Dân Chúa Âu Châu

Cầu xin với Chúa

Thứ Sáu tuần 6 Phục Sinh.

"Niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được".

Lời Chúa: Ga 16, 20-23a

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thật, Thầy bảo thật các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui.
Người đàn bà khi sinh con thì lo buồn, vì giờ đã đến, nhưng khi đã sinh con rồi, thì bà mừng rỡ, không còn nhớ đến cơn đau, bởi vì đã có một người sinh ra đời.
Các con cũng thế, bây giờ các con buồn phiền, nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được. Và trong ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều gì nữa".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Cầu xin với Chúa
Trong báo tạp chí "Truyền Giáo" có đăng mẩu chuyện ngắn về một em gái người Phi Châu. Em bé đã qua đời khi tròn 13 tuổi bởi căn bệnh bạch hầu. Khi xem lại các đồ dùng quen thuộc của em, cha mẹ em đã bắt gặp trang nhật ký cuối cùng của em vừa được viết trước lúc em nhắm mắt. Trang nhật ký nghuệch ngoạc với những dòng sau đây: "Ôi lạy Chúa, con đang được giải thoát, thung lũng xanh tươi và suối nước trong mát đang khoe mình sau những vùi dập của bão tố. Trong bóng tối dày đặc của khổ đau và buồn chán, con thoáng thấy bàn tay Thiên Chúa đang vẫy gọi con. Nó vụt qua như một tia lửa yếu ớt, nhưng đã đủ để chiếu sáng và sưởi ấm lòng con, và chẳng một ai giành được nó khỏi con. Ôi lạy Chúa, con đang được giải thoát".
Thật là một cảm nghiệm quí báu đối với một bé gái chỉ vừa tròn 13 tuổi. Phải chăng em đã thông suốt được lời dạy của Chúa Giêsu được thánh sử Gioan tường thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay.
Anh chị em thân mến!
Thông thường đau khổ được nhìn bằng một cái nhìn bi đát. Ðau khổ là hình phạt cho những kẻ đã gây ra tội ác: "Tích thiện tùng thiện, tích ác tùng ác". Ðau khổ là một điều không thể tránh được đối với ai đã làm điều dữ. Hình phạt chưa đến với họ thì đời con, đời cháu sẽ gánh chịu: "Ðời cha ăn mặn, đời con khát nước".
Người Do Thái cũng không vượt lên trên quan niệm này "cha ăn nho xanh, con sẽ hư răng". Gặp người mù từ lúc mới sinh, các môn đệ đã hỏi Chúa Giêsu: "Có phải vì tội lỗi anh hay cha mẹ anh?" Chúa Giêsu đã sửa sai cái nhìn của các môn đệ và Ngài làm phép lạ cho người mù được sáng.
Với Chúa Giêsu, đau khổ không hướng về quá khứ nhưng mở cửa cho tương lai. Con người không tuyệt vọng u buồn trong đau khổ nhưng phải hy vọng vui mừng vì những gì sẽ xảy đến sau đau khổ. Các môn đệ sẽ buồn sầu nhưng nỗi buồn của họ sẽ biến thành niềm vui. Người đàn bà sắp sinh con lo buồn, nhưng khi đã sinh con ra rồi thì bà mừng rỡ quên hết cơn đau vì đã có một người con mới sinh ra đời.
Ðoạn đường đến Núi Sọ là một chuỗi dài những đau khổ đau tủi nhục và tuyệt vọng, thế nhưng đoạn đường ấy lại mở lối cho sự Phục Sinh vinh quang. Có gì đáng tuyệt vọng và đau buồn cho bằng tình trạng của Nguyên Tổ sau khi đã phạm tội chống lại lệnh truyền của Thiên Chúa? Vậy mà Thiên Chúa không để cho họ bị chìm đắm trong hình phạt, Ngài hứa ban cho họ Ðấng Cứu Chuộc. Từ một tội có thể gọi là tày trời thì phép màu của tình yêu Thiên Chúa đã biến nó thành tội hồng phúc.
Loài người được đón tiếp Thiên Chúa Ngôi Hai đến chung sống với họ, cho họ trực tiếp cảm nhận tình yêu của Cha trên trời. Tuy nhiên, có một câu hỏi thường làm bận tâm chúng ta không ít, đó là có một Thiên Chúa tình yêu, tại sao con người vẫn mãi đau khổ? Cũng như trong bài Tin Mừng hôm nay, tại sao biết các môn đệ đau buồn mà Chúa Giêsu vẫn ra đi?
Câu trả lời đã có sẵn trong đoạn Tin Mừng trước đây, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: "Thầy đi thì có lợi cho các con". Chắc chắn lúc đấy các môn đệ chẳng thể nào hiểu được ý nghĩa của sự ra đi và ích lợi sẽ đến với các ông như thế nào. Các ông vẫn mù tối trước lời giải thích của Chúa Giêsu, và dù cho các môn đệ vẫn chưa hiểu lời Ngài, dù cho các ông có đau buồn vì Ngài ra đi thì cũng không vì thế mà Ngài ở lại, vì Chúa Giêsu không thể bỏ dở nhiệm cục yêu thương của Thiên Chúa Cha. Vì thế, Ngài mời gọi các môn đệ đừng buồn phiền lắng đọng trong đau khổ, nhưng hãy hướng về niềm vui tương lai: "Bây giờ các con buồn phiền nhưng Thầy sẽ trở lại với các con, bấy giờ lòng các con sẽ vui mừng và sự vui mừng ấy không ai lấy mất được, và trong ngày đó các con sẽ không hỏi Thầy điều gì nữa".
Lời nhắc nhủ này Chúa Giêsu cũng muốn gởi lại cho các môn đệ của Ngài ngày nay. Ðừng ngồi lì để oán than trách móc trong đau khổ, nhưng hãy biết hướng về ngay mai. Chỉ than trách hoặc đặt câu hỏi thì đau khổ vẫn mãi mãi là đau khổ. Chỉ một khi hướng về Thập Giá của Chúa Giêsu, con người mới khám phá ra được ý nghĩa và giá trị của các đau khổ này.
Lạy Chúa, xin cho mầu nhiệm Thập Giá luôn là ánh sáng soi dẫn chúng con trong những lúc tăm tối, khổ đau của cuộc đời. Xin cho chúng con biết sống lời dạy của thánh Phaolô: "Ðau khổ sẽ góp phần vào cuộc khổ nạn của Ðức Kitô để chúng con được thông phần niềm vui Phục Sinh của Ngài". Amen.
(Trích “Suy Niệm Hằng Ngày” – Radio Veritas Asia)

