Dân Chúa Âu Châu

Ga 20 19-23Nhận lấy Thánh Thần.

CHÚA NHẬT TUẦN 8 PHỤC SINH – CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG NĂM B. Lễ Trọng. Lễ HỌ. Cầu cho giáo dân.

"Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần".

Lời Chúa: Ga 20, 19-23

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại".

Suy Niệm 1: Đổi mới

Lạy Chúa Thánh Thần, xin đổi mới tâm hồn chúng con. Bài đọc thứ nhất, trích sách Tông đồ Công vụ cho chúng ta thấy: Chúa Thánh Thần đã đổi mới các tông đồ như thế nào. Các tông đồ mặc dù đã được tiếp xúc với Chúa Giêsu sống lại, nhưng xem ra vẫn chưa được an tâm cho đủ, bởi vì các ông còn âu lo, còn dao động về những sự việc đã xảy ra cho Thầy mình mà các ông đã chứng kiến. Những tiếng la ó của đám đông thù địch như vẫn còn văng vẳng đâu đây, khiến các ông phải thu mình lại trong một căn phòng mà cửa thì đóng kín. Thế nhưng các ông đã trở nên những con người hoàn toàn khác sau khi Chúa Thánh Thần đến với các ông dưới hình lưỡi lửa.
Hôm ấy là ngày lễ Ngũ tuần được mừng 50 ngày sau lễ Vượt qua của người Do Thái, để tưởng nhớ giao ước tại Sinai giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Từng đoàn người Do Thái từ nhiều nước khác nhau kéo về Giêrusalem vào dịp này. Như thế, việc ban Chúa Thánh Thần được diễn ra trong một khung cảnh có thể nói được là hùng vĩ. Hiện tượng ấy diễn ra dưới hình thức các tông đồ nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho các ông nói, khiến mọi người nghe đều bỡ ngỡ vì mọi người đều nghe các tông đồ nói tiếng thổ âm của mình. Hiện tượng này còn khiến chúng ta nhớ lại biến cố xảy ra tại tháp Babel, làm cho nhân loại bị phân rã. Hôm nay Chúa Thánh Thần lập lại sự thống nhất ngôn ngữ đã bị phá huỷ vì ngọn tháp kiêu căng ấy. Thời cứu độ sẽ là thời quy tụ muôn dân và các tông đồ cũng như các môn đệ của Chúa có sứ mạng loan báo Tin Mừng cho mọi người thuộc mọi ngôn ngữ, mọi tiếng nói.

Tiêu biểu cho sự đổi mới dưới tác động của Chúa Thánh Thần là thánh Phêrô tông đồ. Ông đã mở toang cửa nhà họp, đối diện với đám đông mà ông đã từng e ngại. Ông ngỏ lời với họ và nói lên niềm xác tín của mình về Đức Kitô, Đấng mà người Do Thái đã đóng đinh cách đây không lâu. Những kẻ chứng kiến không hiểu nổi sự việc đã cho rằng ông say. Đúng là Chúa Thánh Thần đã làm cho ông ra như say. Nhưng không phải là say rượu mà là say với Thần Khí của Chúa, say với niềm tin, say với lý tưởng. Hiệu lực của việc ban Chúa Thánh Thần quả là rõ ràng, nhưng đó cũng mới chỉ là điểm khởi đầu của một công cuộc hết sức to lớn, kéo dài cho tới ngày hôm nay.
Người Kitô hữu hôm nay cũng được mời gọi trở nên say như Phêrô trong ngày lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Bởi đó, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đến và đổi mới con người chúng ta, nhờ đó chúng ta trở nên hăng say với Tin Mừng cứu độ, với lý tưởng xây dựng một xã hội, một cuộc đời tốt đẹp hơn, trong lành hơn.

Suy Niệm 2: Chúa Thánh Thần.

Lễ hiện xuống chính là ngày lễ 50 của Cựu Ước. Đó là cao điểm kết thúc cho mùa mừng lễ Vượt Qua, ngoài ra đó còn là ngày lễ tạ ơn vì Chúa đã cho mùa màng tốt tươi, cũng như để kỷ hiệm ngày Chúa công bố lề luật qua Môsê trên đỉnh núi Sinai.
Đối với chúng ta hôm nay, thì lễ Hiện Xuống cũng chính là cao điểm, kết thúc cho mầu nhiệm Phục sinh. Như ngày Hiển Linh đối với ngày Giáng Sinh thế nào thì ngày lễ Hiện Xuống cũng vậy đối với lễ Phục Sinh. Tôi xin đưa ra một vài hình ảnh để so sánh.
Trong ngày lễ Phục sinh, Đức Kitô như mặt trời hừng đông ló dạng. Còn trong ngày lễ Hiện xuống thì mặt trời ấy đã đứng bóng, chói loà và đem lại sức sống. Trong ngày lễ Phục sinh thửa vườn của Giáo Hội nở bông với những tín hữu mới được lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Còn trong ngày lễ Hiện xuống, những bông hoa ấy đã kết thành trái chín vàng trên cành cây. Người làm vườn là Đức Kitô đã trồng những mầm non mới. Còn mặt trời làm cho trái chín vàng đó là Chúa Thánh Thần. Trong ngày lễ Phục sinh chúng ta mới chỉ là những trẻ nhỏ của Thiên Chúa, chúng ta cần đến sữa mẹ là Chúa Thánh Thần. Chúng ta lớn lên trong nhà mẹ là Giáo Hội, một cách vô tư và hạnh phúc như những em nhỏ. Nhưng khi chúng ta trưởng thành, Giáo Hội, người Mẹ hiền của chúng ta, không ngần ngại bảo cho chúng ta biết rằng khoảng thời gian êm đẹp và thơ mộng ấy đã qua đi, giờ đây chúng ta là những lữ khách, sẽ gặp phải nhiều đau khổ, nhiều buồn phiền. Với lễ Hiện xuống, chúng ta trở nên là những người trưởng thành. Với lễ hiện xuống Chúa Thánh Thần làm việc và tác động.

