Dân Chúa Âu Châu

Trận Động Đất lớn Nhất và Gây Thiệt Hại Nặng Nề Nhất Trong Lịch Sử Hồi Quốc


BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG


Thiên tai bão lụt Katrina tại Hoa Kỳ tuy đã qua đi, nhưng sự tàn phá của nó để lại phải mất thời gian dài mới có thể khôi phục được tình trạng như xưa. Nàng Katrina vừa thổi qua thì nàng Ritta hà hơi nối tiếp khiến cho nhiều người Mỹ vẫn còn hồi hộp khi trở về và chứng kiến cảnh hoang tàn nơi mình ở. Thế giới vừa tạm quên thiên tai bão lụt thì vào thượng tuần tháng 10.2005 một trong những trận động đất có chấn động lớn nhất (7,6) đã xẩy ra tại Srinangar, khu vực nằm về phía Đông Bắc của vùng Kashmir, cách thủ đô Islamabad khoảng 100 cây số. Trận động đất này đã gây thiệt hại nặng nề cả về nhân mạng lẫn vật chất trong vòng 100 năm tại Hồi Quốc (Pakistan). Chấn động mạnh đến nỗi từ thủ đô New Delhi của Ấn Độ và Kabul của A Phú Hãn người ta cũng nhận ra được.


Nhìn về Kashmir, một vùng đất từng được mệnh danh là "thiên đàng hạ giới" thời xa xưa và nay trở thành ngòi nổ chiến tranh nguyên tử có thể xẩy ra giữa hai quốc gia Ấn Độ và Hồi Quốc, chúng tôi xin trình bày một số dữ kiện sau đây:


I- Đôi Hàng Về KASHMIR


Tên chính của vùng đất này là Jammu-Kashmir, trung tâm điểm của châu Á. Jammu-Kashmir giáp Trung Quốc về phía Bắc-Đông Bắc, A Phú Hãn phía Tây-Bắc, Ấn Độ phía Nam và Hồi Quốc phía Tây, Tây-Nam. Kashmir nổi tiếng từ thời Trung Cổ với khí hậu rừng sâu núi cao, thung lũng phì nhiêu và biển hồ thơ mộng "Satisar" (đất của nữ thần Sati, phối ngẫu của thần Shiva). Hồ này dài gấp ba và rộng gấp hai hồ Geneva. Chung quanh nó được bao bọc bởi những núi tuyết cao hơn cả núi Mount Blank. Kalhan, sử gia nổi tiếng nhất của Kashmir đã ca tụng quê hương Kailash như là một vùng đẹp nhất trong thế giới thứ ba và gần Hy Mã Lạp Sơn không gì đẹp bằng lãnh thổ Kashmir. Nói chung, phong cảnh của miền đất Kashmir đẹp nên thơ mà người dân Việt có thể so sánh nó như thành phố du lịch đẹp nhất vùng cao nguyên là Đà-lạt.


Theo cổ sử thì Kashmir có tên là "Nilmat Puran". Vào thời Satisar có con yêu tinh Jalod Bowa xuất hiện quấy phá và ăn thịt dân chúng sống gần chân núi. Tiếng kêu đau thương của dân chúng vang tới tai thần vĩ đại nhất của đất nước, thần Kashyap. Ngài đã xuất hiện cứu dân và cắt hòn núi gần Varahmullah, một chướng ngại vật chắn ngang nước hồ khiến nước không chảy xuống vùng đồng bằng bên dưới được. Nhờ thần ra tay cứu giúp, nước hồ bắt đầu chảy xuống bình nguyên và yêu tinh cũng bị giết chết. Thần khuyến khích dân Ấn tới thung lũng lập nghiệp và họ đặt tên nơi này là Kashvap-Mar và Kashyap-Pura. Cái tên Kashmir ám chỉ đất đai được khô cạn từ nước. (Ka: có nghĩa là nước và Shimeera: có nghĩa làm cho khô). Vào thời cổ Hy Lạp Kashmir được gọi là Kasperia và một người Tàu trên đường hành hương tới nơi đây vào năm 635 trước Công Nguyên đã đặt tên là Kashi-Mĩ-Lộ. Ngày nay người dân bản xứ gọi tắt là "Kasheer".


