Dân Chúa Âu Châu

Mc 4 26-34Thứ Sáu Tuần III Mùa Thường Niên Năm B

"Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết".

LỜI CHÚA: Mc 4, 26-34

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Ðất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa". Người còn phán: "Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được". Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tuỳ sức họ có thể hiểu được, và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.

Suy Niệm 1: Hạt giống, hạt cải

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hạt giống và hạt cải làm ví dụ để nói về Nước Thiên Chúa.
Nước Thiên Chúa được thiết lập giống hệt như một tiến trình gieo gặt trọn vẹn: từ hạt giống, hạt nẩy sinh thành cây, rồi thành bông lúc. Như người dân Palestina, sau khi gieo hạt giống, họ âm thầm chờ đợi lúa chín để gặt hái, chứ không hề biết hạt giống được gieo xuống đất đã phát triển như thế nào: Chúa Giêsu cũng gieo hạt giống Nước Trời nơi tấm lòng con người, cùng với ơn Chúa, Nước đó âm thầm phát triển lan rộng khắp thế giới, tạo nên mùa gặt các linh hồn. Chúa Giêsu chỉ đích thân có mặt trong mùa gieo giống và mùa gặt hái. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chờ đợi, Ngài vẫn tiếp tục hoạt động một cách vô hình, qua Chúa Thánh Thần và Giáo Hội. Khi Nước Thiên Chúa đã phát triển đến mức tối đo, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang, thu hoạch mùa gặt của Ngài.
Dụ ngôn hạt cải là dụ ngôn cuối cùng trong năm dụ ngôn về Nước Thiên Chúa. Cũng như các dụ ngôn trước, dụ ngôn này được rút ra từ đời sống thôn dã. Nó đưa ra một nét tương phản hấp dẫn: hạt cải nhỏ xíu trở thành một cây to lớn. Nước Thiên Chúa cũng mang nơi mình một nghịch lý tương tự: Dưới cái nhìn của thánh Marcô, dụ ngôn hạt cải chứa đựng cách diễn tả tuyệt vời về bí mật Mêsia. Cho đến lúc này, hành vi của Chúa Giêsu có thể bị coi là vô nghĩa và Nước Thiên Chúa vẫn chỉ là một thực tế khiêm tốn. Dù vậy, các dân ngoại đang nhìn thấy sự tăng trưởng dị thường của nó như các Kitô hữu ở Rôma đã kinh nghiệm được điều này. Chính Giáo Hội tiên khởi, dù yếu đuối, vẫn ý thức được mình đang tham dự vào sự thành công của một công trình đã sẵn tiềm tàng nguồn sinh lực vô biên, công trình này sẽ đạt tới mức hoàn vũ vào cuối giai đoạn phát triển của nó.
Hạt giống đã trải qua một quá trình phát triển âm thầm trước khi tới mùa gặt; hạt cải được trồng dưới đất cũng phải trải qua một quá trình cho đến khi trở thành một cây lớn. Trong những bổn phận dù âm thầm hằng ngày, chúng ta hãy tin tưởng phó thác cho quyền năng yêu thương của Chúa, chính Ngài sẽ làm cho công việc chúng ta thực hiện theo ý Chúa đạt tới kết quả vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta, và như vậy chúng ta sẽ làm ích cho chính bản thân, cho tha nhân và cho Nước Chúa.
Xin Chúa củng cố chúng ta trong niềm xác tín đó.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 2: Vấn đề thân cận

Người nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bắng cách nào thì người ấy không biết.” (Mc. 4. 26-27)
Phúc âm hôm nay lấy chủ đề là việc gieo giống. Nhưng những lời lẽ được dùng lại vang lên những âm điệu mới lạ đáng chúng ta quan tâm suy nghĩ: mầu nhiệm Đức Kitô có một sức mạnh âm thầm hằng thúc đẩy để mầu nhiệm ấy được thực hiện trọn vẹn; dầu có tính cách mong manh, mầu nhiệm ấy vẫn có một sức mạnh vô địch; sau cùng lòng gắn bó hoặc tin cậy vào Chúa Giêsu giúp ta hiểu biết đầy đủ về mầu nhiệm này.

Một sức mạnh âm thầm

Mỗi ngày ta khó nhọc vất vả gieo hạt giống Nước Trời, mong cho Nước Chúa trị đến. Nào là: kinh lễ, hội họp, thảo luận, phục vụ, thăm viếng tình nghĩa, dạy giáo lý, hoạt động nghề nghiệp, săn sóc bệnh nhân, dạy học, làm việc chân tay… Chúng ta tin rằng thực hiện một trong những công việc kể trên là làm cho chúng ta sống mầu nhiệm phục sinh, là đưa mọi loài thụ tạo đến sự phục hồi. Ta tin nhưng mắt không nhìn thấy gì cả. Những kết quả công khó của ta thường âm thầm kín đáo. Chúng ta phải khiêm tốn và có khi phải cay đắng chấp nhận những giới hạn của thân phận con người.

“Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như …”, Chúa Kitô nói với chúng ta như vậy mà, …
Ta hãy kiên nhẫn và tin tưởng!
Một sức mạnh vô địch
Chúa còn kể dụ ngôn thứ hai, dụ ngôn hạt cải, để ta thêm vững lòng. Thực vậy, Chúa đặt đối chọi nhau hai sự thể: một bên là cái mong manh bé nhỏ, bên kia lại là những kết quả to lớn đạt được. “Cây cải mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”.
Chúng ta không thường sống sự tương phản này sao, sự tương phản giữa một bên là những dấu chỉ mong manh, còn bên kia là những kết quả to lớn đạt được? Tất cả đời sống bí tích chỉ là việc xử dụng một loại hạt giống nhỏ nhất để rồi hạt giống đó trở thành một dấu chỉ sinh ân sủng vô vàn của Chúa.

Chỉ có ai yêu mến mới hiểu được

Sau cùng, những dụ ngôn này kết thúc với lời ghi nhận rằng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Chúa Giêsu giải nghĩa hết cho các Tông đồ. Sự gắn bó, gần gũi với Chúa giúp ta tiến tới Người vượt xa mức bình thường mà quần chúng có thể tiếp cận được, bởi vì xét cho cùng người ta chỉ có thể hiểu biết rõ được một người khi ta yêu mến người đó.


Nguồn: GP Long Xuyên