Dân Chúa Âu Châu

Chọn Lựa Của Chúa.

Thứ Bảy tuần 29 thường niên – THÁNH SIMON VÀ THÁNH GIUĐA TÔNG ĐỒ. Lễ kính.

“Người chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ”.

* Tông đồ Simon có biệt danh là Nhiệt Thành, có lẽ vì người thuộc nhóm cực đoan, chống người Rôma. Người được xếp thứ mười một trong bản danh sách các Tông Đồ.
Còn thánh Giuđa, cũng được gọi là Ta-đê-ô, là người đã hỏi Chúa trong Bữa Ăn Tối: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình cho chúng con, mà không tỏ mình cho thế gian?”. Và ông đã nhận được lời Chúa hứa: “Ai yêu mến Thầy, thì Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”.

Lời Chúa: Lc 6, 12-19

Trong những ngày ấy Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ: Đó là Simon mà Người đặt tên là Phêrô và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là nhiệt thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt, kẻ phản bội.
Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđôn đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người.

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Chọn Lựa Của Chúa
Chúng ta nên nhớ thánh Simon này khác với Simon được Chúa Giêsu đặt tên là Phêrô và thánh Giuđa này khác với Giuđa Iscariốt. Phụng vụ trong ngày lễ mừng hai thánh Simon và Giuđa hôm nay, Chúa muốn cho chúng ta chứng kiến lại việc chọn các tông đồ.
Simon nhiệt thành và Giuđa mà chúng ta mừng kính hôm nay, không có những nét nổi bật như Simon Phêrô, Giacôbê và Gioan, và ngay cả Philipphê hay Batôlômêô mà cũng còn được nhắc đến thêm đôi ba lần nữa trong sách Tin Mừng, nhưng hai vị này thì chỉ nhìn thấy trong Nhóm Mười Hai, được Chúa Giêsu chọn sau khi Ngài đã trải qua một đêm cầu nguyện với Chúa Cha. Tuy nhiên cuộc sống và cái chết chứng tá của thánh Simon và thánh Giuđa sau này đủ để nói lên rằng các ngài đã sống trọn vẹn trong cung cách tông đồ của mình và xứng đáng với sự lựa chọn của Chúa.
Trọn vẹn trong phong cách tông đồ và xứng đáng với sự lựa chọn của Chúa, đó là điều mà ai ai cũng thế, khi đã theo Chúa thì chỉ ước mơ được như vậy. Ðã ước mơ thì phải cố gắng mà vươn tới để ước mơ được thành hiện thực. Mặc dù các sách Tin Mừng không nói nhiều về Simon nhiệt thành và Giuđa, nhưng chúng ta cứ nhìn vào các vị kia thì cũng biết được đôi chút về tính tình, về mong muốn, về cách sống của hai ông là bộc trực, tham vọng và cùng ăn cùng ở với Chúa Giêsu với hy vọng tìm được một địa vị xứng đáng hơn trong cuộc đời làm môn đệ.
Chúa Giêsu không chỉ nhìn thấy cái hiện trạng bất toàn đó của cả nhóm mà Ngài biết rằng với thời gian huấn luyện, với ơn Chúa Thánh Thần thì những con người ấy biết dùng ngay những bất toàn của mình vào trong công cuộc loan báo Tin Mừng và sẽ thành công. Vấn đề là làm sao để cho các ông nhận chân được mục đích của con đường mà các ông quyết định. Cũng với sự bộc trực ấy, cũng với những tham vọng ấy, cũng với những tình huynh đệ keo sơn ấy nhưng các ông không còn chỉ ước mơ danh vọng, địa vị tầm thường nữa mà khát vọng lan rộng biên giới Nước Trời, khát vọng cho mọi người nhận ra Thiên Chúa yêu thương họ. Nỗi niềm khát vọng ấy mãnh liệt đến độ đưa các ông là những con người sợ sóng gió, sợ quyền lực, sợ đủ mọi thứ đến chỗ gan dạ tột cùng của sự làm chứng, bằng lòng để bị treo như Thầy.
