Dân Chúa Âu Châu

Ngày đầu năm, những anh chàng ưa bôi nhọ giấy trắng – í quên! bôi nhọ màn hình – thường hay nhiễu sự đòi “khai bút”. Theo cổ nhân, khai bút đầu năm bằng một câu đối, một bài thơ, vừa là một cái thú tiêu khiển tao nhã, lại vừa – thông qua những câu chữ bất chợt theo ngẫu hứng xuất hiện nơi đầu ngòi bút – có thể đoán định được vận số mình trong suốt năm sẽ như thế nào. Tôi cũng thích khai bút lắm, nhưng nhiều khi không có cảm hứng, bởi trong lòng cứ lẩn thẩn nghĩ “đã gọi là khai bút, tức là muốn mở hàng cho năm mới (khai: mở), mà mở hàng thì phải tốt đẹp, phải hanh thông, phải… very good (!), chớ không thể muốn viết gì thì viết. Như thế là có chủ định tìm những điều tốt lành để tự chúc mừng năm mới mất rồi, đâu còn là ngẫu hứng để mà … đoán định vận số. Hóa cho nên, tôi thường hay mở lịch Phụng vụ ra để … tìm cảm hứng khai bút, cho chắc ăn. Và năm nay, khai bút đúng vào 2 giờ sáng đêm Giao Thừa (18 rạng 19/02/2015).

Lễ Tân niên Ất Mùi (2015) có thể sử dụng 1 trong 3 bài Tin Mừng: Mt 6, 25-34; hoặc Mt 5, 43-48; hoặc Ga 14, 23-27. Bản thân ngu mỗ thì chỉ thích suy niệm bài Tin Mừng theo thánh Mát thêu (Mt 6, 25-34). Con người ta sinh ra trên đời ai mà chẳng lo cái ăn cái mặc. Tôi còn nhớ câu nói của bà nội tôi hồi còn sinh thời, khi bà xã của tôi sinh đứa con trai đầu lòng. Tôi là con trai duy nhất của thân phụ tôi, mà cha tôi lại là anh trưởng trong gia đình, nên oai lắm, tôi là “cháu đích tông” (cháu chính cống, dòng dõi) của bà nội, là trưởng tộc trong họ. Con trai trưởng của tôi tất nhiên là “chắt đích tông” của ngài, và sẽ là “trưởng tộc” tương lai. Vì thế, ngay sau khi bà xã của tôi sinh, bà nội tôi đã tới “xem tướng” liền. Câu nói đầu tiên của cụ là: “mới sinh ra đã biết vơ hai tay bỏ miệng, hèn gì suốt đời phải khổ vì cái ăn.” Các cháu sơ sinh thường hay quờ quạng đôi tay và đưa vào miệng mút như bú sữa mẹ vậy. Đó cũng là nhu cầu tất yếu thôi.

Con người suốt đời hai tay vơ bỏ vào một miệng, vậy mà nhiều khi không đủ cho miệng ăn. Tuy nhiên, rất nhiều người không những đủ ăn, mà còn dư thừa rất nhiều; những người ấy có thể họ vơ của ăn bằng chính đôi tay của họ, bằng chính mồ hôi nước mắt của họ; nhưng cũng không thiếu những kẻ dùng đôi tay của họ để vơ vét của cải của người khác, thậm chí những kẻ mưu mô thụ hưởng ấy còn dùng mưu chước khôn ngoan khiến tha nhân tự dùng đôi tay của mình để làm ra của cải cho họ. Lòng tham của con người vốn dĩ không có đáy. Lúc chưa có gì thì chỉ cầu cho có được 1 là đủ, đến lúc có 1 rồi thì lại muốn có 2, 3… Chưa có xe thì chỉ cầu có xe đạp đi là đủ, có xe đạp rồi thì lại muốn có xe máy, và khi có xe máy thì lại muốn có xe hơi, xế hộp… không biết đến thế nào mới “đầy túi tham” (“Đồ tế nhuyễn, của riêng tây, Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham” – Truyện Kiều – Nguyễn Du).

Lời chúc đầu năm cho nhau thường là: “buôn may bán đắt, một vốn bốn lời, lời lãi gấp trăm, thóc lúa đầy bồ, của cải đầy nhà, tiền bạc như nước, giàu có bằng năm bằng mười năm ngoái…”. Khi đại ngôn như vậy, chúc là chúc người ta cho ra vẻ, nhưng trong lòng thì lại mong muốn những lời chúc tốt đẹp ấy sẽ thành hiện thực cho chính bản thân mình; hoặc ít nhất – dù biết là những lời chúc như thế đều chỉ mang tính xã giao – nhưng ai cũng muốn, vào ngày đầu năm, được chúc như vậy cả. Đó là nói chung về tâm lý con người, nhất là ở những giai cấp thượng lưu, ăn trên ngồi trốc, đặc biệt là giai cấp “chó nhẩy bàn độc”. Tuy nhiên, đến như giai cấp hạ lưu, thấp cổ bé miệng, cùng đinh, thì chuyện lại khác. Cứ đặt giả thử đến với những anh em “nghèo rớt mùng tơi”, “ăn bữa nay lo bữa mai”, thậm chí “không có cháo để mà húp”, mà chúc Tết suông như vậy thì nghe có được không? Cho nên đọc đoạn đầu của bài Tin Mừng sáng  mồng một Tết (Mt 6, 25-34), tôi hơi bị dội.

