Dân Chúa Âu Châu

Tin nhận hay không tin nhận.

Thứ sáu đầu tháng, tuần 17 thường niên - Thánh Gioan Maria Vianê, linh mục. Lễ nhớ.

"Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc ư? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?"

* Thánh nhân sinh năm 1786 tại Lyon. Sau biết bao khó khăn gian khổ, người làm linh mục và được giao phó nhiệm vụ làm cha sở họ Ars thuộc giáo phận Benle. Người quả là vị mục tử gương mẫu: hoàn toàn lo việc loan báo lời Thiên Chúa, giải tội, cầu nguyện và hãm mình. Có nhiều lúc, khuôn mặt người rạng rỡ khác thường, nhờ tình yêu bắt nguồn từ bí tích Thánh Thể mà người đem hết lòng sốt sắng để vừa cử hành, vừa thờ phượng. Người qua đời năm 1859.

Lời Chúa: Mt 13, 54-58

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường, khiến người ta ngạc nhiên và nói rằng: "Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao? Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao? Và chị em ông, nào chẳng phải những người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?" Và họ vấp phạm đến Người.
Nhưng Chúa Giêsu phán cùng họ rằng: "Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình". Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin.

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy Niệm 1: Tâm Thức Thời Ðại
Dư luận trong giới trí thức Âu Mỹ hiện nay đang nhắc nhiều đến cuốn sách bàn về tương lai nhân loại với tựa đề: "Ngỡ Ngàng Trước Tương Lai", trong đó tác giả nói về những thay đổi nhanh chóng hiện nay trên đời sống con người khiến ông cảm thấy ngỡ ngàng. Theo tác giả thì tâm lý thường tình của con người thích những khuôn sẵn có cho cuộc sống của mình nhờ đó con người dễ ổn định và dự liệu cho những gì xảy ra. Tắt một lời, dù có khuynh hướng sống thay đổi nhưng tận thâm tâm,con người sống và suy tưởng theo những khung sẵn có, và tệ hại hơn theo điều mà chúng ta gọi là thành kiến.
Tâm thức trên đây giúp chúng ta hiểu phần nào biến cố được trình thuật trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trở về giảng dạy tại quê hương của Ngài là Nazareth, nhưng dân chúng tại đây không tin nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến. Họ đã quen với Chúa Giêsu như là con bác thợ mộc Giuse sống giữa họ từ bao năm nay, do đó giờ đây phải nhìn Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài với một tâm thức mới thì họ bị vấp phạm. Quả thật, như lời cụ già Simêon đã nói trong biến cố dâng Chúa vào Ðền thánh: Chúa Giêsu luôn luôn là dấu gợi lên chống đối; trực diện với Ngài, con người phải chọn lựa hoặc tin nhận, hoặc chối từ.
Chúng ta hãy xét lại xem đức tin của chúng ta hiện nay đối với Chúa Giêsu có còn sống động hay đã trở thành một thói quen khô khan, nguội lạnh, chỉ vì quá quen thuộc như dân làng Nazareth ngày xưa? Phải chăng cuộc sống của chúng ta đã trở thành mù quáng hoặc nô lệ cho những thành kiến đến độ không còn tin nhận Chúa và không còn bén nhạy trước tác động của ơn Chúa?
Xin Chúa tha thứ cho thái độ lạnh nhạt của chúng ta. Xin ban Thánh Thần để chúng ta nhìn thấy những dấu chỉ Chúa thực hiện trong đời sống và trong những biến cố hằng ngày để chúng ta luôn tin nhận Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 2: Nghĩa Vụ Ngôn Sứ (Mt 13,54-58)
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đào sâu về sứ vụ ngôn sứ của Chúa Giêsu mà các tín hữu Kitô đều tham dự vào. Sau một thời gian rao giảng làm phép lạ, Chúa Giêsu đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, khi trở về làng cũ, những người quen biết với Ngài lại chỉ dành cho Ngài một sự tiếp đón lạnh nhạt. Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng là ở chính quê hương mình và gia đình mình. Ðây là lần đầu tiên áp dụng cho mình tước hiệu ngôn sứ; vị ngôn sứ mà Ngài tự đồng hóa là một ngôn sứ bị ngược đãi.
Ý niệm về ngược đãi và ngay cả bị bách hại được Chúa Giêsu nhiều lần nhắc tới trong những cuộc tranh luận với nhóm biệt phái. Nêu bật tư cách bị ngược đãi và bách hại ấy, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ rằng Ngài vẫn tiếp tục truyền thống ngôn sứ trong Cựu Ước. Ðược Thiên Chúa sai đến để thay cho Ngài nói lên sự thật, các ngôn sứ trong Cựu Ước không chỉ nói bằng lời nói mà còn bằng cả cuộc sống của mình. Ðộc đáo nhất hẳn phải là cung cách của một Giêrêmia. Không biết phải dùng lời lẽ nào để tố cáo sự bất trung và phản bội của cả một dân tộc, ông đã đeo một cái gông vào cổ và đi giữa phố chợ. Với cử chỉ ấy, vị ngôn sứ này muốn nói với mọi người rằng chính vì đã xé bỏ giao ước với Thiên Chúa mà họ phải bị xiềng xích trong gông cùm của ngoại bang.
Riêng tiên tri Hôsê thì lại triệt để hơn trong sứ mệnh của mình khi ông đi cưới một cô gái điếm về làm vợ. Với hành động này ông cũng muốn nói với dân Do Thái rằng họ đã bất trung với Thiên Chúa. Không thể chọn lựa thái độ thinh lặng, thỏa hiệp hay sợ hãi, ông đã lên tiếng tố cáo bất công, tội ác hay bạo quyền và hành động của ông đã gây nên phẫn nộ trong dân.
Chính vì thế và cũng như các ngôn sứ trong Cựu Ước; cũng như thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước, và nhất là cũng như chính Chúa Giêsu, tất cả những ai dám lên tiếng nói lên sự thật cũng đều được liên kết chung với nhau trong cùng một số phận là bị khinh rẻ, ngược đãi, oán ghét, sỉ vả và khai trừ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 3: Vẫn chỉ có từ chối.
Người về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được nhiều phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Gio-xép, Simon và Giu-đa sao?” (Mt. 13, 54-55)
Người ta không còn cảm thấy giật mình khi nghe tư tưởng này: “Giả như hôm nay Chúa Giêsu trở lại với chúng ta…”
Tôi nghĩ rằng, nếu hôm nay Chúa Giêsu trở lại, thì Người cũng sẽ chẳng có được may mắn hơn với những người đồng hương của Người đâu.
Chẳng có được may mắn đâu.
Giả như hôm nay Người trở lại làm người Do-thái? Liệu Người có được những đồng bào của mình ở Giê-ru-sa-lem hay ở Tel-Aviv lắng nghe không? Liệu Người có được các thành viên Liên Hiệp Quốc hay các nghị viện trong các thượng hạ viện của chúng ta lắng nghe không?
Liệu Người có phải dành một chỗ ở sân thế vận hội để công bố sứ điệp của Người không. Còn chúng ta, những người có đức tin, những người tin vào Chúa Giêsu liệu chúng ta có chấp nhận để cho Người thôi thúc ta, chấp nhận sống triệt để sứ điệp của Người chăng?
Chúa có cần đến một bộ máy tuyên truyền để thu hút quần chúng? Có lẽ Người phải làm những phép lạ hoàn toàn “giật gân” như có người nói. Rồi sau màn “trình diễn” và những phép lạ, người ta có nghe Chúa không?
Bởi vì có lẽ Chúa sẽ nói cho ta hay, dù rằng chúng ta chọn sống chế độ nào: tư bản, dân chủ, độc tài, quân phiệt, thì Người cũng sẽ nói: “Lệnh truyền của tôi là anh em hãy yêu thương nhau” Dù anh em là người Phật Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo, Công Giáo “Anh em hãy yêu thương nhau”
Dù anh em là công nhân của một nghiệp đoàn nào đó, hay dù là ông chủ của xí nghiệp “Anh em hãy yêu thương nhau.” Rồi có lẽ Người sẽ nhắc nhở ta nhớ đến Mười Điều Răn y như Người đã dạy ta vậy.
Giả như Người trở lại.
Người có trở lại không? có lẽ người ta sẽ gọi vấn đề này là một Xì-căng-đan! Ngay trong chúng ta, có nhiều người không tin điều này, họ muốn chúng ta sống trung thực.
Đức Kitô đã chết và đã sống lại, Người đã gửi Thần Khí Người đến với ta để nhắc nhở ta tình yêu Cha Người dành cho ta! Như vậy mà còn không đủ thúc đẩy ta sống yêu thương, thì giả như Chúa Kitô có trở lại, Người cũng chẳng hoán cải nổi chúng ta đâu.