Thân phận Kashmir cũng thăng trầm với giòng thời gian và qua nhiều thời kỳ đổi chủ. Kể từ năm 635 Kasmir bị ảnh hưởng Ấn Độ. Nhưng từ năm 1354 tới 1587 lại bị đặt dưới quyền cai trị của Hồi Giáo. Từ năm 1587 tới 1752 Kashmir bị Mông Cổ xâm chiếm. Từ năm 1752 tới 1819 Kashmir lại rơi vào ảnh hưởng của A Phú Hãn. Năm 1757 Kashmir bị đặt dưới quyền cai trị của triều đại Ahmed Shah Durani; nhưng tới năm 1819 lại thuộc quyền Ấn Độ, triều đại Ranjit Singh. Lý do: năm 1857 Gulab Singh mua lại vùng này với giá 7,5 triệu rupies do kết quả của thương ước Amritsar. Maharaja Gulab Singh Ji trở thành người sáng lập Triều đại Ấn Giáo Dogra ở Kashmir. Sau Gulab Singh chết để đất lại cho con là Rambir Singh và sau đó Hari Singh nối tiếp cho tới năm 1925. Năm 1819-46 thì ảnh hưởng của đạo Sikh bao trùm vùng này.


Đến năm 1947 dân Kashmir, đa số là Hồi giáo, không phục tùng chúa vùng. Rambir phải nhờ quân đội Ấn tiếp cứu. Các cuộc xung đột xẩy ra khiến cho Liên Hiệp Quốc phải can thiệp và công bố dân Kashmir được quyền tự quyết theo đề nghị của Thủ tướng Ấn Độ, Jehewralal Nerhu, một người dân của Kashmir. Hồi Quốc đồng ý và Mohammed Ali Jinnah trở thành Thống đốc Kashmir. Sau đó Ấn Độ lại không chấp nhận tình trạng này và chiến tranh giữa hai nước đã xẩy ra. Kể từ năm 1947 Kashmir rơi vào tình trạng xung đột tôn giáo và lãnh thổ, giữa những người theo Ấn Giáo không muốn đất thánh rơi vào tay người Hồi Giáo và sự tranh đấu của đa số dân Islam đòi Kashmir tự trị và thuộc về Hồi Quốc.


Nguyên nhân gây nên chiến tranh tại Kashmir không chỉ vì lý do tôn giáo Ấn-Hồi giáo, mà bao gồm cả tham vọng khai thác du lịch leo núi và trượt tuyết bên bên dẫy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya), khai thác mỏ vàng và kim cương trong vùng. Trước năm 1947 Kashmir là Tiểu bang lớn nhất của Ấn Độ, với diện tích trên 222.000 cây số vuông và dân số khoảng 14 triệu người, trong đó 80% là dân theo Hồi Giáo. Sau năm 1947, Kashmir bị chia thành bốn vùng. Vùng một: có diện tích bằng 2/3 tiểu bang thuộc quyền quản trị của Ấn Độ. Vùng hai có tên là Azad Kashmir tự trị, có Quốc Hội, Chính phủ và Tòa án riêng. Vùng ba có tên là Gilgit-Baltistan thuộc quyền quản trị của Hồi Quốc. Vùng bốn: Aksai Chin thuộc quyền của Trung Cộng sau cuộc chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 1963. Khu vực Wakhan nằm giữa A Phú Hãn và Trung Quốc được các nước A Phú Hãn, Trung Quốc, Kashmir và Tajikistan tuyên bố vào năm 1890 không thuộc quyền quản trị của nước nào trong vùng.


II- Những Trận Động Đất lớn Trong Vùng


Có thể nói vùng tam biên A Phú Hãn, Ấn và Hồi là một trong các vùng bị thiên tai động đất khá nhiều và chịu sự thiêt hại khá lớn. Một số vụ điển hình đã xẩy ra như:
-Tháng 5.1935: ở Quetta, phía Bắc Hồi Quốc, khoảng 30.000 – 60.000 người chết.
-Tháng12.1974: ở 6 thành phố nằm về phía Bắc, có 5.300 người chết.
-Tháng 8.1988: ở biên giới Ấn Độ và Nepal, có 1.450 người chết.
-Tháng 10.1991: ở phía Bắc Ấn Độ, có 7.000 người chết.
-Tháng 5.1998: ở tỉnh Takhar nằm về phía Bắc A Phú Hãn, có 4.000 người chết và 50 làng thôn bị hủy hoại.
-Tháng1.2001: ở Gujarat, Ấn Độ, có 20.000 người chết.
-Tháng 3.2002: ở Nahrin, A Phú Hãn, có khoảng 1.000 người chết.
-Tháng10.2005: ở Kashmir, Ấn-Hồi, có khoảng 40.000 người chết.


