Dân Chúa Âu Châu

ĐGH Gioan Phaolo II, Nhà lãnh đạo xuất chúng đã từ trần


BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG


Ngày thứ bẩy 02.04.2005, cả Giáo Hội Công Giáo bàng hoàng, khắp thế giới rúng động khi nghe tin ĐTC Gio-an Phao-lô II từ trần!
-Tại sao một vị lãnh tụ Giáo Hội Công Giáo lại được cả thế giới ngưỡng mộ trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21?
-Tại sao các chế độ Cộng sản lại thù hận vị lãnh đạo tinh thần của một tôn giáo có uy tín nhất thế giới?
Để trả lời cho các thắc mắc này, chúng tôi xin trình bày một số dữ kiện liên quan về lãnh vực chính trị trong thời gian tại vị của ĐGH (ĐGH).


I- ĐÔI HÀNG VỀ ĐGH GIO-AN PHAO-LÔ II


ĐGH tên thật là Karol Jozef Wojtyla, sinh năm 1920 tại Ba Lan, thành phố Wadowice, nơi có khoảng 8.000 người Công giáo và 2.000 người Do Thái. Wadowice cách Krakow khoảng 35 dặm về phía Tây-Nam. Cha Ngài là Karol Wojtyla, một sĩ quan hồi hưu, mất năm 1941. Mẹ Ngài là Emilia Kaczorowska Wojtyla, một giáo viên, mất năm 1929.
Sau khi mãn Trung học, Ngài cùng cha di chuyển đến Krakow năm 1938 để học văn chương và triết học tại đại học Jagiellonia. Tháng hai 1941 cha của Ngài qua đời lúc 61 tuổi. Giấc mơ được nhìn con làm Linh mục của ông không thành. Ngài tiếp tục học thần học dưới thời Đức Quốc Xã và phải ẩn náu tại Tòa TGM Krakow cho tới khi Thế Chiến II kết thúc. Ngài tiếp tục học đậu bằng cử nhân và tiến sĩ triết học trước khi thụ phong Linh mục và làm Cha phó Krakow vào năm 1949.


Trong thời gian đầu làm Linh mục, Cha Karol Wojtyla đặc trách tuyên úy cho sinh viên tại thánh đường thánh Floria ở Krakrow, gần đại học Jagiellonia. Ngài tiếp tục học lấy bằng tiến sĩ thần học; nhưng khoa này bị nhà cầm quyền cộng sản hủy bỏ vào năm 1954. Ngài phải ẩn thân tại đại học Công giáo Lubin, một đại học duy nhất dưới thời Cộng sản. Năm 1956 Ngài được bổ nhiệm vào chức vụ chủ tịch khoa luân lý đạo đức của đại học Công giáo và được phong Giám mục Phụ tá Krakrow vào năm 1958. Sau đó trở thành TGM và được ĐGH Phao-lô VI phong chức Hồng Y vào năm 1967, rồi được bầu Giáo Hoàng vào năm 1978, lúc mới 58 tuổi.


Tuy là một vị lãnh đạo tinh thần có khuynh hướng canh tân; nhưng Ngài lại cương quyết chống Chủ nghĩa Cộng sản và các chế độ độc tài. Sự kiện này có thể là hậu quả của những năm Ngài bị sống dưới chế độ độc ác của Đức Quốc Xã và Cộng sản tại Ba Lan.


Trong quyển tiểu sử ĐGH tác giả George Blazynski viết rằng: Ngài là kẻ thù của Chủ Nghĩa Cộng Sản (CNCS), vô địch về nhân quyền, một nhà thuyết giảng hùng hồn, một trí thức uyên bác có thể đánh bại người Mác-xít bằng đối thoại."


Theo tác giả George Weigel, khi viết về ĐGH, người đòi quyền xây cất thánh đường, bảo vệ các nhóm trẻ và "truyền chức Linh mục chui" ở Tiệp Khắc, khi được hỏi Ngài có sợ bị nhà cầm quyền CS trả thù không, thì Ngài trả lời: "tôi không sợ". Ngược lại "họ sợ tôi".


II- ĐGH GIO-AN PHAO-LÔ II LÀ NHÀ CHÍNH TRỊ LỪNG DANH TRÊN THẾ GIỚI VÀ CÓ CÔNG TRONG VIỆC LÀM SỤP ĐỔ CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN LIÊN-SÔ VÀ ĐÔNG ÂU


2.1- Tại sao lại nói ĐGH là một nhà chính trị lừng danh trong khi thực tế Ngài chỉ là Giáo Chủ của Giáo hội Công giáo hoàn vũ?
Để hiểu rõ vấn đề mời quí độc giả cùng ngược giòng thời gian để tìm hiểu một số dữ kiện lịch sử và văn kiện pháp lý liên quan tới vai trò của Vatican trên chính trường thế giới.
Trước đây lãnh thổ của Vatican rộng tới 44.000 km2, chạy dài từ bờ biển phía Đông sang phía Tây của miền Trung nước Ý và dân số có khoảng 3 triệu người. Vào các năm 1859-60 và 1870 quốc gia của Giáo Hoàng bị sát nhập vào Vương quốc Ý. Các cuộc tranh đấu của các Giáo Hoàng với chính quyền Ý kéo dài hơn nửa thế kỷ, cho mãi tới ngày 11.2.1929 mới đem lại kết quả. Vấn đề đã được giải quyết qua 3 thỏa hiệp được ký kết giữa Tòa Thánh và chính phủ Ý:


1-Hiệp ước chính trị công nhận chủ quyền độc lập hoàn toàn của Tòa Thánh trong thành phố Vatican.
2- Thỏa hiệp quy định tình trạng tôn giáo và Hội Thánh trong quốc gia Ý.
3- Thỏa ước tài chánh, theo đó, Tòa Thánh nhận được 750 triệu đồng tiền mặt (lire) và một ngàn triệu đồng thuộc 5% công khố phiếu của nước Ý. Số tiền này là quyết định tối hậu về tài chánh của Tòa Thánh do hậu quả mất quyền lợi vật chất trong năm 1870. Hiệp ước và Thoả hiệp được phê chuẩn vào ngày 7.6.1929 và chúng không chỉ được ký kết trên văn bản song phương, nhưng còn được ghi rõ trong hiến pháp năm 1947 của nước Ý. Thỏa hiệp tu chính giữa Cộng hòa Ý và Tòa Thánh được thảo luận tiếp và ký kết vào năm 1984. Thỏa hiệp này có hiệu lực kể từ ngày 3.7.85.


Qua các văn bản trên, chúng ta thấy ĐGH, về phương diện chính trị, chính là Tổng thống của một quốc gia nhỏ bé hiện nay có khoảng hơn một ngàn dân; nhưng có cơ sở ngoại giao (Khâm Sứ Tòa Thánh) tại 163 quốc gia

.
2.2- Tại sao lại nói ĐGH Gio-an Phao-lô II là một nhà chính trị lừng danh?


Trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi xin đưa ra các dữ kiện sau đây để chứng minh vai trò thiết yếu và các thành công trong hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh nói chung và của ĐGH nói riêng trong suốt thời gian Ngài lãnh đạo quốc gia Vatican.


-ĐGH là trung gian hòa giải vụ giải thoát 52 con tin người Mỹ bị bắt ngày 20.1.1981. Sự kiện diễn ra sau cuộc cách mạng của lực lượng Hồi Giáo do đạo sĩ Ayatollah Ruhollah Khomeini thuộc hệ phái Shia lãnh đạo. Họ đã lật đổ nhà vua Shiah của Iran vào năm 1979 và ông vua cuối cùng của Ba Tư phải chạy tị nạn sang Pháp.
-ĐGH là đối tượng cần phải giết chết của Chế độ Cộng sản Sô-viết. Bằng chứng có thể nhận định qua lời tuyên bố của trùm mật vụ KGB ngay sau khi ông ta được tin Ngài lên ngôi Giáo Hoàng.
Theo tác giả George Weigel thì khi cuộc bầu cử cho Wojtyla được công bố, Yuri Andropov trùm mật vụ KGB của Liên Bang Sô-Viết cảnh giác Bộ Chính Trị rằng sẽ có thể có những biến động trước mắt. Thực tế đã xẩy ra. Ngày 13.5.1981 vào lúc 17 giờ 19 phút ĐGH bị một người Thổ tên là Melmet Ali Agca ám sát trong khi Ngài đang tiếp xúc với giáo dân tại quảng trường Thánh Phê-rô. Theo tin tức phối hợp thì tình báo Sô-Viết đã chủ mưu trong vụ này qua trung gian tình báo Đông Đức và Bulgaria.
Tuy vậy, ĐGH đã thoát chết và trước kẻ thù Ngài vẫn chủ trương "Lấy tình thương xóa bỏ hận thù"ø. Ngày 27.12.1983, Ngài đã tới thăm tù nhân Ali Agca tại khám đường Rebibbia. Sau đó Ngài đã phát biểu:


"Tôi đã nói chuyện với Ali Agca khoảng 10 phút. Chắc chắn là thời gian ngắn ngủi đó không đủ để tôi thấy rõ những lý do và mục tiêu của việc mưu sát tôi, một công việc có lẽ rất phức tạp. Nhưng có một điều chắc chắn, đó là Ali Agca bị kích xúc rất nhiều, không phải vì đã bắn tôi, nhưng vì đã không thành công trong việc giết tôi, vì từ trước đến nay ông ta vẫn tin mình là kẻ giết người không hề giết hụt một ai cả. Xin hãy tin tôi: Sự kiện phải nhìn nhận rằng có một ai hoặc một cái gì đó làm cho ông ta không bắn chết được tôi khiến ông ta bị đảo lộn và kinh hoàng".
ĐGH vẫn tin rằng chính Đức Mẹ đã làm cho những viên đạn phát xuất từ nòng súng của Ali Agca đi trệch đường và không trúng vào cơ phận chủ yếu của Ngài. Viên đạn đó hiện được ĐGH cho gắn vào triều thiên tượng Đức Mẹ ở Trung tâm Thánh Mẫu Fatima bên Bồ Đào Nha. Đai áo lưng của ĐGH bị viên đạn xuyên qua hiện được giữ tại đền thánh Đức Mẹ Jasna Gora ở Ba Lan.


Nhà văn Marco Politi, người đã viết quyển tiểu sử ĐGH khi hỏi Ngài sẽ được nhớ đến như thế nào trong lịch sử, Ngài đã trả lời:
- Chắc chắn là một người khổng lồ trong cuộc chiến chống lại các chế độ toàn trị… - là một nhà lãnh đạo đại diện cho những giá trị truyền thông như hòa bình, công lý và đoàn kết.
- ĐGH là linh hồn của Phong trào Đoàn Kết Solidarity (Solidanorsc) của Ba Lan trong trận chiến đòi độc lập tự do dân chủ. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của ĐGH, ngày 26.8.1988 Giáo Hội Công Giáo Ba Lan đã yêu cầu nhà cầm quyền công nhận Nghiệp đoàn độc lập Solidarity.


Lech Walesa, cựu lãnh tụ Phong trào Đoàn Kết và cựu Tổng thống Ba Lan tuyên bố: "ĐGH ảnh hưởng tới cuộc chấm dứt Chủ Nghĩa Cộng Sản tại Đông Âu (không có Ngài), CNCS sẽ không chấm dứt hoặc ít nhất nó sẻ diễn ra rất chậm và sự cáo chung có thể sẽ đẫm máu."


- ĐGH là nguyên nhân chính của sự sụp đổ bức tường Bá-linh (10.11.1989), sự tan rã của chế độ Cộng sản Sô-viết và Đông Âu.
Sự kiện này một lần nữa được bà Margaret Thatcher, cựu Thủ tướng Anh xác nhận:"hàng triệu người được thừa hưởng tự do và tự trọng, đời sống của Ngài là chiến đấu chống sự gian dối nhằm thi hành tội ác. Chống sự giả dối của CNCS và công bố giá trị đích thực của con người, sức mạnh luân lý của Ngài đã đưa tới sự chiến thắng cuộc chiến tranh lạnh."


- ĐGH là biểu tượng của hòa bình và công lý. Ngài từng kêu gọi các phe phái hãy giải quyết cuộc xung đột tại Bosnia-Hezegovina và Kosovo vào các năm 1991-1995, một cách hòa bình.
- ĐGH đã giải quyết êm đẹp biến cố Panama. Trước hành động bạo hành và đứng đầu đường dây buôn lậu thuốc phiện xuất cảng vào Hoa Kỳ, chính phủ Mỹ ra lệnh cho quân đội đổ bộ vào Panama để bắt Tướng Noriega. Tướng Noriega đã xin tị nạn tại tòa Khâm sứ. Sau các cuộc thương lượng ôn hòa, ông ta đã tự ra đầu thú.


