Dân Chúa Âu Châu

NHÂN KỶ NIỆM 60 NĂM THẾ CHIẾN II, thử tìm hiểu tại sao HITLER bị ám sát nhiều lần mà không chết?


BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG


Khi nhớ lại cuộc chiến tranh tàn bạo nhất trong thế kỷ 20, Thế Chiến II đã giết chết 52.199.262 người, ai trong chúng ta không đặt câu hỏi: tại sao không có ai hoặc tổ chức nào, kể cả của Đức và Đồng Minh, đưa ra kế hoạch ám sát Hitler để chiến tranh mau chấm dứt?
Trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi xin thưa là đã có những Tướng, Tá trong quân đội Đức, người Thụy Sĩ cũng như cơ quan tình báo Anh quốc đã mưu tính ám sát Hitler. Sau đây là một số vụ điển hình.


A- CÁC CUỘC ÁM SÁT HITLER DO NGƯỜI ĐỨC CHỦ ĐỘNG


I- HITLER CÓ SỢ BỊ ÁM SÁT KHÔNG?


Xin thưa: CÓ, vì bất cứ nhà lãnh đạo nào của một quốc gia cũng sợ bị ám sát. Cầm đầu một nước và lúc nào cũng phải đối đầu với các phe nhóm chống đối của người trong nước cũng như ngoại quốc, các thủ lãnh quốc gia làm sao tránh khỏi những cuộc ám sát? Hitler, một nhà độc tài tàn ác và là người gây nên Thế Chiến II, dĩ nhiên, đã bị chống đối trực diện hay ngấm ngầm bởi những người Đức và Đồng Minh. Lịch sử cho biết Hitler rất sợ các Tướng lãnh trong quân đội sẽ lật đổ mình, kể cả tổ chức của đảng những người không đồng ý với đường lối Hitler hay muốn bành trướng quyền lực. Bằng chứng: ngày 30.6.1934 Hitler đã giải tán và thủ tiêu thủ lãnh Ernst Rohm của lực lượng SA (Sturmab-teilung hay còn gọi là lính áo nâu), một tổ chức đã đưa ông Hitler lên đài danh vọng. Ernst Rohm bị thanh toán muốn lực lượng SA được đặt ngang hàng với Đảng (Nazi). Sau cuộc thanh toán này, người ta chế nhạo đảng Nazi đã được khai sinh trong máu đào. Không chỉ những người trong đảng, hai Tướng lãnh cao cấp nhất của quân đội Đức là Walter von Schleicher và Kurt von Bredow cũng bị giết chết vì chống đường lối của đảng và chống kế hoạch biến quân đội thành lực lượng quân sự của Nazi. Sau khi ra tay thanh toán tàn bạo đối lập, Hitler bắt quân đội phải tuyên thệ trung thành với mình và lần lượt cho về hưu hoặc thanh trừng thẳng tay nhiều Tướng lãnh và thay thế bằng những người thân tín trong đảng Đức Quốc Xã. Sau khi loại trừ lực lượng quân sự SA của đảng trước đây, Mật Vụ SS trở thành lượng chính bảo vệ đảng và lãnh tụ.


Hành động độc tài, thanh toán đối lập, tập trung quyền lực và phát động chiến tranh xâm lăng các quốc gia lân cận là nguyên nhân đưa đến sự chống đối và thủ tiêu Hitler cả ở trong nước lẫn ở ngoại quốc.


II- CÁC CUỘC ÁM SÁT HITLER TỪ 1939-1945


1- CUỘC ÁM SÁT TẠI BIÊN THÙY SIEGFRIED


Năm 1939, trước khi Thế Chiến II bùng nổ, Tướng Kurt von Hammerstein âm mưu giết Hitler bằng cách mời lãnh tụ thăm viếng vùng tiền tuyến Seigfried, nơi đặt bản doanh Bộ Tư Lệnh Tiền Phương giáp biên giới Hòa Lan. Tướng hồi hưu Ludwig Beck đề nghị giết Hitler bằng một tai nạn trong khi tới thanh tra tiền tuyến. Nhưng Hitler đã từ chối lời mời. Không hiểu âm mưu này có bị bại lộ hay không khiến Hitler, thay vì cám ơn Tướng Tư Lệnh Tiền phương, lại ghi tên Tướng Hammerstein vào danh sách các Tướng phải về hưu.


