Dân Chúa Âu Châu

Công việc Thánh Linh

Thứ Tư tuần 6 Phục Sinh.
"Thần Chân lý sẽ dạy các con biết tất cả sự thật".

Lời Chúa: Ga 16, 12-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai.
Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con.
Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: "Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con".

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Công việc Thánh Linh
Có một thanh niên nọ, trong thời gian còn trai trẻ, anh ta là một tín đồ Ấn Giáo. Anh lại có tính tò mò ưa tìm hiểu các tôn giáo khác. Sự tò mò nay đã thay đổi người thanh niên đến một bước ngoặc biến đổi cuộc đời. Anh ta đã gặp một chủng sinh Công giáo trong một khóa Kinh Thánh học về bài giảng trên núi. Chẳng bao lâu họ trở thành đôi bạn tâm đắc. Anh đã tâm sự với chủng sinh nọ như sau: "Tôi biết bài giảng trên núi đã ảnh hưởng trên thánh Gandhi như thế. Và tôi cũng muốn sống theo lời dạy trong bài giảng, nhưng tôi sợ rằng nó quá cao, quá khó đói với một người bình thường như tôi. Người chủng sinh không nói gì, anh chỉ lấy diễn từ của Chúa Giêsu trước khi ly biệt các tông đồ trao cho người thanh niên.
Thời gian cứ trôi qua theo năm tháng, và đến cuối khóa học, người thanh niên đã hớn hở chia sẻ như sau: "Quả thật, những lời dạy trong bài giảng trên núi đòi hỏi thật nhiều, có thể nói là rất khó thực thi. Tuy nhiên, tôi đã gặp được lời hứa của Chúa Giêsu. Ngài hứa ban Chúa Thánh Thần để hướng dẫn và thêm sức mạnh cho những ai muốn sống theo Ngài. Bây giờ chẳng còn gì làm cho tôi phải bận tâm suy nghĩ, lo lắng nữa". Và hôm nay người thanh niên ấy đã trở thành tư tế muôn đời của Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến!
Khi trao cho anh thanh niên người Ấn Giáo diễn từ của Chúa Giêsu, người chủng sinh đã gởi cho anh sự bình an tâm hồn. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội cũng muốn gởi đến chúng ta một phần nữa của sự bình an của Chúa Thánh Thần.
Có thể nói được rằng, hiểu biết là chìa khóa mở của sức mạnh. Tuy nhiên, không phải hiểu biết nào cũng tạo cho con người sức mạnh, một hiểu biết chủ quan chỉ đưa con người đến mù lòa; mù lòa trong phán đoán, mù lòa trong hành động. Và có những hiểu biết giả hiệu khác bằng các danh xưng thật hào nhoáng, nhưng thực chất lại trống rỗng, chẳng đưa con người tới đâu.
Ba năm chung sống với Thầy, biết bao dịp để tiếp cận với lời Thầy giảng dạy, với những công việc Thầy làm, nhưng các môn đệ cũng chẳng hiểu gì nhiều về Thầy mình. Mỗi lần Ngài loan báo cuộc tử nạn là mỗi lần các ông lại rơi vào lầm lẫn và thất vọng. Bởi thế, Chúa Giêsu đã phải hứa là ban Thánh Thần Chân Lý đến để phù trợ cho các ông. Khi Ngài đến, Ngài sẽ dạy dỗ các ông biết tất cả sự thật, sẽ cho các ông hiểu biết trọn vẹn về Ðức Giêsu, Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống.
Ðón nhận hiểu biết từ Thánh Thần đối với các môn đệ là một khám phá lại về Chúa Giêsu, vì Thánh Thần loan truyền những gì đã lãnh nhận từ Ngài. Ðây chẳng phải là một vòng luẩn quẩn hay dư thừa, vì dù cho đã sống ba năm hay hơn nữa, các môn đệ vẫn chưa hiểu về Thầy, nếu không được Thánh Thần hướng dẫn.
