Dân Chúa Âu Châu

Chúa Ði Trên Biển.

Thứ ba tuần 18 thường niên – Thánh Đaminh, linh mục. Lễ nhớ.

"Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy".

* Thánh nhân sinh quãng năm 1170, tại Ca-lê-ru-ê-ga, Tây Ban Nha. Người học thần học tại Pa-len-xi-a rồi làm kinh sĩ giáo phận Ốt-ma. Trước hết, người quy tụ một số phụ nữ về sống tại Pơ-rô-vin-lơ (Pháp), theo một tu luật, rồi sau người lập Dòng Anh Em Thuyết Giáo tại Tu-lu-dơ để đối lại lạc giáo Ca-tha. Chính người đã chiến đấu với lạc giáo bằng lời giảng thuyết, bằng gương sáng và đã thu hoạch được kết quả khả quan. Người muốn các anh em trong Dòng phải sống khất thực, và lời giảng dạy phải xuất phát và được nuôi dưỡng bằng chiêm niệm. Người đã đặt trung tâm Dòng ở Rôma trước khi qua đời ở Bô-lô-nha ngày 6 tháng 8 năm 1221.

Lời Chúa: Mt 14, 22-36


Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.
Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: "Ma kìa" và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ". Phêrô thưa lại rằng: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". Chúa phán: "Hãy đến". Phêrô xuống khỏi thuyền bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: "Lạy Thầy, xin cứu con". Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: "Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?" Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa!"
Khi đã sang qua biển hồ, các ngài lên bộ và ghé vào Ghênêsarét. Nhận ra Ngài, dân địa phương liền loan tin đi khắp cả vùng xung quanh, và người ta đem đến cho Ngài hết mọi kẻ ốm đau. Họ nài xin Ngài cho họ rờ đến tua áo choàng của Ngài thôi, và ai đã rờ đến thì đều được chữa lành.

