Dân Chúa Âu Châu

Ga 1612-15Cảm nghiệm sự hiện diện của Đấng Phục sinh.
Thứ Tư tuần 6 Phục Sinh.
"Thần Chân lý sẽ dạy các con biết tất cả sự thật".

Lời Chúa: Ga 16, 12-15
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: "Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Cảm nghiệm sự hiện diện của Đấng Phục sinh
Trong một tập truyện ngắn, nhà văn Hy lạp Nikos Kazanzakis có kể lại cuộc gặp gỡ giữa một linh mục Chính thống tên là Manassê và một ẩn sĩ. Hai vị đàm đạo với nhau suốt ngày mà câu chuyện vẫn không chấm dứt. Vị ẩn sĩ có thói quen nhắm nghiền đôi mắt trong khi nói chuyện. Thấy thế linh mục Manassê liền đề nghị ông hãy mở mắt ra, có mở mắt, ông mới thấy những kỳ công của Chúa. Nghe thế, vị ẩn sĩ trả lời: "Nhưng tôi nhắm mắt lại là để thấy Đấng đã thực hiện những kỳ công ấy".
Chỉ với đôi mắt đức tin, con người mới cảm nhận và nhìn thấy Chúa Kitô phục sinh. Đó là điều Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ trong Tin mừng hôm nay, được trích từ những lời giã biệt của Chúa Giêsu với các môn đệ trong Bữa Tiệc ly trước khi Ngài đi vào cuộc tử nạn. Chúa Giêsu xem cuộc tử nạn của Ngài như một cuộc ra đi trở về cùng Chúa Cha, vì sứ mệnh của Ngài đã hoàn tất. Nhưng sự ra đi của Ngài không phải là một vĩnh viễn từ giã cõi đời, mà là một hiện diện mới, và Thánh Thần chính là Đấng sẽ làm chứng về sự hiện diện mới ấy của Chúa Giêsu.
Chỉ trong Thánh Thần, nghĩa là trong đức tin, con người mới cảm nhận được sự hiện diện ấy của Chúa Giêsu, chỉ trong Thánh Thần, con người mới hiểu biết về Chúa Giêsu. Đó là cảm nghiệm mà các môn đệ Chúa Giêsu có thể có được từ sau lễ Ngũ tuần. Trước đó, Chúa Giêsu phục sinh đã nhiều lần hiện ra cho các ông, nhưng sự hiểu biết của các ông về mầu nhiệm của Ngài vẫn còn bị giới hạn. Chỉ sau khi Thánh Thần hiện xuống, các môn đệ mới cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Giêsu phục sinh và chân lý của Ngài mới sáng tỏ trong tâm hồn các ông. Chúa Giêsu đã khẳng định vai trò giáo dục của Thánh Thần khi Ngài nói với các môn đệ: "Khi Thần Chân lý đến, Ngài sẽ đưa các con vào tất cả sự thật".
Chúa Giêsu là Lời trọn vẹn của Thiên Chúa nói với con người. Thiên Chúa đã nói với nhân loại qua người Con Một của Ngài, nhưng lời ấy con người chỉ có thể đón nhận và lãnh hội trong và nhờ Thánh Thần mà thôi. 2.000 năm qua, Thánh Thần đã không ngừng hướng dẫn và soi sáng để Giáo Hội đào sâu giáo huấn của Chúa Giêsu. Cũng chính Thánh Thần ấy qua phép rửa ban cho mỗi kitô hữu ơn hiểu biết về chân lý cứu rỗi và cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục sinh.
Thánh Phaolô, tuy chưa từng được sống với Chúa Giêsu, nhưng nhờ Thánh Thần đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Đấng Phục sinh, đến nỗi đã thốt lên: "Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi". Chính do Thánh Thần tác động, con người mới cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục sinh, cho nên thánh Phaolô khuyên chúng ta đừng dập tắt Thánh Thần. Đừng dập tắt Thánh Thần có nghĩa là luôn biết lắng nghe tiếng nói của Ngài trong đáy thẳm tâm hồn chúng ta. Là đền thờ của Thánh Thần, cho nên từ trong tâm hồn, chúng ta luôn nghe đuợc tiếng nói của Ngài. Đừng dập tắt Thánh Thần có nghĩa là luôn mở rộng tâm hồn để đón nhận sự hiện diện và tác động của Ngài trong mọi biến cố cuộc sống. Điều đó cũng có nghĩa là luôn nhìn vào cuộc sống bằng cái nhìn của lạc quan, tin yêu và hy vọng.
Nguyện xin Thánh Thần ban cho chúng ta một quả tim mới, một quả tim biết yêu thương và hy vọng, để cuộc sống chúng ta trở thành dấu chứng cho sự hiện diện của Đấng Phục sinh.
(Trích trong 'Mỗi Ngày Một Tin Vui')