Trước khi về trời Chúa Giêsu đã hứa không để cho chúng ta phải mồ côi, Người sẽ gởi đến cho chúng ta một Đấng an ủi, để nhắc lại những điều Người đã giảng dạy. Ngày hôm nay, Chúa Thánh Thần vẫn còn hoạt động trong Giáo Hội cũng như trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ tưởng đến Ngài, và chúng ta có thể gặp gỡ Ngài ở khắp mọi nơi. Ngài ngự trị trong tâm hồn chúng ta kể từ ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội, để biến tâm hồn và thể xác chúng ta thành đền thờ cho Thiên Chúa, như lời thánh tông đồ đã khuyên nhủ: Anh em không nhớ rằng thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần hay sao. Hãy mang lấy Thiên Chúa và hãy tôn vinh Người trong thân xác anh em. Chúng ta sẽ dễ dàng trở nên thánh thiện, nếu chúng ta luôn ý thức rằng Chúa Thánh Thần đang ngự trị trong chúng ta. Còn đối với Giáo Hội, Chúa Thánh Thần luôn thánh hoá và hoạt động bằng các bí tích. Chúa Giêsu đã về trời và trở nên vị trung gian bầu cử cho chúng ta trước toà Đức Chúa Cha. Nhưng Giáo Hội trên trần gian hằng được Chúa Thánh Thần giúp đỡ và hướng dẫn. Trong bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu thực sự hiện diện, nhưng Ngài không thể tiếp nối những hành động mà ngày xưa Ngài đã thực hiện ở Palestin. Trong bí tích Thánh Thể Người chỉ là của lễ và của ăn cho chúng ta,. Thế nhưng, bí tích Thánh Thể lại chính là một dụng cụ Chúa Thánh Thần dùng để thánh hoá chúng ta.

Chúa Thánh Thần chính là linh hồn của Giáo Hội. Và như chúng ta đã biết Giáo Hội là nhiệm thể của Đức Kitô. Thân xác muốn sống thì phải có linh hồn. Vai trò của linh hồn thật là quan trọng, nó là nguyên lý của sự sống, nếu linh hồn lìa khỏi thì thân xác sẽ phải chết. Cũng vậy Chúa Thánh Thần là linh hồn của nhiệm thể Giáo Hội, chính Ngài trao ban và bảo tồn đời sống ơn sủng trong chúng ta. Nhờ Ngài mà chúng ta có thể cầu nguyện và làm được những việc tốt lành. Bởi đó, trong ngày mừng kính Ngài hôm nay, chúng ta hãy mặc lấy ba tâm tình sau đây: Tâm tình thứ nhất là tâm tình vui mừng. Chính vì thế mà Giáo Hội đã mời gọi chúng ta qua lời kinh Tiền Tụng: Trong niềm hân hoan chứa chan, toàn thể vũ trụ đều nhảy mừng. Tâm tình thứ hai là tâm tình tin tưởng vào sự hiện diện và vào quyền năng của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội cũng như trong tâm hồn mỗi người. Chúng ta phải cảm nghiệm và nhận ra quyền năng ấy. Và sau cùng chúng ta hãy mong mỏi xin Ngài ngự đến như lời Giáo Hội tha thiết nguyện cầu: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến và đổ tràn đầy trong lòng các tín hữu những hồng ân của Ngài.

Suy Niệm 3: Ra đi-tha thứ

(TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Khi nói về Chúa Thánh Thần, ta thường nghĩ đến bảy ơn Người ban qua bí tích Thêm Sức. Ta như người lãnh nhận một cách thụ động. Và những ơn Người ban chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống ta. Đó thực là một quan niệm sai lầm tai hại. Thực ra, Đức Chúa Thánh Thần là nguồn sự sống mãnh liệt, là sự trẻ trung của Giáo Hội, là năng lực đổi mới thế giới. Hãy đọc lại bài đọc I, ta sẽ thấy sức mạnh đổi mới của Người mãnh liệt như thế nào. Người như luồng gió cường tráng. Người như ngọn lửa bừng bừng. Luồng gió và ngọn lửa ấy đã khơi dậy nguồn năng lực tiềm ẩn nơi những bác thuyền chài thất học, biến họ thành những con người thay đổi thế giới. Nhận lãnh ơn Đức Chúa Thánh Thần là nhận lãnh sứ mạng hành động. Hôm nay, Chúa Giêsu tóm tắt sứ mạng hành động đó qua 2 nhiệm vụ: Ra đi và Tha thứ.

Nhiệm vụ thứ nhất mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là RA ĐI: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nhận lãnh Chúa Thánh Thần là được sai đi. Chúa Thánh Thần là sức mạnh hành động. Người không thể bị giam hãm trong những căn phòng đóng kín cửa. Người không ưa thích những tâm hồn khép kín trong ủ rũ điêu tàn. Người đến đâu là mở tung cửa nhà ra đến đấy. Mở ra để đón lấy những luồn gió mới tươi mát. Mở ra để đón nhận mọi người đến với mình. Và nhất là mở ra để mình đến với mọi người. Một cuộc sống không giao tiếp sẽ trở nên nghèo nàn, tàn lụi. Một tâm hồn chỉ quy hướng về bản thân sẽ chẳng khác một vũng ao tù, ô nhiễm. Ra đi sẽ giúp ta nên phong phú, mạnh mẽ. Ra đi không phải là lang thang không mục đích, nhưng là đi đến những địa chỉ Thánh Thần muốn gửi ta đến. Những địa chỉ Thánh Thần muốn ta đến đó là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19). Chúa Thánh Thần sẽ mở tung cánh cửa ích kỷ. Người sẽ phá tan cánh cửa hẹp hòi. Người sẽ củng cố những tâm hồn nhút nhát. Người sẽ quét sạch mọi lớp bụi bặm rêu phong. Người sẽ đổ tràn vào hồn ta nguồn nhựa sống mới giúp ta hăng hái lên đường.

Nhiệm vụ thứ hai mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó làTHA THỨ: “Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha”. Tha thứ, hoà giải luôn là một vấn đề lớn của thế giới. Trên thế giới, những cuộc chiến tranh, chia rẽ, xung khắc xảy ra hầu như hằng ngày. Con người là bất toàn, nên sống chung là có bất đồng, xung khắc. Nếu cứ mỗi lần có xung khắc, ta loại trừ đi một người bạn, thì có lẽ cuối cùng ta sẽ chẳng còn người bạn nào. Người ta không thể sống một mình. Mỗi người đều cần đến người khác. Sống chung với nhau là một nhu cầu. Vì thế, việc tha thứ, hoà giải là vô cùng cần thiết. Hoà giải hệ tại ở hai động tác: xin lỗi và tha lỗi. Hai việc đều khó làm. Vì con người đầy tự ái. Dù biết mình lỡ lầm, nhưng ít có ai đủ can đảm nhận lỗi và xin lỗi. Xin lỗi đã khó, tha lỗi còn khó hơn. Chính vì thế, việc hoà giải cần rất nhiều ơn Chúa Thánh Thần, ở đây, ta phải nhìn vào Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô như tấm gương sáng chói. Người là tấm gương sáng về sự ra đi. Cuộc đời Người là một cuộc ra đi không biết mệt mỏi. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng Người vẫn lên đường đi đến với mọi dân tộc, mọi đất nước. Người tiếp xúc với tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, chính kiến, mầu da, chủng tộc, ngôn ngữ. Người đi đến với cả những kẻ chống đối, bất hoà và thù nghịch với Người. Để chuẩn bị đón mừng Năm Thánh, Người đã làm một cử chỉ ngoạn mục chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội. Đó là Người công khai nhìn nhận những lỗi lầm của Giáo Hội để xin mọi người tha thứ. Đây quả là một hoạt động của Chúa Thánh Thần để thanh tẩy Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã được ơn Chúa Thánh Thần nên đã ra đi làm hoà với mọi người. Chính cử chỉ khiêm nhường ấy đã giúp đổi mới Giáo Hội, đem đến cho Giáo Hội một khuôn mặt mới trẻ trung hơn, một sức sống mới dồi dào hơn, một phong cách hiện diện mới dễ thương dễ mến hơn.

