Dân Chúa Âu Châu

thu namChúa có quyền tha tội.
Thứ năm tuần 13 thường niên.
"Họ tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người quyền năng như thế".

Lời Chúa: Mt 9, 1-8.
Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thuyền, vượt biển mà về thành của Người. Bấy giờ người ta đem đến cho Người một kẻ bất toại nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: "Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi". Bấy giờ mấy luật sĩ nghĩ thầm rằng: "Ông này nói phạm thượng". Chúa Giêsu biết ý nghĩ của họ liền nói: "Tại sao các ngươi suy tưởng những sự xấu trong lòng? Bảo rằng "Tội con được tha rồi", hay nói "Hãy chỗi dậy mà đi", đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ngươi biết rằng trên đời này Con Người có quyền tha tội". Bấy giờ Người nói với người bất toại: "Con hãy chỗi dậy, vác giường mà về nhà con". Người ấy chỗi dậy và đi về nhà. Thấy vậy dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người quyền năng như thế.

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy Niệm 1: Sống niềm tin
Con người là con vật xã hội. Xã hội không dành riêng phần đất cho những người tự đóng kín vào mình. Vừa mở mắt chào đời, con người đã phải đón nhận sự nâng đỡ của người khác, rồi trong suốt cuộc đời, không ai có thể tự hào mình không cần nhờ vả đến ai. Sống là một luân lưu của những trao đổi và cảm thông. Tôi phải nhờ đến người khác và cũng có bổn phận để người khác nhờ đến tôi.
Ðời sống đức tin cũng không ra ngoài định luật ấy. Ơn cứu độ được gửi đến cho tất cả, chứ không cho riêng một ai, mỗi cá nhân đón nhận nhưng rồi phải san sẻ cho người khác. Sự thánh thiện hoặc tội lỗi của một người cũng có ảnh hưởng đến người khác. Chúa Giêsu đã lên án mạnh mẽ những ai làm cớ vấp phạm cho người khác xa lìa Thiên Chúa.
Tin Mừng hôm nay thuật lại một phép lạ xẩy ra nhờ ảnh hưởng của tập thể. Một người tê liệt được khiêng đến cho Chúa Giêsu. Phúc Âm Marcô và Luca cho thấy rõ hơn quang cảnh của phép lạ này: vì không có chỗ để chen vào, người ta leo lên gỡ mái nhà và thòng người tê liệt xuống trước mặt Chúa Giêsu. Tất cả sự việc diễn ra không kèm theo một câu nói hay một lời van xin nào, thế nhưng, hành vi của họ đã đủ diễn đạt tấm lòng của họ. Chúa Giêsu thấy lòng tin của họ, tức lòng tin của những người khiêng người tê liệt, Ngài đã chữa lành bệnh nhân.
Dấu lạ đòi hỏi lòng tin. Một khi lòng tin đã đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa, thì con người sẽ dễ dàng gặp được dấu lạ và lòng tin có thể chuyển dấu lạ hay ơn lành sang cho người khác. Với đám đông đang vây quanh Chúa Giêsu để nghe Ngài giảng, thì việc đưa bệnh nhân đến gần Ngài quả là một cố gắng vượt mức. Nhìn vào cố gắng này, chắc chắn nhiều người sẽ đặt câu hỏi về Chúa Giêsu: Ngài là ai mà con người phải cố gắng tìm gặp đến thế? Ðặt câu hỏi tức là đã bắt đầu tiến đến gần Thiên Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta biết sống niềm tin, dù cho có gặp nhiều cản trở, nhờ đó chúng ta sẽ nhận được ơn lành của Chúa, và củng cố niềm tin nơi nhiều người xung quanh.
(Trích trong 'Mỗi Ngày Một Tin Vui')

