Dân Chúa Âu Châu

lay chaThứ Ba Tuần I Mùa Chay Năm B

“Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như thế này”.

Lời Chúa: Mt 6, 7-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:
“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ đến chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
“Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.

SUY NIỆM 1: Cầu nguyện

Có một nông dân xứ Ars mỗi ngày trước khi ra đồng cũng như khi đi làm về đều ghé vào nhà thờ giây lát. Trong xứ, nhiều người để ý và kính phục. Một hôm có người hỏi: “Ngày này ông ghé vào nhà thờ làm gì thế”. Người nông dân trả lời: “Tôi bàn chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với tôi”.
Câu trả lời của người nông dân trên đây diễn ta được cái cốt lõi của đời sống Kitô hữu, đó là việc cầu nguyện. Tác giả tập sách Đường Hy vọng chia sẻ kinh nghiệm: “Hoạt động mà không cầu nguyện là vô ích trước mặt Thiên Chúa, máy móc tự động có thể làm hơn con. Cầu nguyện là nền tảng đời sống thiêng liêng. Lúc cầu nguyện con kết hiệp với Thiên Chúa, như một bóng điện sáng là nhờ kết hiệp với máy phát điện. Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Kitô là phải cầu nguyện.”
Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, qua đó Ngài nêu bật thái độ phải có khi cầu nguyện: Trước hết là tinh thần đơn sơ khiêm tốn, gặp gỡ thân tình với Chúa hơn là nói nhiều lời ngoài môi miệng. Giờ cầu nguyện là giờ tâm sự với Chúa, chứ không phải là giờ làm bài, là giờ của con tim, chứ không phải là của khối óc. Thứ đến là tinh thần quảng đại tha thứ cho kẻ xúc phạm đến chúng ta. Đó là điều đương nhiên, vì thân phận của con người là yếu đuối, tội lỗi, và mọi người đều mắc nợ nhau trong đức bác ái của lời nói, việc làm, cách suy nghĩ, cho dù chúng ta vẫn giữ được đức công bằng.
Thật ra, như lời thánh Phaolô: chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thánh Thần chuyển cầu cho chúng ta bằng những tiếng rên khôn ta. Nhờ Bí tích rửa tội, chúng ta đã được kết hiệp với Đức Kitô và được lãnh nhận hồng ân Thánh Thần. Chúng ta hãy cố gắng sống trong Thánh Thần để phát triển đời sống cầu nguyện, nhờ đó canh tân chính mình và môi trường sống.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Kinh Lạy Cha

Kinh Lạy Cha là một kinh quan trọng đối với đời sống người Kitô hữu, vì đó là kinh do chính Chúa Giêsu đặt ra, là kinh được Giáo Hội đọc nhiều hơn cả trong các cử hành phụng vụ và các cử hành khác, là kinh tóm gọn tất cả những gì phải làm trong khi cầu nguyện.
Chúng ta cần cầu nguyện với Chúa Cha để sống và hoạt động tông đồ đắc lực, khi cầu nguyện như thế, chúng ta cậy nhờ Chúa Giêsu và nhờ chính lời cầu nguyện của Ngài. Có một điểm Chúa Giêsu căn dặn là trong khi cầu nguyện đừng có thái độ thuyết phục Thiên Chúa theo ý muốn của mình bằng những lời khéo léo dài dòng như những người ngoại giáo đối với các thần minh của họ. Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng làm như thế, bởi vì “Cha các con đã biết rõ các con cần gì, trước khi các con cầu xin”. Nói khác đi, khi cầu nguyện, chúng ta chỉ cần đơn sơ khiêm tốn nhìn nhận mình hèn mọn thiếu thốn, vạch rõ con người của chúng ta trước mặt Thiên Chúa, rồi vững dạ cậy trông tin tưởng. Thiên Chúa chẳng những sẽ lấp đầy cái trống rỗng của chúng ta, mà còn dằn lắc, còn ban cho chúng ta nhiều ơn hơn chúng ta khấn xin.