Ta hãy biết noi gương Đức Thánh Cha. Hãy biết ra đi, không chỉ là đi hành hương viếng nhà thờ để lãnh ơn toàn xá, nhưng còn là ra đi đến với những người bé nhỏ, nghèo hèn, những người bị bỏ rơi, những người kém may mắn ở đời, những người ta không ưa thích, những người chống đối ta, cả những người làm hại ta nữa. Nhất là hãy gieo rắc sự tha thứ. Tha thứ cho anh em để anh em cũng tha thứ cho ta, để chúng ta xứng đáng trở thành con Thiên Chúa. Đức Chúa Thánh Thần muốn đổi mới Giáo Hội. Nhưng việc đổi mới phải bắt đầu từ mỗi tâm hồn. Đức Chúa Thánh Thần sẽ canh tân bộ mặt thế giới, nhưng việc canh tân phải khởi đi từ mỗi con người. Ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhân ơn Chúa Thánh Thần và hăng hái cộng tác với chương trình của Người.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đổi mới tâm hồn con.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Đức Chúa Thánh Thần mời gọi bạn ra đi đến với người khác. Bạn có thường đi thăm viếng những người nghèo hèn, nhất là những người bạn không có cảm tình không?
2- Bạn có muốn tha thứ, làm hoà với người khác không? Bạn đã có cố gắng nào để làm hoà trong Năm Thánh?
3- Bạn nghĩ gì về việc Đức Thánh Cha xin lỗi?
4- Bạn có sẵn sàng để Đức Chúa Thánh Thần biến đổi bạn không?

Suy Niệm 4: Lễ Hiện Xuống: Khai sinh Giáo Hội truyền giáo

(Thiên Phúc)

Giải Nobel Hòa bình năm 2000 đã được trao cho Tổng Thống Hàn Quốc Kim Dae-Jung, một con người đã từ 30 năm nay đấu tranh không mệt mỏi cho công bằng, dân chủ và hòa hợp.
Tổng Thống Kim là một người Công giáo, được Đức cố TGM Seoul rửa tội vào năm 1956. Trong một đất nước chỉ có 10% dân số là Công giáo thì sự kiện này cũng đang nhắc nhở về sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo tại lục địa Á Châu này.
Phần thưởng này đã được các vị lả đạo và chức sắc tôn giáo ở Hàn Quốc hân hoan chúc mừng. Một vị Hòa thượng lãnh đạo một Tông phái Phật giáo lớn nhất ở Hàn Quốc nhận định như sau: “Tổng thống Kim Dae-Jung sẽ được ghi nhớ như một vị lãnh đạo nổi bật của thế giới”.
***
Lễ Hiện xuống là lễ khai sinh một Giáo hội truyền giáo. Và nỗ lực đấu tranh cho công bằng, dân chủ và hòa bình với danh nghĩa là người Công giáo như Tổng thống Kim Dae-Jung chính là một công cuộc truyền giáo.
“Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Rồi Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 21-22). Các Tông đồ đã nhận lãnh Thánh Thần để ra đi truyền giáo. Chính Thánh Thần đã làm cho các ngài hoàn toàn đổi mới.
Từ chỗ không hiểu gì cả, thì nay các ngài đã hiểu rõ tất cả.
Từ sự nhát đảm run sợ, cửa đóng then cài, thì nay các ngài mạnh dạn can đảm mở toang cửa ra.
Từ những dân chài ít họ, thì nay các ngài nói được nhiều thứ tiếng khác nhau.
Bằng chứng là Pherô, trước đây run sợ trước câu hỏi của một cô đầy tớ, thế mà nay dám đứng lên rao giảng giữa những người đã giết chết Thầy mình, khiến cho 3000 người gia nhập Giáo hội với chỉ một bài giảng duy nhất.
Không những các ngài can đảm rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh, mà còn dám hy sinh cả tính mạng vì danh thánh ấy. Tất cả các ngài đều đã chịu tử vì đạo. Và sau Pherô, 39 vị Giáo hoàng tiên khởi đều anh dũng chết vì đạo thánh.
Người ta tưởng các ngài say rượu, nhưng thật sự thì các ngài đang say Chúa.
Người ta nghĩ các ngài điên dại, nhưng quả thật thì các ngài đang đầy tràn Thánh Thần.
Lễ Hiện xuống không chỉ là ngày khia sinh Giáo hội, mà Lễ Hiện Xuống vẫn còn tiếp diễn, nghĩa là Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động trong Giáo Hội. Người ta gọi Công đồng Vatican II là một Lễ Hiện Xuống mới, một luồng gió mới đã thổi vào Giáo Hội để canh tân cho thích hợp với độ chóng mặt của thế giới ngày nay. (năm nay 1963-2013 kỉ niệm 50 Công đồng Vatican II, năm Đức Tin của Giáo Hội Công giáo do Đức Thánh Cha Bênedictô XVI công bố)
Công đồng đã long trọng khẳng định: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo” (TG 2). Đức Gioan Phaolô II nhận định: “Đã đến lúc phải dốc toàn lực trong Giáo Hội vào một cuộc loan báo Tin Mừng mới và vào sứ vụ đến với muôn dân. Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, không một tổ chức nào trong Giáo Hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này: Đó là loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc” (Sứ vụ Đấng Cứu Độ, 3).
Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ sau khi tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ bảy liên Hội đồng Giám mục Á Châu đã có cảm nhận rất sâu sắc này: “Giáo Hội tại Châu Á phải là một giáo hội truyền giáo”. Ngài giải thích: “Vì Chúa Giêsu là người châu Á, Giáo Hội Thiên Chúa đã được phát sinh tại châu Á, và ý định của Thiên Chúa là cứu độ hết mọi người , thế mà hôm nay lại rất ít người châu Á biết Chúa và tin theo Chúa” (CGDT số 1250). Quả thật, tại châu Á, đông dân nhất năm châu mà chỉ có 3% dân số tin theo Chúa. Đó là nỗi ray rứt của mỗi người chúng ta, mà cũng là thách thức từng ngày của mỗi tín hữu Kitô.
***
Lạy Chúa, xin hãy thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo, khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, văn minh và an bình cho tha nhân, nhất là khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới; nhưng trước hết, là cho những người bên cạnh chúng con bằng đời sống phục vụ và yêu thương. Amen.

