Dân Chúa Âu Châu

Yêu thương trong cầu nguyện và sửa lỗi nhau.

Thứ tư tuần 19 thường niên.

"Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em".

Lời Chúa: Mt 18, 15-20

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

"Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ.
"Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy niệm 1: Cầu nguyện.

“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là anh em mình. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa với Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thi hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” (Mt. 18, 15-17)
Thật dễ dàng tố cáo Giáo Hội nghiêm khắc với các tín hữu, dựa vào luât khắt khe để phạt vạ tuyệt thông họ. Nhưng ta hãy nghĩ lại xem không phải Giáo Hội đoạn tuyệt, mà tại người đó từ chối vâng theo lời Thiên Chúa và Giáo Hội, họ làm tôi cho thần thế gian.
Trong Giáo Hội, ai từ chối vâng lời, kẻ ấy tự lìa bỏ Giáo Hội. Ai từ chối vâng lời Giáo hội là hội có quyền gải thích về Thiên Chúa thì kẻ ấy lìa bỏ Thiên Chúa.
Sự bất đồng.
Thật rõ ràng kẻ tội lỗi từ chối vâng theo luật Chúa. Luật Chúa không phải là cái ách, nhưhg là phương thế tình yêu giúp sống trung thành với Thiên Chúa. Vì tội lỗi, tôi từ bỏ Thiên Chúa, chứ không phải Thiên Chúa vứt bỏ tôi, đoạn tuyệt với tôi. Tình yêu của Ngài luôn luôn theo tôi. Sao tôi không gắn bó vời Thiên Chúa, sao tôi chối bỏ Ngài, khinh chê Ngài?
Giáo Hội có thể nhiều lần cảnh giác, khi dùng đe dọa phạt vạ tuyệt thông là để nhắc nhở ta đừng đi vào lầm lạc, làm xa lìa Thiên Chúa. Giáo Hội biết rõ sự nguy khốn. Giáo Hội cảnh giác, giữ gìn, đề phòng cho ta.
Nếu tôi phạm luật đi đường, không phải lỗi của nhà lập luật, phải nhắc nhở ta giữ trật tự, hơn nữa muốn ta gắn bó với hợp đồng chung. Tôi phải chịu trách nhiệm công dân.
Đồng tâm.
Hai câu sau của đoạn Tin Mừng hôm nay, nhắc nhở một sự thực mà người ta thường quên. Không chỉ cùng nhau cầu nguyện mà hơn nữa phải hợp nhất cùng nhau, phải đồng tâm cầu nguyện hướng về một đối tượng. Điều đó rất khó vì ngay trong một gia đình, giữa bạn hữu cũng khó có sự đồng tâm cầu xin về điều này điều kia, ngay cả trong Giáo Hội đôi khi phải ngạc nhiên chẳng nhận được điều chúng ta cầu xin! hãy đồng tâm nhất trí! Một lệnh truyền tốt đẹp…
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
J.M
Suy niệm 2:
Bài giảng về Giáo Hội
Từ thứ hai sau Chúa Nhật X Thường Niên, lịch phụng vụ của Giáo Hội mời gọi chúng ta lắng nghe Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu. Như chúng ta đều biết, Thánh sử Mát-thêu thuật lại năm bài giảng lớn của Đức Giê-su : « Bài Giảng Trên Núi » (Mt 5-7), bài giảng về sứ mạng loan báo Tin Mừng (Mt 10), bài giảng bằng các dụ ngôn (Mt 13), bài giảng về tương quan giữa các thành viên trong Giáo Hội (Mt 18) và bài giảng về thời cánh chung (Mt 24-25).

Trong tuần này, kể từ thứ hai đến thứ năm, chúng ta bắt đầu lắng nghe bài giảng thứ tư của Đức Giê-su về tương quan của chúng ta với nhau trong đời sống Giáo Hội : vấn đề ai là người lớn nhất (bài Tin Mừng hôm qua) ; vấn đề sửa lỗi, quyền bình và cầu nguyện (bài Tin Mừng hôm nay) ; và vấn đề tha thứ cho nhau (bài Tin Mừng ngày mai, theo mùa thường niên).

Bài giảng về Giáo Hội kết thúc, hay đúng hơn là hướng tới, với lời mời gọi tha thứ cho nhau đến « bảy mươi lần bảy » ; và sự tha thứ vô hạn chúng ta được mời gọi trao ban cho nhau đặt nền tảng và hướng tới chính ơn tha thứ vô hạn của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh. Như thế, chính Thiên Chúa yêu thương và bao dung chúng ta trước, nên con tim chúng ta mới được tái tạo để có thể yêu thương và bao dung nhau, và để có thể ứng xử với nhau như lời dạy của Đức Giê-su về Giáo Hội.