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy Niệm 1: Chúa Ði Trên Biển
Thiên Chúa tỏ ra là một nhà giáo dục đại tài: Ngài luôn tôn trọng tư tưởng, dự định của con người, nhưng với thời gian và qua dòng lịch sử, Ngài thanh lọc, kiện toàn những gì không phù hợp với Nước Trời. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người cũng đi theo đường lối đó, như chúng ta có thể thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.
Sau khi cho dân chúng ăn no, Chúa Giêsu buộc các môn đệ lên đò sang bờ bên kia. Giải tán dân chúng xong, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện một mình. Các môn đệ vâng lời Thầy ra đi, nhưng có lẽ các ông không được hài lòng. Các ông đã hết sức kiên nhẫn chờ đợi ngày Chúa Giêsu làm vua, cơ hội đó hôm nay đã đến, nhưng Chúa lại từ chối. Không những bỏ lỡ cơ hội, Chúa còn ra lệnh cho các ông lập tức rời bỏ hiện trường. Bất mãn, chán nản và mệt nhọc làm cho các ông ngã lòng. Chúa Giêsu biết rõ tâm trạng của các ông, không những bằng ánh mắt và bằng cả cõi lòng khi Ngài cầu nguyện trên triền núi. Ngài thấy các ông chèo chống ngược với sóng gió và ngược với cả ý muốn. Chính lúc đó, Ngài đi trên mặt biển để đến với các ông. Ngài đã làm như thế để các ông hiểu rằng Ngài có quyền năng trên các tạo vật, Ngài có chương trình của Ngài và Ngài sẽ thực hiện chương trình ấy khi giờ của Ngài đến.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đặt tất cả niềm tin vào quyền năng của Chúa. Ngài có chương trình cho mỗi người chúng ta. Ðiều quan trọng không phải là chúng ta bắt Thiên Chúa làm theo ý chúng ta, để rồi khi không được như ý nguyện, chúng ta tỏ ra buồn phiền, than trách Chúa. Trái lại, chúng ta hãy đặt hết tin tưởng vào Chúa, Ngài vẫn hiện diện để sẵn sàng cứu giúp chúng ta. Hãy phó thác vào quyền năng yêu thương của Ngài và như thế tâm hồn chúng ta sẽ được bình an.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 2: Ðừng Sợ
Biến cố Chúa đi trên mặt biển cũng được tường thuật nơi Phúc Âm thánh Maccô chương 6 và nơi Phúc Âm thánh Gioan chương 6, nhưng nơi Phúc Âm thánh Mátthêu thì có thêm chủ ý hành văn của tác giả và ý định trình bày một cái nhìn. Các nhà chú giải đồng ý có ba phương diện giúp dễ hiểu đoạn Phúc Âm này hơn:
- Bình diện thứ nhất là bình diện của biến cố khi được tường thuật.
- Bình diện thứ hai là bình diện thần học về việc Chúa mạc khải Thần Khí của Người.
- Bình diện thứ ba là ý nghĩa xã hội học của biến cố.
Trước hết, về bình diện tường thuật biến cố thì câu chuyện được kể đơn sơ, dễ hiểu: "Sau biến cố bánh hóa nhiều, Chúa Giêsu truyền cho các tông đồ xuống thuyền sang bờ bên kia. Còn Người thì ở lại giải tán dân chúng, rồi lên núi cầu nguyện. Ðến khuya, Chúa đi trên mặt biển đang bị động để đến với các tông đồ".
Nhưng nếu nhìn biến cố trong viễn tượng việc Chúa mạc khải chính mình thì biến cố mang một đặc điểm mới. Chúa Giêsu có quyền trên mọi biến cố thiên nhiên. Câu nói của Chúa: "Thầy đây, đừng sợ!" nhắc lại công thức Thiên Chúa mạc khải chính mình bằng lời quả quyết: "Ta là Ðấng Ta là".
