Dân Chúa Âu Châu

tn22-t4Tiếp tục rao giảng Tin Mừng.
Thứ tư tuần 22 thường niên.
"Ta còn phải rao giảng Tin Mừng cho các thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến".

Lời Chúa: Lc 4, 38-44
Khi ấy, Chúa Giêsu chỗi dậy ra khỏi hội đường, Người đến nhà Simon. Nhạc mẫu ông Simon phải cơn sốt nặng, và người ta xin Người chữa bà ấy. Người đứng bên bà, truyền lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến khỏi bà. Tức thì bà chỗi dậy, và dọn bữa hầu các ngài. Khi mặt trời lặn, mọi người có bệnh nhân đau những chứng bệnh khác nhau, đều dẫn họ đến cùng Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân, và chữa họ lành. Các quỷ xuất khỏi nhiều người và kêu lên rằng: "Ông là Con Thiên Chúa". Nhưng Người quát bảo không cho chúng nói, vì chúng biết chính Người là Đức Kitô.
Đến sáng ngày (hôm sau), Người ra đi vào hoang địa, dân chúng liền đi tìm đến cùng Người, họ cố cầm giữ Người lại, kẻo Người rời bỏ họ. Người bảo họ rằng: "Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến". Và Người giảng dạy trong các hội đường xứ Giuđêa.

Suy Niệm 1: Chữa Trị Bệnh Tật
"Chúng ta hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" đó là lời phát biểu của Mẹ Têrêsa Calcutta để gián tiếp chấp nhận lời yêu cầu của một số ký giả và những người làm phim muốn làm một cuốn phim tài liệu trình bày những công việc từ thiện do Mẹ và các Nữ tu Dòng Thừa sai bác ái thực hiện. Từ mấy chục năm nay, tinh thần và tình yêu của Mẹ Têrêsa đối với những người đau khổ bệnh tật đã được lan ra khắp nơi trên thế giới, như một tiếp tục công tác chính Chúa Giêsu đã thực hiện mà chúng ta có thể đọc thấy trong Tin Mừng hôm nay.
Thuật lại biến cố Chúa Giêsu chữa bệnh bà mẹ vợ ông Simon và nhiều người khác, thánh sử Luca ghi lại: "Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người nhà đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, tật nguyền, đều đưa tới Ngài. Ngài đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa lành họ". Những dòng kế tiếp cho thấy Chúa Giêsu có uy quyền trên sự dữ. Ở đây sự dữ xuất hiện dưới hai hình thức: bệnh tật và ma quỉ. Chúa Giêsu ra lệnh và quở mắng để chế ngự, nhưng Ngài không tiêu diệt chúng. Ngoài ra, trong nhiều cơ hội khác, Chúa Giêsu làm gương bằng sự ân cần của Ngài đối với các bệnh nhân, kể cả những người mang chứng bệnh khiếp sợ nhất lúc bấy giờ là bệnh phong cùi.
Trong giáo huấn của Ngài, Chúa Giêsu còn đi xa hơn: Ngài đồng hóa mình với những người bệnh tật, những người nghèo đói, những kẻ sa cơ lỡ bước, những người bị cầm tù. Ngài nói: "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta". Qua cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đem lại cho đau khổ và bệnh tật ý nghĩa và giá trị cứu rỗi.
Xin cho công trình giải phóng và cứu rỗi của Chúa được nhiều người quảng đại dấn thân tiếp tục. Xin cho đôi mắt đức tin chúng ta sáng suốt để nhận ra Chúa nơi những người đang cần được giúp đỡ.
(Trích trong 'Mỗi Ngày Một Tin Vui')

