Dân Chúa Âu Châu

Chúa Giêsu tại quê hương Nadarét.

Thứ Tư tuần 4 thường niên.

"Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương".

Lời Chúa: Mc 6,1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabát, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sủng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: "Bởi đâu ông nầy được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông nầy chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" Và họ vấp phạm vì Người.

Chúa Giêsu liền bảo họ: "Không một tiên tri nào mà không bị kinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình". Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Cuộc sống âm thầm

Thánh Gioan Bosco, nhà giáo dục giới trẻ lừng danh nhất của thế kỷ 19 đã kể lại giấc mơ năm Ngài lên 9 tuổi như sau: Ngài mơ thấy mình ở giữa một đám trẻ đang chơi đùa, nghịch ngợm, cãi cọ và nói những lời thô tục. Muốn cho đám trẻ một bài học, cậu bé liền gọi một số em ra và dùng nắm tay để đe dọa. Nhưng chính lúc đó, Chúa Giêsu hiện ra gọi cậu bé lại và nói:

- Này Gioan, muốn biến những con chó sói này thành chiên con, thì con không nên dùng sức mạnh của đôi tay, mà hãy dùng lòng tốt.

Lúc đó, cậu bé thưa với Chúa:

- Lạy Chúa, chắc con không làm được đâu.

Chúa Giêsu liền chỉ cho Gioan Bosco thấy gương mặt hiền hậu của một người mẹ đang đi bên cạnh và nói:

- Ðây là mẹ của con và cũng là mẹ của chúng nữa. Với mẹ, con có thể biến đổi giới trẻ cho Nước Chúa, cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Quả thật, về sau, cả công cuộc giáo dục giới trẻ của Gioan Bosco đều được đặt dưới sự hướng dẫn và bảo trợ của Mẹ Maria. Nhưng để có thể đến với Mẹ Maria, Gioan Bosco đã tiếp nhận lời dạy bảo và gương sáng của chính người mẹ ruột của mình. Có lẽ ngài không bao giờ quên lời căn dặn của mẹ ngài: "Mẹ đã sinh ra trong cảnh nghèo, mẹ đã sống trong cảnh nghèo; nếu con muốn làm linh mục để nên giàu có, thì mẹ sẽ không bao giờ đến thăm con nữa".

Mẹ Maria có lẽ đã không bao giờ nói một lời như thế với Chúa Giêsu, khi Ngài đã sống bên cạnh Mẹ Maria tại Nazareth trong suốt 30 năm. Tin Mừng đã không ghi lại một lời nào của Mẹ trong giai đoạn này, nhưng chắc chắn, cũng như mọi đứa trẻ, Chúa Giêsu đã sống và lớn lên một cách bình thường, nghĩa là Ngài đã từng uống từng lời dạy dỗ của Mẹ. Sống kiếp người chỉ có 33 năm, thì 30 năm, Chúa Giêsu lại dành cho cuộc sống ẩn dật âm thầm tại Nazareth. Ðây chắc chắn không phải là một giai đoạn uổng phí trong cuộc đời Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã không lập gia đình, nhưng đã sống phần lớn cuộc sống của Ngài trong gia đình, một cuộc sống âm thầm và bình thường, đến độ những người đồng hương của Ngài phải thốt lên với giọng gần như khinh bỉ: "Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria sao?"

Phản ứng của những người đồng hương về những năm âm thầm của Chúa Giêsu tại Nazareth là một xác quyết rằng Chúa Giêsu đề cao đời sống gia đình. Ngài đã không sống như một siêu nhân, Ngài đã không làm bất cứ một việc phi thường nào, nhưng đã sống một cách bình dị trong cảnh nghèo như mọi người. Chính vì Con Thiên Chúa đã sống một cách bình dị những thực tại hàng ngày của cuộc sống gia đình, mà đời sống ấy mang một giá trị và có ý nghĩa đối với con người. Tất cả những biến cố trong cuộc sống của Con Thiên Chúa làm người đều đáng được chúng ta chiêm ngưỡng, và trong ánh sáng của những biến cố ấy, chúng ta được mời gọi để nhìn vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Nguyện xin Chúa thánh hóa cuộc sống mỗi ngày của chúng ta, để chúng ta sống một cách sung mãn từng giây phút và trở thành nhân chứng tình yêu Chúa trước mặt mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Quen quá hóa lờn

Đức Giêsu ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. Đến ngày sa bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (Mc. 6, 1-2)

Hẳn một ngày nào đó bạn đã có một kinh nghiệm này về chụp ảnh: để lấy hình một đài kỷ niệm hoặc một tòa nhà, bạn phải lùi lại xa. Đứng gần quá bạn chỉ trông thấy được một khối khổng lồ, nặng nề như muốn đè bẹp ta. Khi lấy ảnh quá gần, ta chỉ thấy được những tiểu tiết, không có được cái nhìn khái quát.