Ý nghĩa xã hội học được trình bày qua hình ảnh con thuyền tượng trưng cho Giáo Hội Chúa. Thuyền gặp bão, Giáo Hội Chúa gặp thử thách. Nhưng Chúa Giêsu không để cho các tông đồ một mình chống lại với bão táp, không thể để cho Giáo Hội một mình gặp thử thách: "Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". Chúa muốn cho các tông đồ luôn kiên trì trong đức tin, đừng lo sợ mê man. Chúa đến với các tông đồ, Chúa đến với Giáo Hội trong cơn thử thách. Chúng ta hãy để cho Chúa đến với chúng ta và hiện diện với chúng ta mãi mãi.
Lạy Chúa, Ðấng đã kêu gọi mọi người "Ðừng sợ".
Xin thương củng cố đức tin chúng con trong những lúc gặp gian nan thử thách.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 3: Tôi Tin
Thấy Người đi trên mặt biển các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên. Đức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm chính Thầy đây đừng sợ!” Ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Đức Giêsu bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” (Mt. 14, 26-30)
Phêrô
Mọi chú ý đổ dồn vào một nhân vật: Phêrô. Ông là tông đồ thứ nhất. Ông nói, làm nhân danh các bạn khác. Hơn nữa, ông là người thứ nhất trong các kẻ tin. Ông tỏ vẻ rất linh hoạt và diễn xuất niềm tin xuất sắc. Ông mạnh mẽ và hiên ngang tuyên bố những lời kêu gọi và lôi cuốn con người. Đó là khát vọng sâu xa hướng về mình, ở bên mình, ở với mình. Đó là bước đường dẫn tới hố sâu vì được người ta tin cậy và yêu mến. Thế rồi, khi lòng tin cậy yếu đuối, lập tức kéo theo sự mất sức căn bản và những nguy khốn tứ bề ập tới làm mình run sợ mất lòng trông cậy. Lúc đó mình là mồi ngon cho các thế lực đe dọa, nếu mình không tìm ngay đến bàn tay của Thầy đến cứu vớt. Có lòng trông cậy, có lòng tin, nhưng quá hèn mọn, quá yếu ớt thì đừng bo bo cậy mình. Chỉ có đức tin vô điều kiện mới mong dẫn dắt các bạn một cách chân chính mà thôi. Điều xảy ra với tông đồ thứ nhất là Phêrô, luôn là gương mẫu cho tất cả những kẻ tin tưởng.
Giáo Hội
Giáo hội toàn thể luôn luôn ở trước tôn nhan Đức Giêsu. Giáo hội đã được bảo đảm thắng vượt mọi gian nan thử thách, có đủ khả năng thoát khỏi mọi nguy biến. Giáo hội biết mình được bảo đảm không bao giờ bị đắm chìm tan biến theo chiều dài của lịch sử ở điều kiện nắm vững đức tin.
Một đức tin đơn sơ
Những câu cuối cùng của đoạn Tin mừng này nhắc nhở chúng ta bài học về Phêrô bước đi trên mặt biển: một bài học về đức tin đơn sơ, không giải thích. Một đức tin biểu lộ bằng cử chỉ, bằng chỉ cần động đến gấu áo Chúa, nhưng đã diễn tả mọi rung động của con tim. “Nếu anh không trở nên trẻ nhỏ…”. Nếu đức tin không như thế, chúng ta phức tạp hóa đức tin của chúng ta, đức tin sẽ mất sức mạnh, mất sức sống! Ước chi chúng ta hãy hết lòng nói với Chúa: “Lạy Chúa, con tin”.
JM