Suy niệm 4:

Sau khi đã chịu phép Rửa, vào hoang địa để cầu nguyện, ăn chay,
có một ngày nào đó, Đức Giêsu chia tay Đức Mẹ để lên đường.
Lên đường là bỏ lại ngôi làng Nadarét dấu yêu với bao kỷ niệm.
Chính tại đây Ngài đã sống hơn ba mươi năm trong bầu khí gia đình.
Chính tại nơi này, Ngài đã lớn lên quân bình về thân xác, trí tuệ, tâm linh.
Nadarét như một ngôi trường lớn, chuẩn bị cho Ngài chững chạc đi sứ vụ.
Tại đây, Đức Giêsu đã là con bác thợ Giuse (c. 55),
và đã trở thành thợ theo truyền thống cha truyền con nối.
Ngài đã được dạy nghề và hành nghề để kiếm sống cho bản thân và gia đình.
Đức Giêsu là một người thợ tại Nadarét, phục vụ cho nhu cầu dân làng.
Ngài biết đến cái vất vả của công việc chân tay nặng nhọc.
Đức Giêsu không thuộc giới trí thức, thượng lưu, quyền quý.
Lao động làm Ngài gần với người nghèo và thấy sự đơn sơ của tâm hồn họ.
Cũng tại Nadarét, đời sống cầu nguyện của Đức Giêsu được nuôi dưỡng.
Ngài học được lối cầu nguyện một mình ở nơi vắng vẻ.
Đức Giêsu có khả năng thấy sự hiện diện yêu thương của Cha nơi mọi sự,
nơi một bông hoa, nơi chim trời, nơi ánh nắng và cơn mưa.
Tình thân của Con đối với Cha ngày càng trở nên sâu đậm.
Ngài tìm ý Cha mỗi lúc và để Cha chi phối trọn vẹn đời mình.
Hôm nay Đức Giêsu trở về làng cũ sau một thời gian đi sứ vụ.
Ngài vào lại hội đường quen thuộc, gặp lại những khuôn mặt đồng hương.
Không rõ trước đây có lần nào bác thợ Giêsu được mời giảng ở đây chưa.
Nhưng lần này, khi trở về với tiếng tăm từ những phép lạ làm ở nơi khác,
Đức Giêsu đã khiến dân làng sửng sốt vì sự khôn ngoan trong lời giảng dạy.
Hai lần họ đặt câu hỏi: Bởi đâu ông ta được như thế? (cc. 54. 56).
Một câu hỏi rất hay, nếu được tìm hiểu một cách nghiêm túc.
Câu hỏi này có thể đưa họ đi rất xa, để gặp được căn tính của Đức Giêsu.
Tiếc thay, dân làng Nadarét lại không quên được nghề nghiệp của cha Ngài.
Họ nhớ rất rõ họ hàng gần xa của Ngài là mẹ và các anh chị.
Họ có thể kể tên từng anh chị em của Ngài, vì đều là bà con lối xóm (c. 55).
Đức Giêsu là người mà họ biết quá rõ từ thuở ấu thơ.
Làm sao con người bình thường, ít học đó lại có thể là một vị ngôn sứ?
Làm sao từ ngôi làng Nadarét vô danh này lại xuất hiện ngôn sứ được?
Và họ vấp ngã vì Đức Giêsu, nghĩa là họ đã không tin vào Ngài.
Cái biết gần gũi của họ về Ngài lại trở nên thành kiến
khiến họ không thể tiến sâu hơn vào mầu nhiệm con người Đức Giêsu.
Người đồng hương của Ngài đã không trả lời được câu hỏi: Bởi đâu…?
Mỗi con người là một mầu nhiệm mà ta phải khám phá mãi.
Có những mầu nhiệm lớn ẩn trong lớp áo tầm thường.
Dân làng Nadarét đã không nhận ra hồng phúc mà họ đang hưởng.
Chúng ta cũng cần được giải thoát khỏi những cái biết hẹp hòi,
để thấy mình hạnh phúc khi sống với người khác gần bên.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nadarét đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Thánh GIOAN MARIA VIANNEY
Linh mục, bổn mạng các linh mục

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ thánh Gioan Maria Vianney. Đây là một vị đại thánh của Giáo Hội.

Thánh Gioan Maria Vianney, sinh ngày 8 tháng 5 năm 1786 tại Lyon nước Pháp và sau bao nhiêu khó khăn gian khổ, Gioan Maria Vianney được chịu chức linh mục và được giao phó nhiệm vụ làm cha sở họ Ars, một giáo xứ vừa nghèo vừa khô khan nguội lạnh. Cha Gioan Maria Vianney đã lãnh nhận giáo xứ này với tinh thần vâng phục cao độ. Ngài quả là vị mục tử gương mẫu. Cuộc đời của ngài là cuộc đời chỉ biết lo cho việc loan báo Lời Thiên Chúa, giải tội, cầu nguyện và hãm mình. Có nhiều lúc, khuôn mặt ngài rạng rỡ khác thường, nhờ tình yêu bắt nguồn từ bí tích Thánh Thể mà ngài đem hết lòng sốt sắng để vừa cử hành, vừa thờ phượng.

Khi mới 8 tuổi ngài mới học đọc và biết viết. Vì nhà nghèo nên được cha sở nuôi dạy, và sau đó đã đưa ngài vào chủng viện. Vào trong chủng viện ngài không học được gì cả.

Ngày kia, một giáo sư thần học, thừa lệnh Đức Giám mục đến khảo sát Vianney xem có đủ khả năng học vấn để tiến tới chức Linh mục không. Nhưng Vianney không thể trả lời câu nào.

Nổi nóng, vị giáo sư đập bàn, nói: "Vianney, anh dốt đặc như con lừa! Với một con lừa như anh, Giáo Hội hy vọng làm nên trò trống gì!"

Vianney khiêm tốn bình tĩnh trả lời: "Thưa thầy, ngày xưa Samson chỉ dùng một cái xương hàm con lừa mà đánh bại 3000 quân Philitinh. Vậy với cả một con lừa này, chẳng lẽ Thiên Chúa không làm được việc gì sao?"

Cuộc cách mạng 1789 bùng nổ khiến thầy Vianney phải bỏ dở việc học. Nhưng sau đó thầy tìm hết cách để tự học dưới sự dìu dắt của cha xứ. Nhưng khổ thay, học mấy cũng chẳng nhớ. May lúc ấy địa phận gặp phải cảnh khan hiếm linh mục nên Vianney được bề trên gọi về để khảo hạch. Và lẽ dĩ nhiên là lần nào Vianney cũng trượt.

Vianney không nản lòng, cứ tiếp tục học. Cuối cùng, bề trên thấy thầy bền chí quá bèn gọi cha xứ đến để hỏi về thầy:

- Thầy có lòng đạo đức không?