2- CUỘC ÁM SÁT TẠI MUNICH DO MỘT NGƯỜI THỤY SĨ THỰC HIỆN


Ngày 8.11.1939, George Elser, một thợ sửa đồng hồ người Thụy Sĩ làm việc tại Đức nhiều năm đã chứng kiến cảnh Đức Quốc Xã đàn áp nghiệp đoàn lao động thẳng tay, nên đã quyết dịnh ám sát Hitler bằng đặt chất nổ trong một cây cột tại phòng hội Burgerbrau Beer Celler, nơi Hitler tới đọc diễn văn. Ông ta điều chỉnh đồng hồ nổ vào đúng 9 giờ 20 phút. Hitler tới phòng hội lúc 8 giờ và bất ngờ chấm dứt bài diễn thuyết và rời phòng hội vào lúc 9 giờ 12 phút. 8 phút sau bom nổ làm chết 8 người và 65 người bị thương. Sau đó George Elser bị bắt đưa vào trại tập trung Sachsenhousen và chỉ bị Mật Vụ SS xử bắn hai tuần trước ngày Thế Chiến II chấm dứt 8.5.1945. Vụ ám sát vẫn còn nằm trong vòng bí mật. Người ta không hiểu tại sao Hitler và trùm mật vụ Himmler không xử bắn Elser như những người chủ mưu ám sát khác. Có thuyết cho rằng chính Himmler có dính tay vào vụ ám sát này với hai mục tiêu: thay thế Hitler hoặc dựa vào biến cố này để gia tăng quyền lực và tạo ảnh hưởng lớn trước lãnh tụ.


3- CUỘC ÁM SÁT TẠI PARIS LẦN 1


Thống Chế Erwin von Witzleben là Tướng lãnh thứ hai dự tính ám sát nhà độc tài qua kế hoạch mời Hitler tới thăm và vinh danh lãnh tụ bằng cuộc diễn binh tại Ba Lê vào ngày 21.5.1941. Nhưng cuối cùng kế hoạch thất bại vì cuộc thăm viếng Ba Lê của Hitler bị hủy bỏ vào giờ phút chót.


4- CUỘC ÁM SÁT TẠI PARIS LẦN 2


Theo kinh nghiệm của Tướng Erwin von Witzleben, một cuộc ám sát khác do Fritz-Dietlof von der Schulenberg chủ trương nhằm bắn sẻ Hitler trong cuộc diễn binh vinh danh lãnh tụ tại Ba-Lê vào ngày 27.7.1943. Kế hoạch không thành công vì Hitler lại bí mật thăm Ba Lê vào ngày 23.7.1943 từ 6 tới 9 giờ sáng và rời Ba Lê ngay sau đó. Một vài ngày sau Schulenberg nhận được vài chữ thông báo là cuộc diễn binh đã bất ngờ bị hủy bỏ.


5- CUỘC ÁM SÁT TẠI POLTAVA


Một âm mưu ám sát Hitler khác được hoạch định bởi Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn B tại Walki gần Poltava thuộc Ukraine. Lần này cuộc thanh toán do các Tướng Hubert Lanz, Tham Mưu trưởng; Thiếu tướng Bác sĩ Hans Speidel và Đại tá von Strachwitz, sĩ quan chĩ huy Trung đoàn chiến xa Grossdeutschland. Kế hoạch được đặt ra là bắt sống Hitler khi ông ta thăm Quân Đoàn Tiền Phương B vào năm 1943. Nhưng vào giờ chót Hitler thay đổi lộ trình. Thay vì tới thăm Bộ Tư Lệnh Tiền Phương, Hitler lại tới ủy lạo các lực lượng chiến đấu tại tiền tuyến Saporoshe ở phía Đông.


6- CUỘC ÁM SÁT TẠI SMOLENSK


Trong ngày 13.3.1943, có ba cuộc ám sát Hitler được hoạch định. Thống Chế Guenther von Kluge, Tư lệnh chiến trường Quân đoàn Trung ương tại phòng tuyến phía Đông mời Hitler thăm viếng Bộ Tư Lệnh của ông tại Smolensk. Tuy nhiên, một số sĩ quan trong Bộ Tư Lệnh tại Kluge đã có sáng kiến khác. Đại tá Henning von Tresckow, người rất căm thù Hitler và đảng viên Nazi đã cùng với Trung tá Fabian von Schlabrendorff, Đại tá Colonel Rudolf von Gersdorff và Đại úy Kỵ binh Georg von Boeslager lại hoạch định kế hoạch diệt trừ Hitler như sau:
-Kế hoạch 1: Đại úy von Boeslager và Đại đội của ông ta có nhiệm vụ hộ tống Hitler. Kế hoạch dự trù là sẽ phục kích giết Hitler trên đường di chuyển từ phi trường tới Bộ Tư Lệnh. Nhưng cuộc phục kích bị hủy bỏ, vì Hitler đã không dùng Đại đội hộ tống của Boeslager mà sử dụng 50 lính tín cẩn của cơ quan Mật Vụ SS bảo vệ trên đường di chuyển.


