Dân Chúa Âu Châu

Cụ già Si-mê-on.

Thứ Sáu – Ngày thứ năm trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh.
"Ánh sáng đã chiếu soi các lương dân".

LỜI CHÚA: Lc 2, 22-35
Khi mãn thời hạn thanh tẩy theo Luật Môsê, ông bà đem Chúa Giêsu lên thành Giêrusalem, để dâng cho Chúa, như đã viết trong lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là của thánh, dâng cho Thiên Chúa", và việc dâng lễ vật như đã nói trong lề luật Chúa là "một cặp chim gáy, hoặc hai bồ câu con".
Và lúc đó tại Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính và có lòng kính sợ, đang mong đợi niềm an ủi Israel, có Thánh Thần ở trong ông. Ông được Thánh Thần mách bảo là sẽ không thấy giờ chết đến, trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ. Khi cha mẹ bồng trẻ Giêsu đến để thi hành cho Người các nghi thức theo luật dạy, thì ông ẵm lấy Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: "Lạy Chúa, bây giờ Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an, theo như lời Chúa. Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng đã chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa".
Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà, và nói với Maria mẹ Người rằng: "Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy Niệm 1: Dâng Chúa vào Đền thờ
Một đêm khuya nọ, tại một vùng quê hẻo lánh bên Anh quốc, một cậu bé đang hấp hối và người mẹ goá phải đi bộ cả chục cây số để tìm bác sĩ. Nhìn dáng vẻ quê mùa nghèo nàn của người đàn bà, ông bác sĩ không tỏ ra mấy sốt sắng: có nên mất giờ cho thằng bé đó không? Lại nữa nếu cứu sống nó thì lớn lên nó cũng tiếp tục kiếp nông dân cùng khổ như cha ông nó mà thôi. Ông bác sĩ định từ chối. Thế nhưng bị lương tâm nghề nghiệp cắn rứt, cuối cùng ông đã đến chữa bệnh cho đứa bé. Sau này đứa bé đó đã trở thành một trong những nhà chính trị lỗi lạc nhất của nước Anh.
Người Mỹ thường nói: “Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có thể là một tổng thống tương lai của Hoa Kỳ”. Quả thực mỗi đứa trẻ sinh ra đều mang lại hy vọng cho người lớn. Với cái nhìn đức tin thì niềm hy vọng ấy lại càng lớn lao hơn. Đó là cái nhìn của cụ già Simêon về Hài Nhi Giêsu. Nơi Hài nhi Giêsu, cụ đã nhận ra ánh sáng soi đường cho dân ngoại, vinh quang của Israel Dân Chúa. Thế nhưng ánh sáng và vinh quang ấy được tỏ lộ xuyên qua tăm tối của Thập giá và khổ đau.
Đó cũng là cái nhìn chúng ta phải có khi chiêm ngắm Hài nhi trong máng cỏ. Trong Hài nhi bé nhỏ, chúng ta nhìn thấy Đấng cứu độ trần gian; trong cảnh nghèo hèn tăm tối của máng cỏ, chúng ta nhận ra hào quang sáng chói của Ngôi Hai Thiên Chúa.
Xuyên qua cái bé nhỏ tâm thường nhận ra những giá trị siêu việt, xuyên qua tăm tối của thất bại khổ đau nhận ra ánh sáng hy vọng, đó là cái nhìn đích thực của niềm tin. Chúng ta cũng cần có cái nhìn như thế trong cách giao tiếp với tha nhân: nơi những con người nghèo hèn thấp kém trong xã hội, chúng ta luôn được mời gọi nhận ra hình ảnh Thiên Chúa và phẩm giá cao cả của nhân vị. Chúng ta cũng được mời gọi nhìn vào cuộc sống hằng ngày với cái nhìn ấy: từng phút giây của cuộc sống độc điệu âm thầm mỗi ngày đều là hạt giống của sự sống vĩnh cửu; thất bại mất mát, khổ đau cũng là khởi đầu của những ân phúc dồi dào mà Thiên Chúa luôn có thể ban tặng con người.
Nguyện xin Hài nhi Giêsu củng cố chúng ta trong niềm tin ấy. Nguyện xin Đức Maria, người mà một lưỡi gươm sẽ đâm thấu qua tâm hồn nhưng vẫn luôn tin tưởng cậy trông, phù trợ chúng ta trong cuộc lữ hành đầy gian nan thử thách này.

Suy Niệm 2: HẠNH PHÚC CHO NGƯỜI ĐƯỢC GẶP CHÚA (Lc 2,22-35)
Ngày nay, những gia đình Công Giáo thường mang con mình đến nhà thờ xin cho bé được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, để gia nhập Giáo Hội, tham dự vào đoàn dân những người tin Chúa.
Khi xưa, thời Đức Giêsu cũng vậy, khi được tám ngày, cha mẹ Ngài bồng Hài Nhi Giêsu đến đền thờ để dâng cho Thiên Chúa.
Đức Giêsu là Thiên Chúa tối cao. Tuy nhiên, trong ngày trọng đại này, chúng ta không thấy có những người sang giàu, quyền chức, nhưng chỉ có những người bé mọn hiện diện! Kinh Thánh cho hay, những người đón chào và diễm phúc được gặp Đức Giêsu trong ngày này không ai khác ngoài ông Simêon và bà Anna. Họ là những người bình thường, đơn sơ, nghèo khó... là những người nghèo của Giavê, nhưng tâm hồn thánh thoát, nên đã được gặp Chúa của bình an.
Mặt khác, chúng ta còn nhận thấy nơi Đức Maria và thánh Giuse một tấm gương khiêm tốn, trung thành với luật. Thật vậy, các ngài thừa biết được Hài Nhi Giêsu này là Con Thiên Chúa, và các ngài đang được đặc ân lớn lao là chăm sóc Đấng Cứu Độ trần gian. Như vậy, xét theo lẽ thường, các ngài có quyền từ trối việc giữ luật này, bởi vì Đức Giêsu chính là trọng tâm của luật. Nhưng không, các ngài đã khiêm tốn, tuân hành lề luật của Thiên Chúa cách yêu mến, không tìm đặc lợi cho mình chỉ vì có uy thế...
Ngày nay, nhiều người hay nhân danh chức quyền, công trạng hay giàu có để xin miễn chuẩn cho mình những việc bổn phận với Giáo Hội, xã hội... Tuy nhiên, khi làm như thế, chúng ta quên mất một điều là phần thưởng mai hậu của chúng ta đã bị đóng lại, vì hẳn nhiên chúng ta đã được nguồn lợi rồi! Tệ hơn nữa là khi chúng ta muốn được miễn chuẩn việc bổn phận mà không được đáp ứng, nhiều người đã có những lời lẽ tiêu cực, chỉ trích trong sự kiêu ngạo... và như thế, những sự quảng đại chia sẻ cách này hay cách khác trước đó của chúng ta đã đứng lên tố cáo và như bản án vạch trần hình thức vụ lợi, thực dụng của chúng ta thuần túy chứ không phải vì lòng yêu mến Chúa!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: trước tiên, nhìn vào Đức Mẹ và thánh Giuse, không tìm những đặc ân miễn chuẩn cho mình, nhưng các ngài đã thi hành, chu toàn bổn phận cách yêu mến. Thứ đến, noi gương ông Simêon và bà Anna, sống khiêm tốn, chân thành, đơn sơ để được Thiên Chúa mặc khải những điều kín nhiệm.
Cuối cùng, khi được diễm phúc gặp Chúa, chúng ta hãy có tâm tình tạ ơn, chúc tụng Thiên Chúa như những người nghèo của Thiên Chúa trong đền thờ khi xưa.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết noi gương Mẹ Maria và thánh Giuse trong việc yêu mến và tuân giữ luật Chúa. Xin cho đời sống của cụ già Simêon và Anna là nguồn gợi hứng cho chúng con trong việc thờ phượng Chúa. Amen.
Ngọc Biển
Suy niệm 3

1- Theo Luật Chúa truyền (c. 21-24)

Luật được nói tới nhiều lần trong trình thuật: c. 21 (“đến lúc phải”), c. 22, 23, 24, 27 và 39. Về mặt Lề Luật có ba nghi thức: lễ cắt bì, dâng của lễ thanh tẩy người mẹ (Lv 12, 1-8) và đóng tiền chuộc cho con trai đầu lòng (Xh 13, 2.13.15; 34, 20; Ds 18, 15-16). Về lễ thanh tẩy người mẹ sau khi sinh, luật buộc phải dâng một con chiên 1 tuổi làm lễ toàn thiêu, nếu nhà nghèo thì dâng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Như thế, Thánh Gia thuộc diện gia đình nghèo.

Nhưng Luật không buộc dâng tiến con trai cho Đức Chúa, nhưng các ngài vẫn tiến dâng hài nhi Giêsu cho Đức Chúa. Như thế, Đức Maria và Thánh Giuse hoàn tất lề luật bằng cách “vượt qua lề luật”: chu toàn lề luật bằng lòng biết ơn và lòng mến (chứ không phải vì bị ép buộc), và được thúc đẩy bởi lòng biết ơn và lòng mến, làm hơn cả sự đòi hỏi của luật (chẳng hạn như luật ăn chay, luật đi lễ, xưng tội, luật không giết người). Trong cuộc sống, nhất là trong đời sống dâng hiến, chúng ta luôn được mời gọi không chỉ sống theo lề luật những còn chọn sống theo một năng động, năng động qui về Chúa hay năng động qui về mình hoặc “những sự khác”, bởi vì Luật không thể qui định hết mọi việc phải làm hay phải tránh. Vì thế, trong truyền thông đời tu, ngày Lễ Thánh Gia dâng Hài Nhi Giê-su cho Thiên Chúa, thường được chọn để tổ chức lễ khấn; hoặc bài Tin Mừng này thường được chọn cho ngày lễ khấn.

Đức Maria đã nói lên lời xin vâng: « Tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như như lời sứ thần nói ». Lời này của Đức Maria phát xuất từ năng động của lòng yêu mến. Những gì xẩy ra cho mình không còn theo ý mình, chương trình của mình nữa, nhưng là theo ý muốn của Thiên Chúa. Đương nhiên là không dễ đối với Đức Mẹ : vì Mẹ được mời gọi dâng lại cho Thiên Chúa chính người con mình sinh ra, giống như Abraham, người con từ xương thịt máu huyết của mình, để cho con của mình thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, chứ không phải của mình; và nếu theo kế hoạch của Thiên Chúa, thì Mẹ phải chịu thử thách và đau khổ nhiều. Như thế, Mẹ Maria đã học biết dâng con mình cho Đức Chúa ngay lúc sinh ra. Và phải sống điều này từng ngày (biến cố 12 tuổi là bằng chứng). Thế mà, Đức Giêsu đối với mẹ là yêu quí nhất, thiết thân nhất, gắn bó nhất, và như là chính bản thân mình. Còn chúng ta, dĩ nhiên chúng ta không có « người con duy nhất », nhưng chúng ta luôn có những điều yêu quí, thiết thân, gắn bó như chính bản thân mình.

Luật không buộc chúng ta phải dâng tiến đời mình trong đời tu, dâng tiến những gì mình có và mình là, dâng tiến ý riêng, quyền làm cha làm mẹ, quyền sở hữu. Nhưng chúng ta, giống như Đức Maria, chúng ta dâng tiến tất cả vì lòng biết ơn và yêu mến. Nếu không có lòng biết ơn và lòng yêu mến, chúng ta không thể sống đời tu, còn được gọi là « đời dâng hiến ».

2 –Ngôn sứ Si-mê-on và ngôn sứ An-na (c. 25-38)

a. Ngôn sứ Si-mê-on (c. 25-35)

Ông là ai ? Chính trong hành động dâng tiến điều quí giá nhất, là Hài Nhi Giê-su, mà ơn cứu độ được nhận ra và tuyên xưng bởi ngôn sứ Si-mê-on. Ông là người công chính và sùng đạo, mong chờ niềm an ủi của Israen, và cũng là của chính ông (được diễn tả qua lời chúc tụng). Đặc biệt « Thánh Thần ngự trên ông » (« Thánh Thần » được nói tới 3 lần), ông là con người thiêng liêng. Ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng :

Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi,
vì chính mắt con được nhìn thấy ơn cứu độ.

(c. 29-30)

Chắc chắn ông đã phải chờ đợi biến cố này rất lâu. Chúng ta cũng cần học ở nơi ông sự kiên nhẫn chờ đợi ơn an ủi. Như chúng ta đều biết, lời chúc tụng của ngôn sứ Si-mê-on trở thành lời kinh tối hằng ngày của chúng ta, bởi vì mỗi tối nhắc nhớ chúng ta thời điểm cuối cùng của cuộc đời chúng ta, tất yếu sẽ đến và không biết đến lúc nào ; và chúng ta được mời gọi như ngôn sứ Simeon, cũng nói lên niềm vui được nhìn thấy ơn cứu độ.

Khi chúng ta cầu nguyện với Lời Chúa, lòng ước ao của chúng ta và Thánh Thần làm cho chúng ta nhận ra, gặp gỡ, lắng nghe, học tập để hiểu biết và yêu mến Chúa, ngang qua những gì rất « nhỏ bé và đơn sơ », đó là Lời Kinh Thánh.

« Chính mắt con nhìn thấy ơn cứu độ ». Chúng ta được mời gọi nhận ra sự tương phản : một bên là em bé mới sinh, yếu đuối, nhỏ bé, bất lực ; một bên là niềm tin thật lớn và niềm vui cũng thật lớn : ông nhìn thấy ơn cứu độ nơi Đức Giêsu bé nhỏ. Ơn cứu độ mà ông nhìn tận mắt là gì, là ai: một em bé, trong tay vợ chồng trẻ đơn sơ bình dị (bố là thợ mộc, mẹ là nội trợ; giống như cha mẹ nhiều người trong chúng ta). Nhưng niềm vui đến từ xác tín thật là lớn. Chúng ta chứng kiến và đón nhận nhiều hơn thế, nhưng chúng ta ít vui bằng.

Các mục đồng được các thiên thần loan báo tin trọng đại, nhưng điều mà họ nhìn thấy, chỉ là một hài nhi bọc tả. Sau này, các môn đệ, và cả loài người chúng ta được mời gọi nhìn ra ơn cứu độ nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá, cũng yếu đuối, nhỏ bé và bất lực. Nhưng điều chúng ta tin, lại là sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa.

Lời ngôn sứ về Mẹ Maria. Lời loan báo khó khăn của Đức Giêsu, nhưng lại là “thương khó” của Đức Maria: nhất là tan nát con tim, khi mất đi người con. Nhưng mẹ đã học để mất từ từ rồi và ngay ở đây, khi dâng con cho Đức Chúa. Nhưng chính khi cho là lãnh nhận, nhất là để phục vụ cho sự sống.

b. Nữ ngôn sứ An-na (c. 36-38)

Vị nữ ngôn sứ ở tuổi 84, không nói gì cả, chỉ sống hi sinh âm thầm mà thôi. Trong khi đó ông Simon thì nói nhiều! Bà sống như một nữ tu kín thật lâu: cứ cho là bà lấy chồng lúc 20 tuồi, 7 năm sau thì ở góa, và đến nay đã ở góa được 57 năm! Bà là hình ảnh sống động của sứ điệp mà trình thuật Tin Mừng muốn truyền đạt cho chúng ta: đó là dâng lại cho Đức Chúa tất cả. Thật vậy, như bài Tin Mừng diễn tả, “bà không rời bỏ đền thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa”. Chính vì thế mà bà cũng được ơn nhận ra ơn cứu độ nơi hài nhi Giêsu.

Và sau khi gặp gỡ hài nhi, bà “nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem”.

3- Hoàn tất Lề Luật (c. 39-40)

Sau khi hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, Thánh Gia trở về cư ngụ ở làng Nadarét, miền Galilê. Tiếp theo là đời sống ẩn dật kéo dài suốt 30 năm, và các Tin Mừng hầu như không kể lại gì về thời gian này. Tại sao? Đơn giản là vì, đời sống này rất đỗi bình thường, như cuộc đời của chính chúng ta. Chẳng có gì đặc biệt để có thể viết thành sách hồi kí với những tình tiết và giai đoạn sóng gió, li kì.

Bình thường, nhưng cũng rất lạ lùng, vì sự kì diệu của ngôi vị Đức Giêsu trong lời nói và việc làm sau này được chuẩn bị từ thời gian âm thầm này. Chẳng hạn, cách Ngài nói về Chúa Cha, cách Ngài giảng bằng các dụ ngôn, cách Ngài tiếp xúc với những người bệnh tật, thấp hèn, tội lỗi, nhỏ bé… chắc chắn xuất phát từ kinh nghiệm sống sâu xa và sự học hỏi bền bỉ trong những năm tháng dài của đời sống ẩn dật. Theo gương Đức Giê-su Hài Đồng và Niên Thiếu, chúng ta được mời gọi đón nhận tối đa thời gian chuẩn bị, huấn luyện, học tập, thực tập… thay vì để lãng phí, và nhất là thời gian tĩnh tâm cầu nguyện.

* * *

Và trong thời gian này, “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan” (c. 40). Ngài đầy khôn ngoan, nhưng là sự khôn ngoan nào? Chúng ta được mời gọi cảm nhận nơi Ngài sự khôn ngoan thần linh, được tỏ bày trong lời nói và việc làm của Ngài, và nhất là nơi Thập Giá. Thập Giá dưới mắt của con người là điên rồ và sỉ nhục, nhưng đối với chúng ta, những người được Chúa kêu gọi, lại là Khôn Ngoan thần linh (x. 1Cr 1, 24).

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Suy niệm 4:

Luật lệ thường làm người ta cảm thấy gò bó, mất tự do.
Người Do Thái phải giữ Luật Chúa đã ban cho Môsê.
Con trai thì phải được cắt bì và đặt tên tám ngày sau khi sinh (Lc 2,21).
Con trai đầu lòng thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa (Xh 13,1-2),
nên cha mẹ phải nộp năm sê-ken bạc cho tư tế
để chuộc lại con cho mình (Ds 3,47-48).
Người phụ nữ sau khi sinh con, bị coi là nhơ uế (Lv 12, 2-8),
phải ở nhà, không được đụng đến vật thánh hay vào Đền thờ.
Bốn mươi ngày sau khi sinh con trai, bà cần làm lễ thanh tẩy.
Bà phải dâng cho Đền thờ một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu,
và một con chim gáy hay bồ câu để làm lễ tạ tội.
Nếu nghèo, bà chỉ cần dâng một cặp bồ câu non hay chim gáy là đủ.
Giuse và Maria đã vui vẻ giữ những luật này,
dù ngày nay đối với chúng ta, chúng thật là khó hiểu và khó chấp nhận.
Hãy nhìn ngắm đôi vợ chồng nghèo lên Giêrusalem.
Họ đã vượt một quãng đường xa, với đứa con mới hơn tháng tuổi.
Maria chịu thanh tẩy, dù bà biết mình đã cưu mang Đấng Thánh.
Bà đã dâng lễ vật đơn sơ của một người nghèo (c. 24).
Dù Luật không buộc, ông bà cũng đem Con lên Đền thờ để dâng.
Họ muốn con mình thuộc trọn về Thiên Chúa (x. 1 Sm 1, 22).
Ông bà đã không đòi hỏi một đặc ân hay miễn trừ nào.
Giữ Luật là cách họ thể hiện tình yêu đối với Chúa.
Có ai nhận ra đôi vợ chồng với đứa con nhỏ này là ai không?
Có, một người công chính và sùng đạo tên là Simêon.
Thánh Thần hằng ngự trên ông (c. 25),
và nói cho ông biết ông sẽ thấy Đức Kitô trước khi lìa đời (c. 26).
Chính Thánh Thần thúc đẩy ông lên Đền thờ vào lúc này (c. 27).
Bỗng nhiên ông thấy mầu nhiệm lớn lao đang tỏa sáng,
nơi Hài Nhi bé nhỏ, con của đôi vợ chồng nghèo.
Mọi mong chờ lâu nay của ông được đền đáp.
Các mục đồng đã nhận ra Đức Kitô nơi bé thơ quấn tã, nằm máng cỏ,
còn Simêon nhận ra Ngài nơi em bé được bồng ẵm bởi đôi vợ chồng.
Ông đã bồng Hài Nhi trong vòng tay, ngất ngây vì hạnh phúc.
Môi ông bật lên lời chúc tụng của người sẵn sàng nhắm mắt ra đi.
Ơn cứu độ cho muôn dân đã đến đây rồi (cc. 30-31).
Hài Nhi bé nhỏ này là Ánh sáng cho muôn dân,
là Vinh quang cho Dân Ítraen của Đức Chúa (c. 32).
Để nhận ra Chúa trong cuộc sống buồn tẻ hay sôi động hàng ngày,
cần có sự gần gũi thân thiết với Thánh Thần như ông Simêon.
Thánh Thần như trò chuyện, mách bảo, thôi thúc ông từ bên trong.
Thánh Thần soi sáng để ông nhận ra điều lớn lao mắt phàm không thấy.
Nhưng để nghe được sự mách bảo thầm kín của Thánh Thần,
chúng ta cũng phải có sự thánh thiện và lòng khát khao như ông Simêon.
Chẳng còn mơ ước gì ngoài việc được gặp mặt Đức Kitô qua cuộc sống.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa
ở bên con dưới muôn ngàn dáng vẻ. Chúa hiện diện lặng lẽ
như tấm bánh nơi nhà Tạm, nhưng Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ,
những người sống không ra người.
Chúa hiện diện sống động nơi vị linh mục, nhưng Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người
gặp gỡ nhau để chia sẻ Lời Chúa.
Chúa hiện diện nơi Giáo Hội gồm những con người yếu đuối, bất toàn,
và Chúa cũng ở rất sâu trong lòng từng kitô hữu.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con thấy Chúa
đang tạo dựng cả vu trụ và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa.
Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người
vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa.
Xin cho con khám phá ra Chúa đang hẹn gặp con
nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường.
Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi,
thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa.
Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa
trên bước đường đời của con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.