Dân Chúa Âu Châu

Đừng sợ…, nhưng hãy sợ ….
Thứ Bảy tuần 14 thường niên – Thánh Bônaventura, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.
"Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác".

Lời Chúa: Mt 10, 24-33
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Môn đệ không hơn thầy, và tôi tớ không hơn chủ mình. Môn đệ được bằng thầy, tôi tớ được bằng chủ mình thì đã là khá rồi. Nếu họ đã gọi chủ nhà là Bêelgiêbul thì huống hồ là người nhà của Ngài. Vậy các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Điều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.
"Các con đừng sợ kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn. Các con hãy sợ Đấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.
"Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy là Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy là Đấng ngự trên trời".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy Niệm 1: Ðừng sợ người đời
Mahatma Gandhi, nhà tranh đấu bất bạo động cho quyền con người và nền độc lập của Ấn Ðộ, đã có lần nhắn nhủ các môn sinh như sau: "Sự thật và tình thương sẽ chiến thắng. Hãy suy nghĩ điều đó và hành động theo sự thật và tình thương. Ðừng bao giờ dùng bạo lực đáp trả bạo lực, vì làm như thế là bắt chước lối sống man rợ của những người dùng bạo lực. Khi dùng bạo lực, những người đó cho thấy nỗi thất vọng và trạng thái thú hóa của họ. Chúng ta hãy sống như con người. Những người dùng bạo lực có thể đánh đập và giết chết thân xác chúng ta, nhưng không thể giết được tinh thần và quyền lợi của chúng ta, họ không thể giết được sự thật. Sự thật và tình thương sẽ chiến thắng. Hãy suy nghĩ kỹ và hãy sống theo sự thật và tình thương, bởi vì nếu sống theo bạo lực và hận thù, thì thế giới sẽ trở thành mù lòa".
Ðã từng vào tù ra khám, đã từng bị đánh đập hành hung, con người đã nói những lời trên đây chưa một lần tỏ ra sợ sệt. Ngày 30/01/1948, ông ngã gục vì nhát gươm của một người quá khích. Cái chết của ông là một cụ thể hóa của chính chủ trương bất bạo động mà ông đã đề ra.
Sẵn sàng chết để làm chứng cho sự thật và tình thương với niềm tin vào sự bất tử của linh hồn con người, Mahatma Gandhi dù chưa phải là Kitô hữu, nhưng đã sống theo lời Chúa dạy trong Tin Mừng hôm nay, đó là sống hiên ngang, không sợ hãi trước các cường lực sự dữ, không sợ hãi những người chỉ giết được thân xác, nhưng không làm gì được linh hồn; sống trung thực với phẩm giá của con cái Chúa, không để mình rơi vào tình trạng hóa thú và nô lệ cho bạo lực: "Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, mà không giết được linh hồn".
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào thực tế cuộc sống và tỏ ra thái độ phù hợp với người có lòng tin. Từ chuyện phải vất vả kiếm sống đến chuyện tương lai của con cái và những khó khăn trong việc sống đạo, chúng ta được mời gọi để múc lấy ánh sáng của Tin Mừng và chiếu dọi vào những thực tế ấy. Là người Kitô hữu, tôi phải sống những thực tại ấy thế nào? Lý tưởng của tôi là tìm mọi cách để có nhiều của cải vật chất hay là tìm kiếm Nước Chúa và sự công chính trước?
"Môn đệ không hơn Thầy, tôi tớ không hơn chủ". Chúa Giêsu đã đi con đường của nghèo khó, thua thiệt, bách hại, thập giá, tha thứ và tha thứ cho đến cùng. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ đề ra cho chúng ta một lý tưởng, một con đường để đi theo, Ngài chính là con đường, là sự thật và là sự sống. Chúng ta tin rằng nếu chúng ta kết hiệp với Ngài, chúng ta sẽ được sức mạnh của Ngài để thắng vượt mọi gian nan thử thách. Chúng ta cũng tin rằng bên kia những hao mòn và chết chóc trong thân xác, tâm hồn chúng ta sẽ được mãi mãi kết hiệp với Ngài.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 2: Những sợ hãi không đâu
“Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không thể giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt được cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục.”
Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. (Mt. 10, 28. 32-33)
Chúng ta sợ hãi cái gì?
Bạn hãi hỏi xem người ta sợ hãi cái gì? Hầu như ai nấy cùng có một câu trả lời. Người ta sợ bị ốm đau, tật nguyền sợ mất của cải hay công ăn việc làm, sợ phải sống cô đơn, sợ mất danh thơm, tiếng tốt, sợ bị kẻ bất lương tấn công ngoài đường phố, sợ phải xa cách người thân yêu, sợ chết…
Điều ta lo sợ trong cuộc sống ấy, bởi chính nó gây tổn thương, mất mát, thiệt thòi hay tàn tật cho ta. Ta không khinh chê coi thường những xao xuyến, sợ hãi kia. Nhưng chỉ có nguyên những lo âu xao xuyến này thôi sao, và đó phải chăng là những điều quan trọng nhất? còn biết bao điều lẽ ra khiến ta phải bàng hoàng lo sợ, thế mà ta lại bình chân như vại.
Những điều đáng sợ mà người ta lại không nghĩ đến.
Bạn hỏi xem người ta có lo sợ vì không kính mến Thiên Chúa và yêu thương người ta đủ không? Hãy hỏi xem người ta có sợ vì chỉ biết sống bo bo mà không biết chia sớt với anh em mình không. Người ta có run sợ vì đã không coi trọng Phúc Âm, không sống đời cầu nguyện và nói về Chúa Giêsu đủ không? Những người mà bạn đặt những câu hỏi trên đây cho họ, có lẽ đều bỡ ngỡ. Vì phần lớn thời giờ, có bao giờ tâm trí họ màng đến những điều như trên đây.
Chúng ta thường sợ hãi vì những chuyện chẳng đáng gì, còn những điều lẽ ra lòng ta phải xao xuyến âu lo, thì ta lại chẳng màng chi đến. Ta hãy biết sợ. Kiểu nói đó, nghe không suôi. Bởi vì Chúa đâu có muốn cho ta phải sống trong nơm nớp sợ hãi; nhưng Người muốn ta luôn được sống trong yêu thương an bình. Điều Chúa mang đợi ở ta là luôn hướng về Người và các anh em ta. Người mong muốn cho ta chẳng phải sợ gì, chẳng sợ ai cả, nhưng vững tin rằng Chúa Thánh Thần hằng ngự trong ta che chở và dẫn dắt ta đến cùng Cha.
Lạy Chúa, xin cho con biết xao xuyến và sợ hãi những khi con thấy mình xa Chúa. Xin giúp con biết đem lại niềm hy vọng mới cho những ai đang hao mòn vì những xao xuyến sợ hãi đủ thứ trong cuộc đời.
J.Y.G