Biến cố hiện xuống của Chúa Thánh Thần là lật lại trang sử cuộc đời của Chúa Giêsu. Nếu trước đây các tông đồ đã sống trong những trang sử ấy và đã không hiểu gì thì bây giờ nhờ sự trợ giúp của Thánh Thần, các ông sẽ đọc được ý nghĩa của các dấu chỉ. Bây giờ Phêrô sẽ không còn khó chịu khi thấy hai bàn tay đã làm nhiều phép lạ lại sẵn sàng đưa ra cho người ta bắt trói. Ông cũng sẽ không còn trốn chạy trước khổ hình Thập Giá. Nhờ Thánh Thần, Phêrô và các tông đồ đã thực sự hiểu biết. Sự hiểu biết đã mang lại cho các ông sức mạnh, vì hiểu biết giúp các ông sáp nhập vào Ðức Kitô. Họ sống nhưng không còn là họ sống nữa mà là chính Ðức Kitô sống trong họ. Và cũng chẳng có một sự thật, một con đường và một sự sống nào khác ngoài Chúa Kitô, nên người tín hữu hôm nay cũng được mời gọi hướng về Ngài. Như các tông đồ xưa, họ đã chẳng khám phá ra Ðức Kitô, nếu không được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Thiếu vắng Thánh Thần, cái nhìn của tín hữu chỉ là cái nhìn chủ quan, hiểu biết cũng hạn hẹp, mù lòa. Chính khi đã khám phá ra sự thật, họ mới vững niềm tin và mạnh dạn bước theo tiếng gọi của Ngài.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, ước mong rằng nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mỗi người trong chúng ta sẽ biết khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa trong các điều quen thuộc của cuộc sống. Có thể hằng ngày chúng ta vẫn tiếp cận với tình yêu Ngài, vẫn hưởng nhận tình yêu Ngài, nhưng rồi chẳng bao giờ nhận ra để dâng lời cảm tạ Ngài. Nguyện xin Thánh Thần Chân Lý chiếu tỏa trên chúng ta ánh sáng của Ngài. Amen.
(Trích “Suy Niệm Hằng Ngày” – Radio Veritas Asia)

SUY NIỆM 2: Hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa
Một đồ đệ luôn khao khát tìm Chúa hỏi thầy mình: "Thưa thầy, con đã theo thầy bấy lâu trên con đường tu đạo, nhưng đến nay vẫn chưa một lần được nhìn thấy Chúa và hiểu được Ngài. Vậy xin thầy chỉ cho con cách để nhìn thấy Chúa?"
Thầy nói với trò: "Hãy nhìn thẳng vào mặt trời ngay giữa trưa! Con có thấy gì không?"
Đồ đệ đáp: "Mặt trời chói sáng quá, con không thể nhìn được!"
Thầy đáp: "Mặt trời phát sinh từ vật chất như bao vật khác, vậy mà con không thể nhìn nó cách rõ ràng. Thế thì đối với Thiên Chúa là Đấng Cực Thánh thì làm sao với mắt phàm con có thể hiểu và thấy rõ Ngài được!"
Bài Tin Mừng hôm nay Chính Chúa Giêsu đã xác nhận rằng "Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn". Đúng là mỗi người chúng ta luôn có khát khao, ước vọng được gặp Chúa một lần trong đời, hoặc thấu hiểu tất cả về Thiên Chúa. Thế nhưng sự thật là con người chúng ta vẫn có những giới hạn, chúng ta chịu sự chi phối của những quy luật vật lý, sinh lý. Vì vậy sự hiểu biết của chúng ta không thể bao trùm toàn bộ vũ trụ, chúng ta không thể hành động với sự tự do tuyệt đối nhưng cần phải đặt ra những giới hạn cho mình. Đi ngược lại với những điều này, tất yếu sẽ dẫn chúng ta tới con đường diệt vong. Nhận ra sự giới hạn của con người chúng ta cũng chính là phương thế để chúng ta hoàn thiện mình trên con đường dẫn tới Thiên Chúa.
Cuộc đời của mỗi người Kitô hữu chúng ta trên hiển nhiên sẽ có những khúc mắc, những băn khoăn về sự hiện diện của Thiên Chúa. Câu trả lời về Ngài trong một thời điểm, một giai đoạn không thể nào làm chúng ta thỏa mãn được. Đó là thân phận tất yếu của sự giới hạn của con người nhân loại chúng ta. Cũng như một đứa trẻ học lớp 5 không thể nào giải được bài toán lớp 9, nhưng không thể nói rằng nó suốt đời không giải được bài toán lớp 9. Đúng hơn khi đến giai đoạn học lớp 9, khi cả thân xác và trí khôn của nó đủ điều kiện thì nó sẽ hiểu được những điều mà trước đây hoàn toàn mù mịt đối với nó. Nếu Chúa có hiện ra cho chúng ta, nói với chúng ta mọi điều về Ngài thì liệu rằng với sự giới hạn của con người, hay chúng ta thiếu những điều kiện cần thiết để hiểu về ngài thì việc đó cũng chẳng có ích lợi gì cho chúng ta cả!