Lạy Cha,
Công trình của Cha vẫn nối tiếp cho đến thời sau hết với những con người mong manh thân phận nhưng kiên cường lập trường. Chúng con cảm tạ Cha vì gương sáng của hai vị tông đồ Simon nhiệt thành và Giuđa. Mừng kính hai ngài hôm nay, chúng con cũng muốn nói với chính mình rằng bởi sức riêng chúng con thật là vô ích, nhưng cùng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần chúng con có thể làm được mọi sự. Giáo Hội đang nặng trĩu ưu tư cho công cuộc truyền giáo tại lục địa Á Châu to lớn, hai thánh tông đồ Simon và Giuđa sẽ là những khích lệ tuyệt vời cho những bước chân truyền giáo trên đất nước chúng con và trên lục địa Á Châu này.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Thánh Simon và Giuđa.
Bí quyết cầu nguyện mà thánh Luca tường thuật lại mỗi khi có biến cố quan trọng xảy ra trên con đường truyền đạo của Đức Giêsu cho chúng ta thấy cuộc linh thao của Người đi sâu vào tình liên kết với Chúa Cha, một bí quyết liên kết độc nhất và siêu việt để cho chúng ta được thông hiệp với Người: “Thần khí làm cho anh em nên nghĩa tử khiến chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi”. (Rm 8, 15). Nhưng lời cầu đó chẳng đáng gì vì lời cầu của Đức Giêsu bao bọc và gói gém mọi lời cầu của mọi người. Chỉ có Người mới có thể nói được: “Cha chúng con” với toàn diện sự thật. Chỉ có Người biết được Chúa Cha vì Người bởi Cha mà ra. Chỉ có Người sở hữu được thần khí vô lượng vô biên”. (Ga 3, 34)
Cầu nguyện
Sự liên kết độc nhất giữa Chúa Con với Chúa Cha là một sự cầu nguyện huyền nhiệm đã trở nên nền tảng cho mọi cầu nguyện khác. Chúng ta được nối kết với sự cầu nguyện ấy khi Đức Giêsu dạy chúng ta thưa: Lạy Cha! chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho đẹp lòng Chúa Cha, hay lại cầu nguyện sai lầm. Chúng ta phải nhớ rằng trung tâm của sự cầu nguyện chân chính là chính Đức Giêsu chứ không phải chúng ta. Chính Người đem lại ý nghĩa cầu nguyện cho chúng ta. Chính Con Người thâu nhận mọi lời than van kêu khấn của mọi người. Không phải vì độc đoán tự phụ cho riêng Người, nhưng là đem lời cầu nguyện của Đức Giêsu vào trong lòng chúng ta để chúng ta tiếp tục lời cầu nguyện của Người. Được như thế là vượt lên mọi cảm tình cá nhân, là từ bỏ mọi sự mà gắn bó với đức tin.
Tin
Tin là điều kiện độc nhất của lời cầu nguyện có giá trị. Chúa không đòi chúng ta phải lên hoàn hảo, Người chỉ đòi chúng ta tin vào Người. Nhiều người cầu nguyện nhiều, tuy không có gì trách mình, nhưng họ tưởng xin còn ít nên lời cầu của họ hình như không được nhận lơi. Họ tưởng họ tin nhiều, thực ra họ còn thiếu đức tin. Chúng ta tưởng chính ra phải được nếm thử sự đời đời trong lời cầu nguyện của chúng ta thì lại chỉ được nếm sự nghèo khó.
Hãy xem những người tội lỗi trong Tin Mừng đã được Chúa đoái thương vì họ có lòng tin. Niềm tin đó cho họ thấy họ chẳng đáng giá gì dưới đôi mắt của Đức Giêsu, nhưng họ chỉ tin vào giá máu của Người.
J.M

