Dân Chúa Âu Châu

Muối và Ánh Sáng.

Thứ Ba tuần 10 thường niên - Thánh Antôn Pađôva, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Các con là sự sáng thế gian".

* Chào đời khoảng cuối thế kỷ 12, tại Lít-bon, Bồ-đào-Nha, nhập hội kinh sĩ thánh Augustinô, nhưng sau khi làm linh mục được ít lâu, thánh Antôn hâm mộ lý tưởng sống Tin Mừng của thánh Phanxicô. Người đã đến Át-xi-di, sống bên cạnh thánh Phanxicô (năm 1221).
Với tài năng giảng thuyết ngoại thường, người được phái qua Pháp là nơi các giáo thuyết của phái Ca-tha đang hoành hành. Người lập một tu viện ở Bơ-ri-vơ La Gai-ác. Thánh nhân là người đầu tiên trong dòng dạy thần học cho anh em. Người qua đời tại Pađôva sau khi giảng tĩnh tâm mùa Chay tại đó (năm 1231).

Lời Chúa: Mt 5, 13-16
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn xử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Suy Niệm 1: Muối và Ánh Sáng
Muối là để làm gia vị, đèn là để soi sáng. Với hai hình ảnh này, Chúa Giêsu muốn nói lên sứ mệnh của Giáo Hội trong trần thế. Ngay từ đầu lịch sử của mình, Giáo Hội đã ý thức về sứ mệnh ấy. Giáo Hội là muối và ánh sáng của thế giới, bởi vì là Thân Thể của Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống. Giáo Hội luôn xác tín rằng tất cả chân lý về Thiên Chúa và về con người đã được Chúa Giêsu mạc khải và ủy thác cho Giáo Hội. Qua cuộc sống của mình, Giáo Hội bày tỏ cho nhân loại biết con người là ai? Con người bởi đâu mà đến? Con người sẽ đi về đâu? Qua cuộc sống của mình, Giáo Hội chứng tỏ cho con người cùng đích của cuộc sống, đó là sống với Thiên Chúa.
Các tín hữu tiên khởi đã xác tín về điều đó, cuộc sống bác ái yêu thương của họ đã là muối và ánh sáng cho nhiều người. Những tiến bộ về khoa học, văn hóa, kinh tế và ngay cả chính trị tại Âu Châu thời Trung Cổ quả là thể hiện vai trò muối và ánh sáng của Giáo Hội. Không ai có thể vai trò hạt nhân về phát triển của các Tu viện Công giáo. Văn minh Tây phương, dù muốn hay không, vẫn là văn minh Kitô giáo. Những giá trị tinh thần mà nhân loại đạt được ngày nay, như tự do, dân chủ, nhân quyền, đều là những giá trị xuất phát từ Kitô giáo. Qua những giá trị tinh thần ấy, chúng ta có thể nói rằng muối của Giáo Hội đã ướp được phần lớn trái đất, ánh sáng của Giáo Hội đã chiếu soi vào những góc tối tăm của tâm hồn.
Tuy nhiên, hình ảnh muối và ánh sáng vẫn luôn gợi lên cho chúng ta cái tư thế nhỏ bé của Giáo Hội. Người ta chỉ cần một lượng nhỏ muối để ướp một lượng lớn thực phẩm, một cái đèn nhỏ cũng đủ để chiếu dọi một khoảng không gian lớn. Phải chăng với hình ảnh của muối và ánh sáng, Chúa Giêsu không muốn ám chỉ tới cái vị thế đàn chiên nhỏ bé là Giáo Hội? Ðã qua hơn 2,000 năm lịch sử, các môn đệ Chúa Giêsu đã đi khắp thế giới để rao giảng cho mọi dân tộc. Nếu xét về con số, thì thực tế không thể chối cãi là hơn 2/3 nhân loại vẫn chưa trở thành môn đệ Chúa Giêsu, và càng ngày xem chừng những người mang danh hiệu Kitô càng nhỏ lại, nếu so với những người ngoài Kitô giáo.
Muối và đèn soi vốn là những hình ảnh gợi lên cho chúng ta cái tư thế thiểu số của Giáo Hội trong trần thế, nhưng lại mời gọi chúng ta xác tín về sứ mệnh vô cùng to tát của Giáo Hội. Bằng mọi giá, Giáo Hội phải ướp mặn thế giới, phải chiếu soi trần gian bằng chính chân lý cao cả mà Chúa Giêsu đã mạc khải và ủy thác cho mình. Cả vận mệnh nhân loại tùy thuộc sứ mệnh của Giáo Hội, do đó không có lý do nào cho phép Giáo Hội xao lãng sứ mệnh ấy. Thánh Phaolô đã nói lên sự khẩn thiết của sứ mệnh ấy như sau: "Gặp thời thuận tiện hay không thuận tiện, cũng phải luôn luôn rao giảng Tin Mừng của Chúa".
Ðã có một lúc Giáo Hội gặp nhiều dễ dàng và thuận tiện trong việc thực thi sứ mệnh: cả một quốc gia, cả một lục địa đón nhận sứ điệp Tin Mừng. Thế nhưng, cũng có biết bao thời kỳ Giáo Hội bị khước từ, bị bách hại, đây chính là lúc không thuận tiện mà thánh Phaolô nói đến và cũng là lúc Giáo Hội càng phải rao giảng mạnh mẽ và kiên quyết hơn. Chính vì là thiểu số, và là một thiểu số bị loại trừ và bách hại, Giáo Hội lại càng phải ý thức hơn về vai trò là muối và ánh sáng của mình.
Một trong những nguy cơ lớn nhất đối với Giáo Hội chính là thỏa hiệp: thỏa hiệp để được một chút dễ dãi, thỏa hiệp để được một chút đặc quyền đặc lợi. Thực ra, đã là thỏa hiệp tức là đánh mất một phần căn tính của mình: thay vì muối để ướp cho mặn, thì muối lại đánh mất chất mặn của mình đi; đã là đèn dùng để soi sáng thì đèn lại bị đặt dưới đáy thùng; thay vì rao giảng lời chân lý, Giáo Hội thỏa hiệp để chỉ còn rao giảng lời của những sức mạnh đang khống chế mình. Xét cho cùng, sứ mệnh của muối và ánh sáng cũng chính là sứ mệnh của tiên tri. Số phận của tiên tri là số phận của thiểu số, nhưng là thiểu số dám lên tiếng rao giảng chân lý, sẵn sàng tố cáo bất công, và dĩ nhiên sẵn sàng hy sinh, ngay cả mạng sống mình.
Giáo Hội là muối và ánh sáng thế gian. Mỗi Kitô hữu tự bản chất cũng là muối và ánh sáng của thế gian. Họ sẽ đánh mất bản chất mặn của muối và tia sáng của ánh sáng, nếu chỉ vì một chút lợi lộc vật chất, một chút dễ dãi, mà họ thỏa hiệp với những gì đi ngược chân lý của Chúa Giêsu. Một cách cụ thể, người Kitô hữu sẽ không còn là muối và ánh sáng, nếu theo dòng chảy của xã hội, họ cũng lọc lừa, móc ngoặc, dối trá.
Nguyện xin Chúa ban thêm sức mạnh, để dù chỉ là một thiểu số, chúng ta vẫn luôn là muối có sức ướp mặn xã hội, là đèn có sức chiếu soi xã hội.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm 2: Muối và Ánh Sáng
Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà đã nhạt đi, thì lấy gì muối cho nó mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.
Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. (Mt. 5, 13-14)
Thế giới chẳng đẹp gì
Thế giới chẳng đẹp đẽ cho lắm. Nào là chiến tranh, bất công, bạo lực và hận thù tràn lan. Bạn cứ đọc báo là thấy ngay! Chỗ này chỗ kia, người ta đâm chém nhau, ăn cắp của nhau, đánh lộn nhau, sâu xé nhau. Đâu đâu người ta cũng thấy phô ra cái chẳng đẹp, chẳng tốt, chẳng sạch. Xa xa thì ở nơi nhà hàng xóm, mà cần gì phải đâu xa ngay tại nhà mình cũng có nữa.
Người ta không yêu nhau nhiều. Chắc chắn là không đủ. Có nhiều những người bất hạnh hơn là phải có. Có quá nhiều phụ nữ bị bỏ rơi đang khóc. Quá nhiều trẻ em bị hành hạ. Quá nhiều người nghèo khổ chẳng ai thèm chú ý tới. Có quá nhiều mảnh đời đủ mọi hạng tuổi mà thật ra chẳng được bao nhiêu thú vui để sống.
Lãnh đạm đủ rồi!
Trước những thảm cảnh đó, ta phải làm gì? Có thể làm gì? Có người lên tiếng! Thì đã có chính phủ để mắt tới! Thì đã có những nghiệp đoàn họ lo! Thì đã có những cơ quan cứu trợ xã hội để họ làm tốt công việc của họ!” Chỉ có giải pháp đó thôi sao?”
Chúa Giêsu có những lời mà người nghe phải hiểu rằng có một giải pháp khác. Chúa nói với chúng ta: “Anh em là muối đất. Anh em là ánh sáng trần gian”. Người còn phán: “Chính anh em phải làm cái gì đó. Chính anh em phải động đậy lên, phải nhúng tay vào. Chính anh em phải thay đổi thế giới một chút. Chính anh em phải giúp đỡ người ta được hạnh phúc hơn một chút, được tốt hơn một chút, được có tình huynh đệ hơn nữa”.
Chúng ta có là muối mặn không? Là ánh sáng chiếu soi không? Nếu chúng ta là những kẻ chẳng soi sáng cho ai, chẳng khích lệ ai, chẳng nâng dỡ ủi an ai, chẳng đem đến cho ai nụ cười; nếu chúng ta là những người lãnh đạm ơ hờ. Chà!…Một phần nào đó chính là vì chúng ta mà thế giới không khá hơn đó.
Suy niệm 3 :
Người ta thường định nghĩa Kitô hữu là người tin vào Đức Kitô,
là người sống mầu nhiệm Vượt Qua với Đức Kitô, Con Một Thiên Chúa,
hay đơn giản là người bạn của Ngài.
Chẳng thể nào nói đến Kitô hữu mà không nói đến mối dây với Đức Kitô.
Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, khi nói chuyện với các môn đệ,
những người vừa được nghe các Mối Phúc,
Đức Giêsu lại đưa ra một định nghĩa khác về họ.
“Các con là muối cho trái đất” (c. 13).
“Các con là ánh sáng cho thế giới” (c. 14).
Thế giới này, trái đất này, nằm trong định nghĩa về người Kitô hữu.
Không có Kitô hữu sống lơ lửng giữa trời và đất.
Họ thuộc về trời và thuộc về đất, về thế giới hiện tại và thế giới mai sau.
Họ được sai vào thế giới này để phục vụ bằng cách biến đổi.
Muối có nhiều công dụng.
Muối dùng để bảo quản cho khỏi hư, để nêm nếm cho đậm đà, để bón phân.
Muối cần cho sự sống thường ngày con người.
Đức Giêsu dùng hình ảnh muối để áp dụng cho các môn đệ.
Họ cần cho trái đất này,
Như muối thấm vào đồ ăn, họ phải có ảnh hưởng tích cực trên trái đất.
Điều làm cho muối là muối, đó là vị mặn.
Muối trở nên nhạt thì đánh mất chính mình rồi, chẳng đáng gọi là muối nữa.
Đức Giêsu tự nhận mình là Ánh sáng cho thế giới (Ga 8, 12; 9,5; 12, 46).
Bây giờ Ngài mạnh dạn gọi các môn đệ là ánh sáng cho thế giới.
Thế giới hôm nay đã được điện khí hóa khắp nơi.
Nhưng bóng tối và bóng mờ thì chỗ nào cũng có.
Cả bên ngoài lẫn bên trong tim con người.
Bóng tối thật là một quyền lực đáng sợ mà con người phải đối diện.
Chỉ khi môn đệ mang Ánh sáng của Đức Giêsu, và trở nên ánh sáng,
khi ấy họ mới có thể giúp thế giới này bừng sáng.
Thành thánh Giêrusalem ở trên núi, không sao giấu được.
Ngọn đèn được thắp lên cũng không để lấy thùng che lại.
Căn tính của người Kitô hữu cũng vậy.
Tự nó bừng sáng, tự nó quyến rũ, tự nó hồn nhiên tỏa hương.
Đừng sợ để người khác thấy điều tốt nơi mình,
nếu điều đó đưa người ta đến chỗ nhận biết và tôn vinh Thiên Chúa.
Một phần ba thế giới là Kitô hữu,
bẩy phần trăm người Việt Nam là Công Giáo.
Chúng ta có thể làm được nhiều điều cho thế giới hôm nay.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu, Vua vũ trụ,
nếu Chúa là vua của hơn bốn trăm ngàn linh mục,
nếu Chúa là vua của hơn tám trăm ngàn nữ tu,
nếu Chúa là vua của một tỉ người công giáo,
thì thế giới này sẽ đổi khác,
Hội Thánh sẽ đổi khác.
Chúng con không phải là một lượng men quá nhỏ.
Nếu khối bột chẳng được dậy lên,
thì là vì men đã mất phẩm chất.
Chúng con phải chịu trách nhiệm
về sự dữ trên địa cầu :
có nhiều sự dữ do chính chúng con gây ra.
Chúng con chỉ kêu cầu cho Nước Chúa mau đến,
nhưng lại không chịu xây dựng Nước ấy trên trần gian.
Lạy Chúa Giêsu Vua vũ trụ,
chúng con thường cố ý thu hẹp vũ trụ của Chúa,
giữ chặt Chúa ở trong nhà thờ,
nên nhiều nơi vẫn vắng bóng Chúa,
dù Chúa đã đến trái đất này từ 2000 năm.
Chúng con sợ Chúa đến làm phiền chúng con,
và không cho chúng con được yên ổn.
Ước gì một tỉ người công giáo
chịu để Chúa chi phối đời mình
và đưa Chúa đi vào những nơi Chúa chưa hề đến.
Như thế vũ trụ này
trở thành vũ trụ của Thiên Chúa. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.