SUY NIỆM 2: Suy niệm của G.B. Nguyễn Trọng Nhân SDB
Trong cuộc sống ai trong chúng ta cũng cần phải có niềm vui. Chính khi có niềm vui chúng ta mới có lẽ sống, có mục đích sống và hăng hái quyết tâm để đạt được mục đích đó.
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa nói: "Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui" (Ga 16,20). Trong cuộc sống, chúng ta sẽ có lúc thăng lúc trầm, lúc vui mừng lúc buồn sầu. Một người con gái tuổi đôi mươi, vui vì tình yêu đến với cô ta thật lãng mạn và ngọt ngào, Nhưng rồi lại buồn vì người yêu của mình lỗi lời chung thủy; một thương gia vui vì buôn may bán đắt, nhưng rồi có lúc lại buồn vì lỗ quá nặng, nợ nần chồng chất. Như vậy niềm vui đến với chúng ta thật nhanh, rồi cũng trôi qua thật nhanh. Hỏi có ai có thể giữ được niềm vui như thế suốt cả cuộc đời của mình. Những niềm vui đó chỉ là niềm vui của thế gian. Những gì thuộc về thế gian thì bất tất, nghĩa là nó dễ thay đổi và mau chóng qua đi. Khi mất đi niềm vui thế gian nó sẽ để lại cho chúng ta nỗi buồn sầu. Từ đó nó sẽ dẫn đưa chúng ta đến sự tuyệt vọng nếu như chúng ta không biết bám lấy niềm vui là chính Thiên Chúa. Chỉ có một niềm vui duy nhất, không bao giờ mất đi đó là chúng ta biết tìm đến với Thiên Chúa.
Chúng ta sẽ lo buồn nhưng chúng ta sẽ không sợ, vì nỗi buồn của chúng ta sẽ trở thành niềm vui khi có Thiên Chúa ở với chúng ta. Ngài luôn luôn hiện diện với chúng ta qua kinh nguyện, ở đâu có hai hoặc ba người họp lại thì ở đó có Thiên Chúa. Chúa Giê-su xuống thế làm người để mang lại niềm vui cho thế gian, và Ngài muốn cho thế gian được hưởng niềm vui này luôn mãi nên Ngài đã lập ra Bí Tích Thánh Thể, để có thể luôn ở bên chúng ta. Ngài sẽ trao ban niềm vui hằng hữu này cho chúng ta nếu chúng ta biết tìm đến Bí Tích Thánh Thể.

