Dân Chúa Âu Châu

Mong3TetThứ Bảy Sau Lễ Tro

"Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh".

Lời Chúa: Mt 25,14-30

Bấy giờ, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Người kia sắp đi xa, gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông đưa cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.’ Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’ Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.’ Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’ Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông vẫn còn nguyên đây này!’ Ông chủ đáp: ‘Anh thật là tôi tớ xấu xa và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.’”

SUY NIỆM 1: Thánh hóa công ăn việc làm

Thế giới và xã hội loài người mỗi ngày một thay đổi, tiến triển không ngừng, nhưng có cả một thực tại vẫn không hề đổi thay, đó là con người phải lao động để nuôi sống bản thân mình. Đó vẫn luôn là một thực tại căn bản gắn liền với thân phận con người. Nói cách khác, con người và lao động không thể tách rời nhau.

Nhờ lao động, con người được thay quyền Thiên Chúa khắc phúc thiên nhiên, kiện toàn vạn vật và thể hiện đúng nhân cách của mình. Khi lao động, con người hoàn thiện được chính bản thân, kiến tạo xã hội, cổ võ tình hiệp nhất giữa cộng đồng nhân loại.
Dưới ánh sáng đức tin, khi lao động, con người thực thi được ý muốn của Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng ra mình. Qua lao động, con người được Thiên Chúa mời gọi cộng tác để kiện toàn công trình tạo dựng. Nói cách khác, con người được dựng nên để đồng sáng tạo với Thiên Chúa. Công đồng Vatican II đã xác nhận chân lý này, khi nói: “Khi cày cấy với hai bàn tay hoặc với phương tiện kỹ thuật để trái đất nẩy sinh hoa quả và trở thành nơi cư ngụ xứng đáng của toàn thể gia đình nhân loại, khi tham dự cách ý thức vào tập thể xã hỗi, con người đã tuân theo ý định của Thiên Chúa được tỏ bày ngay từ thuở ban đầu, là loài người phải chế ngự trái đất và hoàn tất công trình sáng tạo” (GS số 57).

Một cái máy làm việc có thể nhanh và giỏi hơn con người. Nhưng máy không hơn con người vì máy không biết yêu và không hiểu công việc nó làm. Cái máy càng thua một người Kitô hữu, vì Kitô hữu được đức tin soi sáng để “thấy mọi sự dưới ánh sáng mới”. Với đức tin, với tình yêu, chúng ta lao động sản xuất. Chúng ta làm như Thiên Chúa, Cha của chúng ta hăng làm việc liên lỉ. Công đồng Vatican II còn giải thích: “Khi làm việc để nuôi sống mình và gia đình, nếu có lòng phục vụ xã hội, nhờ lao động của mình, chúng ta tiếp tục công trình của Đấng Tạo Hóa, phục vụ anh chị em, góp phần vào việc thi hành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử” (GS số 34).

Trái đất được trao cho con người làm chủ và đổi mới càng ngày càng thêm tốt đẹp. Chúng ta hy sinh, mệt nhọc, sáng tạo, phát mình, góp phần suy tư, nghiên cứu để ruộng đồng sinh lúa thóc hoa màu. Tre, gỗ, mây, lá… bỗng hóa thành những vật dụng; bông sợi kén tằm trở nên vải lụa; gạch đá biến thành nhà ở… Toàn thể trái đất là một công trường vĩ đại và toàn thể loài người là một đại gia đình, trong đó mỗi người góp một tay, làm một việc, mỗi người làm ích chung cho kẻ khác. Mình vì mọi người, mọi người vì mình.
Chúng ta làm việc để phục vụ anh chị em, tiếp tục công trình sáng tạo và thi hành ý định cứu độ của Thiên Chúa. Nhờ bàn tay, trí não, tâm huyết và ý chí của chúng ta và của mọi người khác. Thiên Chúa làm hoàn hảo vũ trụ và tạo hạnh phúc cho nhân loại.
Và chúng ta hăng say đi vào lao động: lao động chân tay lẫn lao động trí óc. Giờ lao động của chúng ta như thế cũng trở nên giờ cầu nguyện đích thực; giờ tin cậy, yêu mến, thờ phượng Thiên Chúa; giờ hợp tác và phục vụ anh chị em đồng loại để xây dựng Nước Chúa, kiến tạo “Trời Mới Đất Mới” ngay ở trần thế.