Suy Niệm 2: Mến Chúa Và Yêu Người
Năm 1990, trong chuyến viếng thăm Phi Châu, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến Gia Mô Su Cô, thủ đô nước Qua Tê Ðô Bu A để kính viếng Vương Cung Thánh Ðường Ðức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình do tổng thống nước này cho xây cất và dâng tặng cho Tòa Thánh.
Ðược mô phỏng từ Vương Cung Thánh Ðường ở Rôma, ngôi giáo đường vĩ đại này có thể chứa đến tám ngàn chỗ ngồi và mười ngàn chỗ đứng. Người ta không biết rõ kinh phí xây cất ngôi thánh đường này là bao nhiêu, nhưng tổng thống Kufues cho biết mọi chi phí đều do gia đình ông đài thọ. Vào giữa lúc dân chúng Qua Tê Ðô Bu A vẫn còn sống trong nghèo nàn lạc hậu, nhiều người đã có lý để chất vấn ông Kufues tại sao không dùng số tiền kếch sù ấy để xây cất trường học và đẩy mạnh công cuộc phát triển có lợi cho dân nghèo. Ðây cũng chính là điều kiện để Tòa Thánh đón nhận món quà của tổng thống nước này.
Ðức Thánh Cha đã đến thánh hiến Vương Cung Thánh Ðường Ðức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình nhưng đồng thời cũng kêu gọi tổng thống Kufues quan tâm tới công tác giáo dục và xã hội cho dân nghèo. Do đó, tổng thống Kufues đã tặng cho Giáo Hội một khu đất gần nhà thờ để thiết lập một bệnh viện cho người nghèo.
Ðức Thánh Cha đã thánh hiến ngôi giáo đường nguy nga nhưng đồng thời cũng đặt viên đá đầu tiên để xây cất bệnh viện. Cử chỉ này mang một ý nghĩa tượng trưng cao độ, nó nói lên mối quan tâm của Giáo Hội đối với vấn đề phát triển toàn diện con người.
Rao giảng Tin Mừng không chỉ có nghĩa là công bố những chân lý liên quan đến phần rỗi linh hồn, sống đạo không chỉ có nghĩa là xây cất nhà thờ và chu toàn những việc đạo đức đóng khung trong bốn bức tường nhà thờ. Góp phần phát triển xã hội, tranh đấu cho công bình, nỗ lực mang lại no cơm ấm áo và xoa dịu bao vết thương đau của con người, đó cũng là thành phần thiết yếu của công cuộc rao giảng Tin Mừng.
Giáo Hội trong thế giới ngày nay như hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng khẳng định không thể xa lạ hay làm ngơ trước những vui mừng và hy vọng, đau thương và sầu khổ của con người thời đại, và những vấn đề sống còn của con người. Giáo Hội hành động như thế là vì tính cách toàn diện của ơn cứu rỗi. Thiên Chúa không chỉ cứu rỗi phần linh hồn mà cả con người với hồn lẫn xác. Giáo Hội loan báo ơn cứu rỗi toàn diện như thế là bởi vì chính Chúa Giêsu đã loan báo và thực hiện một ơn cứu rỗi như thế. Ngài không chỉ rao giảng và hứa hẹn một Nước Trời hoàn toàn xa lạ với những thực tại trần thế. Nước Trời mà Ngài rao giảng đến ngay trong những thực tại trần thế và trong cuộc sống cụ thể của con người. Ngài không chỉ tha tội trừ quỉ, chữa phần linh hồn mà còn dâng bánh và cá cho nhiều người được ăn no nê, cũng như chữa lành mọi thứ tật bệnh của con người.
Cử chỉ của Chúa Giêsu đối với nhạc mẫu của thánh Phêrô và việc Ngài đặt tay chữa những người bệnh tật ốm đau được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay là điển hình của một tình yêu được trải rộng đến mọi người, từng người, từng nhu cầu của con người mà Chúa Giêsu muốn Giáo Hội tiếp tục trong thế giới ngày nay. Cần có nhà thờ để qui tụ lại, tôn vinh Thiên Chúa và thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng của con người, nhưng càng cần có nhà thương và trường học để phục vụ con người hơn. Gặp gỡ Thiên Chúa trong nhà thờ đã đành, nhưng gặp gỡ Ngài trong tha nhân và cuộc sống hàng ngày mới thiết thực hơn. Có những giây phút tĩnh lặng để cầu nguyện, nhưng cầu nguyện là để được tỉnh thức hơn hầu gặp gỡ, yêu thương và phục vụ người anh em trong cuộc sống hàng ngày. Con đường nào cũng phải dẫn tới nhà thờ nhưng nhà thờ nào cũng có lối thông với cuộc đời. Người tín hữu Kitô gặp gỡ Chúa để múc lấy sức sống và trở lại cuộc sống hàng ngày hầu gặp gỡ và yêu thương người anh em của mình nhiều hơn.
Nguyện xin Chúa cho chúng ta biết thống nhất hai giới răn mến Chúa và yêu người và ý thức rằng cốt lõi của Ðạo là Tình Yêu.
(Trích trong 'Mỗi Ngày Một Tin Vui')

Suy Niệm 3: Tin mừng cho toàn thế giới
Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Ngài bỏ họ mà đi. Nhưng Người nói với họ: "Tôi còn phải loan báo Tin Mừng cho thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm, việc đó." (Lc. 4, 42-43)
Đức Kitô đã nói:" Tôi còn phải loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa cho các nơi khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó". Người không chỉ đến một thành, là Ca-pha-na-um, hay những vùng lân cận đó, nhưng đến tận cùng thế giới.Chữa những bà mẹ vợ và còn bao nhiêu bà khác nữa!Chữa những người bị quỷ ám và còn phải đuổi bao nhiêu thần ôuế khác nữa!
Đừng nên bóp nghẹt Người vào một chỗ: đừng nên độc quyền nắm giữ sứ điệp nước trời cho riêng mình. Cần phải loan truyền Tin Mừng cho khắp mọi nơi như Người đã muốn, như chính Người đã làm. Chúng ta không thể là những người sở hữu độc nhất và đặc quyền khai thác Tin Mừng. Hiến chế về Giáo Hội của công đồng Va-ti-can II nói với chúng ta: " Mỗi môn đệ của Chúa Kitô, tùy theo địa vị của mình, đều phải làm tròn trách nhiệm gieo hạt giống đức tin". (số 17). Phép rửa tội làm cho chúng ta trở nên những nhà truyền giáo. Chúng ta không chỉ là Kitô hữu cho nơi của mình. Về phần chúng ta phải mang Tin Mừng đi khắp mọi nơi chúng ta đến.
Giáo Hội phát triển nhờ những cuộc bách hại thời sơ khai thúc đẩy các môn đệ Chúa Kitô đi lập cơ sở mới ra khỏi thế giới Do-thái. Những bất mãn hiện thời của nhiều nhóm công giáo lâu đời buộc chúng ta phải cởi mở ra thế giới khác chúng ta, họ khao khát Thiên Chúa, có sức thấm nhuần và thăng tiến lời Chúa mạnh mẽ. Xưa, Đức Giêsu đã truyền lệnh cho các tông đồ: " Nếu họ từ chối các con, thì các con hãy đi sang làng khác". Thiên Chúa không còn áp đặt. Con Chúa cũng vậy. Suốt dòng lich sử Giáo Hội, chúng ta đã quên điều đó. Công đồng Va-ti-can II đã nhắc nhở chúng ta trong một tuyên ngôn cách mạng về tự do tôn giáo.
Thật chính đáng khi nhận biết rằng: tất cả là ơn Chúa, tất cả là sự quan phòng của Chúa, tất cả qui hướng về vinh quang cao cả của Chúa. Những người bị bỏ rơi đã được Chúa chọn, khiến chúng ta phải hiểu ơn gọi của người Kitô chúng ta là: Hãy đi đến với mọi người không trừ ai, vì không có một người nào mà Chúa không ghé mắt đoái nhìn. Còn chúng ta, phải nói gì với họ.
GF