Những tương quan xã hội, gia đình, bằng hữu của ta cũng chịu chung số phận như vậy. Gần nhau quá nhiều dễ làm ta mất ý thức về người khác, nên dễ lờn, dễ coi thường… có khi lại chỉ nhìn thấy một vài khuyết điểm nhỏ nhoi của họ, mà không nhận ra bao điểm tốt khác.

Những người làng Nadarét đã có một cái nhìn quá gần, quá thiển cận về Chúa Giêsu. Đúng là “Gần chùa gọi Bụt bằng anh!”.

Từ mệt mỏi đến chán nản

Làm sao giải thích hiện tượng này?

Chủ yếu là bởi tại ta chỉ là những con người phàm trần, những người lớn. Phải, ta mau chán, mau quen lờn khiến cho cái mới dễ trở nên cũ, không còn hấp dẫn, như ta vẫn thường nói “có mới nới cũ” là vậy đó. Thực ra chỉ có các trẻ em – và những ai giống như chúng – mới có thể giữ cho cái nhìn ngỡ ngàng và cảm phục của mình luôn mới mẻ. Tuổi trẻ thường ngưỡng mộ các anh hùng, hoặc tuổi trẻ tài cao, như ta vẫn nói. Thế rồi, sau một thời gian, ta lại vội vã thu mình vào khung cảnh thường nhật và nếp sống đã quen, hầu che dấu đi những nỗi chán nản thất vọng của ta. Ta không còn ngưỡng mộ ai khác, ngay cả chính bản thân mình nữa.

Từ lòng tin đến nhận biết

Thế nên câu Phúc âm sau đây tuy vắn vỏi nhưng thật có tầm quan trọng: “Người lấy làm lạ vì họ không tin!”…

Đức tin không những là cần thiết để đón nhận lời Chúa Giêsu quả quyết Người là Con Thiên Chúa và là Con Người. Đức tin là cần thiết cốt để hiểu biết rõ Đức Kitô, cũng như để nhận biết mọi con người vậy.

Ta chỉ biết rõ một người, nếu như ta có lòng tin vào họ. Con người dù là nam hay nữ đều là một huyền nhiệm. Phải tin vào huyền nhiệm đó, nghĩa là tin vào cái thực thể phong phú, không bao giờ nắm bắt hết được, tin vào cái chiều sâu khôn lường của một nhân vị. Đó chính là nền tảng của mọi nhận thức vậy.

Nhận biết một người là tin trưóc rằng người ấy là một con người.

Tiếp đó, chúng ta mới sẽ có thể tin bằng tất cả sự thật rằng nơi con người này là Đức Giêsu Kitô còn có một huyền nhiệm khác nữa – huyền nhiệm là Con Thiên Chúa.

Suy Niệm 3: SỐ PHẬN TIÊN TRI VÀ QUÊ HƯƠNG (Mc , 6, 1 – 6)

Trong cuộc sống đời thường, người ta vẫn hay nói: “Gần chùa gọi bụt bằng anh”; hay: “Bụt chùa nhà không thiêng, thiêng Bụt chùa người”.

Hôm nay, Đức Giêsu bị chính đồng hương của mình khinh miệt. Chuyện kể rằng: sau một khoảng thời gian, Đức Giêsu công khai thi hành sứ vụ, hôm nay, Ngài trở về nơi chôn nhau cắt rốn để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Mặc dù lời dạy của Ngài thật khôn ngoan và uy quyền, thế nhưng với những người đồng hương, họ sẵn có tính kỳ thị, và chính từ đó, lòng họ trở nên chai lỳ. Họ nói với nhau: "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là sao ? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria sao?".

Lối phản ứng trên đây cho thấy một sự lạnh nhạt, và không chấp nhận những giáo huấn của Đức Giêsu, mặc dù vẫn biết đấy là lời khôn ngoan!