Suy niệm 3:
Sự chết
Khi thi hành sứ mạng phục vụ cho sự sống của con người, người môn đệ có nguy cơ mất đi chính sự sống của mình. Bởi vì con người không chỉ đau khổ vì thân phận sinh lão bệnh tử, nhưng còn bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ, vốn gây ra bầu khí chết chóc và chính cái chết cho con người (x. St 3, 1-7: Con Rắn gieo nọc độc vô ơn, ham muốn và ghen tị gây chết chóc trong lòng con người và trong tương quan giữa người với người).

Phục vụ cho sự sống đến độ đánh liều chính sự sống của mình. Nhưng đó lại là con đường nhận lại sự sống trong Chúa, giải phóng sự sống hôm nay khỏi Sự Dữ và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ, vì thế làm cho sự sống trở nên đích thật và hướng về sự sống viên mãn mai sau, theo khuôn mẫu của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô.

Chính vì thế, Đức Giê-su nói, Ngài sai các môn đệ đi như “chiên vào giữa bầy sói”. Như thế, sự chống đối, thậm chí bách hại, là tất yếu; như hình ảnh “chiên và sói” gợi ra: một bên là hiền lành và một bên là bạo lực, muốn hủy diệt. Nhưng lí do của sự chống đối không phải là chính bản thân các môn đệ, nhưng là “vì Thầy”, “vì danh Thầy”, bởi vì Thầy mới là “Con Chiên” đích thật của Thiên Chúa, là Đấng mà các môn đệ rao giảng và được mời gọi trở nên một với Ngài. Người môn đệ được mời gọi trở nên một với Đấng mình rao giảng, vì Ngài đã trở nên một với môn đệ trước.

