Dân Chúa Âu Châu

Loi-Chua Mt 15 1-6 Mong Hai TetMừng xuân với những liên hệ.
Thứ ba tuần 5 thường niên – MỒNG HAI TẾT BÍNH THÂN. KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ.
"Ðể tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng ta".

Lời Chúa: Lc 1,67-75
Khi ấy, Dacaria, cha của Gioan, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: "Chúc tụng Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Chúa đã gầy dựng cho chúng ta một uy quyền cứu độ. trong nhà Ðavít là tôi tớ Chúa, như Người đã phán qua miệng các thánh nhân từ ngàn xưa, là tiên tri của Chúa; để giải phóng chúng ta khỏi quân thù, và khỏi tay những người ghen ghét chúng ta; để tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng ta, và nhớ lại lời thánh ước của Người: lời minh ước mà Người tuyên thệ, với Abraham tổ phụ chúng ta, rằng: Người cho chúng ta không còn sợ hãi, sau khi thoát khỏi tay quân thù, được phục vụ trước tôn nhan Người, trong thánh thiện và công chính trọn đời chúng ta".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Mồng hai tết – kính nhớ tổ tiên - Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Truyền thống Dân tộc Việt Nam chúng ta luôn đề cao chữ hiếu. Bởi vì, dù có đi đạo hay không, người Việt Nam từ ngàn xưa đã biết thờ Cha kính Mẹ. Như thế, quả rất thích hợp với điều răn thứ tư trong mười điều răn của Thiên Chúa. Ngày mồng hai tết bao giờ, Giáo Hội cũng dành riêng để kính nhớ ông bà cha mẹ, tổ tiên. Đây là nét son của Giáo Hội.
Vâng, ngay từ khi khởi đầu công cuộc truyền giáo ở đất nước chúng ta, Cha Alexandre de Rhodes đã luôn quan tâm và dạy dỗ con người hãy trung thành, hiếu thảo với Thiên Chúa, với Vua và với Cha mẹ. Đây là giáo lý nói về tam phụ. Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất, dựng nên con người. Nên, con người phải biết ơn Thiên Chúa, trung thành với Ngài. Cha mẹ thừa lệnh Thiên Chúa sinh ra chúng ta, do đó, chúng ta phải hiếu thảo và trung thành với Cha mẹ. Con người có đất nước, có tổ quốc. Đứng đầu nước là Vua, nên con người phải trung với Vua vv... Đây là đạo lý của con người. Tuy nhiên, lúc đó vì chưa hiểu rõ các địa phương, các đất nước. Giáo Hội đã có những thông tư nghịch lại với nghi lễ Trung Hoa. Nên, một thời gian dài đã có những hiểu lầm và nghi kỵ đối với đạo Công giáo.
Ngày nay, với Công Đồng Vatỉcanô II, Giáo Hội đã có cái nhìn phù hợp với hoàn cảnh, truyền thống của các đất nước, các địa phương. Nên, mọi Kitô hữu đều cảm thấy thoải mái hơn với việc tôn kính tổ tiên vv... Giới răn bốn trong thập giới đã viết:" Hãy thảo kính Cha mẹ ". Điều này rất phù hợp với các đoạn Sách Thánh như Cn 6,20,23abc :" Con ơi giữ lấy lời cha, chớ quên lời mẹ, nhớ mà ghi tâm.Đèn soi trong chốn tối tăm, ấy là chính những lời răn, lệnh truyền.Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, khắc ghi công đức một niềm tri ân ". Hoặc Sách Khải Huyền 14, 13 viết :" Phúc thay kẻ nhắm mắt lìa đời, đã lìa đời trong ơn nghĩa Chúa. Trải qua bao nhọc nhằn vất vả, giờ đây họ xứng đáng nghỉ ngơi, vì công đức xưa kia vẫn còn theo họ mãi ".