SUY NIỆM 3: Hai môn đệ trung kiên của Chúa
Ơn gọi là một cái gì huyền nhiệm. Bất cứ ai sinh ra trên thế giới này, một cách nào đó đều nghe được một tiếng mời gọi âm thầm nào đó trong cuộc đời của mình và rồi, con người đi theo tiếng gọi. Chúa Giêsu không chọn bất cứ ai mà không cầu nguyện lâu giờ và không đi vào cõi thâm sâu để hỏi ý Thiên Chúa Cha. Chúa cầu nguyện, chúng ta không biết Chúa nói gì, không biết Chúa trao đổi, bàn luận gì với Đức Chúa Cha, nhưng có một điều chúng ta nhận thấy Chúa luôn luôn làm theo ý Cha của Ngài. Thánh Simon và thánh Giuđa, tông đồ không nằm ngoài dự định của Chúa Giêsu. Ơn gọi của các Ngài cũng na ná trường hợp của các tông đồ khác. Chúa đi ngang nơi nào đó, Ngài kêu gọi, các tông đồ nhận ra tiếng gọi của Chúa và họ bỏ mọi sự để theo Đức Kitô.
Chúa tuyển chọn các Ngài và gọi các Ngài là “ Apostoloi “, nghĩa là người được sai đi. Nhưng, trước khi gọi các Ngài là Apostoloi, Chúa Giêsu đã cầu nguyện thâu đêm với Chúa Cha. Ngài chọn các tông đồ là do sự nhưng không, do ân huệ tuyệt vời của Ngài. Chúa không dựa trên những tiêu chuẩn mà người đời thường dùng để chọn hoặc cất nhắc một nhân vật nào đó như trình độ, tri thức, vóc dáng bề ngoài, cao, lớn, mập, gầy vv…Chúa tuyển chọn các tông đồ hoàn toàn do ý định của Ngài, không ai có quyền đòi Ngài phải chọn hay không chọn, Ngài tuyển chọn là do tình thương của Ngài.
Thánh Simon còn có biệt hiệu Simon người Cana, hay Simon nhiệt thành. Thánh Giuđa, có biệt danh là Tađêô, con của Giacôbê, anh em với Chúa Giêsu. Sở dĩ Hội Thánh mừng thánh Simon và Giuđa cùng một ngày là vì có sự trùng hợp trong việc loan báo Tin Mừng và trong việc tuyên xưng đức tin, đổ máu đào để làm chứng cho Chúa Giêsu. Và thực tế, thánh Simon người Cana hoàn toàn khác với thánh Simon Phêrô, vị tông đồ trưởng và là người làm đầu Giáo Hội tiên khởi. Theo thánh truyền, thánh Simon và thánh Giuđa đi truyền giáo ở hai nơi hoàn toàn khác nhau. Thánh Simon rao giảng, loan báo Đức Kitô tại Ai Cập, còn thánh Giuđa tại miền Mésopotamia. Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, sau khi gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp trong việc rao giảng, hai thánh Simon và Giuđa đã cùng sang giảng đạo tại xứ Ba Tư. Chính tại nước Ba Tư, hai vị thánh này đã được phúc tử đạo làm chứng cho Chúa như các tông đồ khác.Thánh Giuđa rất trung thành với lời rao giảng, với lời Chúa nên Ngài không sợ hãi mà luôn chống lại những kẻ có thái độ khích bác Tin Mừng.
Hai thánh tông đồ Simon và Giuđa đã hiên ngang làm chứng cho Chúa phục sinh. Các Ngài đã lãnh triều thiên vinh quang Chúa dành cho những kẻ trung tín với Ngài.
Lạy thánh Simon và thánh Giuđa tông đồ, xin cầu bầu cùng Chúa cho chúng con để chúng con luôn hiên ngang làm chứng cho Chúa Kitô chịu đóng đinh thập giá và vinh quang sống lại. Amen.