- Thưa có.

- Thầy có kính mến phép Thánh Thể?

- Thưa có.

- Thầy có siêng năng lần hạt không?

- Thưa có.

Cha chính quyết định: “Thôi, cho thầy chịu chức vì thầy bền chí, chứ nếu cứ khảo hạch mãi thì không bao giờ đỗ được”.

Như vậy thầy Gioan Maria Vianney được làm Linh mục là nhờ "phép chuẩn". Vì tuy học hành kém cỏi, đầu óc mù tịt, nhưng nhờ có lòng đạo đức và sự bền chí mà ngài đã được thụ phong Linh mục. Nhưng khi làm Linh mục rồi, Chúa đã ban cho ngài rất nhiều ơn đặc biệt đề cứu các linh hồn, đến nỗi một lần kia, quỷ Satan đã phải nói với ngài: "Nếu trên thế giới có hai đứa như mày thì bọn tao đành phải thất nghiệp mất".

Nhìn vào "cuốn tự điển cuộc sống" của thánh Vianney, người ta đọc thấy toàn là những chữ: ăn chay, hãm mình, đền tội, khổ hạnh... Nhìn vào gương mặt của ngài, người ta cũng gặp thấy toàn là những nét: gian truân, khắc khổ, lao nhọc, đau thương... Thế nhưng, trong con người ấy lại chói ngời một quả tim luôn tươi vui, từ ái và yêu thương đối với hết mọi người.

Hàng ngày, vào khoảng 12 giờ, cha Vianney rời nhà thờ và trở về nhà xứ để ăn trưa. Đến một giờ, ngài lại vào toà giải tội và ngồi ở đó mãi cho đến tối. Trong khoảng thời gian nghỉ ngơi vắn vòi ấy, cha Vianney phải tranh thủ để làm nhiều bao công việc. Thường khi ăn cơm bao giờ ngài cũng đứng, vì ngồi thì sợ sẽ kéo dài giờ ra. Vừa ăn xong, ngài vội đi thăm các trẻ mồ côi, các em mẫu giáo... Ai cũng thấy ngài vui tươi âu yếm và sung sướng giữa những tâm hồn đơn sơ ấy. Từ giã các em, ngài rảo bước đến nhà các kẻ ốm liệt; gặp ai dọc đàng, ngài cũng ủi an thăm hỏi. Các gia đình đều mong cha sở đến thăm, vì đối với họ, dường như nơi ngài tàng ẩn một niềm vui không bao giờ cạn. Lúc trở lại nhà thờ ngài thường trao đổi một vài lời vắn tắt, có lúc rất dí dỏm, hài hước với các khách hành hương đang đứng trước sân nhà thờ chờ đến lượt vào toà xưng tội.

Lần nọ, cha Vianney gặp một bà trong xứ đến chào ngài. Biết rõ bà là người thật lắm mồm lắm mép, ăn nói huyên thuyên suốt ngày, ngài liền hỏi:

- Trong suốt năm, có tháng nào con nói ít hơn mọi tháng không?

Bà ta bỡ ngỡ, ấp úng thưa:

- Thưa cha, con thì quen thói rồi, tháng nào cũng nói như nhau cả.

- Không, có một tháng con nói ít hơn, con biết tháng nào không?

Bà ấy ngẩn ngơ:

- Tháng nào thưa cha?

- Tháng Hai dương lịch, vì tháng đó chỉ có 28, 29 ngày thôi.

Ai nấy cười phá lên. Ngài vội vã bước vào toà giải tội.

Lần khác, cha Vianney thấy ở trước sân nhà thờ có một quầy hàng bán chuỗi, tượng ảnh và có cả hình của ngài nữa. Ngài bèn dừng lại, cầm lấy tấm hình của mình đưa lên cao cho mọi ngài xung quanh coi và nói:

- Thiên hạ dại dột thật. Cái hình nhăn nheo như con khỉ khô thế này mà cũng phải mua mất một đồng quan!

Các người chung quanh được dịp cười bể bụng vui vẻ. Cha Vianney cũng cười theo, trả tấm ảnh lại rồi bước vào nhà thờ.

Về sau, Vianney đã trở thành một vị thánh thời danh, thu hút nhiều tâm hồn trở về với Chúa.

Đời sống thánh Gioan Maria Vianney quả là một tấm gương hy sinh vì Chúa và các linh hồn, đúng như lời thánh nhân thường nói: "Hạnh phúc cho một vị linh mục được chết kiệt sức vì phục vụ Chúa và các linh hồn." Hạnh phúc ấy đã đến với thánh Gioan Maria Vianney vào ngày 2 tháng 8 năm 1859. Thánh nhân lãnh nhận Bí tích Xức dầu bệnh nhân và Bí tích Thánh Thể, ngài cầu nguyện: "Lạy Chúa, Chúa quảng đại quá khi con không đến với Chúa được, thì Chúa đến với con". Ngày 4 tháng 8 năm 1859, khi vị linh mục đọc kinh cầu nguyện cho người hấp hối đến câu: "Xin các thiên thần Chúa đến rước linh hồn Gioan vào thành thánh Giêrusalem”, thánh nhân trút hơi thở cuối cùng một cách êm ái. Ngài hưởng thọ 73 tuổi; làm cha sở họ Arc được 41 năm.

