Dân Chúa Âu Châu

Phần thưởng môn đệ Chúa.

Thứ Hai tuần 15 thường niên.

"Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng đem gươm giáo".

Lời Chúa: Mt 10,34 - 11,1

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con chớ tưởng rằng Thầy đến để mang hoà bình cho thế gian: Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo. Vì chưng, Thầy đến để gây chia rẽ con trai với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình: và thù địch của người ta lại là chính người nhà mình. Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào yêu con trai con gái hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.
Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người ấy không mất phần thưởng đâu".
Sau khi Chúa Giêsu truyền dạy xong các điều ấy cho mười hai tông đồ, Người rời khỏi đó để đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành phố của các ông.

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy Niệm 1: Chúa Sẽ Ðền Bù
Có thể nói, bài Tin Mừng hôm nay cho hệ quả của bước đường theo Chúa. Theo Chúa, người môn đệ phải chấp nhận nhiều thua thiệt: họ có thể bị chống đối từ ngoài xã hội đến trong gia đình, và một cách nào đó, Chúa Giêsu cũng bị xem là nguyên cớ của các tranh chấp, chống đối. Thật thế, làm sao không có đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Chúa Giêsu và thế gian, giữa quyền lực Thiên Chúa và quyền lực thế gian. Bước theo Chúa, người môn đệ phải chọn lựa, và chỉ chọn lựa tình yêu Chúa mới cho họ xứng đáng được gọi là môn đệ Ngài.
Chắc chắn, khi chọn lựa như vậy, người môn đệ không tránh khỏi những mất mát, thua thiệt. Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ không để họ phải thất vọng, Ngài sẽ đền bù vượt quá sự chờ đợi của họ. "Ðón tiếp một tiên tri, sẽ nhận được phần thưởng dành cho một tiên tri; đón tiếp người công chính, sẽ nhận được phần thưởng dành cho người công chính; đón tiếp kẻ rao giảng, sẽ nhận được phần thưởng dành cho kẻ rao giảng". Người môn đệ của Chúa đừng sợ mất phần thưởng, nhưng hãy sợ mình chưa trung thành trong bổn phận của mình mà thôi.
Với Thiên Chúa, dù công khai hay âm thầm, sứ mệnh kẻ rao giảng bao giờ cũng cần thiết. Thiên Chúa luôn cần đến những người ngày đêm nhiệt thành rao giảng và làm chứng cho Ngài bằng đời sống hoạt động tông đồ, nhưng Ngài cũng cần đến những người hỗ trợ cho công việc tông đồ bằng đời sống âm thầm cầu nguyện và hy sinh. Lịch sử chỉ nhớ đến những vĩ nhân, chứ lịch sử không đủ giấy bút để ghi lại hết những khuôn mặt đã góp phần vào đời sống của các vĩ nhân. Lịch sử không nhớ, nhưng Thiên Chúa lại ghi nhớ tất cả, Ngài không bỏ sót một khuôn mặt nào, và phần thưởng của họ cũng có giá trị như của các vĩ nhân.
Xin Chúa cho chúng ta biết biểu lộ lòng trung thành với Chúa và Giáo Hội bằng những đóng góp nhỏ bé trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Dù chỉ là những việc nhỏ bé, âm thầm, không được ai biết đến, nhưng chúng ta hãy tin rằng chúng vẫn hiện diện và có giá trị trước mặt Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 2: Thực hành giới răn của Chúa (Mt 10,34-11,1)
Với cái nhìn trần tục, chúng ta có thể cho rằng những lời dạy của Chúa Giêsu cho các đồ đệ xem ra thật chói tai: "Thầy đến để đem chia rẽ con trai với cha, con gái với mẹ. Ai yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì không đáng làm môn đệ Thầy. Ai không vác thập giá mình hàng ngày mà theo Thầy, thì cũng không xứng đáng làm môn đệ Thầy".
Thử hỏi, trên trần gian này có ai dám yêu cầu những điều như vậy nơi những kẻ theo họ không? Nhưng Chúa Giêsu đã không ngần ngại dùng ngôn ngữ như vậy, để khắc ghi mạnh mẽ vào tâm trí những người nghe điều Người muốn nói trong cách thức phù hợp với tâm thức của những người đương thời.
Thật vậy, để nhấn mạnh điều gì đó người ta thường dùng cách nói táo bạo, nghịch lý thường tình như những lời chúng ta vừa đọc lại trên: "Ai yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì không đáng làm môn đệ Thầy". Chúa muốn chỗ ưu tiên trên hết mọi người và mọi sự. Chính vì vậy mà sự hiện diện của Chúa là dấu gây nên mâu thuẫn, gây chia rẽ: "Thầy không đến mang sự bình an, nhưng chia rẽ. Thầy đến để chia rẽ con trai với cha, con gái với mẹ".
Sự trung thành với Chúa, việc sống thực hành những giới răn Chúa làm cho mỗi người Kitô trở thành như kẻ thù của chính người thân thuộc, vì nếp sống mới mẻ của người Kitô không phù hợp với nếp sống trần gian, tinh thần Phúc Âm không phù hợp với tinh thần phàm tục. Luật Chúa luôn luôn dạy điều nghịch lại những ước mơ ích kỷ của con người. Giáo huấn Phúc Âm không bao giờ là điều tiện lợi dễ dàng. Thánh giá hy sinh là chiều kích không thể nào tách rời ra khỏi cuộc đời của người theo Chúa. Thánh giá là dấu chỉ, là bằng chứng của tình yêu.
Nhìn vào Chúa Giêsu, Thầy chúng ta, bị treo trên thập giá, chúng ta hiểu được mức tận cùng của tình yêu đích thực. Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi trao nộp Con Một của Ngài cho thế gian giết chết trên thập giá. Hy sinh mạng sống mình cho Chúa và anh chị em, đó là vận mệnh không thể tránh được của người Kitô. Ðể theo Ngài trọn vẹn, trung thành cho đến cùng, người đồ đệ cần nhiều can đảm, hy sinh và ơn soi sáng hướng dẫn Chúa.
Lạy Chúa, Xin đổ tràn tình yêu Chúa xuống trên chúng con, để chúng con sống trung kiên với Chúa và quảng đại với anh chị em chung quanh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 3: Chúa Giêsu không đem đến bình an
“Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo.”
Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì sẽ không xứng với Thầy. Ai giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt. 10, 34. 38-39)
Những lời gây kinh ngạc
Nếu có ai hỏi ta Chúa Giêsu đến mang lại và dạy dỗ cho con người cái gì, ta sẽ trả lời rằng Chúa đến dạy người ta biết sống yêu thương nhau; Người đem hòa bình, Người hiệp nhất những ai chia rẽ. Và chúng ta sẽ có thể trưng ta nhiều câu Phúc Âm minh chứng rằng vì những mục đích trên, mà Chúa Giêsu đã làm người ở giữa chúng ta, đã chết và sống ại vì hạnh phúc loài người.
Vậy thì những lời của Phúc Âm vừa nghe, quả làm ta ngạc nhiên Chúa Giêsu khẳng định rằng Người “Không đến đem bình an cho trái đất, nhưng để đem gươm giáo”. Người dám nói rằng Người đến: “Để gây chia rẽ giữa con trai với cha mình, giữa con gái với mẹ…” Chúa Giêsu Người gieo rắc chia rẽ! Chúa Giêsu gây chia rẽ hơn là tạo hiệp nhất! Có ai dám nghĩ như vậy không? Ai mà cho rằng những lời đó là từ môi miệng Chúa? Vậy mà đúng như thế đó.
Những sự kiện minh chứng.
Ta nên lưu ý rằng Chúa Giêsu không khẳng định là Người có chủ tâm gây chia rẽ người ta. Người chỉ nhìn nhận sự kiện xảy ra. Người ta sẽ bất đồng ý kiến với nhau về Người. Có những người sẽ ủng hộ Người, người khác lại chống đối Người. Sẽ có những hiểu lầm, những cắt đứt quan hệ, những xung đột ở khắp nơi trên thế giới và ngay cả trong các gia đình, là vì Người và vì giáo huấn của Người.
Đó chính là điều vẫn xảy ra, mãi mãi những kẻ tin và những kẻ không tin Chúa Kitô vẫn xung khắc với nhau. Mãi mãi chồng và vợ, cha và con chia rẽ nhau và gây khổ cho nhau vì đôi bên không cùng một lập trường khi phải đối mặt với giáo huấn của Chúa Kitô.
Chúa Giêsu lúc nào cũng vẫn muốn gieo sự bình an, nhưng Người cũng là con người thực tế, vì biết rằng trên trần gian Người sẽ mãi mãi là chủ đề gây trang cãi, chống đối và chia rẽ vậy.
J.Y.G

