Dân Chúa Âu Châu

Bí Quyết Trẻ Trung.

Thứ Tư tuần 26 thường niên – Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ.
Ngày Trung Thu. Cầu cho thiếu nhi.
"Chúa đã giấu các điều ấy cùng kẻ khôn ngoan thông thái, và đã tỏ bày ra cho những kẻ bé mọn".

* Thánh nhân sinh năm 1182 tại Assisi. Từ ngày trở lại, gặp Chúa Kitô ở nhà thờ thánh Đa-mi-a-nô cho tới ngày từ trần ở Poóc-ti-un-cu-la (1226), thánh nhân -con người được mệnh danh là Người Nghèo thành Assisi- cùng với các anh em tu sĩ của mình sống nghèo khó, rảo khắp nơi loan báo tình yêu của Thiên Chúa. Người cũng đặt nền tảng cho ngành nữ đan sĩ của Dòng và huynh đoàn giáo dân hãm mình. Người còn tha thiết với việc giảng thuyết cho những người chưa tin. Suốt đời, thánh nhân không có bận tâm nào khác ngoài mối bận tâm theo Đức Giêsu trong tinh thần vui tươi, đơn sơ, tha thiết phục vụ Hội Thánh và dịu dàng yêu thương maọi người.

LỜI CHÚA: Mt 11, 25-30
Khi ấy, Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy.
"Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho.
"Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Bí Quyết Trẻ Trung
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Phanxicô Assisi.
Sống cách chúng ta trên 7 thế kỷ, thánh Phanxicô Assisi vẫn mãi mãi để lại một hình ảnh trẻ trung. Chưa có vị thánh nào trong Giáo Hội được nhắc nhở, yêu mến như thánh nhân. Chưa có vị thánh nào đã gợi lên nhiều cảm hứng cho văn chương, nghệ thuật cho bằng thánh nhân. Chưa có vị thánh nào được các nhà chính trị, các nhà cách mạng ca tụng cho bằng thánh nhân.
Sứ điệp của thánh nhân siêu việt thời gian, bởi vì con người của thánh nhân là hiện thân của tuổi trẻ. Thật thế, suốt cả cuộc đời của mình, thánh Phanxicô Assisi luôn biết giữ một tâm hồn tươi trẻ. “Tuổi tác không phải là điều kiện thể lý cho bằng bầu khí của tâm hồn”. Có lẽ thánh nhân không phải là người đã nói lên châm ngôn ấy, nhưng hẳn ngài đã sống theo châm ngôn ấy.
Ngài biết giữ mãi cho tâm hồn tươi trẻ bằng cách hạn chế tối đa các nhu cầu, bằng cách chống cự lại các ước muốn. Ngài đón nhận mọi sự. Không thắc mắc, không lo lắng, không buồn giận.
Những khám phá của khoa học tâm lý ngày nay, thánh Phanxicô Assisi đã từng biết và sống một cách trọn vẹn. Thật thế, để có một thể xác lành mạnh, một tâm hồn tươi trẻ, các nhà tâm lý học khuyên chúng ta như sau:
- Hãy tập yêu thích những gì không quá đắt giá.
- Hãy tập yêu thích việc đọc sách, chuyện vãn, nghe nhạc.
- Hãy tập yêu thích những thức ăn thanh đạm.
- Hãy tập yêu thích tiếng chim hót, sự hiện diện của thú vật, tiếng cười đùa rộn rã của trẻ em.
- Hãy tập yêu thích trồng trọt, làm việc tay chân.
- Hãy tập yêu thích ánh bình minh cũng như hoàng hôn, tiếng mưa rơi trên mái nhà cũng như cảnh tuyết rơi.
- Hãy tập yêu thích những nhu cầu đơn giản nhất.
- Hãy tập yêu thích công việc và cảm nhận được niềm vui khi làm tốt một công việc.
- Hãy tập yêu người, dù người không giống ta.
