Dân Chúa Âu Châu

Cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Đại Hàn


BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG


Ngày 04.12.2005, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Nhà Cầm quyền Trung Cộng không tham gia Hội Nghị Thượng Đỉnh vào tuần tới tại thủ đô Kuala Lampur của Mã Lai. Cuộc họp tay ba này gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Đại Hàn nhằm tiếp tục thảo luận về chương trình đình chỉ sản xuất vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn. Trung Cộng chỉ tuyên bố đại khái là "không khí hiện nay" không thích hợp.
Để tìm hiểu nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này, chúng tôi sẽ trình bày các điểm sau đây.


I- HẬU QUẢ CỦA CUỘC CHIẾN TRANH TẠI Á CHÂU DO NHẬT BẢN GÂY RA


Ngược giòng lịch sử người ta thấy chủ nghĩa Quân phiệt của Nhật đã gieo bao tang tóc cho một số dân tộc Đông Nam Á trong cuộc chiến được mệnh danh là Đại Đông Á. Với khẩu hiệu "Châu Á của Người Á Châu", Chế độ Quân phiệt của Nhật đã lôi cuốn phần lớn tinh thần quật khởi dành độc lập từ Thực dân Tây phương tại các quốc gia trong vùng. Sự cường thịnh, đặc biệt về lãnh vực quân sự và kinh tế của Nhật Bản đã khiến cho các quốc gia Á Châu kính nể; trong đó có Việt Nam. Phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục của các nhà cách mạng Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Cường Để là bằng chứng điển hình. Dựa vào sức mạnh quân sự ngang ngửa với Tây phương, Nhật Bản phát động chương trình xâm lăng một số các quốc gia và lãnh thổ Á Châu, điển hình là Hương Cảng, Miến Điện, Mã Lai, Nam Dương, Tân Gia Ba, Triều Tiên, Trung Hoa và ba nước Đông Dương gồm Việt Nam, Căm Bốt và Lào.

Sức mạnh quân sự của Nhật Bản mạnh nhất vào các năm 1939-1941. Cuộc tấn công Đệ Thất Hạm Đội của Hải Quân Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng vào tháng 12.1941 cho thấy khả năng quốc phòng của Nhật Bản mạnh đủ để đối đầu với các quốc gia Tây phương và Hoa Kỳ. Nhưng sau hai trái bom nguyên tử của Hoa Kỳ thả xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản phải đầu hàng vô điều kiện vào ngày 15-8-1945. Thế Chiến II kết thúc, nhờ sự nâng đỡ của Hoa Kỳ, Nhật Bản từ từ phát triển và trở thành cường quốc kỹ nghệ số một tại Á Châu. Cuộc chiến tranh do Nhật Bản gây ra tại khu vực Đông Nam Á đưa tới hậu quả có khoảng 15 triệu người bị chết vào hai thập niên 1930-1940. Đối với Việt Nam thì tai nạn chết đói của khoảng 2 triệu người miền Bắc vào năm Ất Dậu 1945 là một bằng chứng. Để hàn gắn vết thương chiến tranh và xoa dịu nỗi đau thương của các dân tộc bị quân Nhật xâm chiếm, chính phủ Nhật đã bồi thường bằng các chương trình tái thiết hoặc viện trợ về kinh tế, văn hóa và xã hội. Đập thủy điện Đa Nhim của Việt Nam là một trường hợp điển hình.

Về khía cạnh giải phóng dân tộc thì sự thất bại của Nhật Bản lại là cơ hội tốt cho một số quốc gia đứng lên giành lại tự chủ hoặc các quốc gia Thực dân Tây phương phải tự ý trao trả độc lập. Miến Điện độc lập 1947, Lào năm 1949, Nam Dương 1945, Phi Luật Tân năm 1946…
Chiến tranh qua đi, nhưng hận thù khó quên. Chỉ một hành động sơ hở nào đó cũng có mãnh lực khơi lại đống tro tàn và gây nên các cuộc xung đột, nhẹ nhất là về quan hệ ngoại giao.