SUY NIỆM 2: Thánh hóa công ăn việc làm

(Lm Lê Quốc Thăng)

Mơ ước của ngày đầu năm là mong sao cho Năm Mới này công việc làm ăn được thuận buồm xuôi gió. Người ta chúc cho nhau năm mới phát tài, phát đạt và phát lộc. Trong niềm tin, Kitô hữu cũng luôn khấn nguyện xin Chúa thương ban cho một Năm Mới bình an, phát đạt và xin Chúa chúc lành thánh hóa công ăn việc làm của mình. Thiên Chúa là nguồn mạch ơn sủng, nguồn mạch của sự sống, chắc chắn luôn chăm lo cho cuộc sống con người được phát triển dồi dào.

1. Thánh hóa công ăn việc làm là biết nên thánh bằng sức lao động của mình:Xin Chúa thánh hóa công việc của mình không chỉ là xin ơn để công việc được phát triển tốt đẹp, nhưng còn là xin ơn Chúa giúp cho con người qua công sức của mình góp phần mang lại hạnh phúc, mang lại sự phồn vinh, ấm no cho bản thân, cho xã hội và cho tha nhân. Nhờ đó, tự thân mỗi người sống có ý nghĩa, có ích hơn cho gia đình và xã hội. Bằng chính sức lao động chân chính của mình, nhờ ơn Chúa giúp mà mỗi người biết đóng góp công sức của mình vào thành quả chung của xã hội cũng như Giáo Hội. Đó chính là phương thế nên thánh bằng sức lao động của mình. Trong công ăn việc làm, mỗi Kitô hữu biết thực hiện đúng với đòi hỏi của Tin Mừng sẽ làm cho bản thân ngày càng nên thánh hơn giữa đời. Giữa một xã hội chạy theo lợi nhuận, bị đồng tiền chi phối để rồi người ta có thể bất chấp đạo lý, làm ăn phi pháp, gian dối thì người Kitô hữu càng phải can đảm, trung thực trong công việc của mình. Sống như thế là một nỗ lực nên thánh.

2. Thánh hóa công ăn việc làm là biết làm việc theo ý Chúa: hấp lực của đồng tiền, danh vọng, địa vị luôn là hấp lực mạnh mẽ chi phối, ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ cuộc sống con người từ lối sống bên ngoài cho đến nhân đức bên trong. Khi chạy theo những hấp lực ấy con người dễ đánh mất mình để rồi trở nên nô lệ cho đồng tiền và từ đó sẽ không ngần ngại làm tất cả những gì ngay cả bất chính để có được lợi nhuận nhiều nhất. Thay vì bằng công ăn việc làm con người được thăng tiến về mọi mặt của cuộc sống, thì lại bị vong thân, nhân phẩm bị chà đạp, bất công, bóc lột và phân hóa giàu nghèo càng bùng phát. Người ta lao động, làm việc để sống, để phát triển con người và vũ trụ này. Trong nhãn giới đức tin, lao động chính là phần cộng tác của con người vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Do đó, cần phải biết làm việc, biết kiến tạo công ăn việc làm của mình theo thánh ý Chúa, đúng với đòi hỏi của Tin Mừng.

Những khả năng Chúa ban như tài năng, sức khỏe, tiền tài, vốn liếng, cơ hội làm việc… tất cả chính là những nén bạc Chúa trao vào tay mỗi người. Làm cho những nén bạc ấy sinh lời không chỉ là gia tăng thu nhập, phát triển kinh tế, thành đạt sự nghiệp mà hơn hết chính là làm sao cho mỗi người khi dùng những nén bạc ấy làm cho bản thân và đời sống xã hội mỗi ngày một công bình hơn, ấm no hơn và giàu lòng nhân ái hơn.

