Dân Chúa Âu Châu

Chúa Giêsu thương tiếc cho Giêrusalem.

Thứ năm tuần 33 thường niên.
"Chớ chi ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi".

Lời Chúa: Lc 19, 41-44
Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: "Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp luỹ bao vây ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy Niệm 1: Giờ Chúa viếng thăm
Nhìn trong văn mạch, biến cố được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay, đi liền sau biến cố Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Nhưng không như bao lần khác, Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem lần cuối cùng này để thực hiện cuộc Vượt Qua đem lại ơn cứu rỗi, hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau. Ðây là giờ Thiên Chúa viếng thăm, giờ mang đến ơn cứu rỗi, tuy nhiên, những vị lãnh đạo Do thái tại Giêrusalem, như chúng ta sẽ thấy trong cuộc khổ nạn của Chúa, họ không những từ chối, mà còn xách động dân chúng chối bỏ Chúa, yêu cầu quan Philatô ra lệnh đóng đinh Chúa vào Thập giá và tha Baraba cho họ. Như thế, dù có sự nồng nhiệt hoan hô Chúa khi Ngài cỡi trên lưng lừa tiến vào thành thánh, thì sự nồng nhiệt đó cũng chỉ là thoáng qua, và Chúa Giêsu nhận thấy ơn cứu rỗi mà Ngài mang đến bị con người khước từ hơn là đón nhận.
Ðiều xẩy ra cho thành Giêrusalem cũng có thể xẩy đến cho mỗi người ở mọi thời: mỗi người đều có những giây phút hồng phúc được Chúa viếng thăm đem đến ơn lành. Theo quan niệm Kinh Thánh, giây phút Thiên Chúa viếng thăm là giây phút Ngài thực hiện lòng nhân từ. Thánh Luca đã nhấn mạnh ý nghĩa này trong hai bài thánh ca ở đầu sách Tin Mừng của Ngài, đó là bài ca của ông Dacaria và của Ðức Maria. Trong bài ca chúc tụng của mình, Dacaria đã nêu bật lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa: chính vì lòng nhân nghĩa mà "Thái dương từ cao xanh khấng viếng thăm ta". Còn về phần mình, ý thức giờ Thiên Chúa viếng thăm đang xẩy ra không những cho bản thân, mà còn cho cả dân tộc và toàn thể nhân loại, Ðức Maria đã nhận định về ý nghĩa sâu xa của việc Thiên Chúa viếng thăm: "Lòng nhân nghĩa của Người suốt đời nọ đến đời kia, trên những kẻ kính sợ Người". Chỉ có một lý do cho cuộc viếng thăm của Thiên Chúa, đó là thể hiện lòng nhân nghĩa đối với những người được Ngài viếng thăm. Do đó, nếu không đón nhận giờ Chúa viếng thăm, con người không những gây thiệt hại cho chính mình, mà còn cho cả người khác nữa.
Xin Chúa cho chúng ta luôn biết lắng nghe tiếng Chúa cảnh tỉnh, đồng thời biết mở rộng tâm hồn đón nhận những giây phút ân sủng của Chúa để được sống an vui hạnh phúc.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 2: Khóc thương thành Giêrusalem
Ðoạn Phúc Âm được Giáo Hội đề nghị cho chúng ta suy niệm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu khóc thương thành Giêrusalem vì đã không biết nhìn nhận giờ Thiên Chúa đến viếng thăm. Nhìn chung trong toàn bộ văn mạch thì biến cố được nhắc đến trong Phúc Âm đi liền sau biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem. Và đây không phải là lần vào thành thông thường như bao lần khác, mà là lần vào thành long trọng, lần cuối cùng, để rồi sau đó Chúa thực hiện công cuộc cứu rỗi, mục đích cuối cùng của nhập thể, của cuộc đời của Chúa.
Chúa vào thành Giêrusalem để thực hiện cuộc vượt qua mang lại ơn cứu rỗi, sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa. Ðây là giờ Thiên Chúa đến viếng thăm, giờ mang đến ơn cứu rỗi, sự bình an. Tuy nhiên, những người lãnh đạo dân Israel tại Giêrusalem như chúng ta thấy trong cuộc thương khó của Chúa, không những họ từ chối mà còn thành công trong việc xách động toàn dân chối bỏ Chúa, yêu cầu quan Philatô ra lệnh đóng đinh Chúa vào thập giá và tha cho Baraba. Như thế, dù có sự nồng nhiệt hoan hô Chúa trong ngày vào thành Giêrusalem trên lưng lừa, nhưng sự nồng nhiệt này chỉ thoáng qua và Chúa Giêsu nhìn thấy sự khước từ ơn cứu rỗi mà Ngài mang đến hơn là sự chấp nhận.
Ðiều xảy ra cho thành Giêrusalem cũng có thể xảy ra cho mọi người thuộc mọi thời đại. Mỗi người chúng ta đền có giây phút Chúa đến viếng thăm, đó là giây phút hồng phúc mang đến ơn lành, ơn cứu rỗi và sự bình an. "Ước chi hôm nay, ngươi hiểu biết sứ điệp mang hòa bình lại cho ngươi". Nhưng Chúa không bắt buộc tự do của mỗi người, sự tự do mà Ngài đã trao ban cho con người một lần vĩnh viễn, không bao giờ muốn lấy lại. Dù biết rằng con người vẫn có thể lạm dụng sự tự do đó để chống lại Ngài.
Trong quan niệm Kinh Thánh, giây phút Thiên Chúa đến thăm là giây phút Thiên Chúa đến thực hiện lòng nhân từ, trao ban sự bình an cho tâm hồn. Tác giả Phúc Âm theo thánh Luca đã nhấn mạnh ý nghĩa này trong hai bài ca quan trọng vào khởi đầu sách Phúc Âm, đó là bài ca về ông Dacaria và của Mẹ Maria. Ý thức giờ Thiên Chúa đến viếng thăm đang xảy ra không những cho chính bản thân mình, mà còn cho cả toàn dân tộc, cho cả toàn nhân loại, Mẹ Maria đã nhận định về ý nghĩa sâu xa của cuộc viếng thăm của Thiên Chúa với những lời như sau: "Lòng thương xót Chúa lan tràn từ đời này tới đời kia, đối với những ai kính sợ Chúa. Chúa đã cứu Israel, tôi tớ Chúa và nhớ lại lòng thương xót của Người".
Chỉ có lý do duy nhất cho cuộc viếng thăm của Chúa, đó là để thực hiện lòng nhân từ của Ngài cho người được viếng thăm mà thôi. Nếu không nhận biết giờ viếng thăm của Chúa, con người chỉ gặp phải những thiệt thòi cho chính mình, như đã xảy ra cho thành Giêrusalem ngày xưa. Chúng ta không nên nhìn biến cố Chúa khóc thương và loan báo ngày sụp đổ của thành Giêrusalem trong viễn tượng của sự trả thù. Thiên Chúa nhân từ không bao giờ hành động để trả thù sự chống đối khước từ của con người. Những thiệt thòi mà kẻ từ chối Chúa gặp phải là hậu quả tai hại của tội lỗi, của những hành động xấu xa do con người thực hiện vì chối bỏ Thiên Chúa mà thôi. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ mặc con người trong sự dữ, nhưng Ngài luôn luôn làm những gì có thể để cảnh tỉnh, để lưu ý con người đừng đi vào con đường nguy hiểm, gây thiệt hại cho chính mình.
Ước chi hôm nay chúng ta lắng nghe tiếng Chúa cảnh tỉnh và đừng cứng lòng từ chối giây phút ân sủng nơi Thiên Chúa an bài cho mỗi người chúng ta được gặp lại.
