Dân Chúa Âu Châu

hqdefaultLễ Thánh Gia Thất Năm C, ngày 30.12.2012

Hc 3, 3-7. 14-17a; Cl 3, 12-21; Lc 2, 41-52

Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà

Thánh sử Luca và Matthêu là hai trong bốn sử gia viết về cuộc đời Chúa Giêsu Nagiarét, đã thuật lại những biến cố xẩy ra trong cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu. Đặc biệt trong hai chương đầu, thánh sử Luca đã tường thuật chi tiết về thời thơ ấu của Gioan Tiền Hô (cũng gọi là Gioan Tẩy Giả): truyền tin cho ông Dacaria, truyền tin cho Đức Maria, Đức Maria viếng thăm bà chị họ Elisabét, bài ca Ngợi Khen (Magnificat), ông Gioan Tẩy Giả ra đời, chịu phép cắt bì và bài ca chúc tụng Benedictus (Lc 1, 5-80). Sang chương hai, thánh sử Luca viết lại biến cố có một không hai trong lịch sử nhân loại: Đức Giêsu ra đời, chịu phép cắt bì, tiến dâng trong Đền Thánh, ông Simêon và bà Anna nói tiên tri, đời thơ ấu tại Nagiarét và biến cố thánh gia thất trẩy hội lên đền năm Chúa Giêsu lên 12 tuổi: “Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ.”

Sau ngày đại lễ, hai ông bà trở về nhà, còn cậu bé Giêsu ở lại Giêrusalem, mà ông bà không hay biết: “Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành”. Sau một ngày đàng “mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc”. Khi không thấy bóng dáng con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem và “Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu”.

Ngạc nhiên hơn nữa là câu trả lời của cậu bé Giêsu khi cha mẹ tìm gặp lại sau ba ngày bồn chồn lo lắng: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con !” Cậu bé Giêsu đáp lời Mẹ: "Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?". Câu trả lời này quả thực không những xa lạ và khó hiểu mà còn có vẻ “bất kính” đối với cha mẹ. Chắc chắn cử toạ đang đứng chung quanh cậu bé Giêsu cũng nghĩ như vậy. Đúng lý ra, cậu bé Giêsu phải cúi đầu xin lỗi cha mẹ vì đã làm cho cha mẹ lo lắng mất ăn mất ngủ tìm mình… Đàng này, không một lời xin lỗi, mà lại còn ngầm ý trách là cha mẹ không hiểu gì về công việc của riêng mình…

Sau câu trả lời của trẻ Giêsu, thánh sử Luca ghi nhận: “Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói”, không một lời trách móc hay hạch hỏi! Kết thúc bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca viết: “51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. 52 Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta”.

Mừng lễ Thánh Gia Thất Thánh Giuse, Đức Bà và Chúa Giêsu trong Năm Thánh Thương Xót, giáo hội mời gọi tất cả nhân loại chăm chú nhìn vào gia đình Nagiarét như gương mẫu của mọi gia đình. Sâu xa hơn nữa gia đình như nền tảng của xã hội và của giáo hội, nhất là trong giai đoạn lịch sử ngày nay, khi mà nhiều nước châu Âu và Mỹ châu có cội gốc Kitô từ mấy ngàn năm qua, đang muốn hủy bỏ định chế hôn nhân mà Thiên Chúa đã thiết lập ngay từ khi tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Ngài đã tạo dựng họ có nam có nữ…

Đức Tổng Giám mục Roland Minnerath, chủ chăn giáo phận Dijon Pháp, đã phản ứng về dự luật được tranh luận tại Quốc hội về hôn nhân của hai người đồng tính như sau: "Nói rằng hôn nhân là sự kết hiệp được xã hội công nhận giữa một người đàn ông và một phụ nữ không phải là một ý kiến tôn giáo. Hôn nhân là một định chế tự nhiên và phổ quát của con người được Đấng Tạo Hóa muốn".

Quả thực, con Thiên Chúa đã nhập thể mặc lấy thân xác loài người, thụ thai trong lòng một người mẹ, sinh ra trong một gia đình, nhận cho mình một quê hương, chịu phép cắt bì, đi trẩy hội lên đền Giêrusalem hằng năm theo luật Môse, cũng học ăn, học nói, học gói, học mở như mọi trẻ em cùng thời, học nghề thợ mộc để tự sinh sống “tay làm hàm nhai” bằng chính mồ hôi lao nhọc của mình… Trong 30 năm trường ẩn dật, hoàn toàn giống như mọi con người, ngoại trừ tội lỗi là có mục đích nhìn nhận GIA ĐÌNH như nôi sinh, như nền tảng của nhân loại.

Ngày nay một trào lưu đang lớn mạnh muốn đưa những mối quan hệ thường được gọi là sống chung đồng tính lên ngang hàng về mặt luật pháp với hôn nhân. Tình trạng này thách đố những người Công Giáo - và tất cả những ai tìm kiếm sự thật - phải nghĩ sâu xa về ý nghĩa của hôn nhân, mục đích của nó và giá trị của nó đối với những cá nhân, gia đình và xã hội.

Ngày 13.7.12, Đức TGM Timothy Dolan đã gửi một thông điệp tới những người đồng tính để làm sáng tỏ lập trường của Giáo Hội sau khi tiểu bang New York hợp pháp hoá "hôn nhân" đồng tính: “Tôi lấy làm vinh dự khi thấy nhiều người trong quí bạn đã tìm thấy đại gia đình Công giáo của chúng ta là một mái ấm thực sự, chính tại nơi đây mà với ân sủng và lòng thương xót của Chúa, mọi người trong chúng ta cố gắng để sống một cuộc sống phù hợp với Thánh ý Chúa và với lời rao giảng của Ngài."

"Sau đó, hãy nhớ Giáo Hội đã lên tiếng cảnh báo về tỷ lệ gia tăng của những nạn chung chạ bừa bãi, ngoại tình, quan hệ tình dục trước hôn nhân, và chung sống trước hoặc thay vì hôn nhân. Và bây giờ thì chúng ta lại reo một hồi chuông nữa về cái tệ nạn mới nhất này, đang sói mòn sự hiểu biết đích thực của hôn nhân, sợ rằng bước kế tiếp sẽ là một thay đổi về định nghĩa để biện minh cho nạn tạp dâm và không chung thủy. Những nghiên cứu gần đây ... cho thấy sự suy yếu của hôn nhân và gia đình là nguyên nhân gây ra khủng hoảng xã hội và văn hóa, đặc biệt là gánh nặng đối với phụ nữ nghèo và trẻ em."

Đức TGM Dolan kết luận: "Vì vậy, việc tốt nhất cho chúng ta là cố gắng làm chứng cho sự thật, khuyến khích các cặp vợ chồng và con cái của họ sống yêu thương, rạng rỡ như những ngọn 'đèn soi thế giới'. Chúng ta biết rằng, như Thánh Augustinô đã dạy, nếu một điều gì là sai, ngay cả khi tất cả mọi người đều làm điều đó, thì nó vẫn sai, và, nếu có điều gì đúng, ngay cả khi không có ai làm việc đó, nó vẫn đúng. "

Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu