bàn thờ và đặt tên là: "Đức Chúa, cờ trận của chúng tôi." 16-Ông nói: "bởi vì một bàn tay đã giơ lên chống lại ngai của Đức Chúa, nên có chiến tranh giữa Đức Chúa và A-ma- lếch từ đời nọ đến đời kia."
(Kinh Thánh trọn bộ, Cựu Ước và Tân Ước, Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch)

4- Đức Giê-Su Có Bị Xúc Phạm Tại Đan Mạch Không?

Quí độc giả sống ngoài Đan Mạch chắc sẽ không thể nào tưởng tượng được một quốc gia lấy Thiên Chúa Giáo Tin Lành làm quốc giáo mà để cho một người Đan, Jens Jorgen Thorsen (sinh: 2.2.1932 tại Copenhagen), vẽ hình Đức Giê-su trần truồng… tại nhà ga xe lửa Birkerôd vào năm 1984. Không chỉ thế, Jens Jorgen Thorsen còn thực hiện một cuốn phim về Đức Giê-su. Lịch sử cuốn phim bắt đầu từ ngày 5.7.1973, Viện Phim Ảnh Đan Mạch (Det Danske Filminstitut) đã tài trợ cho Jens Jorgen Thorsen 600.000 kroner để thực hiện phim: "Chúa Giê-su Trở Lại" (Jesus vender tilbage – tiếng Anh: The Return), trong đó có phần nhạo báng đạo. Khoảng 5.000 người đã xuống đường biểu tình chống đối tại thủ đô Copenhagen. Ngày 2.7.1975, phim này bị đình chỉ vì nội dung mang tính chất xúc phạm tới Kinh Thánh. Nhưng đạo diễn không bị truy tố ra tòa. Phim không thực hiện; nhưng cốt truyện phim được dịch ra Anh ngữ và dịch qua tiếng Đan có tên "Thorsens Jesusfilm: en uforkortet oversaettelse til Dansk" vào năm 1975. Như một sự thách thức mới, ngày 27.6.1989, Viện Phim Ảnh Đan Mạch lại cung cấp cho Jens Jorgen Thorsen 3,5 triệu để thực hiện cuốn phim trên và phim được chiếu công khai tại Đan Mạch kể từ ngày 13.3.1992. Nội dung phim nói về Chúa Giê-su trở lại trái đất, nhưng Giáo Hội không vui vẻ nhìn lại Đấng Cứu Thế. Ngài hoang mang về cảnh vật, trong đó có chủ nghĩa khủng bố ngày nay. Ngài lại yêu một nữ khủng bố viên trên đường cùng đi Ba Lê v.v… Vì là một phim nhạo báng đạo, nên khán giả dĩ nhiên không có bao nhiêu người coi. Ngày 15.11.2000, Jens Jorgen Thorsen chết tại Thụy Điển và cuốn phim cũng chìm vào quá khứ.

Người ta cũng không thể tưởng tượng được ở một quốc gia lấy Thiên Chúa Giáo Tin Lành làm quốc giáo, khi một người dân xúc phạm tới Chúa Giê-Su mà chính quyền và giáo hội cũng không can thiệp, không cấm chiếu phim hay truy tố ông ta ra tòa án về tội phạm thượng! Như vậy đủ thấy rằng, về phương diện trần tục, cái quyền tự do ngôn luận và báo chí của Đan Mạch quả đứng hàng đầu thế giới! Nhưng về lãnh vực tôn giáo thì nhiều tín hữu than rằng cái tự do xúc phạm đến Thiên Chúa đã vượt ra ngoài biên giới của tự do!
Ngoài chuyện phạm thượng nêu trên, siêu thị Hvickly trong năm 2003 có bày bán những đôi dép Nhật được mang vào mùa Hè, trên đó người ta vẽ hình gia đình Thánh Gia gồm: Đức Giê-su, Mẹ Maria và Thánh Giu-se. Thế mà chính phủ không ra lệnh thu hồi, hàng giáo phẩm và giáo dân chỉ phản đối đại khái trên báo chí. Không cơ quan công quyền hay giáo quyền nào đưa ra biện pháp truy tố hay trừng phạt. Cuối cùng, ngày 12.5.2003, phó Hội đồng Giáo xứ Vordingborg kiện siêu thị Kvickly ra tòa về tội xúc phạm tới tôn giáo. Vì bị báo chí phê bình và quần chúng bất mãn, (báo Công Giáo "Katolsk Orientering" cũng đăng lại hình ảnh), nên siêu thị Kvickly tự dẹp loại dép xúc phạm tới Thiên Chúa của chính đất nước mình. Không có cuộc biểu tình bạo động hay tấn công siêu thị này.

