Dân Chúa Âu Châu

Làm chứng cho Chúa.

Thứ Bảy đầu tháng, tuần 7 Phục Sinh – Thánh Carôlô Loan-ga và các bạn, tử đạo. Lễ nhớ.

"Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra".

* Cùng với hai mươi hai vị tử đạo U-găng-đa này, trang sử về các Chứng Nhân Tử Đạo những thế kỷ đầu lại tái diễn. Rất nhiều vị trong số đó chỉ mới là Kitô hữu được ít lâu. Bốn vị trong số đó được cha Carôlô Loan-ga thanh tẩy ngay trước lúc hành hình. Phần lớn các vị bị thiêu sống ở Nu-mun-gun-gô (1886) thuộc lớp tuổi từ mười sáu đến hai mươi bốn. Vị trẻ nhất tên là Ki-di-tô mới có mười ba tuổi.

Lời Chúa: Ga 21, 20-25
Khi ấy, Phêrô quay lại, thấy môn đệ Chúa Giêsu yêu mến theo sau, cũng là người nằm sát ngực Chúa trong bữa ăn tối và hỏi "Thưa Thầy, ai là người sẽ nộp Thầy?" Vậy khi thấy môn đệ đó, Phêrô hỏi Chúa Giêsu rằng: "Còn người này thì sao?" Chúa Giêsu đáp: "Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con? Phần con, cứ theo Thầy". Vì thế, có tiếng đồn trong anh em là môn đệ này sẽ không chết. Nhưng Chúa Giêsu không nói với Phêrô: "Nó sẽ không chết", mà Người chỉ nói: "Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con".
Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, và chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thật. Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra.

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Làm chứng cho Chúa.
Trong kỳ nội chiến, Tổng thống Hoa kỳ là Abraham Lincoln có một sĩ quan trẻ làm thư ký. Viên sĩ quan này nổi tiếng là gan dạ, do đó công việc bàn giấy xem ra không thích hợp với anh. Anh chỉ mơ ước trở lại mặt trận và nếu cần sẵn sàng chết cho tổ quốc hơn là làm công việc đơn điệu nhàm chán trên bàn giấy. Một ngày nọ, sau khi nghe anh than phiền, Tổng thống Lincoln nhìn thẳng mắt anh và nói: “Hỡi anh bạn trẻ, như tôi nhận thấy thì quả thực anh luôn muốn xả thân chết cho tổ quốc, nhưng có lẽ anh không muốn sống cho tổ quốc”.
Tử đạo theo nguyên ngữ là “làm chứng cho đức tin”. Có người dùng cái chết để làm chứng, có người dùng cả cuộc sống. Tuy nhiên, chết đau thương nhục nhã hoặc chết âm thầm từng ngày, cả hai đều có giá trị như nhau. Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi được mời gọi bước theo Chúa Giêsu, nghĩa là chấp nhận những thử thách bách hại và cái chết trên thập giá để làm chứng cho Chúa. Còn Gioan, vị tông đồ được Chúa Giêsu yêu mến lại làm chứng cho Chúa bằng chính cuộc sống của mình. Gioan tuy không được phúc tử đạo như các Tông đồ khác, nhưng đã sống một thời gian rất dài, để củng cố niềm tin của các tín hữu tiên khởi nhất là để suy niệm và viết cuốn Tin mừng thứ tư và ba lá thư. Tất cả đều là những cách thức làm chứng cho Đấng đã chết và sống lại là Chúa Giêsu Kitô.
Lịch sử Giáo Hội từ đầu cho đến nay là cả một cuốn sách về những chứng từ khác nhau: bằng lời nói, bằng đau khổ, bằng hy sinh, bằng công việc từ thiện… mỗi người một cách, mỗi thời đại một cách tuỳ ở Chúa Thánh Thần soi sáng, nhưng tất cả là để giới thiệu tình yêu Chúa cho mọi người để mọi người hưởng nhờ ơn cứu độ.
Chắc chắn, không phải tất cả chúng ta có thể làm chứng cho Chúa bằng cái chết vì đạo, nhưng chúng ta có thể làm chứng bằng chính cuộc sống của chúng ta. Ước gì chúng ta luôn ý thức phần đóng góp của chúng ta cho kho tàng phong phú của Giáo Hội qua những hy sinh âm thầm từng ngày, để làm cho mọi người nhận biết tình yêu Chúa và trở về cùng Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Về thánh Gioan
Thánh Gio-an lúc bảy mươi tuổi bắt đầu viết Tin mừng làm chứng về Đức Giêsu. Hôm nay, Ngài ký vào lời chứng này.
Ngôn từ cuốn Tin mừng này đôi khi khó hiểu, bí ẩn, sâu kín, mang lại kinh nghiệm dày dạn sâu lắng của đời sống Kitô giáo, đời sống phục sinh. Ngài truyền lại cho chúng ta kiến thức về Đức Kitô sau khi đã cầu nguyện, suy niệm lâu dài mãi tới già.
Mấy tuần mùa phục sinh Ngài loan báo cho chúng ta Tin mừng về: sự tái sinh bởi Thánh Thần, chia sẻ bánh hằng sống, niềm hy vọng phục sinh, tiếp nhận mục tử tốt lành, ban Thánh Thần, thánh Gio-an giới thiệu chúng ta vào hiệp thông với Chúa Cha. Hơn nữa, ngài còn xác định về những đòi hỏi phải theo Đức Kitô: Sự cần thiết phải tin, nhận lãnh những dấu chỉ, đức tin vào lời chứng về Đức Kitô, trông cậy vào Đấng Thiên Chúa sai đến.
Đến lượt, chúng ta cần cảm nghiệm sâu sắc về đời sống của Đức Kitô. Nhờ thế, chúng ta là nhân chứng về những sự kiện cao cả của Thiên Chúa trong lịch sử lúc này. Lời chứng của chúng ta rất cần cho thế gian. Mỗi người trong chúng ta, tùy theo cách thức và đặc sủng của mình, phải loan báo Tin mừng đã sống thực trong đáy lòng con tim chúng ta.
Mỗi người chúng ta phải lớn tiếng rao giảng lời chứng của mình về Đức Kitô hàng ngày. Lời rao giảng Tin mừng trong phụng vụ được các tông đồ truyền lại cho chúng ta, giúp chúng ta làm sống lại lời Tin mừng đến tận các bàn giấy, các nhà máy, và các gia đình.
Chúng ta không nên đợi những người khác bắt đầu sống theo Đức Kitô, rồi chúng ta mới bắt đầu thi hành ý Người. Hãy nhờ chính lời của Người nói với Phê-rô: “Dù Thầy muốn cho người ấy cái gì, dù Thầy định cho những người khác thế nào, thì việc gì đến anh? Phần anh, anh hãy theo Tôi”.
CG.

SUY NIỆM 3: Làm chứng tá cho tình yêu
Hôm nay chúng ta lắng nghe phần đoạn kết trong sách Phúc Âm của thánh Gioan tông đồ, chỉ có ba nhân vật được kể đến trong phần cuối của Phúc Âm này là Chúa Giêsu, Phêrô và Gioan.
Qua những lời đối thoại với Phêrô, Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu rằng Ngài đã chọn mười hai vị tông đồ và trao phó cho mỗi người một sứ mạng khác nhau. Phêrô và Gioan vì thế cũng có sứ mạng khác biệt nhau. Nếu như Phêrô được chọn để chăn dắt đàn chiên của Chúa và trung thành với các sứ vụ bằng cái chết tử đạo, thì vai trò của Gioan là làm chứng tá cho Chúa Giêsu bằng Phúc Âm.
Gioan được ơn sống lâu để chiêm niệm một cách sâu xa hơn về mầu nhiệm nhập thể làm người và phục sinh của Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa. Vì thế mà Gioan kết thúc Phúc Âm của mình bằng sự xác quyết: "Còn có nhiều điều khác Chúa Giêsu đã làm, nếu viết lại từng điều một thì tôi thiết nghĩ cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra". Qua lời kết thúc này Gioan cho thế gian hiểu rằng quyền năng của Chúa Giêsu không bao giờ cạn, hồng ân của Ngài thì vô cùng, sự khôn ngoan của Ngài thì không ai có thể đối chọi lại được, và tình yêu của Ngài thì vô biên.
Trong lịch sử Giáo Hội suốt hai mươi thế kỷ nay, Thiên Chúa cũng vẫn liên tục kêu gọi nhiều người và ban cho họ những ân sủng đặc biệt để tiếp tục sống mãn đời trên trần thế. Họ là các thánh nam nữ đã được Thiên Chúa lựa chọn và trao cho các sứ mệnh đặc biệt ở những thời kỳ và hoàn cảnh khác biệt nhau. Có vị được gọi để trở thành các giáo phụ và tiến sĩ Hội Thánh. Các ngài dùng ngòi bút và trí thông minh để rao giảng Phúc Âm và đem ánh sáng Lời Chúa đến cho mọi người. Những vị khác thì được ơn gọi sáng lập các dòng tu với tinh thần tông đồ và hoạt động truyền giáo trong nhiều lãnh vực khác biệt nhau. Các sứ vụ tuy có khác biệt nhưng đều mang ý nghĩa và tầm mức quan trọng như nhau. Tất cả đều qui tụ vào cùng một mục đích duy nhất là làm chứng tá cho chân lý và tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con sức mạnh của đức tin và ngọn lửa của tình yêu, để chúng con can đảm và hăng say làm chứng tá cho tình yêu và chân lý của Chúa giữa thế gian. Xin Chúa cũng luôn hiện diện để giúp chúng con trung thành với ơn gọi và sứ mạng do Chúa giao phó, nhất là trong những lúc đứng trước các cơn bão táp của cuộc sống.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)