-Kế hoạch 2: Kế hoạch kế tiếp là giết Hitler vào lúc ăn cơm trưa tại phòng hội. Khi có dấu hiệu, Tresckow sẽ đứng dậy và chĩa súng bắn thẳng vào Hitler. Nhưng khi nhìn thấy quá nhiều mật vụ đứng sát chỗ ngồi của Hitler, Tresckow cảm thấy kế hoạch sẽ bị thất bại nên không dám hành động.


-Kế hoạch 3: Khi Hitler dời Bộ Tư Lệnh Tiền Phương về Bá Linh bằng máy bay, Tresckow hướng dẫn Schlabrendorff đưa cho Đại tá Heinz Brandt một hộp quà, vì ông này cùng đi máy bay với Hitler. Trong hộp có 2 chai rượu mạnh hiệu Brandy để tặng Thiếu tướng Helmuth Stieff ở Bá Linh. Trong hộp có dấu bom nổ theo giờ đã gài. Nhưng kế hoạch không thành công vì khi phi cơ bay ở độ cao, vùng không khí khá lạnh nên chất lỏng acid ở trong bộ phận kích nổ của trái bom bị đông lại. Kết quả là bom không nổ! Khi nghe tin Hitler đáp xuống phi trường an toàn, Schlabrendorff vội vã chạy tới thay thế hai chai rượu Brandy giả bằng hai chai rượu thật.


7- CUỘC ÁM SÁT TẠI BIỆT THỰ BERGHOF LẦN I


Ngày 11.3.1944, Đại-úy Kỵ binh Eberhard von Breitenbuch nhận thấy quân đội Đức bị thua nặng và bị thiệt hại quá nhiều trên chiến trường; nên bất mãn và quyết định phải giết Hitler. Breitenbuch tới biệt thự của Hitler nằm tại Obersalzberg với khẩu súng lục dấu trong mình với quyết tâm phải giết cho được Hitler, dù phải hy sinh mạng sống mình. Đại úy Breitenbuch đi vào phòng họp nằm phía sau chỗ Thống Chế Ernst Busch đang đứng thì bị Trung sĩ an ninh chận lại với lý do là Hitler ra lệnh không cho ai vào phòng họp lúc này. Thế là cuộc ám sát bất thành.


8- CUỘC ÁM SÁT TẠI BÁ LINH LẦN 1


Tháng hai 1944, Đại úy Bộ binh Axel von dem Bussche chấp nhận hy sinh mạng sống mình để giết Hitler bằng bom tự sát. Kế hoạch là dấu bom trong chiếc áo khoác ngoài mùa đông và đến trao tặng chiếc áo này cho lãnh tụ như một món quà khi Hitler tới thăm viếng binh sĩ. Nhưng rủi ro thay, vào ngay ngày hôm trước cuộc oanh tạc của Không quân Hoàng gia Anh quốc (Royal Air Force: RAF) đã phá hủy kho áo khoác mùa đông và ngày hôm sau Đại úy Bussche lại bất ngờ được lệnh phải ra tiền tuyến nên kế hoạch không thành.


9- CUỘC ÁM SÁT TẠI BÁ LINH LẦN 2


Một vài tuần lễ sau cuộc ám sát thứ hai cũng bằng cách trao tặng Hitler một áo khoác mùa đông. Lần này do chí nguyện binh Ewald Heinrich von Kleist, con trai của một trong những người chính thức tham gia vào kế hoạch đảo chánh, kể cả Thiếu-tướng Helmuth Stieff, thực hiện. Nhưng một lần nữa, bất ngờ cuộc oanh kích của Không quân Hoàng Gia Anh Quốc đã làm hỏng kế hoạch.


10- CUỘC ÁM SÁT TẠI BIỆT THỰ BERGHOF LẦN II


Ngày 11.7.1944, Đại tá Claus Schenk von Stauffenberg khẳng định là ông ta có thể giết chết Hitler trong cuộc họp tại biệt thự bằng dấu bom trong cặp xách tay. Đứng ngoài cổng là sĩ quan cộng tác, Đại úy Friedrich Klausing. Từ trong biệt thự, Đại tá Stauffenberg điện thoại cho đồng đội là không có mặt Goering và Himmler. Vì thiếu hai nhân vật đầu sỏ trong bộ máy tuyên truyền và Mật Vụ của Hitler nên toán ám sát quyết định hủy bỏ kế hoạch.


11- CUỘC ÁM SÁT TẠI RASTENBURG LẦN II


Sau thất bại tại biệt thự Berghof, Đại tá Stauffenberg tiếp tục thực hiện cuộc ám sát thứ hai ngay tại Tổng Hành Dinh "Wolf’s Lair" của Hitler ở phía Đông nước Phổ (Áo quốc). Ngày 15.7.1944, Stauffenberg tới tham dự buổi tường trình vắn tắt về tình hình cho Hitler nhưng không thấy có mặt trùm Mật Vụ Himmler. Nên cuộc ám sát lại bị hủy bỏ.


12- CUỘC ÁM SÁT TẠI RASTENBURG LẦN III


Sau hai cuộc ám sát không thành công, Đại tá Stauffenberg, Tham mưu trưởng Quân Trừ Bị (1943-44) tiếp tục cuộc ám sát lần thứ ba vào ngày 20.7.1944. Bốn ngày trước đó cuộc ám sát được bàn bạc và quyết định trong cuộc họp tại nhà ông ta ở số 8 đường Tristanstrasse, Wansee. Lần này có mặt Himmler hay không cuộc ám sát vẫn tiến hành. Lúc 12.00 Stauffenberg và Tướng Fromm tường trình ngắn gọn cho Thống Chế Keitel trước khi vào phòng hội Rastenburg, phía Đông nước Phổ. Lúc 12.37, Stauffenberg để cái cặp có bom nổ dưới chiếc bàn trên mặt có trải bản đồ hành quân, rồi kiếm cớ phải gọi điện thoại nên rời phòng hội. Người sĩ quan tới sau ngồi vào chỗ của Stauffenberg thấy chiếc cặp dưới bàn bèn lấy chân đẩy ra xa. Lúc 12.42 bom nổ khi Stauffenberg trên đường trở về Bá Linh. 18.28 đài phát thanh tường trình từ Tổng Hành Dinh Wolf’s Lair cho biết Hitler sống sót. Ngay đêm đó, vào lúc 24.30 Đại tá Stauffenberg và các bạn cộng tác gồm: Haeften, Olbricht và Mertz bị bắt và bị xử bắn ngay trước sân Tổng Hành Dinh. Trước khi bị bắn, Stauffenberg đã hô to khẩu hiệu: "Đức quốc anh linh muôn năm".
Bom nổ đã gây thiệt hại về nhân mạng được ghi nhận như sau: Adolf Hitler (sống sót nhưng bị thương nặng tay phải và màng nhĩ), Tướng Heusinger (sống sót), Tướng Không quân Korten (chết vì vết thương), Đại tá Brandt (chết vì vết thương), Tướng Không quân Bodenschatz (bị thương nặng, Tướng Schnunt (chết vì vết thương), Trung-tá Borgman (bị thương nặng), Thống Soái Von Puttkamer (sống sót), Thư ký Berger (chết tại chỗ) và 14 Tướng, Tá và nhân viên khác thoát chết.


13- CUỘC ÁM SÁT BẰNG HƠI NGẠT


Tháng hai 1945, Albert Speer, Bộ trưởng Quân nhu, Quân cụ nhận thức rằng Hitler đã phản bội dân tộc Đức quá mức. Vì thế ông quyết định ám sát thủ lãnh của mình. Khi Speer đi bộ với Hitler trong vườn Chancellery, ông ta để ý tới ống dẫn không khí tới hầm trú ẩn an toàn của Hitler. Speer chợt có ý nghĩ giết Hitler và bí mật hỏi Dieter Stahl, người đứng đầu ngành sản xuất quân cụ và yêu cầu cung cấp một ít hơi độc mới để truyền vào ống dẫn không khí của hầm trú ẩn. Dieter cùng có mục tiêu như Speer, nhưng cho biết là khí độc Tabun chỉ hữu hiệu sau một sự bùng nổ và không thích hợp trong mục tiêu này. Một loại hơi độc khác đã tìm được, nhưng toàn bộ ý định của hai người đã phải bỏ dở vì mật vụ SS được lệnh canh phòng cẩn mật chung quanh, bên đường dẫn vào hầm và trên nóc hầm trú ẩn của Hitler. Ống khói cũng được xây cao khoảng 3 mét chung quanh ống dẫn hơi để chỗ hút không khí vào ống không chạm tới. Sau khi Thế Chiến II chấm dứt, mặc dù có ý định giết Hitler; nhưng Albert Speer vẫn bị tòa án tội phạm chiến tranh Nuernberg kết án 20 năm tù.


