Dân Chúa Âu Châu

Cái chết của một tiên tri.

Thứ ba tuần 21 thường niên – Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết. Lễ nhớ.

"Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa".

* Thánh Gioan Tẩy Giả đã bị chém đầu ở Makêron, gần Biển Chết, do lệnh của vua Hêrôđê Antipa. Cái chết của người, vị Tiền Hô của Chúa Kitô, cho thấy rõ người có tâm hồn quả cảm như thế nào và người đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa trọn vẹn ra sao.
Khi chết cũng như khi còn rao giảng, người đều làm chứng cho chân lý. Người quả là “ngọn đèn cháy sáng” như lời Đức Giêsu đã nói.

Lời Chúa: Mc 6, 17-29

Khi ấy, Hêrôđê đã sai đi bắt Gioan và giam ông trong ngục: nguyên do tại Hêrôđia, vợ của Philipphê anh vua mà vua đã cưới lấy. Vì Gioan bảo Hêrôđê: "Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình". Phần Hêrôđia, nàng toan mưu và muốn giết ông, nhưng không thể làm gì được, vì Hêrôđê kính nể Gioan, biết ông là người chính trực và thánh thiện, và giữ ông lại. Nghe ông nói, vua rất phân vân, nhưng lại vui lòng nghe.
Dịp thuận tiện xảy đến vào ngày sinh nhật Hêrôđê, khi vua thết tiệc các quan đại thần trong triều, các sĩ quan và những người vị vọng xứ Galilêa. Khi con gái nàng Hêrôđia tiến vào nhảy múa, làm đẹp lòng Hêrôđê và các quan khách, thì vua liền nói với thiếu nữ ấy rằng: "Con muốn gì, cứ xin, trẫm sẽ cho", và vua thề rằng: "Con xin bất cứ điều gì, dù là nửa nước, trẫm cũng cho". Cô ra hỏi mẹ: "Con nên xin gì?" Mẹ cô đáp: "Xin đầu Gio-an Tẩy Giả". Cô liền vội vàng trở vào xin vua: "Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa". Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề và vì có các quan khách, nên không muốn làm cho thiếu nữ đó buồn. Và lập tức, vua sai một thị vệ đi lấy đầu Gioan và đặt trên đĩa. Viên thị vệ liền đi vào ngục chặt đầu Gioan, và đặt trên đĩa trao cho thiếu nữ, và thiếu nữ đem cho mẹ.
Nghe tin ấy, các môn đệ Gioan đến lấy xác ông và mai táng trong mồ.

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Cái chết của một tiên tri.
Qua lệnh truyền của một bạo chúa, một chiếc gươm gieo, một chiếc đầu rơi trong ngục tối. Ðó là những diễn tiến đã kết thúc cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả, một biến cố mà Giáo Hội mời gọi chúng ta tưởng niệm hôm nay.
Chúng ta đã thấy một lời thề thiếu khôn ngoan, một quan niệm thiển cận về danh dự của một bạo chúa cũng như lòng hận thù của một hoàng hậu lăng loàn đã đưa Gioan Tẩy Giả vào cái chết. Nhưng đây là cái chết đã nâng ngài lên cao trên đài danh vọng, danh vọng của các vị tiên tri đích thực, vì Gioan cũng bị đau khổ, giam cầm và chết vì lời mình rao giảng.
Gioan Tẩy Giả cũng đã tự ví mình là "tiếng kêu trong xa mạc: Hãy dọn đường lối cho ngay thẳng" và ngài đã đóng trọn vai trò này qua việc tích cực rao giảng và làm Phép Rửa thống hối. Tích cực vì ngài đã dám vạch mặt chỉ tên những vấp phạm của tất cả mọi người, không nể nang, không khiếp sợ, kể cả những tội lỗi của các vua chúa là những người nắm toàn quyền sanh sát thời bấy giờ, cụ thể là tội loạn luân của vua Hêrôđê và hoàng hậu Hêrôđiađê.
Qua đó, Gioan Tẩy Giả đã sống để nói lên sự thật và đã chết để bảo vệ sự thật: sự thật về hiện tình của xã hội, sự thật về thực trạng của từng cá nhân và sự thật về chính mình. Gioan tuyên bố rõ ràng ngài không phải là Ðấng Cứu Thế, nhưng chỉ là người được kêu gọi để đóng vai trò Tiền Hô chuẩn bị cho ngày Ðấng Cứu Tinh sẽ đến.
Mọi Kitô hữu chúng ta cũng được kêu mời để đáp lại tiếng gọi. Và mặc dù không ai có thể tái diễn vai trò của thánh Gioan Tẩy Giả, nhưng mọi Kitô hữu phải tiếp diễn sứ mệnh của ngài trong mọi hoàn cảnh mình đang sống. Ðó là sứ mệnh làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.
(Trích trong ‘Lẽ Sống’ của R. Veritas)

SUY NIỆM 2: Vị Thánh Can Đảm Và Cương Quyết
Những trang Tin Mừng của thánh sử Marcô nói về Gioan Tẩy Giả quả thực gây ấn tượng mạnh cho những ai tìm gương một vị thánh can đảm dám nói lên sự thật, mặc dầu khi biết rằng nói lên điều mình phải nói sẽ nhận lại hậu quả không lường trước: “Vị Thánh đó là Gioan Baotixita, vị ngôn sứ kiên cường không bao giờ sợ chết”. Phúc Âm của thánh Marcô 6, 14 viết: “Vua Hêrôđê nghe biết về Đức Giêsu, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói: “Đó là ông Gioan Tẩy Giả từ cõi chết chỗi dậy, nên quyền làm phép lạ mới tác động nơi ông. “Kẻ khác nói: “Đó là ông Êlia”. Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ”. Vua Hêrôđê nghe thế liền nói: “Ông Gioan, ta đã cho chém đầu, chính ông đã chỗi dậy!” (Mc 6, 14-16).
Những câu Tin Mừng của thánh Marcô chúng ta vừa nghe trên đây minh chứng: “Vua Hêrôđê đang lo âu về sự hiện diện của Chúa Giêsu và cho thấy sự tàn ác của một cường bạo Hêrôđê đã đang tâm truyền lệnh chém đầu Gioan Tẩy Giả vì Người dám nói lên sự thật: Vua không được lấy vợ của anh Ngài” (Mc 6, 18).
Đọc đoạn Tin Mừng 6, 17-29 của thánh Marcô trong ngày lễ kính nhớ thánh Gioan Tẩy Giả chúng ta thấy thật chua xót và mỉa mai. Cái chua xót bởi vì chỉ với một lời hứa với đứa con gái riêng của người vợ loạn luân của mình bà Hêrôđia (Mc 6, 23). Vua sẵn sàng cho lệnh chém đầu Gioan Tẩy Giả. Cái chua xót càng dâng cao khi Vua Hêrôđê cho thị vệ chém đứt đầu Gioan Tẩy Giả và đặt trên mâm theo lời xúi giục của bà Hêrôđia (Mc 6, 24-25). Sự việc càng mỉa mai hơn khi Vua vừa tỉnh vừa say và để hồn mình mê ly theo điệu vũ của đứa con gái của bà Hêrôđia (Mc 6, 22). Đối với chúng ta đọan Tin Mừng của thánh Marcô 6, 26 càng làm chúng ta ngao ngán vì con người dâm ô, bạo tàn và chà đạp sự thật, chà đạp công lý và vượt trên cả pháp luật của đất nước mà Hêrôđê trị vì: “Nhà Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề, và khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với con gái Hêrôđia”.
Một lệnh truyền của một bạo Chúa trong lúc say sưa chè chén với bọn bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê trong ngày sinh nhật của mình (Mc 6, 21). Một lời hứa dựa trên cảm tính, hết sức thô bạo và coi thường luật pháp của mình, Hêrôđê đã làm một việc hết sức tàn nhẫn, giết chết một vị ngôn sứ vô tội để thỏa mãn thú tính đê hèn của mình. Cái chết của Gioan Tẩy Giả đã là một lời cảnh tỉnh tất cả những ai quyết định thiếu khôn ngoan, thiển cận, ích kỷ, đê hèn chỉ nghĩ tới mối lợi đê tiện của cá nhân mình mà quên đi việc lớn lao hơn: “đại nghĩa”. Thánh Gioan Tẩy Giả đã chết đi nhưng sự ra đi của Ngài được nâng cao trên đài danh vọng, danh vọng của những vị ngôn sứ đích thực, những ngôn sứ dám nói lên sự thật, vì Gioan Tẩy Giả cũng đã chịu cầm tù, đau khổ trong tù ngục, và chết để làm chứng cho những lời rao giảng của mình.
Thánh Gioan Tẩy Giả đã sống hoàn toàn đúng nghĩa của một vị ngôn sứ chân chính, đích thực, Ngài đã hoàn toàn đáp trả lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa: “Ngài đã không sợ hãi, lớn tiếng trước mặt các Vua Chúa. Ngài đã hiến mạng sống cho công bình và chân lý”. Thánh Gioan Tẩy Giả đã vạch mặt chỉ tên mọi người sống bê tha, tội lỗi. Lời rao giảng sám hối và phép rửa cải tà qui chánh, cải hoá nội tâm của Ngài đã nói lên một sự thực muôn đời: “Tất cả đều phải sám hối và ăn năn”. Thánh nhân đã không chùn bước trước những thế lực mạnh nhất lúc đó là Hêrôđê. Ngài đã can đảm nói lên việc Hêrôđê cướp vợ của anh mình là Philíp, nàng Hêrôđia… Sự can đảm và cương quyết của Ngài đã bị cường bạo đè bẹp bằng lời hứa thật đê hèn và thô bạo. Nhưng cái chết của thánh Gioan Tẩy Giả đã minh chứng cho chân lý ngàn đời: “Sự thật sẽ giải phóng tất cả”.
Gioan Tẩy Giả đã chết đi để bảo vệ cho sự thật, minh chứng cho Chúa Giêsu: “Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14, 6).
Gioan Tẩy Giả chỉ là vị ngôn sứ dọn đường cho Chúa Cứu Thế: “Tôi chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, để dọn đường cho Chúa đến” (Mc 1,23) và khi Đấng Thiên Sai đến, thánh nhân xác định rõ ràng: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3, 30). Thánh Gioan Tẩy Giả đã trở nên chứng nhân tuyệt vời và hoàn hảo nhất nơi Đức Kitô Giêsu.
Lạy Thánh Gioan Tẩy Giả, xin cầu bầu cho chúng con trước ngai toà Chúa để niềm tin của chúng con được nâng cao hầu chúng con luôn sẵn sàng đáp trả lại lời mời gọi của Chúa: “làm chứng nhân cho Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời”. Amen.
Lm Nguyễn Hưng Lợi