“Người đời” đã bách hại Thầy và Đức Giê-su nói: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà”. Và “Người đời” tiếp tục bách hại Thầy nơi các môn đệ, bởi vì Thầy là “Chiên lành”, “Sự Thiện”, “Thiên Tính”, “Ánh Sáng”, “Sự Sống, “Sự Thật”. Vì thế, một cách tương ứng, kẻ bách hại không phải là những con người cụ thể, nhưng là “Sói Dữ”, “Sự Dữ”, “Thú Tính”, “Gian Dối”, “Bóng Tối”, “Sự Chết” hành động nơi những con người cụ thể. Thế mà, Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ có mặt ở khắp nơi và nơi mọi người, và có nơi chính các môn đệ! Vì thế, sự chống đối của Sự Dữ có thể bùng lên từ những nơi và những người thiết thân nhất: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.” “Sói Dữ” không phải là con người, những là thú tính hiện diện và chi phối con người chống lại “Chiên Lành”.

Sự Sống
Nhưng lời loan báo của Đức Giê-su về sự bách hại thậm chí giết hại, lại chứa đựng Sự Sống của Thiên Chúa và hướng đến Sự Sống viên mãn của Người, theo khuôn mẫu của “Hạt Lúa Mì”, nghĩa là của mầu nhiệm Vượt Qua. Thật vậy, bách hại, nhưng lại là cơ hội “để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết”; và bởi vì đây là chứng từ tận cùng, nghĩa là “chứng từ sự sống”, như Đức Ki-tô trong cuộc Thương Khó, người môn đệ được dẫn vào kinh nghiệm “thần nhiệm” về Thiên Chúa Ba Ngôi: người môn đệ bị bách hại vì Chúa Con, nên được Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần để Người lên tiếng và hành động nơi các môn đệ, như Đức Giê-su nói: “Vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.”

Và sự bách hại không phải là vô tận, nhưng sẽ kết thúc với biến cố “Con Người đến” một cách bất chợt. Đó là hướng đi tất yếu của lịch sử cứu độ, bởi vì Đức Ki-tô đã vượt qua sự bách hại và chính sự chết, và Ngài sẽ lại đến để dẫn đưa sáng tạo và lịch sử đi vào một chiều kích vừa vĩnh cửu và vừa mới mẻ. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể hiểu, chính sự bách hại khiến người môn đệ phải trốn chạy: “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác”, sẽ làm cho người môn đệ trở nên giống với Đức Ki-tô và mau đến với Người. Con Người đến với chúng ta, hay chúng ta đến với Con Người, còn nhắc nhớ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người: Người đã bị giết chết, nhưng Người đã phục sinh, để trở nên sức mạnh và niềm hi vọng cho người môn đệ thuộc mọi thời.

“Đừng sợ”
Tuy nhiên, đứng trước viễn tượng chống đối tất yếu và tận căn như thế, không ai có thể tránh được sự sợ hãi ; và chính Đức Ki-tô cũng có kinh nghiệm này trong Vườn Dầu. Vì thế, khi Người mời gọi người môn đệ nhiều lần « đừng sợ » (ba lần ở những câu 26, 28 và 31 trong bài Tin Mừng ngày mai : Mt 19, 24-33), thì đó không phải là sự sợ hãi thuộc bình diện tâm lí, vì ở bình diện này, con người không thể không sợ, nhưng Người gọi người môn đệ « đừng sợ », đừng lung lạc, đừng để ma quỉ làm cho nghi hoặc, ở bình diện tín thác, mà người môn đệ đặt để nơi Sự Thật, quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa.

Tín thác nơi chân lí của sứ điệp Tin Mừng, của chính Đức Ki-tô, bởi vì Người là Chân Lý ; và Chân Lý này hôm nay được rao giảng bởi các môn đệ, nhưng một ngày kia sẽ được tỏ bày cho tất cả mọi người : « Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.” Và tín thác nơi quyền năng mạnh hơn sự chết của Thiên Chúa : « Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục »

Và nhất là người môn đệ được mời gọi tín thác nơi tình yêu quan phòng của Người : « Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ ». Khi nói về tình yêu quan phòng của Thiên Chúa Cha, ngang qua hình ảnh « con chim sẻ », Đức Giê-su đã làm cho lời nguyện Thánh Vịnh được hoàn tất (x. Lc 24, 44) ; thật vậy, theo con đường thiêng liêng của lời nguyện Thánh Vịnh, Người mời gọi chúng ta nhận ra tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa dành cho con người khởi đi từ công trình sáng tạo của Người :

Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo

muôn trăng sao Chúa đã an bài,
thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,

phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?