Suy Niệm 5: Bình an giữa chốn phong ba

Thiên Phúc

Ngày xửa ngày xưa có một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều hoạ sĩ đã cố công vẽ những bức tranh tuyệt đẹp để trình lên vua. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh đó nhưng chỉ thích có hai tấm và ông phải chọn lấy một.
Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình an thật hoàn hảo.
Bức tranh kia cũng có những ngọn núi nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xoá. Bức tranh này trông thật chẳng bình an chút nào.
Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó, giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ đang an nhiên đậu trên tổ của mình… Bình an thật sự!
Nhà vua công bố: “Ta chấm bức tranh này! Sự bình an không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình an có nghĩa ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của bình an”.
***
Sau khi Đức Giêsu chịu chết, các tông đồ sợ người Do Thái lùng bắt, nên đã trốn vào phòng, cửa đóng then cài.
Giữa cơn phong ba bão táp, Đức Giêsu sống lại, hiện ra với các ông, như chim mẹ an nhiên đậu trên tổ canh giữ bầy con, Người mang lại cho các ông sự bình an đích thực: “Bình an cho anh em!”
Bình an của Đấng Phục Sinh không phải là thứ bình an không có sóng gió. Bình an của Người là bình an trong tâm hồn. Bình an ấy không loại trừ phải đối đầu với kẻ thù. Bình an ấy giúp ta đối diện với khổ đau và nỗi chết. Chính vì thế mà sau khi trao bình an, Đức Giêsu đã cho các môn đệ “xem tay và cạnh sườn” Người. Đó là bằng chứng của một cuộc chiến đấu đầy gian truân mà các môn đệ sẽ phải đi tới.
“Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,21-22). Nhận được bình an, lòng tràn ngập hân hoan, các môn đệ không còn nhát sợ. Với sức mạnh của Thánh Thần các ngài mạnh dạn tung cửa ra ngoài, hiên ngang rao giảng về Đức Giêsu, Đấng đã bị người ta giết chết, nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại. Người đang hiện diện sống động giữa các ngài và đang hoạt động mãnh liệt trong các ngài.
Lễ Hiện Xuống nhắc nhở người tín hữu về một Thánh Thần bình an đã hoạt động trong lòng Giáo Hội suốt hơn 2000 năm qua. Người cũng đang hiện diện trong những người đã lãnh nhận Bí tích Thêm Sức để sai họ đi làm chứng nhân cho Tin Mừng.
Làm chứng cho Tin Mừnglà để Thánh Thần mở toang cánh cửa tâm hồn, không còn nhát sợ nhưng can đảm chiến đấu với thử thách, khổ đau trong cuộc sống.
Làm chứng cho Tin Mừnglà để Thánh Thần dẫn dắt chúng ta đến với người nghèo khổ, bất hạnh, để tận tình yêu thương và kính trọng họ cho xứng với phẩm giá con người.
Làm chứng cho Tin Mừnglà để Thánh Thần là để Thánh Thần thúc đẩy chúng ta đến với những người chưa nhận biết Chúa bằng đời sống dấn thân phục vụ trong hân hoan.
Nếu mỗi người tín hữu biết mềm mại để Thánh Thần canh tân đổi mới, nếu mỗi chúng ta biết lắng nghe tiếng nói thầm lặng nhưng mạnh mẽ của Thánh Thần, thì mọi người sẽ thấy những biến đổi kỳ diệu trên toàn thế giới.
***
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến như ngọn gió mát, thổi vào cuộc đời chúng con luồng sinh khí mới để cả trái đất này được thay da đổi thịt trong cùng một Thánh Thần Tình Yêu. Amen!.

Suy Niệm 6: Đấng Bảo trợ

(ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên)

Một câu chuyện vui kể lại, có anh thanh niên đang học giáo lý dự tòng, khi học kinh Chúa Thánh Thần, anh học mãi mà không thuộc. Khó nhất là nhiều lần cứ lặp đi lặp lại “Chúa Thánh Thần xuống… Chúa Thánh Thần lại xuống….”. Anh sốt ruột nói với bà xơ dạy giáo lý: “Sao không thấy Chúa Thánh Thần lên mà thấy cứ xuống hoài?” Bà xơ trả lời: “Nếu Chúa Thánh Thần mà lên thì thế giới này sẽ bị hủy diệt còn ghê gớm hơn là bom nguyên tử!”
Kinh Chúa Thánh Thần nhắc lại một biến cố quan trọng trong lịch sử cứu độ: đó là ngày lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh Thần đến để canh tân Giáo Hội. Kể từ ngày ấy, Chúa Thánh Thần luôn hiện diện để nâng đỡ và bảo trợ Giáo Hội. Sở dĩ người tín hữu cầu xin Chúa Thánh Thần, vì họ xác tín rằng, mọi hoạt động, nếu muốn thành công, cần có ơn của Chúa Thánh Thần, vì Ngài là Đấng Bảo trợ.
“Thày sẽ sai Đấng Bảo trợ đến với anh em” (x.Ga 16, 7). Chúa Thánh Thần đã đến để quy tụ nhóm các môn đệ đang hoang mang sợ hãi, biến đổi lòng họ và làm cho họ trở thành những nhân chứng trung kiên của Đấng Phục Sinh.