III- Thiệt Hại Về Nhân Mạng và Vật Chất


Cho tới ngày 14.10.2005, không kể khoảng 350 học sinh bị chôn vùi dưới ngôi trường bị sụp đổ tại quận Mansechra, người ta ghi nhận theo thống kê chính thức có 23.000 người chết, 51.000 bị thương. Đồng thời có khoảng 2,5 triệu người trong vùng Kashmir lâm vào cảnh màn trời chiếu đất và trở thành vô gia cư. Theo ước tính, người ta nghĩ số người chết có thể lên tới 40.000. Cảnh tang thương nhất có lẽ là các tòa nhà của thành phố đẹp Muzaffarabad bên giòng sông xanh Neelum bị tàn phá không còn hòn gạch nào trên hòn gạch nào!
Trước tình cảnh đau thương này, Tổng thống A Phú Hãn, Pervez Musharraf đã phải xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia cầu cứu các nước trên thế giới cứu trợ các thứ tối cần thiết như thực phẩm, thuốc men, lều vải, mùng mền và phi cơ trực thăng. Khoảng 1.000 bệnh viện bị tàn phá gây nên sự thiếu thốn về thuốc men và các phương tiện y tế. Các bác sĩ đã phải giải phẫu nhiều nạn nhân mà không có thuốc chích mê làm giảm đau. Nhiều người bị thương phải nằm chờ đợi ngoài trời hay trong các lều tạm trú một vài ngày. Nhiều người phải nhịn đói và thiếu nước hai ba ngày sau thiên tai. Trên màn ảnh truyền hình, cả thế giới đều chứng kiến đội cứu cấp của Pháp dùng máy tìm người có màn ảnh nhỏ như Tivi và kiếm được một em bé nằm trong khoảng trống của trường học bị sụp đổ đã ba ngày. Họ phải khoan và đào bới suốt trong ba bốn tiếng đồng hồ mới cứu được em bé và trao cho người cha đang đứng đợi.


IV- Quốc Tế Cứu Trợ


Trước sự thống khổ của hàng triệu người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất và chết chôn dưới những đống gạch vụn; các quốc gia giầu có đã tích cực gửi nhân viên và đồ cứu trợ tới Kashmir. Những người Hồi quốc quê vùng Kashmir tại các quốc gia châu Âu cũng hăng hái tình nguyện đứng ra quyên góp tiền bạc ngoài phố hay trong các đền thờ để trợ giúp đồng bào đang bị thiên tai. Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia khẩn cấp tài trợ một ngân khoản 300 triệu Mỹ-kim. Tuy nhiên, người ta nghĩ con số cứu trợ cần thiết phải lên tới trên một tỷ Mỹ-kim.


Các nạn nhân không đuợc tiếp tế thực phẩm và nước uống kịp thời vì trời đổ mưa như trút nước xuống vùng bị hoạn nạn và các con đường dẫn vào khu vực phần bị mưa lầy lội, nên các xe cứu cấp không thể di chuyển kịp thời. Sự thiếu thốn về thực phẩm và nước uống đã tạo nên cảnh bất mãn đối với chính quyền và một vài sự xung đột giữa cá nhân với cá nhân khi tranh dành đồ cứu trợ.
-Hoa Kỳ là quốc gia tiên phong tích cực nhất và cứu trợ kịp thời 50 triệu Mỹ-kim. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Condoleeza Rice cũng tới Hồi Quốc để nghiên cứu tình hình tại chỗ, vì Pakistan là đồng minh tích cực đứng trên cùng chiến tuyến chống khủng bố. Để cứu giúp các nạn nhân kịp thời trong khi đường xá và cầu cống bị sụp đổ, Quân đội Mỹ ở A Phú Hãn đã được lệnh đem hàng chục trực thăng vận chuyển khổng lồ Chinook tới Kashir để chở thực phẩm, nước uống, đồ tiếp tế và những người bị thương tới các bệnh viện dã chiến ngoài trời.
-Anh Quốc hứa trợ giúp 170.000 bảng Anh và 60 nhân viên y tế.


-Hai nước Hồi Giáo Kuwait và Ả Rập Thống Nhất Emirater hứa giúp 200 triệu Mỹ-kim.
-Đan Mạch giúp 10 triệu kroner và toán cứu cấp Hồng Thập Tự được trang bị dụng cụ truyền tin điện tử nhằm giúp các chuyên viên cứu cấp và cứu trợ liên lạc với nhau dễ dàng trong khi toàn bộ hệ thống thông tin của vùng Kashmir đã bị hư hỏng.
-Các quốc gia khác như Ấn Độ, Đức, Nhật, Pháp. Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Cộng, v.v… ngoài cứu trợ bằng thực phẩm và tài chánh, cũng gửi các nhân viên tới Kashmir tham gia vào công cuộc tìm kiếm và cứu trợ những người sống sót đang sống trong cảnh hoang tàn đổ nát.