(Tv 8, 4-5)

Chim sẻ rẻ tiền như thế, nhưng vẫn không bị loại bỏ khỏi sự quan tâm yêu thương của Chúa Cha, trong khi chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được tái sinh trong Máu Đức Ki-tô để trở nên con Thiên Chúa, vì thế, Người quí trọng từng « sợi tóc » trên đầu của chúng ta. Chứng kiến từng sợi tóc rụng theo năm tháng, nhất là khi đến tuổi trung niên, thay vì sợ hãi, chúng ta được mời gọi tín thác nơi Thiên Chúa « muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương ».

Vì thế, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Ki-tô, dù cho đó là “gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?… là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác” (Rm 8, 35-39). Chính tình yêu Thiên Chúa cuốn hút con tim và làm cho người môn đệ “tuyên bố Thầy trước mặt thiên hạ”, nghĩa là sống tương quan thiết thân với Người trong mọi nơi mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh.

Khi bắt đầu nói về sự bách hại, Đức Giê-su mời gọi người môn đệ: “Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (c. 16). Chúng ta chỉ có thể hiểu đúng lời mời gọi này khi chiêm ngắm Mầu Nhiệm Thương Khó của Đức Ki-tô, để nhận ra Khuôn Mặt của Đức Ki-tô chịu đóng, rạng ngời sự đơn sơ và khôn ngoan của Thiên Chúa và để cho con tim chúng ta được chinh phục.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Suy niệm 4:

Trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu nhắc chúng ta đừng lo (c.19).
Hôm nay ba lần Ngài nhắc chúng ta đừng sợ kẻ bách hại (cc. 26. 28.31).
Cuộc sống con người bị trói buộc bởi những nỗi sợ,
có lý và vô lý, đến từ bên ngoài hay từ bên trong trái tim.
Càng văn minh con người càng có nhiều nỗi sợ mới.
Nỗi sợ làm người ta mất tự do, mất bình an, mất vui…
“Đừng sợ” là điệp khúc trấn an được Đức Giêsu nhắc lại nhiều lần.
Đừng sợ, Simon, khi Thầy gọi anh đi theo (Lc 5, 10).
Đừng sợ khi Thầy đi trên mặt nước mà đến (Mt 14, 27).
Đừng sợ sau khi thấy Thầy được biến hình (Mt 17, 7).
Đừng sợ, Giairô, dù con gái ông đã chết (Mc 5, 36).
Đừng sợ, hỡi các phụ nữ, khi gặp Thầy phục sinh (Mt 28, 10).
Nỗi sợ có vẻ gắn liền với phận người mong manh.
Nhưng Đức Giêsu muốn giải phóng chúng ta khỏi mọi nỗi sợ.
Có người môn đệ sợ bị mất mạng, đến nỗi không dám rao giảng,
không dám tuyên nhận Thầy trước mặt người đời.
Đức Giêsu mời các môn đệ nói công khai giữa ban ngày, trên mái nhà,
điều mình nghe Thầy thì thầm trong đêm khuya (c. 27).
Họ không được giữ riêng cho mình điều đã lãnh nhận.
Đừng sợ cái giá phải trả cho việc rao giảng, làm chứng cho Thầy,
vì có điều gì còn quý hơn cả sự sống thân xác nữa (c. 28).
Trong Vườn Dầu, Đức Giêsu cũng sợ chết, vì Ngài còn quá trẻ.
Nhưng Ngài đã không để cho nỗi sợ thắng mình,
khi dám nói tiếng xin vâng, buông đời mình trong tay Cha.
Cha lo cho cả những sinh vật bé nhỏ, tưởng như vô giá trị.
Chim sẻ là thức ăn rẻ tiền nhất vào thời Đức Giêsu.
Tiền lương một ngày mua được ba chục con chim sẻ.
“Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý Cha” (c. 29).
Cả đến sợi tóc của trên đầu chúng ta cũng được Thiên Chúa đếm (c. 30).
Dù một sợi cũng được Thiên Chúa giữ gìn (Lc 21, 18).
Chính vì thế người Kitô hữu được giải phóng khỏi những nỗi sợ đeo đẳng.
Họ chẳng còn sợ ai, ngoài Thiên Chúa.
Vấn đề không phải là trở nên vô cảm, không biết sợ là gì.
Nhưng là biết sợ ai.
“Mày cùng chịu một án phạt mà không biết sợ Thiên Chúa ư?”
Anh trộm lành đã nói với người kia như vậy (Lc 23, 40).
Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi những nỗi sợ vu vơ,
để chúng ta được tự do, biết lo điều phải lo, biết sợ điều phải sợ.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.