Người công giáo Việt Nam bao giờ cũng có lòng biết ơn và kính nhớ ông bà tổ tiên cha mẹ. Hầu như nhà nào cũng có bàn thờ ông bà tổ tiên với những hoa nến, nhang hương tỏa hương thơm ngát, nghi ngút khói bay... Thật đúng như lời Sách Đức Huấn Ca viết :" Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên, mả đẹp, và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài, và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen ". Thánh Augustinô cũng viết một đoạn đáng ghi nhớ :" Các ngài thấy, các thế hệ loài người trên mặt đất cũng giống như những chiếc lá trên cành cây, luôn luôn xanh tươi. Trái đất này cũng mang những con người, như cây mang những chiếc lá. Trái đất đầy dẫy những con người kế tiếp nhau, người này chào đời, trong khi người kia vẫy tay giã biệt. Cây không bao giờ cởi bỏ bộ áo màu xanh của mình, nhưng hãy nhìn xuống gốc cây : các ngài đang đạp trên một tấm thảm dầy những chiếc lá khô mục ". Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêsô đã khuyên nhủ :" Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa,vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ...".
Thảo kính cha mẹ, tôn kính tổ tiên là truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam. Cài bông hồng đỏ trên áo để chứng tỏ cha mẹ còn sống. Đó là cách biểu lộ tình thương đối với cha mẹ, do đó, phụng dưỡng cha mẹ, an ủi cha mẹ là tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Cài bông hồng trắng trên áo để tưởng nhớ cha mẹ đã khuất. Con người nhớ để cầu nguyện, dâng lời kinh, tạ lễ cầu cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã mất là cách tỏ lòng tôn kính, thảo hiếu đối với các bậc sinh thành...
Xin Chúa cho chúng con luôn biết hiếu thảo với ông bà tổ tiên cha mẹ và quyết tâm nối tiếp sự nghiệp của các ngài, để luôn luôn làm rạng rỡ dòng họ và làm rực sáng gia phong.
Lạy Chúa là Cha rất nhân từ,
Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo.
Hôm nay nhân dịp đầu năm mới,
Chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ.
Xin Chúa trả công bội hậu
Cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con,
Và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài. (Lời nguyện nhập lễ, lễ Kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ).

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Tại sao lại phải hiếu thảo đối với Ông bà cha mẹ và tổ tiên ?
2.Chúa dạy sao về hiếu thảo ?
3.Cài bông hồng đỏ trên áo có nghĩa gì ?
4.Cài bông hồng trắng trên áo có ý nghĩa gì ?

SUY NIỆM 2: Mừng xuân với những liên hệ – TGM. Ngô Quang Kiệt
Dịp Tết, ta thường gửi thiệp chúc Tết, thăm viếng và tặng quà cho nhau. Những sinh hoạt ngày Tết như thế là những sinh hoạt của các mối quan hệ. Nếu không có nhưng liên hệ, ngày Tết sẽ mất đi ý nghĩa của nó. Tết là của người khác chứ không phải của riêng mình. Vì thế, đối với trẻ em, Tết là những ngày hội vui. Nhưng đối với người trưởng thành, Tết là một trách nhiệm:
Người ta sống được ở đời là nhờ những liên hệ. Không ai có thể sống một mình. Ta cần có cha mẹ để mặt ở đời. Ta cần có thầy cô để khai thông trí hoá. Ta cần có bạn bè để chia sẻ buồn. Ta cần người nông dân để có lúa gạo, rau trái. Ta cần có thợ may để có quần áo. Ta cần người quét đường để đường phố được sạch sẽ. Có thể tất cả những gì ta có được: từ sự sống đến kiến thức, từ cơm ăn áo mặc đến xe cộ, thuốc men, tất cả đều nhờ người khác.
Những mối liên hệ giống như những con đường chuyên chở đến cho ta những chất liệu nuôi dưỡng cuộc sống. Những mối liên hệ là những mạch máu đem máu đỏ đến tận những tế bào bé nhỏ nhất trong thân thể ta. Những mối liên hệ chính là chiếc tay vịn giúp ta leo lên những bậc thang làm người và thành đạt.