SUY NIỆM 2: Đấng Mặc Khải
Đức Giêsu Kitô, khi tiếp xúc với các tông đồ đã biết rõ sự yếu đuối của con người và sự khó hiểu của loài người về mặc khải của Thiên Chúa. Vì thế, ngày hôm nay, Đức Giêsu loan báo cho chúng ta về Tin mừng này là "Thánh Thần sẽ đến dẫn đưa anh em đến sự thật toàn vẹn ... Ngài sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em".
Đức Giêsu đã hứa với chúng ta rằng chúng ta sẽ được dẫn tới sự thật toàn vẹn có phải để chúng ta biết được mọi bí mật trong vũ trụ? Có phải cho chúng ta một kiến thức bách khoa không? Có phải không có chi vượt ra ngoài sự hiểu biết của chúng ta không? Tôi không tưởng như vậy. Bài Tin mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta một chiều kích khác, đó là sự thật toàn vẹn về một người. Chân lý của giáo lý Công giáo chỉ cho chúng ta biết, người đó chính là Đức Giêsu, Đấng làm chứng về Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Đức Giêsu còn làm chứng rằng đời sống của chúng ta được mời gọi đến sự sống đời đời sau cái chết. Người lấy chính bản thân mình làm chứng rằng hiến mạng sống mình cho người khác là phương thế biến đổi đời sống diệt vong này ra đời sống trường sinh bất diệt. Theo giáo lý, tin là tin vào một người chân thật, lời chứng của họ mới chân thật. Người ta không tin những nguyên lý, những mầu nhiệm, những chân lý suông. Tin là tin vào một người. Mặc khải của Thiên Chúa chính là mặc khải về một người đã hành động đầy nhân ái đối với con người.
Điều quan trọng là chúng ta gắn bó liên kết nhiều với Đấng của công thức đức tin, chứ không phải công thức tín lý làm cho có đức tin như chúng ta tưởng. Chúng ta không bao giờ tới được Đấng mà các nhà thần học chôn vùi trong hàng ngàn từ ngữ.
Trong Thánh lễ, chúng ta hãy chúc tụng Thiên Chúa đã cho chúng ta được tới với Ngài trong đức tin, và hãy cảm tạ Ngài vì đã ban tặng Thần khí của Ngài mặc khải cho chúng ta Đấng lạ lùng này là Đức Giêsu Kitô. Người là chân lý, là sự thật. Trong người chúng ta có thể hãnh diện biết bao.
C.G

SUY NIỆM 3: Sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần
Chúa Thánh Thần đến hướng dẫn những môn đệ của Chúa Giêsu đến sự thật trọn vẹn. Chúa Giêsu dùng từ ngữ "hướng dẫn đến sự thật toàn vẹn" để nói lên một trong những trách vụ của Chúa Thánh Thần. Ðây không có nghĩa là Chúa Thánh Thần mạc khải thêm cho các môn đệ Chúa Giêsu biết những sự thật mới mẻ về Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần không mạc khải thêm những điều mới. Mạc khải của Chúa Giêsu đã trọn vẹn nhưng các môn đệ chưa lãnh hội trọn vẹn hết mọi sự được, cần nhờ đến Chúa Thánh Thần để được dẫn sâu vào trong các sự thật của Chúa, để hiểu mỗi ngày một hơn mạc khải của Chúa. Ðây không phải là vấn đề về số lượng nhiều hay ít những sự thật của Chúa, nhưng là vấn đề về phẩm chất, về mức độ lãnh hội sự thật nơi các môn đệ. Các ngài cần đào sâu hơn giáo huấn của Chúa Giêsu, cần được hướng dẫn đến sự thật toàn vẹn, cần hiểu sâu xa hơn về mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô, nhờ qua Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu biết các môn đệ còn là những người có những giới hạn và cả những tật xấu nữa, và do đó đang cần đến sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần biết là chừng nào để có thể làm chứng cho Chúa cách đáng tin.
Chúa hứa sẽ trao ban Chúa Thánh Thần xuống khi đã về cùng Thiên Chúa Cha vừa đồng thời mời gọi các ông hãy chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận Chúa Thánh Thần. Hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi từng cá nhân của các tín hữu cũng như trong cộng đoàn Giáo Hội không đi ngược lại việc làm của Chúa Giêsu, nhưng làm cho công việc đó được đón nhận cách sâu xa hơn và như thế, có thể nói là Chúa Thánh Thần làm Chúa Giêsu Kitô được vinh hiển, được nhiều người biết đến mỗi ngày một hơn.
Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta mỗi ngày một hiểu sâu xa hơn mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô, mỗi ngày một trở nên người Kitô trung thực hơn, mỗi ngày một chiến thắng nhiều hơn trên tội lỗi.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin thương ngự xuống trên chúng con và hướng dẫn chúng con trên con đường hiểu biết và yêu mến Chúa mỗi ngày một trọn vẹn hơn.
(Trích trong 'Mỗi Ngày Một Tin Vui')