Dân Chúa Âu Châu

Nhân ngày đầu năm, theo thói quen, tôi lại ngồi nhìn vách (“diện bích” đó) – í quên, nhìn màn hình computer chớ! – và khai bút. Tôi vốn chưa thuộc típ “xuất khẩu thành thi”, nên có nhiều khi diện bích mất cả buổi, mà cái nàng thơ õng ẹo của tôi vẫn chưa chịu xuất hiện. Thế là cứ vừa nhìn bàn phím (keyboard), vừa cắn móng tay (khiếp!), nhiều khi cắn luôn cả vào môi, vào lưỡi đau điếng, thậm chí bật cả máu ra. Săn tìm nàng thơ riết rồi đâm ra ngủ gật. Gật mạnh một cái, giật mình mở choàng mắt, thấy hiện trên màn hình 4 chữ đỏ như son: ĐẦU NĂM XEM BÓI. Lạ thật đấy! Đáng lẽ phải là “Đầu năm khai bút” mới đúng chớ! Nhưng mà thôi, đầu năm xem bói lại hóa hay. Bói thử xem sang cái năm con Dê này nó sẽ ra sao? Biết đâu lại gặp … “hanh thông vận số” cũng chưa biết chừng!

Bói thì có nhiều kiểu lắm: Bói Thơ, Bói Kiều, bói Tử vi, bói Dịch, bói Cỏ Thi, bói Quẻ v.v… và v.v…Tôi thì được cái kiểu nào cũng biết sơ sơ và lần bói nào cũng “ra ma” đàng hoàng (các cụ vẫn dạy “bói ra ma, quét nhà ra rác” mà!). Người đâu chẳng thấy, thấy toàn ma, hơi bị rét, đâm ra ấm ức, bèn nhất quyết quay lại … bình bói (bình luận về bói toán, cũng giống như bình văn, bình thơ í mà!). Bình bói ư? Mới nghe cứ như là tiếng súng cà-nông khai hỏa bình bình, lại giật mình, đành xin lỗi nếu chẳng may có gì đụng chạm tới hải nội chư quân tử, bởi đã bình thì thế nào cũng có hơi hướm chủ quan và đụng là cái chắc. Vâng, đầu năm thơ thới hân hoan, xin ban cho 2 chữ đại xá và mười thang thuốc bổ (nụ cười đó!).

Thường thì những kiểu bói có vẻ tao nhã và là một cái thú tiêu khiển của những anh ưa bôi nhọ màn hình (“bôi nhọ giấy trắng” đấy!) có thể kể:

Bói Thơ: Viết ra giấy một câu thơ chợt xuất hiện trong óc của bất kỳ ai (kể cả của mình), rồi xắn tay áo lên “chẻ sợi tóc làm tư” (phân tích) tìm xem trong câu thơ ấy có những cái gien hay tế bào gì, rồi … đoán vận số cho bản thân,

Bói Kiều: Gấp bìa và vuốt cuốn truyện Kiều cho thật phẳng, cầm bằng hai tay trịnh trọng, đưa cao lên trước mặt, miệng lâm râm thần chú “úm-ba-la-ba-xi-đế”, từ từ đưa cuốn truyện ra sau gáy, lấy ngón cái mở bật ra một trang bất kỳ nào đó, rồi coi 2 câu thơ ở đầu trang bên trái (có số trang chẵn) – đọc to lên càng tốt – xem “nỏ nói ra sao” mà đoán (bạt) mạng. Có thể kể thêm kiểu bói Cỏ Thi cũng thuộc loại này.