II- CUỘC KHỦNG HOẢNG NGOẠI GIAO GIỮA NHẬT BẢN, NAM HÀN VÀ TRUNG QUỐC


Cái không khí không lành mạnh về ngoại giao hiện nay phát xuất từ sự kiện Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi đã tới thăm Đền Thờ Anh Hùng Tử Sĩ Yasukuni ở thủ đô Tokyo; nơi tôn kính hơn 2,5 triệu dân quân anh hùng của Nhật Bản đã hy sinh vì tổ quốc.
Nhưng tại sao đi thăm một Đền Thờ Anh Hùng Dân Tộc của Thủ tướng Nhật lại là cớ cho chính quyền Nam Hàn và Trung Cộng nổi giận?

Nguyên nhân 1:


Đối với Đại Hàn và Trung Quốc thì Đền Yasukuni là biểu tượng của Chủ nghĩa Quân phiệt và có tính cách khiêu khích các quốc gia đã hơn một lần bị quân Nhật xâm chiếm.
Đền Thờ Anh Hùng Tử Sĩ ban đầu mang tên Tokyo Shokansha hoặc Shokonjo (có nghĩa để tưởng nhớ các anh linh dân tộc) sau đổi thành Yasukuni Jinja (có nghĩa quốc gia hòa bình), được xây dựng vào năm 1869 dưới triều đại Hoàng Đế Meiji. Công trình xây dựng này nhằm ghi ơn các hiệp sĩ (Shogun) và chiến sĩ đã hy sinh trên chiến trường để bảo vệ vương quyền và đất nước từ năm 1853 tới 1945. Các anh hùng đã bỏ mình trong các cuộc chiến trong lịch sử gồm: cách mạng Satsuma, chiến tranh Trung-Nhật lần I, chiến tranh Nga-Nhật, Thế Chiến I, Biến Cố Mãn Châu, chiến tranh Trung-Nhật lần II và chiến tranh Thái Bình Dương. Đền tọa lạc ngay trung tâm Thủ đô và gần lâu đài của Hoàng Đế.

Nguyên nhân 2:


Vào năm 1978 chính phủ Nhật lại cho phép tôn kính 1.068 anh hùng (người Nhật coi như các Thánh Tử Đạo Showa) trong đó có Thủ tướng Hideki Tojo và 13 sĩ quan cao cấp đã bị Tòa án Quốc Tế, sau Thế Chiến II, kết án là tội phạm chiến tranh. Hài cốt hoặc di ảnh của các vị này đã được bí mật đưa vào Đền Yasukuni. Giới có thẩm quyền cai quản Đền Yasukuni không chấp nhận phán quyết của Tòa án Quốc tế về chiến tranh và lịch sử. Sách giáo khoa của Nhật về sự tàn ác của quân đội Nhật trong chiến tranh bị sửa đổi và tờ truyền đơn của Đền Thờ nhằm hướng dẫn tuổi trẻ có ghi: "chiến tranh thật là một bi kịch đã xẩy ra; nhưng nó cần thiết để bảo vệ độc lập của Nhật Bản và sự thịnh vượng chung với các nước láng giềng Á Châu. 1.068 người Nhật được tôn vinh tại đây đã bị kết án một cách sai lầm là tội phạm chiến tranh bởi Tòa án Đồng Minh."

Thực ra không chỉ các nam anh hùng mà có tới 57.000 nữ anh hùng cũng được tôn kính trong Đền này. Một trong các nữ anh hùng là xướng ngôn viên của dài phát thanh Maoka ở Karafuto (Sakhalin) đã tự sát ngày vào 20.8.1945, khi quân Sô Viết bất ngờ tấn chiếm vùng này sau Thế Chiến II. Trước khi chết nữ xướng ngôn viên đã nói: "Thưa quí thính giả, đây là lần phát thanh cuối cùng và chấm dứt của chúng tôi. Tạm biệt tất cả!"

Trước đây Thủ tướng Yasuhiro Nakasone cũng đến thăm Đền Yakusuni vào năm 1985 và Thủ tướng Ryutaro Hashimo năm 1996. Thủ tướng Koizumi, thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền là vị Thủ tướng thứ ba đã tới thăm Đền này 5 lần kể từ khi ông giữ chức vụ Thủ tướng vào năm 2001. Lần thăm cuối vào hồi tháng 10.2005 vừa qua. Không chỉ Thủ tướng Nhật mà gần 200 Nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ Tự do hiện cầm quyền cũng đã tới thăm Đền Anh Hùng Tử Sĩ. Các cuộc thăm viếng này như một sự khiêu khích và tạo nên tranh cãi tại nội địa cũng như sự chống đối tại các quốc gia bị Nhật xâm lăng; đặc biệt tại Nam Hàn và Trung Quốc. Nhiều Dân biểu Nhật từng đưa vấn đề cần dẹp di ảnh của Thủ tướng Tojo, một tội nhân chiến tranh, ra trước Quốc Hội; nhưng đều bị người quốc gia phản đối.

Ngoại trưởng Tàu, Lý Triệu Tinh, tuyên bố là cuộc viếng thăm của Thủ tướng Nhật làm tổn hại nghiêm trọng tới quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Phía Nam Hàn cũng phát biểu rằng Tổng thống Roh Moo-hyun khó có thể tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh với Thủ tướng Nhật. Đại Hàn ngày nay là Triều Tiên thuở xưa đã bị Nhật Bản chiếm đóng từ năm 1910 và bị Tokyo cai trị đến khi Thế chiến thứ II chấm dứt vào năm 1945.

Theo thống kê, hàng năm có khoảng 8 triệu người tới thăm Đền Thờ Yasukuni. Nhiều người tỏ lòng tôn kính các Hồn Thiêng (Mitama) người quá cố với niềm tin rằng các Linh Hồn Tiền Nhân vẫn còn lai vãng trên trái đất để phù hộ các thế hệ mai sau. Để tỏ lòng thanh tịnh và tôn kính, khi thăm Đền Thờ, người khách không phải là người đau ốm hay có vết thương hoặc đang trong thời kỳ tang chế. Các tình trạng này được coi là không tinh khiết. Tại gần giếng nước trước lối vào, người khách phải dùng muỗng lấy nước rồi giữ nước trong lòng bàn tay đưa lên miệng và súc miệng cho sạch rồi nhổ ra. Khách không được húp nước trực tiếp từ cái muỗng vào miệng hay uống nước.

Thực ra, hàng năm nhân dịp kỷ niệm ngày Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh, các Thủ tướng Nakasone, Hashimoto và Koizumi đã công khai xin lỗi về sự thiệt hại nhân mạng và tài sản của các dân tộc bị Nhật xâm chiếm trong thời Thế Chiến II, kể cả Anh quốc. Nhưng hành động đến thăm Đền Yasukuni có vẻ như khơi lại đống tro tàn khiến cho Trung Quốc và Nam Hàn phản đối.

Được biết ngày 27.4.1996 phong trào đòi bồi thường cưỡng bức lao động đối với công nhân Tàu và cưỡng bức tình dục đối với phụ nữ Đại Hàn đã được phát động. Người ta ước tính có khoảng từ 200.000-300.000 phụ nữ đã là nạn nhân, trong đó có phụ nữ Tàu, Đại Hàn, Á Châu và cả Hòa Lan. Điển hình là hai phụ nữ Đại Hàn, bà Young-Suk bị cưỡng hiếp từ năm 11 tuổi, bà Park Ok-ryun bị bắt thỏa mãn tình dục cho 30 lính Nhật một ngày; bà Jan Ruff-O Herne (Hòa Lan) đòi chính phủ Nhật phải công khai xin lỗi. Trước sự tranh đấu của các nạn nhân, chính phủ Nam Hàn đã ứng trước cho 150 nạn nhân số tiền là 25.000 Đô-la và chính phủ Đài Loan ứng trước số tiền tương tự. Hai quốc gia này hy vọng chính phủ Nhật sẽ bồi hoàn. Công ty xây dựng Kajima của Nhật đã chịu trả 4,6 triệu Đô-la cho 1.000 công nhân Tàu bị cưỡng bức lao động. Về công lý, Tòa án Yamaguchi của Nhật cũng đã ra lệnh cho chính phủ phải trả 300.000 Yen (2.280 Đô-la) cho 3 phụ nữ Nam Hàn bị cưỡng bức tình dục.


