Dân Chúa Âu Châu

Loi Chua Mc 3 20-21 Mua Thuong NienThứ Bảy Tuần II Mùa Thường Niên Năm B


"Những thân nhân của Người nói: Người đã mất trí".

* Thánh nhân sinh tại Xavoa năm 1567. Sau khi làm linh mục, người tận tuỵ với công việc canh tân Hội Thánh công giáo tại quê hương. Được chọn làm giám mục Geneve, người tỏ ra là một mục tử lo lắng cho giáo sĩ và giáo dân. Người là vị sáng lập dòng các nữ tu thăm viếng cùng với chị Phanxica đờ Săngtan. Suốt cuộc đời, người trở nên mọi sự cho mọi người qua lời nói và chữ viết, cũng như khi tranh luận thần học với anh em Tin Lành, khi giúp cho giáo dân biết sống đời sống thiêng liêng, lo lắng chăm nom cả kẻ bé lẫn người lớn. Thánh nhân qua đời ở Lyon ngày 28 tháng 12 năm 1622.

LỜI CHÚA: Mc 3, 20-21

Khi ấy Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được.
Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: "Người đã mất trí".

Suy Niệm 1: Vai trò của gia đình

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về tương quan với Chúa Giêsu và gia đình của Ngài, để từ đó rút ra những bài học thực tiễn về vai trò gia đình đối với con người.
Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn lên trong một gia đình. 33 năm sống kiếp làm người, Ngài đã sống 30 năm với gia đình. Hơn nữa, cũng như bất cứ một người Á Ðông nào, Chúa Giêsu rất xem trọng những mối giây liên hệ thân thuộc: trong ba năm rao giảng công khai, Ngài vẫn tìm dịp trở về thăm làng cũ, và giữa lúc Ngài bận bịu với sứ vụ công khai, bà con thân thuộc của Ngài vẫn tìm đến thăm Ngài. Quả thật, Chúa Giêsu xem trọng những liên hệ máu mủ và tình bà con xóm giềng, Ngài quý trọng gia đình; Ngài đề cao sự thánh thiêng và bất khả phân ly của giây hôn phối. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không lập gia đình; trong ba năm thi hành sứ vụ công khai, Ngài sống xa gia đình, không nhà, không cửa.
Như vậy, đối với Chúa Giêsu, trên cõi đời này, gia đình cũng như mọi thứ định chế khác của loài người đều không phải là những giá trị tuyệt đối. Chỉ có một giá trị tuyệt đối, đó là con người, bởi có con người mới có một vận mệnh vĩnh cửu. Tất cả đều hiện hữu vì con người. Trong Kinh Tin Kính, Giáo Hội tuyên xưng: "Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trờ xuống thế". Như vậy, ngay cả mầu nhiệm Nhập Thể cũng là vì con người. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng Ngài đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ; nếu Con Thiên Chúa nhập thể là để phục vụ con người, thì huống chi những định chế của xã hội loài người. Tất cả đều hiện hữu vì con người: gia đình cũng như xã hội hiện hữu vì con người, chứ không phải con người vì gia đình và xã hội.
Từ cái nhìn trên đây của Chúa Giêsu về gia đình, chúng ta có thể thấy được vai trò của gia đình và một cách cụ thể mục đích của việc giáo dục trong gia đình. Trong tuyển tập "Giới Luật Yêu Thương", Ðức Cha Bùi Tuần đã có một phân tích sâu sắc về mục đích của việc giáo dục gia đình, Ngài viết:
"Các bậc cha mẹ muốn biết xưa nay mình nhằm mục đích gì trong việc giáo dục con cái, thì hãy xét xem ta thường muốn gì, chờ đợi gì ở con cái. Có phải muốn chúng nên giàu sang không? Có phải chờ đợi ở chúng một lợi lộc vật chất chăng? Không thiếu những cha mẹ nhắm cái đó khi giáo dục con cái. Những hy vọng đó không phải là xấu, nhưng chắc chắn không phải là chính mục đích mà cha mẹ phải nhắm để đưa con cái mình đi tới. Mục đích chính đó là gì?"