Đời ta có nhiều liên hệ. Có những liên hệ chiều rộng giúp cho cuộc đời thêm tươi đẹp phong phú. Có những liên hệ chiều sâu tạo bản chất cuộc đời. Gia đình với ông bà cha mẹ tổ tiên nằm trong mối liên hệ chiều sâu của đời ta. Không có ông bà cha mẹ tổ tiên, ta không có mặt ở đời. Ông bà cha mẹ là những hạt giống chịu vùi chôn dưới những lớp đất vất vả nhọc nhằn để cho cây đời ta được mọc lên xanh tươi. Ông bà cha mẹ đã tư nguyện quên bản thân mình, chịu mục nát như lớp phân bón cho cây đời chúng ta đơm bông kết trái. Ta là điểm tới của một quá trình phấn đấu gian nan dài đằng đẵng của ông bà cha mẹ. Nếu ví đời sống ta như một bông hoa thì những bông hoa ấy đã được tưới bằng những giọt mồ hôi và cả những giọt nước mắt của ông bà cha mẹ. Nếu ví đời ta như một toà nhà cao tầng thì ông bà cha mẹ chính là lớp nền móng chịu vùi chôn dưới lòng đất, còng lưng gánh chịu mọi sức nặng cho toà nhà đứng vững, phô trương vẻ đẹp với đời. Hạt mầm hiện hữu vì bông hoa sắp nở. Nền móng có mặt vì ngôi nhà sắp xây. Trọn một đời ông bà cha mẹ đều dành cho hạnh phúc của con cháu.
Đời sống mỗi người, vì thế, đều có một lịch sử rất dầy và rất sâu. Bề dầy ấy không chỉ đo bằng những trang sách của cuốn gia phả, nhưng còn đo bằng những tranh đời của bao thế hệ tổ tiên. Độ sâu ấy không chỉ đo bằng những cố gắng của bản thân, mà còn đo bằng bề sâu ân nghĩa của biết bao hi sinh vất vả của ông bà cha mẹ.
Ngày Tết là ngày của những mối liên hệ. Mùng Một Tết, chúng ta đã sống mối liên hệ với Chúa, nguồn gốc và cứu cánh của đời ta. Mùng hai Tết, Giáo hội muốn chúng ta sống mối liên hệ với ông bà cha mẹ, những người thay mặt Chúa, trực tiếp ban sự sống cho ta.
Sự sống là món quà nhất nên mối liên hệ với người ban sự sống cũng là mối liên hệ sâu nhất.
Tục lệ lập bàn thờ và kính nhớ tổ tiên trong ngày Tết là một nét văn hoá rất cao của người Việt Nam. Hình ảnh của ông bà cha mẹ trong nhà không chỉ nói lên sự sum họp của một gia đình đầm ấm, hình ảnh ấy còn nhắc ta về lòng biết ơn, cho ta nhìn thấy bề sâu bề dầy của lịch sử đời mình. Và vì thế giúp ta ý thức về trách nhiệm của mình đối với tổ tiên, đối với bản thân, và đối với những thế hệ kế tiếp.
Muốn xây một căn nhà thật cao thật đẹp, trước hết phải xây dựng nền móng vững chắc. Muốn xã hội tiến nhanh tiến mạnh, phải xây dựng gia đình vững chắc. Thờ kính tổ tiên, nhớ ông bà cha mẹ là nền tảng giúp xã hội tiến bộ vững mạnh.
Nếu những mối liên hệ là những con đường chuyển tải sự sống thì những liên hệ chiều sâu chính là những xa lộ huyết mạch. Nếu những mối liên hệ là những mạch máu nuôi dưỡng sự sống thì mối liên hệ chiều sâu chính là những động mạch chủ. Sửa chữa, củng cố và tăng cường những liên hệ gia đình chính là phát triển sự sống, phát triển xã hội.
Chính trong ý hướng đó mà Giáo hội, muốn ta sống tình gia đình, lòng biết ơn ông bà cha mẹ trong ngày mùng Hai Tết.