Tại sao vậy? Vì căn cứ vào chính kinh nghiệm rút ra được từ bản thân, tôi thấy Lời Đức Ki-tô dạy nó có vẻ … làm sao ấy! Đây, xin hãy nghe: "Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? ” (Mt 6, 25). Tôi cũng đã hơn một lần kể về biến cố 1975 đã khiến cho gia đình tôi được cứu đói. Nhà nước cứu đói tôi bằng cách cho ưu tiên “mua” (chớ không được “phát”) khi lương thực về tới phường, khỏi phải “xếp hàng” như bà con. Như thế cũng có nghĩa là: nếu tôi không có tiền thì ráng mà… nhịn đói, đừng hòng có lương thực, dù cho có tài “cả ngày xếp hàng” (CNXH). Ôi chao! Nhìn đám con mỗi đứa ngồi một xó nhà, ruồi đậu mép không thèm đuổi, rồi hai vợ chồng cứ rũ ra như gà bị cắt tiết, sao mà nó cám cảnh đến thế! Và cũng phải thú thực là tới lúc đó, khi đã ngấp nghé, xấp xỉ 40 tuổi – cái tuổi mà cổ nhân cho là “tứ thập nhi bất hoặc” (40 tuổi thì không còn điều gì trên đời khiến phải nghi hoặc nữa), tôi mới được biết đến kiểu “cứu đói” tối tân như vậy! Tôi không – hoàn toàn không – bi thảm hoá vấn đề đâu. Hồi đó, còn nhiều cảnh thê thảm hơn thế nữa kia. Ở đây, nhắc lại chuyện này, tôi chỉ muốn nói đến cái ăn cái mặc nó cần thiết cho con người đến như thế nào. Vậy mà Thầy Chí Thánh của tôi lại dạy như vậy đó!

Viết tới đây, tôi lại chợt nhớ đến đoạn Kinh Thánh tường thuật về một người thanh niên muốn theo Đức  Ki-tô, nhưng vì chưa chôn cất cha của mình mới chết, nên “thưa với Người: "Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã. Đức Giê-su bảo: "Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ." (Mt 8, 21-22). Kẻ đã chết rồi lại có thể chôn kẻ chết được ư? Những Lời dạy của Đức Ki-tô mới thoáng nghe thì có vẻ hơi “nghịch lý”; nhưng đọc thật kỹ, cầu nguyện xin ơn soi sáng thì sẽ hiểu ra chẳng nghịch lý chút nào. Như câu nói trên, nếu chỉ đọc “cứ để kẻ chết chôn kẻ chết” sẽ thấy nghịch lý, nhưng nếu đọc trọn cả câu “cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ” thì sẽ thấy từ “kẻ chết” ở trước động từ “chôn” lại ám chỉ những kẻ còn sống (sống trong bóng tối của tội lỗi cũng kể như đã chết, nói cách khác họ chỉ “chết về mặt tinh thần, linh hồn” thôi), vì thế mới có thể chôn “kẻ chết” (đã chết về mặt thể xác) là người cha của người thanh niên muốn theo Đức Ki-tô được. Như vậy, trong một câu nói, với một từ “kẻ chết” ở 2 vị trí khác nhau (một chủ từ và một bổ túc từ), đã mang 2 nghĩa khác nhau.

Và cũng nhờ liên tưởng tới câu nói ấy của Đức Ki-tô, tôi chợt ngộ ra là Thầy rất hay dùng  phép ám tỉ, tương phản trong những dụ ngôn của Người. Và cũng chính vì thế, cần phải đọc kỹ, cầu nguyện và suy niệm thấu đáo, thì mới hy vọng hiểu được. Tôi chậm rãi đọc tiếp bài Tin Mừng lễ Tân Niên (-nt-), tới đoạn “Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 31-33), mới “à” lên một tiếng: Eureka! Đây rồi! Thì ra thế! Chính là Thầy muốn các môn đệ hãy lo “cái ăn cái mặc” cho phần hồn (tích trữ của cải Nước Trời), đừng lo “cái ăn cái mặc” cho phần xác (tích trữ của cải trần thế – Mt 6, 19-21). Cũng bởi vì khi đã biết “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người”, thì “tất cả những thứ kia (cái ăn, cái mặc), Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 32-33),

Vâng, quả thật chính cái đầu óc ngu muội của tôi chưa hiểu thấu được Lời Chúa đã vội cho là nghịch lý. Câu “cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ”, Đức Ki-tô muốn nói cho người môn đệ hiểu là: Anh đã tìm được sự SỐNG (vì “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự SỐNG” – Ga 14, 6), thì hãy giữ lấy, còn người CHẾT (thể xác) đã có những người CHẾT (tinh thần) lo cho. “Người chết” mà Đức Ki-tô ám chỉ ở đây là những người còn ở trong tối tăm, tội lỗi – ở trong CÕI CHẾT vậy.

