Dân Chúa Âu Châu

Mc 4 1-20Thứ Tư Tuần III Mùa Thường Niên Năm B

"Người gieo hạt đi gieo hạt giống"

* Sinh năm 1225 trong một gia đình quý tộc ở Aquinô, rồi theo học tại đan viện Montê Cátxinô, tiếp đến tại đại học Napôli, cuối cùng Tôma nhập dòng Anh Em Thuyết Giáo và hoàn tất việc học tại Pari và Côlônhơ, dưới sự dẫn dắt của một bậc thánh sư là Anbêtô Cả. Thánh Tôma đã thể hiện trọn vẹn lý tưởng dòng thánh Đaminh là chiêm niệm và truyền đạt cho tha nhân điều mình đã chiêm niệm. Vừa là triết gia, vừa là thần học gia, trong vai trò giáo sư, thánh nhân đã suy nghĩ, giảng dạy và viết rất nhiều. Nhưng trước hết và trên hết, thánh nhân là người chiêm niệm, người đã cầu nguyện nhiều và đã tuân thủ một kỷ luật nghiêm khắc để có thể đạt tới ánh sáng tinh tuyền. Thánh nhân qua đời ngày 7 tháng 3 năm 1274 tại đan viện Xitô ở Phốtxanôva. Ngày 28 tháng Giêng là ngày thi hài thánh nhân được cải táng đưa về Tuludơ năm 1369.

LỜI CHÚA: Mc 4,1-20

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy ở bờ biển và có đám đông dân chúng tụ lại gần Người, nên Người xuống ngồi trong một chiếc thuyền trên mặt biển, tất cả đám đông thì ở trên đất theo dọc bờ biển. Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều, và khi giảng, Người nói với họ rằng: "Các ngươi hãy nghe! Nầy người gieo hạt đi gieo hạt giống. Khi gieo, một phần hạt rơi xuống vệ đường và chim trời đến ăn hết. Phần khác rơi trên đất sỏi, nơi không có nhiều đất. Hạt giống đã mọc lên ngay, vì lớp đất không sâu. Nhưng khi mặt trời mọc lên, hạt giống bị nắng đốt và vì không rễ, nên bị chết khô. Một phần khác rơi vào bụi gai và gai mọc lên làm hạt giống chết mà không sinh hoa trái được. Phần hạt khác rơi vào đất tốt, mọc lên, nẩy nở và sinh quả, hạt thì sinh được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm". Và Người phán rằng: "Ai có tai nghe thì hãy nghe". Khi Người còn lại một mình, thì mười hai ông là những kẻ luôn ở với Người, hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn, Người liền bảo các ông: "Các con được ơn biết mầu nhiệm về nước Thiên Chúa, còn những người khác ở ngoài thì mọi sự được giảng dạy bằng dụ ngôn, vì chúng nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, kẻo chúng trở lại mà được tha tội". Người nói với các ông: "Các con không hiểu dụ ngôn đó sao? Vậy thì hiểu sao được tất cả những dụ ngôn khác? Người gieo hạt là gieo lời Chúa. Vệ đường mà lời Chúa được gieo vào, là những kẻ vừa nghe xong, thì Satan đến và cất lấy lời Chúa gieo trong tâm hồn họ. Và cũng thế, những hạt giống rơi trên đất sỏi, là những kẻ khi nghe lời Chúa thì đón nhận vui vẻ, nhưng chúng không đâm rễ bên trong và là những người hay thay đổi: sau đó gặp phải cơ cực hay bắt bớ vì lời Chúa, thì họ sa ngã liền. Lại có những hạt giống rơi trong bụi gai. Ðây là những kẻ nghe lời Chúa, nhưng những lo lắng trần tục, bóp nghẹt lời Chúa, khiến không thể sinh hoa trái được. Còn những hạt giống gieo trong đất tốt: đó là những người nghe lời Chúa, biết giữ lấy và làm sinh lợi, hạt ba mươi, hạt sáu mươi và hạt một trăm".