- ĐGH đã kêu gọi giải quyết hòa bình trong hai cuộc xung đột có nguy cơ bộc phát thành chiến tranh là: cuộc xung đột biên giới giữa Peru và Ecuador; và cuộc xung đột giữa chính phủ Mễ Tây Cơ và dân thiểu số qua tổ chức ZAPATA


- Có thể nói ĐGH và cố TT. Ronald Reagan của Hoa Kỳ đã đồng thuận chương trình đánh sụp chế độ CS Ba Lan nói riêng và Đông Âu nói chung. ĐGH với sự vùng dậy của phong trào Đoàn Kết Ba Lan và TT. Reagan với chương trình "chiến tranh các vì sao". Chương trình này nhằm mục đích thi đua vũ trang để làm cho nền kinh tế của Sô Việt bị kiệt quệ. Chính vì vậy mà Tổng Bí Thư Gorbachev đã phải đề ra chính sách xét lại và sống chung hòa bình.


Người ta được biết TT. Reagan tới thăm ĐGH ngày 6.6.1987 và chỉ 2 ngày sau (8.6.1987) Ngài trở về thăm Ba Lan lần thứ ba. Với sự khuyến khích và hỗ trợ tích cực của Ngài, nhà cầm quyền Ba Lan đã tỏ thái độ hòa hoãn và là nước cộng sản đầu tiên đã tái lập quan hệ ngoại giao với Vatican ngày 17.7.1989. Thành quả này đưa tới kết quả dây chuyền là Albania cũng tái lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh vào ngày 7.9.1990 và Nga Sô ngày 1.1.1991.


-Với tâm niệm từ lời Chúa "Chúng con đừng sợ", Ngài đã thẳng thắn tố cáo Trung Quốc và Việt Nam đàn áp tôn giáo trước 163 đại sứ, khi họ tới chúc mừng năm mới ngày 13.1.1996.
- ĐGH đã tranh đấu cho Đông Timor được độc lập thoát sự khống chế của chính quyền Nam Dương. Thành quả được chứng minh qua cuộc tổng tuyển cử tự do đã diễn ra vào ngày 30.8.1999.
- ĐGH đã thành công trong chính sách ngoại giao với các chế độ CS còn lại. Thành quả đó được chứng minh qua việc các Giám mục VN, Lào và Căm Bốt được phép tới thăm Tòa Thánh từ 8 tới 13.2.1999.


- ĐGH đã tới thăm Cuba ngày 19.11.1998. Một sự kiện khó tin nhưng có thật là trùm Cộng sản Fidel Castro đã tham dự thánh lễ do ĐGH cử hành ngày 25.1.1998. Trong biến cố ĐGH tạ thế vừa qua, Fidel Castro cũng đã tới dự lễ tưởng niệm tại Thánh đường thủ đô Havana. Sự kiện này chứng tỏ nhà lãnh đạo CS Cuba rất ngưỡng mộ ĐGH, mặc dù Ngài đã từng phê phán chế độ của ông ta. Sự kiện này cũng chứng tỏ các nhà lãnh đạo Cộng sản Đông Âu và Cuba có thái độ tiến bộ hơn CS Việt Nam và Tàu Cộng.
Về phía Việt Nam thì Đại sứ Lê Vĩnh Thử, đã thay mặt Nhà nước đến viếng và ghi sổ tang tại Tòa thánh Vatican. Bộ trưởng Ngoại giao VN cũng cho biết đại sứ Việt Nam tại các nước có cơ quan đại diện của Tòa thánh Vatican được lệnh đến ký sổ tang tại cơ quan đại diện của Tòa Thánh tại nước đó.


III- CÁC VẤN ĐỀ GIÁO HỘI VÀ TOÀN CẦU


3.1- Phê bình Chủ nghĩa Tư Bản


Không chỉ cương quyết chống lại Chủ nghĩa Cộng sản toàn trị, Ngài còn khuyến khích các tổ chức đối lập chống lại các nhà độc tài như: Alfred Stroesner ở Paraguay, Augusto Pinochet của Chí Lợi, Ferdinand Marcos của Phi Luật Tân v.v... Đặc biệt khi tới thăm Cuba, Ngài không ngần ngại phê bình chủ tịch Fidel Castro về sự thiếu tự do tôn giáo tại nước Cộng sản này. Đồng thời Ngài cũng lên án Hoa Kỳ đã phong tỏa đất nước nghèo đói Cuba.