Đến như bài Tin Mừng ngày đầu năm cũng thế, không có của ăn thì làm sao mà sống, không lo tích trữ của cải Nước Trời thì làm sao vào được Nước Thiên Chúa? Nên chi phải cùng lúc lo làm tròn 2 bổn phận: bổn phận công dân nước trần thế (phần xác) và bổn phận công dân Nước Trời (phần hồn), mà muốn làm tròn cả 2 bổn phận công dân ấy, tất nhiên cũng phải lo đến cái ăn cái mặc (hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Có lẽ cũng chính vì thế, nên cuối cùng Đức Giê-su Ki-tô dạy: “Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy (Mt 6, 34). Ngày nào có cái khổ của ngày ấy ư? Rõ ràng là đến cả Đức Giê-su Thiên Chúa còn thấy khổ, huống chi là con người phàm tục. Khổ vì cái ăn cái mặc cũng là lẽ tất nhiên.

Ấy đấy, bản tính ngu mỗ hay dài dòng văn tự, nói rằng khai bút, rồi cứ dông dài năm điều bảy chuyện, mà đã có được câu đối hoặc bài thơ nào để khai bút đâu. Khai bút mà nói về mình, về “cái tôi” tệ hại thì dám nói, nhưng nói về người thì … rét lắm! Chỉ sợ cái tính “thẳng mực Tàu”, “thẳng ruột ngựa” của mình làm thiên hạ nhảy tê tê lên, rồi sửng cồ phang cho một cái lăn quay ra thì khổ. “Phê” bình mình (tự phê) thì thoải mái, thả giàn, nhưng nhiều lúc cũng vẫn bị mang tiếng “đó là một cách tự đánh bóng mình”. Còn khen? Tự khen thì chuế lắm, nhưng khen người thì lại mang tiếng “nịnh hót, bợ đỡ”. “Phê” hay “tự phê”, “khen” hay “tự khen”, đằng nào cũng chết một cửa tứ. Nhìn thiên hạ đại loạn, cũng muốn – rất muốn – nhân dịp Xuân về, cầu chúc – chúc mừng cho thiên hạ được thái bình, nhưng lúc nào cũng “Ấp úng không ra được nửa lời” (Hàn Mạc Tử), bởi những lý do trên. Và cũng vì thế, nên chỉ còn biết cầu nguyện, nói chuyện, tâm sự với Chúa cho chắc ăn, tất nhiên rồi.

Kể ra, muốn có được thái bình thiên hạ thì người người, mỗi người cần, rất cần trở nên như trẻ nhỏ (“nhân chi sơ”) – trở nên “người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18, 1-4) – với cái tính vốn lành (“tính bản thiện”); nói cách khác là cần có được một cái tâm an bình. Tâm bất chính ắt thân tắc loạn, tâm bất an ắt thời đại loạn, khó lắm để có được một cái tâm an bình. Người ta cứ thích đứng riêng ra để khoe … hạt nhân, khoe hoả tiễn, khoe vũ khí này, tàu chiến nọ, khoe cả việc khủng bố (kiểu như tung lên mạng những video clip trình chiếu những vụ giết người dã man, thảm khốc); khoe khoang đủ thứ mà không muốn ngồi vào bàn hoà giải. Đã có biết bao nhiêu cái bàn hội nghị hai bên, bốn bên, sáu bên, tám bên… mà kết quả vẫn chẳng đi tới đâu. Cuối cùng thì ngu mỗ đành bắt chước Dương Nghiễm Mậu ngày nào, buông ra hai tiếng “CŨNG ĐÀNH” (tên một tự truyện xuất bản trước 1975 của Dương Nghiễm Mậu); và cũng đành mượn thơ (BÚT) của người khác (Tú Xương) để mở hàng (KHAI) Năm Mới cho mình vậy:

“Bắt chước ai, ta chúc mấy lời, 

Chúc cho khắp hết cả trên đời,

Vua - quan - sĩ thứ, người muôn nước,

Sao được CHO RA CÁI GIỐNG NGƯỜI.” (“Chúc Tết” – Trần Tế Xương).

Vâng, xin chúc mừng Năm Mới Ất Mùi, bằng lời cầu chúc tất cả thực sự là NGƯỜI (nhân) với cái GỐC (bản) tốt lành, thiện hảo – “nhân chi sơ, tính bản thiện” – để xứng đáng là bạn hữu của CON NGƯỜI (Ki-tô hữu), cùng chung một NGƯỜI CHA trên cao xanh là Ông Trời. Mong được hải nội chư quân tử ban cho hai chữ “đại xá”, và xin cùng với ngu mỗ chắp tay, cao giọng: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa TRONG MỌI NGƯỜI. Lạy Chúa, xin hãy dùng con như KHÍ CỤ BÌNH AN của Chúa… Ôi ! Thần Linh thánh ái, xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn AN BÌNH” (Kim Long – “Kinh hoà bình” – TCCĐ). Ước được như vậy. Amen!

JM. Lam Thy ĐVD.

Nguồn: thanhlinh.net