Mấy kiểu bói Kiều, bói Thơ chỉ là cách tiêu khiển thì giờ trong lúc trà dư tửu hậu cho khỏi “nhàn cư vi bất thiện 闲 居 为 不 善 ” (nhàn rỗi hay làm điều không tốt) của mấy anh chàng ưa “bôi nhọ giấy trắng” thôi, còn tin hay không thì có trời mới biết! Dù sao mấy kiểu bói này đều là tự mình bói cho mình, nên tốt hay xấu cũng chẳng hề gì, có thể “xa-va tuốt” (çava tout: được tất, chấp nhận hết). Đến như bói Tử vi, bói Dịch, thì cái sự bói đã chuyển tông sang hệ thần kinh – í quên! – thần … bí rồi (coi chừng gặp sao quả tạ, hoặc được quái nhân – thay vì quý nhân – phò trợ, thì nguy đó!). Nói cho vui vậy, chớ bói Dịch (lấy Kinh Dịch làm chuẩn mực), bói Tử vi (lấy Tử vi đẩu số làm chuẩn mực), đó là môn học thuật mang tính triết lý, tư tưởng thâm sâu, cần phải có sở học cao mới lĩnh hội được. Còn bói Quẻ? Đó là kiểu bói Cỏ Thi đã biến tướng và được các ông thầy tướng, thầy bói lấy làm kế sinh nhai. Cái vụ này cần phải “khiếm thị” và dẻo tay gieo quẻ thì mới linh! Mà khiếm thị thì làm sao ngồi gõ computer được. Ấy thế là từ thần bí đi sang… bí rị. Thôi thì đành kể những điều xảy ra với chính bản thân và được “thực mục sở thị” vậy.

Nguyên hồi tôi lo vợ cho một đứa con, xảy ra một chuyện cười ra nước mắt. Chuyện như vầy: Nàng dâu tương lai của tôi là một tân tòng. Bước đầu mọi chuyện diễn tiến tốt đẹp, nhưng đến khi xin làm lễ hỏi và cưới vào một ngày cụ thể, thì bên đằng gái khất lại để còn đi hỏi thầy tướng, nhờ thầy so đôi tuổi của đôi tân hôn xem ngày đó tốt xấu ra sao. Vui vẻ cả thôi. Và kết quả, thầy phán: “Nếu cưới đúng vào cái ngày bên đằng trai xin, thì chú rể sẽ chết yểu”. Con trai tôi sùng vía, cứ nhất định xin cưới vào cái ngày mà nó sẽ chết yểu đó, có sao nó chịu, còn nếu sau 10 năm mà nó vẫn sống nhăn thì nó sẽ lên hậu-tạ-ông-thầy thật tử tế.

Cũng cần nói thêm, khi nhờ thầy xem bói đã phải trình thầy đầy đủ ngày giờ sinh (dương lịch) của 2 đứa, vậy mà trước khi thầy … bói, thầy còn hỏi con dâu tôi về ngày giờ sinh (âm lịch) của con trai tôi. Con dâu tôi hỏi lại tôi, tôi thật ngạc nhiên khi thấy thầy có thể bói được cả những toan tính định đọat của ông Trời (tức là phải biết rõ, hiểu rõ được cơ trời, thì mới nói cho người ta nghe được chứ!), vậy mà chỉ một chuyện rất đơn giản là đổi ngày giờ từ dương lịch sang âm lịch, thì thầy lại không biết. Oái oăm thật! Chỉ cần có một cuốn lịch Thế kỷ XX là dư sức (đến như tôi – “thầy bói mò” nghiệp dư – mà còn có cuốn lịch đó, huống hồ!). Cao tay hơn, thì có thể dùng cuốn “Vạn niên lịch”. Tuy nhiên, tôi vẫn bàn với con tôi nên “tiên lễ hậu binh”, đem một phong bì thật dầy lên gặp thầy và gãi đầu gãi tai cho khéo. Tuyệt vời! Thầy vội kêu bên gái lên và phán: “Hôm trước coi vội, chưa chính xác. Nay coi kỹ lại thì thấy hai đứa rất hợp tuổi và nếu cưới đúng vào cái ngày đằng trai xin thì sẽ đại cát, vợ chồng hạnh phúc đến răng long đầu bạc, con cháu đầy nhà, bạc cắc cho gà ăn không hết!” Năm nay con trai tôi đã ngoài 50 tuổi, mừng kỷ niệm ngày cưới lần thứ 14 rồi, mà có thấy “chết yểu” hồi nào đâu. Thú vị thật!

Chuyện thứ hai: Tôi có một ông bạn (không cùng tôn giáo) sau 1975 nhảy ra kinh doanh vàng. Con gái ổng là học sinh của tôi. Khi còn “kinh doanh chui” (thời bao cấp) thì đời sống bốc lên như diều gặp gió. Chẳng hiểu có phải phát tài như vậy là nhờ đặt hướng bếp đúng chỗ hay không, nhưng đến khi vì hăng đì quá, chồng thì bị gỡ-lịch-trong-nhà-đá (bị “tu huyền tù” đó), còn vợ thì hốt hoảng tới xin thầy gieo quẻ, thì thầy phán “tại cái bếp đặt không đúng hướng, đúng chỗ.” Liền xoay bếp. Vừa đến thời mở cửa, không kinh doanh chui nữa vì mật ít ruồi nhiều, liền ra tay huy động vốn của bạn bè (gọi nôm na là “mượn đầu heo nấu cháo”) lấy tiền ra mua thêm ba căn nhà khá lớn và trưng bảng hiệu kinh doanh vàng cũng rất hoành tráng (ở ngay cửa bên hông chợ Tân Bình). Ấy thế là, chẳng hiểu có phải nhờ xoay hướng bếp hay không, hết thời gian gỡ lịch, ông bạn tôi để vợ bán vàng, còn mình thì nhảy sang kinh doanh “địa ốc”.

Chừng ít tháng sau, con nợ xiết mất một căn nhà. Thầy lại bảo tại bếp. Xoay bếp nữa. Coi mòi làm ăn tuột dốc, anh chồng tính chuyện vượt biên. Bị tó, cải tạo mất 3 tháng. Lại tại bếp và … xoay bếp. Hai căn nhà hoành tráng còn lại tiếp tục bị xiết nợ, và cũng đều tại … bếp (để có dịp được … xoay bếp). Bếp bị xoay tàn tán. Gian bếp có 4 hướng chính (Đông, Tây, Nam, Bắc) và 4 hướng phụ (Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc, Tây Nam), cái bếp trong đó xoay hết vòng, lần này nó lại nằm vào đúng hướng và vị trí ban đầu. Ít lâu sau, căn nhà để ở có cái bếp được xoay tàn tán ấy cũng được bán đi trả nợ nốt! Ấy thế là vợ chồng con cái bồng bế nhau đi thuê nhà. Đã khá lâu, tôi không gặp lại ông bạn, không biết lần này không những đổi hướng bếp mà còn đổi luôn cả nhà nữa, thì cuộc sinh nhai ra sao? (nhà đi ở thuê, chẳng hiểu bếp có ảnh hưởng gì đến người thuê nhà không và liệu muốn xoay bếp thì chủ nhà có OK không?!)

Gặp những trường hợp như vậy, biết tôi có căn tính đa nghi như Tào Tháo (hoặc là một thứ Tôma-thời-đại nào đó), lại biết tôi cũng võ vẽ đôi ba chữ Hán, bạn bè thường nói: “linh tại ngã, bất linh tại ngã” (việc bói toán “linh ở mình, không linh cũng ở mình”, ý muốn nói tin hay không tin đấy!). Tôi thầm nghĩ: Ừ nhỉ! Linh thì … ngã, bất linh thì …té, đằng nào cũng chổng bốn vó lên trời cả. Nhưng còn mấy ông thầy coi bói mà thị lực vẫn rất tốt (không khiếm thị một ly ông cụ nào, ngoại trừ cái kính đen tổ chảng trên mắt), nhưng không đổi nổi ngày giờ từ dương lịch sang âm lịch được, thì mần răng? Tại sao thầy không về xoay hướng bếp nhà thầy cho tiền vào như nước, để khỏi phải lê lết vỉa hè xúi thiên hạ xoay bếp kiếm bạc cắc?

Nếu đã nói “thiên cơ bất khả lậu” (cơ trời không được tiết lộ), tại sao lại cứ đi bật mí cơ trời để móc tiền thiên hạ? Và nếu cơ trời đã trót tiết ra mất rồi, thì tại sao lại còn “linh tại ngã, bất linh tại ngã”? Mà đã “linh tại ngã…” thì ông trời lúc đó bỏ đi chơi ở đâu? Có cần phải sợ “cơ trời mà dám tiết lộ, thì sẽ bị trời phạt giảm thọ hàng chục năm” không? Ôi chao! Cuộc sống vỏn vẹn 100 năm, chỉ cần coi bói tiết lộ cơ trời cho khoảng chục mạng người thì mạng mình cũng đi đứt. Cứ cái đà cật vấn lý-sự-cùn như vậy, thì chắc tôi lại được lãnh cái án tử như anh chàng thi sĩ gàn Sahman Rusdhi (1) mất thôi. Thế nhưng, không hiểu sao tổ tiên chúng ta từ ngày chưa biết đến văn minh Tây phương, đã nói: “Hòn đất mà biết nói năng, Thì thày địa lý hàm răng chẳng còn”, hoặc “Tử vi xem bói cho người, Số thầy thì để cho ruồi nó bu.” ?

Tôi không dám phóng đại tô màu đâu, nhưng chúng ta phải thành thực nhận với nhau rằng gia đình, xóm giềng, thôn ấp, phường xã... của chúng ta vẫn còn những thành viên nặng mê tín lắm. Phải nói là không ít đồng bào của tôi cứ hơi một tí lại tìm đến mấy ông bà thầy, nhất là vào những dịp cuối năm hay đầu Xuân. Tâm lý chung ai cũng băn khoăn muốn biết sang năm mới (hoặc cái hậu vận, cái căn duyên của đời mình) nó ra sao? Nếu tiền vận đã chẳng hanh thông, thì hậu vận có được đại cát? Nếu năm cũ vất vả cực nhọc thì sang năm mới có phất lên được không? Còn nếu năm cũ của cải đã vào như nước, thì sang năm mới nó có vào như lũ được không? Tình, tiền, danh vọng, chức quyền, lấy vợ, gả chồng, sinh con, … nhiều, nhiều lắm! Chẳng phải nói đâu xa, ngay hàng xóm của tôi cũng đã có mấy vị rước thầy về xoay hướng bếp để mong bớt bị hao tài trong năm con Dê này.

Hay nhỉ! Tôi cứ nghĩ con trai tôi vì cưới vợ phải cái ngày đại kỵ như vậy mà chết yểu, thì cái ông Trời mà mấy vị đó vẫn thường nói là “Trời định” (Thiên định, Thiên mệnh) ấy có còn quyền hành gì không? Trời đã định cho con tôi đến ngày nào đó phải chết, thì cái “ngày giờ khắc kỵ tuổi” ấy có thể vật chết con tôi được không? Việc chọn ngày cưới vợ – tức là người định chứ không phải trời định – hay nói khác hơn là con người có thể tự chọn ngày tốt xấu giống như vào những cửa hàng “tự chọn” hiện nay vậy, sao lại cứ đổ thừa là “Trời định”? Mỗi ngày giờ đều có sao chiếu mạng và có thể quyết định luôn vận số con người, thì ông Trời bỏ đi chơi ở đâu nhỉ? Hoặc giả ông Trời đã bị dán “tem vàng” rồi chăng? (y hệt những xe chở khách ở xứ ta, sau khi kiểm định thì dán cho cái tem vàng để … “được lưu thông nhưng không được chở khách” (?!!) và cứ hồn nhiên tuột thắng cán chết người phây phây!)

Chúng ta có thể tin là khi cha mẹ mãn phần gặp phải “giờ trùng”, “giờ linh” (hoặc kỵ tuổi, khắc tinh), thì không được để tang, vì sợ cha (hoặc mẹ) về bắt mình hay con cái mình đi theo, được chăng? Chúng ta có thể tin là “ra ngõ gặp gái” rồi cứ ru rú ở trong nhà suốt ngày cho đỡ xui xẻo không? Trời định hay “sao” định? Trời quyết hay “ngày giờ” quyết? Trời phán hay mấy ông thần gốc đa gốc đề hoặc mấy ông thầy tướng, thầy bói phán? Tại sao có những bạn hàng vì không biết (hay không tin?) bói toán, đầu năm khai trương hàng đúng vào ngày “sát chủ” (ngày mồng 5 Tết), thế mà không những ngày hôm đó, mà còn suốt cả năm, hàng bán đắt như tôm tươi? Rồi còn những “mùng năm, mười bốn, hăm ba, Đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn”, thì mấy bác xe đò, xe khách nhịn đói à? Nói chung, trong tất cả các mặt “quan, hôn, tang, tế” hoặc sự giao tiếp hàng ngày, tôi có cảm tưởng như mọi người ngoài miệng vẫn luôn nói đến Trời, nhưng thực chất thì… lại đi sợ mấy ông thần gió thần mưa, thần sấm thần chớp, thần ngày thần đêm, thần gốc đa gốc đề, thần giờ thần tuổi … khủng bố!!!

Thôi, xin trở về với “bổn đạo” (đạo của mình), cho dễ ăn dễ nói, khỏi đụng chạm lung tung. Ngày nào cũng đọc kinh “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày”, mà chẳng chịu làm ăn gì, cứ đi tin vào mấy ông tướng số lo xoay bếp, mở cửa nhà hướng này hướng kia, hoặc thu nhỏ cửa lại cho tiền bạc khỏi đội nón ra đi mất tăm, mở rộng cửa ra để ông thần tài mập ú nú khỏi vướng víu khi nhập gia, cứ như thế hoài hoài thì liệu có cháo (chớ đừng nói có cơm) mà húp chăng? Hồng ân Thiên Chúa ban xuống ví như mưa, nếu không chịu sắm chum vại, đào ao hồ, xây bồn bể, thì liệu có nước để mà dùng không? Nằm gốc sung chờ sung rụng trúng miệng mình thì quả là điều không tưởng (ấy là chưa muốn nói – ít nhất trong thái độ “há miệng chờ sung” cũng phải bỏ công di chuyển ra gốc sung, nằm xuống và … há miệng ra; tức là cũng phải hoạt động rồi).

Chúng ta bị hắt hủi vì tình ư? Bị thiếu thốn về vật chất ư? Bị mất việc hay không có việc làm ư? Bị bệnh hoạn tật nguyền ư? Tại sao chúng ta không cầu nguyện – cầu nguyện liên lỉ (“liên lỉ quấy rầy”  – Lc 11, 1-13; 18, 1-8) với Thiên Chúa, mà cứ đi hết đền này đến miếu nọ, rờ hết mộ ông này đến mả bà kia? Một điều rất quen thuộc, rất bình thường, nhưng có lẽ ít ai để ý, đó là chúng ta cầu với Thiên Chúa “xin thương xót chúng con”, nhưng với các thánh – kể cả Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Nữ vương các thánh – chúng ta chỉ cầu “xin cầu cho chúng con” (nghĩa là các ngài chỉ chuyển lời cầu nguyện của chúng ta lên Thiên Chúa mà cầu xin giúp chúng ta thôi). Thế thì tại sao chúng ta lại tin vào sự xoay bếp, vào sự né tránh ngày xấu, ngày kỵ, là chúng ta có thể thoát chết, có thể hết bệnh hoặc mau chóng làm giàu, thăng quan tiến chức vù vù? Mà tại sao lại xin cho giàu có, quyền cao chức trọng? Gương Thánh Gia Thất tại Nazareth chưa đủ để chúng ta chiêm ngắm và suy niệm sao?

Xin được nói thêm một chút về một vấn đề cũng có liên quan xa gần đến mê tín là vấn đề “phép lạ”. Tại sao lại gọi là phép lạ? Vì nó rất hiếm xảy ra và nó xảy ra một cách khác thường. Thế mà trong vài chục năm sau 1975, phép lạ đã xảy ra hà rầm ở Việt Nam, thì có còn là phép lạ nữa hay không? Chỉ cần một vị chưa được Hội Thánh phong Chân Phước cũng đã làm quá nhiều phép lạ. Hồi trước 1975, có tin đồn năm 2.000 sẽ tận thế, sau 1975 lại thấy nhiều phép lạ quá, tôi giật mình nhớ lại Kinh Thánh có nói vào thời gian trước ngày cánh chung của thế giới, sẽ xuất hiện nhiều “tiên tri giả” – thậm chí có cả “Ki-tô giả” (Lc 21, 8 ; Mt 24, 5 ; Mc 14, 6) nữa – mà tiên tri giả thì dư sức làm nhiều phép “lạ thật lạ” đối với những ai tin vào bói toán. Theo thiển kiến, chúng ta chỉ nên tin vào những phép lạ đã được Giáo quyền (Tòa Thánh hoặc ít ra là Giáo Hội địa phương) công nhận, để khỏi bị “trật đường rầy”. Cả nghe, cả tin vào dư luận, nhiều khi cũng kẹt lắm! Không hiểu đã có bao nhiêu người ăn-mì-tôm-mệt-nghỉ chỉ vì tin vào tin đồn tận thế nên vội vàng tích trữ mì ăn liền? Có nhiều người còn vào xin các linh mục tại giáo xứ làm phép mì tôm nữa kia (!!!), đến khi bị các ngài từ chối thì lại … buồn, cứ làm như những gói mì tôm ấy là “chiếc thuyền của ông Nô-ê” vậy! Kể cũng vui! Đã gọi là tận thế mà thế giới này chỉ bị tối có 3 ngày đêm và cứ ăn mì tôm – nhất là mì tôm đã được làm phép – thì sẽ “úm ba la… thoát chết!!!”.

Đầu năm dông dài đôi điều khều nhẹ vào cái sự bói toán, mục đích của tôi không nhắm vào sự phê phán khen chê, chỉ xin một điều là chúng ta đã được là Ki-tô hữu – bạn của Chúa Ki-tô – chúng ta hãy vững Đức Tin, hãy tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng thưởng phạt công minh và đầy lòng bao dung, từ ái. Ngoài ra, chúng ta nên bắt chước Đức Khổng Tử mà “kính quỷ thần nhi viễn chi” ( 敬 鬼 神 而 遠 之 ), tức là “tôn kính quỷ thần từ xa xa”, hoặc nói theo kiểu đã Việt-Nam-hóa (“kính nhi viễn chi”) với nghĩa ẩn dụ là “tránh cho xa” (xc Từ điển Việt-Việt online, hoặc Wikipedia tiếng Việt).

Đã nói đầu năm xem bói, thì cũng xin đề nghị chúng ta cùng xem bói, coi thử năm con Dê (Ất Mùi) này, chúng ta sẽ ra sao? Chắc có lẽ chúng ta vẫn thường nghe các cụ nói về việc trồng cây ăn quả, ai cũng chỉ mong nó sớm có quả. Và khi nó trổ bông đậu quả lần đầu tiên, thì thế nào cũng hớn hở khoe với mọi người: Năm nay cái cây (cam, mận, đào, ổi…) ấy nó đã bắt đầu “bói” rồi đấy. Cái sự bói này tất nhiên không phải bói toán rồi, nhưng nó “bói quả” thì cũng cho biết được những mùa hoa quả tương lai của nó có ngon lành hay không? Vậy thì xin xem những “Cây Lời Chúa” được trồng trong nhà thờ mỗi dịp mừng Xuân là những “cây bói quả” cho chúng ta. Hãy sốt sắng lên “hái lộc” xem Chúa dạy chúng ta những gì. Bảo đảm việc xem bói này (tự xem thôi khỏi cần nhờ thầy xem giùm) sẽ không vô ích, không tốn tiền, và nhất là không … lo sợ vẩn vơ.

Xin kính chúc chư vị thừa sai trong gia đình Giáo xứ sang năm mới Ất Mùi bói được Lời Hằng Sống. Và xin kính gửi đến toàn thể đôi câu đối mừng Xuân :

+ XUÂN về, hãy thực lòng MẾN CHÚA, quyết tâm dẹp bỏ thói mê tín dị đoan, ắt sẽ được cả bốn mùa luôn có TẾT.

+ TẾT đến, xin hết dạ YÊU NGƯỜI, nhất định thực thi việc Tông đồ bác ái, ấy là sống tròn một kiếp chỉ toàn XUÂN.

JM. Lam Thy ĐVD.

--------------------------------

Chú thích (1) : Salman Rushdie sinh năm 1947 tại Bombay (Ấn Độ) dưới tên “Ahmed Salman Rushdie”. Là một nhà văn, nhà thơ có tài, ông nổi tiếng thế giới sau khi sáng tác “Những vần thơ của quỷ Satan”  và bị Giáo chủ Ruhollah Khomeini của Iran lên án tử và ra lệnh cho tín đồ đạo Hồi trên toàn thế giới truy nã tới cùng. Tới tháng 9 năm 1998, chính quyền Iran mới hủy bỏ lệnh tử hình ông. Sau khi được phong tước Hiệp sĩ, Salman Rushdie bị giới đạo Hồi phản ứng quyết liệt. Vụ việc này khiến người ta nhớ lại án tử hình mà giáo chủ Hồi giáo Iran dành cho ông khi cuốn tiểu thuyết “Những vần thơ của quỷ Sa-tăng” được xuất bản. Lúc đó, Rushdie nhận được nhiều ý kiến bênh vực nhưng cũng không ít lời chỉ trích. (xc Wikipedia tiếng Việt online)

Nhân nói về ĐẦU NĂM XEM BÓI, xin chia sẻ cảm nghiệm BÓI LỜI CHÚA của bản thân tại Gia đình Giáo xứ :

 BÓI LỜI CHÚA

Như thường lệ hằng năm, Giáo xứ chúng tôi năm nay dâng lễ đón Giao thừa vào 21 giờ tối 30 tháng Chạp Giáp Ngọ (18/2/2014). Tâm trạng tôi năm nay cũng có khác mọi năm. Ngoài niềm vui chung hòa với mọi người đón chào Năm Mới Ất Mùi (2015), còn có một nỗi lo lắng vẩn vơ, dù không muốn nhưng nó vẫn lẩn quẩn trong đầu.

Nỗi lo thứ nhất là chẳng hiểu năm nay mình sẽ ra sao? Lẩm nhẩm hát tếu bài “Sẽ ra sao ngày sau?” (trước 1975) cho đỡ buồn: “Cứ xê ra xề ra. Hắt viên bi vào mi?” (“Que sera sera. What will be, will be?”). Âu cũng là một thứ thường tình thế sự của mấy ông già đã qua ngưỡng “thất thập cổ lai hi”, đang trong tình trạng “chân trên lỗ, chân dưới lỗ”. Luôn mạnh miệng nói là “không sợ chết, vả lại sống chết là do ý Chúa định, lo sợ cũng chẳng thoát”, nhưng dễ đã mấy ai giữ được bình thản? Ngay đến Chúa Trời Đất khi mặc lấy thân xác con người cũng còn lo đến mướt cả mồ hôi máu ra nơi vườn Ghết-xê-ma-nê, huống hồ! Vin vào cái cớ đó để biện minh cho tâm trạng mình, những tưởng sẽ được thanh thản, không ngờ lại càng khiến sự lo lắng tăng đô mạnh hơn.

Nỗi lo thứ hai là vấn đề xem “bói quả” nơi những cây Lời Chúa trong thánh đường Giáo xứ. Cũng lại mạnh miệng khuyên anh em cứ thoải mái lên hái lộc, không lo sợ vẩn vơ, nhưng đến phiên mình thì chẳng hiểu tại sao trong dạ vẫn cứ nao nao. Thế đấy! Khuyên người thì được, mà khuyên mình lại không xong. Và rõ ràng đã có một thứ “ngôn hành bất nhất” (lời nói chẳng đi đôi với việc làm). Ôi chao! Đem Lời Chúa ra nhắc khéo anh em dễ dàng bao nhiêu, nhưng đến khi tự nhắc mình thưc hành thì lại thập phần khó khăn bấy nhiêu. Và đó cũng là nỗi lo mình khuyên anh em “Đầu năm coi bói” Lời Chúa, nhưng mình có thực hành và thực hành một cách nghiêm chỉnh cho “ngôn hành thống nhất” hay không?

Vâng, tôi cũng chỉ là một con người với những suy tư, trăn trở người-trăm-phần-trăm mà thôi. Nên nhất quyết phen này sẽ xếp hàng đầu lên hái lộc và cầu xin Chúa ban cho một cái lộc … “trường thọ” cũng trăm-phần-trăm (“bách niên giai lão” đấy!). Thế nhưng – lại “nhưng” mất rồi – đến cuối lễ, mặc dù hăng là thế, nhưng tôi vẫn chỉ chen vào được khoảng giữa hàng người rồng rắn lên hái lộc Xuân. Không dám mở ra ngay, cố trấn tĩnh đợi về nhà “hạ hồi phân giải”.