Suy niệm 4:

Bài Tin Mừng hôm nay là một loạt những kinh nghiệm thiêng liêng.
Có thể chúng ta ít nhiều đều đã có những kinh nghiệm này.
Thầy Giêsu là một nhà giáo nhân từ và cương quyết.
Ngài giáo dục các môn đệ bằng cách đưa họ vào những kinh nghiệm.
Kinh nghiệm bị Thầy bắt buộc phải qua bờ bên kia (c. 22),
dù họ rất muốn ở lại bờ bên này để nếm dư vị của thành công vừa rồi.
Sau phép lạ nhân bánh, người ta định tôn Thầy lên làm vua (Ga 6, 15).
Chỉ cần Thầy gật đầu là trò được chia sẻ tiếng tăm và quyền lực.
Các môn đệ đã bị ép lên thuyền, ngay lập tức, lúc chạng vạng tối.
Kinh nghiệm bị sóng đánh vì ngược gió.
Thuyền đã xa bờ mấy cây số, tiến tới không được, lùi lại cũng không xong.
Vào lúc khó khăn ấy lại không có Thầy ở trong thuyền.
Hầu như suốt đêm các môn đệ phải vất vả chèo chống với sóng gió.
Họ phải tập chiến đấu trong đêm tối khi không có Thầy ở bên.
Họ có nghĩ quyết định của Thầy là sai lầm, vội vã không ?
Kinh nghiệm hốt hoảng, sợ hãi và được trấn an.
Mãi đến lúc gần sáng, Thầy Giêsu mới đi trên biển mà đến với các môn đệ.
Ngài đến khi họ chưa thấy rõ mặt Ngài.
Ngài đến vào lúc bất ngờ và đến theo cách bất ngờ, khiến họ khiếp kinh.
Ngài đến đem bình an mà họ tưởng là ma quái đe dọa (c. 26).
Quả thật có những lúc không dễ nhận ra là Chúa đang đến với mình.
Chúa đến làm các môn đệ sợ hãi hơn cả sóng gió.
Nhưng “Cứ yên tâm, chính Thầy đây. Đừng sợ !” (c. 27).
Kinh nghiệm tự đưa mình vào một thách đố của lòng tin.
Một mặt Phêrô vẫn chưa tin trọn vẹn khi nói câu: Nếu quả là Thầy…(c. 28).
Nhưng mặt khác ông lại rất táo bạo khi dám xin ơn đi trên mặt nước.
Ông coi đó là cách thức chắc chắn nhất để biết có phải là Thầy không.
Nếu đúng là Thầy thì Thầy cũng có thể cho mình làm được như Thầy.
Chỉ cần Thầy truyền lệnh là đủ, Phêrô tin như thế.
Kinh nghiệm đi trên mặt nước và kinh nghiệm bị chìm.
Khi được Thầy cho phép, Phêrô đã dám từ thuyền bước xuống biển động.
Và ông đã đi được một quãng không rõ bao xa (c. 29).
Mặt nước cứng như đá hay người ông trở nên nhẹ bổng?
Bây giờ thì đúng là Thầy rồi, chỉ Thầy mới cho mình làm được như Thầy.
Phêrô sung sướng tiến về phía Thầy với lòng tin đang lớn lên.
Nhưng khi gặp gió thổi mạnh thì ông lại sợ, lại hoài nghi, yếu tin.
Ông mất tập trung vào sự hiện diện quyền năng của Thầy và bị chìm.
Người ta có thể bị chìm ngay khi biết Chúa ở trước mặt.
Kinh nghiệm được Thầy nắm tay mà dắt vào thuyền.
Khi Phêrô kêu cứu, Thầy Giêsu đã giữ ông khỏi bị nước nuốt chửng.
Sau đó hẳn hai Thầy trò đã cùng nhau đi trên sóng mà về thuyền.
Khi cả hai lên thuyền thì gió lặng, chẳng cần Thầy phải dẹp yên sóng gió.
Các kinh nghiệm môn đệ vừa trải qua thật kinh khủng và gần gũi với ta.
Buồn bực, sợ hãi, căng thẳng, bình an, nghi ngờ, chới với, hạnh phúc.
Đời Kitô hữu là một chuỗi những kinh nghiệm như thế.
Chúng ta tưởng Chúa bỏ rơi, Chúa vắng mặt, Chúa là ma làm ta sợ hãi.
Đơn giản Chúa là Thầy biết cách làm ta trưởng thành qua kinh nghiệm.
Cuối cùng chúng ta sẽ nhìn nhận: “Quả thật Thầy là Con Thiên Chúa” (c. 33).