Quyền bính và hoán cải
Ngay trước đó, Đức Giê-su đã trao quyền « tháo cởi và cầm buộc » cho chính thánh Phê-rô, với tư cách là « Đá Tảng » : « Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy » (Mt 16, 19). Nhưng ở đây, quyền bính này, được Người phát biểu với cùng những từ ngữ, lại được trao cho nhóm, nghĩa là cho Giáo Hội :

Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.

(Mt 18, 18 ; x. Ga 20, 23)

Việc thi hành quyền bính được thực hiện vừa bởi một người và vừa bởi cả nhóm ; như thế, sự quân bình được hình thành. Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi vượt qua bình diện tổ chức và quyền bính để nhận ra sự tin tưởng mà Đức Ki-tô đặt để nơi Giáo Hội, vì quyền ở trên trời, nhưng lại được trao hết cho những con người mỏng dòn ở dưới đất! Sự tin tưởng thật trọn vẹn, trọn vẹn đến độ trời và đất như trở nên một. Vấn đề là Giáo Hội thi hành quyền bính theo năng động nào, của trời cao được thể hiện nơi ngôi vị và nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, để giáo huấn, làm cho lớn lên và cứu sống, hay theo năng động của đất thấp, nghĩa là thế gian, sự dữ, ma quỉ, để lên án, loại trừ và giết chết.

Một cách cụ thể khi phải đối diện với một thành viên phạm tội, là điều không thể tránh được trong đời sống đức tin của Giáo Hội: “Nếu người anh em trót phạm tội”. Nhưng thay vì dùng quyền để lên án và loại trừ, Đức Giê-su mời gọi sửa lỗi người anh em: “anh hãy đi sửa lỗi nó”. Và Đức Giê-su đề nghị cả một tiến trình rất sư phạm để giúp tội nhân hoán cải: ban đầu là cuộc gặp gỡ riêng tư và huynh đệ giữa hai người; tiếp đến, nếu tội nhân không nghe, thì thêm một hay hai người nữa; và cuối cùng, nếu tội nhân vẫn không nghe, thì Hội Thánh mới can thiệp. Và nếu tội nhân cũng chẳng nghe Hội Thánh, thì như Đức Giê-su nói: “hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”; bị coi là “người ngoại hay người thu thuế”, theo cách nói của Do thái giáo, điều này có nghĩa là, người này không còn thuộc về cộng đồng.

Nhưng thực ra, khi từ chối lắng nghe lời khuyên bảo đến ba lần, tội nhân đã quyết định tự loại mình ra khỏi Hội Thánh rồi. Như thế, quyền bính chỉ được dùng đến khi giải pháp đối thoại trong kiên nhẫn và đức mến đã đi tới cùng và bị từ chối.

Quyền bính và cầu nguyện
Trong bài Tin Mừng, khi nói về đời sống Giáo Hội, Đức Giê-su còn nói đến bầu khí hiệp nhất trong lời nguyện xin và lời đáp trả chắc chắn của Thiên Chúa Cha, Đấng ngự trên trời:

Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho.

Lời của Đức Giê-su vừa mang lại cho chúng ta niềm hi vọng khi nguyện xin, và vừa làm cho chúng ta nhận ra rằng, điều làm đẹp lòng Thiên Chúa, chính là bầu khí hiệp nhất trong cầu nguyện và nhờ cầu nguyện, vì chúng ta được dựng nên là một như Thiên Chúa là một ; và Đức Giê-su cũng cầu nguyện và làm tất cả mọi sự để cho chúng ta nên một : « Xin cho họ nên một, như chúng ta là một ». Xin Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta biết kiên nhẫn cùng nhau nguyện xin và hướng chúng ta tới những ơn xin làm đẹp lòng Chúa Cha, nhất là những ơn xin làm cho chúng ta nên một, như Người dạy chúng ta trong kinh Lạy Cha.

Tuy nhiên, vì lời giáo huấn của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay hướng tới việc cầu nguyện, chúng ta có thể hiểu lời của Đức Giê-su về « lời nguyện chung » còn phải là nền tảng của việc thi hành quyền bính, nhất là thi hành quyền bính trong việc sửa lỗi nhau cho nhau. Như thế, quyền bính không chỉ nhường bước cho đối thoại huynh đệ, nhưng còn phải được thực hiện, từ đầu đến cuối, trong cầu nguyện. Và cả khi tội nhân đã bị loại trừ khỏi cộng đồng, Giáo Hội vẫn được mời gọi kí thác người anh em cho lòng thương xót của Thiên Chúa và vẫn được mời gọi cầu nguyện cho người anh em ấy, tương tự như khi Người mời gọi chúng ta cầu nguyện cho kẻ thù (x. Mt 5, 43-48).

Và trong mọi sự, nhất là trong việc thi hành quyền bính, để mời gọi hoán cải trong bầu khi cầu nguyện, Đức Giê-su mời gọi Giáo Hội « họp lại nhân danh Thầy ». « Nhân danh Thầy », có nghĩa là, trong đời sống đức tin, Giáo Hội và từng người chúng ta được mời gọi, không chỉ nhân danh Đức Ki-tô bằng lời nói, nhưng còn mặc lấy tâm tình của Đức Ki-tô. Chính khi đó, như Đức Giê-su nói :

Thầy ở đấy, giữa họ.

Như thế, ở mức độ tận cùng và sâu xa nhất, Giáo Hội được mời gọi để cho Đức Ki-tô tiếp tục hiện hiện, lên tiếng và hành động ở giữa loài người chúng ta, để tha thứ, chữa lành, giải thoát và tỏ bày tình yêu đến cùng của Thiên Chúa Cha, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Suy niệm 3: SỬA LỖI CHO ANH

Sửa lỗi là khó. Khó là vì không ai muốn nhận lỗi về mình, và nếu có nhận ra lỗi của mình thì cũng khó chấp nhận sửa sai vì cái “tôi” quá lớn.

Nguyên nhân chính là sự bảo thủ nên dễ nhận thấy lỗi của người khác hơn là lỗi của mình, còn người khác thì dễ nhận ra lỗi của mình hơn là lỗi của họ.

Như vậy, nói về vấn đề sửa lỗi là chuyện rất khó! Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại bảo các môn đệ hãy đi sửa lỗi cho anh em!

Tâm tình mà Đức Giêsu muốn các môn đệ phải có trong khi sửa lỗi cho người khác là: yêu thương chân tình, tôn trọng, tế nhị, kiên trì và cầu nguyện. Làm được như thế thì mới thành công.

* Sửa lỗi nhau trong yêu thương chân tình: khi muốn sửa lỗi cho người khác, chúng ta phải luôn tâm niệm rằng: lỗi của người anh em đôi khi cũng là lỗi của chính mình. Và có lúc lỗi của mình còn nặng hơn của họ. Có thế, chúng ta mới dễ thông cảm, nhẹ nhàng và bao dung.

* Sửa lỗi trong tâm sự nhẹ nhàng, kín đáo: hãy đến với anh em bằng những lời nói nhẹ nhàng, đầy tình nghĩa trong sự yêu thương: “Một mình anh với nó mà thôi”.

* Sửa lỗi trong tôn trọng: khi sửa lỗi cho nhau mà thiếu đi sự tôn trọng thì chỉ còn những lời chỉ trích, nguyền rủa. Có được sự tôn trọng, chúng ta sẽ nhẹ nhàng, khiêm tốn khi sửa lỗi.

* Sửa lỗi trong sự tế nhị: thường những người phạm tội luôn mang hai trạng thái, một là tự ái, hai là mặc cảm, xấu hổ. Vì thế, nếu không tế nhị thì sẽ dễ dẫn đến thất bại và đào thêm hố ngăn cách cho anh chị em, làm cho sự việc trở nên trầm trọng hơn. Vì thế, cần phải tế nhị và kín đáo.

* Sửa lỗi trong kiên trì: thi hành việc sửa lỗi là cả một quá trình. Chuyện liên quan đến toàn thể con người, nó đụng đến tận gốc rễ của cái“tôi”, vì thế, không phải là chuyện làm một lần là xong. Hãy nhớ lại sự kiên trì của thánh nữ Mônica với thánh Âutinh con của ngài!

* Sửa lỗi trong cầu nguyện: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”.Mọi chuyện sẽ trở thành “công dã tràng” nếu không biết cậy dựa vào ơn Chúa. Đời sống cầu nguyện, kết hợp với hy sinh là điều quan trọng để quyết định thành công hay thất bại. Chúng ta nên nhớ rằng: sửa lỗi là việc của chúng ta, nhưng kết quả là việc của Chúa. Tự thân, chúng ta không có khả năng để thay đổi người khác.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết ý thức mình cũng là con người bất toàn nên cần đến ơn Chúa trợ giúp. Đồng thời, xin cũng cho chúng con ý thức rằng: Chúa luôn muốn chúng con cộng tác với Chúa trong việc thánh hóa anh chị em bằng việc sửa lỗi cho nhau trong tình thương. Amen.

Suy niệm 4:

Trong Giáo hội ngay từ thuở ban đầu, đã có những người sai lỗi.
Nếu đó chỉ là những sai lỗi nhỏ giữa các cá nhân trong cộng đoàn
thì cần tha thứ cho nhau (Lc 17, 3-4).
Nhưng nếu đó là những sai lỗi nghiêm trọng đụng chạm đến cộng đoàn,
vô tình hay cố ý sống ngược với giáo huấn căn bản của Đức Giêsu,
thì cộng đoàn không thể nhắm mắt làm ngơ
mà không sửa sai cho người anh em phạm lỗi.
Bài Tin Mừng hôm nay phản ánh cách sửa lỗi trong cộng đoàn thánh Mátthêu.
Người phạm lỗi nặng ở đây vẫn được gọi là người anh em (c. 15).
Tiến trình sửa sai huynh đệ này diễn ra từ từ, từng bước một.
Bước này thất bại mới chuyển qua bước kế tiếp.
Bước một là cuộc gặp gỡ kín đáo giữa người sửa lỗi và người phạm lỗi.
Mục đích là để giúp người phạm lỗi biết lắng nghe lời góp ý chân tình,
nhận ra lỗi của mình và thay đổi cuộc sống cho phù hợp.
Bước hai diễn ra khi bước một thất bại, khi người phạm lỗi không chịu nghe.
Người sửa lỗi sẽ đem theo hai, ba người nữa để tăng sức thuyết phục.
Nếu người phạm lỗi vẫn khăng khăng không nghe,
thì bước kế tiếp là phải đưa chuyện này ra trước Giáo hội địa phương (c. 17).
Bước cuối cùng chỉ xảy ra khi người anh em ấy vẫn ngoan cố,
không muốn nghe tiếng nói của cộng đoàn Giáo hội,
nghĩa là tự đặt mình ra ngoài sự hiệp thông với cộng đoàn tín hữu,
thì Giáo hội đành lòng không nhận anh ấy như phần tử của Giáo hội nữa.
Có thể ngày nay Giáo hội có những cách sửa lỗi khác,
nhưng những nét dưới đây vẫn giữ nguyên giá trị:
coi người phạm lỗi như anh em và không muốn mất người ấy,
kiên trì đối thoại, cố gắng để người anh em ấy nghe ra và nhận lỗi,
kín đáo giữ thanh danh cho người ấy, đi từng bước trước khi quyết định.
Ngay cả khi Giáo hội đã đưa ra quyết định cuối cùng,
thì việc trở lại với cộng đoàn vẫn luôn mở ngỏ, nếu người ấy muốn làm hòa.
Đức Giêsu phục sinh đã cho Giáo hội dưới quyền thánh Phêrô
được quyền tháo cởi và ràng buộc (Mt 16, 19b; Ga 20, 23)
khi phải đưa ra các quyết định về những phần tử của mình (c. 18).
Sự hiện diện của những nhóm nhỏ trong cộng đoàn là điều có từ xưa.
Tuy nhóm chỉ có hai người, nhưng nếu họ đồng lòng xin một ơn nào đó,
thì Cha trên trời sẽ ban cho (c. 19).
Có nhóm hai hay ba người hội họp với nhau nhân danh Đức Giêsu,
thì Ngài có mặt ở trong cuộc gặp gỡ đó, và Ngài ở giữa họ (c. 20).
Đức Giêsu là Đấng Emmanuen, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1, 23).
Đức Giêsu phục sinh cũng hứa ở với các môn đệ cho đến tận thế (Mt 28, 20).
Chính vì thế Ngài hiện diện một cách kín đáo, thầm lặng
nơi những cuộc hội họp nhỏ bé nhất giữa các tín hữu.
Thiên Chúa đã đi với dân Ngài trong hoang địa.
Hôm nay Chúa Giêsu vẫn đồng hành với chúng ta khi ta để cho Ngài quy tụ.
Ngài vẫn hiện diện ở nơi nhóm bạn có chung một niềm tin và tình yêu.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,
cuộc đời chúng con diễn ra quanh những chiếc bàn,
làm bằng những chất liệu khác nhau,
kiểu dáng khác nhau, đặt ở những chỗ khác nhau.
Nơi bàn học,
Ngài mở trí tuệ chúng con
trước những chân trời mới,
và dạy chúng con học đạo làm người.
Nơi bàn ăn,
Ngài nuôi dưỡng thân xác chúng con
để chúng con có sức phục vụ tha nhân.
Nơi bàn làm việc,
Ngài cho chúng con được cộng tác với Ngài
trong việc xây dựng thế giới đại đồng huynh đệ.
Nơi bàn thờ,
Ngài cho chúng con được hiệp thông với Ngài,
và hiệp nhất với nhau qua một tấm bánh thánh.
Lạy Chúa,
giờ đây chúng con ngồi quanh chiếc bàn này,
để gặp gỡ, chia sẻ, để bàn bạc, thảo luận,
để cùng nhau tìm ý Chúa và đem ra thực hành.
Xin thánh hóa những chiếc bàn chúng con sử dụng
để tất cả trở nên con đường
đưa chúng con đến hưởng bàn tiệc thiên quốc. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.