Suy Niệm 2: Phép lạ và Lời Chúa
Khi Đức Giêsu xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình. Và kìa, người ta khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: "Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!" Và kìa mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: "Ông này nói phạm thượng." (Mt. 9, 1-3)
Đức Giêsu, người hay làm phép lạ
Nếu đọc một mạch hết các Phúc âm, người ta có cảm tưởng là Chúa Giêsu đã làm vô số các phép lạ. Phải nói là rất nhiều, nên các thánh ký đã cẩn thận lưu ý ta rằng còn nhiều phép lạ khác không được kể lại trong các sách Phúc âm.
Điều này khiến ta có thể đặt ra ít nhiều câu hỏi: Tại sao Chúa Giêsu đã thực hiện nhiều việc lạ lùng như vậy? Tại sao thời Chúa Giêsu các phép lạ thường hay xảy ra, còn thời chúng ta thì hiếm có thế? Tại sao có phép lạ?
Ý nghĩa các phép lạ
Không bao giờ Chúa Giêsu làm phép lạ để có ý phô trương hay làm lóa mắt người ta, càng không phải để mời mọc những kẻ tin vào Người hy vọng mình có được một cuộc sống chan hòa những cảnh tuyệt vời, lạ lùng, và phi thường.
Sinh thời, các phép lạ Chúa làm đều đáp ứng những mục tiêu rõ rệt. Các phép lạ ấy có mục đích chỉ cho ta thấy Đức Giêsu đúng là Con Thiên Chúa. Các phép lạ ấy cũng tỏ cho thấy Chúa Cha đã ban cho Người cũng như cho những kẻ kế vị Người những quyền năng thiêng liêng. Nhất là các phép lạ được thực hiện cốt để người ta tin vào lời của Đấng được Thiên Chúa sai đến.
Trích đoạn Phúc âm ta đọc lại hôm nay nói lên ý nghĩa này rõ rệt. Dân chúng ngạc nhiên trước tiên không phải vì người bại liệt được chữa khỏi, nhưng vì phép lạ ấy chứng tỏ việc "Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền tha tội". Phép lạ như con dấu chứng thực cho sự việc này.
Thiên Chúa còn làm phép lạ nữa không? Chắc chắn, còn. Nhiều không? Ai dám nói được điều này. Có một điều chắc chắn. Ay là ta không được nuôi dưỡng lòng tin của mình bằng các phép lạ, nhưng phải bằng Lời Chúa.
Suy niệm 3:
Con đang ở trong loạt bài mặc khải về quyền năng của Chúa. Những tường thuật của Matthêu cho con thấy Chúa có quyyền năng trên bão tố (thứ 3), trên ma quỷ (thứ 4), và hôm nay là trên bệnh tật và tội lỗi.
Qua phép lạ này cho con thấy Chúa có quyền năng trên tất cả: trên thân xác, trên tâm hồn của con người. Trên thân xác, Chúa đã làm cho một người bại liệt được khỏi: "Đứng dậy, vác giường mà về đi!" (Mt9,6). Trên tâm hồn, Ngài đã tha tội cho anh ta, vì theo quan niệm của người Do Thái, những người mắc bệnh là do bản thân họ có tội, hoặc cha mẹ họ truyền lại cho họ: "Này con, cứ yên tâm, tội con được tha rồi" (Mt9, 2b).
Kế đến con thấy được giá trị của đời sống cộng đoàn. Người bại liệt không thể nào tự động đến với Chúa được, nhưng phải có "bốn người khiêng". Bốn người khiêng đây cũng không dễ dàng đến với Chúa vì dân chúng đông lắm, cho nên chắc chắn họ phải chen lấn mới đưa người bại liệt vào gặp Chúa được. Maccô còn kể thêm chi tiết ngoạn mục hơn: "Họ dỡ mái nhà ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lổ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chỏng xuống" (Mc2,4b).Thấy đức tin của họ, Chúa đã chữa cho người bại liệt được khỏi. Đức tin này là đức tin của cộng đoàn chứ không phải của riêng người bệnh.
Con để ý nhiều đến câu: "Dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa vì đã ban cho loài người được quyền năng như thế" (Mt 9,8). Chỉ có một mình Chúa Giêsu tha tội và chữa bệnh thôi, vậy mà Matthêu ghi "loài người". Ngụ y của Matthêu ở đây là gì? Có lẽ là nói đến quyền tha tội Chúa ban cho các linh mục sau này.
Từ lời Chúa hôm nay cho con xác tín một điều: chính Chúa làm chủ cuộc đời con, Chúa có quyền trên thân xác và linh hồn của con. Trước mặt Chúa, con như người bại liệt, không làm chủ được mình, mà phải hoàn toàn cậy dựa vào lòng nhân lành của Chúa.
Con cũng thấy được giá trị của sự hiệp thông trong cộng đoàn. Đức tin của con có được không phải nhờ bản thân con, nhưng trước hết nhờ cha mẹ và gia đình. Khi con lớn lên, đức tin đó được nuôi dưỡng trong họ đạo, bởi đời sống tốt lành của nhiều người. Từ đó nhắc nhở con: con sống không phải chỉ cho riêng mình, mà còn để hiệp thông với anh chị em mình nữa. Vì vậy lối sống tưởng như của riêng con nhưng lại liên đới với mọi người. Con sống đức tin một cách nhu nhược thì hậu quả không chr một mình con gánh chịu, mà cả cộng đoàn và cả Giáo Hội cũng phải bị ảnh hưởng. Ngược lại, khi son sống đức tin một cách manh mẽ thì anh chị em của con cũng sẽ được hưởng nhờ.
Đặc biệt thấy được quyền năng tha tội của các linh mục là quyền năng nhận lãnh từ nơi Chúa, đại diện Chúa. Vì vậy con đến với Bí Tích Giải Tội một cach y thức hơn. Đồng thời con cũng cầu nguyện cho các Linh Mục của Chúa được thực thi quyền của Chúa một cách quảng đại và đầy yêu thương.
Lạy Chúa, xin ban cho con đức tin để nhận ra Chúa là chủ cuộc đời con. Xin ban đức cậy để con biết phó thác tất cả cho Chúa. Xin ban cho con sự hiệp thông để con có thể sống hết mình, hết tình với anh chị em mình. Amen.