Hơn thế nữa, vì nhân quyền và cuộc sống của nhân loại, ĐGH đã thẳng thắn phê bình cả Chủ nghĩa Tư Bản, trong đó có Hoa Kỳ và Tây phương, những quốc gia quá đề cao Chủ nghĩa Tiêu thụ, đến nỗi làm mờ đi các giá trị luân thường đạo đức. Ngài đã coi các quốc gia đề cao Chủ nghĩa Vật chất như là các xã hội với "nền văn hóa của sự chết"(A culture of death).


Vì thế, Ngài đã:


-Kêu gọi các quốc gia tư bản hãy xóa nợ nần của các nước nghèo đói.


-Kêu gọi tôn trọng công lý và nhân quyền song song với chương trình tái tạo cơ cấu kinh tế và chính trị. Vấn đề này được đặt ra trong bài diễn văn đọc tại Sudan năm 1993.
3.2- Không chấp nhận các hành động đi ngược lại với đời sống tình dục tự nhiên hay tập quán luân lý đạo đức của Giáo Hội.
-Lên án phá thai.


Nhân dịp Quốc hội Ba Lan thông qua dự luật cho phép phá thai vào năm 1996, bằng một phản ứng tích cực, ĐGH đã tuyên bố: "Một quốc gia giết chết trẻ em của mình sẽ không có tương lai… và phá thai là sự hủy diệt hợp pháp!"


-Song song với việc chống đối những người đang tâm giết chết các bào thai, Ngài còn phản đối việc dùng các vật bảo vệ bộ phận sinh dục (condom) trong chuyện tình ái và lên án các cuộc hôn nhân đồng tình luyến ái. Theo Ngài "đó là một phần của lý thuyết tội lỗi".
-Trước sự tranh đấu cho nam nữ bình quyền và do sự thiếu hụt các Linh mục tại một số nơi, ĐGH vẫn giữ vững lập trường là từ chối việc truyền chức Linh mục cho nữ giới.


3.3- Một Giáo Hội Duy Nhất


Trước sự lan tràn của nhiều giáo phái, Ngài tiếp tục khẳng định uy quyền tối cao của Giáo Hội La mã, người thừa kế nhiệm vụ chăn dắt đàn chiên mà Chúa Giê-su đã truyền cho Thánh Phê-rô. Tuy vậy, vì là anh em cùng tin vào Thiên Chúa, Ngài chủ trương đoàn kết và đối thoại với các Giáo Hội Chính Thống và Tin Lành.


Ngài cũng đã tới thăm Do Thái để xóa tan mặc cảm và sự bài bác một dân tộc đã giết Chúa. Năm 1998 Ngài đã xin lỗi vì người Công giáo đã không nhiệt tình cứu giúp dân Do Thái trước sự ruồng bắt và tiêu diệt của Đức Quốc Xã.


Tháng ba năm 2000, Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên đã xin Chúa thứ tha các lầm lỗi của Giáo Hội trong những thế kỷ trước đây.


Là một Giáo Hoàng cao tuổi và được mệnh danh là bảo thủ, nhưng Ngài lại trở thành "thần tượng" của giới trẻ. Các đại hội thế giới dành cho tuổi trẻ đã thu hút hàng triệu thanh thiếu niên khắp thế giới là một chứng minh hùng hồn về niềm tin của tuổi trẻ Công Giáo vẫn còn nhiệt thành.


Là một chủ chiên, Ngài đã du hành đến nhiều quốc gia trên thế giới để hâm nóng tình thương, khích lệ con chiên và thức tỉnh những người lầm lạc. Hơn 200 cuộc du hành mục vụ tới trên 120 quốc gia chứng tỏ ĐGH không biết mệt mỏi và không bao giờ muốn bỏ rơi các con chiên của Ngài.


KẾT LUẬN


Sự ra đi của ĐGH là một mất mát lớn cho Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Nhưng con người ai không phải chết? Cái chết của ĐGH không phải là một cái chết vô danh. Ngài đã ra đi vĩnh viễn nhưng danh tiếng của Ngài vẫn còn bao trùm cả thế giới.
Cùng thông công với nỗi buồn chung của Giáo Hội, chúng ta hãy cùng nhau dâng lời kinh nguyện xin Chúa hãy thứ tha mọi lỗi lầm và đón Ngài vào Nước Trời.