Dân Chúa Âu Châu

Cánh đồng truyền giáo.

Thứ Ba tuần 14 thường niên – Thánh Bênêđictô, viện phụ. Lễ nhớ.

"Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít".

* Chào đời quãng năm 480 tại Noóc-xi-a (Um-ri-a). Sau một thời gian theo học ở Rôma, Bênêđictô rút lui vào một hang ở Xu-bi-a-cô và bắt đầu sống đời ẩn sĩ, chiêu mộ các đồ đệ rồi chuyển đến Montê Cátxinô. Tại đây, người lập một đan viện thời danh, chính người soạn tu luật cho đan viện. Sau này tu luật mang tên người được phổ biến khắp châu Âu, nên người được mệnh danh là “Tổ phụ của nếp sống đan tu ở phương Tây”. Người qua đời ngày 21 tháng 3 năm 547. Từ cuối thế kỷ 8, người đã được kính nhớ vào ngày 11 tháng 7. Ngày 24 tháng 10 năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 ra tông thư “sứ giả hòa bình” (Pacis nuntius), đặt người làm bổn mạng toàn châu Âu.

Lời Chúa: Mt 9, 32-38
Khi ấy, người ta đem đến Chúa Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi đã trừ quỷ, thì người câm nói được, đám đông dân chúng kinh ngạc và nói rằng: "Chưa bao giờ thấy xảy ra như vậy trong dân Israel". Nhưng các người biệt phái nói rằng: "Ông ta đã nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ".
Và Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn. Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy Niệm 1: Nhu cầu truyền giáo
Nhờ tiếp xúc với người dân, Chúa Giêsu có thể nhận thấy đời sống thực tế của họ. Thánh sử Mátthêu nói rõ: "Thấy dân chúng đông đảo, Ngài chạnh lòng thương, vì họ lầm than, vất vưởng, như chiên không người chăn dắt". Ðứng trước thảm trạng này, Chúa Giêsu gợi ý để các môn đệ của Ngài suy tư: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít".
Quan niệm Cựu Ước về các chủ chăn của dân là quan niệm rộng rãi và ám chỉ vừa các thẩm phán, vừa các tư tế và tiên tri. Hình ảnh rất quen thuộc với nền văn hóa của các dân du mục. Chính tổ tiên của họ cũng là những người chăn chiên, như Môsê, Ðavít. Yêrêmia và Êzêkiel đã báo trước là chính Thiên Chúa sẽ trở nên người chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Lời tiên tri này đã được thực hiện đầy đủ nơi Chúa Giêsu, vị Mục Tử nhân lành chạnh thương và chăm sóc các con chiên của Ngài, đến nỗi hy sinh cả mạng sống cho chúng. Như vậy, các Kitô hữu có thể tin tưởng tiến bước, bởi vì họ biết rằng Chúa là mục tử của họ.
Hình ảnh về mùa gặt hái đã được các Tiên Tri dùng để chỉ Nước Chúa Cứu Thế sau này. Thời kỳ sau cùng là thời kỳ gặt hái thu lượm, nghĩa là lúc Thiên Chúa đến phán xét trong ngày tận thế. Chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh này trong dụ ngôn cỏ lùng và lúa. Giai đoạn sau cùng của lịch sử đã bắt đầu với việc Nước Thiên Chúa đến; tất cả đều sẵn sàng, nhưng thiếu thợ gặt. Thế giới ngày nay như một cánh đồng mênh mông, nơi có rất nhiều linh hồn sẵn sàng đón nhận Nước Trời nhưng phải có người chỉ đường cho họ. Chúa muốn cứu thế gian và Ngài kêu gọi sự cộng tác của con người. Lời kêu gọi của Ngài vẫn có giá trị và khẩn cấp trong mọi thời đại.
Là người Kitô hữu, chúng ta có lo lắng để Nước Chúa được lan rộng tới các tâm hồn không? Ðức tin của chúng ta có sống động bằng việc làm cụ thể hay chỉ là đức tin chết?
Xin Chúa đổ tràn tâm hồn chúng ta lửa nhiệt tâm truyền giáo. Xin cho chúng ta thực sự trở nên chứng nhân của Chúa bằng lời nói, việc làm, nhất là bằng lời cầu nguyện và gương sáng.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 2: Chúng ta đều là thợ gặt
Đức Giêsu thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không có người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với các môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt. 9, 36-39)
Một mùa gặt bội thu
Nếu hôm nay Chúa Giêsu đi trên những con đường hiện đại của chúng ta, chắc chắn Chúa cũng sẽ cảm nghĩ như xưa cách đây gần 2000 năm. Người sẽ nói: “Những con người nam nữ của thế kỷ 20 này, ta không thể không quan tâm tới họ. Ta thấy họ lo âu và chẳng sung sướng gì. Ta thấy họ đang đi tìm ánh sang và chân lý. Ta biết họ muốn được sống hạnh phúc, nhưng lại chẳng biết đường đi. Thiếu người dẫn dắt họ tới ấnh sáng và nguồn vui. Không đủ thợ gặt. Anh em hãy cầu xin Cha tôi để có được nhiều người biết dẫn dắt người ta đến với Ngài.
Không phải chỉ có các linh mục, các tu sĩ nam nữ là những người phải nói về Chúa, phải giới thiệu Chúa cho người ta, mà là tất cả những ai đã hưởng ánh sáng và niềm vui mà Chúa ban cho kẻ sống mật thiết với Người.
Ta không thể đã được gặp Chúa rồi mà lại sống ích kỷ. Người Kitô hữu chính cống là người biết chia sẻ cho người khác điều mình đã thấy, đã biết, đã trải qua.
Mỗi người đều có phần trách nhiệm
Phải cần đến nhiều tay thợ, để những con người thời nay nam cũng như nữ biết đối diện với Chúa và sống sự sống của Người. Mỗi tín hữu dù nam hay nữ đều phải là thợ gặt trong cánh đồng mênh mông của Chúa. Mỗi người đều có trách nhiệm góp phần lớn nhỏ của mình.
Đừng đẩy trách nhiệm của mình cho người khác. Không phải chỉ cầu nguyện cho thêm đông số các người chuyên lo việc truyền giáo, cho có nhiều linh mục tu sĩ nam nữ dấn thân hết mình cho Giáo hội mà thôi. Tốt hơn ta hãy cầu xin cho chính chúng ta để biết làm gì hơn trong phần trách nhiệm của mình, cụ thể là cầu nguyện cho ta được ơn can đảm và niềm vui để hoàn thành tốt trách nhiệm Chúa trao.

Suy niệm 3

Tin Mừng Nước Trời
Trong bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay, cùng với việc giảng dạy để loan báo Tin Mừng Nước Trời, Đức Giê-su còn “chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”; không chỉ bệnh hoạn tật nguyện gây ra do thân phận của con người, nhưng còn do bởi ma quỉ, vốn luôn phá hoại tương quan tin tưởng và tình yêu giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Bởi vì, con người không chỉ sống bằng sức khỏe thể lí, nhưng còn bằng tương quan nữa, tương quan với mình, với người khác và với Chúa; con người không thể sống bình an và hạnh phúc, nếu những tương quan này bị tổn thương.

Ngoài ra, để cho sự sống này có ý nghĩa, con người còn cần có hướng đi và niềm hi vọng hướng tới cùng đích đáng ước ao và mong chờ; chính vì thế, Đức Giê-su còn quan tâm đến sứ mạng chăn dắt đối với con người nữa, vì dưới mắt Ngài, loài người chúng ta “lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”.

Như thế, Tin Mừng Nước Trời gắn liền với dấu chỉ phục vụ cho sự sống: ở đâu có Nước Trời, ở đó có sự phục vụ cho sự sống; và ở đâu có sự phục vụ cho sự sống, ở đó Nước Trời hiện diện. Đức Ki-tô đã phục vụ cho sự sống của loài người và từng người chúng ta “cho đến cùng”, nghĩa là trở thành “Bánh” nuôi dưỡng chúng ta, trở thành hiện thân của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cho chúng ta; và Ngài mời gọi mỗi chúng ta đích thân đón nhận sự phục vụ của Ngài, để có thể phục vụ như Ngài. Đó chính là cách thức Đức Ki-tô loan báo Tin Mừng và làm cho Nước của Thiên Chúa Cha trị đến.

Ma quỉ làm cho câm
Phép lạ Đức Giêsu chữa lành một người câm bị quỉ ám, được kể lại thật ngắn gọn, có lẽ không thể ngắn hơn: “Người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỉ ám. Khi quỉ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được”. Nhưng nếu dừng lại suy niệm, chúng ta sẽ nhận được nhiều ánh sáng.

Cách nói “một người câm bị quỉ ám” có thể làm cho chúng ta hiểu rằng người này bị câm trước, rồi mới bị quỉ ám. Nhưng khi nạn nhân được giải thoát khỏi ma quỉ, thì nói được. Điều này có nghĩa là chính ma quỉ làm cho câm, không nói được. Vì thế, đó là một người “bị quỉ ám câm” (theo tiếng Hi-lạp); câm là hệ quả của việc bị quỉ ám.

Lời nói quan trọng biết bao trong cuộc sống, để đi vào tương quan và duy trì tương quan, nhưng nhất là vì lời nói có sức mạnh làm cho sống hay giết chết, như sách Huấn Ca nói: “Có nhiều kẻ gục ngã vì lưỡi kiếm, nhưng làm sao sánh được với những kẻ gục ngã vì lưỡi người?” (Hc 28, 18). Chính vì thế lời nói là biểu tượng của chính sự sống và chúng ta gọi biến cố sinh ra của một con người là “tiếng khóc chào đời”. Cách hiểu này có nguồn gốc từ chính Ngôi Lời là sự sống (x. Ga 1, 4).

Như thế, khi làm cho con người câm, ma quỉ muốn phá hoại sự sống, muốn gieo rắc bầu khí chết chóc vào trong sự sống. Hiểu như thế, ma quỉ vẫn còn hành động như thế hôm nay nơi tất cả mọi người, khi làm cho người ta “câm”, không phải thể lí, nhưng nghiêm trọng hơn, “câm” không nói được với Chúa những lời ca tụng và tạ ơn, không nói được với nhau những lời làm cho sống, những lời cảm thông, tha thứ, những lời làm cho tái sinh, những lời hiệp nhất, hiệp thông và yêu thương, những lời phục vụ cho sự sống.

Đức Giê-su Ki-tô là Ngôi Lời Sự Sống và chúng ta được dựng nên bởi Ngài và cho Ngài; chính vì thế, chúng ta là những tạo vật có khả năng trao ban lời sự sống. Xin Chúa đến và xin cho chúng ta mở rộng lòng ra để đón nhận Ngài, để Ngài giải thoát chúng ta khỏi ma quỉ, để Ngài tái sinh và làm cho chúng ta sống đúng với căn tính của mình, là Con Thiên Chúa, luôn sống bằng Lời Sự Sống và trao ban Lời Sự Sống.

Người bị ma quỉ làm cho câm, nhưng Đức Giê-su làm cho nói được bằng cách trừ quỉ. Nhưng những người chứng kiến lại nói: “Ông ấy dựa vào thế quỉ vương mà trừ quỉ”. Như thế, họ vốn nói được, nhưng đã trở thành “câm”! (x. Ga 9, 39).

Lúa chín đầy đồng
Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, và Ngài nhận ra họ giống như bầy chiên không người chăn dắt. Chúng ta dễ dàng hình dung ra bầy chiên sẽ ra như thế nào, khi không có mục tử : chúng sẽ vất vưởng, vì lạc lối, tán loạn không tìm ra hướng đi hay đường đi ; chúng sẽ lầm than, vì không tìm ra nguồn nước uống và lương thực đích thực, không tìm ra nơi chốn vĩnh cửu để nghỉ ngơi ; và kết cục, không sớm thì muộn, cũng sẽ bị bách hại bởi sói dữ, bị lôi kéo bởi những kẻ lừa đảo, chuyên dụ dỗ, bởi thần tượng hay ngẫu tượng đủ loại. Vào thời của Đức Giê-su, đã có những đám đông như thế ; và vẫn còn những đám đông như thế vào thời của chúng ta ngày nay.

“Đám đông lầm than vất vưởng” ngày nay là những ai? Đó là những người, nhóm người, hay cả một xã hội, nhưng nhất là những người trẻ, mất hướng đi, mất niềm tin, chạy theo những mục đích chóng qua, bề ngoài, không có giá trị nhân bản, nhân linh truyền thống bền vững, chạy theo các thần tượng hay ngẫu tượng.

Và chính chúng ta nữa, ở mức độ nào đó, cá nhân cũng như cộng đoàn, chúng ta cũng sẽ trở thành lầm than vất vưởng, mỗi khi chúng ta không để cho Đức Giê-su là mục tử, chăn dắt chúng ta, hướng dẫn chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời của ngài, bằng Mình và Máu Thánh của Ngài, mỗi khi chúng ta không đón nhận sự nghỉ ngơi và bình an mà Chúa ban cho chúng ta (x. Mt 11, 28-30).

Tuy nhiên, Đức Giê-su lại coi tình trạng khốn khổ của đám đông như mùa gặt, và không như một mùa gặt tầm thường : « Lúa chín đầy đồng », nghĩa là trúng mùa và đem lại niềm vui ! Lời này của Thánh Phao-lô giúp chúng hiểu tâm tình sâu xa của Đức Giê-su : « Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội » (Rm 5, 20). Lí do tận cùng, đó chính là vì Đức Giê-su chạnh lòng thương, nhận chăm sóc với tư cách là Người Mục Tử tốt lành, là Chủ Mùa gặt.

Ngài là Chủ Mùa Gặt, nghĩa là Ngài có trách nhiệm, nhưng Ngài lại mời gọi các môn đệ và cả chính chúng ta nữa : « Xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về » ! Như thế, Ngài mời gọi chúng ta tham gia, chia sẻ trách nhiệm của Ngài đối với mùa gặt. Nhưng trong thực tế, Ngài không đợi các môn đệ xin, nhưng tức khắc, Ngài gọi các môn đệ, trao quyền và sai đi (đó là nội dung của bài Tin Mừng ngày mai : Mt 10, 1-8). Đơn giản vì đó là chuyện khẩn cấp ! Hình ảnh « bầy chiên không người chăn » và hình ảnh « mùa gặt đã đến » diễn tả thật rõ ràng khía cạnh khẩn cấp của sứ vụ. Và Ngài đã sai chính những người xin Ngài sai thợ ra gặt lúa về ! Điều này có nghĩa là, họ không chỉ xin Chúa sai người khác, nhưng còn ước ao cùng với Ngài chạnh lòng thương đám đông và xin Ngài sai chính họ.

Chúng ta cũng vậy, chính khi chúng ta xin Chúa sai thợ ra gặt lúa về, chúng ta cũng được mời gọi đồng cảm với Chúa, cùng chạnh lòng thương không chỉ đối với đám đông xa xôi, nhưng đối với những anh chị em bên cạnh chúng ta. Và nhất là, chúng ta cũng tình nguyện trở thành thợ gặt của Chúa, để Chúa sai chính chúng ta đi. Và vì là mùa gặt và được sai đi gặt, chứ không phải đi xếp loại, phân loại, phân cấp, xét đoán hay lên án, chúng ta đi trong niềm vui và hi vọng.

* * *

Kinh nghiệm thiêng liêng nào đã có thể làm phát sinh ra một lời nguyện trọn vẹn như thế, nếu không phải là kinh nghiệm được diễn tả trong lời này của Đức Giê-su : « Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy ». Khi nói ra lời này, với tư cách là Con của Thiên Chúa, chính Đức Giê-su đã có kinh nghiệm này và Ngài đã và sẽ sống đến cùng.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Suy niệm 4:

Phép lạ Đức Giêsu chữa người câm là phép lạ cuối
của chuỗi mười phép lạ trong hai chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu.
Mátthêu đã kể lại phép lạ này với rất ít chi tiết.
Người ta coi bệnh câm của anh này là do quỷ ám.
Khi quỷ bị trục xuất thì người câm nói được.
Không thấy Đức Giêsu đã làm gì hay nói gì để trừ quỷ.
Nhưng quyền năng của Ngài được lộ ra khi người câm cất tiếng nói.
Có hai phản ứng ngược nhau trước phép lạ.
Đám đông thì kinh ngạc và nói: “Ở Israel, chưa hề thấy thế bao giờ.”
Họ đứng trước một điều hết sức mới mẻ khiến họ ngỡ ngàng (c. 33).
Người câm nói được là một dấu chỉ cho thấy Nước Trời đã gần,
thời đại thiên sai đã đến, Đấng Thiên sai đã ở kề bên.
Đức Giêsu đã làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia tiên báo:
“miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (35, 6).
Nhưng những người Pharisêu lại nghĩ khác.
Họ không phủ nhận quyền năng trừ quỷ của Đức Giêsu,
nhưng họ lại cho rằng Ngài đã bắt tay với quỷ vương để trừ quỷ (c. 34).
Đây là phản ứng đầu tiên có tính thù nghịch công khai của người Pharisêu.
Phần còn lại của bài Tin Mừng là một bản tóm lược
về các hoạt động của Đức Giêsu: dạy dỗ, rao giảng, và chữa bệnh (c. 35).
Tất cả cuộc sống của Ngài như dành trọn cho đám đông.
Đôi chân Ngài đi khắp các thành thị, làng mạc và hội đường.
Đôi môi Ngài không ngớt đem tin vui đến cho những người mong đợi.
Đôi tay Ngài chạm đến những bệnh tật yếu đau của con người.
Nhưng trên hết vẫn là chuyện Đức Giêsu chạnh lòng thương (c. 36).
Chạnh lòng thương là nhói đau ở chỗ sâu bên trong của ruột gan mình.
Thấy thì thương: đó luôn là cái nhìn của Đức Giêsu trước đám đông.
Ngài thấy họ như chiên không có người chăn dắt, lãnh đạo.
Chính vì thế họ bị rơi vào tình cảnh vất vưởng lầm than.
Đức Giêsu không đau xót về chuyện bệnh tật thân xác của đám đông.
Ngài quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu tâm linh của con người.
Con người đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thấy bơ vơ, cô độc, tuyệt vọng.
Con người loại trừ Thiên Chúa, để rồi rơi vào sa đọa, chán chường.
Đức Giêsu đến như người mục tử chăm sóc mọi mặt cho đoàn dân.
Cách đây hai ngàn năm, Đức Giêsu đã than về chuyện ơn gọi.
Đồng lúa thì bao la mênh mông, mà thợ gặt thì ít.
Ngài mời các môn đệ của mình cầu nguyện nài xin với Thiên Chúa.
Đồng lúa là của Thiên Chúa, thợ gặt cũng là của Thiên Chúa sai đến.
Nước Việt Nam chúng ta cũng cần bao thợ gặt.
Có bao nhiêu tỉnh thành làng mạc còn thiếu linh mục, thiếu nữ tu.
Số linh mục mới chịu chức không đủ bù cho các vị về hưu và qua đời.
Làm sao để các bạn trẻ thấy con người hôm nay và chạnh lòng thương?
Làm sao để họ muốn dấn bước lo cho đám đông như Giêsu?

Cầu nguyện :

Lạy Cha là người chủ ruộng tốt lành,
đồng lúa đã chín vàng chờ ngày gặt hái.
Xin Cha sai những người thợ lành nghề và tận tụy
đến làm việc trong cánh đồng bao la của Cha.
Xin Cha gieo vào lòng các bạn trẻ hôm nay
những ước mơ lớn lao, những lý tưởng cao cả.
Xin cho họ
biết quên hạnh phúc và tương lai của mình
để yêu tha nhân bằng trái tim rộng mở.
Ước gì họ nghe được tiếng kêu của người bị áp bức,
cảm được cơn đói khát Lời Chúa và tình thương,
thấy được những mất mát của bao người đau khổ,
và chạm đến sự trống vắng của tâm hồn lạc hướng.
Xin Cha sai Thánh Thần đến với các bạn trẻ
để họ quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu,
sống như Ngài đã sống
và tiếp tục làm những gì
Ngài đã làm trên trần gian.
Cũng xin Cha
gìn giữ gia đình và giáo xứ chúng con,
thanh lọc bầu khí của trường học và xã hội,
để tất cả trở thành những môi trường tốt
giúp các bạn trẻ dễ dàng tìm gặp ý Cha. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.