Không khí, ánh sáng, mặt trời, niềm vui, hạnh phúc, cuộc sống, con người: đó là những yếu tố cần thiết để tạo cho bầu không khí tươi trẻ trong tâm hồn. Phải chăng đó không là những yếu tố mà người ta cũng bắt gặp trong bài ca vạn vật của thánh Phanxicô Assisi?
Một tâm hồn luôn luôn tươi trẻ: đó không chỉ là một bí quyết để được hạnh phúc trên đời này, nhưng còn là một đòi hỏi đối với người Kitô. Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời thuộc về những ai giống chúng. Ta nói thật với các con: nếu các con không đón nhận nước Trời như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời”.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Một Vị Thánh Khó Nghèo (Lc 9, 57-62)
Nói về một vị thánh, đề cập đến cuộc đời của một con người là để hiểu biết về người đó: ca ngợi, bắt chước, noi gương người đó trong những việc làm tốt của họ. Thánh Phanxicô Assise là vị thánh của tình yêu. Người là một con người triệt để, vui tươi, trung thực. Cái trung thực của Người đã trở nên nét đẹp nhất của vị thánh thời danh. Sử gia Joseph Lortz đã từng nói:” Điều mà thế kỷ XX thiếu nhiều nhất là tính trung thực”. Thánh Phanxicô Assise là người đã làm rõ nét và sự nổi bật nét trung thực của con người. Chính sự thực tế, bền bỉ, sâu sắc của con người thánh Phanxicô Assise đã nói lên tình yêu của Ngài đặt nơi đâu? Ngài luôn muốn họa lại hình ảnh của một Giêsu Nagiarét khó nghèo, một vị vua tình yêu cao vời, nhưng lại sống chân thực không hoa mỹ, không hời hợt, không lòe loẹt. Thánh nhân đã sống hết mình, đã sống con người thực nhất của mình. Ngài đã tự ví mình như “một người điên kiểu mới giữa thế gian”.
Phanxicô điên vì Ngài nhìn thấy tình yêu của Thiên Chúa chan hòa khắp nơi, khắp chốn, khắp trời đất, khắp vũ trụ, nhưng tất cả đều xoay chung quanh Chúa Kitô. Vì chính Chúa Kitô là trung tâm của tất cả mọi sự trên trời dưới đất, trung tâm của lịch sử cứu rỗi con người. Thánh Phanxicô Assise muốn kéo mọi người lại với Chúa Giêsu vì Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi loài thọ sinh ( Col 1, 15-17).
Vào khoảng năm 1182, thánh nhân được sinh ra tại Assise trong một gia đình đạo đức. Cha Ngài là ông Bênađô là một thương gia tơ sợi nổi tiếng. Mẹ Ngài là bà Pica, một bà mẹ nổi tiếng đạo hạnh. Cả hai ông bà đã hun đúc Phanxicô trở thành vị thánh nổi tiếng thời danh. Thánh nhân đã được cảm hóa bởi câu Kinh Thánh:” Lạy Cha chúng tôi ở trên trời “. Bị bắt, bị cầm tù một năm, bị lâm trọng bệnh và được chữa lành, thánh nhân đã cảm nghiệm sâu xa lời Thiên Chúa. Ngài quyết định bỏ tất cả, sống cuộc đời hoàn toàn nghèo khó để nên giống Chúa Kitô năm 1206. Bị Cha già phản đối, dù rằng hiếu thảo là trên hết, nhưng Phanxicô Assise không dám chống lại ý Chúa. Ngài đã bán tất cả của cải của mình, phân phát cho những người nghèo khó và chỉ khoác trên mình một chiếc áo choàng cũ kỹ, rồi đi loan báo Tin Mừng cho Thiên Chúa. Con đường của Chúa huyền diệu. Ngài được chính Thiên Chúa thúc đẩy thành lập Dòng Anh em hèn mọn, khó nghèo. Rồi, Ngài lui về Alverne, một nơi cô tịnh, hoang sơ thuộc phía bắc Assise để suy niệm, ăn chay, cầu nguyện. Lúc xuất thần, thánh nhân nhìn thấy thiên thần Sêraphim và một cây thánh giá. Tỉnh dậy, Ngài thấy được Chúa in năm dấu thánh trên thân xác Ngài lúc đó vào năm 1224. Hai năm sau đó, Ngài lâm bệnh nặng. Trước khi ra đi về với Chúa, Ngài đã khuyên nhủ anh em trong Dòng:” Hãy sống khó nghèo và sống đức tin sâu xa vào Hội Thánh Chúa”. Ngày 04/10/1226, thánh nhân ra đi về với Chúa trong sự an bình và thánh thiện tuyệt vời. Đức Thánh Cha Grêgoriô đã tôn Ngài lên bậc hiển thánh.
Thánh Phanxicô đã sống khó nghèo tuyệt đối. Ngài muốn bắt chước Chúa, muốn noi gương đức Mẹ để sống cuộc đời khó nghèo. Do đó, Ngài đã kéo mọi người, kéo mọi vật, mọi thụ tạo lại gần Thiên Chúa. Ngài đã gọi nhân đức nghèo là” Bà Chúa nghèo”, Ngài đã gọi Mặt Trời là Anh Mặt Trời, Mặt Trăng là chị Mặt Trăng, thần chết là chị chết vv…Ngài muốn nói lên một thực tế là tất cả đều do Tình Yêu của Thiên Chúa. Trong Đức Kitô, mọi sự, mọi vật, mọi loài, kể cả con người đều hòa quyện nơi Tình Yêu của Chúa và như thế, tất cả đều trở nên bài ca tình yêu muôn thuở, cảm tạ tri ân Thiên Chúa Ba Ngôi.
Xin Chúa ban cho chúng con được bắt chước đời sống khó nghèo của thánh Phanxicô Assise mà biết lướt thắng vinh hoa phú quý để càng ngày càng gia tăng lòng yêu mến Chúa và cảm thông chia sẻ với anh chị em nghèo khó. Amen.
(Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi)

SUY NIỆM 3: Cần trở nên bé mọn
Con người có thể khước từ Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ từ bỏ con người; Ngài luôn mời gọi con người trở về để lãnh nhận ân sủng và sự thật của Ngài. Thiên Chúa mời gọi mọi người, không phân biệt, nhưng từ phía con người có thể có một trong hai thái độ: thái độ của những kẻ bé mọn khiêm tốn để cho Chúa dạy dỗ; và thái độ của những kẻ thông thái, tự cao, cho mình thuộc một nhóm nhỏ tách rời khỏi đại đa số dân chúng.
Những kẻ thông thái được Chúa Giêsu trực tiếp nhắm đến trong Tin Mừng hôm nay là nhóm Biệt Phái đang đứng trong hành lãnh đạo sinh hoạt tôn giáo và chống đối Chúa. Họ đến với Chúa bằng con đường của sự thông hiểu về luật Môsê; họ cho rằng chỉ cần am tường lề luật Môsê trong Kinh Thánh cũng như trong truyền khẩu là con người có thể đến với Chúa: họ tự phụ mình biết Thiên Chúa, nhưng thực ra họ lìa xa Ngài.
Con đường Chúa Giêsu mạc khải để giúp con người đến với Thiên Chúa chính là Ngài, mà mỗi người chúng ta được mời gọi đón nhận với tâm hồn đơn sơ khiêm tốn: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". Nếu cậy dựa vào sự khôn ngoan của mình, con người sẽ không gặp được Thiên Chúa, nhưng nếu để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và nhờ qua Chúa Giêsu Kitô, con người có thể đạt tới sự thông hiệp với Thiên Chúa và được cứu rỗi: "Lạy Cha, con chúc tụng Cha, vì điều Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết, thì Cha lại mạc khải cho những người bé mọn".
Chúng ta cần trở nên những người bé mọn theo tinh thần Phúc Âm, để cảm nếm và sống hòa hiệp với Thiên Chúa. Ðức tin Kitô giáo hướng dẫn chúng ta đến một con người cụ thể, một vị Thiên Chúa chấp nhận sống với con người, chứ không phải những lý lẽ thần học cao siêu. Một con người khiêm tốn có thể có đức tin sâu xa hơn một nhà thông thái. Ðức tin là một hồng ân cần được lãnh nhận hơn là kết quả của sưu tầm trí thức của con người. Thánh Têrêsa Avila, tuy không học hành nhiều, nhưng đã có kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa và đã trình bày kinh nghiệm thiêng liêng của mình một cách tốt đẹp, đến nỗi đã được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh, vì giáo huấn của thánh nữ để lại là kho tàng thiêng liêng quý báu giúp mọi thành phần Giáo Hội đến với mầu nhiệm Thiên Chúa.
Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không có ý loại bỏ những bậc thông thái, nhưng chỉ có ý cảnh tỉnh những ai cậy dựa vào sự thông thái rằng họ sẽ không đến được với Chúa, không có đủ điều kiện để lãnh nhận mạc khải của Chúa. Tuy nhiên, không thiếu những trường hợp có sự hòa hợp giữa thông thái và đức tin Kitô giáo. Thánh Tôma Tiến sĩ là một điển hình. Nói chung, thái độ khiêm tốn để Chúa soi sáng hướng dẫn là điều căn bản cần phải có luôn.
Xin Chúa mở rộng tâm hồn chúng ta để lắng nghe Lời Chúa với tâm hồn khiêm tốn, mến yêu. Xin cho chúng ta biết sống theo sự soi sáng của Thánh Thần để đến với Chúa và anh em.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 4: Kinh nghiệm thiêng liêng
Con người có thể khước từ Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ từ bỏ con người, không bao giờ ngưng mời gọi con người trở về lãnh nhận ân sủng và sự thật Người ban cho nhưng không: "Hết thảy những ai mệt mỏi và vất vả hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ, ủi an". Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người, không phân biệt một ai, nhưng từ phiá con người, khi đáp lại lời mời gọi của Chúa, mỗi người chúng ta có thể có một trong hai thái độ: thái độ đơn sơ, khiêm tốn đón nhận Chúa để cho Ngài hướng dẫn dạy dỗ; hoặc ngược lại, thái độ tự cao của kẻ cho mình là khôn ngoan, không cần đến Thiên Chúa.
Những kẻ khôn ngoan thông thái mà Chúa Giêsu nhắm đến trong đoạn Tin Mừng trên đây là những người biệt phái tinh thông Lề Luật và lãnh đạo sinh hoạt tôn giáo của dân Israel. Có thể nói, những kẻ khôn ngoan thông thái này đến với Chúa bằng con đường hiểu biết, nhất là sự thông thái Lề Luật Môsê. Họ nghĩ rằng chỉ cần am tường những Lề Luật của Môsê là họ có thể đến với Thiên Chúa. Họ ỷ lại vào sự hiểu biết và sự tự phụ cho mình biết rõ Thiên Chúa, nhưng thật ra, họ đang xa lìa Ngài.
"Lạy Cha, con chúc tụng Cha là Chúa trời đất, vì Cha đã giấu những điều đó ngoài những kẻ khôn ngoan thông thái, nhưng lại mạc khải cho chúng con, những kẻ bé mọn". Mỗi người chúng ta cần trở nên bé nhỏ đơn sơ theo tinh thần Phúc Âm để cảm mến và sống mầu nhiệm Thiên Chúa. Ðức tin Kitô hướng ta đến gặp một con người cụ thể, một vì Thiên Chúa chấp nhận đến với con người. Ðức tin Kitô không dựa trên những lý lẽ thần học cao siêu. Ðức tin là một hồng ân cần được khiêm tốn đón nhận hơn là kết quả của cuộc sống sưu tầm trí thức.