SUY NIỆM 3: Lễ thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết
Thánh Gioan tẩy giả là người anh họ của Đức Chúa Giêsu. Thân mẫu ngài là thánh nữ Êlizabeth và thân phụ ngài là ông Zacaria. Chương đầu tiên của Tin mừng theo thánh Luca thuật lại biến cố sinh nhật tuyệt vời của thánh Gioan. Và Tin mừng theo thánh Marcô, nơi chương thứ 6, các câu 14-29, kể lại những chi tiết tàn bạo về cái chết của Gioan tẩy giả.
Vua Hêrôđê lấy vợ của anh mình là bà Hêrôđia. Gioan nói cho Hêrôđê biết điều ấy là sai, nhưng Hêrôđê và Hêrôđia không muốn nghe và giữ giới luật của Thiên Chúa. Họ chỉ muốn làm theo ý riêng mình. Và Gioan tẩy giả đã phải trả giá cho lòng tốt của ngài! Tuy nhiên, thánh nhân không thể hành động theo cách khác được. Ngài không im lặng trước tội lỗi và bất công. Sứ mệnh của Gioan là mời gọi người ta cải hối cuộc đời; và ngài mong muốn cho hết thảy mọi người được ơn giao hòa cùng Thiên Chúa.
Hêrôđia đã giữ mối hận thù đối với Gioan. Và khi dịp thuận tiện xảy đến, bà đã ra tay sắp đặt để Gioan bị chém đầu. Gioan đã phải chấp nhận những hậu quả nghiệt ngã cho việc giảng dạy chân lý Phúc âm.
Thánh Gioan tẩy giả rao giảng phép rửa sám hối, chuẩn bị cho người ta đón nhận Đấng Mêsia. Ngài đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu trong dòng sông Giođan và được hưởng kiến niềm vui vì sứ mệnh công khai của Chúa Giêsu đã khởi sự. Gioan tẩy giả đã khích lệ các môn đồ của mình đi theo Đức Chúa Giêsu. Ngài biết rằng danh Chúa phải tỏa sáng ra, còn danh mình phải lu mờ đi. Trong chương thứ nhất Phúc âm theo thánh Gioan, thánh Gioan tẩy giả nhận mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, chỉ thức tỉnh người ta hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng mà thôi! Thánh nhân mời gọi mọi người hãy sẵn sàng để chuẩn bị đón nhận Đấng Mêsia. Sứ điệp của Gioan tẩy giả phải chăng cũng là sứ điệp của mỗi người chúng ta?
Chúng ta hãy nài xin thánh Gioan tẩy giả giúp chúng ta luôn sẵn sàng để đón nhận Chúa Giêsu ngự đến trong cuộc sống của mình.