3. Thánh hóa công ăn việc làm, một nỗ lực loan báo Tin Mừng:Thánh Phaolô trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô đã khuyên nhủ: “Dù ăn, dù uống, hay làm gì bất cứ anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa”. Như vậy, Thánh Tông đồ chỉ cho thấy rằng công ăn việc làm, cách sống của mỗi Kitô hữu là phương thế để tôn vinh Chúa, làm sáng danh Chúa. Điều này có nghĩa Kitô hữu thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng chính công việc hằng ngày của mình. Loan báo Tin Mừng là công trình của Chúa, của toàn thể Giáo Hội, của từng người Kitô hữu. Kitô hữu sống giữa đời không làm gì thêm để thực thi sứ mạng này mà dùng chính việc làm hằng ngày, dùng chính sức lao động của mình. Bằng công việc làm ăn lương thiện; bằng việc sống đức ái khi chia cơm sẻ áo, khi đối xử công bằng, khi tạo giúp công ăn việc làm cho anh chị em. Kitô hữu quả thật đang là những sứ giả Tin Mừng trong chính môi trường làm việc của mình. Xin thánh hóa công việc làm một mặt là xin Chúa chúc phúc nhưng mặt khác với nỗ lực của con người cộng tác với ơn Chúa làm cho công việc của bản thân thành công việc thánh khi biết thực hiện công việc ấy để loan báo Tin Mừng.

Thánh hóa công ăn việc làm là ơn Chúa giúp mỗi người biết dùng chính công việc làm của mình để nên thánh; biết dùng chính công việc của mình để thánh hóa thế gian và làm rạng danh Chúa.

THỨ BẢY: Lc 5, 27-32

Thứ bảy 21/02/2015 – Tin mừng của lòng thương xót.

21/02 – Thứ bảy sau lễ Tro.

“Ta không đến kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.

Lời Chúa: Lc 5, 27-32

Khi ấy, Chúa Giêsu trông thấy một người quan thuế tên là Lêvi đang ngồi ở bàn thu thuế, Ngài bảo ông: “Hãy đi theo Ta”. Ông liền bỏ mọi sự đứng dậy theo Người. Lêvi đã dọn một bữa tiệc linh đình thết đãi Người tại nhà ông. Có đông người thu thuế và nhiều người khác cùng ngồi ăn với các ngài. Những người biệt phái và các luật sĩ của họ lẩm bẩm với các môn đệ của Người rằng: “Sao các người lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?” Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.

SUY NIỆM 1: Tin mừng của lòng thương xót

Vua thánh Louis IX của Pháp nổi tiếng là khôn ngoan, ứng biến tài tình. Có một nông dân nọ được mùa củ cải. Để đánh dấu thành công, ông chọn củ cải lớn nhất trong vụ mùa và đem dâng kính Đức vua. Ông đến cung điện và xếp vào hàng những người ngày ngày đến dâng tặng vật cho đức vua. Ai cũng mang đến một lễ vật cao quí và cũng chuẩn bị xin vua một đặc ân. Người nông dân nghèo trái lại chỉ có một tâm tình duy nhất, là nói lên niềm vui được trung mùa của mình. Mọi người không ngờ rằng đây là tặng vật đã làm vua hài lòng nhất. Nhà vua sai các cận vệ đem đến một cái cân và truyền lệnh hãy cân số lượng vào bằng củ cải này và trao cho người nông dân. Hành động này của vua đã khơi dậy lòng ham muốn của các đình thần. Một tuần sau, một nịnh thần giầu có lựa con ngựa đẹp nhất đem tặng vua với hy vọng được tưởng thưởng. Thế nhưng, khi đón nhận con ngựa, nhà vua cám ơn và truyền cho các cận vệ: “Các khanh hãy mang tặng người này một củ cải, đó là phần thưởng dành cho những người suốt ngày chỉ biết nói những lời xua nịnh và chờ chực đặc ân”.

Giai đoạn trên đây có thể gợi lại cho chúng ta thái độ của Chúa Giêsu đối với những kẻ bé mọn, nghèo hèn, đĩ điếm, thu thuế, nói chung những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Ngài kết thân với họ, đồng bàn với họ, và tuyên bố họ là những người vào Nước Trời trước những kẻ tự xưng là công chính. Những con người nghèo khổ ấy là một thể hiện cụ thể của mối phúc đầu tiên mà Chúa Giêsu đã công bố trong Bài giảng trên núi: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”. Tin mừng được loan bao cho những người nghèo, hay đúng hơn chỉ người nghèo mới có thể mở rộng tâm hồn để đón nhận Tin mừng.

Tin mừng của Chúa Giêsu là Tin mừng của lòng thương xót: chỉ khi nào con người nhận thức được thân phận nghèo hèn tội lỗi cảu mình, con người mới thấy được tình thương bao dung hải hà của Chúa. Thánh Phaolô đã nói: “Nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó ân sủng càng dồi dào”. Tin mừng của Chúa Giêsu là Tin mừng của lòng tin tưởng phó thác: có thấy được nỗi bất toàn của mình, con người mới cảm nhận được sức mạnh nâng đỡ của Chúa. Tin mừng của Chúa là Tin mừng của an bình, hạnh phúc: có dốc cạn những ham muốn ích kỷ và những sức mạnh của danh vọng, có trở nên thực sự trống rỗng, thanh thoát, con người mới có thể được Thiên Chúa lấp đầy và tìm được hạnh phúc bình an đích thực.

Giữa những bôn ba tìm kiếm của cuộc sống, xin cho chúng ta luôn đặt Chúa vào chỗ nhất. Cho dù phải đánh mất tất cả, xin cho chúng ta luôn tin rằng chúng ta đang có tất cả và được Chúa làm gia nghiệp duy nhất.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Trở về

Sau đó, Đức Giê-su đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người. Ông Lê-vi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các Ngài. (Lc. 5, 27-29)

Đức Giê-su đến không phải để kêu gọi người công chính. Nhưng để kêu gọi những người tội lỗi. Những người đáng phải quan tâm là những người nghèo khó, khốn khổ, đói khát, tội lỗi, và tất cả những kẻ bị xã hội coi là hạng bất hảo (pas bons). Những người ấy được Chúa muốn biến đổi, muốn cứu chuộc. Đó là những kẻ Người phó dâng đời sống, niềm vui và bình an của Người cho họ. Họ được Người kêu gọi trở về.

Ước mong chúng ta được vào nhóm các người “bất hảo” ấy để được Đức Giê-su mời gọi đến với Người. Chúng ta không luôn luôn dễ dàng nhận mình vào hạng xấu đó đâu. Chỉ cần thấy chúng ta liếc nhìn những người sống chung quanh chúng ta, là chúng ta nghĩ mình chẳng hề xấu như thế, cho nên chúng ta không cần ăn chay trở lại.

Thực ra cũng đúng. Chúng ta khá can đảm, và là người tín hữu khá tốt. Chắc có nhiều kẻ xấu hơn chúng ta! Nhưng nghĩ mình không cần ăn năn trở lại thì đã tự đặt mình ra rìa, và là kẻ tự cao tự đại quá xá rồi.
Cứ nhìn ông Lê-vi đã làm, chúng ta có thể có một chút hiểu biết về thế nào là trở về, rồi ra đi bỏ hết cả tài sản. Ông đã bỏ hết như Tin mừng nói. Ông đã bỏ chức vị. Ông đổi mới cái nhìn, đổi mới phán đoán, đổi mới những tập quán thói quen của đời sống. Và ông đã bắt đầu sống trở về tận nguồn gốc theo Đức Ki-tô mời gọi.

Nếu muốn được trở về, phải sống tận nguồn gốc là Tin mừng để thấy phải từ bỏ mọi hòa hoãn, mọi nửa vời và đi đến tột đỉnh chí thiện và chí ái, lúc đó chúng ta mới thấy sáng tỏ sự cần thiết phải sám hối trở về biết chừng nào. Ai nghĩ ngược lại thì chỉ là kẻ tự phụ, lừa dối mình.