Dân Chúa Âu Châu

Berut "Hòn Ngọc" của Trung Đông


BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG


Trong những ngày qua, chúng ta được chứng kiến đám tang lớn nhất của dân chúng Lebanon tiễn đưa cố Thủ tướng Rafik Hariri về bên kia thế giới và cuộc biểu tình vĩ đại của cả trăm ngàn người nhằm lên án kẻ sát nhân và đòi quân Syria rút ngay ra khỏi Lebanon. Tại sao biến cố này đã gây nhiều chú ý đối với các nhà lãnh đạo, cũng như dân chúng, trên toàn thế giới?
Để trả lời cho thắc mắc này, chúng tôi mời Quí Vị cùng hướng về Beirut, thủ đô từng vang danh một thời tại Trung Đông.


I- BERUT "HÒN NGỌC" CỦA TRUNG ĐÔNG


Ngược giòng thời gian, người ta thấy thủ đô Beirut của Lebanon đã từng được gọi là "Hòn Ngọc châu báu của Trung Đông", cũng như Sài Gòn xưa kia được mệnh danh là "Hòn Ngọc châu báu của Á Châu". Từ một địa danh quí hóa như vậy, tại sao Lebanon lại trở thành chiến địa và nơi chứa chấp khủng bố như ngày nay?
Ngược giòng thời gian, người ta được biết: sau 20 năm dưới sự bảo trợ của Pháp quốc, Lebanon tuyên bố độc lập vào ngày 26.12.1941. Khi đất nước được độp lập, ai cũng mong mỏi thủ đô Beirut sẽ nổi danh như trong quá khứ. Nhưng hỡi ôi! Hòa bình chưa được bao lâu, Lebanon lại bị rơi vào cuộc xung đột nội bộ trầm trọng. Nhiều nguyên do đưa tới sự bất ổn chính trị và xung đột đẫm máu tại miền đất rộng khoảng 10,5 cây số vuông, với dân số khoảng 4,3 triệu người có thể bắt nguồn từ dữ kiện tôn giáo. Lý do: đa số di dân tới Lebanon từ các nước Ả Rập trong vùng, gồm có: 35,2% dân Muslim hệ phái Shia (Shi’ite), 23% dân Muslim hệ phái Sunni, 27% dân Thiên Chúa Giáo (Maronite), 10% dân Druse, một nhóm Muslim sống có vẻ bí mật ở miền cao nguyên và rừng núi.


Sự khác biệt quan điểm về chính trị và tôn giáo đã đưa tới cuộc nội chiến kể từ năm 1958. Hậu quả của cuộc chiến nồi da xáo thịt đưa tới sự xâm lăng của Syria vào năm 1976. Với sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc, ngày 24.12.1990, chính phủ Lebanon mới được tái thành lập và quân đội được lệnh giải giới các lực lượng võ trang. Tuy nhiên, tổ chức Hizbollah do Iran yểm trợ vẫn được phép hoạt động tại vùng phía Nam. Sự lợi dụng phía Nam Lebanon làm căn cứ khủng bố vào lãnh thổ Do Thái của tổ chức Hizbollah và phong trào kháng chiến PLO của Palestine đưa tới cuộc tấn công vào thủ đô Beirut của quân đội Do Thái và tạo nên cuộc xung đột giữa Do Thái và Syria từ năm 1976 tới 1990.


Quân đội Syria can thiệp vào Lebanon trong thời gian năm 1975-1990 được giải thích là vì cuộc nội chiến dằng dai; nhưng thực chất là để giúp dân Muslim. Tín đồ Thiên Chúa Giáo thuộc phe thiểu số đã bị các lực lượng của người Muslim và Palestine trấn át các dân tộc khác để chiếm ưu thế về kinh tế và chính trị. Năm 1982, khi Do Thái tràn qua Lebanon để tiêu diệt toàn bộ sào huyệt của Phong trào Giải phóng Palestine do Yasser Arafat cầm đầu thì nhóm Tín hữu Thiên Chúa Giáo được Do Thái che chở. Cũng từ thời điểm này, Hoa Kỳ, Đồng Minh và Liên Hiệp Quốc đã phải can thiệp và gửi quân đội bảo vệ hòa bình tới Lebanon nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột nội bộ trong vùng.


Từ thời kỳ đó, Syria kể công là binh lính đã phải đổ máu nhiều để vãn hồi trật tự và nền độc lập của Lebanon; nên họ có quyền ở lại để bảo đảm hòa bình. Đồng quan điểm với các nước Ả Rập trong vùng, Syria cho rằng nếu quân đội của họ rút khỏi Lebanon, Do Thái sẽ xen vào nội bộ nước này và gây nên các cuộc xung đột khác trong vùng.


II- TẠI SAO CỰU THỦ TƯỚNG LEBANON BỊ GIẾT?