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,
con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô,
nhưng nhiều khi con cảm thấy
sống đức tin giữa lòng cuộc đời
chẳng khác nào đi trên mặt nước.
Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.
Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.
Cả sự nặng nề của thân xác con
cũng kéo ghì con xuống.
Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng.
Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.
Xin cứu con khi con hầu chìm.
Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.
Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con,
để con trở nên nhẹ tênh
mà bước những bước dài hướng về Chúa. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

1/ THÁNH ĐAMINH
Mỗi vị thánh đều có những nét đặc biệt trong cuộc sống làm người, trong cuộc sống dấn thân theo Chúa Kitô. Thánh Phanxicô khó khăn sống một cuộc đời nghèo tột cùng để làm chứng cho Chúa Kitô. Thánh Anphongsô rao giảng Tin Mừng cho những linh hồn bơ vơ tất bạt. Còn thánh Đaminh, Giáo Hội tôn kính hôm nay ngoài những nhân đức tuyệt hảo là trở nên giống Chúa Kitô, thánh nhân còn lừng danh là một vị thánh của kinh mân côi.
Thánh Đaminh được sinh ra trong một gia đình quí tộc. Cuộc đời của Ngài có nhiều triển vọng sẽ trở nên một người có công danh, có địa vị trong xã hội.
Thánh nhân mở mắt chào đời tại Tây Ban Nha vào năm 1170. Ngay từ nhỏ dù gia đình giầu sang phú quí, ăn uống dư thừa, thánh nhân đã có lòng đạo đức và sốt sắng hãm mình để sống kết hợp với Chúa Giêsu trong sa mạc. Ngài có đức tính cương trực,khẳng khái, thích làm việc có lớp lang, khoa học, hệ thống. Thánh nhân luôn chú tâm đến việc trau dồi kiến thức, văn hóa chuẩn bị cho bước đường tương lai. Con đường Chúa dẫn dắt Đaminh quả thực diệu kỳ. Ngài thụ phong linh mục triều để coi xứ, rồi lên chức kinh sĩ. Chúa đưa Đaminh hết nẻo đường này tới nẻo đường khác, Ngài như nghe được tiếng gọi từ đáy thâm sâu tâm hồn: ra đi truyền giáo cho các bộ lạc bên nước Nga. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu, Đức Giáo Hoàng Innocentê III lại sai Ngài tới miền Toulouse, nước Pháp,nơi đang có nhiều làn sống ly giáo,lạc giáo xâm lấn,phá phách, lung lạc đức tin của nhiều người Kitô hữu. Ngài ý thức, công việc rao giảng Tin Mừng và khuyên nhủ các người lạc giáo trở về với Giáo Hội không phải là việc một sớm một chiều có thực hiện được. Nhưng nó đòi hỏi lời nói phải đi đôi với cuộc sống.
Thánh Đaminh đã lập Dòng Đaminh. Ngài cảm nghiệm sâu xa lời của Chúa: Hãy sống hiền lành và khiêm nhượng. Thánh nhân đã thúc giục các anh em của mình hăng say truyền bá Tin Mừng và sống khó nghèo như các môn đệ của thánh Phanxicô khó khăn.
Vào năm 1216, Đức thánh Cha Honoriô III đã chấp thuận và châu phê luật Dòng của Ngài. Thánh Đaminh đã luôn xác tín lời giảng dậy và cuộc sống theo 3 lời khuyên của Tin Mừng chính là linh hồn của mọi hoạt động, mọi công việc loan báo Tin Mừng. Thánh nhân chỉ được sống vỏn vẹn có 5 năm để chu toàn sứ mệnh của Đấng sáng lập Dòng.
Cuộc đời tại thế của thánh nhân là gương sáng tuyệt vời để nhiều người noi theo, bắt chước. Một trong những nét đẹp trong cuộc đời của thánh Đaminh là hy sinh và cầu nguyện. Thánh nhân đã nêu cao một đời sống hiến thân trọn vẹn cho Chúa. Ngài đã rảo quanh nhiều nước trên thế giới như Pháp, Ý và Tây Ban Nha để nhờ ơn Chúa giúp đưa vô số những người lạc giáo trở về với Giáo Hội.
Để làm được công việc đó, thánh Đaminh đã thành lập Dòng nữ Đaminh với tôn chỉ sống tuyệt đối theo 3 lời khuyên Phúc Am, đồng thời loan truyền lòng tôn sùng Đức Mẹ và truyền bá tràng chuỗi mân côi.
Thánh Đaminh đã bám chặt lấy Đức Mẹ vì Ngài hiểu Mẹ Maria ở đâu, Chúa Giêsu cũng ở đó. Kinh mân côi là sợi dây xuyên suốt để các tu sĩ nam và nữ Dònhg Đaminh bền dỗ trong ơn gọi tận hiến của mình. Thánh nhân đã truyền bá lòng sùng kính Đức trinh nữ Maria và khuyên siêng năng lần hạt mân côi. Biết bao nhiêu người đã gặp được Chúa, ăn năn trở lại, sám hối nhờ tôn kính Đức Mẹ và nhờ việc siêng năng lần hạt mân côi.
Ngày 6/8/1221, thánh nhân qua đời tại Bologne nước Ý. Năm 1234, Đức Thánh Cha Grêgoriô IX tôn phong Đaminh lên bậc hiển thánh. Cuộc đời của thánh Đaminh không dài lắm từ 1170-1221, thánh nhân đã để lại gương sáng tuyệt vời về đời sống dựa theo Tin Mừng và Ngài đã loan truyền cách rất thành công lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria và khuyến khích, thúc giục mọi người năng lần chuỗi mân côi vì tràng chuỗi mân côi là khí giới của sự an bình, giây bền đỗ cho con người.
Xin thánh Đaminh cầu thay nguyện giúp cho chúng con để chúng con luôn tin tưởng vào Chúa.
Xin cho chúng con luôn biết tôn sùng Đức Mẹ và siêng năng lần chuỗi mân côi để ơn bền đỗ được bảo toàn.

2/ THÁNH ĐA MINH
1. Vài dòng lịch sử

Thánh Đaminh sinh tại Castile nước Tây Ban Nha, năm 1170.