SUY NIỆM 3: Đạo Hiếu - Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
Đạo hiếu dưới cái nhìn Kitô giáo
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Thế đó thật nhẹ nhàng, nhưng từng lời ru của người mẹ Việt Nam đung đưa bên chiếc nôi của đứa con nhỏ, ngày qua ngày đã dần đi sâu vào trái tim, làm nên dòng máu thắm đỏ của những người con, tạo nên trong tâm thức của từng người dân đất Việt một tâm tình thảo hiếu, biết ơn sâu sắc đối với các bậc sinh thành. Các cụ ngày xưa cho là hiếu đứng đầu trăm nết: "Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết, thời suy ra trăm nết đều nên". Do đó, đối với cái nhìn tự nhiên của mọi người, bất hiếu là một trong những tội lớn nhất và cũng bị mọi người kết án nhiều nhất. Bộ luật Hồng Đức ban hành thời Lê Thánh Tông cũng ghép tội bất hiếu vào trọng tội. Không chỉ con trai, con dâu không thờ cha mẹ chồng cũng bị coi là phạm tội "thất xuất" (Nhất Thanh, Đất lề quê thói, trang 326).
Chính vì thế, vào những ngày Tết, giỗ chạp... trong các gia đình Việt Nam chúng ta, con cái dù có đi làm ăn đâu xa, thì ba ngày Tết cũng cố gắng về nhà để tết cha, tết mẹ. Nếu cha mẹ không còn, thì cũng về để thắp nén hương cầu nguyện cho ông bà cha mẹ. Cùng chung cảm thức đó của dân tộc, Giáo Hội Việt Nam đã dành ngày Mồng Hai Tết này để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Rồi từ đạo hiếu với cha mẹ, Giáo Hội muốn từng người chúng ta tỏ lòng hiếu kính với người Cha cao cả và tuyệt đối hơn, đó là Thiên Chúa.
1. Đạo hiếu, bổn phận hàng đầu của người Kitô hữu:
Truyền thống cha ông chúng ta rất coi trọng chữ hiếu. Để đánh giá tư cách của một người nào, các cụ ngày xưa thường dựa vào cách người đó đối xử với cha mẹ, anh chị em. Thậm chí, các cụ coi việc báo hiếu còn quan trọng hơn cả việc đi tu: Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ, ấy là chân tu". Hơn nữa, việc thảo kính cha mẹ, xét về mặt tự nhiên, cũng là hợp với lẽ công bằng, bởi vì cha mẹ là người đã có công sinh thành, dưỡng dục giúp ta khôn lớn thành người.
Mặt khác, đối với người kitô hữu, việc thảo kính cha mẹ không chỉ là một bổn phận tự nhiên, nhưng còn là một đòi hỏi của Thiên Chúa. Nhìn lại bản thập giới, chúng ta thấy ngay sau ba giới răn nói về bổn phận của con người đối với Thiên Chúa, thì giới răn "thảo kính cha mẹ" được đặt đầu tiên trong các giới răn nói về mối tương quan của con người với nhau. Điều đó, cho thấy, việc hiếu thảo với cha mẹ là bổn phận hàng đầu của mỗi người kitô hữu. Trong bài Tin mừng, Đức Giêsu cũng đã lập lại giới răn này và khẳng định đó chính là ý muốn từ ban đầu của Thiên Chúa và con người không có quyền thay đổi, Ngài nói: "Thiên Chúa dạy: "Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử". Còn thánh Phaolô thì nói: "Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này".
Như thế, việc chúng ta thảo kính cha mẹ không còn tùy thuộc vào ý thích cá nhân của chúng ta, nhưng là thánh ý của Thiên Chúa. Được Thánh Thần soi sáng, tác giả sách Huấn ca nhắc nhở chúng ta: "Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này". Và vì là ý muốn của Thiên Chúa, nên những ai trung thành tuân giữ việc thảo kính cha mẹ không những là chu toàn bổn phận làm con, nhưng còn được Thiên Chúa chúc phúc. Tác giả Thánh vịnh đã cất lời ca ngợi những ai luôn sống theo đường lối của Thiên Chúa: "Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may".
Tóm lại, về mặt tự nhiên, việc hiếu thảo là bổn phận tự nhiên và là dấu chỉ của một con người trưởng thành. Đồng thời, khi sống hiếu thảo cũng là lúc chúng ta chu toàn giới luật của Thiên Chúa và nhờ đó được Ngài chúc lành. Tuy nhiên, trong niềm tin, chúng ta biết rằng tất cả chúng ta: cha mẹ và con cái, đều nhận được sự sống từ nơi Thiên Chúa. Do đó, trong ngày đầu năm kính nhớ tổ tiên, chúng ta cũng cần lưu ý đến bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta sự sống và hết lòng yêu thương chúng ta, như lời Ngài phán qua miệng ngôn sứ Isaia: "Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối với con dạ nó đã mang? Cho dù chúng quên được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi! Này: Ta đã khắc ghi ngươi trên bàn tay Ta" (Is 49, 15-16a).
2. Sống trung thành với Thiên Chúa, dấu chỉ của đạo hiếu:
Dưới cái nhìn của đức tin, cha mẹ là những người được Thiên Chúa cho cộng tác vào chương trình sáng tạo của Người. Cha mẹ là những người thay mặt Thiên Chúa để hướng dẫn con cái. Do đó, việc đầu tiên mà các bậc cha mẹ cần làm là giáo dục con cái trung thành với Thiên Chúa theo lời nhắn bảo của thánh Phaolô: "Những người làm cha mẹ,... hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy".
Giáo dục con cái thánh thiện, trung thành với Thiên Chúa, các bậc cha mẹ sẽ có được một kho tàng quý giá không bao giờ hư mất: "Các ngài sống mãi trong dòng dõi các ngài; gia tài quí báu của các ngài để lại là lũ cháu đàn con". Đây là điều quan trọng mà chúng ta vẫn thường hay quên. Chúng ta thường la rầy con cháu, nhắc nhở chúng hiếu thảo, vâng lời chúng ta, nhưng lại chẳng bao giờ nhắc chúng về bổn phận với Thiên Chúa. Chắc hẳn với kinh nghiệm sống của mình, quý vị cũng nhận ra rằng: những người nào thật sự trung thành với Thiên Chúa, chắc chắn sẽ hết lòng hiếu thảo với cha mẹ, vì khi họ đến với Thiên Chúa, thì họ sẽ được Thiên Chúa nhắc bảo bổn phận của họ đối với cha mẹ. Còn những người nào quay lưng lại với Thiên Chúa, Đấng ban sự sống cho mình, thì khó mà có lòng hiếu thảo thật với cha mẹ. Cảm nghiệm điều đó, tác giả sách Huấn ca khen ngợi dòng dõi những người trung thành với Thiên Chúa: "Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước, nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các người sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài sẽ được mồ yên mả đẹp, và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế". Còn tác giả Thánh vịnh thì mô tả: "Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn", thật là một khung cảnh ấm êm, hạnh phúc.
Lắng nghe lời Chúa trong những ngày đầu năm này, chớ gì từng người chúng ta một lần nữa ý thức hơn về những hồng ân Thiên Chúa ban cho mình trong một năm qua, để hết lòng tri ân và cảm tạ Ngài. Đồng thời, đây cũng là cơ hội thuận tiện nhắc nhở chúng ta về bổn phận đối với ông bà cha mẹ, những bậc sinh thành ra chúng ta. Việc thảo kính này, không chỉ là một ít lễ vật, một lời cầu chúc trong ngày đầu năm, nhưng cần được kéo dài trong suốt cuộc sống mỗi ngày của chúng ta. Lòng thảo hiếu đó được thể hiện qua cách chúng ta nói năng, xưng hô với cha mẹ. Nó còn được thể hiện qua việc chúng ta vâng lời, chăm nom, săn sóc cho cha mẹ khi còn sống, nhất là khi các ngài già yếu, bệnh tật; và cầu nguyện cho các ngài khi đã qua đời, theo đúng truyền thống của cha ông chúng ta: "Sống tết, chết giỗ". Amen.

KHÔNG CÓ HIẾU LÀ VẤT ĐI!
MỒNG HAI TẾT NGUYÊN ĐÁN 2016
(Hc 44,1.10-15; Ep 6, 1-4.18.23; Mt 15, 1-6)
Tôn kính tổ tiên và hiếu nghĩa với ông bà cha mẹ là truyền thống và gia sản tốt đẹp của cha ông ta từ bao đời nay.
Đây là nghĩa cử cao quý mà bất cứ ai, đã sinh ra làm người thì khi đến tuổi khôn đều phải được dạy cho biết gia sản quý báu của dân tộc, đồng thời mỗi người phải coi đây là bổn phận, nghĩa vụ trong lòng mến chứ không chỉ đơn thuần là tình cảm tự nhiên.
Ngược lại, nếu ai sống một cuộc đời bất hiếu, thì có thể kể hạng người đó vào số những người vô giáo dục, hay không phải là con người đúng nghĩa!
Hôm nay, Giáo Hội dành riêng ngày mồng hai tết cổ truyền của dân tộc để mời gọi con cái mình hướng về cội nguồn để cầu nguyện cho các bậc sinh thành, và noi gương sáng của các ngài để lại, hầu có thể làm sáng danh Thiên Chúa, rạng rỡ gia phong và vẻ vang dân tộc... đây chính là: "Của lễ làm đẹp lòng Thiên Chúa" (Cl 3,20).
1. Đạo hiếu ngày xưa
Ngày xưa, cha ông ta rất coi trọng chữ hiếu. Chữ hiếu được đưa lên hàng đầu vì: "Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết, thời suy ra trăm nết đều nên".
Vì thế, khi đánh giá một người nào, các cụ ta thường hay xem họ có hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ, sống có tình nghĩa với anh chị em trong gia đình và làng xóm không?
Còn khi chọn ai đó làm quan, nhà vua thường dựa trên quy luật: "Tướng – Hàm –Hiếu". Tức là phải có tướng mạo, học hành giỏi giang và có hiếu với bậc sinh thành. Tuy nhiên, hiếu nghĩa quyết định người đó đậu hay không.
Khi người xưa coi trọng chữ hiếu như vậy, các bậc tiền bối của chúng ta coi chữ hiếu là căn cốt, là bản lề, là cột trụ trong việc hình thành nhân cách cũng như nền tảng xây dựng xã hội và nghề nghiệp.
Theo truyền thống Nho giáo, trong các tội người ta phạm thì tội bất hiếu là tội nặng nhất, bởi lẽ: "Người ta có cha có mẹ, không ai ở chỗ nẻ chui lên", nên: "Người ta có cố có ông, như cây có cội như sông có nguồn".
Vì thế, người thời xưa, sáng ngày mồng một, con cháu quy tụ về nhà tổ để làm lễ gia tiên với người đã khuất, sau đó đến phần bày tỏ hiếu nghĩa với người còn sống.
2. Đạo hiếu ngày nay
Trên đây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta khi nói và sống chữ hiếu. Còn ngày nay thì sao?
Nếu ngày xưa, nhà nhà, người người coi lễ giáo gia phong, tôn ty trật tự, hiếu nghĩa thảo hiền là điều quan trọng không thể thiếu trong các mối tương quan, thì ngày nay, có khi: "Mò kim đáy biển".
Vì thế, trong những ngày giáp tết vừa qua, trên các trang mạng xã hội có đăng tải những tấm hình gây nhiều chú ý, bức xúc kèm theo những lời kết án gắt gao, đó là: hình ảnh một bà cụ già trạc 90 tuổi, bị nhốt dưới bếp và khóa trái cửa, cụ đẩy cửa và nhìn hé ra ngoài, bên dưới là lời nói: "Con ơi, mở cửa cho mẹ, mẹ không lên phòng khách đâu!!!". Rồi hình ảnh khác, một bà cụ ngồi vệ đường với bát cơm trộn. Cụ vừa ăn vừa khóc! Bên dưới có lời bình: "Cuộc đời vất vả nuôi con, cầu mong con lớn, nhờ con về già! Vậy mà khi tuổi xế tà, sức lực cạn kiệt thân già ốm đau. Con cái thì lại ganh nhau, chăm được ba bữa càu nhàu rên la. Mẹ già cay đắng lệ xa, bát cơm chan lệ như là chan canh". Ôi đọc mà đau nhói con tim, tê tái tâm hồn!
Rồi nhìn chung quanh, có khi không chừng, ngay cả trong nhà thờ này, vẫn còn đó những đứa con bất hiếu, vô giáo dục khi đối xử với thậm tệ với cha mẹ!
Vì thế, vẫn thấy đây đó nhiều bậc cha mẹ phải bỏ nhà ra đi hay bị đuổi ra khỏi nhà vì cảnh con dâu quá láo, con trai phụ bạc, các cháu hỗn hào... Ôi thật đau xót biết chừng nào!!!
Những hạng người bất hiếu trên, có lẽ họ quên mất một quy luật tất yếu, đó là: "Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó".
Có một câu chuyện kể rằng: một hôm, anh con trai mua một cái sọt, rồi nhốt cha già trong đó và mang vào rừng bỏ đói cho chết. Thấy vậy, con trai anh tuy còn nhỏ, nhưng đã ý thức và đau xót nên nói với cha mình rằng: "Ba đem ông vào rừng rồi sau đó mang sọt về cho con nhé". Người cha liền hỏi: "Mang về làm gì?" Người con đáp: "Để sau này có cái mà nhốt cha!". Đây quả là quy luật tất yếu dành cho kẻ bất hiếu.
3. Đạo hiếu trong truyền thống Công Giáo
Đối với người Công Giáo, đạo hiếu không chỉ là một bổn phận phải có đối với các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, mà còn là đòi hỏi, là lệnh truyền, là giới răn của chính Thiên Chúa.
Trong thập giới, Thiên Chúa dành ra giới răn thứ tư để truyền phải giữ, đó là: "Thảo kính cha mẹ". Giới răn này chỉ đứng sau những giới răn tôn thờ Thiên Chúa. Như vậy, ngoài bổn phận với Thiên Chúa, người Công Giáo phải trung thành tuân giữ lòng hiếu nghĩa với tổ tiên.
Khi hiếu kính với tổ tiên, chúng ta sẽ được Thiên Chúa chúc phúc và tha thứ lỗi lầm, vì: "Ai tôn thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu" (Hc 3,3-4). Thánh Phaolô thêm: "Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này" (Ep 6,1-3); vì: "Ai vâng lời cha mẹ trong mọi sự sẽ đẹp lòng Chúa" (Cl 3,20) và sẽ được Thiên Chúa sẽ nhận lời người hiếu nghĩa cầu xin (x. Hc 3,8).
Còn với Đức Giêsu, ngài nhắc lại và kèm theo cảnh báo: "Ngươi hãy thờ kính cha mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử" (Mt 15,4).
4. Thi hành việc hiếu nghĩa
Như những gì đã chia sẻ ở trên, chúng ta thấy chữ hiếu đối với người Công Giáo thật là quan trọng, nó kéo theo việc được chúc lành hay chúc dữ tùy vào thái độ của chúng ta.
Thiết nghĩ, ngay trong giây phút này, mỗi người hãy làm mới lại tinh thần hiếu nghĩa đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ.
Trước tiên, chúng ta hãy cầu nguyện, kết hợp với những hy sinh để cầu cho linh hồn các bậc tổ tiên đã ra đi, đồng thời cầu nguyện cho những bậc còn sống được bình an. Hãy nhớ nằm lòng câu ca dao sau: "Cây có gốc mới nở ngành sinh ngọn. Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu. Người ta có gốc từ đâu! Có cha có mẹ rồi sau có mình".
Thứ đến, hãy vui vẻ lễ phép, chăm lo cơm cháo, đồng quà tấm bánh, nhất là lo thuốc thang khi các ngài ốm đau bênh tật. Sống yêu thương, kính trọng như lời Kinh Thánh dạy: "Con ơi, hãy săn sóc cha con khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi con" (Hc 3,12-14).
Cuối cùng, nếu ai đã hỗn sược, lếu láo với bậc sinh thành, ngay lập tức, sau thánh lễ này, hãy xin lỗi các ngài và quyết tâm sửa sai. Nên nhớ rằng, đây là điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho mình hay không.
Ước gì, trong dịp tết năm nay, nhất là trong ngày cầu cho tổ tiên, cũng như hằng ngày trong đời sống, mỗi người chúng ta phải thực sự là tấm gương cho con cháu về lòng hiếu nghĩa với các bậc tổ tiên, để như một quy luật tất yếu, con cái sẽ noi gương và báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của chúng ta hôm nay và ngày mai. Amen.