Tin thánh Gioan Maria Viannê qua đời đã lôi kéo cả một biển người đổ xô về giáo xứ Arc. Đoàn người đông đảo đã đi qua trước xác thánh nhân suốt 48 tiếng đồng hồ.

Đức Giám mục giáo phận đã đến chủ sự Thánh lễ an táng và giảng thuyết: ngài nhấn mạnh rằng bao thế kỷ mới được thấy một cuộc đời linh mục như Thánh Gioan Maria Vianney. Thánh nhân được an táng trong nhà nguyện thánh Gioan Tẩy Giả, bên cạnh toà giải tội mà người ta đã gọi là "phép lạ lớn nhất ở Arc".

Từ ngày ấy, biết bao nhiêu Hồng Y, Giám mục, linh mục đã đến quỳ cầu nguyện và đặt những cái hôn thành kính lên viên đá mộ thánh nhân. Ngày 31 tháng 5 năm 1925, thánh Gioan Maria Vianney được tuyên Hiển Thánh; và năm 1929, thánh nhân được đặt làm thánh bổn mạng các linh mục chính xứ trên toàn thế giới.

Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, Chúa đã làm cho thánh linh mục Gioan Maria nên một tấm gương tuyệt vời về lòng tận tụy hy sinh của một người mục tử. Vì lời thánh nhân chuyển cầu, xin cho chúng con hằng noi theo lòng bác ái của ngài mà cố gắng đem nhiều anh em về với Đức Kitô để muôn đời cùng nhau hưởng nguồn vinh phúc.

BỔN MẠNG CÁC CHA XỨ

Chúa chọn một người nào là hoàn toàn tự do theo ý của Ngài. Chúa không theo sự hướng dẫn của con người, Chúa tuyển lựa con người là do ơn huệ của Ngài. Thánh Gioan Maria Vianney được Chúa mời gọi, được Chúa tuyển chọn để trở
nên môn đệ trung kiên của Ngài.

THÁNH GIOAN MARIA VIANNEY TRONG CUỘC SỐNG THẾ TRẦN:
Thánh nhân được sinh ra trong một gia đình nông dân đạo đức, luôn biết kính sợ Thiên Chúa vào năm 1786 tại Dardilly thuộc địa phận Lyon nước Pháp. Vì là Người được Thiên Chúa để ý, nên ngay từ hồi còn thơ ấu, thánh nhân đã sống một đời sống thánh thiện, tuân theo ý Chúa; ngay từ 8 tuổi, đi chăn chiên, chăn cừu, thánh Vianney đã biết làm gương dậy các bạn cùng trang lứa quỳ trước ảnh mẹ Maria lần chuỗi và suy gẫm những sự trên trời. Thánh nhân có lòng chạnh thương người nghèo, lưu tâm và tìm mọi cách, mọi phương thế để giúp đỡ họ. Thánh Vianney luôn kiên tâm, can đảm để vượt thắng vấn đề học hành vì Ngài không được thông minh đặc biệt như nhiều người khác. Ngài rất vất vả trên đường học vấn để tiến tới chức linh mục. Tuy nhiên, thánh Vianney luôn cậy trông, phó thác và cầu nguyện, Ngài phấn đấu, chăm chỉ học thần học. Chúa luôn ghé mắt đoái thương những tâm hồn thành tâm thiện chí và yêu thương những con người quyết tâm theo Chúa. Thánh Vianney đã được lãnh sứ vụ linh mục năm 1815. Ba năm sau vào năm 1818, thánh Vianney được bổ nhiệm làm cha sở họ Ars, một giáo xứ bé nhỏ, ít giáo dân thuộc miền Dombes.

THIÊN CHÚA ĐÃ DÙNG MỘT CON NGƯỜI XEM RA KHÔNG TÀI TRÍ ĐỂ BIẾN ĐỔI GIÁO XỨ, BIẾN ĐỔI THẾ GIỚI:
Thánh nhân nhận một giáo xứ dưới mắt người đời và dưới mắt các bạn hữu linh mục là một sự thua thiệt vì một linh mục chỉ có trong tay hơn trăm con chiên thử hỏi có bõ công gì ? Nhưng Thiên Chúa có cách của Người và đường lối của Người quả thực hoàn toàn khác lạ,hoàn toàn huyền nhiệm. Thánh Vianney luôn chu toàn trách nhiệm chủ chăn của mình Ngài chăm chỉ dậy giáo lý, hướng dẫn giáo dân, siêng năng đọc kinh nguyệngẫm chuyên cần giải tội. Thánh nhân đã được ơn Chúa đặc biệt, Ngài đã biến đổi giáo xứ nhỏ bé của Ngài trở nên điểm sáng chói ngời khắp thế giới, thu hút biết bao nhiêu người từ kắp nơi tới với Ngài nơi tòa cáo giải. Ngài đã ngồi tòa miệt mài từ giờ này qua giờ khác. Thiên hạ khắp nơi tuôn đến với Ngài như xưa dân chúng tấp nập tới với Chúa Giêsu để nghe Người giảng dậy khiến Người không có giờ nghỉ ngơi và cả không còn giờ ăn uống nữa.Thánh nhân đã làm việc không ngơi nghỉ, Ngài đã kiệt sức hơn là vì tuổi già.Thiên Chúa đã chọn những sự tầm thường để phá tan những sự cao sang.