Điều gì đúng vẫn luôn là đúng, hay cái gì thật thì không thể nào là giả được. Thiên Chúa là sự thật và là sự sống, Ngài không thể là giả dối. Chính khi chúng ta hành động trong sự thật, dấn thân cho sự thật thì không có điều gì bảo rằng đó là giả. Thiên Chúa ngự trị trong sự thật, lương tâm là tiếng nói của Ngài cho con người. Chúng ta lắng nghe và làm theo tiếng lương tâm, dấn thân quyết liệt cho những đòi hỏi của giá trị Tin Mừng cũng là cách thức để Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn!
(Suy niệm của Giuse Đinh Thành Đạt SDB)

SUY NIỆM 3: Đấng Mặc Khải
Đức Giê-su Ki-tô, khi tiếp xúc với các tông đồ đã biết rõ sự yếu đuối của con người và sự khó hiểu của loài người về mặc khải của Thiên Chúa. Vì thế, ngày hôm nay, Đức Giê-su loan báo cho chúng ta về Tin mừng này là “Thánh Thần sẽ đến dẫn đưa anh em đến sự thật toàn vẹn … Ngài sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”.
Đức Giê-su đã hứa với chúng ta rằng chúng ta sẽ được dẫn tới sự thật toàn vẹn có phải để chúng ta biết được mọi bí mật trong vũ trụ ? Có phải cho chúng ta một kiến thức bách khoa không ? Có phải không có chi vượt ra ngoài sự hiểu biết của chúng ta không ? Tôi không tưởng như vậy. Bài Tin mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta một chiều kích khác, đó là sự thật toàn vẹn về một người. Chân lý của giáo lý Công giáo chỉ cho chúng ta biết, người đó chính là Đức Giê-su, Đấng làm chứng về Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Đức Giê-su còn làm chứng rằng đời sống của chúng ta được mời gọi đến sự sống đời đời sau cái chết. Người lấy chính bản thân mình làm chứng rằng hiến mạng sống mình cho người khác là phương thế biến đổi đời sống diệt vong này ra đời sống trường sinh bất diệt. Theo giáo lý, tin là tin vào một người chân thật, lời chứng của họ mới chân thật. Người ta không tin những nguyên lý, những mầu nhiệm, những chân lý suông. Tin là tin vào một người. Mặc khải của Thiên Chúa chính là mặc khải về một người đã hành động đầy nhân ái đối với con người.
Điều quan trọng là chúng ta gắn bó liên kết nhiều với Đấng của công thức đức tin, chứ không phải công thức tín lý làm cho có đức tin như chúng ta tưởng. Chúng ta không bao giờ tới được Đấng mà các nhà thần học chôn vùi trong hàng ngàn từ ngữ.
Trong Thánh lễ, chúng ta hãy chúc tụng Thiên Chúa đã cho chúng ta được tới với Ngài trong đức tin, và hãy cảm tạ Ngài vì đã ban tặng Thần khí của Ngài mặc khải cho chúng ta Đấng lạ lùng này là Đức Giê-su Ki-tô. Người là chân lý, là sự thật. Trong người chúng ta có thể hãnh diện biết bao.
C.G

SUY NIỆM 4: CHÌA KHÓA CỦA SỨC MẠNH
Có thể nói hiểu biết là chìa khóa của sức mạnh. Tuy nhiên, không phải hiểu biết nào cũng tạo nên sức mạnh. Một sự hiểu biết chủ quan chỉ đưa con người đến mù lòa: mù lòa trong phán đoán, mù lòa trong hành động; lại có sự hiểu biết giả hiệu được gán cho những danh xưng hào nhoáng, nhưng thực chất trống rỗng chẳng đưa con người tới đâu cả. Ba năm chung sống với Chúa Giê-su, biết bao lần được tiếp cận với lời Ngài giảng, việc Ngài làm, nhưng các môn đệ cũng chẳng hiểu gì nhiều về Ngài. Mỗi lần Ngài loan báo cuộc tử nạn của Ngài là mỗi lần các ông rơi vào lầm lẫn, thất vọng. Chính vì thế, Chúa Giê-su hứa ban Thần Chân lý, để khi Ngài đến, Ngài sẽ đưa các ông vào tất cả sự thật, sẽ hiểu biết trọn vẹn về Chúa Giê-su, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Đón nhận hiểu biết từ Thánh Thần đối với các môn đệ là khám phá lại về Chúa Giê-su, vì Thánh Thần sẽ dạy dỗ những điều đã lãnh nhận từ Ngài. Đây không phải là cái vòng luẩn quẩn hoặc dư thừa, bởi vì cho dù đã sống với Chúa Giê-su ba năm, các ông vẫn chưa hiểu về Ngài.
Biến cố Hiện xuống lật lại trang sử cuộc đời Chúa Giê-su. Nếu trước đây các môn đệ đã sống trong những trang sử ấy và đã chẳng hiểu gì, thì giờ đây nhờ sự trợ giúp của Thánh Thần, các ông sẽ đọc được ý nghĩa của các dấu chỉ. Phê-rô sẽ không còn khó chịu khi thấy hai bàn tay đã từng làm phép lạ lại sẵn sàng đưa ra cho người ta bắt trói, ông cũng không hổ thẹn đến trốn chạy trước khổ hình Thập giá nữa. Nhờ Thánh Thần, Phê-rô và Phao-lô cũng như các môn đệ khác đã thực sự hiểu biết, một sự hiểu biết đem lại sức mạnh vì đã làm cho các ông được sát nhập vào Đức Ki-tô.
Người Ki-tô hữu chúng ta cũng được mời gọi hướng về Thánh Thần, bởi vì không có Ngài, chúng ta sẽ chẳng khám phá ra Đức Ki-tô. Không có Ngài, cái nhìn của chúng ta chỉ là cái nhìn chủ quan, và sự hiểu biết của chúng ta chỉ là sự hiểu biết hạn hẹp, nông cạn.
Nguyện xin Thần Chân Lý chiếu tỏa trên chúng ta ánh sáng của Ngài.

SUY NIỆM 5: Suy niệm của Lm. Trọng Hương
A. Hạt giống...
Tiếp bài giáo lý về Chúa Thánh Thần: Chúa Thánh Thần là Thầy dạy kitô hữu. Ngài sẽ dạy kitô hữu biết sự thật, sự thật toàn vẹn
B. ... nẩy mầm.
1. “Thầy còn nhiều điều muốn nói với chúng con nhưng bây giờ chúng con không chịu nổi. Khi nào Thần Chân lý đến, Ngài sẽ dẫn chúng con tới sự thật toàn vẹn”. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục dạy chúng ta biết về Chúa Thánh Thần: Sau khi vạch cho chúng ta thấy những sai lầm của mình, Chúa Thánh Thần còn hướng dẫn chúng ta đến sự thật, sự thật toàn vẹn:
- Xã hội mà chúng ta đang sống là một xã hội nhiều gian dối, ngay cả mỗi người đối với bản thân mình mà cũng thường tự dối gạt mình: mình xấu mà mình nghĩ mình tốt, mình sai mà mình nghĩ mình đúng. Tất cả những sự dối trá đều gây hại, ngược lại, sự thật thì có lợi, như lời Chúa nói “Sự thật sẽ giải thoát chúng con”. Bởi thế mỗi người chúng ta đều cần biết sự thật, nhờ sự soi sáng của Chúa Thánh Thần: thỉnh thoảng chúng ta nên xét mình thành thật trong ánh sáng Chúa Thánh Thần, xin Ngài cho ta hiểu rõ con người mình như thế nào, còn những gì yếu kém cần sửa đổi.
2. Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn ta đến sự thật, không phải chỉ là sự thật về bản thân mình như vừa nói trên, mà còn là sự thật toàn vẹn. Sự thật toàn vẹn là gì ? Đó chính là điều Chúa Giêsu ngụ ý trong câu đầu bài Tin Mừng hôm nay “Thầy còn nhiều điều muốn nói với chúng con, nhưng bây giờ chúng con không có sức chịu nổi”. Trong khoảng thời gian Chúa Giêsu sống cạnh các môn đệ, có nhiều điều Chúa Giêsu vừa mới nói hé một chút thì các môn đệ đã không chịu nổi nên Chúa Giêsu thôi không nói nữa. Thí dụ khi hai người con của bà Giêbêđê đến xin Chúa cho họ được ngồi hai bên tả hữu Ngài, Chúa Giêsu hỏi lại “Nhưng chúng con có uống nổi chén đắng của Thầy không ?” Hai ông tuy đáp liều là nổi nhưng sau đó không dám xin nữa và Chúa Giêsu cũng không nói thêm gì nữa. Trong câu chuyện ấy, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa nói rõ chính là chén đắng. Một lần khác Chúa Giêsu vừa mở miệng báo tin Ngài sẽ bị bắt bị hành hạ và bị giết chết, thì Phêrô cũng không chịu nổi nên vội lên tiếng can ngăn. Trong chuyện này, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa thể nói rõ chính là mầu nhiệm đau khổ của Thập giá. Trong đêm thứ năm trước khi ra đi chịu chết, Chúa Giêsu quỳ trước các môn đệ và rửa chân cho họ, Phêrô lại một lần nữa không chịu nổi nên cự nự “Không đời nào con để Thầy rửa chân cho con”. Ở đây sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu cũng chưa tiện nói hết là sự hạ mình của Ngài và của các môn đệ. Tóm lại sự thật toàn vẹn là các môn đệ phải chấp nhận số phận của Thầy mình, phải tự khiêm tự hạ, phải chịu đau khổ chịu bắt bớ và có thể chịu chết giống như Thầy. Nhưng trong tất cả những lần kể trên Chúa Giêsu không nói hết ý nghĩ của mình được vì các môn đệ đã không chịu nổi. Về sau khi Chúa Giêsu đã sống lại và lên trời, Chúa Thánh Thần đã dẫn các môn đệ đến sự thật toàn vẹn ấy, và khi đó, nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, các ông đã chịu nổi, chẳng những chịu nổi mà còn vui lòng chịu: một lần kia vì đã rao giảng về Chúa Giêsu, các tông đồ bị bắt giam trong tù hết một đêm, sau đó bị điệu ra Thượng Hội đồng, bị đánh đòn một trận rồi mới được thả ra. Sách Công vụ viết khi ấy các ông lòng đầy hân hoan vì được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu. Thánh Phaolô cũng thế, sau biết bao gian truân nguy hiểm vì loan báo Tin Mừng, ngài nói “Tôi sung sướng vì được thông phần cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô trong thân xác tôi”. Ngài còn nói “Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô”, cái thập giá mà những người trí thức hy lạp coi là điên rồ và những người do thái sùng đạo coi là cớ vấp phạm.
3. “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào thần khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”
“Giê-su, ông là ai ?”. Đó là câu hỏi của nhân vật Giuđa Iscariot trong tác phẩm “Giê-su, ông là ai ?” của nhà văn Dominico Donrio. Câu chuyện được mở ra với bầu khí chờ đợi Đấng Mêssia của dân Israel . Khi Đức Giê su đến chịu phép rửa, Gioan đã loan báo về Người; lúc đó, Đức Giê su biến mất. Mọi người đổ xô đi tìm Người. Chính quyền thì lùng bắt để giết đi. Quân cách mạng thì tìm để tôn vinh. Trong khi ấy, Đức Giê su lại âm thầm đến với cộng đoàn Esseniens, nơi Giuđa Iscariot làm thủ lãnh.
Họ hiểu Ngài, đón Ngài, nhưng họ lại không thể chấp nhận Ngài, vì không chịu nổi những gì Ngài nói, cách Ngài sử thế và Giáo lý Ngài truyền dạy.
“Giê-su, Ngài là ai ?” là câu hỏi của các môn đệ và người đương thời.“ Giê-su, Ngài là ai?” cũng là câu hỏi cho tôi khi đối chất với lời Ngài, nhất là khi giáo lý của Ngài đòi tôi phải lội ngược dòng.
Lạy Chúa, chỉ trong Chúa Thánh Thần, các muôn đệ mới hiểu và tin vào lời Ngài, một hiểu biết mang lại sức mạnh cho các ông đón nhận mầu nhiệm tử nạn và Phục Sinh của Ngài. Và con cũng thế, sẽ chẳng hiểu được lời Ngài dạy trong cuộc sống, nếu không có thần khí của Ngài hướng dẫn Nguyện xin Thánh Thần Chúa toả trên chúng con. (Epphata)