SUY NIỆM 4: Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết
Bài tường thuật của Mác-cô về cái chết của Thánh Gioan Tẩy giả rất rõ ràng và dễ hiểu. Ta cần ghi nhớ 2 điều:
- Gioan đã chết vì can đảm nói sự thật, theo đúng chức năng ngôn sứ của mình.
- Cái chết của Gioan có nhiều nét tiên báo cái chết của Chúa Giêsu, vị ngôn sứ tiêu biểu: chết do can đảm sống sứ mạng của mình, chết do ác tâm của con người, chết trong sự thương tiếc của các môn đệ.
1. Trước hết, ta hãy nhìn vào Hêrôđê: Một con người vẫn còn lương tâm (“vua nể sợ Gioan vì biết ông là người công chính thánh thiện; vua che chở ông. Khi nghe Gioan nói, nhà vua rất phân vân nhưng lại cứ thích nghe”), nhưng rồi lại không can đảm làm theo tiếng lương tâm của mình.
Văn hào Chateaubriand của Pháp vào thế kỷ 19 đã viết về lương tâm con người như sau: “Con sư tử sau khi giết và ăn thịt con mồi có thể nằm lăn ra ngủ, nhưng con người không thể ngủ yên sau khi giết hại một người đồng loại của mình”.
Thi hào Victor Hugo trong bài thơ “Lương tâm” đã mô tả tâm trạng vô cùng đau thương của Cain sau khi đã giết em mình là Abel: “Cho dẫu Cain có đi đâu, cho dẫu ông có đào một huyệt sâu trong lòng đất để trú ẩn, ánh mắt lương tâm cũng không bao giờ buông tha cho ông”.
Con người có phẩm giá cao cả vì con người có lương tâm. Lương tâm chính là ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa không ngừng dõi theo con người để mời gọi thôi thúc con người vươn lên. Thảm trạng đau thương nhất của cá nhân cũng như của xã hội chính là tiếng nói của lương tâm bị bóp nghẹt. Xét cho cùng, thảm trạng ấy cũng đồng lõa với việc loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Khi ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa không còn nhìn xuyên qua tâm hồn con người nữa, thì đó là lúc con người đang dãy chết.
2. Ta nhìn tiếp đến bà Hêrôđia: Một người đàn bà hoàn toàn để cho dục tình lôi cuốn. Vì dục tình, bà đã loạn luân. Vì thế, khi Gioan vạch tội bà, bà không ngại tìm dịp giết Gioan để không ai còn ngăn cản được cộc sống loạn luân của mình nữa.
Bà Hêrôđia đã làm những điều mà có lẽ ai trong chúng ta cũng lên án. Thế nhưng, xét cho kỹ thì trong thiên hạ cũng chẳng thiếu gì những người như thế. Không phải chỉ là loạn luân mà còn biết bao nhiêu tội ác khác nhiều khi còn tệ hơn nữa.
Tại một xứ Hồi giáo nọ, có người đàn ông bị vua ra lệnh treo cổ vì ăn trộm thức ăn của người khác. Như thường lệ, trước khi bị xử, tội nhân được nhà vua cho phép xin một ân huệ. Kẻ từ tội liền xin nhà vua:
- Tâu bệ hạ, xin cho thần được chồng một cây táo. Chỉ trong một đêm thôi, hạt giống sẽ nảy mầm, mọc thành cây và có trái ăn tức khắc. Đây là một bí quyết mà cha thần đã truyền lại cho thần. Thần tiếc là khi thần chết đi rồi, bí quyết này sẽ không truyền lại cho hậu thế được.
Nhà vua truyền chuẩn bị mọi sự để sáng hôm sau người tử tội sẽ biểu diễn chồng táo. Đến giờ hẹn, trước mặt vua và các quan văn võ, tên trộm đào một cái lỗ nhỏ và nói:
- Chỉ có người nào chưa hề ăn trộm của người khác mới trồng được hạt giống này. Vì tôi đã lỡ ăn trộm nên không trồng được.
Nhà vua tin lời, nên quay sang nhìn tể tướng. Sau một lúc do dự, vị tể tướng thưa:
- Tâu bệ hạ, thần nhớ lúc còn niên thiếu thần cũng đã có lần lấy của người khác. Thần cảm thấy không đủ điều kiện trồng hạt táo này.
Nhà vua đảo mắt nhìn quanh các quan văn võ đang có mặt. Ông nghĩ may ra quan thủ kho trong triều là người nổi tiếng trong sạch có thể đủ điều kiện. Nhưng quan thủ kho cũng lắc đầu từ chối và tuyên bố với mọi người rằng ông cũng đã có lần gian tham trong chuyện tiền bạc.
Bấy giờ người tử tội mới chua xót lên tiếng:
- Các ngài là những kẻ quyền thế cao trọng, không thiếu thốn điều gì. Vậy mà các ngài không thể trồng được hạt táo này, chỉ vì các ngài cũng đã có lần lấy của người khác. Còn tôi, một con người khốn khổ, chỉ lỡ lấy thức ăn của người khác ăn cho đỡ đói, thế mà các ngài lại kết án treo cổ tôi.
Nghe thế, nhà vua và cả triều thần như xốn xao trong lương tâm. Ông bèn ra lệnh phóng thích người ăn trộm.
3. Ta hãy nhìn nàng Salômê: một người có tài mà không có đức. Cô đã dùng tài múa nhảy của mình để đòi phần thưởng là cái đầu của một vị ngôn sứ.
Tài năng của con là những nén bạc Chúa trao để cho con sử dụng mà làm việc tốt phụng sự Chúa và phục vụ mọi người. Phục vụ chứ không khai thác để thỏa mãn những đam mê hay vơ vét vào cho mình. Chỉ khi nào, con người biết phục vụ thì lúc đó họ mới thấy cuộc đời của mình đậm đà ý nghĩa.
Dương Chấn, người đất Quan Tây đời nhà Hán, làm quan Thái Úy, tính tình thanh liêm, chánh trực. Khi đang làm Thứ Sử, ông có tiến dẫn Vương Mật làm Lệnh Doãn huyện Xương Ấp.
Một hôm, trời tối đi ngang qua Xương Ấp, Dương Chấn nghỉ lại đó một đêm. Vương Mật lén đem 10 lượng vàng đến để đền ơn thuở trước. Dương Chấn thấy vậy, trách Vương Mật:
- Ta biết tài ngươi, mà ngươi không biết được lòng ta.
Vương Mật cố năn nỉ:
- Đêm hôm khuya khoắt, không có một ai hay biết, ngài sợ gì?
Dương Chấn nghiệm mặt đáp:
- Sáng thì có trời đất biết, tối thì có quỷ thần soi biết, trong có ta biết, ngoài có ngươi biết. Chỗ hay biết có nhiều như vậy, sao ngươi gọi là không ai biết?
Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta biết sống tốt đối với mọi người để cho lương tâm của chúng ta lúc nào cũng được thanh thản và bình an.