Mục đích đó là giúp chúng nên người với tất cả ý nghĩa cao đẹp của nó. Mà nên người trước hết là thực hiện đầy đủ ý nghĩa câu nói quen thuộc: "Con người, đầu đội trời, chân đạp đất". Chân đạp đất là thái độ phải thắng dẹp những lôi cuốn tội lỗi thế tục, là đạp lên trên những gì làm cho mình ra hèn như cát bụi, là đạp lên trên những gì đưa ta xuống đất, xuống địa ngục. Nếu chân đạp đất chỉ những sự phàm trần, thì đầu đội trời chỉ những sự siêu phàm. Ðầu đội trời chi thái độ vươn lên những gì cao thượng, đầu đội trời chỉ sự cố gắng phóng mình tới lý tưởng xa vời, đầu đội trời chỉ sự hướng tâm con người về mục đích ở tận bên kia thế giới, đầu đội trời chỉ nỗ lực băng mình lên cao để tìm về quê hương trên trời.
Những suy tư của Ðức Cha Bùi Tuần gợi lại cho chúng ta câu nói của Chúa Giêsu với cha mẹ Ngài khi hai Ðấng gặp lại Ngài trong Ðền Thờ Yêrusalem: "Cha mẹ không biết con phải lo việc Cha con sao?" Ðầu đội trời chính là lo việc Cha trên trời, là hướng về trời cao, là sống cho những giá trị vĩnh cửu. Nên người thực sự là sống đúng ý nghĩa ba chữ "đầu đội trời", và đó phải là mục đích của giáo dục gia đình, bất cứ hành động nào đi ngược mục đích ấy đều là phản giáo dục.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tự vấn lương tâm xem đâu là những giá trị đích thực mà chúng ta đang theo đuổi và muốn truyền đạt cho người khác. Nguyện xin Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống soi sáng và hướng dẫn chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 2: Người đã mất trí

Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của người hay tin ấy, liền bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí. (Mc. 3, 20-21)

Thân nhân của Chúa Giêsu đã không được chiều chuộng cho lắm. Buổi đầu khi Người xuất thân đi rao giảng, nhứng người thân của Chúa đã phải chịu nỗi phiền hà là có liên hệ bà con với một con người kỳ quặc, tự cao. Sau này khi Chúa Giêsu đã có tiếng tăm rồi và bà con muốn tới gặp Người thì lại bị rầy la, khi Người nói: “Ai là anh chị em tôi?”
Phần chúng ta, chúng ta có hạnh phúc vì được kể vào hàng bà con thân thích mới này- chúng ta sung sướng được gọi là anh là chị của Đức Kitô. Nhưng vấn đề Phúc âm hôm nay đặt ra cho ta là hãy tìm xem liệu ta có nét nào giống với đám bà con ấy là những người đã coi Chúa Giêsu như kẻ “phá rối” cần sớm cho vào “nhà nghỉ mát” không?

Tại sao có sự phiền hà này

Ta có thể hiểu thế nào về phản ứng của những thân nhân ấy? Phản ứng này một phần lớn là Do thái độ tự phụ của Chúa Giêsu dám coi mình là “Con Người”. Với danh xưng này, Người đòi buộc người ta phải nhìn nhận mình là một nhân vật của Truyền thống có quan hệ thân cận độc nhất vô nhị với Đức Giavê Vì thế, là thân nhân của một con người tự phụ, một anh “ngộ đạo”, thì chẳng có gì là vinh quang cả! Tốt hơn là nên coi Người như một người khùng thay vì đưa ra tòa hoặc bịt miệng Người lại.

Còn chúng ta có “giam tù” Người không?

Những thân nhân của Chúa Giêsu có lập trường rõ ràng. Còn ý định của chúng ta lại tế nhị hơn. Hãy coi xem.
Chúng ta không nói rằng Chúa Giêsu đã mất trí. Nhưng chúng ta để trong ngoặc đơn những đòi hỏi gắt gao nhất của Người.Ta có can đảm như thế nào khi làm chứng Người là Thiên Chúa? Ta làm chứng gì về sự Phục sinh của Người?

Chúng ta không muốn bắt Người để tống vào ngục, nhưng chúng ta gác ra một bên những yêu sách quyết liệt nhất của Người: “… Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo … rồi hãy đến theo Tôi!” - “Phúc thay ai xây dựng hòa bình! Phúc thay ai hiền lành!”
Bôi bác Tin mừng của Đức Kitô, làm méo mó chân dung Người, đòi Phúc âm phải hợp với lý luận, đó chính là một cách thế nào đó đã giam giữ Đức Kitô vậy.


Nguồn: GP Long Xuyên