Ngay từ lúc còn nhỏ, thánh nhân đã mến mộ sự học hành, cầu nguyện, hãm mình, sống khắc khổ và yêu thương người nghèo. Mỗi ngày đều có giờ nhất định để cầu nguyện và ngài ăn chay hãm mình luôn. Ngày kia có người đến xin Ngài giúp đỡ để chuộc lại đứa em bị bắt, ngài không còn tiền cho người ấy, vì đã bố thí hết, nên nói:

- Tôi không còn tiền, nhưng này chị hãy dẫn tôi nộp cho người ta, để chuộc em chị về.

Người này không thể chấp nhận được đề nghị đó, nhưng lòng hết sức cảm phục sự hy sinh cao độ của Ngài.

Vì muốn dâng mình giúp việc Chúa, nên thánh nhân được gọi đến thụ giáo với một Linh Mục ở Gumiel d‘Izan. Năm 14 tuổi, Ngài gia nhập Đại chủng viện tại Palencia. Sau khi hoàn tất việc học, Ngài được Đức cha Diégo de Azsvedo truyền chức Linh mục. Và vì thấy ngài thông minh nhân đức, nên Đức Giám mục Martin de Bazan đặt ngài làm Kinh sĩ ở Osma.

Lúc Đức cha sang Pháp lo việc mục vụ, thánh nhân được đi theo. Trong thời gian ở đây, ngài thấy tận mắt những khó khăn do bè rối Albigeois gây ra cho Hội Thánh. Họ chủ trương tất cả những gì thuộc về vật chất đều xấu xa: muốn hoàn thiện phải tận diệt vật chất, sống hoàn toàn khắc khổ. Ngài quyết định đem hết khả năng chống lại chủ trương sai lạc của họ. Nhưng nhận thấy một mình không thể đương đầu với sức bành trướng quá mạnh của họ nên ngài kêu gọi nhiều nhà truyền giáo nhiệt thành cộng tác. Đó là những người sau này sẽ trở nên tu sĩ hội dòng Ngài sáng lập, gọi là “Dòng Anh Em Thuyết Giáo”.

Một cộng tác viên của ngài kể lại:

“Đaminh có một đời sống luân lý, một lòng sốt sắng kính mến Chúa mãnh liệt, đến nỗi hiển nhiên ai cũng thấy ngài là tác phẩm của sự cao trọng và ơn thánh. Ngài có một tâm hồn bình thản đến nỗi chỉ rộn lên khi phải trắc ẩn và thương xót. Và vì tâm hồn hân hoan thì làm cho bộ mặt rạng rỡ, nên ngài cũng để lộ sự bình thản của tâm hồn ngài ra trên nét mặt hiền từ và vui tươi của Ngài.”

“Đâu đâu ngài cũng tỏ ra một con người của Tin mừng, cả trong lời nói lẫn hành động.”

“Ngài năng dâng lên Chúa lời cầu xin đặc biệt này là cho ngài được lòng bác ái chân thật, có khả năng săn sóc và đem lại phần rỗi cho người ta. Ngài nghĩ mình sẽ thật là chi thể của Chúa, nên tiên vàn mình đem hết sức lực mình ra cứu rỗi các linh hồn, giống như Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc mọi người, đã tận hiến mình để cứu chuộc chúng ta. Và chính để làm công việc ấy mà theo ý Chúa an bài sâu xa, Ngài đã lập ra “Dòng Anh Em Thuyết Giáo.”

Suốt sáu năm trời, thánh nhân dâng lời cầu nguyện, sự hy sinh kèm theo lời rao giảng kêu gọi moị người trở về với đức tin chân chính, nhưng kết quả không được bao nhiêu. Ngài buồn sầu than thở với Mẹ Maria và được Mẹ dạy bảo hãy rao giảng và cổ động mọi người lần chuỗi Môi Côi, để nhờ đó Mẹ cầu cùng Chúa cho những người lầm lạc trở về với Hội Thánh. Vâng lời Đức Mẹ, ngài đem hết khả năng truyền bá chuỗi Môi Côi, giải thích các mầu nhiệm thánh, kêu gọi mọi người thực hành việc đạo đức này. Kết quả thật là lùng! Không bao lâu, những người tội lỗi và kẻ lầm lạc ăn năn trở về với Chúa. Thánh nhân hết sức vui mừng, tạ ơn Chúa và tri ân Đức Mẹ.

Năm 1215, thánh nhân đến Rôma, xin Đức Thánh Cha Honoriô III châu phê luật dòng vào ngày 22/10/1216. Từ đó, dòng phát triển mạnh mẽ và có mặt trên khắp thế giới .

Thánh nhân qua đời tại Bologna ngày 6 tháng 8 năm 1221. Năm 1231 Đức Thánh Cha Gregoriô thứ IX đã tuyên hiển thánh cho ngài.

2. Lời trăn trối cuối cùng

“Anh em thân mến. Đây là những gì Cha để lại cho anh em để anh em giữ lấy như là người con có quyền thừa kế:

Anh em hãy sống bác ái
Hãy giữ lòng khiêm tốn
Hãy tự nguyện giữ đức thanh bần – khó nghèo.”

Đây không phải là những gì rút ra từ sách vở, mà là kết tinh của cả một cuộc sống mà chính Ngài đã nỗ lực thực hiện trong suốt một cuộc đời 51 năm – hơn một nửa thế kỷ.

Đọc kỹ cuộc đời của ngài để rút ra những nguyên tắc làm linh đạo cho cuộc đời của mình.

Xác định cho mình một vị trí rất rõ ràng: Trước Thiên Chúa, trong Giáo Hội, và bên cạnh những người khác.

A- Truớc Thiên Chúa: Như một thụ tạo, một thụ tạo cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Một thụ tạo không có gì cả. Tất cả là do Thiên Chúa ban cho.Luôn gần gũi, tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa như một người Cha-Con.

Khi được hỏi về các phương tiện phải có để đưa cuộc thánh chiến đến thành công, tại cuộc họp do thánh bộ tổ chức, Đaminh đứng dậy nói với tất cả các vị chức sắc: “Xin các ngài hãy giải tán đoàn hùng binh của các ngài đi. Hãy lội bộ qua các nẻo đường để rao giảng Tin mừng của Đức Kitô khó nghèo và bị ruồng bỏ. Tất cả bộ vó giầu sang kia chỉ làm cho các ngài tê liệt. Các Ngài mang nặng quá nên không thể được lôi cuốn vào trong cuộc chinh phục các linh hồn.”

B. Trong Giáo Hội: Như một thành viên của Gia đình Giáo Hội. Tìm mọi cách để sống mầu nhiệm Giáo Hội

C. Bên cạnh những người khác như anh em: Không coi mình như một kẻ có quyền mà coi mình như một người phục vụ. Sống đơn sơ chân thành với tất cả mọi người. Và cuối cùng là hết lòng yêu thương mọi người.

Lạy Thánh Đaminh, xin cầu cho chúng con. Amen.

3/ THÁNH ĐA MINH

Thánh Đaminh sinh tại Cát-tin nước Tây ban nha, năm 1170. Ngay từ lúc còn nhỏ, thánh nhân đã mến mộ sự học hành, cầu nguyện, hãm mình, sống khắc khổ và yêu thương người nghèo. Mỗi ngày đều có giờ nhất định để cầu nguyện và ngài ăn chay hãm mình luôn. Ngày kia có người đến xin ngài giúp đỡ để chuộc lại đứa em bị bắt, ngài không còn tiền cho người ấy, vì đã bố thí hết, nên nói:

- Tôi không còn tiền, nhưng này chị hãy dẫn tôi nộp cho người ta, để chuộc em chị về.

Người này không thể chấp nhận được đề nghị đó, nhưng lòng hết sức cảm phục sự hy sinh cao độ của ngài.

Vì muốn dâng mình giúp việc Chúa, nên thánh nhân được gọi đến thụ giáo với một linh mục ở Gumien. Năm 14 tuổi, ngài gia nhập đại chủng viện tại Palencia. Sau khi hoàn tất việc học, ngài được Đức cha Điêgô truyền chức linh mục. Và vì thấy ngài thông minh nhân đức, nên Đức Giám mục đặt ngài làm kinh sĩ ở Ốtma.

Lúc Đức cha sang Pháp lo việc mục vụ, thánh nhân được dẫn theo. Trong thời gian ở đây, ngài thấy tận mắt những khó khăn do bè rối Albigeois gây ra cho Hội Thánh. Họ chủ trương tất cả những gì thuộc về vật chất đều xấu xa: muốn hoàn thiện phải tận diệt vật chất, sống hoàn toàn khắc khổ. Ngài quyết định đem hết khả năng chống lại chủ trương sai lạc của họ. Nhưng nhận thấy một mình không thể đương đầu với sức bành trướng quá mạnh của họ nên ngài kêu gọi nhiều nhà truyền giáo nhiệt thành cộng tác. Đó là những người sau này sẽ trở nên tu sĩ hội dòng ngài sáng lập, gọi là “Dòng Anh em Thuyết giáo”.

Một cộng tác viên của ngài kể lại:

Đaminh có một đời sống luân lý, một lòng sốt sắng kính mến Chúa mãnh liệt, đến nỗi hiển nhiên ai cũng thấy ngài là tác phẩm của sự cao trọng và ơn thánh. Ngài có một tâm hồn bình thản đến nỗi chỉ rộn lên khi phải trắc ẩn và thương xót. Và vì tâm hồn hân hoan thì làm cho bộ mặt rạng rỡ, nên ngài cũng để lộ sự bình thản của tâm hồn ngài ra trên nét mặt hiền từ và vui tươi của ngài. Đâu đâu ngài cũng tỏ ra một con người của Tin Mừng, cả trong lời nói lẫn hành động… Ngài năng dâng lên Chúa lời cầu xin đặc biệt này là cho ngài được lòng bác ái chân thật, có khả năng săn sóc và đem lại phần rỗi cho người ta. Ngài nghĩ mình sẽ thật là chi thể của Chúa, nên tiên vàn mình đem hết sức lực mình ra cứu rỗi các linh hồn, giống như Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc mọi người, đã tận hiến mình để cứu chuộc chúng ta. Và chính để làm công việc ấy mà theo ý Chúa an bài sâu xa, ngài đã lập ra “Dòng Anh em Thuyết giáo”

Suốt sáu năm trời, thánh nhân dâng lời cầu nguyện, sự hy sinh kèm theo lời rao giảng kêu gọi moị người trở về với đức tin chân chính, nhưng kết quả không được bao nhiêu. Ngài buồn sầu than thở với Mẹ Maria và được Mẹ dạy bảo hãy rao giảng và cổ động mọi người lần chuỗi Môi khôi, để nhờ đó Mẹ cầu cùng Chúa cho những người lầm lạc trở về với Hội Thánh. Vâng lời Đức Mẹ, ngài đem hết khả năng truyền bá chuỗi Môi khôi, giải thích các mầu nhiệm thánh, kêu gọi mọi người thực hành việc đạo đức này. Kết quả thật lạ lùng! Không bao lâu, những người tội lỗi và kẻ lầm lạc ăn năn trở về với Chúa. Thánh nhân hết sức vui mừng, tạ ơn Chúa và tri ơn Đức Mẹ.

Năm 1215, thánh nhân đến Rôma, xin Đức Hônôriô thứ 3 châu phê luật dòng vào ngày 22/10/1216. Từ đó dòng phát triển mạnh mẽ và có mặt trên khắp thế giới.

Thánh nhân qua đời tại Bolinha ngày 6 tháng 8 năm 1221. Năm 1231 Đức Thánh Cha Grêgôriô thứ IX đã tôn phong ngài lên bậc hiển thánh.

Thánh Đaminh đã chọn vũ khí của Ngài là tình yêu Chúa, tràng chuỗi mân côi để cải hóa các tâm hồn tội lỗi. Noi gương thánh nhân, chúng ta cũng hãy xin Chúa cho chúng ta ơn biết xây dựng đời sống mình và anh chị em xung quanh trong ơn thánh Chúa và lời bầu cử của Mẹ Maria.