SUY NIỆM 5: Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết
Có những cái chết để lại cho đời niềm thương nhớ khôn nguôi. Có những sự ra đi làm cho con người thương nhớ, nhắc nhớ tên người chết mãi mãi không ngơi. Có những cái chết khiến người khác trề môi, phỉ nhổ. Chết là trở về nơi cũ. Chết là ra đi. Chết là trở về với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và tác sinh. Cái chết của thánh Gioan tẩy Giả, Giáo Hội mừng kính hôm nay khiến nhân loại phải ghi nhớ, khiến nhiều người thương tiếc, nhưng cũng không khỏi nguồn rủa sự điên rồ, ngạo nghễ và dại gái, khôn nhà dại chợ của Hêrôđê, một vị vua tàn ác và thiếu tư cách làm người.
Một cái đầu, một sự trả giá vô biên
- Hêrôđê đã đi vào con đường tội lỗi. Sự dại gái, khôn nhà, dại chợ của Hêrôđê đã khiến vị vua này trở nên ngông cuồng điên dại. Sống trong tội lỗi,tâm hồn của Hêrôđê đã trở nên mù quáng, tối tăm. Ở trong bóng tối, Hêrôđê đã không còn biết phân biệt đâu là phải, đâu là trái. Ông đã hành động tùy tiện việc nước, đã ăn chơi, chè chén trác táng. Ông không còn biết nhận ra sự thật. Số là Hêrôđê đã cướp vợ của ngay người em mình. Sự loạn luân không thể tha thứ, đã làm cho Gioan Tẩy Giả phải lên tiếng quở trách nặng lời hành động vô luân của Hêrôđê và Hêrodias, vợ loạn luân của Hêrôđê. Đúng như lời Kinh Thánh nói: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng…” (Ga 1,6-7).
- Gioan không phải là ánh sáng, nhưng Gioan tới để minh chứng về ánh sáng. Vì chứng minh cho Chúa Giêsu là sự thật, là ánh sáng. Gioan đã không bao giờ chịu khuất phục trước những việc chướng tai gai mắt của con người, của xã hội đương thời và của nhân loại. Gioan đã có lần nói: “Có Đấng đến sau ông và ông không xứng đáng cởi giây dép của Ngài”. Gioan quả thực đã tới trần gian để dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Làm công tác dọn đường, Gioan đã sống đích thực sứ mạng của vị tiên tri. Ngôn sứ phải nói lên sự thật và không bao giờ sợ nguy hiểm cho dù công tác của vị ngôn sứ luôn gặp sự hiểm nguy. Để làm chứng cho Đấng cứu thế, Ngài đã nói công khai với mọi người khi họ lầm tưởng Gioan là Đức Kitô: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Gioan đã lớn lên trong sự minh chứng cho sự thật. Chống lại hành động loạn luân và dâm dật của đôi dâm phụ Hêrôđê và Hêrodias. Gioan Tẩy Giả đã phải chấp nhận cái bi đát nhất của cuộc đời ngôn sứ của mình: cái chết. Hêrôdias vì không chấp nhận sự thật, không chịu nổi lời quở trách của vị tiên tri. Nên đã căm thù tìm cơ hội khử trừ vị ngôn sứ đầy uy tín. Với sự nhảy múa cuồng nhiệt nhân ngày sinh nhật, Hêrodiađê đã làm ngây ngất vua Cha. Cái đầu, vẫn là sự căm tức ngông cuồng của Hêrôdias. Đầu của vị ngôn sứ Gioan Tẩy Giả đã nằm gọn trong chiếc dĩa trước mặt Hêrôđê.
Lời chứng đáng giá nhất của ngôn sứ Gioan Tẩy Giả
- Dù biết rằng mình sẽ phải chấp nhận cái bi đát nhất của cuộc đời, Gioan Tẩy Giả vẫn nói lên tiếng nói bất khuất của vị ngôn sứ. Mọi tiên tri đều phải trả giá cho lời chứng của mình. Gioan Tẩy Giả đã sống anh dũng, can trường với lời nói của mình. Cái đầu phải trả là giá nặng nề và đáng nguyền rủa nhất của vị ngôn sứ sau cái chết chịu đóng đinh nơi thập giá đối với người Do Thái lúc đó. Gioan Tẩy Giả đã tự xóa nhòa mình để cho Đấng cứu độ lớn lên trong lịch sử nhân loại. Lời chứng và cái chết của Ngài, đã nói lên sự thật muôn đời là Gioan đã hoàn toàn đáp trả hoàn toàn lời mời gọi của Thiên Chúa: “Ngài không sợ hãi, lớn tiếng trước mặt các vua chúa. Ngài đã hiến mạng sống cho công bình và chân lý”.
(Lm Nguyễn Hưng Lợi)