Lối nói: "Con bà Maria" là lối nói kiểu khinh thường. Mẹ Maria cũng là người bình thường như ai, vậy thì một người vô danh tiểu tốt như thế không thể sinh ra một người con phi thường được, nên họ có đủ lý do để khước từ Đức Giêsu!

Trong cuộc sống của chúng ta, chắc cũng không thiếu những lối suy nghĩ như vậy! Một khi đã có sẵn trong lòng sự kỳ thị nào đó, thì nơi người ấy không có chút gì là tốt và chúng ta cũng không ngừng tìm mọi cách để làm cho họ không còn uy tín để làm việc...

Tại sao lại có những lối suy nghĩ xa lạ với Tin Mừng như thế? Thưa! Đơn giản là vì sự ích kỷ, đố kỵ, hẹp hòi và kiêu ngạo luôn luôn ngự trị trong lối nhìn và cách nghĩ của chúng ta, khiến ta không thể vượt ra xa và nhìn rộng để thấy tổng quát.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta không ngừng phấn đấu để vượt thắng những tham sân si đó, sống quảng đại và sẵn sàng đón nhận những giá trị tốt nơi người anh chị em chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con có cái nhìn của Chúa, để chúng con biết yêu thương không giới hạn và sẵn sàng đón nhận anh chị em mình như Chúa đã quảng đại đón nhận chúng con là con Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

Suy Niệm 4: Quê quán của Người

Suy niệm :

Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình, xa ngôi làng Nadarét bao lâu rồi.

Nhưng hôm nay, Ngài lại trở về với hội đường của làng vào ngày sabát.

Dù sao Ngài đã có danh tiếng trước đám đông, lại có môn đệ đi theo…

Trở về với hội đường thân quen, Ngài được mời đọc sách thánh và giảng dạy.

Nghe lời Ngài giảng, nhiều người sửng sốt ngỡ ngàng.

“Bởi đâu ông này được như thế?

Ông được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao?

Ông làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì?” (c. 2).

Những câu hỏi cho thấy người dân Nadarét nhìn nhận

sự khôn ngoan trong lời giảng và quyền năng trong việc làm

mà họ bắt gặp nơi con người ông Giêsu, người cùng làng với họ.

Chỉ có điều là họ nghĩ không ra nguồn gốc của những chuyện đó.

Tại sao họ lại không coi Đức Giêsu là người của Thiên Chúa,

và coi Thiên Chúa là nguồn gốc mọi khả năng lạ lùng của Ngài?

Câu trả lời là vì người dân làng đã quá quen với ông Giêsu.

Họ tự hào biết rất rõ về nghề nghiệp của ông: một bác thợ.

Họ tự hào biết rất rõ về họ hàng ruột thịt: mẹ và anh chị em của ông,

những người họ có thể kể tên, những người đang là bà con lối xóm với họ.

Họ cũng biết rõ quãng đời thơ ấu và trưởng thành của ông Giêsu.

Chính cái biết này đã ngăn cản

khiến họ không thể tin ông Giêsu là một ngôn sứ.

Hay đúng hơn chính vì họ có một hình ảnh rất cao cả về một ngôn sứ

nên quá khứ bình thường của Đức Giêsu khiến họ không thể tin được.

Người dân Nadarét đã không ngờ mình có người làng cao trọng đến thế:

một ngôn sứ, một Đấng Kitô, một Thiên Chúa làm người, ở với họ.

Và họ cũng không ngờ sự cao trọng đó lại được gói trong lớp áo tầm thường,

không ngờ Đức Giêsu sẽ là người làm cho cả thế giới biết đến Nadarét.

Làm thế nào chúng ta tránh được sai lầm của người Nadarét xưa?

Cần tập nhận ra Chúa đến với mình trong cái bình thường của cuộc sống.

Cần thấy Chúa nơi những người tầm thường mà ta quen gặp mỗi ngày.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

dân làng Nadarét đã không tin Chúa

vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.

Các môn đệ đã không tin Chúa

khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.

Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa

chỉ vì Chúa sống như một con người.

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa

hiện diện dưới hình bánh mong manh,

nơi một linh mục yếu đuối,

trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình

nơi những gì thế gian chê bỏ,

để chúng con tập nhận ra Ngài

bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con

để khiêm tốn thấy Ngài

tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.