5- Quan Điểm Của Tòa Thánh Vatican

Về phương diện đạo đức thì bất cứ một sự xúc phạm nào đối với các tôn giáo và bạo động chống lại Tôn giáo đều bị Tòa Thánh Vatican lên án. Trong biến cố vừa qua, Tòa Thánh đã phát biểu như sau:
Trong một bản tuyên cáo chính thức được đưa ra ngày 4.2 liên quan đến các bức biếm họa Hồi Giáo, Tòa Thánh Vatican tuyên bố: "Tự do ngôn luận không có nghĩa là được quyền xúc phạm đến tình cảm tôn giáo của các tín hữu." Bản tuyên cáo cũng đưa ra lời kêu gọi mọi phía hãy chung sống trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
Bản tuyên cáo không công khai nhắc đến những bức tranh châm biếm xuất hiện trên một số báo chí ở Âu Châu, nhưng Tòa Thánh lên án tư tưởng phê bình châm biếm gây phẫn nộ cho người khác. Đường lối đó là một hành động khiêu khích không chấp nhận được.

Tòa Thánh cũng đưa ra những lời lẽ phê bình tế nhị đối với các người quá khích Hồi Giáo. Bản tuyên cáo viết: "Những xúc phạm đó là do một cá nhân hay nhóm truyền thông gây ra không thể quy tội cho tất cả những cơ chế công cộng của quốc gia liên hệ. Do vậy những hành đồng bạo lực để phản kháng cũng là điều đáng tiếc".
Bản tuyên cáo kết luận: " Bạo động bằng lời nói hay hành động, cho dù xuất phát từ đâu cũng là mối đe dọa cho nền hòa bình."
Trả lời cuộc phỏng vấn cơ quan truyền thông I Media, Đức TGM Michael Fitzgerald tuyên bố các nhà lãnh đạo Kitô Giáo cũng như Hồi Giáo phải tìm cách làm giảm thiểu mối căng thẳng gây ra do vụ tranh châm biếm này. Ngài cũng nhắc đến vụ sát hại một linh mục ở Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày Chúa Nhật mùng 5.2 vừa qua là một dấu chỉ cho thấy cần phải nghiêm chỉnh kính trọng những giá trị tôn giáo và xã hội.

Đức TGM Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đối Thoại Liên Tôn nói thêm: "Tự do ngôn luận phải được sử dụng có trách nhiệm và phản ứng của Thế Giới Hồi Giáo như thế cũng là không xứng hợp."
Hội Đồng Tòa Thánh Về Công Lý Và Hòa Bình vừa đưa ra bản tuyên bố có nội dung chỉ trích những người có hành động bất kính đem Hồi Giáo ra chế diễu. Đồng thời bản tuyên cáo cũng nói Hồi Giáo nên đáp lại tình đoàn kết của người Kitô Giáo đối với những anh chị em Hồi Giáo bị xúc phạm." ĐHY Renato Martino, Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình còn đưa ra nhận định rằng vì vụ tranh biếm họa mà các giáo sĩ Công Giáo trở thành mục tiêu trả thù của người Hồi Giáo. Các giáo sĩ đó là những người những đem đời sống tôn giáo ra để bác nhịp cầu đối thoại và kiến tạo hòa bình cho thế giới.

Bản tuyên cáo của Hội Đồng Tòa Thánh được đưa ra đúng lúc thành phố Roma chuẩn bị tổ chức tang lễ cho cha Andrea Santoro, nhà truyền giáo người Ý bị một kẻ quá khích người Thổ Nhĩ Kỳ sát hại. Chính hung thủ đã nói với hãng truyền hình ở thủ đô Ankara rằng hắn giết vị linh mục để phản đối bức biếm hoạ vị tiên tri Mohammed. Ngoài vụ này, Hội Đồng Tòa Thánh cũng muốn kín đáo nhắc tới vụ nhóm thanh niên quá khích đột nhập nhà dòng Phan Xi Cô ở Thổ Nhĩ Kỳ, bóp cổ một linh mục và đe dọa giết các vị khác.
Vào ngày 10.2, khi trả lời cuộc phỏng vấn nhật báo Il Giornale phát hành ở Ý, đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng các vụ bạo động đang xảy ra trên khắp thế giới Hồi Giáo là do sự xếp đặt lèo lái của những kẻ quá khích. (theo các tin đăng trên Vietcatholic)

Kết luận

Những sự kiện trên đây cho thấy các hình vẽ xúc phạm hay không xúc phạm tới tôn giáo; xúc phạm nghiêm trọng hay không, phản đối nhiều hay ít, là tùy theo quan niệm và quyền tự do tại mỗi quốc gia. Sự phản ứng mạnh mẽ hay nhẹ nhàng cũng tùy thuộc mức độ dân trí của từng nơi. Cái khó của dân chúng trên thế giới ngày nay là làm sao sống hòa đồng và hòa bình trên một trái đất, ngày càng gia tăng dân số với các nền văn hóa khác nhau và sự phát triển mạnh mẽ của ngành truyền thông. Ngày xưa một sự kiện xẩy ra tại nước nào thì chỉ dân nước đó hay. Ngày nay, một sự kiện quan trọng xẩy ra tại một quốc gia thì cả thế giới đều biết. Chính vì vậy mà hận thù hay phẫn nộ về một vấn đề nào đó sẽ bộc phát trên toàn thế giới nhanh chóng không thể tưởng tượng được. Vì vậy, các nhà lãnh đạo chính quyền và tôn giáo cần tìm hiểu lịch sử văn hóa và đề cao cảnh giác. Nếu không, một cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu không lường được sẽ xẩy ra!