Lịch sử Giáo Hội, nhất là mở miền Bắc Việt Nam, chứng minh sức mạnh kỳ diệu của Chúa Thánh Thần. Trong những năm tháng khó khăn, thiếu vắng linh mục, không có lớp giáo lý, không có những hoạt động tông đồ, nhưng Chúa Thánh Thần vẫn âm thầm hoạt động. Ngài tác động nơi những ông trùm, bà quản, văn hóa rất khiêm tốn, nhưng lại mạnh mẽ lạ thường. Lý lẽ của họ rất đơn giản mà mang tính thuyết phục. Kiến thức của họ rất sơ sài mà lại là nền tảng cho một đức tin chắc chắn. Có những cụ ông cụ bà đạo đức thánh thiện truyền lại đức tin cho con cháu chỉ bằng những lời kinh đơn sơ. Nhờ những “chứng nhân đức tin” này mà biết bao ngôi thánh đường được gìn giữ, biết bao cộng đoàn đức tin được duy trì, tồn tại ….. Chúa Thánh Thần hoạt động nơi người tín hữu và ban cho họ sức mạnh, soi sáng cho họ biết những gì cần phải làm. Giáo Hội tồn tại là nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, thông qua những con người bình dân và trung tín ấy. Là Đấng Bảo trợ, Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn và làm cho Giáo Hội phát triển.
Và hôm nay, hai mươi thế kỷ sau sự kiện Ngũ Tuần, Ngôi Ba Thiên Chúa vẫn đang từng giờ từng phút bảo trợ Giáo Hội và làm cho Giáo Hội sống. Cũng như Chúa Thánh Thần luôn làm cho vũ trụ được sống, Ngài cũng luôn luôn thông truyền sức sống siêu nhiên cho Giáo Hội “Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay, và chúng trở về chỗ tro bụi của mình. Nếu Ngài gởi hơi thở tới, chúng được tạo thành, và Ngài canh tân bộ mặt trái đất” (Tv 103,29). Nếu một ngày nào đó, không có ơn Chúa Thánh Thần nâng đỡ, Giáo Hội sẽ trở thành xác không hồn. Chính Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội của Chúa Ki-tô lan tỏa một vẻ đẹp diệu kỳ. Vẻ đẹp ấy thể hiện qua tình hiệp nhất giữa các tín hữu, qua sức mạnh của đức tin, qua tính linh thiêng của những nghi thức phụng vụ. Chúa Thánh Thần còn làm cho vẻ đẹp Giáo Hội rạng ngời nơi khuôn mặt và cuộc đời các tín hữu, giúp họ dấn thân hy sinh, kiên vững trung thành sống chết vì Chúa.

Sách Giáo lý của Giáo Hội công giáo đã liệt kê những biểu tượng chỉ Chúa Thánh Thần như: nước, sự xức dầu, lửa, áng mây và ánh sáng, dấu ấn, bàn tay, ngón tay, chim bồ câu. Tất cả những biểu tượng trên diễn tả những nhu cầu cần thiết để con người có thể sống trên trần gian. Thế gian sẽ vắng bóng sự sống nếu không có Chúa Thánh Thần. Cuộc sống con người sẽ mất định hướng nếu không có Chúa Thánh Thần.
Ca Tiếp liên của phụng vụ hôm nay cũng diễn tả những hoạt động đa dạng của Ngôi Ba Thiên Chúa. Ngài luôn thực thi sứ mạng “bảo trợ” trong suốt đời sống con người và đời sống đức tin “Nếu không có Chúa hộ phù, trong con người còn chi thanh khiết?”.
Nhờ sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần mà các tín hữu được liên kết với nhau trong tình hiệp thông. “Tất cả chúng ta đã lãnh nhận cùng một Thần Khí duy nhất là Thánh Thần, nên một cách nào đó chúng ta được kết hợp với nhau và với Thiên Chúa. Mặc dầu chúng ta nhiều người và mặc dầu Đức Ki-tô đã làm cho Thần Khí của chúa Cha và của Người cư ngụ trong mỗi người chúng ta” (thánh Cyrillô thành Alexandria). Bài đọc I và bài đọc II trong Phụng vụ đều diễn tả vai trò của Chúa Thánh Thần là Đấng liên kết mọi tín hữu nên một. Lễ Ngũ Tuần hàn gắn những chia rẽ đổ vỡ của thời Ba-ben trong Cựu ước. Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội sống động như một thân thể, gồm nhiều chi thể khác nhau, nhưng cùng chung một sự sống.
Việc nhận lãnh Chúa Thánh Thần giúp người tín hữu thực hiện được biết bao điều kỳ diệu. Khi Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần cho các môn đệ, Người cũng ủy thác cho các ông quyền tha tội và cầm buộc và biết bao quyền năng khác, đến nỗi các ông có thể làm được phép lạ, như chính Chúa Giêsu đã làm. Khi chúng ta được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ thực hiện được những “phép lạ” trong cuộc sống, đó là vượt lên sự chết, canh tân đổi mới cuộc đời để sống cuộc sống mới.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến canh tân cõi lòng chúng con. Xin soi sáng cho chúng con và mọi người trong thế giới hôm nay, để hết thảy cùng chung tay xây dựng một thế giới an bình hạnh phúc. Amen.

Suy Niệm 7: Xin hiệp nhất chúng con

(Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)

Trong mỗi dịp sinh nhật, người ta thường đặt những ngọn nến tượng trưng cho mỗi năm tháng cuộc đời.
Bên ánh nến lung linh huyền bí, người ta trao gửi những ước nguyện, những ưu tư trăn trở sâu thẳm nhất của cõi lòng mình. Có lần tôi hỏi một em bé mừng sinh nhật rằng: “Em ước điều gì trong ngày sinh nhật của em?”. Em trả lời: “Em ước mơ cha mẹ tha thứ cho nhau và về chung sống trong một mái ấm gia đình”.
Một điều ước thật bình dị và cũng thật thiết thực. Cha mẹ em đã ly dị. Họ không còn yêu thương nhau. Họ chia tay nhau cũng đồng nghĩa chiếc nôi êm ấm của gia đình đã tan nát. Thế nên, em mong ước cho cha mẹ đoàn tụ để xây dựng lại mái ấm gia đình đã đổ vỡ. Một mái ấm đã từng rộn rã tiếng cười và đầy ắp yêu thương mà nay không còn nữa. Một mái ấm mà “ai đi xa” cũng nhớ về mà nay chỉ còn sự tiếc nuối xót xa, vì chồng một nơi, vợ một nơi!
Hôm nay là ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cũng là ngày khai sinh của Giáo Hội. Giáo Hội mừng sinh nhật thứ 2015 của mình. Chúng ta ước mơ điều gì? Giáo Hội còn những ưu tư, trăn trở nào mà bao nhiêu năm nay vẫn chưa hoàn thành ước nguyện? Phải chăng đó là sự hiệp nhất nên một trong Chúa? Phải chăng đó là bầu khí yêu thương mà sách Tông đồ Công vụ đã từng diễn tả: “Họ đồng tâm nhất trí với nhau. Họ coi mọi sự là của chung. Họ cử hành Thánh Thể với việc chia sẻ cơm bánh với nhau để không ai phải thiếu thốn” (Cv 2,42-46).

Thực vậy, hơn 2000 năm đã qua rồi, nỗi niềm khao khát quy tụ thành một đoàn chiên duy nhất của Thầy Chí Thánh Giêsu vẫn còn đó! Ngài khao khát cho ngọn lửa của yêu thương được bùng cháy mọi nơi, được lan toả đến mọi nhà và sưởi ấm mọi con tim đang giá băng! Thế mà lửa yêu thương vẫn còn nguội lạnh nơi nhiều gia đình, nhiều cộng đoàn và xứ đạo! Hơn 2000 năm đã qua, thế mà ngọn lửa hiệp nhất và yêu thương của Chúa Thánh Thần trong ngày Lễ Ngũ Tuần vẫn còn loe loét giữa thế giới mênh mông này. Đức Kitô đã bị “chia năm xẻ bảy” bởi Công giáo - Chính Thống - Tin Lành - Anh giáo. Niềm tin con một Cha trên trời cũng bị phân tán bởi Do Thái giáo - Hồi giáo và Công giáo... Đây cũng là nỗi niềm khát khao của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khi mà Ngài đặt chân đến những vùng đất được coi là cấm địa của Hồi giáo, của Do Thái giáo. Ngài đang cùng với Thánh Thần đến để tìm lại tiếng nói chung, để xây dựng lại tình hiệp nhất của những người con Một Cha trên trời. Ngài đang thực hiện lại những bước chân hào hùng của các Tông đồ khi đầy tràn Chúa Thánh Thần năm xưa. Khi được đón nhận Chúa Thánh Thần, các ngài đã tháo cởi những ràng buộc trong căn phòng đóng kín. Các ngài đi đến với muôn dân. Các ngài dùng ngôn ngữ của Thánh Thần nên ai cũng hiểu. Ai cũng cảm thấy sự gần gũi của Giáo Hội. Một ngôn ngữ của tình yêu. Một ngôn ngữ tạo nên sự hiệp nhất thay cho sự chia ly thời Babel năm xưa.
Vâng, Thánh Thần của Đấng Phục Sinh đã đến. Ngài đã mở ra cho các môn đệ chân trời mới của cuộc sống, khiến các ông phải mở tung cánh cửa đang khép kín mà đến với muôn dân, mà thổi vào lòng nhân thế tình yêu và sức sống của Chúa. Ngọn gió Thánh Thần đó vẫn tiếp tục mang lại sự đổi mới cho con người hôm nay nếu chúng ta biết mở lòng ra cho ơn Chúa tác động, nếu chúng ta dám quên đi cái tôi của mình để Chúa Thánh Thần hoạt động trong chính cuộc đời chúng ta và biến chúng ta thành sứ giả của yêu thương, của hiệp nhất và bình an.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến trong tâm hồn chúng con và nhóm lên ngọn lửa tình yêu Chúa trong lòng chúng con, để chúng ra đi xây dựng tình hiệp nhất và yêu thương cho con người hôm nay. Amen.

Suy Niệm 8: Cuộc sáng tạo mới

Lm Ignatiô Trần Ngà

Sau khi tạo dựng vũ trụ càn khôn cùng muôn vật diệu kỳ trong hoàn vũ, Thiên Chúa vẫn chưa hài lòng với tác phẩm của mình. Người muốn sáng tạo thêm một kiệt tác trổi vượt tất cả những gì Người đã dựng nên.
Thế là Ba Ngôi Thiên Chúa quyết định tạo dựng con người: “Chúng ta hãy sáng tạo con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để chúng làm chủ cá biển chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1, 26)
Thiên Chúa lấy bùn đất, nắn thành hình một con người, nhưng hình tượng nầy vẫn còn trơ trơ bất động, vô cảm, vô tri …
Thế rồi Thiên Chúa thổi hơi vào lỗ mũi của hình tượng nầy và điều kỳ diệu đã xảy ra: khối đất vô hồn mang hình dạng con người đang nằm im lìm bất động bỗng cựa mình đứng lên trở thành người sống: có tư duy, có tình cảm, có tự do, có óc sáng tạo… mang đậm dấu ấn và bản sắc của Thiên Chúa. Thế là Thiên Chúa đã hoàn thành kiệt tác Ađam là nguyên tổ của loài người.
Con người cũ bị băng hoại vì tội lỗi
Nhưng tiếc thay, tội lỗi đã thấm nhập vào thế gian làm băng hoại con người. Kiệt tác của Thiên Chúa đã bị biến chất thảm hại nên Thiên Chúa phải theo đuổi một kế hoạch tạo dựng mới.
Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người khởi đầu công cuộc nầy. Người quy tụ những môn đệ đầu tiên, và dùng những vị nầy làm nhân tố phát sinh một dân mới.
Nhưng sau khi Chúa Giêsu sống lại và lên trời, các môn đệ cảm thấy lạc lõng bơ vơ như đoàn chiên không chủ, như rắn mất đầu. Các ngài sống âm thầm, im hơi lặng tiếng, co cụm trong phòng đóng kín vì sợ người Do-Thái, tựa như Ađam lúc chưa được hơi thở của Thiên Chúa thổi vào. (Ga 20,19)
Con người mới được tác sinh
Thế rồi “vào chiều ngày hôm ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái, Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!"
Và như thuở ban đầu Thiên Chúa thổi hơi vào mũi A-đam để ban cho ông sự sống, thì nay Chúa Giêsu “thổi hơi vào các môn đệ và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,19. 22)
Theo ngôn ngữ Kinh Thánh (bằng tiếng Do-thái cổ), Chúa Thánh Thần được gọi là Ru-ah, nghĩa là Hơi Thở hay Thần Khí.
Thổi hơi vào các môn đệ có nghĩa là Chúa Giêsu truyền ban Thần Khí (= Chúa Thánh Thần) cho các ông.
Như hôm xưa Ađam vươn vai chỗi dậy sau khi đón nhận hơi thở của Thiên Chúa, các môn đệ một khi đã lãnh nhận Hơi Thở ban Thần Khí của Chúa Giêsu cũng được tái sinh, cựa mình chỗi dậy, thoát ra khỏi căn phòng đóng kín như mộ địa giam nhốt mình để đi đến với muôn dân, loan truyền Tin Mừng cứu độ cho toàn thế giới, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống vì Nước Trời...
Thế là nhân loại mới đã được tác sinh từ biến cố trọng đại nầy, khởi từ ngày hôm ấy.
Lạy Chúa Giêsu,
Nếu không có làn hơi của Thiên Chúa thổi vào, A-đam chỉ là một khối đất vô tri bất động và không hề có sự sống.
Nếu không được Chúa thổi hơi ban Thần Khí, các tông đồ xưa cũng chỉ là một nhóm người bạc nhược, ươn hèn.
Và hôm nay, nếu không được đón nhận Thần Khí Chúa ban, chúng con cũng chỉ là những kitô hữu nguội lạnh, thiếu nhiệt thành và luôn đứng bên lề Hội Thánh.
Nguyện xin Chúa thổi hơi ban Thần Khí cho chúng con như đã ban cho các môn đệ năm xưa, để chúng con được đón nhận Sự Sống Mới và kiên quyết lên đường thi hành sứ mạng loan Tin Mừng cho muôn dân.

Suy Niệm 9: Nói được các thứ tiếng.

(‘Manna’)

Lễ Ngũ Tuần là một lễ lớn của người Do Thái.
Nhiều người Do Thái sùng đạo từ nước ngoài về Giêrusalem dự lễ.
Còn Nhóm Mười Hai và mấy phụ nữ, trong đó có Đức Maria, thì cầu nguyện tại lầu trên một căn nhà trong thành.
Chính trong bầu khí của một cộng đoàn cầu nguyện mà Thánh Thần, Đấng Cha hứa ban, đến với họ.
Thánh Thần chẳng có một khuôn mặt để ta ngắm nhìn nhưng ta vẫn nhận ra Ngài nhờ những dấu chỉ khả giác: một tiếng từ trời như tiếng gió thổi dữ dội, những lưỡi lửa tản ra và đậu xuống từng người.
Bổng chốc Thánh Thần đầy tràn mọi người hiện diện.
Có cái gì đó được mở tung, để tự do bay bổng. Có ngọn gió ùa đầy nhà làm căng buồng phổi. Có ngọn lửa ấm lan tỏa trong trái tim.
Có cái gì thôi thúc người ta mở cửa, đi ra và cất tiếng.
Phải kêu to cho mọi người, chẳng có gì phải sợ, về những kỳ công Thiên Chúa đã làm cho Thầy Giêsu.
Trước mặt mười hai ông đánh cá quê mùa ít học, người từ khắp nơi trên thế giới đổ về.
Họ là những người Do Thái sinh sống ở nước ngoài, nên họ đã kinh ngạc, sửng sốt, thán phục, khi họ nghe các ông nói được tiếng của vùng đất họ sống.
Ơn nói được nhiều thứ tiếng là ơn của Thánh Thần, nhằm giúp cho việc loan báo Tin Mừng nơi mọi dân tộc.
Tin Mừng bằng tiếng mẹ đẻ giúp người nghe cảm thấy gần gũi.
Rồi Tin Mừng ấy lại trở thành gạch nối liên kết mọi người, thuộc mọi ngôn ngữ, màu da, xã hội, văn hoá khác biệt.
Như thế Thánh Thần làm con người hiểu nhau, gần nhau, và giúp Hội Thánh trở thành Hội Thánh của mọi dân tộc.
Thánh Thần làm vết thương của tháp Babel được lành.
Đã có lúc những người nói cùng một thứ tiếng mà vẫn không hiểu nhau.
Lễ Hiện Xuống là lễ khai sinh một Hội Thánh truyền giáo.
Đức Giêsu đã chào đời tại Châu Á từ 2,000 năm. Làm sao để người Châu Á hiểu được Tin Mừng: đó là vấn đề mà tất cả chúng ta hết sức quan tâm.
Hiểu được là bước đầu để đón nhận và tin theo.
"Chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa" (c.11).
Làm sao chúng ta sử dụng nhuần nhuyễn các ngôn ngữ Á Châu để trình bày mặc khải của Đức Giêsu Con Thiên Chúa? Phong tục, văn hoá, tín ngưỡng, luân lý, truyền thống của họ cũng là những thứ ngôn ngữ mà ta cần trân trọng tìm hiểu.
Xin Thánh Thần giúp ta học được ngôn ngữ Việt Nam hôm nay, để nói cho người Việt hiểu và hiểu được điều họ nói.
Xin cho Hội Thánh biết khiêm tốn và can đảm học lại ngôn ngữ của những người mà Chúa sai ta đến.
Kinh Thánh đã được dịch ra 2,197 ngôn ngữ.
Chúng ta còn cần dịch ra một thứ ngôn ngữ ai cũng hiểu, đó là ngôn ngữ của phục vụ và yêu thương.
Gợi Ý Chia Sẻ
Nhờ sức mạnh Thánh Thần, những ông đánh cá đã mạnh dạn đứng lên loan báo Tin Mừng. Bạn đã nhận Thánh Thần khi được rửa tội và thêm sức; có khi nào bạn dám can đảm nói lên niềm tin của bạn không?
Gia đình, cuộc sống, nghề nghiệp của bạn cũng là những thứ ngôn ngữ. Bạn có thấy mình nói về Chúa qua những ngôn ngữ ấy không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa là Thần Khí Sự Sống và Tình Yêu, xin ban cho con một thời để yêu và một thời để sống; để con sống vì tình yêu Thiên Chúa, để con yêu vì cuộc sống muôn loài.
Xin dạy con biết yêu những điều tốt đẹp, cao quý và biết ghét những điều đê tiện, xấu xa.
Xin dạy con luôn sống vì những điều mình yêu, và dám chết vì những điều mình ghét.
Xin cho con biết đưa tình yêu vào cuộc sống để mỗi giây phút sống con đều cảm nhận được niềm hạnh phúc yêu thương.
Xin cho con biết đưa cuộc sống vào tình yêu để từng giây phút yêu, con đều làm cho cuộc sống thêm giá trị.
Cuối cùng, xin cho con biết hoà nhập cả hai nên một: để sống là yêu và yêu là sống, vì hiểu được rằng Thiên Chúa Hằng Sống cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu. Amen.

Suy Niệm 10: Hãy nhận lấy Thánh Thần.

(‘Manna’)

Lúc đến Êphêsô, Phaolô hỏi một số môn đệ ở đó: "Khi vào đạo, các ông đã nhận lãnh Thánh Thần chưa?". Họ trả lời: "Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói tới" (Cv 19,1-2).
Chúng ta đã được nghe nói và đã lãnh nhận Thánh Thần, nhưng có thể Ngài vẫn là Đấng xa lạ với ta.
Bí tích Thêm sức chỉ còn là một kỷ niệm đẹp, nhưng nó không làm ta ý thức về sự hiện diện của Thánh Thần, Đấng đang ở trong ta và sai ta đi làm chứng.
Khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ, Ngài đã làm một việc quan trọng, đó là mời họ tiếp tục sứ mạng mà Ngài đã bắt đầu.
"Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ" (Mt 28,19).
"Hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16,15).
Trong Tin Mừng hôm nay, Đấng phục sinh nói với các môn đệ: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em" (Ga 20,21)
Đức Giêsu cho các môn đệ được tham dự vào sứ mạng của mình. Chỉ có một sứ mạng duy nhất là sứ mạng Chúa Giêsu nhận được từ Chúa Cha. Sứ mạng của các môn đệ nối dài sứ mạng duy nhất ấy.
Ai sẽ giúp các ông thực hiện sứ mạng này? Ai sẽ cho các ông sức sống để dám mở toang cánh cửa mà lên đường loan báo Tin Mừng phục sinh?
Sức sống ở nơi hơi thở.
Đức Giêsu phục sinh đã trao hơi thở của mình, hơi thở của sức sống thần linh cho các môn đệ.
Khi được trao ban Thánh Thần, họ trở thành con người mới, sẵn sàng lên đường.
Thánh Thần chẳng ở xa mỗi người chúng ta.
Ngài có mặt khi ta rung động trước một đoạn Lời Chúa, và muốn sống Lời Chúa trong đời thường.
Ngài có mặt khi ta gọi tên Chúa Giêsu trên môi (1Cr 12,3), và gọi Thiên Chúa là Cha đầy lòng từ ái (Rm 8,15).
Ngài có mặt khi ta muốn tiến một bước mới trong đời sống cầu nguyện, trong đời sống thiêng liêng.
Thánh Thần chẳng ở xa Giáo Hội.
Ngài làm cho Giáo Hội được hiệp nhất bằng cách ban những đặc sủng khác nhau cho nhiều người để họ phục vụ lợi ích chung.
Ngài hiện diện nơi các vị lãnh đạo Giáo Hội, nhưng Ngài cũng có mặt nơi các nhóm giáo dân.
Ngài hiện diện trong các bí tích, trong mỗi thánh lễ. Ngài thánh hóa bánh rượu để chúng trở nên Mình và Máu Đức Kitô.
Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội; không có Ngài, Giáo Hội chỉ là một cơ cấu đáng ngờ.
Nếu chúng ta mềm mại hơn để cho Ngài dẫn dắt, nếu chúng ta bớt cứng cỏi để cho Ngài canh tân, nếu chúng ta đừng dập tắt tiếng của Ngài, thì chúng ta sẽ thấy những biến đổi kỳ diệu.
Gợi Ý Chia Sẻ
1. Bạn có thấy Chúa Thánh Thần soi sáng và nâng đỡ bạn trong cuộc sống hàng ngày không? Ngài có hoạt động trong nhóm của bạn không?
2. Trong thế giới hôm nay, thế giới gồm cỏ lùng và luau, bạn có thấy hoạt động âm thầm nhưng hiệu quả của Chúa Thánh Thần không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Thánh Thần,
Xin Ngài hãy đến như cơn gió mát thổi vào đời con, thổi vào Giáo Hội, thổi vào thế giới, để đem lại cho chúng con sự tươi mới nhẹ nhàng, sự tự do thanh thoát.
Xin Ngài hãy đến như dòng nước trong chảy vào đời con, chảy vào Giáo Hội, chảy vào thế giới, để cuốn trôi đi mọi nhơ nhớp, khô cằn, cứng cỏi, và làm bật dậy những mầm xanh sự sống nơi chúng con.
Xin Ngài hãy đến như ngọn lửa hồng chiếu sáng đời con chiếu sáng Giáo Hội, chiếu sáng thế giới, để chúng con không còn đồng lõa với tối tăm, nhưng mang trong tim một ước mơ nóng bỏng, đó là làm cho vũ trụ này rực sáng Tình yêu.

Suy Niệm 11: Người thổi hơi vào các ông.

(‘Manna’)

Những vết chân trên cát cho ta biết có người đã đi qua.
Nhìn hàng cây xa lay động, ta biết có gió.
Đức Giêsu đã ví Thánh Thần như cơn gió: "Gió muốn thổi đâu thì thổi... Chẳng ai biết gió từ đâu đến và sẽ đi đâu" (Ga 3,8).
Chúng ta chỉ thấy những dấu vết hoạt động của Thánh Thần, nhưng không thấy được chính Ngài, cũng không nắm được đường đi nước bước của Ngài.
Bài Tin Mừng hôm nay đã mô tả Thánh Thần như hơi thở của Chúa Phục Sinh.
Hơi thở là dấu hiệu của Sự Sống.
Thiên Chúa đã thở hơi vào Ađam vă cho ông sống. Đức Giêsu Phục Sinh đã thở hơi trên các môn đệ, để họ nhận một sự sống mới hoàn toàn.
Đời sống Kitô hữu là đời sống trong Thánh Thần.
Ngay từ giây phút đầu tiên trong lòng mẹ, Đức Giêsu đã được đầy tràn Thánh Thần.
Khi lãnh nhận phép rửa của Gioan, Ngài đã được Thánh Thần ngự xuống và lưu lại.
Cũng chính Thánh Thần đưa Ngài vào sa mạc để cầu nguyện, ăn chay và định hướng cuộc đời.
Tại Galilê, Đức Giêsu đã bắt đầu sứ mạng trong quyền năng của Thánh Thần (Lc 4,14).
Ngài đã nhờ Thánh Thần mà đuổi quỷ (Mt 12,28), và khi được hân hoan trong Thánh Thần, Ngài đã thốt lên lời ca ngợi Cha (Lc 10,21).
Quả thật Đức Giêsu là con người sống trong Thánh Thần, Đấng mà Ngài đã nhận được một cách vô hạn (Ga 3,34).
Đôi khi chúng ta cảm thấy xa lạ với Ngôi Ba, dù thực sự Ngài là người Bạn, người Thầy quá ư gần gũi và cần như hơi thở.
Tôi gọi Thiên Chúa là Cha, cũng nhờ Ngài (Rm 8,15).
Nhờ Ngài tôi biết cầu nguyện, và nếm được sự ngọt ngào của Lời Chúa.
Nhờ Ngài Hội Thánh vẫn được canh tân liên tục bằng những luồng gió bất ngờ, những lôi cuốn mạnh mẽ không sao cưỡng lại.
Xin cho tôi can đảm để cho ngọn gió của Ngài thổi tung mọi sợ hãi, rụt rè, khép kín.
Xin cho tôi lưỡi lửa để tôi ra đi loan báo Tin Mừng với trái tim bừng cháy.
Xin cho tôi hơi thở của Ngài để tôi biết sống và yêu nồng nàn.
Gợi Ý Chia Sẻ
Mọi sáng kiến canh tân đều có thể là do Thánh Thần thúc đẩy. Trong giáo xứ, gia đình, cộng đoàn hay nhóm của bạn, bạn có gặp thấy những người biết thao thức và dám đưa ra sáng kiến canh tân không?
Thánh Thần vẫn lên tiếng qua những người có trách nhiệm, qua bạn bè, qua hoàn cảnh mới cần thích nghi. Có lần nào bạn nghe được lời mời của Thánh Thần không? Bạn đáp lại ra sao?