Lạy Chúa,
Chúng con cảm tạ Chúa vì đã luôn luôn đối xử nhân từ đại lượng với chúng con, mặc dù chúng con nhiều lần làm ngơ, không muốn nhìn thấy những việc Chúa làm cho chúng con, không muốn lắng nghe những gì Chúa chỉ dạy để được sống an vui, hạnh phúc. Xin thương giúp chúng con trở về sống trong tình thương Chúa luôn mãi.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 3: Thương tiếc Giêrusalem
Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Đức Giêsu khóc thương mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình anh cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không trông thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp lũy chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tứ bề.” (Lc. 19, 41-42)
Đoàn hành hương theo Đức Giêsu tiến về Giêrusalem vừa đi vừa hát những Thánh vịnh lên đền thánh. Họ dừng lại với Người chiêm ngưỡng thành thánh. Họ xúc động khi hát Thánh vịnh 122: “Hãy xin bình an cho Giêrusalem; ước gì bình an trong thành lũy ngươi”. Còn Đức Giêsu lại khóc thương thành.
Những âm mưu
Từ nhiều thế kỷ, các ngôn sứ đã loan báo cho dân thành Giê-ru-sa-lem biết thành sẽ có ngày bị phá hủy, nếu họ không sám hối trở về. “Khốn cho quân loạn tặc, cho đứa ô nhơ, cho thành áp bức! Nó không nghe tiếng gọi. Nó không lĩnh lời chỉ giáo. Nó không cậy trông Gia-vê. Nó không lại gần Thiên Chúa của nó” (Sôphônia 3, 1-2). Quân Can-đê đã phá hủy thành và bắt dân đi lưu đầy, thế mà họ vẫn cứng đầu cứng cổ, không lay chuyển, Đức Giêsu đến kêu gọi họ lần cuối cùng trở về với tình yêu Thiên Chúa.
Đức Giêsu biết dân thành Giêrusalem đã quyết định bắt Người chịu nạn chịu chết. Tôn trọng tự do của họ, Người bất lực cứu thoát thành thánh khỏi bị tàn phá. Họ thật cứng đầu cố chấp. Với tình yêu tha thiết với họ, Đức Giêsu đã khóc, Người khóc vì yêu thương đoàn chiên này cố chấp lầm lạc. Trong khi đoàn hành hương ca hát chúc mừng thành được bình an, thì Đức Giêsu khóc than lòng kiêu ngạo và thỏa mãn của họ đã đóng kín con mắt những thủ lãnh dân chúng: Họ không bao giờ còn được thấy hòa bình nữa!
Lời tiên tri về phá hủy thành Giêrusalem dựa trên những chi tiết bao vây và công phá Giê-ru-sa-lem vào năm 70. Chắc hẳn lời tiên báo của Đức Giêsu cũng tương tựa như thế về thành bị phá hủy, “vì ngươi đã không nhận biết thời giờ Thiên Chúa viếng thăm”. Chính Thiên Chúa đến viếng thăm Giê-ru-sa-lem qua con người của Đức Giêsu, và Người đã ban cho họ ơn giải thoát, ơn bình an và thăng tiến họ. Nhưng họ đã từ chối những ơn ban nguồn phúc cứu độ ấy. Lại còn giết người con của vua trời đất. Họ sẽ gặt lấy hoa trái của lòng bất trung của họ. Cuộc phán xét trong cơn lôi đình của Thiên Chúa không thể hãm lại được nữa. Đức Giêsu khóc vì Thiên Chúa không muốn người ta phải chết. Ước chi họ ăn năn sám hối và được sống.
RC

Suy niệm 4:

Người ta có thể khóc vì nhiều lý do.
Khóc vì buồn thương, khóc vì tình yêu của mình bị từ chối.
Khóc vì tiếc nuối một điều tốt đẹp bị hủy hoại.
Một người đàn ông khóc là chuyện không thường xảy ra.
Chính vì thế chúng ta ngỡ ngàng khi thấy Đức Giêsu khóc.
Con Thiên Chúa nhập thể biết đến nỗi đau của phận người.
Giọt nước mắt của Ngài cho thấy Ngài thật sự có một trái tim.
Đức Giêsu khóc khi đến gần và trông thấy thành phố Giêrusalem.
Trong thành Giêrusalem có ngôi Đền thờ lộng lẫy (Lc 21, 5).
Đền thờ ấy là Đền thờ thứ hai được xây sau khi dân lưu đày trở về.
Còn Đền thờ thứ nhất do Salômôn xây, đã bị quân Babylon phá hủy.
Vua Hêrôđê Cả đã trùng tu và nới rộng Đền thờ thứ hai này.
Công việc sửa sang kéo dài từ năm 20 trước công nguyên,
đến năm 64 sau công nguyên mới hoàn tất.
Vào thời gian này, người Do Thái nổi dậy chống lại quân Rôma.
Vào lễ Vượt qua năm 70, thành phố bị vây hãm (c. 43).
Đền thờ bị tiêu hủy sau tám mươi tư năm tu sửa.
Đây là một bi kịch lớn mà Đức Giêsu đã linh cảm với nỗi đau đớn.
Bài Tin Mừng hôm nay
nằm ngay sau biến cố Đức Giêsu lên Giêrusalem lần cuối (Lc 19, 28).
Ngài biết đây là lần cuối, nên giữa bầu khí tung hô của dân chúng,
Đức Giêsu lại rơi vào nỗi đau buồn, xót xa.
Ngài sẽ là vị ngôn sứ phải chết trong thành này (Lc 13, 33).
Như mọi người Do Thái khác, Đức Giêsu quý thành phố và Đền thờ.
Thành phố Giêrusalem là thủ đô của đất nước.
Đền thờ là nơi mỗi năm Ngài đến đó dự các lễ lớn đôi ba lần.
Đây là nhà Cha của Ngài, là nhà cầu nguyện (Lc 2, 49; 19, 46).
Nhưng mọi điều tốt đẹp Ngài đang thấy, có ngày sẽ đổ vỡ tan hoang.
“Không để hòn đá nào trên hòn đá nào” (c. 44).
Thiên Chúa là Đấng đi thăm Dân Israel (Lc 1, 68; 7, 16; 19, 44).
Ngài thăm Dân Ngài qua Người Con là Đức Giêsu (Lc 1, 78).
Ngài đến thăm để đem ơn cứu độ, đem lại bình an (c. 42).
Hôm nay Thiên Chúa vẫn tiếp tục đi thăm nhân loại.
Ngài vẫn sai Con của Ngài đến với chúng ta để ban ơn bình an.
Nhưng con người hôm nay có thể khép lòng, và để lỡ cơ hội quý báu.
“Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11).
Làm sao mỗi Kitô hữu nhận ra thời điểm Ngài đến thăm mình? (c. 44).
Thế giới Tây phương hôm nay đang có khuynh hướng loại trừ Thiên Chúa.
Họ nhân danh tự do tôn giáo để loại trừ tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội.
Nhưng không có Trời thì ai ở được với ai.
Nhân loại bị kéo vào những cuộc chiến tranh, thù hận không lối thoát.
Hãy để Thiên Chúa đi vào đời bạn và chi phối những chọn lựa của bạn.
Chỉ trong Thiên Chúa mọi sự mới có nền tảng vững vàng.
Nếu không, như Giêrusalem, chúng ta chỉ có là những bức tường than khóc.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,
Chúa đã muốn trở nên con của loài người,
con của trái đất, con của một dân tộc.
Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa
dù họ từ khước Tin Mừng
và đóng đinh Chúa vào thập giá.
Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,
một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu
sau những năm dài chiến tranh,
một quê hương đang mở ra trước thế giới
nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc
và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.
Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên
trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,
nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,
và làm một điều gì đó thật cụ thể
cho những đồng bào quanh chúng con.
Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước
bằng khối óc, quả tim và đôi tay.
Và ước gì chúng con biết khiêm tốn
cộng tác với muôn người thiện chí. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.