THÁNH NHÂN RA ĐI VỀ VỚI CHÚA VÀ ĐƯỢC CHÚA THƯỞNG CÔNG:
Thánh nhân ra đi về cùng Chúa trong bình an vào ngày 04/8/1859. Chúa thưởng công Ngài bằng vô số những phép lạ sau khi Ngài qua đời. Đức Thánh Cha Piô X nâng Ngài lên bậc chân phước. Đức Giáo Hoàng Piô XII trong dịp năm thánh 1925 phong Ngài lên bậc hiển thánh và đặt Ngài làm bổn mạng các cha xứ.

VÀI SUY NGHĨ VỀ THÁNH VIANNEY:
Thánh Gioan Maria Vianney đã thay đổi một giáo xứ nhỏ bé xem ra không là gì trước mắt thế gian trở nên điểm sáng cho toàn thế giới về sự thánh thiện và đạo đức của Ngài. Nơi tòa giải tội, thánh nhân đã thực thi lòng bác ái tuyệt đỉnh của Ngài, thánh nhân họa lại chính con người thật của Đức Kitô, con người đầy tình thương xót và chạnh lòng tha thứ... Như Chúa Giêsu, Ngài đã cho nhân loại, cho những người đau khổ về phần hồn ăn.Ngài đã miệt mài với sứ vụ, nhân loại sẽ không bao giờ quên được lời của Ngài nói:” Cái chết thật vô cùng tốt đẹp khi người ta đã chịu đóng đinh vào thập
giá với Đức Kitô”. Ơn gọi của thánh Vianney là do Chúa. Tất cả đều do sự chọn lựa nhưng không của Chúa. Tất cả do hồng ân của Chúa. Thánh Vianney đã sống ơn huệ tuyệt vời của Chúa và luôn sẵn sàng thông chia cho mọi người ơn huệ quí báu mà Ngài đã nhận được nơi Chúa.
Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, Chúa đã làm cho thánh linh mục Gioan Maria Vianney nên một tấm gương tuyệt vời về lòng tận tụy hy sinh của một người mục tử. Vì lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, xin cho chúng con hằng noi theo lòng bác ái của Người mà cố gắng đem nhiều anh em về với Đức Kitô để muôn đời cùng nhau hưởng nguồn vinh phúc( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Gioan Maria Vianney ).

Xin thánh Vianney cầu thay nguyện giúp cho chúng con các linh mục quản xứ luôn biết noi gương bắt chước thánh nhân để chúng con siêng năng, chuyên cần giải tội và chăm chỉ ban phát các Bí Tích.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

BỔN MẠNG CÁC LINH MỤC
“Có một người được Thiên Chúa sai đến…”

Đề tựa cho một cuốn sách viết về cha sở xứ Ars, Giám mục Henri Mazerat đã trích dẫn lời Phúc âm Gioan: “Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan” (Ga 1,6). Gioan Tẩy Giả được sai đến, mở đầu một khúc quanh của lịch sử là thời kỳ cứu thế do Đức Kitô thực hiện. 18 thế kỷ sau, một Gioan khác, Gioan Maria Vianney, cũng được Thiên Chúa sai đến, không tạo ra một khúc quanh, nhưng chính là một hiện tượng nổi bật trong đời sống Giáo Hội. Ngài không chỉ làm biến đổi hoàn toàn bộ mặt của một giáo xứ nhỏ bé heo hút ở miền nam nước Pháp, mà còn gây ảnh hưởng lan rộng tới tầm mức Giáo Hội.

Cuộc đời và hoạt động của Gioan Maria Vianney phản chiếu tuyệt vời những khía cạnh của Vị Mục Tử tối cao là Đức Giêsu. Được như vậy một phần là vì ước vọng duy nhất của ngài là trở thành một mục tử tốt. Theo ngài, một mục tử tốt là “kho tàng lớn lao nhất mà Thiên Chúa có thể ban cho một giáo xứ”, đồng thời là “một trong những hồng ân cao quý nhất của lòng thương xót Chúa”. “Sau Thiên Chúa thì linh mục là tất cả hạnh phúc của người kitô hữu”, vì “chức linh mục là tình yêu của Trái Tim Chúa Kitô”.
Chương trình của ngài gói gọn trong những chữ : biết, yêu, tận tụy, hạnh phúc. Ngài biết con chiên và con chiên biết ngài. Ngài yêu thương con chiên và hết lòng lo cho họ. Là người lãnh đạo giáo xứ, ngài nhiệt thành hướng dẫn và dạy dỗ họ. Là thừa tác viên của lòng thương xót, ngài luôn là bạn của các tội nhân. Là mục tử của đàn chiên, ngài trở thành lễ vật của tình yêu cho họ. Tất cả đều nhằm đem sự sống và hạnh phúc đến cho con người. Mục tiêu này đã hé mở và được xác quyết ngay trong câu nói đầu tiên của ngài vào ngày đến xứ Ars. Sau khi cám ơn một em chăn cừu đã chỉ đường cho mình, ngài nói với em: “Con đã chỉ cho cha đường về xứ Ars, cha sẽ chỉ cho con đường về quê trời”.