Mc. 4, 1-20

Suy Niệm 1: Hạt giống Lời Chúa

Phan Linh là một nhân vật nổi tiếng trong nhiều lãnh vực khoa học kỹ thuật và văn chương. Một hôm ông nhận được một món quà của một người bạn từ Ấn Ðộ, đó là một cái chổi rơm. Nhận thấy có những hạt lúa dính ở cọng rơm, ông nhặt lấy và đem đi gieo, sau đó ông cũng phân phát cho bà con cùng gieo, thu hoạch rất khả quan và dần dần lan ra cả nước. Ông là người đầu tiên nhập giống lúa mới và khai sinh kỹ nghệ làm chổi phục vụ cho cả nước.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống để giảng về Nước Trời. Việc gieo giống có lẽ rất quen thuộc với người Việt Nam, vì có đến 4/5 dân số sống bằng nghề nông nghiệp. Người gieo giống nào cũng muốn gieo hạt trên đất đã cày bừa cẩn thận; Thiên Chúa cũng muốn tâm hồn con người được trở nên như thửa đất để hạt giống Lời Ngài có thể mọc lên, phát triển và sinh nhiều hoa trái, làm ích cho mình và cho người khác nữa.
Nhìn lại cuộc đời của mình, có lẽ chúng ta phải thành thật nhận rằng từ trước tới nay chúng ta chưa đón nhận và sống Lời Chúa được bao nhiêu, bởi vì chúng ta vẫn để cho tâm hồn xao xuyến lo lắng, những đam mê sự đời, tham vọng địa vị và của cải làm chết ngạt Lời Chúa. Ðấy là chưa kể những biến cố xảy đến trong cuộc sống bản thân, gia đình, xã hội, đều là những tiếng Chúa nhắc nhở, mời gọi chúng ta, nhưng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi những đam mê, ích kỷ trong đời sống. Lời Chúa vẫn chưa bén rễ sâu trong tâm hồn chúng ta.
Xin Chúa cho chúng ta biết mở rộng tâm hồn đón nhận hạt giống Lời Chúa. Xin làm cho những hạt giống ấy được bám rễ, mọc lên tươi tốt và trổ sinh được nhiều bông hạt, để mỗi ngày chúng ta được lớn lên trong tình yêu Chúa và góp phần xây dựng Giáo Hội Chúa ngày một lớn mạnh hơn.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 2: Phải chăng lỗi tại Chúa?

“Các người nghe đây! Kìa người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường. Chim chóc đến ăn mất. Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết hô. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả: Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm.” (Mc. 4. 3-8)
Dụ ngôn Người gieo giống theo thánh Maccô này mang dấu vết của một bài biên soạn chịu ảnh hưởng đời sống Giáo hội buổi ban đầu, trước hết là vấn đề giải thích sự thất bại trong việc rao giảng Tin mừng, sau là ý nghĩa của từ “Lời Chúa”

Thất bại trong việc rao giảng

Maccô quả quyết điều này: với những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn… để họ không hiểu, kẻo họ trở lại…
Thoạt nghe ta thấy khó hiểu. Phải chăng Chúa Giêsu muốn kết án người đời? Tại sao Chúa lại không cho mọi người một cơ hội đồng đều? Chính điểm này làm ta khó chịu, và cũng đúng thôi. Nếu khi đọc ta chỉ đặt bản văn này vào trong bối cảnh của thời Chúa Giêsu.
Nhưng khi đặt nó vào khung cảnh đời sống Giáo hội buổi ban đầu, những khó khăn kia không còn nữa. Bởi vì ta thấy rõ thánh Maccô chủ tâm giải thích cho biết hoàn cảnh lúc ấy đã coi thường Tin mừng của Đức Kitô. Bằng lối hành văn khéo léo, thánh Maccô giải thích sự việc ở hiện tại, tức là sự thất bại trong việc rao giảng Tin Mừng cho người Do thái, ngụ ý là điều đó Chúa Giêsu đã nhìn thấy và biết trước cả rồi.

Cuối cùng, Maccô nói thêm rằng để chương trình cứu độ nhiệm mầu của Chúa được thành công, người ta cần phải đọc và nhận được những dấu chỉ. Mạc khải không phải là một sứ điệp được che dấu và đem cất đi. Nhưng để đọc và hiểu sứ điệp, người ta cần phải có một tâm hồn sẵn sàng và cởi mở để hiểu điều Thiên Chúa muốn nói với ta qua lời của Người. Mà thường là tâm hồn người ta đã không được sửa sang và vun xới đủ.
Hiểu lời này của Chúa hôm nay
Trong Phúc âm có những cách viết, cách diễn tả khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là cách chúng ta đọc sứ điệp và có được một lựa chọn sống phù hợp với lời này của Chúa. Chúng ta đón nhận như thế nào lời nói và gương sáng cuộc đời của Đức Kitô? Chúng ta có để cho lòng mình ngổn ngang trăm mối, sống quá hời hợt, giống như những người trố mắt nhìn mà không thấy chăng?
Khi sáng suốt nhìn vào mình, căn cứ vào kinh nghiệm và lịch sử đời mình, ta có thể giải thích đưọc tại sao ta phải thất bại? Tại sao ta không luôn luôn hiểu dược Phúc âm? Có thật phải lỗi tại Chúa chăng?

Nguồn: GP Long Xuyên