Dân Chúa Âu Châu

Mc 3 1319Thứ Sáu Tuần II Mùa Thường Niên Năm B

"Người gọi những kẻ Người muốn gọi để họ ở cùng Người".

LỜI CHÚA: Mc 3, 13-19

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn gọi, và họ đến cùng Người. Người chọn mười hai vị để theo Người, và sai các ông đi giảng và ban cho các ông quyền trừ quỷ.
Mười hai vị ấy là: Simon mà Người đặt tên là Phêrô, Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan là em Giacôbê, (cả hai được Người đặt tên là Boanerges, nghĩa là con của sấm sét), rồi đến Anrê, Philipphê, Bartôlômêô, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông Alphê, Tađêô, Simon nhiệt tâm, và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.

Suy Niệm 1: Giáo Hội là một Mầu Nhiệm

Nếu thời Cựu Ước đã có những tiên tri cung đình, chuyên phụ họa cho vua chúa, thay vì nói lời của Chúa; thì ngày nay cũng không thiếu những tiên tri như thế: thay vì nói Lời Chúa, lên tiếng tố cáo bất công, người ta lại chỉ làm tiên tri để công kích và chỉ trích Giáo Hội của mình. Dù sao, đây cũng là dịp để các Kitô hữu suy nghĩ và đào sâu về bản chất của Giáo Hội.
Ðiều cơ bản nhất mà chúng ta cần phải tuyên xưng trước tiên khi nói về Giáo Hội, đó là Giáo Hội là một mầu nhiệm, do đó chúng ta không thể so sánh hay xếp Giáo Hội vào bất cứ một tổ chức trần thế nào. Giáo Hội không là một thể chế quân chủ chuyên chế hay quân chủ lập hiến. Giáo Hội cũng không hề là một chế độ tập quyền hay Bô lão trị; Giáo Hội lại càng không phải là một chế độ dân chủ. Giáo Hội thiết yếu là một mầu nhiệm, do đó mà không có một tên gọi nào diễn tả và múc cạn mầu nhiệm ấy. Giáo Hội được gọi là Hiền thê của Chúa Kitô, Giáo Hội được gọi là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, Giáo Hội được gọi là Dân Chúa; mỗi kiểu nói này bày tỏ một khía cạnh, nhưng không thể nào nói hết về Giáo Hội.
Tin Mừng hôm nay như muốn đưa chúng ta vào trong bản chất mầu nhiệm ấy của Giáo Hội. Chúa Giêsu thiết lập nhóm Mười Hai để các ông ở với Ngài và được Ngài sai đi rao giảng. Ngài trao ban cho các ông quyền năng mà chính Ngài đã từng sử dụng: chỉ có các Tông Ðồ mới có quyền trừ quỷ, mới có quyền cử hành các Bí Tích, và chỉ những ai được các ông trao quyền cho mới được cử hành các Bí Tích. Chúa Giêsu trao phó cho các Tông Ðồ kho tàng mạc khải, chỉ có các ông mới có khả năng và có quyền giải thích kho tàng ấy và giảng dạy đúng ý muốn của Chúa. Trong Nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu đặt Phêrô làm thủ lãnh để cai trị và trở thành mối giây hữu hình trong Giáo Hội, Ngài hứa ở với Giáo Hội mỗi ngày cho đến tận thế: như Ngài đã ở với các Tông Ðồ ngay từ buổi đầu, thì hơn 2,000 năm qua, Ngài vẫn tiếp tục ở với và trong Giáo Hội.

Giáo Hội chính là thân thể Chúa Kitô. Thuộc về Giáo Hội chính là chấp nhận lời rao giảng của Chúa Giêsu được ủy thác cho các Tông đồ và những người mà các ông cắt đặt để thay thế và tiếp tục sứ mệnh của mình. Thuộc về Giáo Hội một cách cụ thể, là đón nhận và sống giáo huấn của chính các Tông đồ được ủy thác cho Giáo Hội và những người kế vị các ông. Giáo Hội không phải là một thể chế dân chủ, nhưng Giáo Hội chưa hề cưỡng bách ai phải gia nhập Giáo Hội; nhưng nếu đã thuộc về Giáo Hội thì không thể không chấp nhận quyền bính của Giáo Hội. Dù vậy, ngay cả khi một Kitô hữu không chấp nhận quyền giáo huấn của Giáo Hội, thì Giáo Hội cũng không phải dùng đến võ lực hoặc nhà tù để đe dọa và trừng phạt.
Hằng năm, Giáo Hội dành một tuần lễ để cầu cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu, một tuần lễ để đi sâu vào mầu nhiệm của Giáo Hội, một tuần lễ để hoán cải. Chúng ta hãy cầu xin bằng chính lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: "Xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, ngõ hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 2: Những kẻ Người muốn

Rồi Người lên núi và gọi những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng. (Mc. 3, 13-14)
Để hiểu sâu bài Phúc âm hôm nay, một lần nữa chúng ta còn tìm ra được vài chi tiết khác thánh Maccô muốn làm nổi lên hình ảnh con người Đức Giêsu.
Vì thế, để gây ý thức về tiếng gọi mà mười hai Tông đồ đã nhận được, cũng như về ơn gọi của các ông, thánh Maccô ghi lại rằng: “Người gọi những kẻ Người muốn và Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng.”

Những kẻ Người muốn

Có lẽ ta lấy làm ngạc nhiên khi thấy rằng Chúa Giêsu đã có những sự lựa chọn. Phải chăng Người không đến” kêu gọi những người tội lỗi”? Như thế, theo nguyên tắc, mọi người trong cái nhân loại ốm đau này có lẽ phải được làm tông đồ mới phải!
Người ta giải thích sự Chúa tuyển chọn như sau: lời mời gọi của Chúa diễn ra ỏ hai mức độ, và mỗi người chúng ta đều được gọi hai lần. Tiên vàn là kêu gọi đón nhận đức tin, sám hối, gia nhập Nước Tròi, hưởng ơn cứu độ. Sứ mệnh của Đức Kitô có mục đích tối hậu là làm vang lên tiếng mời gọi của Chúa Cha “Anh em hãy đến!”
Nhưng cũng có tiếng mời gọi khác gởi đến từng người giúp họ xác định vị trí hoạt động, chọn lựa phần đóng góp của mình trong Nhiệm Thể Chúa Kitô: “những người này Chúa đã cho làm tông đồ, những người kia làm tiên tri; người được ơn chữa bệnh, người khác lại được ơn diễn giải”. Chúa Giêsu muốn cho tất cả chúng ta, mỗi người giữ một vị trí nhất định.

“Để các ông ở với Người và đi rao giảng”

Nếu chúng ta muốn hiểu biết chức vụ linh mục, hiểu biết linh mục là gì, phải trở lại hai chức năng được Chúa Giêsu gán cho Nhóm Mười Hai là “ở với Người và được sai đi rao giảng”.
Nhờ bí tích truyền chúc, linh mục được đặt để ở với Chúa Giêsu. Người ta thường đòi hỏi linh mục sống hòa mình với mọi người, ngang tầm với họ, phục vụ họ. Đòi hỏi linh mục cùng tầm vóc với Chúa Giêsu, ở với Người, thiết tưởng lại không phải là điều tốt hơn và chính đáng hơn sao? Linh mục bỏ ra một chút thời giờ trong ngày dể truyện trò với Chúa Giêsu không phải là điều tốt đẹp sao? Hãy truyện trò với Chúa đã, rồi mới đi ra ngoài! Rồi mới giảng giải và hội họp!.


Nguồn: GP Long Xuyên