Suy niệm 5:

Ngày sinh nhật của một người lại dẫn đến cái chết của một người khác.
Nếu sự kiện xảy ra đúng như truyền thống mà Máccô nhận được và ghi lại
thì thật là khủng khiếp.
Ai có thể tưởng tượng nổi chuyện trong bữa tiệc sinh nhật của Hêrôđê,
một cô bé dám bưng mâm, trên có cái đầu vừa bị chặt của một người,
máu còn chảy ròng ròng, mắt đang nhắm hay mở?
Cô bưng và vui vẻ trao cho mẹ cô.
Mẹ cô sẽ bưng và trao cho ai cái đầu của Gioan, người mà bà căm ghét?
Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho ta một số kinh nghiệm của Hêrôđê.
Trước hết là kinh nghiệm bị giằng co giữa cái tốt và cái xấu.
Hêrôđê Antipas đã bắt ông Gioan tẩy giả và xiềng ông trong ngục.
Lý do vì Gioan đã cản trở cuộc hôn nhân sai trái của ông với Hêrôđia.
Dầu vậy Hêrôđê vẫn biết Gioan là người công chính thánh thiện,
vẫn sợ ông và che chở ông khỏi sự trả thù của Hêrôđia (cc. 19-20).
Hêrôđê còn lương tâm khi ông thích nghe Gioan nói, dù rất bối rối khi nghe.
Kế đến là kinh nghiệm về sự thiếu chín chắn của Hêrôđê khi thề hứa.
Cái gì đã xui khiến ông nói câu dại dột này với cô bé Salômê:
“Con xin gì ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được” (c. 23)?
Bầu khí cuồng nhiệt của bữa tiệc sinh nhật, hay điệu vũ đẹp mê hồn,
hay rượu đã ngà ngà say, hay muốn chứng tỏ mình đầy quyền lực?
Hay sự cộng hưởng của mọi yếu tố trên?
Có những lời nói vội vã mà sau đó ta phải hối tiếc và trả giá.
Cuối cùng là kinh nghiệm về sự mất tự do trước khi quyết định.
Khi cô bé xin cái đầu của Gioan, Hêrôđê hẳn đã sửng sốt ngỡ ngàng.
Ông buồn hết sức vì mình đã lỡ thề hứa như vậy (c. 26).
Ông có thể rút lại lời đã nói không? Dĩ nhiên là có.
Nhưng nỗi sợ đã khiến ông không dám làm.
Sợ từ chối cô bé, làm cho cô buồn và mẹ cô nổi giận,
sợ bị mang tiếng là nuốt lời trước mặt bá quan văn võ.
Nói chung ông sợ mất danh dự của mình, mất thiện cảm của người khác.
Bởi vậy, dù Hêrôđê thấy việc giết Gioan là điều sai trái,
ông vẫn không dám xin rút lại lời thề thiếu suy xét của mình.
Cần can đảm để giữ lời hứa, nhưng có khi cần can đảm hơn để không giữ.
Danh dự hão của Hêrôđê được mua bằng máu của một vị ngôn sứ lớn.
Hêrôđê đã can dự vào cái chết của Gioan.
Ông chịu áp lực từ khách dự tiệc và mẹ con Hêrôđia.
Philatô đã can dự vào cái chết của Đức Giêsu.
Ông này chịu áp lực từ dân chúng và các thượng tế.
Cả hai ông đều không có tự do, không có can đảm để tha cho người vô tội.
Cả hai ông đều nghĩ đến mình, cái ghế của mình, danh dự của mình.
Quyền lực được sử dụng như bạo lực, khiến người lành phải chết oan.
Chúng ta xin cho mình luôn có tự do, để mọi quyết định phù hợp với ý Chúa.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Đấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép Rửa.
Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.
Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.
Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.