SUY NIỆM 4: Có Chúa Giêsu mới sống thực
Hôm nay Hội Thánh kính hai thánh Tông Đồ Si-mon và Giu-đa. Ông Si-mon có biệt danh là Nhiệt Thành, có lẽ ông là người thuộc nhóm cực đoan, muốn dùng vũ lực chống Roma, còn ông Giu-đa cũng có tên là Ta-đê-ô, là tác giả thư cuối cùng trong bảy Thư Công Giáo. Ông là người hỏi Đức Giêsu trong bữa ăn tối: “Thưa Thầy, tại sao Thầy tỏ mình cho chúng con mà không tỏ cho thế gian”, và ông đã nhận được Lời Chúa hứa: “Ai yêu mến Thầy, thì Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,22-23).
Chưa bao giờ Đức Giêsu phải thức suốt đêm để cầu nguyện, ngoại trừ lúc Ngài chọn các môn đệ, để sai họ đi tiếp nối sứ mệnh của Ngài, hầu thâu họp muôn người về cho Chúa. Vì “ai có Chúa Giêsu thì sống, kẻ không có Chúa Giêsu là chết!” (1Ga 5,12). Do đó:
- Con người chỉ tồn tại nhờ được Chúa gọi tên (x Kn 11,25: Bản dịch Lm Nguyễn Thế Thuấn).
- Đụng chạm vào Chúa Giêsu chính là hiệp thông với Hội Thánh.
1/ Con người chỉ tồn tại nhờ được Chúa gọi tên (x Kn 11,25).
Thực vậy, trong danh sách 12 môn đệ Đức Giêsu chọn, họ là những người bình thường như bao người khác, thế nên danh sách Nhóm Mười Hai có tới ba cặp tên trùng nhau :
- Simon em của An-rê và Simon Nhiệt Thành.
- Giacôbê anh của Gioan và Giacôbê con của An-phê.
- Giuđa Nhiệt Thành và Giuđa Iscariot.
Sau khi Đức Giêsu cầu nguyện, sáng sớm Ngài gọi những người muốn chọn, họ có tên bình thường như bao người khác Xoài, Ổi, Mít, Chanh, Cam (x Lc 6,12-16)… Nếu Đức Giêsu không chọn gọi họ, thì nay “họ đã qua đi như không bao giờ có họ trên đời, bởi không người nào trên đời còn nhớ đến họ, họ xong đời là xong hẳn, và cả con cái họ sau này cũng thế thôi!” (Hc 44,9) Nhưng danh tính, sự nghiệp các môn đệ Đức Giêsu chọn vẫn còn lưu danh muôn thuở, chỉ vì Đức Giêsu đã gọi họ từ trong thế gian và họ không còn thuộc về thế gian nữa (x Ga 17,6.15), để rồi đi tập họp mọi sự về cho Chúa, như lời thánh Phao-lô nói: “Mọi sự thuộc về anh em, anh em thuộc về Chúa Ki-tô, Chúa Ki-tô thuộc về Chúa Cha” (1Cr 3,22-23).
2/ Đụng chạm vào Chúa Giêsu chính là hiệp thông với Hội Thánh.
Sau khi Đức Giêsu cầu nguyện để chọn các môn đệ và từ trên núi xuống, có cả đoàn lũ dân Do Thái miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cùng với dân ngoại miền Tia và Xi-đôn, cả các bệnh nhân cũng lũ lượt kéo đến nghe Lời Đức Giêsu, và các bệnh nhân được chữa lành ; cả đến các người bị thần ô uế nhập, cũng tìm cách sờ vào Đức Giêsu, thì họ được lành mạnh ngay (x Lc 6,17-19: Tin Mừng). Hình ảnh này đã tiên báo về đời sống Hội Thánh Chúa Ki-tô, bởi vì từ núi Sọ, nơi Đức Giêsu bị đóng đinh, Ngài đã cầu nguyện cho cả kẻ hại Ngài được cứu độ, và từ cạnh sườn Ngài bị đâm, nước và máu đổ xuống phát sinh các Bí tích, đó chính là giờ phút Adam cuối cùng sinh Hội Thánh (x Ga 19). Như thế hình ảnh từ trên núi đi xuống trở thành dấu chỉ Đức Giêsu từ cõi chết sống lại, trước khi Ngài lên Trời, Ngài sai các môn đệ đi tập họp muôn dân bằng hai việc: ban Thánh Tẩy và dạy dân những Lời Đức Giêsu truyền (x Mt 28,19-20). Ai gia nhập Hội Thánh là người đó được Đức Giêsu chộp lấy (x Pl 3,12). Những ai thuộc về Hội Thánh Chúa Ki-tô thì thánh Tông Đồ nói: “Anh em không còn phải là người xa lạ, hay là người tạm trú, nhưng là người đồng hương với những người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Chúa Ki-tô Giêsu. Trong Người toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí” (Ep 2,19-20: Bài đọc).
Trong đoạn thư này thánh Phao-lô nhấn mạnh: người được Chúa chọn là người đồng hương, là người nhà của Thiên Chúa, là ông muốn cho các tín hữu hiểu rằng: Chúa sẽ ra sức bảo vệ mạng sống họ, đến nỗi sợi tóc trên đầu của họ cũng không bị mất! (x Mt 10,30) Điều này quan trọng hơn ông Phao-lô vốn dĩ là người Do Thái, nhưng để việc rao giảng Tin Mừng tránh người Do Thái trù dập tối đa, Phao-lô đã lấy được quốc tịch Roma để bảo vệ ông. Vì ai thuộc về công dân Roma, thì không người nào được quyền đánh họ trên 39 roi! Chính vì vậy mà năm lần ông bị người đồng chủng đánh không quá 39 trượng! Nhiều người Do Thái thấy thế thèm, nên hỏi ông Phao-lô: “Phải tốn bao nhiêu tiền mới có quốc tịch ấy?” (x Cv 22,28 ; 2Cr 11,24-25). Còn người Công Giáo chẳng mất xu nào mà có quốc tịch Nước Trời, để cùng với muôn tạo vật diễn tả vinh quang Thiên Chúa, đúng với lời kinh: “Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu”.