B- CÁC CUỘC ÁM SÁT HITLER DO ĐỒNG MINH THỰC HIỆN


Lịch sử chứng minh rằng các nhà lãnh đạo quốc gia Hoa Kỳ, Anh và Pháp trong thời gian đầu đã không nhiệt tình trợ giúp chương trình lật đổ Hitler của các nhà cách mạng và Tướng lãnh Đức. Chính vì vậy mà Đức Quốc Xã tồn tại và mở rộng chiến tranh toàn châu Âu.


1- ANH QUỐC


Năm 1944, Sở Hành quân Đặc biệt "SOE" (Special Operations Executive) của Anh quốc chủ trương "Cuộc Hành quân Foxley" nhằm ám sát Hitler. Kế hoạch này được giải mật vào tháng 7 năm 1998.


Tháng năm 1942, sau khi một trong số những nhân vật quan trọng nhất của Mật Vụ Gestapo bị ám sát bởi một người Tiệp Khắc do SOE huấn luyện, Hitler đã trả thù bằng tàn sát 5.000 thường dân vô tội. Sự kiện này cho thấy giết Hitler mà không thành công cũng mang tai họa đến cho nhiều người. Cơ quan SOE được thành lập vào năm 1940 nhằm mục đích làm suy yếu quân đội Đức và phá hoại địch quân ở ngoại quốc. Phần lớn các hoạt động xẩy ra ở châu Âu, nơi đang chịu sự xâm lăng của Đức. Cuộc hành quân Foxley bắt đầu kế hoạch vào năm 1944, mặc dù có sự bất đồng trong nội bộ. Đặc biệt Thủ tướng Chamberlain, Thủ tướng Winston Churchill và Tổng thống Pháp Edouard Daladier, kể cả sau khi Hitler chiếm Tiệp Khắc, đã không nhiệt thành với kế hoạch ám sát Hitler và lật đổ chế độ Đức Quốc Xã của các nhà cách mạng Đức.


2- SÔ VIẾT


Stalin, nhà độc tài cộng sản Sô Viết sau khi bị Hitler phản bội hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau đã công khai ủng hộ các tù binh chiến tranh và sĩ quan Đức lật đổ chế độ. Stalin cũng tuyên bố Hitler và dân Đức không phải là một, nên sẽ được đối xử khác nhau. Stalin đã yểm trợ các tù binh chiến tranh của Đức và thành lập một tổ chức mang tên "Ủy Ban Sĩ Quan Đức Cho Một Đức Quốc Tự (the German Officers’ Committee for a Free Germany). Nhưng không người Đức nào tin tưởng vào kế hoạch của Stalin.


3- HOA KỲ


Tổng thống Franklin D. Roosevelt, Bộ trưởng Ngoại giao Cordell Hull đã không quan tâm tới đề nghị của Tướng William J. Donovan, Giám đốc Sở Đặc nhiệm Chiến lược (O.S.S) về kế hoạch yểm trợ đối lập Đức lật đổ Hitler. Lý do: Hoa Kỳ còn dè dặt và để tùy thuộc vào sự cố vấn của tình báo Anh quốc S.I.S (Secret Intelligence Service); đồng thời muốn Hitler phải đầu hàng vô điều kiện, một đòi hỏi mà theo Tướng Donovan Hitler không bao giờ chấp nhận.


KẾT LUẬN:


Như trên đã trình bày, 13 kế hoạch giết Hitler đã bị thất bại. Có phải số mệnh của Hitler quá lớn không? Qua các sự kiện nêu trên, người ta thấy Hitler đã thoát nạn trong nhiều trường hợp một phần vì linh tính báo trước, một phần vì cơ quan Mật Vụ SS đã cẩn thận bảo vệ lãnh tụ của họ. Sau vụ ám sát ngày 20.7.1944 do Đại tá Stauffenberg chủ mưu, Hitler chỉ bị thương tay phải và bị thủng một màng nhĩ. Thấy mình sống sót, Hitler quá tự tin và không ngần ngại tự cao tự đại tuyên bố là ông ta "không thể bị sát hại, ông ta bất tử".
Tuy nhiên, Hitler đã không bất tử. Khi Hồng Quân của Sô Viết chiến thắng tiến vào Bá Linh, Hitler đã tự sát ngày 30.4.1945 đúng vào ngày sinh nhật của ông ta 20.4.1889. Hitler chết trong hầm trú ẩn xây ngầm dưới đất cùng với vợ mới cưới vào ngày hôm trước là Eva Braun. Trong nghi thức cưới gấp rút có sự chứng kiến của Goebbels, Bộ trưởng Tuyên truyền và Martin Bormann, người được Hitler trao quyền thừa kế. Ngẫm nghĩ cho cùng: ở đời ai không phải chết?