Thánh Têrêsa Avila tuy không được học hành nhiều nhưng có kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa. Thánh nữ đã trình bày những kinh nghiệm thiêng liêng của mình cách tốt đẹp đến độ Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã tuyên bố thánh nữ là tiến sĩ của Giáo Hội, bởi vì giáo huấn của thánh nữ để lại là kho tàng thiêng liêng quý báu giúp các thành phần Giáo Hội đến với mầu nhiệm Thiên Chúa. Dĩ nhiên, đoạn Tin Mừng hôm nay không có ý nói là Chúa Giêsu hoàn toàn loại bỏ những nhà thông thái, nhưng chỉ có ý cảnh tỉnh rằng những ai ỷ lại vào sự hiểu biết thông thái của mình, thì sẽ không đến được với Thiên Chúa. Không thiếu những trường hợp có sự hài hòa giữa sự thông thái và đức tin Kitô như thánh Thomaso thành Aquino. Trong mọi trường hợp, thái độ khiêm tốn chấp nhận để cho Thiên Chúa soi sáng hướng dẫn là điều căn bản cần phải có luôn.
Lạy Chúa,
Xin thương mở rộng tâm hồn cho con được lắng nghe Lời Chúa với hết lòng khiêm tốn và biết ơn. Xin thương giúp con sống theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để đến với Chúa và anh chị em một cách dễ dàng và sâu xa hơn.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 5: Đường lối cư xử của Chúa
Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết điều này, nhưng lại mắc khải cho những người bé mọn.” (Mt. 11, 25)
Không giống như mọi người
Thiên Chúa không hành động như phần đông người ta, không suy nghĩ như họ, không xét đoán theo cùng tiêu chuẩn như họ.
Đối với phần đông, quy luật chung vẫn là: “Mạnh được yếu thua.” Người giầu có nhiều cơ may thăng tiến, kẻ nghèo thì họa chăng mới được, người khôn ngoan thông thái được mọi người kính trọng, hạng thứ dân ít học vốn bị coi thường. Kẻ có tiền, có quyền giống như: “Miệng quan có gang có thép.” Kẻ trắng tay lý lẽ cũng không. Ai có địa vị, người ấy có quyền ăn quyền nói, kẻ thấp hèn lên tiếng chẳng ai nghe.
Nhưng đối với Chúa lại khác hẳn, kẻ làm đầu phải trở lên người rốt hết, người rốt hết sẽ lên kẻ đứng đầu. Người mạnh trở lên yếu, kẻ yếu được lên mạnh, những bậc khôn ngoan thông thái đã bị giấú không cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, trong khi những kẻ bé mọn lại được Chúa mặc khải cho những thực tại tuyệt vời ấy.
Lời tiên báo cho những kẻ bé mọn.
Khi thấy những người khôn ngoan thông thái bịt tai không nghe những lời giáo huấn của Chúa, còn những kẻ bé mọn lại dễ dàng tiếp nhận, Chúa Giêsu trong trạng thái hứng khởi, liền cất tiếng ngợi khen Cha.
Những kẻ bé mọn mà Phúc Âm nói đến ở đây, ta có thể gặp họ ở khắp nơi. Đó là những con người ít được học hành. Những người chẳng có địa vị cao trong xã hội, những người không thành đạt mấy trong cuộc đời, những người sống khiêm tốn. Họ có được sự nhạy bén để mở lòng ra đón nhận những sự thuộc về Chúa, một sự nhạy bén mà những người khác không có.
Nhưng những kẻ bé mọn của Phúc Âm cũng có thể là những người khôn ngoan và thông thái chân thật. Tuy nhiên không phải bất cứ người khôn ngoan thông thái nào cũng là chân thật cả. Mà chỉ có những ai không vênh vang kiêu hãnh về sự hiểu biết và khôn ngoan của mình mới là những người khôn ngoan thông thái chân thật. Chỉ có những người ấy mới có được tâm hồn của những kẻ bé mọn vậy.
J.Y.G