“Tôi sẽ đưa nhiều linh hồn về cho Chúa”

Những hoạt động biểu lộ lòng bác ái mục vụ sâu xa của cha Gioan thì rất nhiều, nhưng chỉ cần nhìn vào một công việc thôi cũng đủ cho thấy lòng bác ái ấy như thế nào. Đó là công việc ngồi tòa, việc giải tội. Nhiều người coi đây là chương đẹp đẽ nhất trong cuộc đời của cha thánh, là hoạt động sáng chói nhất trong nhiệm vụ của một mục tử.
Hồi còn trẻ, lúc mà chức linh mục mới chỉ là điều mơ ước, Gioan Maria Vianney đã có một tâm nguyện: “Nếu một ngày nào đó tôi được làm linh mục, tôi sẽ đưa nhiều linh hồn về cho Chúa”. Một khi làm linh mục, ngài đã thực hiện tâm nguyện ấy, và một trong những phương tiện ngài sử dụng là tòa giải tội. Chính tòa giải tội đã giúp ngài nhiều nhất trong việc đưa các linh hồn về cho Chúa. Chính tòa giải tội là nơi thể hiện rõ nhất lòng thương xót của Chúa cũng như của ngài đối với các chiên lạc. Chính tòa giải tội đã thu hút biết bao nhiêu người tìm đến với xứ Ars, để được ban ơn tha thứ cứu độ. Chính tòa giải tội, với hàng hàng lớp lớp tội nhân vây quanh, là phép lạ lớn nhất trong cuộc đời của vị thánh.
Các chứng nhân cho biết có nhiều ngày người cha tinh thần của họ đã ngồi tòa 18 giờ. Trong mùa đông, từ tháng 11 đến tháng 3, số khách hành hương ít hơn, ngài vẫn ngồi tòa 11-12 giờ. “Ngài chỉ rời khỏi đó khi đã làm hài lòng hầu như mọi người”. Vào thời kỳ cao điểm, bình quân mỗi ngày có từ 300 đến 400 người xếp hàng xưng tội. Công việc vất vả và liên tục trong 30 năm này đã làm cho ngài kiệt lực, đến nỗi có lần ngài tự thú: “Khi tôi rời tòa giải tội, tôi phải lấy tay sờ vào đùi xem nó có còn ở đấy không. Đôi khi ra khỏi nhà thờ, tôi phải vịn vào tường mà đi cho khỏi ngã. Đầu tôi nặng trĩu. Thực sự tôi đã không biết mình chống lại như thế nào”. Cho tới cuối đời, ngài vẫn dành tất cả sức cùng lực kiệt để cứu tội nhân.
Những tội nhân này là ai ? Đủ mọi hạng người. Giám mục có, linh mục có, tu sĩ có, giáo dân có, sang hay hèn, học thức hay dốt nát, đều có tất. Họ kéo đến từ khắp nơi trong nước Pháp, kể cả từ Paris hoa lệ. Ở nhà ga Lyon, có loại vé tầu lửa riêng đi Ars, có giá trị trong 8 ngày, vì để có thể xưng tội, phải chờ đợi mấy ngày là chuyện thường. Cũng ở Lyon, mỗi ngày còn có những xe lớn chở khách hành hương đến Ars. Hầu hết đến đây vì thật lòng hoán cải, nhưng cũng có một số đến vì tò mò, hoặc miễn cưỡng đến vì một lý do nào đó, rồi cuối cùng cũng bị khuất phục. Sở dĩ thế vì họ được gặp không phải một cha sở bình thường, mà là một mục tử sẵn sàng làm mọi sự để giúp họ ăn năn trở lại mà được sống.
“Một chuyên viên thành thạo nhất về các tội nhân” (Đức Piô XII)
Đương nhiên sự thành thạo này không thể có được nơi một con người như Gioan Maria Vianney, học hành kém cỏi, trí thức còn chưa được xếp vào loại “thường thường bậc trung” nữa. Đây là ơn của Chúa Thánh Thần ban cho một mục tử thánh thiện dám sống chết với các tội nhân. Không khoan nhượng với tội lỗi, nhưng lại hết lòng yêu thương kẻ có tội. Nói như lời một bài hát: “Kẻ thù ta đâu có phải là người”, nhưng là gian ác, là mưu mô, là hờn căm, là hận thù và bao nhiêu hình thức khác nữa. Cần phải giải thoát con người khỏi những kẻ thù trên, để trả lại cho họ hình ảnh tốt đẹp của Thiên Chúa. Trung thành với mục tiêu đặt ra từ đầu, Gioan đã suốt đời tận tụy với công việc này.
Ngài đã thực hiện thế nào ?
Người ta thường nói về việc giải tội đến độ anh hùng của ngài mà có khi quên đi những việc khác cũng phát xuất từ tấm lòng của một người rất mực yêu thương kẻ có tội.
Trước hết là cầu nguyện cho họ. Xen lẫn với kinh nguyện hằng ngày, ngài thường khóc lóc mà thưa với Chúa đại khái: “Lạy Chúa, Chúa không muốn kẻ có tội phải chết… Những người có tội thật đáng thương. Ước gì con có thể thú tội thay cho họ”. Một người thân tín nói với ngài: “Cha cầu nguyện cho họ ít đi một tí được không? Thấy cha vất vả đau khổ quá!”, thì được trả lời: “Biết sao được. Cha đã hứa cầu nguyện cho họ, cha không thể bỏ…”. Lần khác ngài tâm sự: “Tôi chỉ thực sự là tôi khi tôi cầu nguyện cho những người tội lỗi”.