Quẻ lộc Xuân mà tôi hái được, nguyên văn: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em.” (Ga 14, 2). Thôi chết! Chắc chắn năm nay Chúa khều mình mất rồi. Giật mình, nhưng mà lạ lắm, tôi cảm thấy đây không phải là cái giật mình lo lắng, mà hình như lại giật mình vì thấy tâm hồn tự nhiên vui vẻ, phấn khởi vô cùng. Rõ ràng trong tôi đã có tới hai luồng tư duy đối nghịch, một bên là con người mỏng giòn lo sợ cái chết, còn bên kia là Thần Khí soi tỏ quẻ bói đầu năm: Thầy Chí Thánh đã dọn sẵn cho tôi một chỗ trong Nhà Cha, nếu tôi biết “yêu mến Thầy và tuân giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14, 15), và “Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy" (Ga 14, 20-21).

Áp dụng quẻ bói Lộc Xuân của bản thân vào bài Tin Mứng trong Thánh lễ Giao thừa (bài “Tám mối Phúc” – Mt 5, 1-10), tôi lại càng thấy phù hợp. Chúa đã dọn sẵn chỗ cho tôi từ 2000 năm trước, vậy thì tại sao tôi lại không biết vâng theo Lời Người, tuân giữ các điều răn dạy của Người? Tám mối phúc chính là tám cái vương miện dành cho tôi, nếu tôi có một đức tin vững mạnh, biết cậy trông vào Thần Khí để có đuợc nhiệt tâm, nhiệt huyết thực thi đức mến với anh em đồng loại. Tắt một lời, nếu tôi sống thực, sống đúng và sống đủ điều răn quan trọng nhất “MẾN CHÚA + YÊU NGƯỜI”, chắc chắn tôi sẽ được vào nơi mà Chúa đã dọn sẵn chỗ cho tôi.

Vâng, Chúa đã dọn sẵn chỗ cho tất cả chúng ta trong Nhà Cha, xin hãy sẵn sàng “yêu mến Thầy và giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14, 15). Điều răn của Thầy chỉ ngắn gọn trong một câu: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 15, 12). Điều răn đó đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam lấy làm tiêu chí cho chủ đề tháng 2/2015: Giáo xứ: Cộng đoàn hiệp thông để truyền giáo” (xc. Gợi ý mục vụ cho Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn). Mọi sự đã rõ ràng: Truyền giáo (Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo – Mc 16, 15) là sứ vụ căn bản của Giáo hội, của từng cá nhân Ki-tô hữu. Muốn truyền giáo đạt hiệu quả tối đa thì phải sống hiệp thông (giữ vững điều răn của Thầy -nt-), cũng bởi vì “Sự hiệp thông và việc truyền giáo gắn liền với nhau, xâm nhập và quấn quít nhau và đã trở nên như nguồn mạch, và là hoa trái của việc truyền giáo. Hiệp thông là truyền giáo, và truyền giáo có mục đích thể hiện sự hiệp thông.” (Tông huấn Ki-tô hữu Giáo dân “Christi Fideles Laici”, số 32).

Kính chúc cộng đoàn thừa sai Giáo xứ và toàn thể chư vị thừa sai trong Giáo hội một mùa Xuân và một Năm Mới sống hiệp thông và thực thi Lời Chúa như quẻ bói Lộc Xuân đã hái được từ Cây Lời Chúa trong đêm Giao thừa tại gia đình Giáo xứ. Ôi! ”Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, trong ngày đầu năm mới chúng con họp nhau đây để dâng lời chúc tụng ngợi khen Chúa. cúi xin Chúa mở lượng hải hà, ban cho hết mọi người chúng con trong năm Ất Mùi này được bình an mạnh khoẻ, càng thêm tuổi càng thêm nhân đức hầu đáng hưởng phúc lộc dồi dào. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ, lễ Tân niên – Tết Nguyên Đán).

 JM. Lam Thy ĐVD.

Nguồn: thanhlinh.net