IV- THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN CÓ LO NGẠI VỀ SỰ KHỦNG HOẢNG NGOẠI GIAO KHÔNG?


Về việc Trung Cộng tuyên bố đình chỉ Hội nghị Thượng đỉnh hàng năm từ ngày12 tới 14.12.2005 đến một thời điểm thích hợp, Thủ tướng Nhật Bản đã bày tỏ quan điểm của mình với báo chí rằng: " Quyết định của Trung Quốc đối với ông không thành vấn đề. Quyết định trì hoãn cuộc họp của Trung Quốc cũng tốt thôi. Tuy nhiên, người ta không thể lợi dụng Đền Thờ Yakusuni như một lá bài ngoại giao. Trung Quốc và Nam Hàn muốn dùng nó như lá bài ngoại giao thì họ sẽ không thành công."
Lời tuyên bố của Thủ tướng Koizumi chứng tỏ lập trường cứng rắn của chính phủ Nhật Bản trong vấn đề ngoại giao và lịch sử của mỗi quốc gia.

Các nhà nhận định thời cuộc cho rằng, Trung Cộng đang trên đà phát triển cả về kinh tế lẫn quốc phòng, kỹ thuật quân sự và không gian, đồng thời là cường quốc số một tại Á Châu hiện nay, nên họ muốn chứng tỏ vai trò quan trọng của mình tại vùng này. Các vụ biểu dương lực lượng tại eo biển Đài Loan và tầu ngầm nguyên tử xâm phạm hải phận phía Nam của Nhật Bản trong thời gian vừa qua chứng tỏ con Rồng Lửa Trung Cộng bắt đầu muốn quậy tại biển Đông.
Ngoài ra, Trung Cộng muốn chơi ván bài tháu cáy trên chính trường nhằm đòi hỏi Nhật Bản phải nhượng bộ về một lãnh vực nào đó, như hợp tác kinh tế, tăng cường đầu tư và trợ giúp kỹ thuật hoặc ủng hộ mạnh mẽ Trung Quốc tại các tổ chức trong vùng và trên thị trường kinh tế Á Châu v.v...


KẾT LUẬN:


Thực tế cho thấy rằng các cuộc thăm viếng Đền Thờ Yasukuni của các Thủ tướng Nhật tạo nên xung đột về lịch sử và chính trị là điều tất nhiên. Sự kiện này không khác gì cuộc Diễn hành Màu Cam (The Orange March) qua khu vực người Công Giáo ở Armagh và Drumcree, Londonderry tại Bắc Ái Nhĩ Lan đã tạo nên các xung đột cả về chính trị lẫn quân sự trong những năm vừa qua. Cuộc diễn hành Màu Cam nhằm kỷ niệm thủ lãnh Tin Lành, William of Orange đã đánh thắng vua James của Công Giáo tại chiến trường Boyne vào năm 1690. Nếu cuộc diễn hành chỉ được tổ chức trong khu vực của người Tin Lành thì không có chuyện gì xẩy ra. Sự xung đột không thể tránh khỏi vì đoàn diễn hành lại đi ngang qua khu vực Công Giáo, như một sự khiêu khích có tính cách lịch sử.
Nói chung, các cuộc xung đột về chính trị, quân sự hay ngoại giao đã hay sẽ xẩy ra đều vì quyền lợi và tự ái dân tộc.