Cố TT. Hariri sinh ở tỉnh Sidon, phía Nam Lebanon, hệ phái Sunni. Ông từng học tại Đại học Ả Rập Beirut, và có tham gia phong trào quốc gia Ả Rập. Lúc 21 tuổi, ông rời Đại học sang Ả Rập Saudi thiết lập công ty xây dựng và hợp tác với công ty Oger của Pháp để trở thành công ty xây cất lớn nhất trong vùng Trung Đông. Qua nghiệp vụ, Hariri làm quen được vua Fahd của Ả Rập Saudi, rồi trở thành đặc sứ chính trị của vua tại Lebanon. Vì yêu quê hương, ông trở về Lebanon thành lập quỹ văn hóa và giáo dục, mở trường học và cơ sở an sinh xã hội. Chính vì vậy mà ông được dân chúng quí mến.


Là đặc sứ của vua Fahd, ông đã môi giới hòa bình giữa các nhóm kháng chiến vào năm 1983, 1984. Ông cũng có công đem lại sự thân thiện giữa Tổng thống Amin Gemayel và Tổng thống Syria vào năm 1985. Năm 1992, ông trúng cử vào Quốc Hội và được đề cử vào chức vụ Thủ tướng vào tháng mười hai cùng năm. Thủ tướng Hariri là người nổi tiếng và được dân mến chuộng vì các chương trình tái thiết và phát triển Lebanon trong suốt thời gian dài từ 1992-98 và từ năm 2000 tới khi từ chức vào tháng mười 2004, sau khi Quốc Hội gia hạn nhiệm kỳ ba năm nữa cho Tổng thống TT. Emile Lahoud.


Không như các vị tiền nhiệm, TT. Hariri là một lãnh tụ cực lực chống lại sự hiện diện của hơn 14.000 lính Syria tại thủ đô Beirut và chống lại ảnh hưởng chính trị của Syria đè nặng trên đất nước, một xã hội có nền văn hóa hòa hợp giữa Đông và Tây. Sự chống đối Syria của TT. Hariri tạo nên bất mãn không chỉ về phía chính quyền Syria, mà cả các nhóm chính trị đối lập thân Syria. Đây là nguyên nhân chính yếu không chỉ dân Lebanon mà Hoa Kỳ và Đồng Minh đều nghi ngờ Syria chủ mưu trong vụ thanh toán ông bằng khủng bố.
Để giết TT. Hariri, bọn khủng bố đã dùng cả tấn thuốc nổ chôn ngầm dưới đất để sát hại khi xe của ông đi qua. Ngay sau vụ nổ ngày 14.2.2005, giết chết TT. Hariri cùng 16 người và 137 người bị thương, đài truyền hình Ả rập Jazeera đã chiếu hình thủ phạm nhận trách nhiệm là một người Palestin, tên Ahmed Abu Adas. Tên khủng bố này nói đó hình phạt cho Hariri vì ông ta thân với chính quyền Ả Rập Saudi. Qua hình ảnh trên đài truyền hình, cảnh sát Lebanon đã cấp thời tới kiểm soát nhà của thủ phạm, nhưng không tìm thấy gì đáng nghi, ngoài máy computer, các cuộn băng và tài liệu.


Trước cái chết oan nghiệt của một thủ tướng được toàn dân quí mến, hàng trăm ngàn người nối tiếp nhau dài hơn 3,2 cây số đã tham dự đám tang ngày 17.2.2005. Dân chúng biểu lộ thái độ phẫn uất đối với kẻ sát nhân và kẻ đứng sau lưng. Họ đòi quân Syria rút ngay ra khỏi Lebanon. Sự yêu cầu chính đáng của dân Beirut ngày nay cũng phản ảnh Quyết định số 1559 tháng 10.2004, của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong năm 2004 đòi Syria phải rút ngay quân ra khỏi Lebanon.


Để đẩy mạnh cao trào đòi tự do dân chủ và đuổi quân đội Syria ra khỏi đất nước, một cuộc họp của các thủ lãnh đối lập đã được tổ chức ngày 2.3.2005. Kết quả là TT. Emil Lahoud phải giải nhiệm chỉ huy trưởng an ninh quốc gia; quân đội và tình báo Syria phải rút ngay ra khỏi Lebanon.


Để xoa dịu tình hình và thỏa mãn yêu cầu cho biết sự thật của dân chúng, Chính quyền Lebanon đã mời chuyên gia Thụy Sĩ chuyên về thí nghiệm DNA và chất nổ tới Beirut để điều tra. Chính quyền Lebanon đã từ chối lời yêu cầu mời toán điều tra quốc tế do gia đình TT. Hariri, các lãnh tụ đối lập và TT. Pháp Chirac đề nghị.


