Dân Chúa Âu Châu

Giuda Ban ChuaThứ Tư Mùa Chay Năm B

Dung mạo kẻ phản bội.

"Con Người ra đi như đã được ghi chép sẵn từ trước, nhưng khốn thay cho kẻ sẽ làm cho Ngài bị phản nộp".

Lời Chúa: Mt 26, 14-25

Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và thưa với họ: "Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?" Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người.
Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn Bánh không men, các môn đệ đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Thầy muốn chúng con sửa soạn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua ở đâu?" Chúa Giêsu đáp: "Các con hãy vào thành đến với một người kia, và nói rằng: Thầy bảo, giờ Ta đã gần, Ta sẽ mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ tại nhà ông". Các môn đệ làm như Chúa Giêsu đã truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua.
Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Và khi các ông đang ăn, Người nói: "Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy". Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: "Thưa Thầy, có phải con không?" Người trả lời: "Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy. Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!"
Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có phải con chăng?" Chúa đáp: "Ðúng như con nói".

SUY NIỆM 1: Dung mạo kẻ phản bội

Trong hai ngày qua, thứ Hai và thứ Ba Tuần Thánh, và hôm nay nữa, thứ Tư Tuần Thánh, chúng ta được nghe nhắc đến dung mạo của một người đồ đệ phản bội Chúa là Giuđa Iscariốt. Sự phản bội này không phải là một điều bất ngờ, và lại càng không phải là điều bất ngờ đối với Chúa Giêsu, Ðấng đã biết trước mọi sự sẽ xảy ra cho Ngài như thế nào. Giuđa đã đi đến việc phản bội Chúa, có lẽ vì ông ta đã để cho sự quan tâm về lợi lộc vật chất dần dần chiếm hết chỗ trong tâm hồn và đã để cho sự hăng say theo Chúa lúc ban đầu bị phai lạt đi. Chúa Giêsu không còn là Thầy, là Chúa và là tất cả của cuộc đời ông nữa, nhưng là một món hàng mà Giuđa đem bán cho những kẻ muốn giết Ngài với giá tiền ba mươi đồng, mức giá trị của một người nô lệ đáng khinh.

Giuđa đã âm mưu nộp Chúa cho các thượng tế và đã thành công giấu ý định này không cho các môn đệ khác biết, nhưng Giuđa đã không thể nào giấu điều đó với Chúa Giêsu được. Chúa biết hết nhưng Ngài vẫn đối xử tốt với Giuđa cho đến cùng. Chúa không bỏ qua những dịp may để giúp Giuđa hồi tâm. Trước hết là bữa tiệc vượt qua giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Dĩ nhiên, là người thủ quĩ, Giuđa thản nhiên tham dự vào bữa tiệc, mặc dù đoạn Phúc Âm không nói ra. Tinh thần hiệp thông của bữa tiệc không thức tỉnh Giuđa nổi. Rồi những lời của Chúa: "Một người trong các con sẽ nộp Thầy", và Giuđa chắc chắn được nghe rõ nhưng không làm cho Giuđa giật mình tỉnh ngộ. Rồi sự buồn phiền của các môn đệ khác trong bữa tiệc cũng không có tác dụng gì trên ý định của Giuđa muốn nộp Chúa Giêsu. Thấy các môn đệ lần lượt hỏi Chúa xem có phải là họ hay không, thì Giuđa cũng làm theo như vậy. Tệ hơn nữa, Giuđa dùng từ ngữ không còn ý nghĩa kính trọng đối với Chúa Giêsu trong câu hỏi đặt ra cho Chúa, vì trong khi các môn đệ khác gọi Thầy là Chúa với lòng kính trọng, thì Giuđa dùng một từ ngữ chỉ dành riêng cho một người tầm thường là Rabbi (thưa thầy). Kể từ khi chấp nhận mức giá trị đặt Chúa ngang hàng như một người tôi tớ chỉ đáng giá ba mươi đồng bạc, Giuđa xem như đã mất đi niềm tin vào Chúa như là Ðấng Cứu Rỗi. Giuđa không còn muốn trở lui, không còn muốn rút lại âm mưu nộp Chúa cho đến khi quá trễ. Khi Chúa bị kết án tử hình, thì Giuđa hối hận đi tự tử, như được kể lại nơi đầu chương 27 Phúc Âm thánh Mátthêu.