V- Một Tương Lai Tràn Ngập Người Tị Nạn


Càng ngày người ta càng chứng kiến nhiều thiên tai như bão lụt, động đất và núi lửa. Mỗi năm người ta nhận thấy các núi băng tại Bắc và Nam Cực tan nhiều vì khí hậu mỗi ngày một nóng hơn so với các thế kỷ trước đây. Trước các thiên tai này một số chuyên viên về dân số và môi trường của Liên Hiệp Quốc đang lo ngại về làn sóng người tị nạn có thể lên tới 50 triệu trong vòng năm mười năm tới và khoảng 250 triệu người trong vòng nửa thế kỷ tiếp theo. Họ tị nạn không phải vì lý do chính trị hay nghèo đói mà vì chạy bỏ các vùng thường bị thiên tai. Đây là một tình trạng tị nạn mới: Tị Nạn Môi Trường! Nếu Liên Hiệp Quốc không có kế hoạch điều hành dân số và nếu Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ không tích cực đẩy mạnh chương trình toàn cầu hóa và giúp đỡ các nước nghèo chậm tiến thì phong trào tị nạn hướng về châu Âu và Bắc Mỹ sẽ ngày càng gia tăng. "Thiên đàng hạ giới" tại hai lục địa này, biết đâu, sẽ có ngày lại trở về thời kỳ tiền phát triển và tràn ngập những người đói khổ!


Thực tế cho thấy, nhiều người dân ở New Orleans của Hoa Kỳ nay phân vân không muốn trở về thành phố này nữa. Ám ảnh đối với họ là thiên tai bão lụt sẽ có thể xẩy đến trong những tháng năm tới. Trở về tái xây dựng cuộc đời không bao lâu lại bị bão lụt thì thà di chuyển qua tiểu bang khác sống an toàn hơn. Ngoài ra, sự trợ giúp của chính quyền có giới hạn, không thể nào bù đắp vào tất cả sự tổn thất trong thiên tai của mỗi gia đình cũng là nguyên nhân tạo nên sự chán nản của người dân trong vùng bị hoạn nạn, không chỉ ở Hoa Kỳ mà trên toàn thế giới.


Danh ca Michael Jackson, sau vụ án tình dục, đã tới thủ đô Luân Đôn ngày thứ năm 6.10.2005 và qua Copenhagen để trình diễn nhạc lấy tiền giúp đỡ các nạn nhân do bão Katrina gây ra. Đây là một bằng chứng chứng minh rằng Hoa Kỳ, dù là siêu cường độc nhất và giầu có nhất thế giới, cũng không thể giúp dân mình 100% sau thiên tai bão lụt. Như vậy, hoàn cảnh của các nạn nhân tại các quốc gia nghèo đói sẽ ra sao?


Khi nào báo chí, đài phát thanh và truyền hình còn hô hào cứu trợ, còn nhắc nhở tới thảm họa thì những lời hứa trợ giúp sẽ mau chóng được thực hiện. Khi nào không còn tin tức về thiên tai trên hệ thống truyền thông thì ngày đó các nạn nhân sẽ bị bỏ quyên và lời hứa cứu trợ sẽ không được thực hiện đúng mức. Kinh nghiệm động đất tại Iran và sóng thần Á Châu vừa qua là những bằng chứng điển hình. Ngoài ra, Liên Hiệp Quốc và các quốc gia khác không kiếm đâu ra tiền để cứu trợ tất cả mọi thiên tai. Lý do đơn giản là thiên tai này vừa qua, thiên tai khác lại tới. Có khi thiên tai đến sau lại tàn phá nặng nề hơn thiên tai vừa mới xẩy ra. Ở Hoa Kỳ thì bão lụt Katrina vừa qua, Ritta lại tới. Bão Stan tiếp nối tại Guatemala ở Trung Mỹ, rồi Trung Quốc và Việt Nam bị tàn phá bởi bão Damrey. Riêng tại VN thì các con đê tại Hậu Lộc (Thanh Hóa) và Cát Lái (Hải Phòng) bị phá hủy, nước tràn vào dâng cao 50cm-70cm. Khoảng 150.000 dân các tỉnh quanh vịnh Bắc Bộ phải di tản và có cả chục người chết. Trên đây là những bằng chứng chứng minh rằng sự trợ giúp của Liên Hiệp Quốc và các quốc gia khác chỉ có mức độ nào đó thôi.


Theo các nhà nghiên cứu về khí tượng của Viện Goddard thuộc Cơ Quan Không Gian và Hàng Không Hoa Kỳ (NASA) thì năm 2005 được ghi nhận là năm nóng nhất trên trái đất kể từ xưa đến nay. Do kết quả đo được từ 7.200 đài khí tượng trên toàn thế giới, kết quả cho thấy độ nóng năm 2005 gia tăng 0,1 Fahrenheit (0,04 Celcius) so với năm 1998, năm nóng nhất trước đây. Phải chăng con người đang tự làm cho khí hậu thay đổi và tự mình tạo nên "Ngày Tận Thế?"