SUY NIỆM 3: Cưu mang: Cứu Độ
Để hiểu tầm mức lời này của Đức Giê-su, chúng ta cần tới kinh nghiệm của chúng ta về dự tính, về sinh trưởng và về khởi sự. Cái đà khởi đầu cuộc hành trình xuất phát từ miền phấn khởi, từ mơ ước, chúng ta xây dựng những phương trình đẹp, chỉ huy những giai đoạn thi công, kế hoạch. Chúng ta hình như làm chủ được vận mệnh.
Các tông đồ đã phân phối khi Chúa biến hình lúc đầu sứ vụ truyền giáo, lúc đầu đi chữa các bệnh nhân. Nước Thiên Chúa chẳng bao lâu nữa được thiết lập.
Nhưng sự khó khăn cũng bắt đầu khi bắt tay vào việc: Những vất vả khó nhọc, những bất lực, những hố sâu lòng người. Dù gặp đau khổ, chúng ta cảm thấy vẫn phải cố gắng hy sinh sức lực và mạng sống để đạt tới đích. Đức Giê-su đã biết phải trả giá thế nào để thực hiện kế hoạch cứu độ thế giới, và đến giờ phút treo trên thập giá, Người đã gục đầu xuống. Những kẻ chưa hiểu được công cuộc cứu độ, Đức Giê-su đã tiên báo cho chúng ta biết: Đó là một công việc rất khó khăn. Nhưng Tin mừng đã bảo đảm rằng: mặc dầu có cực khổ, khó khăn, kế hoạch cứu độ của Chúa vẫn được hoàn tất khi đã đặt kế hoạch ban sự sống, thì Người phải thực hiện cho đến cùng.
Theo ý nghĩa đó, hôm nay chúng ta hiểu được sứ điệp đầy hy vọng này là mọi đau khổ được tận hiến đều dẫn đến vui mừng như đau khổ của người mẹ sinh đứa con ra chào đời, cũng thế, mọi kế hoạch được tận tâm thực hiện đều mang lại thành công tốt đẹp, đem lại sự sống.
Muốn thúc đẩy con người tiến đến một đời sống phát triển tươi đẹp, phải mở cho họ thấy chân trời vô tận, nhưng đừng quên rằng hiện tại phải gian lao cùng khổ. Tóm lại hoạt động đem ơn cứu độ đến cho con người sẽ phải cưu mang nhiều giai đoạn đau khổ nhọc nhằn.
Đức Giê-su mời gọi chúng ta sống kinh nghiệm những giai đoạn đó để tham gia vào công việc cứu độ, dù vì thế mỗi người chúng ta phải thiệt thòi đến mạng sống.
CG.