Điều đáng khâm phục hơn nữa là không những cầu nguyện cho họ mà ngài còn đền tội thay cho họ. Những hy sinh hãm mình thường là để chống lại những cám dỗ của Satan, những khuynh hướng xấu, những yếu đuối của con người xác thịt, mà không ai tránh khỏi, thì đối với ngài, còn là để đền bồi tội lỗi của biết bao nhiêu người. Trong những năm cuối đời, do ảnh hưởng của một số người, nhất là quan điểm khoan hòa trong thần học luân lý của Anphong Liguori, ngài thường ra việc đền tội nhẹ cho hối nhân, vì lòng nhân từ thương xót cũng có, vì không muốn cho những người đã quá vất vả phải vất vả thêm cũng có, nhưng nhất là vì như ngài nói: “Tôi ra việc đền tội nhẹ cho họ, phần đền tội còn lại, tôi sẽ làm thay”. Và ngài làm thay bằng chính sự khổ chế của mình. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng vậy. Đối với những lỗi nặng mà cứ tái phạm mãi, ngài bắt hối nhân phải làm những việc đền tội nặng, để họ chứng tỏ sự chân thành và quyết tâm sửa đổi, hầu đem lại lợi ích cho chính họ. Chẳng hạn ngài bắt một mệnh phụ ở Paris phải đốt hết sách bậy bạ trong tủ sách của bà thì ngài mới ban phép xá giải.
Đối với những tội nhân cứng lòng, ngài tìm hết cách giúp họ thống hối : gặp gỡ, khuyên nhủ, khi nặng khi nhẹ, và ngay cả bằng nước mắt. Nước mắt và Thánh giá, nhờ ngài, có thể làm cho một trái tim chai đá trở thành trái tim thịt mềm. Có người lúc trước đã trả lời thẳng thừng: “Tôi không muốn xưng tội”, hoặc: “Tôi không đến đây để làm cái chuyện đạo đức của mấy bà”. Mặc kệ. Cuối cùng tất cả đều quỳ xuống dưới chân ngài và xưng thú. Chúa đã ban cho ngài một trực giác lạ lùng để nhận ra giữa đám đông hoặc giữa những người đi qua, ai là kẻ cần được đưa về với Chúa nhất để giúp họ, trước sự ngạc nhiên của chính họ. Do đó mà khi có người buột miệng hỏi: “Mỗi năm cha bắt được bao nhiêu cá lớn?”, ngài có thể trả lời ngay, không lưỡng lự: “Hơn 700”. Không nhớ con số sao được đối với những con cá như thế!
Một dù vất vả ngồi tòa và có những chuyện dễ làm người ta bực mình, nhưng ngài thì không. Ngược lại, ngài tỏ ra đặc biệt nhẫn nại. Đây là một trong những đức tính nổi bật nhất nơi ngài. Một linh mục đã nhận xét : Tôi đã từng quan sát kỹ xem ngài có tỏ ra bất nhẫn bực tức lúc nào không, mà không thấy. Đem chuyện này hỏi ngài thì được ngài trả lời: “Phải nhẫn nại mới có thể cho cái người ta cần chứ ! Bất nhẫn thì được cái gì ?” Ngài cũng nói với một cha bạn: “Hãy học tập sự nhẫn nại của Chúa”.
Cùng với sự nhẫn nại là thái độ hiền hòa, tế nhị, kính trọng đối với hối nhân, bất kể là ai. Có linh mục sa ngã nặng đến xưng tội vẫn được ngài yêu mến, kính trọng. Lời khuyên dành cho Đức Giám mục giáo phận đến xưng tội với ngài là : xin Đức cha hãy yêu thương các linh mục của Đức cha.
Dù có đông người xếp hàng bên tòa giải tội, ngài vẫn dành cho mỗi người một thời gian cần thiết, bởi người nào cũng có vấn đề riêng của mình. Ngài không khuyên dài, nhiều khi chỉ một lời thôi, nhưng là lời làm cho hối nhân phải động tâm suy nghĩ, một lời tác động mạnh trên họ có khi cả đời. Chính sự thánh thiện và yêu thương đem lại sức mạnh và hiệu năng cho lời đó.

Thái độ và hành động của cha thánh Gioan Maria Vianney đối với kẻ có tội giống như người cha trong dụ ngôn về tình phụ tử (Lc 15,11-32), hoặc như người chăn chiên tìm lại được con chiên lạc (Lc 15,4-7) thật đáng là mẫu gương cho các linh mục hôm nay. Cùng với bác ái mục vụ nói chung được ngài thể hiện, ngài trở thành “le plus imitable des prêtres”, như tựa đề của một cuốn sách viết về ngài.

Lm Micae Trần Đình Quảng