Phần Chúa Giêsu, Ðấng đã so sánh mình như người chăn chiên nhân lành đi tìm con chiên lạc, Ngài vẫn kính trọng thể diện của Giuđa, không nói thẳng thừng, không vạch mặt nêu tên Giuđa cho mọi người biết, nhưng âm thầm tạo dịp để thức tỉnh lương tâm Giuđa. Và lời cảnh tỉnh mạnh mẽ nhất là khi Chúa Giêsu tuyên bố: "Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người, thà rằng người đó đừng sinh ra thì hơn". Chúng ta không nên hiểu lời cảnh tỉnh này như một lời kết án Giuđa phải hư mất mãi mãi. Không phải như vậy, lời cảnh tỉnh mạnh mẽ của Chúa nhằm làm nổi bật sự khốn cùng của người phản bội Chúa, một sự khốn cùng mà người phản bội tự ý đi vào vì ngoan cố không chịu quay trở về. Sống mà phản bội Chúa, chối bỏ ơn cứu rỗi của Chúa một cách có ý thức và ngoan cố, thì tệ hơn là không sống, không sinh ra trên trần gian này. Không phải tất cả mọi người đều biết khám phá và đáp trả tình yêu của Chúa đối với họ, thời nào cũng vậy, cũng có những người không nhìn nhận tình yêu Chúa.
Lạy Chúa, xin đừng để con sống trong tự phụ mù quáng. Xin đừng để con bị những lợi lộc vật chất làm cho con trở nên ngoan cố chống lại Chúa. Xin cho con biết noi gương thánh Phaolô tông đồ quay về với Chúa và dùng phần cuộc đời còn lại cộng tác chặt chẽ với ơn Chúa, đến độ có thể nói như Ngài: "Nhờ ơn Chúa tôi được như ngày nay. Ơn Chúa đã không trở nên vô ích nơi tôi. Ước được như vậy".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Giuđa mưu phản.

“Cả người thân con hằng tin cậy,
Đã cùng con chia cơm sẻ bánh,
Mà nay cũng giơ gót đạp con”.

Thánh vịnh 40 là một trong những lý do mà các kitô hữu tiên khởi đưa ra trong cố gắng tìm hiểu về biến cố Giuđa phản bội: “Khi ấy một trong nhóm mười hai tên là Giuđa Iscariot đi gặp các Thượng tế mà nói: “các ngài cho tôi bao nhiêu, tôi sẽ nộp ông ấy cho các ngài”.
Bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay là Lễ Vượt Qua cuối cùng Chúa Giêsu cử hành với các môn đệ. Mỗi năm người Do Thái thời Chúa Giêsu long trọng mừng lễ Vượt Qua để tưởng niệm biến cố Thiên thần Chúa vượt qua cửa nhà người Do Thái có bôi máu chiên để không giết con đầu lòng của họ, khởi đầu cho cuộc giải phóng họ khỏi ách nô lệ và khai mào cuộc xuất hành tiến về Đất Hứa. Chúa Giêsu đã có ý định dùng môi trường và ý nghĩa của lễ Vượt Qua này để thiết lập Thánh Thể, nói lên ý nghĩa Ngài là Con Chiên mới sẽ hiến thân chịu chết và đổ máu trên Thập giá để giải phóng và cứu rỗi không những dân Do Thái, mà cả nhân loại. Nhưng soạn giả Matthêu không che dấu một biến cố khác xẩy ra cùng lúc với ngày trọng đại này đó là Giuđa, một trong nhóm mười hai mưu phản Thày. Đấy là biến cố gây chấn động dữ dội nơi cộng đoàn kitô tiên khởi chính vì cố đưa ra để tìm hiểu những bí ẩn bên trong dẫn đến ý định bán nộp Thày cho Giuđa. Ngoài lý do tìm thấy trong câu Tv 40 mang ý nghĩa tôn giáo, người ta cũng phân tách con người Giuđa được các soạn giả bốn sách Tin Mừng nhận xét, là con người tham lam, biển lận, ăn cắp của chung. Có người còn cho rằng Giuđa thuộc một đảng chính trị quá khích chủ trương dùng bạo lực để chống lại ách đô hộ của người Rôma; y theo Chúa Giêsu vì thấy Ngài có quyền năng làm nhiều phép lạ hy vọng Ngài sẽ dùng quyền năng đó để đánh đuổi ngoại xâm. Giuđa thất vọng khi thấy Ngài chọn con đường dẫn tới cái chết Thập giá để kết thúc sự nghiệp giải phóng và cứu rỗi của Ngài. Chính sự thất vọng ấy đưa đến bất mãn, và quyết định nộp Thày. Có người chủ trương rằng Giuđa không có ý định giết chết Chúa Giêsu, nhưng qua việc giải nộp Ngài trong tay quân Rôma, Giuđa hy vọng dồn Ngài vào chân tường, buộc Ngài phải chống cự để tự vệ và do đó đánh đuổi quân Rôm ra khỏi bờ cõi. Nếu như thế ngoài tội nộp Thày phản bạn, Giuđa còn vấp phải một lầm lỗi khác là muốn cưỡng bách Chúa Giêsu hành động theo ý riêng mình.

Để hiểu trọn ý nghĩa bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta không thể dừng lại ở những lỗi lầm của Giuđa, nhưng cần phải hội tụ chú ý vào vai chính là Chúa Giêsu. Trước tiên ngài cố gắng đến cùng để cảnh tỉnh và giải thoát Giuđa khỏi những ý nghĩ mù quáng và đen tối: vì thế Ngài đã cảnh cáo ý bằng một lời mạnh mẽ: “Con Người ra đi như đã viết về Ngài, nhưng khốn cho người đó, kẻ làm cho Con Người bị nộp. Thà rằng người ấy đừng sinh ra thì hơn”. Rồi Chúa Giêsu cũng gọi đích danh Giuđa là người sẽ nộp Ngài. Nhưng lời cảnh cáo và sự vạch mặt chỉ tên đó cũng không làm cho Giuđa tỉnh thức và cũng không ngăn cản y tự nhảy xuống vực thẳm tội lỗi. Tuy nhiên, mặc cho hành động phản bội của Giuđa, Chúa Giêsu vẫn tiến hành việc lập Bí tích Thánh Thể, dấu chỉ của lòng yêu thương đến cùng. Tình yêu đáp lại tình yêu là chuyện thường tình, nhưng tình yêu đáp lại hận thù mới là hành động của một vĩ nhân.
Xin Chúa đánh động tâm hồn chúng ta, để chúng ta tiến vào ba ngày thánh tưởng niệm việc lập Bí tích Thánh Thể, cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập giá của Chúa, để Mùa chay này thực sự biến đổi con tim và cuộc sống của chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 3: Giuđa phản bội.

Bấy giờ một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế mà nói: “Quí vị muốn cho tôi bao nhiêu? Tôi đây sẽ nộp ông ấy cho quí vị.” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ đó hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu. (Mt. 26, 14-16)
Có nhiều sứ điệp Tin mừng thật nặng nhọc khi phải đọc, tuy không nhiều, sứ điệp mà chúng ta đọc lại hôm nay là một trong những nố đó. Không thể không nặng nề khó chịu khi đọc đến đoạn phản bội của Giu-đa. Người ta tưởng tượng ra sự độc ác và không hiểu tại sao con người đó có thể sa đọa đến thế. Cách cư xử của hắn quá đồi tệ, ti tiện, không còn một chút phẩm giá con người.
Tuy nhiên, xin đừng coi đó là gương mù quá lẹ như vậy, vì gương mù đó xảy ra quá dễ dàng. Dù xấu đến đâu, lịch sử về Giu-đa vẫn mang tính chất nhân loại, nó vẫn có trong con người. Cần phải đọc lại nó để xem xét chính con tim của chúng ta cũng như con tim của mọi người không phải là không thấm nhiễm sự xấu và tội lỗi đâu. Ta thấy cái cảnh phản bội nặng nề khó đọc đó chính là vì ta thấy diễn tả nó trong bản văn. Nếu Giu-đa thiệt tình chơi cái trò này cho ngay thẳng, nghĩa là chống đối Chúa Giêsu ra mặt, khai chiến với Người rõ ràng, thì người ta cảm thấy dễ chịu hơn, ít nặng nề hơn. Nhưng không, Giu-đa diễn cái trò vòng vo quanh co. Hắn thực là kẻ phản bội. Chính đó là cái nặng nề khi phải thấy nó xảy ra.
Về phần Đức Giêsu, cách cư xử của Người có gì làm chúng ta ngạc nhiên không? Người biết rõ môn đệ nào và hắn âm mưu gì.
Nếu chúng ta ở địa vị Người, chúng ta có lẽ đã nổi giận tái mặt đi và tống cổ Giu-đa ra khỏi nhà ngay lập tức. Đức Giêsu đã hành động hoàn toàn khác. Người đã cho kẻ phản bội một cơ hội cuối cùng. Một lần nữa, Người chia sẻ bánh ăn với hắn. Không phải Đức Giêsu đã đẩy Giu-đa ra cửa. Chính Giu-đa đã quyết định ra đi phản bội và đi tự tử treo cổ chết.
Sẽ hoàn toàn khác, nếu Giu-đa thời đó đã ăn năn trở lại, thì Giu-đa sẽ không còn bị gọi là Giu-đa phản bội nữa, mà ngày nay còn được gọi là thánh Giu-đa. Hắn đã không ăn năn. Hắn từ chối tình bạn thân thiết với Thầy mình. Chính vì lý do đó mà đã để lại một lịch sử buồn sầu đen tối.

J.Y.G

Nguồn: Giáo Phận Long Xuyên