Suy niệm 4

Bình an hay gươm giáo?
Một trong những lời khó hiểu và dường như mâu thuẫn nhất của Đức Giê-su chính là lời sau đây, được thánh Mát-thêu kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay:

Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà (c. 34-36).

Thật vậy, lời này của Đức Giê-su dường như mâu thuẫn với tất cả những lời còn lại của Ngài, với sứ điệp hòa giải, hòa bình và hiệp thông của Nước Trời mà Ngài rao giảng và làm cho hiện diện giữa chúng ta. Như khi các thiên thần cất tiếng hát trong biến cố Giáng Sinh: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 13-14).

Một trong những nguyên tắc giúp cho việc đọc hiểu và cầu nguyện với một bản văn Kinh Thánh, đó là điểm tối tăm sẽ được soi sáng khởi đi từ điểm sáng tỏ. Và nguyên tắc này rất thích hợp với bài Tin Mừng của chúng ta. Ngọn lửa tình yêu mà Đức Giêsu đem đến và muốn cho bùng cháy (x. Lc 12, 49-50) tất yếu sẽ đốt cháy, loại bỏ, và nói theo trình thuật “Sáng Tạo Bảy Ngày”, sẽ phân rẽ (x. St 1, 4.6.7.14.18). Giống như một thủa đất, để trở thành đất tốt, thì phải được mổ xẻ, phân chia, vun xới; chúng ta hãy đặt mình trong vị trí của đất, thật đau đớn biết bao, khi được đào xới và cày bừa để loại bỏ sỏi đá, gai góc, cây cỏ… Nhưng tiến trình mổ xẻ, phân chia, vun xới, chính là để chữa lành, để làm cho chúng ta trở nên “đất tốt”.

Và để sống theo lửa tình yêu của Đức Giêsu, chúng ta không chỉ gặp nhưng xung khắc nội tâm, nhưng còn có nhưng xung khắc trong tương quan với người khác, đôi khi với những người thân yêu, mỗi khi chúng ta muốn sống sự đơn sơ, nghèo khó và khiêm tốn theo Tin Mừng của Đức Giê-su. Khi chúng ta cầu nguyện với Lời Chúa, hẳn chúng ta sẽ có kinh nghiệm này: Lời Chúa có thể “xâu xé”, “cắt tỉa” chúng ta, nhưng là để chữa lành và làm cho chúng ta sinh nhiều hoa trái, như chính Đức Giê-su đã nói, khi dùng hình ảnh cây nho (x. Ga 15, 1-8): Hình ảnh rau sa-lát phải được quấy nát để thấm nước sốt, diễn tả phần nào kinh nghiệm này.

Chính Đức Giê-su cũng sẽ đối diện với những xung khắc, mà Ngài gọi là “Phép Rửa”. Phép Rửa Ngài phải chịu là cuộc thương khó và cái chết trên thập gía. Thập giá là điên rồ và sỉ nhục, nhưng đối với Thiên Chúa và nhưng ai đặt niềm tin nơi Ngài, thì đó lại là sức mạnh và khôn ngoan, dẫn đến bình an và niềm vui vô hạn.

Trong sách Xuất Hành, có một hình ảnh rất tuyệt vời nói lên Ngọn Lửa Tình Yêu thần linh, đó là hình ảnh bụi gai bừng cháy, nhưng không bị thiêu rụi (x. Xh 3,2). Hình ảnh bụi gai bừng cháy diễn tả rất tuyệt vời hai đặc tính trái ngược nhau của tình yêu: vừa mạnh mẽ và vừa hiền lành, không loại trừ hay hủy diệt. Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu Thiên Chúa là ngọn lửa bừng cháy, lan tràn, thanh tẩy, nhưng không thiêu rụi.