Kinh Lạy Cha là kiểu mẫu cho tất cả việc cầu nguyện. Theo thánh Luca, Kinh Lạy Cha có 5 lời nguyện, trong khi đó ở Phúc Âm Matthêu có 7 lời nguyện: 3 lời cầu đầu tiên nói về Thiên Chúa, Ðấng mà Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi là Cha: Cha chúng con ở trên trời, sau đó chúng ta xin cho Danh Thánh Cha được hiển vinh, nước Cha được lan rộng trên thế gian, nhất là trong tâm hồn con người, và xin cho thánh ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như trên trời. Trong phần hai, có 4 lời nguyện: xin lương thực hàng ngày, nghĩa là xin cơm bánh nuôi thân xác và của ăn nuôi hồn, tức là Lời Chúa và Mình Chúa; xin tha thứ các tội xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng để được tha thứ, chúng ta cũng phải tha thứ lỗi lầm của anh em; xin ơn kiên trì để lướt thắng cám dỗ hàng ngày, nhất là trong cơn thử thách sau cùng trước sức tấn công của tà thần muốn đưa chúng ta xa lìa Chúa; xin ơn thoát khỏi mọi sự dữ để có thể phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân mọi ngày trong đời sống chúng ta.
Chúng ta hãy dốc quyết không bao giờ bỏ đọc Kinh quan trọng và hiệu nghiệm này trong đời sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 3: Tha nợ

“Vậy anh em hãy cầu xin như thế này:
“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời
xin làm cho danh thánh Cha được vinh hiển,
triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày,
Xin tha tội cho chúng con
Như chúng con cũng tha
Cho những người có lỗi với chúng con”. (Mt. 6, 9-12)

Theo các nhà chuyên môn Kinh thánh, trong kinh Lạy Cha, câu “xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” đúng hơn câu “xin tha tội chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”.
Câu đó nói tới thân phận của con người là con nợ không thể trả được đối với Thiên Chúa. Đó là tình trạng của kẻ tội lỗi mà chỉ có hồng ân lạ lùng của Thiên Chúa ân xá cho ta được thôi, còn ta không bao giờ đền bù cho đủ.
Lời cầu nguyện này nhắc nhở chúng ta nhớ tới dụ ngôn tên đầy tớ dã tâm bất nhân. Nợ của chúng ta sẽ được tình yêu Thiên Chúa thương tha thứ nếu chúng ta biết yêu thương tha thứ cho kẻ có nợ chúng ta.
Thánh Gio-an nói: “Nếu ai nói: tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, thì đó là kẻ nói dối. Thực vậy, kẻ không yêu anh em mình trông thấy trước mắt thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà nó không thấy” (1Ga. 4, 20). Chúng ta có thể đánh giá khả năng của chúng ta yêu mến Thiên Chúa bằng tình yêu chúng ta yêu người lân cận.
Tội chống lại tình yêu tha nhân có làm hại chúng ta gì không? Có thể chúng ta vẫn thành thật nói rằng chúng tôi yêu người lân cận cho dù họ là gì chăng nữa. Nhưng rất nhiều lần, chúng ta lãnh đạm với họ; chúng ta viện lẽ rằng không nên xen vào những việc của người khác. Có phải chúng ta một phần nào đã giống như Ca-in từ chối trách nhiệm đã giết em mình, đã giết người là anh em mình chăng?
Câu kết thúc bài Tin mừng hôm nay là: “Nếu anh em tha tội cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em …”. Chúng ta kêu xin tình thương, nhưng lại đánh nhau vì hòa bình. Chúng ta cần phải cố gắng tìm hiểu người ta. Người ta muốn được tha thứ, được thông cảm, nhưng chúng ta đã làm gì cho họ?
Tham dự Thánh lễ lúc này là để thông cảm hiểu biết nhau, để chúng ta chân thành nhìn nhận nhau là anh em, đồng bàn với nhau trong bàn tiệc tế lễ hy sinh, bàn tiệc tình yêu của Chúa và của chúng ta.

Nguồn: Giáo Phận Long Xuyên