SUY NIỆM 4: Tình yêu và đau khổ
Trong bài xã luận của bán nguyệt san Công giáo Ý, số tháng 03/1993 có ghi lại gương hy sinh của một người mẹ trẻ tên là Carla Levati, qua đời khi mới chỉ được 28 tuổi. Khi mang thai đứa con thứ hai, Carla được các bác sĩ cho biết chị bị viêm cột sống mà một cuộc chữa trị có thể phương hại trầm trọng đến mạng sống của thai nhi. Với sự đồng ý của chồng, chị Carla chấp nhận đau khổ và ngay cả cái chết, miễn là đứa con được sinh ra lành mạnh. Nhưng vì quá đau đớn, người mẹ đã qua đời 8 tiếng đồng hồ sau khi đứa con chào đời ngày 26/01/1993
Cái chết của chị Carla đã gây nhiều phản ứng sôi nổi tại Ý. Những tờ báo lớn xuất bản tại Rô-ma xem sự hy sinh của chị như một hành động tôn giáo quá khích và hẹp hòi. Thật ra, đối với người Ki-tô hữu, hành động của chị Carla là một hành động hy sinh cao cả chứ không mù quáng. Nguyên tắc chị Carla tuân theo chính là tình yêu: chỉ tình yêu mới có thể thúc đẩy người mẹ hy sinh mạng sống mình vì đứa con. Nguyên tắc ấy không chỉ bắt nguồn từ Tin mừng, mà còn là một đòi hỏi của tình mẫu tử. Người mẹ là người trao ban sự sống bằng chính đau khổ của mình và nếu cần, chết đi để cứu mạng sống của con mình.
Ý nghĩa cao cả nơi cái chết của chị Carla có thể giúp chúng ta đi sâu vào tinh thần của Tin mừng hôm nay. Thật thế, chính Chúa Giê-su đã nhận chân ý nghĩa cao cả của nỗi đau đớn của người đàn bà trong khi sinh con. Niềm đau đớn ấy mang một ý nghĩa cao cả đến độ đã được Chúa Giê-su mượn để nói lên chính cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài. Có đau đớn trong khi sinh con, người đàn bà mới cảm nhận được niềm vui khi đứa con chào đời; có trải qua khổ nạn, Chúa Giê-su mới đi vào vinh quang Phục sinh; và từ nỗi đau khổ được chấp nhận trong tinh thần phó thác hiến dâng, người môn đệ Chúa Ki-tô mới cảm nhận được niềm vui tái sinh.
Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào những biến cố cuộc sống với cái nhìn đức tin. Chỉ trong đức tin, con người mới tìm thấy được ý nghĩa cao cả của hy sinh; chỉ trong đức tin, đau khổ mới mang ý nghĩa của hy sinh và trở thành biểu tỏ của tình yêu. Ki-tô giáo không phải là một tôn giáo đề cao đau khổ; Ki-tô giáo không tuyên xưng một Thiên Chúa chỉ biết vui lòng khi thấy con người đau khổ. Ki-tô giáo nhất thiết là đạo của tình yêu. Chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống; chỉ có tình yêu được cảm nhận trong mọi hoàn cảnh cuộc sống mới có thể khiến cho người ta hy sinh ngay cả mạng sống mình; chỉ có tình yêu mà con người không ngừng trao ban cho người khác mới thực sự đem lại ý nghĩa cho cuộc sống.

SUY NIỆM 5: Suy niệm của Lm. Trọng Hương
A. Hạt giống...
Tiếp bài giáo lý về những vui buồn đời kitô hữu: “Bây giờ các con buồn phiền. Nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, vá lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con sẽ không ai lấy mất được”
B. ... nẩy mầm.
1. “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng khi sinh rồi thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian”. Đây là một kinh nghiệm cụ thể về việc cưu mang sinh sản. Chúa muốn mời gọi mỗi người chúng ta cũng trải qua kinh nghiệm cưu mang và sinh sản ấy.
Mỗi người hãy cưu mang và sinh sản chính bản thân mình. Như ngày xưa Chúa đã bảo ông Nicôđêmô thế nào thì hôm nay Chúa cũng bảo mỗi người chúng ta như thế: mỗi người chúng ta cần phải sinh lại thành một con người mới. Mà muốn sinh ra một con người mới trong chính bản thân mình thì trước đó chúng ta phải cưu mang đau đớn, cũng giống như những cơn đau của một bà mẹ đang chuyển bụng. Nhưng rồi sau cùng cũng như người mẹ đó vui mừng vì đã sinh ra một con người cho cuộc đời, chúng ta cũng sẽ vui mừng vì mình đã sinh mình trở thành một con người mới.
3. “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em không ai lầy mất được”
Vì ghen tức, Lenny trong bộ phim “Trở lại Eden” định bắn chị là Stephany trong bữa tiệc Stephany mừng thắng cược, nhưng đã bị Jack, chồng của cô ta, cản lại. Trong cuộc giằng co với Jack, cô đã bắn trúng chồng mình. Stephany giành lại khẩu súng trong tay Jenny thì bị vu cáo là thủ phạm. Stephany vào tù, không một chứng cớ để biện minh. Hết sức đau khổ, nhưng bà vững tin vào chân lý.
Thế giới hôn nay vẫn còn biết bao “Jenny” khác ngang nhiên hãm hại người lành, đùa cợt trên nỗi đau của kẻ khác. Liệu người Kitô hữu, những người tin vào Đức Kitô Phục Sinh, có vững một niềm tin và kiên trì trong cuộc chiến vì chính nghĩa cho tới khi toàn thắng không ?
Xin Đấng Phục Sinh ban cho con sức sống dồi dào của Ngài, để con có thể chạy hết đoạn đường mà vẫn giữ vững niềm tin” (2 Tm 47). (Epphata)