Dứt bỏ điều không thể
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su không chỉ nói những lời khó hiểu và mâu thuẫn, những còn có những lời khó chấp nhận:

Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.

(c. 37)

Trong sách Tin Mừng theo thánh Luca, Đức Giê-su còn nói mạnh hơn: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26-27). Để trở thành môn đệ của ngài, Đức Giê-su đưa ra một đòi hỏi quá khó khăn. Vì thế, chúng ta thường hiểu đòi hỏi này chỉ dành cho một số ít người thôi, đó là các tông đồ, và bây giờ là những người đi tu. Hiểu như vậy là không đúng, vì như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói lời này với đám người rất đông đang cùng đi đường với Ngài; và trong Giáo Hội, dù lập gia đình hay đi tu, chúng ta đều là Ki-tô hữu, nghĩa là thuộc về Đức Ki-tô, chúng ta đều là môn đệ của Đức Ki-tô theo những cách thế khác nhau, trong đời sống hôn nhân hay đời sống tu trì. Hơn nữa, Đức Giê-su còn mời gọi người ta dứt bỏ “vợ con”, nghĩa là Ngài ngỏ lời với cả người đã có gia đình, đã có vợ có chồng và đã cả con cái!

Vậy thì phải làm sao đây trước đòi hỏi quá rõ ràng và khó khăn của Đức Giê-su, ngỏ với từng người trong chúng ta, không phân biệt? Chúng ta được mời gọi dành thời gian để tìm cách hiểu Lời Chúa theo khả năng của mình, trước khi nghĩ đến việc phải thực hành làm sao. Trong nhiều trường hợp, nếu chúng ta “nhắm mắt” thực hành ngay, sẽ đi đến bế tắc, làm khổ thậm chí làm hại mình và làm hại nhau, như trong trường hợp đòi hỏi phải từ bỏ này. Thế thì, chúng ta phải hiểu như thế nào đòi hỏi quá lớn lao đến độ phi lí này của Đức Giê-su? Trước hết, chúng ta cần nhận ra rằng đòi hỏi này thật là lạ lùng, nếu không muốn nói là khó chấp nhận. Khó chấp nhận, vì Đức Giê-su không đòi chúng ta dứt bỏ của cải, tiện nghi, nhà cửa, ruộng đất, nhưng là dứt bỏ những con người cụ thể.

Và khó chấp nhận, nhất là vì Đức Giê-su không đòi hỏi chúng ta dứt bà con họ hàng, bạn bè hay là người yêu. Dứt bỏ những người này cũng không phải dễ, nhưng không phải là không làm được. Như chúng ta đã biết, có nhiều người trẻ nam nữ đã phải chia tay với người yêu để trở thành môn đệ Đức Ki-tô trong đời tu. Và dĩ nhiên là cũng có những người không chia tay được!

Nhưng, ở đây, Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta dứt bỏ những người ruột thịt: đó là cha mẹ, vợ con, anh em, chị em. Và ruột thịt hơn nữa là chính sự sống của mình, bởi vì chúng ta phải đối diện vởi chính mình hằng ngày: phải ăn phải mặc, phải chăm sóc sức khỏe, và còn phải chú ý đến ngoại hình nữa. Có thể nói, Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta dứt bỏ điều không thể dứt bỏ, bởi vì đó là ruột là thịt của mình. Ví dụ, dù chúng ta đi đâu, làm gì, sống ơn gọi nào, thì khi làm tờ khai, chúng ta vẫn phải khai mình là con của ai, khai vợ khai chồng nếu có, khai tất cả anh chị em ruột. Hơn nữa, người Việt Nam chúng ta rất coi trọng đạo hiếu với cha mẹ và tình nghĩa anh chị em và bà con thân thuộc.

Vậy “dứt bỏ” Chúa nói ở đây có nghĩa là gì? Dứt bỏ những người thân yêu, chính là để nhận lại như một quà tặng Thiên Chúa ban. Nếu không, chúng ta sẽ coi những người thân yêu là của riêng mình, và tự coi mình là chủ có quyền định đoạt theo ý riêng. Kinh nghiệm cho thấy, làm như thế chúng ta sẽ đánh mất mình và đánh mất nhau.

