Dân Chúa Âu Châu

Dấu lạ của Thiên Chúa.

Thứ tư tuần 1 Mùa Chay.

“Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona”.

Lời Chúa: Lc 11, 29-32

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: “Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona.

Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa”.

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Dấu lạ của Thiên Chúa

“Người Do Thái đòi dấu lạ, người Hy Lạp tìm triết lý, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh Thập giá”. Thánh Phaolô, người tự xưng là Do Thái hơn cả người Do Thái đã nêu bật não trạng của dân tộc ngài.

Người Do Thái xưa kia luôn đòi các luật sĩ làm dấu lạ để minh chứng lời mình tuyên bố, và dĩ nhiên họ đời dấu lạ nơi những ai tự xưng mình là tiên tri.

Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi sự chờ đợi này. Trong suốt giai đoạn hoạt động công khai, Ngài không chỉ bị thách đố làm dấu lạ, mà ngay khi giữ chay 40 đêm ngày để chuẩn bị sứ vụ rao giảng Tin mừng, Ngài đã bị cám dỗ thực hiện dấu lạ, như biến đá thành bánh, gieo mình xuống từ thượng đỉnh Đền thờ để minh chứng Ngài là Con Thiên Chúa. Cuộc thách đố này còn kéo dài cả khi Ngài bị đóng đinh Thập giá, lúc ấy Ngài bị thách thức: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi Thập giá”.

Trong bài Tin mừng hôm nay, những luật sĩ và biệt phái đến xin Chúa Giêsu cho họ thấy một dấu lạ không hẳn là những đối thủ của Ngài. Nhưng điều Ngài muốn họ phải tẩy sạch khỏi não trạng là những định kiến, qua đó họ vẽ sẵn một khuôn mặt, một hình ảnh Đấng Cứu Thế và họ đòi buộc Chúa Giêsu phải mang lấy và phải hành động rập theo khuôn mặt ấy. Nhưng ngược lại quan niệm của họ về một Đấng Cứu Thế oai hùng, đánh đuổi ngoại xâm và tái lập một nước Do thái hùng mạnh, Chúa Giêsu muốn minh chứng Ngài là Đấng Cứu Thế qua một dấu lạ nhỏ bé khiêm tốn, yếu đuối: như tiên tri Giôna nằm trong bụng cá, Chúa Giêsu cũng sẽ nằm trong lòng đất ba ngay ba đêm. Nhìn từ bên ngoài, đây là một dấu lạ thua thiệt, dấu hiệu của sự thất bại, nhưng Thiên Chúa đã dùng dấu hiệu đó để áp dụng định luật: nhu thắng cương, nhược thắng cường.

Tìm những dấu lạ, tìm những dấu chỉ thời đại để củng cố niềm tin vào sự hiện diện cứu rỗi của Thiên Chúa trong cuộc sống không phải là một điều sai lầm, nhưng còn là điều mà các Kitô hữu trưởng thành cần phải làm. Tuy nhiên, chúng ta sẽ lạc lối nếu dõi theo vết xe cũ của luật sĩ và biệt phái giữ khư khư những định kiến và bắt buộc Thiên Chúa phải hiện diện theo những khuôn mặt, hình ảnh chúng ta đã vẽ sẵn. Vì thế, chúng ta phải chú tâm tìm những dấu chỉ hiện diện của Thiên Chúa theo ý muốn của Ngài, chứ không phải theo quan niệm của chúng ta, nghĩa là chúng là phải tìm gặp sự hiện diện của Ngài trong thân xác một người bị chết treo trên Thập giá như một tên tử tội và được chôn táng trong mồ như một người bại trận.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Dấu lạ cả thể

Thế nào là phép lạ? Theo quan niệm thông thường, khi một sự kiện có giá trị tích cực không thể giải thích được thì đó là phép lạ. Những người có niềm tin tôn giáo thì cho rằng phép lạ là một sự can thiệp của Chúa.

Giáo Hội Công Giáo luôn tin có phép lạ, nhưng trong thực tế lại tỏ ra vô cùng thận trọng trong việc nhìn nhận các phép lạ; cụ thể là những gì đã và đang xảy ra tại Trung tâm Thánh Mẫu Lộ Ðức bên Pháp: từ hơn 100 năm nay, đã có trên 2,000 trường hợp khỏi bệnh được nhiều người xem là phép lạ, nhưng cho tới nay, Giáo Hội Công Giáo chỉ chính thức nhìn nhận 65 vụ thực sự là phép lạ theo đúng nghĩa mà thôi.

Thế nào là phép lạ? Thiên Chúa có làm phép lạ không? Ðó là những câu hỏi mà Tin Mừng hôm nay như muốn nêu lên để chúng ta cùng suy nghĩ. Chúa Giêsu đã thực sự làm nhiều phép lạ: Ngài biến nước thành rượu; Ngài nhân bánh và cá ra nhiều để nuôi sống đám đông; Ngài chữa lành bệnh tật; Ngài là cho kẻ chết sống lại. Tất cả những phép lạ Chúa Giêsu thực hiện đều nhằm nói lên sứ mệnh của Ngài và Ngài chính là Ðấng Thiên Chúa sai đến để cứu rỗi nhân loại. Một số người Do Thái đã tin nhận và đi theo Ngài, nhưng phần đông vẫn tỏ ra dửng dưng trước những lời rao giảng của Ngài. Riêng những thành phần lãnh đạo trong dân, như nhóm Biệt Phái, thì chẳng những không tin nhận, mà còn chống đối Ngài ra mặt, họ thách thức nếu Ngài làm một dấu lạ cả thể thì họ mới tin nhận Ngài.

Trước thái độ đó, Chúa Giêsu mượn hình ảnh của tiên tri Giôna để nói về Ngài. Tiên tri Giôna đã đến Ninivê để rao giảng sự sám hối, tất cả các phép lạ của Chúa Giêsu cũng đều nhằm nói lên sứ mệnh của Ngài và kêu gọi sám hối. Tiên tri Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm. Giáo Hội tiên khởi đã xem đây như là một dấu chỉ loan báo chính cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Như vậy, nếu có một dấu lạ cả thể mà Chúa Giêsu thực hiện để đáp lại sự thách thức của những người Biệt Phái, thì dấu lạ đó không gì khác hơn là chính cái chết của Ngài: chết để nên lời, và lời ấy là lời của yêu thương.

Ngày nay, không thiếu những người thách thức Thiên Chúa. Cũng như những người Biệt Phái, họ đòi Thiên Chúa phải làm một dấu lạ cả thể nào đó, họ mới tin nhận Ngài. Nhưng mãi mãi, Thiên Chúa sẽ không bao giờ hành động như thế, Ngài mãi mãi vẫn là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài đã nhập thể làm người và sống cho đến tận cùng thân phận làm người. Cái chết trên thập giá vốn là tuyệt đỉnh của thân phận làm người, do đó trở thành dấu lạ cả thể nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện, đó là dấu lạ của tình yêu.

Thiên Chúa vẫn tiếp tục bày tỏ dấu lạ cả thể ấy. Trong trái tim mỗi người, Thiên Chúa đã đặt vào đó sức mạnh vĩ đại nhất là tình yêu. Sức mạnh ấy không ngừng nung nấu con người. Sức mạnh ấy đang được thể hiện qua những nghĩa cử mà chúng ta có thể bắt gặp mỗi ngày. Ðó là phép lạ cả thể nhất Thiên Chúa đang tiếp tục thực hiện trong lịch sử con người. Tình yêu vốn là sức mạnh vĩ đại nhất, nhưng thường lại được bày tỏ qua những cử chỉ nhỏ bé và âm thầm nhất. Một nụ cười thân ái, một cái xiết tay, một lời an ủi, một cử chỉ tử tế, một ánh mắt cảm thông và tha thứ, đó là những cử chỉ nhỏ, nhưng lại là biểu hiện của dấu lạ cả thể nhất là tình yêu.

Ước gì chúng ta luôn thức tỉnh để nhận ra phép lạ Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện trong cuộc sống của chúng ta. Ước gì chúng ta cũng trở thành dấu lạ ấy cho những người chung quanh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 3: Dấu lạ cá voi

Quả thật, ông Gio-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. Trong cuộc phán xét nữ hoàng phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của Sa-lô-mon; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-mon nữa. Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Gio-na giảng; mà đầy thì còn hơn Gio-na nữa. (Lc. 11, 30-32)

Người Do thái đòi Đức Giê-su làm một dấu lạ. Một đòi hỏi gây cấn luôn có trong đầu óc của họ về Đấng Messia đã được hứa trong Cựu ước: Ngài phải làm những dấu lạ để chứng tỏ sứ mệnh của Ngài. Thực ra nhiều lần Đức Giê-su đã làm phép lạ rồi. Nhưng lần này Người từ chối và từ chối khá quyết liệt, lại còn tố lại họ nữa: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác: chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào ngoài dấu lạ ông Gio-na”. Dấu lạ độc nhất Đức Ki-tô bằng lòng cho họ là dấu lạ an táng Người ba ngày trong lòng đất như Gio-na ở trong bụng quái vật của biển cả ba ngày.

Thái độ thực đáng kinh ngạc của Đức Giê-su đã đánh lạc hướng những người muốn tin Ngài, nếu họ được chứng kiến dấu lạ Ngài làm. Đức Ki-tô chẳng những từ chối đòi dấu lạ của họ mà còn dồn họ vào chân tường. Ngài đưa ra lý lẽ chứng minh họ không tin Ngài. Lý lẽ mà Đức Giê-su cho thấy là: “Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Gio-na giảng …”. Dân Ni-ni-vê không đòi Gio-na làm dấu lạ. Ngôn sứ chỉ rao giảng đã đủ làm họ sám hối trở về. Chính ra dân Do thái phải nghe lời Đức Giê-su như vậy, hơn nữa, lời đầy uy quyền của Ngài đủ để là dấu lạ đến từ Thiên Chúa. Đức Giê-su từ chối yêu sách của họ vì dấu lạ bên ngoài chỉ thỏa mãn tò mò thôi. Chính bên trong con người lời Ngài mới làm cho họ thấy được tiếng vang dội của niềm tin cậy để nhận ra Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến, chứ không phải phép lạ hào nhoáng trước mắt.

Chúng ta cũng vậy, chúng ta phải đón nhận lời Chúa bằng một đức tin độc nhất vào Đức Giê-su. Chúng ta phải đón nhận cái chết ngược đời của Ngài làm chướng tai gai mắt những kẻ tham sân si. Nhờ đó chúng ta mới có thể đối mặt với những cái chết của chúng ta hàng ngày như thất bại, bệnh tật, buồn tủi đang chôn vùi chúng ta trong bụng thủy quái. Dù phải chết trong hoàn cảnh nào, chúng ta luôn sống tin cậy vào Đấng đã phục sinh và đừng đòi hỏi những phép lạ từ Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa, trong Đức Giê-su Ki-tô, không muốn biểu diễn quyền phép để tìm kiếm lợi lộc, nhưng chỉ lo cứu độ. Thế là đủ cho chúng ta còn đòi chi nữa!

SUY NIỆM 4: KHÔN NGOAN THẬT (Lc 11 , 29 –32)

Ở đời, người ta hay đề cao những kẻ nói hay, hót giỏi, tức là nịnh bợ tốt. Họ cũng hay khen những kẻ biết dùng mánh khóe để lừa thầy phản bạn... Người ta cũng không tiếc đưa ra những lời ca ngợi những người thành đạt, giàu có và có chỗ đứng trong xã hội, bất luận điều đó đến từ đâu!

Sống trong một xã hội như vậy, chúng ta không lạ gì khi có rất nhiều người khẳng định vị trí, vai trò của mình bằng những hành động lưu manh mà không hề áy náy!

Tuy nhiên, những điều mà người đời cho là khôn ngoan trên đây thì lại là dại dột, ngu xuẩn trước mặt Thiên Chúa. Thật vậy, người khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa là người biết sám hối.

Tại sao thế? Thưa! Bởi vì, sám hối là biểu hiện của một tâm hồn khiêm nhường, công chính. Sám hối còn là dấu chỉ của người thuộc về Chúa. Sám hối là điều kiện cần để được cứu độ.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, các Luật Sĩ và Pharisêu đòi Đức Giêsu phải làm một dấu lạ thì họ mới tin. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không làm và ngược lại, Ngài đã dạy cho họ phải biết sám hối, nếu không thì không thể được cứu độ. Đức Giêsu đã cảnh báo họ, khi đưa ra hình ảnh nữ hoàng phương nam, dân Ninivê sẽ được cứu độ, vì họ đã đi tìm kiếm sự khôn ngoan, biết ăn năn sám hối, còn con cái trong nhà sẽ bị loại vì không biết sám hối.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con biết đi tìm lẽ khôn ngoan là biết ăn năn sám hối chân thành để được cứu độ. Amen.

Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM 5: Con người sẽ là một dấu lạ

Suy niệm :

Khi đọc chuyện ông Giôna người Galilê, ai cũng nhớ ông đã bị cá nuốt ba ngày.

Sau đó ông lại được cá khạc ra trên đất liền mà vẫn còn sống.

Nhưng điều đáng nhớ hơn là sau kinh nghiệm đó Giôna đã biết vâng phục Chúa.

Ông chấp nhận đi giảng cho dân Ninivê, một dân ngoại ở vùng là Irắc bây giờ.

Thật không ngờ, lời rao giảng của ông đã kéo cả nước vào một cuộc hoán cải,

Từ vua đến dân, thậm chí cả súc vật, đều ăn chay, sám hối việc mình làm.

Thái độ của họ đã làm Đức Chúa đổi ý, không đoán phạt nữa.

Đức Chúa không muốn trừng phạt, Ngài chỉ mong con người sám hối.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy nỗi buồn của Đức Giêsu

khi dân chúng đòi dấu lạ, dù họ đã thấy nhiều phép lạ của Ngài.

Dấu lạ ở đây phải hiểu là một điềm báo hoành tráng từ trời

để chứng thực về con người và sứ mạng của Ngài.

Khi bị cám dỗ trong hoang địa, Ngài đã không nhảy xuống từ nóc Đền thờ.

Ngài không muốn mua lòng tin của con người bằng một cử chỉ ngoạn mục.

Bây giờ Ngài cũng dứt khoát từ chối:

“Họ sẽ không được ban một dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna.”

Dấu lạ ông Giôna không phải là chuyện ông bị cá nuốt mà còn sống.

Dấu lạ là chính con người của ông với việc rao giảng của ông.

Dân Ninivê đã sám hối khi nghe Giôna giảng,

nhưng thế hệ đương thời với Đức Giêsu đã từ khước ngài.

Họ là một thế hệ gian ác (c. 29) vì không chịu sám hối.

“Đây còn hơn Giôna, đây còn hơn Salômôn” (cc. 31-32).

Đức Giêsu đã không thành công bằng hai ông này.

dù lời giảng của ngài còn khôn ngoan hơn lời của vua Salômôn

và thuyết phục hơn lời giảng của ngôn sứ Giôna.

Dân Ninivê và nữ hoàng Shêba sẽ kết án thế hệ này vì sự cứng cỏi của họ.

Mùa Chay là thời gian đọc lại những chuyện lạ Chúa đã làm cho đời mình.

Có những chuyện bề ngoài tưởng là chuyện tự nhiên hay ngẫu nhiên.

Chỉ ai biết nhìn mới thấy lạ.

Có khi chúng ta vẫn thèm Chúa làm một cái gì đó thật kinh khủng

để ta mạnh mẽ đổi đời và từ bỏ hoàn toàn nếp sống cũ.

Làm sao để lòng sám hối đến từ việc nhận ra những chuyện nhỏ bé

mà Chúa vẫn làm cho ta mỗi ngày nhiều lần?

Cầu nguyện :

Như người mù ngồi bên vệ đường

xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Xin cho con được thấy bản thân

với những yếu đuối và khuyết điểm,

những giả hình và che đậy.

Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con

cả những khi con không cảm nghiệm được.

Xin cho con thực sự muốn thấy,

thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa

chiếu dãi vào bóng tối của con.

Như người mù ngồi bên vệ đường

xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.