Ngày 1.3.2005, sau khi Thủ tướng Omar Karameh đã phải từ chức vì yêu cầu của dân chúng và áp lực của phe đối lập, Tổng thống Emile Lahoud, cánh tay mặt của Syria đang tìm người thay thế. Khi chưa được thỏa mãn yêu sách, tại công trường Tử Đạo Beirut, hàng ngàn dân biểu tình tiếp tục hô to khẩu hiệu "Syria cút đi! Syria cút đi!"
Hình ảnh cuộc biểu tình đòi độc lập, tự do dân chủ của tuổi trẻ Lebanon được coi như phản ảnh cuộc Cách Mạng Mầu Cam (Orange Revolution) đem lại thắng lợi vẻ vang tại Ukraine, đã được các cơ quan truyền thanh và truyền hình phổ biến rộng rãi. Những gương mặt cương quyết cùng với nụ cười tươi vui nở trên môi là biểu tượng cho chí khí dũng mãnh và niềm tin tuyệt vời của tuổi trẻ. Họ can đảm đứng lên làm cuộc cách mạng rất ôn hòa; nhưng gây rúng động trong toàn vùng và chiếm được sự ngưỡng mộ của biết bao người trên toàn thế giới.


Thành công của cuộc các mạng của tuổi trẻ đã khích lệ dân chúng và thủ lãnh phe Druse đối lập là Walid Jumblatt hăng hái kêu gọi thế giới hãy yểm trợ phong trào đối lập. Ông ta cũng khẩn khoản yêu cầu thủ lãnh tổ chức khủng bố Hizbollah tham gia vào cuộc cách mạng của toàn dân. Tuy nhiên, Hizbollah lại vận động cả trăm ngàn người, đa số Muslim hệ phái Shia (được Iran hỗ trợ) xuống đường biểu tình vào ngày 9.3.2005 chống Hoa Kỳ và các nước can thiệp vào nội tình Lebanon. Đoàn biểu tình dưới sự chỉ đạo của Hizbollah lại ủng hộ quân đội Syria và giơ cao hình Tổng Thống Syria, Bashar Assad. Sự kiện này làm cho người ta lo ngại sẽ xẩy ra một cuộc nội chiến thứ hai, nếu Syria lại nhúng tay vào Lebanon và các phe phái không chịu hợp tác trong hòa bình.


III- PHẢN ỨNG CỦA HOA KỲ VÀ THẾ GIỚI


Hầu hết lãnh tụ của các quốc gia, kể cả Liên Minh Ả Rập, Liên Hiệp Âu Châu, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc, đều lên án việc sát hại cựu TT. Hariri cũng như yêu cầu Syria phải rút quân ra khỏi Lebanon.


Chính phủ Mỹ thì vui như diều gặp gió. Cuộc nổi dậy chống quân xâm lược Syria để dành độc lập, tự do, dân chủ của dân chúng Lebanon có thể chứng minh chinh sách bành trướng tự do dân chủ tới tận cùng trái đất của Hoa Kỳ có lý do chính đáng và đáng khích lệ. Từ sự kiện "bông hoa dân chủ" rộ nởû qua các cuộc bầu cử tự do tại A Phú Hãn, Palestina, Ukraine, Iraq, Ả Rập Saudi và Lebanon, TT. George W. Bush khôi phục được uy tín cho Hoa Kỳ trên chính trường thế giới. Thành quả của các nền dân chủ phôi thai, điển hình là các cuộc bầu phiếu tự do tại các quốc gia nêu trên, chứng tỏ chính sách "dân chủ hóa toàn cầu" của Hoa Kỳ có giá trị và như làn gió mát đang thổi qua các nước Ả Rập Trung Đông.


Chính sách chống khủng bố và lật đổ các chế độ độc tài của chính phủ Mỹ đã mang lại thành quả rất đáng khích lệ. Cuộc chiến giải phóng A Phú Hãn và Iraq đã chứng tỏ chiến thuật "đánh và đàm" rất có hiệu quả; giống như ca dao Việt Nam đã nói: "người khôn nói mánh, người dại đánh đòn." Câu ca dao khuyên bảo rằng: đối với những nước độc tài và kẻ chuyên chế thì không gì hay bằng "nện cho một trận" là xong.


-Vì "sợ bị đánh đòn" mà Bắc Hàn và Iran phải ngồi vào bàn hội nghị về vấn đề hủy bỏ chương trình chếâ tạo bom nguyên tử và các vũ khí giết người hàng loạt.
-Vì "sợ bị đánh đòn" mà Tổng thống Syria, Bashar Assad, đã phải tuyên bố rút 14.000 trong những tháng tới. Đây là kết quả từ chính sách ngoại giao nhiệm kỳ hai và Thông điệp gửi toàn dân của TT. Bush: "Syria vẫn tiếp tục cho phép quân khủng bố sử dụng lãnh thổ và nhiều phần đất Lebanon để phá hoại nhiều cơ hội hòa bình trong vùng"
Nhìn tấm gương của tuổi trẻ Ukraine và Lebanon, chúng ta lại đau lòng vì Đất Nước VN biết đến bao giờ mới chuyển mình vươn lên và dân tộc ta bao giờ mới thực sự có tự do dân chủ?