Tổ phụ Abraham vì tình yêu đối với Chúa, đã dứt bỏ người con trai duy nhất, nhưng cuối cùng đã nhận lại như một ơn huệ Thiên Chúa ban, và cùng với người con ơn huệ Isaac là cả một dân tộc đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển.
Có thể nói, chính Thiên Chúa Cha cũng dứt bỏ người Con duy nhất, là Đức Giê-su Ki-tô trong cuộc Thương Khó, nhưng để nhận lại Ngài trong sự sống Phục Sinh và cùng với Ngài, là cả một đoàn con đông đúc, là nhân loại mới, là Giáo Hội, là chúng ta, được cứu chuộc bỏi cái chết trên Thập Giá của Đức Ki-tô.
Vỉ thế, chúng ta được mời gọi trở thành môn đệ của Đức Giê-su, ngang qua việc nghe Lời của Ngài và đón nhận mình và máu ngài trong Thánh Lễ, để nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Và cách Đức Giêsu yêu mến chúng ta, cũng chính là cách thức chúng ta yêu mến nhau. Như Chúa nói: “Anh em hãy yêu mến nhau như Thầy yêu mến anh em”.

Nếu chúng ta yêu nhau như Chúa yêu chúng ta, tương quan tình yêu giữa chúng ta, sẽ không bị lệc lạch, không bị biến dạng thành tương quan ham muốn, chiếm hữu hay độc quyền, nhưng trở thành tương quan hiệp thông trong sự tôn trọng, chia sẻ cho nhau và chia sẻ cho nhau đến tận cùng. Và Ngài hứa với chúng ta là chúng ta sẽ nhận lại gấp trăm. Bởi vì tất cả những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành sẽ trở thành người thân của Chúa và vì thế, trở thành người thân của nhau. Lời hứa này không chỉ được ứng nghiệm trong cộng đoàn đời tu, nhưng trong Giáo Hội, trong cả trong cộng đoàn giáo xứ của chúng ta nữa.

Dứt bỏ mọi sự để trở thành môn đệ của Đức Giê-su bằng mọi giá, để yêu mến và đi theo Ngài, chúng ta sẽ không “đánh mất nhau”, nhưng ngược lại, chúng ta sẽ “tìm lại được nhau” trong tương quan tình yêu đích thật và muôn đời. Bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay, mời gọi chúng ta phải hi sinh từ bỏ rất lớn để trở nên môn đệ đích thật của Chúa. Nhưng đó chính là để chúng ta đón nhận tình yêu bao dung và thương xót của Chúa, và để chúng ta nhận lại nhau như hồng ân Chúa ban và yêu thương nhau; và không phải yêu thương nhau theo kiểu của chúng ta, nhưng là yêu thương nhau như Chúa yêu thương chúng ta.

Phần thưởng
Nếu những lời trên đây của Đức Giê-su gây ra nhiều khó khăn, thì những lời tiếp theo lại mang lại cho chúng ta sự bình an và hi vọng. Thật vậy, một ơn rất nhỏ, là một « chén nước », mà chúng ta trao ban cho những người thuộc về Đức Ki-tô, cũng được Chúa ghi nhận, coi trọng, và sẽ làm cho sinh hoa trái kết quả, như Người nói : « Người đó sẽ không mất phần thưởng đâu ». Và vì đó là « phần thưởng » đến từ Đức Ki-tô, con Thiên Chúa, nên sẽ tồn tại mãi mãi.

Chắc chắn ai trong chúng ta cũng trao ban hơn thế nhiều, cho những người thuộc về Chúa, hay rộng hơn, cho những gì thuộc về Chúa và cho chính Chúa. Vậy, dựa vào lời của Chúa, một đàng, chúng ta hãy xác tín về « phần thưởng », nghĩa là những hoa trái Chúa sẽ ban cho chúng ta, cho sự sống hôm nay và mai sau, cho dù chúng ta còn đầy thiếu sót, yếu đuối và tội lỗi ; và đàng khác, chúng ta được mời gọi trao ban hơn nữa.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc