Dân Chúa Âu Châu

Tình yêu.

Thứ Sáu tuần 11 thường niên – THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU. Lễ TRỌNG. Ngày thế giới xin ơn thánh hoá các linh mục.

“Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”.

Lời Chúa: Mt 11, 25-30

Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng nói rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ mà Con muốn mạc khải cho.
“Tất cả hãy đến cùng Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Tình yêu
Vào một buổi sáng Chúa nhật đẹp trời năm 1912, chiếc tàu khổng lồ mang tên là Titanic được hạ thủy và khởi hành sang Mỹ. Trong chuyến đi đầu tiên này, chiếc tàu ấy chẳng may đụng phải băng sơn, khiến cho nước ùa tràn vào và con tàu bị chìm dần dưới lòng đại dương.
Hành khách hoảng hốt tìm cách cứu thoát lấy mình và những người thân yêu trên những chiếc thuyền cứu cấp. Giữa cảnh kinh hoàng ấy, bỗng người ta nghe thấy một giọng hát vang lên:
- Gần bên Chúa, linh hồn con sướng vui.
Với chúng ta cũng vậy, giữa lòng cuộc đời đầy sóng gió, khổ đau và thử thách, nếu chúng ta biết suy nghĩ về tình thương của Chúa và nhất là nếu chúng ta biết sống gắn bó mật thiết với Thánh Tâm Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy được niềm vui mừng và hạnh phúc.
Có lẽ không một lời nói nào của Chúa làm cho chúng ta xúc động bằng lời nói đầy yêu thương sau đây:
- Này con, con hãy dâng lòng con cho Cha.
Khi nghe đọc những lời này, chúng ta dường như cảm thấy Chúa đang gõ cửa, đang dang tay van xin chút tình yêu thương của chúng ta.
Thực vậy, Ngài không phải chỉ van xin bằng lời nói, mà Ngài còn thực hiện sự van xin ấy bằng những việc làm cụ thể. Máng cỏ, Thập Giá và Thánh Thể đã chẳng phải là những bằng chứng hùng hồn nhất của một tình yêu điên khùng và mạnh mẽ đó sao?
Đúng thế, mỗi năm vào dịp lễ Giáng sinh, khi quì bên máng cỏ, chúng ta không bồi hồi xúc động sao được. Hài nhi Giêsu nằm trên lớp cỏ rơm, không nói với chúng ta bằng ngôn từ, nhưng nói với chúng ta bằng việc làm, bằng chứng tích cụ thể của tình yêu:
- Con thấy không Cha đã yêu thương con biết bao, chính vì yêu con mà Cha đã đi con đường dài nhất, con đường từ trời xuống đất. Cha đã đến trong thế gian, chỉ vì yêu thương con mà thôi.
Rồi trong những phút giây thinh lặng ấy, chúng ta hãy ngước nhìn lên Thập Giá và tự hỏi:
- Ai đã chịu treo trên đó?
- Con Thiên Chúa.
- Tại sao Ngài lại chấp nhận một cái chết tủi nhục và đớn đau như thế?
- Chỉ vì yêu thương chúng ta mà thôi.
Thực vậy, vì yêu thương chúng ta, Ngài đã xuống thế làm người. Vì yêu thương chúng ta, Ngài đã sống một cuộc sống nghèo túng và cực nhọc. Vì yêu thương chúng ta, Ngài đã chịu đánh đòn, chịu đội mạo gai và sau cùng chịu đóng đinh vào Thập Giá. Vì yêu thương chúng ta, Ngài đã chịu lưỡi đòng đâm qua trái tim.
Suy nghĩ về cực hình Thập Giá, chúng ta phải kêu lên như thánh Phaolô:
- Chúa đã yêu thương tôi và đã nộp mình chịu chết vì tôi.
Sau cùng, hẳn rằng ai trong chúng ta cũng đã biết về hình ảnh người mục tử nhân lành. Đúng thế, người mục tử nhân lành dẫn đàn chiên tới đồng cỏ xanh và tới dòng suối mát. Người mục tử nhân lành sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để bảo vệ đàn chiên trước sự tấn công của sói rừng. Và khi chiều xuống, người mục tử nhân lành đưa đàn chiên về chuồng để nghỉ qua đêm.
Tuy nhiên, nếu suy nghĩ về bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta sẽ thấy tình yêu Chúa Giêsu dành cho chúng ta còn trở vượt hơn tình yêu của người mục tử nhân lành rất nhiều.
Nơi bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta thấy được những gì? Chúng ta thấy Chúa Giêsu trao ban chính bản thân Ngài làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta. Cả Mình với Máu thánh. Cả thân xác với linh hồn. Cả bản tính nhân loại với bản tính Thiên Chúa.
Vì thế, chúng ta đừng đáp tai ngoảnh mặt làm ngơ trước lời mời gọi đầy yêu thương của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.
Và sau cùng, tước tình yêu thương vô biên của Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta hãy dâng lên Ngài lời nguyện cầu chân thành:
- Lạy Chúa, xin cho con biết làm mọi sự vì lòng yêu mến Chúa.

SUY NIỆM 2: Nền văn minh tình thương – TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Chúng ta đang sống trong một thế giới văn minh tiến bộ. Trong vòng vài thập niên, khoa học kỹ thuật tiến nhanh tới mức không ngờ. Đời sống vật chất của con người được nâng cao rất nhiều. Nhà cao cửa rộng hơn. Ăn uống đầy đủ hơn. Có nhiều tiện nghi hơn. Có nhiều tiền bạc của cải hơn. Tuy nhiên con người vẫn không thấy hạnh phúc. Cuộc sống tiến bộ hơn nhưng lại làm con người cảm thấy mệt mỏi hơn. Cuộc sống trở nên như gánh nặng.
Cuộc sống trở nên một gánh nặng vì con người quá vất vả. Chưa bao giờ cuộc sống đầy đủ như hôm nay. Nhưng chưa bao giờ cuộc sống lại vất vả như hôm nay. Phải lo âu tính toán nhiều hơn. Phải bươn chải chạy vạy nhiều hơn. Phải cạnh tranh nhiều hơn. Chính vì thế mà phát sinh nhiều bệnh mới. “Stresss” là căn bệnh điển hình của thời đại. Hưởng thụ như một ảnh ảo, càng đuổi theo lại càng lùi xa.
Cuộc sống trở nên một gánh nặng vì con người đã đánh mất ý nghĩa cuộc sống. Chưa bao giờ người ta giàu có như hôm nay. Nhưng chưa bao giờ người ta chán sống như hôm nay. Số người tự tử tăng một cách đáng sợ. Bi thảm là những người tự tử thường trẻ tuổi. Và những người chán sống lại là những người dư thừa vật chất.
Đứng trước những lo âu vất vả của con người. Chúa chạnh lòng thương, bày tỏ Trái Tim Chúa như phương thuốc chữa trị. Và Chúa ân đưa ra hai lời mời gọi.
Lời mời gọi thứ nhất: Hãy trở về với Trái Tim Chúa: “Hỡi những ai vất vả gồng gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta. Ta sẽ bổ sức cho ngươi”. Con người được tạo dựng do tình yêu thương của Thiên Chúa. Nguồn gốc, con người lạc hướng, đánh mất ý nghĩa cuộc sống. Muốn tìm lại ý nghĩa đời mình, phải quay về nguồn cội, nơi mình được phát sinh ra. Càng xa Chúa, càng khắc khoải băn khoăn. Càng về gần Chúa, càng bình an thư thái. Thánh Augustinô đã cảm nghiệm được chân lý này. Khi còn trẻ, Ngài đã tìm kiếm hạnh phúc qua hưởng thụ. Nhưng càng tìm kiếm càng thấy trống rỗng. Càng hưởng thụ càng thấy chán ngán. Sau cùng được ơn ăn năn trở lại, gặp được Chúa, ngài đã thốt lên một câu bất hủ: “Lạy Chúa, Chúa tạo dựng nên con cho Chúa. Nên lòng con mãi khắc khoải băn khoăn cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Từ đó ngài tiến bước trong tình yêu Chúa, được rửa tội, dâng mình cho Chúa, làm linh mục, làm giám mục, và làm thánh. Ngài đã tìm thấy ý nghĩa cuộc đời.
Lời mời gọi thứ hai: Hãy học với Trái tim Chúa: “Hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Hầu hết những xung đột trên thế giới đều phát xuất từ tính kiêu căng và lòng độc ác. Vì kiêu căng nên hay tự ái, cạnh tranh với người khác. Vì độc ác nên tàn nhẫn chà đạp người khác. Cuộc sống trở nên một bãi chiến trường. Người trở nên kẻ thù của người. Vì thế tâm hồn con người không lúc nào nghỉ yên. Muốn được bình an thư thái phải học nơi Trái Tim Chúa sự hiền lành và khiêm nhường. Người hiền lành khiêm nhường chiến đấu với chính mình chứ không chiến đấu với người khác. Người hiền lành khiêm nhường quên mình vì người khác chứ không quên người khác vì mình. Khi biết quên mình để nghĩ đến người khác, ta góp phần xây dựng hoà bình trên thế giới. Khi biết chiến đấu để thắng được chính mình, ta được bình an trong tâm hồn. Khi sống hiền lành khiêm nhường như thế ta xây dựng một nền văn minh mới. Không phải nền văn minh khoa học kỹ thuật mà là nền văn minh của trái tim. Không phải nền văn minh gây ra chán nản mệt mỏi, nhưng là nền văn minh đem hạnh phúc an vui. Đó chính là nền văn minh tình thương. Nền văn minh ấy ta chỉ xây dựng được trong Trái Tim Chúa.
Trong tháng sáu kinh Thánh Tâm Chúa, ta hãy siêng năng đến với Thánh Tâm Chúa, để tìm được ý nghĩa cuộc đời và để được Chúa dạy bảo ta con đường hiền lành khiêm nhường. Đó chính là con đường đưa ta đến sự thật và sự sống.
Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường. Xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.
GỢI Ý SUY NIỆM
1- Lễ Thánh Tâm, Chúa Giêsu mời gọi bạn làm gì?
2- Hiền lành và khiêm nhường có quan trọng không? Bạn đã từng thực hành hiền lành và khiêm nhường nơi nào?
Sứ điệp của lễ Thánh Tâm có cần thiết cho thế giới hôm nay không?
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 3: Thánh Tâm Chúa Giêsu
Như chúng ta đã biết vào chiều Thứ sáu Tuần Thánh, trên đỉnh đồi Canvê, có một người lính lấy lưỡi đòng đâm thủng cạnh sườn, trúng trái tim Chúa Giêsu, tức thì máu cùng nước chảy ra.
Tương truyền rằng kẻ đâm ngọn giáo ấy tên là Longinô. Anh đã được biết Chúa và trở lại cùng Chúa. Khi chết đi, anh được chôn cất tại Pháp và trên phần mộ của anh còn ghi những chữ như sau:
- Đây là nơi an nghỉ của Longinô, người đã đâm cây đòng vào cạnh sườn Đấng Cứu thế.
Chúa Giêsu đã đổ máu không phải riêng gì do lưỡi đòng của người lính này. Thực ra, cả nhân loại đã đứng lên giết Chúa. Trong đó có chính bản thân chúng ta nữa.
Tuy nhiên, cái chết của Chúa không phải là một vụ thảm sát, nhưng là một cuộc cách mạng. Cái chết của Chúa không phải là một sự thất bại, nhưng là một thành công to lớn, bởi vì máu Chúa đem lại sự sống, như hạt lúa phải mục nát để mầm sống xanh tươi được vươn lên.
Máu Chúa đem lại ơn tha thứ, như giòng nước tinh tuyền gột sạch tâm hồn chúng ta, đem lại sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau.
Nếu như tâm hồn chúng ta đang thất vọng chán nản vì tội lụy, nếu như tâm hồn chúng ta đang mang những vết thương cuộc đời, thì chúng ta hãy chạy đến với Chúa, để Người chăm sóc và băng bó, để Ngài chuyền máu mà cứu chữa. Bởi vì chỉ trong Người chúng ta mới biết được sống thực là gì.
Tiếp đến, chúng ta hãy nhìn vào trái tim Chúa để cảm nghiệm được tình yêu của Chúa chảy sang tâm hồn chúng ta và để trái tim chúng ta có chung một nhịp đập với trái tim Chúa.
Thực vậy, dù là ai chăng nữa, chúng ta vẫn có quyền được chia sẻ với trái tim Chúa, chúng ta vẫn được nghe nhịp đập của trái tim Chúa thổn thức như Gioan thuở trước. Nhân loại ngày nay đang cố gắng thay tim và ghép tim. Chúng ta cũng hãy đến với Chúa để Ngài đổi cho chúng ta một trái tim mới.
Đúng thế, có khi con tim chúng ta đã già nua và bệnh hoạn, trong khi tuổi đời vẫn còn trẻ. Có khi con tim của chúng ta đã bị chia năm xẻ bảy, trong đó Thiên Chúa chưa chắc đã có lấy được một phần nhỏ nhoi. Có khi con tim của chúng ta đã mệt mỏi và trở nên băng giá, không còn hăng hái nhiệt thành như thuở chúng ta mới biết Chúa và yêu Chúa. Có khi con tim của chúng ta đã ngoại tình, đã lang chạ, nghĩa là không còn trung thành với Chúa, trái lại đã xé rào để chạy theo những thần tượng giả dối như tiền tài, lạc thú và danh vọng.
Hãy hồi tâm, xét mình và kiểm điểm lại đời sống để xem tình trạng con tim mình như thế nào. Bởi vì không ai muốn mang lấy một trái tim bệnh hoạn, không ai muốn chấp nhận một trái tim bị chia xẻ.
Cựu ước đã diễn tả Thiên Chúa là Đấng hay ghen, cho nên Ngài càng không thể chấp nhận bệnh hoạn, chia sẻ và chai đá. Ngài chỉ bằng lòng cư ngụ trong một trái tim trong sạch, và hoàn toàn trống không.
Tất cả những danh vọng, của cải và lạc thú phải được qua một bên để dành chỗ ưu tiên số một cho Chúa. Hãy dâng lên Chúa trái tim nhỏ bé của chúng ta, cùng với một tình yêu trọn vẹn, không chia năm xẻ bảy, để cuộc đời chúng ta được thuộc hẳn về Chúa.

SUY NIỆM 4: Trái Tim bốc lửa
Hình ảnh Trái tim Chúa Giêsu bốc lửa đỏ rực giữa trước ngực, nổi bật lên tình yêu nồng nàn của Thiên Chúa đối với nhân loại. Thánh Gioan đã quả quyết: “Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa”.
Dấu chỉ tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa thể hiện rõ nơi tình mẹ con. Loài nào sinh con ra, mẹ cũng biết âu yếm, ấp ủ, nuôi dưỡng bảo vệ con. Đó là bản năng tự nhiên do Thiên Chúa ban phát cho chúng. Loài càng khôn càng tỏ ra yêu con hơn. Tình yêu như vậy là hướng về sự sinh tồn. Chỉ có Thiên Chúa mới ban cho tình yêu muôn loài được sinh tồn. Do đó phải hướng về Thiên Chúa thì mới được sinh tồn. Nhưng Thiên Chúa cho con người có tự do, nên con người lạm dụng tình yêu về những đối tượng bất chính.
Để phân biệt rõ rệt đâu là tình yêu của Thiên Chúa, đâu là tình yêu bất chính, lời Chúa hôm nay đã nêu ra hai tiêu chuẩn:
Tiêu chuẩn thứ nhất: Tình yêu bởi Thiên Chúa là tình yêu hiệp thông và thăng tiến những đối tượng không mấy hấp dẫn như những kẻ bé mọn và tội lỗi.
Bài đọc I nói Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn, thánh hiến và gắn bó với một dân tộc thiểu số, một dân nô lệ.
Bài đọc II cho thấy Thiên Chúa yêu thương chúng ta vì chúng ta tội lỗi.
Trong bài Tin mừng Chúa Giêsu đã “cảm tạ Cha là Chúa tể trời đất” lại yêu thương mặc khải cho những kẻ bé mọn”. Chúa Giêsu dù là Con Chúa Cha và đã được Chúa Cha ban toàn quyền trên mọi sự, lại đánh bạn với những kẻ lao động vất vả, những phu khuân vác cực khổ, những người gồng gánh, bán rong nặng nề. Người kêu gọi họ đến hiệp thông với Người trong tình nghĩa êm ái, dịu dàng, trong trái tim hiền lành và khiêm nhu của Người.
Tiêu chuẩn thứ hai: Tình yêu bởi Thiên Chúa là tình yêu hy sinh cứu độ. Hy sinh của Thiên Chúa là giữ lời giao ước, lời tuyên thệ trung tín và tín nghĩa với một dân thiểu số. Thiên Chúa đã hy sinh hạ mình xuống ngang hàng với kẻ nhỏ bé nô lệ để thề ước với họ, phải hy sinh giữ tín trung với hạng người hay phản bội, phải ra tay làm việc nghĩa cứu họ khỏi tiêu diệt. Thiên Chúa phải hy sinh mặc khải cho kẻ bé mọn. Những kẻ khôn ngoan thông thái còn mù tịt về Thiên Chúa, thì làm sao những kẻ hèn mọn, dốt nát, ngu độn hiểu biết được Thiên Chúa cao siêu, huyền diệu? Thật là một công trình khó khăn như múc nước đại dương đổ vào lỗ cáy. Thế mà Thiên Chúa vẫn nhẫn nại chịu đựng làm một việc khó khăn đó.
Tình yêu hy sinh cứu độ của Thiên Chúa vô cùng lớn lao hơn nữa là đã sai Con Một đến nâng đỡ kẻ gánh vác nặng nề, bổ sức cho kẻ lao đao vất vả, làm cho cuộc đời họ trở nên êm ái, nhẹ nhàng. Tột đỉnh của tình yêu hy sinh đó là: “Con của Người đã hy sinh chịu chết làm của lễ đền tội vì tội lỗi của chúng ta”. (Ga. 4, 10).
Suy gẫm tình yêu tuyệt vời đó, thánh Phaolô đã đưa ra một so sánh cụ thể cho ta thấy rõ Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết chừng nào: “Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may mới có kẻ chết vì một người lương thiện. Không có ai chết cho kẻ tội lỗi, thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, là những kẻ tội lỗi” (Rm. 5, 7-8).
Chỉ có tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa mới có thể hy sinh cùng cực như vậy. Những thứ tình yêu khác chỉ bắt nguồn từ:
Tình dục:
“Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên vắng ngắt như Chùa Bà Đanh”
“Còn duyên anh cưới ba heo
Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi”
Từ tiền bạc, danh vọng:
“Thế gian chuộng của, chuộng công
Nào ai có chuộng người không bao giờ”
“Có ăn thiếp ở cùng chàng
Không ăn thiếp tếch, cơ hàn thiếp lui”
“Còn tiền kẻ rước người đưa
Hết tiền chẳng thấy một người nào ưa”
Đó là những thứ tình yêu bất chính, bất chính với Thiên Chúa và bất chính với cả con tim của họ.
Ai cũng cho rằng: trái tim chân chính là nơi phát xuất tình yêu, một thứ tình yêu hiệp thông và rung cảm, một thứ tình yêu hy sinh giải thoát sự chết.
Nhiệm vụ của con tim là phân phát dòng máu đỏ, dòng máu sống đi khắp cơ thể, cho tới kẽ tóc chân tơ, tới nơi bé nhỏ nhất trong cơ thể, con tim còn như cây đàn rung lên bảy nốt nhạc: Hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, cụ tạo nên những âm thanh thông cảm với lòng người trong những khi gặp vui buồn, sướng khổ, giận hờn, yêu ghét, lo sợ, hồi hộp. Đó không phải là thứ tình yêu hiệp thông sự sống, chia sẻ tâm tình làm cho cuộc sống trở nên êm ái nhẹ nhàng đó sao?
Con tim còn là nơi thu hồi dòng máu đen, dòng máu lạnh của sự chết để cứu mọi chi thể khỏi chết đó sao?
Con tim xứng đáng là một hình ảnh của Đấng Cứu độ yêu thương để ban phát sự sống, hy sinh để lãnh lấy sự chết.
Lạy Chúa là nguồn yêu thương vô tận, Chúa đã tác tạo nên những trái tim nhỏ bé đang yêu thương chúng con, đã ban Thánh tâm Chúa Giêsu, Con Một yêu dấu đến yêu thương chúng con hơn chính mạng sống của Người, xin cho mỗi người chúng con biết yêu thương nhau như Chúa yêu thương chúng con. Đó là hạnh phúc lớn nhất của chúng con mà văn hào Shakespeare đã cảm nghiệm rằng: “Yêu và được yêu là niềm hạnh phúc nhất trên đời”. “To love and to be loved is the happiest thing in the world”.
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ – Lm VIKINI)

SUY NIỆM 5: Ðỉnh cao của tình yêu thương – Lm Trần Ngà
Một người mẹ bị chứng đau tim nặng và bác sĩ khuyến cáo rằng nếu bà không được giải phẩu thay tim ngay thì ngày sống còn lại của bà chỉ được đếm trên mấy đầu ngón tay. Thế rồi người ta đề nghị một trong các con của bà hiến tim cho mẹ để cứu lấy sinh mạng của bà.
Khi người anh cả được mời gọi hiến tim cho mẹ, thì dù rất thương mẹ, anh ta cũng lắc đầu từ chối với lý do: anh là con trai trưởng, là rường cột của gia đình, anh cần sống để chăm sóc đàn em, để trông coi nhà từ đường, để nối dõi tông đường, vân vân. Anh đề nghị đứa em gái nên hiến tim cho mẹ thì hợp lý hơn, vì theo anh nghĩ: tim người phụ nữ có lẽ thích hợp cho người phụ nữ hơn!
Ðứa em gái nghe vậy giẫy nẩy lên và quyết liệt từ chối với lý do cô là con gái duy nhất trong nhà và gia đình nào cũng cần có bàn tay người phụ nữ trông nom sắp xếp mới gọn gàng trật tự. Thiếu cô thì lấy ai đi chợ nấu ăn; thiếu cô thì lấy ai quét dọn nhà cửa, giặt giũ áo quần cũng như đảm đang nhiều việc nội trợ rất quan trọng khác... Vậy cô cần phải sống. Có lẽ đứa em trai út vốn hay lêu lỏng chơi bời, là người vô tích sự, chịu hiến tim chết thay cho mẹ thì phải lẽ hơn...
Ðến lượt mình, đứa em nầy cũng viện lý do là nó mới chỉ mười sáu tuổi tròn, chưa hưởng đời được bao nhiêu, lẽ nào lại từ giã cuộc đời quá sớm! Anh Hai hoặc Chị Ba đã hưởng được nhiều vui thú trên đời hơn nó cả chục năm rồi, nếu có phải giã từ đời nầy trước đứa em út, thì cũng không có gì để ân hận... Thôi, Anh Hai hoặc Chị Ba vui lòng hiến tim cho mẹ thì phải lẽ hơn.
Thế là, dù yêu thương mẹ vô vàn, nhưng không người con nào yêu đến nỗi dám hiến tặng trái tim cho người mẹ yêu quý của mình.
Thế nhưng có một Ðấng vô cùng cao cả và đầy quyền năng, không những đã hiến ban Trái Tim mà còn toàn cả thân xác và mạng sống của Người để cứu độ chúng ta. Ðó là Ngôi Hai Thiên Chúa. Người đã hạ mình xuống thế, mang lấy tội lỗi chúng ta và chết thay cho chúng ta.
“Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (I Phêrô 2, 24)
Trước mặt Thiên Chúa toàn năng tốt lành cao cả thì loài người chúng ta chỉ là sâu bọ, chỉ là cỏ rác, cát bụi thấp hèn, thế mà Chúa Giêsu, là Chúa Tể càn khôn, là Vua của muôn vua, là Ðấng quyền năng và vô cùng cao cả đã vui lòng hiến ban thân xác và mạng sống cho loài người thấp hèn tội lỗi chúng ta.
Thật là điều nhiệm mầu của tình yêu mà trí khôn loài người không hiểu thấu được.
* * *
Trên thập giá, Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta không những Trái Tim bị đâm thủng mà còn cả sinh mạng của Người với trọn vẹn tình yêu và lòng tha thứ vô biên.
Từ đó, Thập giá Chúa Giêsu trở thành biểu tượng cao nhất của tình yêu.
Nơi đây vang lên sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa Cha: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một, để ai tin vào con của Người thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Gioan 3, 16)
Nơi đây cũng vọng lên sứ điệp yêu thương của Chúa Con: “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người hiến mạng cho bạn hữu mình.” (Gioan 15, 13)
Yêu thương đến nỗi hiến thân chịu chết cho người khác quả là một tình yêu hết sức cao vời và đó là tột đỉnh của tình yêu.
* * *
Mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta không tôn thờ hình ảnh trái tim rỉ máu của Chúa Giêsu nhưng tôn thờ Tình Yêu vô biên của Thiên Chúa mà Thánh Tâm là biểu tượng.
Xin Thánh Tâm Chúa Giêsu dạy chúng ta bài học yêu thương cơ bản: yêu thương không phải là chiếm đoạt nhưng là trao ban.
“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một mình.” (Gioan 3, 16)
“Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người hiến mạng cho người mình yêu.” (Gioan 15, 13)

1/ SỐNG LỜI CHÚA- HÀN GẮN NỖI THƯƠNG ĐAU

Mừng kính lễ Thánh tâm Chúa Giêsu, thiết tưởng mỗi người chúng ta cần phải có những ý nghĩ đúng đắn về việc tôn thờ này.
Thực vậy, nếu bất ngờ hỏi người tín hữu về vấn đề này, chắc hẳn chúng ta sẽ ghi nhận được những câu trả lời rất mơ hồ, cũng giống như khi người ta hỏi những kẻ qua lại ngoài đường phố về một câu chuyện lịch sử nào đó. Vậy việc tôn sùng kính mến Thánh tâm Chúa hệ tại điểm nào và đâu là những hậu quả thiêng liêng mà việc đảo đức này sẽ đem lại ?
Các nhà thần học xác định rằng : đối tường trực tiếp của việc tôn sùng Thánh tâm Chúa chính là trái tim bằng thịt của Ngài, Ngôi lời nhập thể. Còn đối tượng gián tiếp mà việc tôn thờ này nhắm tới, đó là tình yêu bao la Ngài đã thực hiện cho chúng ta qua những đau khổ và cái chết của Ngài trên thập giá, để giải thoát chúng ta khỏi án phạt của tội lỗi, cũng như qua Bí tích Thánh thể, để trao ban Mình và Máu Ngài làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta.
Trong ngôn ngữ và những hình ảnh quen thuộc, khi nói đến Thánh tâm hay Trái tim Chúa Giêsu, chúng ta hình dung ra một trái tim mang thương tích và những giọt máu chảy xuống với lời giới thiệu trang trọng :
- Đây là Trái tim đã yêu thương con người quá bội.
Hình ảnh này, ai trong chúng ta cũng có thể hiểu được, vì trái tim vốn được dùng làm biểu tượng cho tình yêu. Khi yêu thương, người ta yêu thương với tất cả trái tim của mình.
Việc tôn thờ kính mến Trái tim Chúa Giêsu, không phải chỉ được bắt đầu bằng những lần Ngài hiện ra với thánh nữ Magarita Maria, nhưng cội ngồn của việc đạo đức này xuất phát từ đỉnh đồi Canvê.
Thực vậy, Thiên Chúa quan phòng đã để cho một người lính đâm vào cạnh sườn Ngài như Tin mừng đã ghi lại, để từ trái tim mang thương tích ấy, máu cùng nước đã chảy ra.
Ngày kia, thánh nữ Catarian thành Sienna đã hỏi Chúa Giêsu :
- Tại sao Chúa để cho Trái tim Chúa bị đâm thâu qua trên thập giá ?
Chúa trả lời :
- Sở dĩ như vậy là để cho mọi người hiểu được tình yêu của Cha nó bao la vĩ đại hơn tất cả mọi dấu chỉ tượng trưng. Đau khổ của Cha thì có giới hạn, nhưng tình yêu của Cha thì lại không biên giới.
Vào thế kỷ 13, thánh nữ Gertrude cũng đã được Chúa soi sáng và hướng dẫn về việc tôn sùng này. Rồi vào thế kỷ 15, thánh Gioan Eudes, vị tông đồ của Thánh tâm Chúa đã được Tòa Thánh cho phép phổ biến việc đạo đức này. Tuy nhiên phải kể đến việc Chúa mạc khải cho thánh nữ Magarita Maria, để rồi từ đó việc tôn sùng kính mến Thánh tâm mới được phát triểm mạnh mẽ.
Thời bấy giờ, lòng mến Chúa nơi người tín hữu mỗi ngày một trở nên lạnh lùng và băng giá, nên chính Ngài đã phải thắp lên ngọn lửa tình mến để chữa lành cơn bệnh của thời đại. Vì thế, ngày kia, Ngài đã hiện ra với thánh nữ Magarita Maria với một trái tim bừng lửa cháy, nhưng lại mang thương tích và vòng gai. Ngài phán với thánh nữ :
- Đây là trái tim đã yêu thương nhân loại, nhưng chỉ nhận được những vô ân và khinh thường.
Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta cho đến chết và giờ đây Ngài muốn chúng ta đáp trả tình yêu thương của Ngài. Phải chăng lời thánh vịnh 68 dưới đây đã trở nên một lời than thở và tâm sự của Chúa :
- Lời thoa mạ làm tim này tan vỡ,
Tôi héo hắt rã rời.
Nỗi sầu riêng mong người chia sớt,
Luống công chờ không được một ai.
Đợi người an ủi đôi lời,
Trông mãi trông hoài mà chẳng thấy đâu.
Thay thế đồ ăn, chúng trao mật đắng.
Tôi khát nước, lại cho uống giấm chua.
Chúa Giêsu đòi chúng ta phải yêu mến Ngài và biểu lộ lòng yêu mến ấy bằng thái độ quảng đại phụng sự Ngài và tuân giữ những điều Ngài truyền dạy.
Hơn thế nữa, nếu kính mến Chúa, chúng ta phải tránh làm buồn lòng Ngài, phải đau khổ khi thấy người ta xúc phạm đến Ngài : Hãy nghĩ đến những lưỡi đòng đã đâm thủng Trái tim Chúa và hãy khóc thương cho những tội lỗi mình phạm.
Nếu kính mến Chúa, chúng ta không thể nào thờ ơ trước những tội lỗi chồng chất của những người chung quanh, bằng không chúng ta chỉ là những kẻ bôi bác và giả hình. Chúa Giêsu đòi chúng ta phải đền bù phạt tạ thay cho những người anh em của chúng ta.
Bởi đó, trong ngày lễ hôm nay, chúng ta hãy nghĩ đến bản thân chúng ta cũng như nghĩ đến những anh em khô khan nguội lạnh, đã làm cho Trái tim Chúa phải đau buồn.
Với một Trái tim bị mang thương tích, Ngài kêu mời chúng ta đáp trả tình yêu thương của Ngài và an ủi Ngài bằng một đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương để nhờ đó làm giảm vơi những đớn đau mà Thánh Tâm Chúa đã phải chịu vì chúng ta.

2. CS/165- HIỀN LÀNH

Chẳng biết tự bao giờ người ta đã dùng trái tim như một biểu tượng của tình yêu. Khi nói đến những người cứng cõi, chai đá và thiếu tình yêu thương, người ta bảo đó là những người không có trái tim. Vì thế, mừng kính Trái Tim Chúa Giêsu cũng có nghĩa là mừng kính Tình Yêu Thương của Người. Một trong những nét đẹp nơi Trái Tim, nơi Tình Yêu Thương của Chúa Giêsu đó là sự Hiền Lành và Khiêm Nhường.
Hiền lành và khiêm nhường nên Người sống rất gần gũi với mọi người, với từng người, dù rằng con người chẳng xứng đáng được ở bên Người. Người biết rõ từng con chiên. Người gọi tên từng con và không loại trừ, không xua đuổi một con nào. Mục đích Người đến trong thế gian này là vì con người. “Tôi đến để chiên tôi được sống và sống dồi dào”. Chính vì thế, nếu có con chiên nào đi lạc, Người tất tả đi tìm. Nếu con nào đói khát, Người cho ăn, cho uống. Nếu con nào bị thương tích, Người băng bó cho lành. Và nếu có con chiên nào vì gánh nặng của cuộc đời mà mệt mỏi, rã rời, mà chán chường, tuyệt vọng thì Người sẽ đưa bàn tay ra để đỡ nâng. “Hãy đến với tôi hỡi tất cả những ai vất vả, gồng gánh nặng nề, tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho”. Không một ai đến với Người mà lại phải ra về tay không. Không một ai tin tưởng nơi Người mà lại phải thất vọng.
Vâng, Chúa Giêsu đang có mặt bên ta trong từng giây phút của đời sống. Người mang lấy những nỗi sầu đau, buồn tủi của đời ta. Người chia sẻ mọi nỗi vất vả, cực nhọc của ta. Người cho ta sức mạnh để ta có thể đi hết hành trình cuộc đời dù hai vai nặng trĩu hai gánh khổ đau. Sau hết, khi yêu thương, Người đã yêu thương tới cùng, bởi Người đã hy sinh chính mạng sống của Người cho đoàn chiên. Người hiến ban cho con người tất cả và không giữ lại cho mình chút gì.
Mừng kính Trái Tim Chúa Giêsu chỉ có ý nghĩa khi chúng ta học nơi Người bài học quí giá Người đã để lại :”Hãy học cùng Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Hiền lành và khiêm nhường để không tranh giành, không ganh tị, không gây thù oán. Hiền lành và khiêm nhường để biết yêu thương và lo lắng cho tha nhân. Hiền lành và khiêm nhường để biết nhịn nhục và tha thứ. Hiền lành và khiêm nhường để biết xóa mình đi và sống chết cho anh em, vì anh em. Chúa Giêsu chỉ biết nghĩ, chỉ biết lo lắng cho người khác mà không nghĩ gì, không lo lắng gì đến bản thân mình, đến độ con cáo có hang, chim trời có tổ còn chính Người lại không có chỗ tựa đầu. Càng hy sinh, càng khổ nhục, Trái tim Người càng mở rộng ra. Và cho tới chết, Trái Tim ấy vẫn còn mở rộng để hiến ban đến giọt máu cuối cùng.
Hãy cảm tạ tình Chúa yêu thương và hãy học nơi Người bài học yêu thương ấy.

3. SCĐ/257- NGHỈ NGƠI

Lời Chúa phán : tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng, hẳn làm cho chúng ta liên tưởng tới trường hợp của thánh Augustinô. Augustinô là một nhà trí thức đã bỏ rất nhiều thời giờ và công sức để tìm hiểu các học thuyết thời ngài. Nhưng không học thuyết nào làm cho ngài thỏa mãn. Sau cùng ngài đã gặp học thuyết của Tin Mừng Đức Giêsu và kết quả là, như lời ngài tâm sự trong quyển “Tự thuật” : “Lạy Chúa, tâm hồn con vẫn bồn chồn xao xuyến mãi cho tới khi được nghỉ ngơi trong Chúa”. Cảm nghiệm quí giá của thánh Augustinô là : chỉ khi nào người ta biết được Chúa thì người ta mới được hạnh phúc thật.
Nhưng biết Chúa là biết những gì? Không phải là biết những học thuyết triết lý và thần học, mà là biết bằng cảm nghiệm sâu sắc rằng Ngài là một Thiên Chúa hiền lành và khiêm tốn. Biết được một Thiên Chúa như thế và sống với một Thiên Chúa như thế, con người cảm thấy thoải mái dễ chịu, con người được trút khỏi những vất vả và gồng gánh nặng nề, con người còn được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Lời Đức Giêsu trong đoạn Tin mừng hôm nay khẳng định điều ấy.
Mà muốn có được sự hiểu biết ấy, con người không được tự phụ cho rằng mình khôn ngoan thông thái, trái lại phải trở nên những kẻ bé mọn.
Đó cũng là con đường thơ ấu thiêng liêng mà thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu đã khám phá.
Nền văn minh thời nay tuy thỏa mãn được nhiều nhu cầu cho con người, nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều mệt mỏi, nhiều thứ stress. Bởi thế, có lẽ hơn các thời trước, con người thời nay khao khát được nghỉ ngơi. Thế là khoa học kỹ thuật lại phát minh ra nhiều cách thư giãn, giải trí. Thế nhưng hình như chúng không giúp người ta nghỉ ngơi thực sự, nhiều khi lại còn mệt mỏi hơn.
Qua kinh nghiệm cả cuộc đời mình, thánh Augustinô đã khám phá ra rằng chỉ có một sự nghỉ ngơi thực sự, đó là nghỉ ngơi trong Chúa. Nhưng thứ nghỉ ngơi đó là như thế nào?
Thánh kinh viết rằng sau khi đã tạo dựng mọi sự trong 6 ngày, thì ngày thứ 7 Thiên Chúa nghỉ ngơi. Như thế nghĩa là sự nghỉ ngơi của Chúa không phải là nhờ không làm gì cả, mà là nhờ đã làm xong tất cả một cách tốt đẹp và hài hòa. Nói cách khác, sự nghỉ ngơi này không miễn trừ sự làm việc, không miễn trừ sự nhọc nhằn, mà là kết quả của sự làm việc và của nhọc nhằn.
Chính vì thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu bảo: “Hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi… Và tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Ách của Đức Giêsu là gì? Thưa là luật của Ngài, luật yêu thương. Học cùng Ngài là gì? Thưa là học giáo huấn của Ngài trong Tin Mừng. Như thế, chỉ những ai sống theo giới luật yêu thương và theo lời Chúa thì mới hưởng được sự nghỉ ngơi thực sự.

5. LỊCH SỬ VIỆC TÔN THỜ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

“Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu qua”. (Ga 19, 37)

Trái Tim Chúa Giêsu được người ta tôn thờ ngay từ lúc Người thở hơi cuối cùng trên thánh giá.

Thánh Giuse và Nicôđêmô tháo đanh và hạ xác Chúa Giêsu xuống, Ðức Mẹ giơ tay ẵm lấy. Ðức Mẹ xiết vào lòng xác con đã lạnh giá, đầy những thương tích. Nỗi lòng đau không xiết kể, nhất là khi Người nhìn thấy vết thương cạnh sườn mở quá rộng, để lộ một con tim nhợt máu vì đã bị ngọn giáo thâu qu

Đến thời Trung cổ, đạo Chúa bị bách hại, các bè rối nổi lên phản nghịch cùng Hội Thánh. Tinh thần đạo sa sút, giáo dân bỏ đạo thật theo đạo rối. Để chống lại cơn cuồng phong ấy, Thiên Chúa toàn năng đã dự định một phương thế thần diệu là Trái Tim Chúa Giêsu. Thiên Chúa muốn cho người ta tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu, để nhờ đó ngọn lửa mến đã hầu tắt đi, được bùng cháy lại mạnh mẽ.

Để truyền bá việc tôn thờ Trái Tim Chúa, Chúa đã dùng một nữ tu khiêm hạ ẩn kín trong tu viện là nữ tu Magarita Maria Alacoque người nước Pháp. Trong sách truyện, Thánh nữ sinh năm 1647, qua đời năm 1690. Thánh nữ kể về gốc tích tôn thờ Trái Tim Chúa như sau:

“Năm 1678, một hôm, lúc tôi đang chầu Mình Thánh Chúa trong tuần Tĩnh tâm với các chị em Dòng tại Paray-le Monial (Nước Pháp). Chúa Giêsu hiện ra cho tôi thấy Trái Tim Chúa bừng cháy ngọn lửa tình yêu nhân loại, rồi Người phán: “Cha muốn tỏ ra cho loài người biết Cha yêu thương chúng chừng nào. Trái Tim Cha là nguồn mạch mọi ơn cứu rỗi chúng đời đời. Cha muốn chọn con để quảng bá lòng Tôn thờ Trái Tim Cha cho loài người. Con hèn yếu, nhưng Cha muốn chọn con để mọi người biết rằng việc này là của Cha chứ không phải của con. Con chỉ là dụng cụ hèn mọn Cha dùng“.

Nghe những lời ấy, tôi rùng mình kinh khiếp, liền sấp mình kêu van Chúa chọn người tài giỏi xứng đáng hơn, tôi vừa kém đức lại là phận đàn bà yếu hèn sao làm nổi việc ấy. Nhưng Chúa Giêsu không nghe, Người phán rằng: “Cha chọn con, chỉ vì con thấy mình yếu đuối hèn hạ. Tự sức riêng con, con không làm gì được. Nhưng con hãy vững lòng, chớ sợ, Cha sẽ giúp sức cho con. Cha sẽ ban ơn dư dật cho con. Con không biết Cha hay dùng sức yếu mà phá đổ cường quyền ư? Cha thường dùng người yếu hèn để làm những công việc cao cả, vì người khiêm hèn chỉ cốt làm vinh danh Cha“.

Tôi thưa lại: Vậy lậy Chúa, xin ban cho con những ơn cần để con có thể làm việc Chúa truyền dạy. “Chúa phán: chỉ có một sự rất cần là con phải khiêm nhượng và tin thật, nếu không có Cha giúp, con chẳng làm gì được. Con hãy tin tưởng mạnh mẽ, Cha sẽ giúp con thành công trong việc Cha truyền“.

Rồi Người mở trái tim cho tôi xem, tôi thấy lửa ở trái tim bốc ra lan tràn. Lúc ấy lòng tôi nóng ran như lửa, chịu chẳng được tôi phải kêu lên: “Lạy Chúa, xin cứu con, con yếu hèn quá”. Chúa ngọt ngào an ủi tôi: “Con đừng sợ, Cha sẽ thêm sức cho con, con chỉ nên ghi lòng những mệnh lệnh của Cha. Đây là ơn trọng sau hết Cha ban cho các tội nhân. Ai từ chối sẽ phải hư mất đời đời, vì Cha chẳng còn ban ơn nào hơn được nữa“.

Từ đấy, Chúa còn hiện ra nhiều lần dạy tôi những việc phải làm và những nhân đức phải giữ để tôn sùng Trái Tim Chúa. Tôi vâng giữ các điều Chúa truyền dạy, hết sức khuyên giục chị em dòng và giáo dân tôn kính Trái Tim Chúa Giêsu trong suốt đời tôi.

Hầu hết các vị Giáo hoàng từ Đức Innocent XII (1691-1700) đã tôn sùng và cổ súy cho việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa.

- Năm 1765 Đức Clêmentê XIII (1758 -1769) chuẩn y cho các Giám mục Ba Lan và Hội Huynh Đệ Thánh Tâm ở Rôma được thiết lập một lễ kính Thánh Tâm Chúa.

- Năm 1794 trong Sắc thư Auctorem Fidei, Đức Piô VI (1775-1799) đã chính thức chuẩn nhận việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa, vì Thánh Tâm Chúa được kết hợp nhị tính (hai bản tính) với Thiên Chúa, nên đáng được phụng thờ.

- Năm 1856, Đức Piô IX (1746 – 1878) nới rộng việc cử hành lễ Thánh Tâm, ngày thứ Sáu sau tuần bát nhật lễ kính Mình Thánh Chúa, cho toàn thể Giáo hội và như thế đã thực hiện lời thỉnh cầu của Thánh Tâm Chúa qua nữ Thánh Margarita Maria Alacoque.

- Năm 1899 đức Lêo XIII (1878-1903), qua Thông Điệp Annum Sacrum, nhìn nhận việc tôn thờ Trái Tim Chúa là “một việc đạo đức hảo hạng”. Ngài muốn kiện toàn công việc này bằng cách tận hiến thế giới cho Thánh Tâm Chúa và Ngài hy vọng việc tận hiến này đem lại cho nhân loại những ơn ích phi thường trường cửu cho nhân loại.

Việc này được đức Piô X (1914-1922) ra lệnh phải thi hành hằng năm: “Việc tôn thờ Trái Tim cực Thánh Chúa Giêsu là trường học hữu hiệu nhất về TÌNH YÊU THIÊN CHÚA. Bởi vì Tình Yêu vốn là nền tảng của Nước Trời, phải được xây dựng trong các Linh Hồn, các gia đình và các Quốc Gia”. (Pio X)

6. THÔNG ÐIỆP VỀ LÒNG SÙNG KÍNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

- Năm 1925, Đức Piô XI với Thông Điệp Quas Primas thiết lập lễ Chúa Kitô Vua như một hệ luận của việc Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa. Năm 1928, Ngài ra Thông Điệp Miserentissimus Redemptor đặt nền tảng cho việc đền tạ đối với Thánh tâm Chúa, một việc mà mọi giáo hữu phải làm trong tình yêu thương Thiên Chúa.

Ngày 09-05-1928, Ðức Giáo Hoàng Piô XI đã ra Thông Ðiệp Miserentissimus Redemptor nói về sự cần thiết phải thực hành việc đền tạ Thánh Tâm. Trong thông điệp này, ngài nhấn mạnh rằng việc đền tạ Thánh Tâm là bổn phận đòi hỏi mọi Kitô hữu phải thực hiện. Lòng sùng kính Thánh Tâm được diễn tả như một “sự tổng hợp của toàn bộ đạo giáo của chúng ta” (totius religionis summa), nếu được thực hiện “sẽ rất chắc chắn dẫn chúng ta đến việc biết Chúa Kitô một cách thân mật và sẽ làm cho tâm hồn chúng ta yêu mến Người cách dịu dàng hơn và kết thân với Người một cách quảng đại hơn”. Ðức Piô XI cũng chỉ ra những nhu cầu khẩn cấp của thời đại đòi hỏi các tín hữu phải “thực hành việc đền tạ Thánh Tâm”.

Ngày 15-05-1956, nhân kỷ niệm 100 năm Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX thiết lập Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu cho toàn thể Giáo Hội. Ðức Giáo Hoàng Piô XII ra Thông Ðiệp Về Lòng Sùng Kính Thánh Tâm (Haurietis Aquas) dạy về nền tảng đức tin và căn bản Thánh Kinh của lòng sùng kính Thánh Tâm, bản chất cũng như sự cần thiết và lợi ích lớn lao của lòng sùng kính này.

Trong thông điệp này, Ðức Piô XII nhấn mạnh rằng lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa được Giáo Hội nhìn nhận và nhiệt liệt cổ võ không phải vì đã được mạc khải riêng cho Thánh Margarita Maria, nhưng vì lòng sùng kính này hoàn toàn phù hợp với bản chất của Kitô giáo, thực chất là đạo của tình yêu.

Ngài viết: “Vậy nên, thật hiển nhiên, những mạc khải được tiết lộ cho Thánh Margarita Maria đã không thêm gì vào đạo lý Công Giáo. Ý nghĩa của những mạc khải ấy dựa vào điều này, Chúa Kitô khi biểu lộ Thánh Tâm Người một cách ngoại thường và đặc biệt, muốn kêu gọi tâm trí con người chiêm ngắm và tôn kính mầu nhiệm tình yêu rất thương xót của Thiên Chúa dành cho loài người”.

Ðức Piô XII cũng chỉ ra ý nghĩa căn bản của lòng sùng kính Thánh Tâm như sau: “Chúng ta sẵn sàng hiểu rằng lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cốt yếu là lòng sùng kính đối với tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta qua Chúa Giêsu và đồng thời cũng là tình yêu làm sống động tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa và con người. Hay, nói cách khác, lòng sùng kính này được hướng tới tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta để ta thờ lạy Người, cảm tạ Người và suốt đời noi gương Người”.

Cũng trong thông điệp này, Ðức Thánh Cha Piô XII đã cho thấy lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là tinh hoa và tổng hợp của tất cả mọi lòng sùng kính cần thiết và lành mạnh khác trong Giáo Hội như việc suy tôn Thánh Giá, việc tôn sùng Thánh Thể và lòng biệt kính Ðức Mẹ.

Đức Piô XII (1939-1958) đã khẳng định: “Lòng sùng kính Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu quan trọng đến nỗi khi được thực hành đúng đắn có thể được coi như sự tuyên xưng đức tin Kitô giáo cách hoàn hảo. Nó không phải chỉ là một hình thức đạo đức bình thường mà ai nấy tùy ý thực hiện như thể không có hiệu quả gì hay bỏ qua một bên như là thua kém các việc đạo đức khác”. (Trong Thông Điệp Haurietis Aquas, 15/05/1956).

Đức Phaolô VI (1963-1978), vị giáo hoàng đã được đắc cử đúng vào Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu ngày 21/06/1963 và đã góp phần hoàn tất Công Đồng Chung Vaticanô II cách tốt đẹp, nêu lên tính cách hợp thời của lòng sùng kính Thánh Tâm như sau: “Lòng sùng kính Thánh Tâm là phương thế hữu hiệu nhất để đóng góp vào việc canh tân tâm linh và luân lý của thế giới như Công Đồng Vaticanô II đã kêu gọi”. (Diễn văn trước Tổng Công Nghị Lần 31 của Dòng Tên).

Trong Huấn dụ về “Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu” được Đức Phaolô VI ban hành ngày 6/2/1965 để kỷ niệm 200 năm thành lập Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Ngài viết: “Sự tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là việc rất cao quý và ĐẶC BIỆT CẦN THIẾT cho thời đại này”.

Ta ước mong việc này được tổ chức với Nghi thức Phụng Vụ để phát triển mỗi ngày mỗi rộng lớn hơn, hầu cho mọi Kitô hữu được say sưa lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa và nhờ đó được đổi mới về mọi phương diện. Việc tôn sùng này cốt yếu là kính thờ Chúa Giêsu một cách xứng đáng và đền tạ Thánh Tâm Chúa về tội lỗi của ta”. Roma ngày 6/2/1965/ ĐGH Phaolô VI

Lòng sùng kính Thánh Tâm trong Giáo Hội hôm nay

Có lẽ lòng vì sùng kính Thánh Tâm chưa được thực hiện đầy đủ như lòng Chúa lòng muốn, nên Chúa đã tiếp tục gửi đến nhân loại sứ điệp khẩn cấp của tình yêu nồng cháy của Thánh Tâm Người qua một số linh hồn ưu tuyển trong thế kỷ 19&20.

Chúng ta có thể kể đến ba sứ giả nổi bật của Thánh Tâm là Chị Bêninha Consolata (1885-1916) người Ý thuộc Dòng Thăm Viếng, Chị Josefa Menendez (1889-1923) người Pháp thuộc Dòng Thánh Tâm và Thánh Maria Faustina Kowalska (1905-1938) người Ba lan thuộc Dòng Nữ Tu Ðức Mẹ Thương Xót. Và chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều điều hữu ích để gia tăng lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu qua các sứ điệp của những linh hồn ưu tuyển này.

Sứ điệp của Thánh Tâm gửi qua Chị Bêninha có thể đọc được nơi cuốn Tình Dịu Dàng Chúa Giêsu; qua Chị Josefa Menendez nơi cuốn Tiếng Gọi Tình Yêu -Thông Ðiệp Gửi Thế Giới; và qua Thánh Maria Faustina Kowalska nơi cuốn Diary – Divine Mercy in My Soul.

Trong tất cả những sứ điệp này, cũng như trong những gì Chúa Giêsu mạc khải cho Thánh Margarita Alacoque, Chúa đã thiết tha kêu gọi con người đừng tiếp tục xúc phạm đến Thánh Tâm qua các tội ác của họ, đừng dửng dưng và vô ơn trước tình yêu thương xót vô biên của Thánh Tâm Chúa Giêsu nơi Thánh Thể, hãy tín nhiệm tuyệt đối nơi lòng thương vô biên của Người để hoán cải đời sống, vươn lên sự thánh thiện và tận hưởng ơn cứu độ.

Với những ai muốn trở nên bạn thiết của Thánh Tâm, Chúa kêu mời họ hãy quảng đại trong việc vui lòng đón nhận thật nhiều hy sinh đau khổ để hiệp nhất với các đau khổ của Chúa trong cuộc Thương Khó mà góp phần cứu rỗi các linh hồn. Chúa kêu gọi mọi người, nhất là những ai đã dâng mình cho Chúa, siêng năng sốt sắng tôn thờ Trái Tim Sống Ðộng của Người trong Bí Tích Thánh Thể để đền tạ Thánh Tâm.

Các vị giáo hoàng cận đại: Ðức Piô XII, Chân Phước Gioan XIII, Ðức Phaolô VI và Ðức Gioan-Phaolô II có thể nói được đều là các vị giáo hoàng của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong thiên niên kỷ 21 ĐGH Gioan Phaolô II cũng kêu gọi dân Chúa như sau: “Trong thế kỷ 21 hiện nay, nhu cầu đền tạ Thánh Tâm càng thêm khẩn thiết trước sự lan tràn của tội ác phá thai; sự phổ biến của các hành động ngừa thai nhân tạo, triệt sản, ly dị, giới trẻ được giáo dục sai lạc ngay cả nơi phần đông các gia đình Công giáo; lo mưu cầu lợi ích cá nhân, đam mê hưởng thụ, ích kỷ… Và quay lưng lại với Đấng Tạo Hoá; Tôn thờ văn hoá sự chết, thiếu xác tín hay bất phục giáo huấn chân thực của Hội thánh ngay cả trong hàng ngũ giáo sĩ, tu sĩ”.

Sự cần thiết của việc đền tạ Thánh tâm Chúa Giêsu

Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là một việc đạo đức nhằm kính thờ Trái Tim Chúa Giêsu, biểu hiệu cho Tình Yêu Thiên Chúa. Vì thế, đối tượng chính của sự Tôn sùng là Tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu được Chúa mặc khải trong Cựu ước, và thực hiện trong đời sống của Chúa Giêsu ở trần thế. Tình yêu này cần phải được đền đáp bằng chính tình yêu của con người, là tạo vật do Chúa dựng nên; tuy hèn kém, bất xứng nhưng lại được Chúa đợi chờ.

Sự đền đáp này được thể hiện bằng những hành động sau:

- Đền tội cho chính mình, cầu nguyện cho những người thờ ơ, vô ơn bội bạc hay còn chìm đắm trong tội lỗi, không biết đến hay không màng gì đến tình yêu hải hà của Thiên Chúa.

- Vinh danh Trái Tim Chúa Giêsu như Ngài đã ước muốn, và cũng chính vì Trái Tim Ngài đáng được vinh danh và tôn thờ nơi mỗi người, mỗi gia đình, cũng như trong toàn thể nhân loại.

- Đặt hết tin tưởng và phó thác vào Trái Tim Tình Yêu Chúa Giêsu.

- Loan truyền lòng Tôn Sùng Trái Tim Chúa, tạo cơ hội cho nhiều người đón nhận ơn ích của Trái Tim Chúa, một Trái Tim rộng lượng, bao dung và sẵn sàng ban tràn đầy cho những ai muốn đón nhận.

Khi đáp trả tình yêu Thiên Chúa bằng chính tình yêu của mình; bằng cách thực hiện những điều Chúa mong đợi trên, là chúng ta đã an ủi được Trái Tim yêu thương của Chúa.

Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu có nghĩa là:

- “Đền tạ những sai sót lỗi lầm mà con người xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa,

- Ý thức tín thác hoàn toàn vào tình yêu và lòng thương xót vô biên của Chúa đối với gia đình nhân loại,

- Và quyết tâm loan báo Tin Mừng cùng mở rộng Nước Chúa là Nước chan hoà ánh sáng Chân Lý và Tình Yêu, ánh sáng an bình”. (Lời chỉ dẫn của ĐHY TGM Saigon)

- Một khi chúng ta đã hiểu biết bản chất, sự tuyệt đối cần thiết, những ích lợi lớn lao và lịch sử của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta được Trái Tim Chúa Giêsu mời gọi thiết tha để noi gương Mẹ Maria, cùng Mẹ, nhờ Mẹ và với Mẹ để trở nên tri kỷ, trở nên tông đồ và chiến sĩ của Thánh Tâm. Như vậy, chúng ta sẽ tiếp tục viết lên những trang tình sử tuyệt vời của chính mỗi người với Thánh Tâm Giêsu trong lòng Hội Thánh.

7. HÃY ĐẾN VỚI TA
Tin mừng hôm nay chứa đựng những lời ngọt ngào, êm dịu của Chúa Giêsu. Ngài gởi đến chúng ta hai lời mời gọi sau đây:

Thứ nhất: “Hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng. Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho các ngươi”.

Chúa Giêsu nhìn thấu những khó nhọc của kiếp người chúng ta. Ngài không làm ngơ trước nỗi khổ đau của chúng ta, nhưng muốn nâng đỡ và bổ sức. Ngài không cất khỏi khó nhọc của chúng ta nhưng sẵn sàng ban ơn trợ giúp để chúng ta có thể đón nhận và lướt thắng những khó nhọc ấy.

Biết bao nhiêu lần chúng ta gặp khó khăn trong cuộc sống. Có những lúc chúng ta đối diện và chiến đấu bằng sức của riêng mình. Thậm chí, có khi chúng ta than trách Chúa vì cho rằng Chúa để những khó nhọc đó đến với chúng ta. Hãy chạy đến Chúa mỗi khi chúng ta gặp khó khăn. Hãy để cho Chúa đưa tay nâng đỡ chúng ta. Hãy tin vào Chúa vì Ngài sẵn sàng nâng đỡ bổ sức cho chúng ta. Tin vào lời Chúa nói: “Ơn Cha đủ cho con”.

Thứ hai: “Hãy học cùng Ta vì ta hiền lành và khiêm nhường”.

Với người Do thái, mang lấy ách có nghĩa là nhận lấy, học hỏi những điều gì đó từ nơi một vị thầy. Chúa Giêsu muốn chúng ta mang lấy ách của Ngài.

- Ách của Ngài là những lời Ngài dạy chúng ta về Thiên Chúa, về Nước Trời.

- Ách của Ngài là cách sống của Ngài, là đời sống hiền lành, khiêm nhường và yêu thương.

- Mang lấy ách của Ngài là đón nhận những lời Ngài rao giảng.

- Mang lấy ách của Ngài là học theo cách sống hiền lành, khiêm nhường và yêu thương như Ngài.

Nghe lại những lời này trong lễ Thánh Tâm, biểu tượng của tình yêu, chúng ta được nhắc nhớ:

- Chúa chính là nguồn cậy trông, trợ lực cho chúng ta. Hãy chạy đến với Ngài để Ngài nâng đỡ bổ sức cho chúng ta.

- Lời dạy và cách sống của Chúa là gương mẫu cho chúng ta. Hãy đón lấy lời dạy của Ngài và hãy noi gương Ngài sống hiền lành, khiêm nhường và yêu thương.

Lạy Chúa, xin giúp chúng ta luôn tin cậy vào Chúa và luôn biết sống như Chúa là hiền lành, khiêm nhường và đầy lòng yêu thương. Amen.

***

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Sứ điệp từ Thánh Thể của Chúa gởi cho trần thế chính là tình yêu. Chúa đã sống trọn một cuộc đời trong yêu thương và phục vụ. Ngày nay, qua bí tích Thánh Thể, Chúa lại tiếp tục dâng hiến cuộc đời mình để nuôi dưỡng chúng con. Chúng con xin tri ân tình yêu cao vời mà Chúa đã dành cho chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, tình yêu của Chúa luôn dành cho hết mọi người. Chúa không phân loại hạng người. Chúa không kỳ thị bất cứ ai. Chúa luôn thi ân cho kẻ lành người dữ. Chúa chúc phúc cho từng người chúng con. Xin giúp chúng con biết sống như Chúa. Xin loại trừ nơi chúng con những cái nhìn thành kiến, thiên vị. Xin cho chúng con đừng nhìn anh em mình với cái nhìn khinh khi, xem thường, nhưng luôn tôn trọng và đối xử tốt với hết mọi người.

Lạy Chúa, xin Chúa chữa lành tâm hồn bất toại và con tim chai đá của chúng con, để chúng con biết sống cho Chúa và cho tha nhân. Amen.