Suy niệm 5:

Theo Tin Mừng Luca, Đức Giêsu thường cầu nguyện
vào những thời điểm quan trọng.
Ngài cầu nguyện khi nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả (3, 21).
Ngài cầu nguyện một mình trước khi loan báo cuộc khổ nạn (9, 18).
Khi đang cầu nguyện trên núi, Ngài được hiển dung (9, 29).
Khi đứng trước cái chết gần kề, Ngài cầu nguyện trong xao xuyến (22, 41).
Lúc bị treo trên thập giá, Ngài cũng cầu nguyện cho kẻ giết mình (23, 34).
Đức Giêsu suốt đời là con người cầu nguyện.
Cầu nguyện đối với Ngài đơn giản là một cuộc gặp gỡ Cha.
Ngài thích gặp Cha vì Ngài là người con thảo hiếu.
Ngài cần gặp Cha vì Ngài là người được Cha sai, để làm việc Cha giao.
Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một lần cầu nguyện đặc biệt của Ngài.
Đức Giêsu vẫn thích cầu nguyện trên núi.
Núi cao làm Ngài thấy nhẹ nhàng và gần Cha trên trời hơn.
Tối hôm nay, Ngài muốn dành nhiều giờ để gặp Cha
trước khi đi đến một quyết định quan trọng,
quyết định chọn những môn đệ thân tín nhất mà Ngài gọi là tông đồ,
để đi sát với Ngài hơn và cộng tác với Ngài trong sứ vụ.
Đức Giêsu không chọn theo ý mình.
Ngài muốn gặp Thiên Chúa là Cha của Ngài để hỏi ý (c. 12).
Tìm ý Cha, ngay cả đối với Đức Giêsu, cũng không phải là quá dễ dàng.
Ngài đã thức suốt một đêm để cầu nguyện,
để tìm xem Cha muốn Ngài chọn ai trong số những môn đệ ở đây.
“Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con…
Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con…” (Ga 17, 6).
Đức Giêsu coi các tông đồ là một quà tặng của Cha.
Bởi đó, thật ra Ngài chỉ chọn những người Cha đã chọn,
Ngài chỉ muốn những người Ngài biết Cha muốn (Mc 3, 13).
Khi làm người ở đời, chúng ta cũng phải chọn như Đức Giêsu.
Cuộc đời là một chuỗi những chọn lựa.
Những chọn lựa nhỏ và lớn làm nên cuộc đời.
Chúng ta có thể chọn dựa trên ý thích hay phán đoán riêng của mình.
Nhưng chúng ta cũng có thể chọn dựa trên ý Đấng Tạo Hóa.
Điều này đòi chúng ta phải ra khỏi mình, không coi mình là trung tâm.
Thánh Inhaxiô mời người làm linh thao
“không ước muốn sức khỏe hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ,
danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn chết yểu,
và tương tự như thế đối với mọi sự khác.”
Khi có thái độ siêu thoát như trên, ta mới có thể chọn điều Chúa muốn.
Sau một đêm cầu nguyện, đến sáng Đức Giêsu mới quyết định.
Ngài gọi và chọn nhóm Mười Hai tông đồ theo ý Cha.
Chúng ta cũng được gọi và chọn, dù là giáo dân hay tu sĩ.
Chúng ta cũng rất khác nhau như mười hai khuôn mặt các vị tông đồ.
Chỉ mong chúng ta đừng dùng tự do mình để trở nên kẻ phản bội.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự: gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn, đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.